.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Trần Đan Hà


Hồ rau muống

  •  PSN 16.04.2009

Như thường lệ, buổi sáng bác Tâm thức dậy thật sớm, xuống bếp chụm củi đun ấm nước sôi để pha trà. Bác có thói quen uống trà, thay cho bửa điểm tâm duy nhất của bác. Trước đây cũng vậy, buổi sáng bác không ăn gì cả, chỉ uống một bình nước trà rồi vác cuốc ra đồng. Cho đến gần trưa bác gái mới mang cơm ra. Cũng quen dần nên sau này bác thấy không thể thiếu một bình trà trong mỗi buổi sáng. Bác thường nói theo các cụ ngày xưa hay ví von: "Bình minh nhất trản trà". Tuy cuộc sống với ruộng vườn, nương rẫy chân lấm tay bùn nhưng bản chất của bác luôn có một cuộc sống nhàn nhã, ít nhất cho bản thân bác. Trong làng bác được tiếng là người rộng lượng và có tình nghĩa với bà con giềng xóm. Mặc dầu gia đình của bác cũng chẳng có gì gọi là giàu sang. Cuộc sống của người dân các vùng thôn quê, nhà nào có đủ lúa gạo ăn giáp hột thì gọi nhà giàu rồi (nghĩa là còn có gạo ăn cho đến mùa gặt tới). Còn hầu hết thì phải đi vay mượn trước đó cả tháng, hoặc vài ba tuần lễ. Hay ăn độn thêm khoai sắn, các thứ được họ xắt lát phơi khô, dự trữ đến mùa mưa gió đem ra ăn thay cơm.

 

Đó là tình trạng kinh tế của quê tôi trước đây. Vì trong thời kỳ loạn lạc bởi chiến tranh, phải đi tản cư đến các vùng yên ổn. Rồi trở về, rồi lại chạy đi lần nữa. Cứ thế mà ruộng vườn phần nhiều đều phải bỏ hoang, không có ai canh tác. Vã lại đất đai cằn cỗi, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán hay mưa dầm thối đất. Mưa gió bão bùng khiến cho hoa màu không thể phát triển theo tự nhiên. Chỉ những loại cây lưu niên còn sót lại, nhờ vậy mà dân làng cũng đỡ đần qua ngày đoạn tháng.

 

Tôi còn nhớ sau thời kỳ chia đôi đất nước ngày 20.7.1954, miền Nam được thành lập Đệ nhất Cộng hòa, với chính sách đối với nông dân rất rộng rãi. Những người nào khai khẩn đất hoang, thì chính phủ miễn thuế cho ba năm. Người nông dân được tự do làm ăn sinh sống, nhưng quê tôi nhiều người vẫn không đủ cơm ăn, phải ăn độn thêm khoai sắn. Vì vùng này là một vùng đất đai cằn cỗi, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán và bão lụt liên miên. Thường thì họ chỉ làm được vụ mùa tháng ba là thâu hoạch trọn vẹn; còn vụ mùa tháng tám thì thất thường. Có năm đến tháng bảy lúc lúa mới đòng đòng, mà bổng dưng bị lũ lụt thì xem như mùa ấy thất thu.

 

Còn nói đến bây giờ trong thời xã hội mới thì lại càng thê thảm hơn nữa! Vì tình trạng làm đoàn đội, canh chung không ai bỏ muối! Đất đai đã cằn cỗi rồi, mà ruộng vườn lại thiếu người chăm sóc thì lấy đâu ra lúa mà gặt hái? Mặc dầu nhà nước thường hay cổ võ bằng câu khẩu hiệu rằng: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”! Đúng thế, khi trồng cây lúa phải cần những thứ ấy, nhưng lấy đâu ra cho đủ nước nơi một xứ sở quanh năm hạn hán? Lấy đâu ra đủ phân để bón cây trong khi nhà nước quản lý hết thảy trâu bò gà vịt? Lấy đâu ra những người chuyên cần để chăm sóc cây cỏ, ruộng vườn trong khi đến mùa thâu hoạch thì chia cho một công lao động chưa đủ mươi bữa ăn điểm tâm? Còn phải nuôi thêm một lớp cán bộ ăn không ngồi rồi nữa!

 

Thêm vào đó trong những năm đầu sau bảy mươi lăm, việc canh nông lại phải theo sự chỉ đạo của cán bộ các cấp. Phần nhiều cán bộ là những người miền ngoài vào, chưa quen phong thổ, chưa biết những đặc điểm của đất đai, không cần thuận theo thời tiết, cũng chẳng tham khảo ý kiến của những bậc tiền bối trong làng, mà chỉ làm theo một công thức đã định sẵn. Vì vậy nên bị thất thu liên miên. Đã bị thất thu nhưng cán bộ phải báo cáo lên trên cho đạt chỉ tiêu, bằng cách căn cứ vào những phần ruộng tốt nhất (dĩ nhiên trong làng xã nào cũng có đất nơi này tốt, chỗ kia xấu). Đất xấu nhiều hơn đất tốt, nhưng lại lấy chỗ tốt để quân bình việc thu hoạch cho đạt chỉ tiêu để nhà nước thâu thuế, nên phần còn lại là lúa lép chia cho nông dân. Vì thế mà người dân đi lao động không có ăn.

 

Tuy trong làng xã có rất nhiều gia đình thiếu thốn trăm bề, nhưng gia đình bác Tâm thì không đến nỗi gì. Nhờ hai bác đã quá tuổi lao động, không phải đi làm đoàn đội như những người còn trẻ. Vã lại trong khu vườn của bác cũng còn mươi gốc tiêu, chục cây chè, dăm bảy cây mít, bụi chuối…, mà hợp tác xã phải chia cho bác. Vì đây là sở vườn hương hỏa của tổ tiên, đồng thời còn căn nhà tranh của bác đang cư ngụ nằm trong khu vườn ấy. Hàng ngày bác ra vườn bón mấy gốc tiêu, tỉa mấy lá chè bị sâu, hay vun đất cho mấy cây cam, quýt công việc cũng nhàn nhã. Nhờ bác vận động đều đặn và hít thở khí trời trong lành, cho nên nay bác đã gần bảy mươi tuổi nhưng trông thấy bác vẫn còn khoẻ mạnh và minh mẫn lắm.

 

Ngồi nhăm nhi bình trà một cách thông thả thư nhàn, thấy bác như vui hơn mọi bữa; một nỗi hân hoan mà hình như đã từ lâu rồi bác chưa bắt gặp. Kể từ sau ngày đổi đời, bác nhìn thấy tinh thần của dân làng chao đảo bởi những khó khăn gây ra vì thiếu thốn đủ thứ. Mọi người đều tất bật với cái ăn cái mặc, vất vã đến cùng cực mà vẫn không thấy một chút khả quan nào. Từ khi hợp tác xã thành hình, người dân đã gặp nhiều khó khăn rồi. Phần thì ruộng vườn bị bỏ hoang lâu ngày bây giờ canh tác, phải tốn nhiều công mà chưa thâu hoạch được sản phẩm nào khả dĩ. Phần thì cán bộ chưa rành rẽ mấy về việc canh nông, lại chỉ thị xuống những phương pháp mà thấy đã trái với thiên nhiên, không hợp với kỹ thuật như việc sử dụng hạt giống chẳng hạn. Nói chung là những năm đầu của hợp tác xã, như một cuộc thử nghiệm cho việc cải tiến canh nông của nhà nước. Như khi nhà nước nhận thấy giống lúa thần nông có năng xuất thu hoạch cao, thế là từ trên xuống dưới đều thay thế hoàn toàn một loại giống lúa thần nông. Ruộng cao cũng như ruộng thấp đều phải cấy một loại lúa thần nông hết. Nhưng loại lúa này thì cây lại thấp không thể hợp với ruộng thấp, hay ngập nước.

 

Đó cũng là nguyên nhân chính đưa đến việc thất thu hàng năm. Bác cũng cảm thấy đau lòng không ít, nhưng đây là tình trạng chung, chứ không riêng gì dân làng của mình! Tuy bác là người đã quá tuổi lao động rồi, bác chỉ quanh quẩn trong đám vườn nhà của bác mà thôi, cũng đủ đắp đổi qua ngày cho gia đình bác. Bác chỉ tham gia trong việc làng nước, như các buổi họp của hợp tác xã chẳng hạn, bác cũng chỉ ước mong là đóng góp ý kiến xây dựng với những kinh nghiệm của bác. May ra sẽ đem lại chút lợi ích nào cho công việc sinh hoạt trong làng xã, đó là điều ước mong duy nhất của bác.

 

Hôm nay bác Tâm cũng dậy sớm như mọi bữa, bác pha một bình trà ngồi nhăm nhi một cách thích thú. Bác vừa uống trà, vừa rung đùi và nói lẩm bẩm như đang nói chuyện với ai đó. Chợt lúc bác gái đi ngang qua, thấy bác trai hôm nay có vẻ tươi tỉnh khác thường bèn hỏi: Sao hôm nay trông ông có vẻ vui như rứa? Bác trai được dịp ngồi kể chuyện lại với bác gái: Hôm rồi tôi đi dự họp trên xã, có cán bộ huyện về chủ trì họ nói nhiều chuyện nghe cũng được, nên hôm nay tôi thấy lòng mình phấn khởi lạ thường! Có một cán bộ nói rằng: Vì quê hương chúng ta mới được giải phóng, vừa tiếp thu những tàn dư của chế độ cũ để lại, nhà nước chưa kịp cải tổ, vì vây mà kinh tế gặp nhiều khó khăn. Cho nên theo chỉ thị ở trên thì hiện nay, chúng ta phải tranh thủ thêm ngoài giờ lao động chính, cần phải làm thêm để hầu tăng năng xuất để bù đắp vào những thiếu hụt hiện nay. Cấp trên có chỉ thị rằng bà con nào có khả năng ngoài giờ lao động của mình, có thể canh tác thêm những phần đất mà hợp tác xã đang bỏ hoang, trồng thêm cây cải ngọn rau để phụ thêm cho kinh tế gia đình, thì nhà nước đều hoan nghênh cả! Vậy từ nay bà con thấy chỗ đất nào tiện lợi gần nhà mà hợp tác xã không canh tác đến, thì bà con cứ tự tiện canh tác. Đây là chỉ thị của cấp trên, chúng tôi xin thông báo với bà con được biết!

 

Bác Tám thấy đây như một tia hy vọng cho dân làng mình, tuy làm thêm nhiều thì cũng vất vã đó, nhưng bù lại còn được no đủ. Chứ như lao động hoài trong hợp tác xã, đến mùa thu hoạch không đủ để nấu cháo nữa là khác. Bác chỉ thương cho những gia đình có con còn nhỏ, hai vợ chồng lao động suốt ngày nhưng vẫn không đủ ăn! Còn gia đình bác thì cũng không đến nỗi gì, hai bác đã quá tuổi lao động, không phải tham gia vào hợp tác xã như những người khác. Tuy nhiên nghe cán bộ phổ biến như vậy bác thấy cũng hợp tình hợp lý. Nên sau nhà bác có mấy hố bom liền nhau, thấy không ai canh tác, bác đợi dịp trời mưa mang tơi đội nón ra cào cuốc lấp mấy hố bom kia, tạo thành một đám ruộng để trồng rau muống. Công việc lấp mấy hố bom cũng không lấy gì nặng nhọc cho lắm, chỉ canh khi nào trời mưa to thì lùa đất theo nước mưa những chỗ cao cho chảy xuống thấp.

 

Bác gái thì đi chợ mua ngọn rau muống về cấy xuống, chỉ mất vài ngày mà gia đình bác Tâm đã hoàn thành một hồ rau muống sau nhà, trông cũng rất xinh xắn. Những buổi chiều trong khi ra săn sóc vườn nhà, bác Tâm đứng ngắm hồ rau muống càng ngày càng xanh tươi, lòng bác cũng cảm thấy vui hẳn lên. Không phải bác mừng vì hồ rau muống này sẽ đem đến cho bác một nguồn lợi hơn ngày hôm qua; mà bác mừng là nếu chính sách của nhà nước được rộng rãi như thế này, thì dân làng sẽ bớt thiếu thốn một phần. Còn vấn đề vất vã thì thời nào cũng vậy thôi, người dân quê thì cuộc đời của họ là chân lấm tay bùn, quanh năm vất vã như vậy rồi. Chỉ cầu mong có được tự do để làm ăn mà thôi, đừng ràng buộc vào chính sách này, điều kiện nọ thế là họ đã mãn nguyện lắm rồi!

  

Nhưng chỉ vài ba tháng sau, thì hợp tác xã cử cán bộ mang giấy tờ sở hữu đất đai thuộc về hợp tác xã, đến gặp bác Tâm để đòi bác trả lại phần đất mà bác đã canh tác để trồng rau muống. Vì phần đất này sở hữu của hợp tác xã, bác canh tác mà không xin phép. Bác trả lời theo tinh thần phiên họp mấy tháng trước, cán bộ huyện đã chỉ thị cho xã viên về việc canh tác đất hoang, những nơi hợp tác xã không canh tác. Hầu trồng cây rau cây cải để tăng thêm kinh tế cho gia đình, các anh không nhớ sao? Tôi vẫn biết phần đất này nằm trong phạm vi đất của hợp tác xã, nhưng là đất còn bỏ hoang vã lại nằm cạnh vườn nhà chúng tôi, nên tôi canh tác để trồng rau muống.

 

Nhưng cán bộ hợp tác xã thì nhất định đòi phần đất ấy lại cho được. Họ còn nói thêm đây là chính sách chung của huyện nhà chúng ta, chứ chúng tôi không phải chờ cơ hội để bắt ép bác đâu. Mong bác thông cảm cho, và cũng xin thông báo cho bác biết là hợp tác xã sẽ trưng dụng phần đất ấy trong mùa tới. Sau khi cán bộ hợp tác xã ra về rồi, bác tự trách mình đã vội tin để bây giờ phải hối hận. Không phải bác tiếc hồ rau muống đã lên xanh; cũng không phải bác tiếc công của mình mấy ngày dầm mưa để lấp mấy hố bom kia. Mà bác chỉ tức có một điều là cán bộ trên huyện là những người đại diện cho dân trong huyện nhà; thì đối với hợp tác xã cũng là cán bộ của dân trong huyện nhà, thế mà làm việc không thống nhất, để đưa đến những tình trạng “ông nói gà bà nói vịt” làm mất lòng dân. Thêm nữa là bác thương dân làng thấp cổ bé miệng, không ai dám phản đối một việc gì dù nhỏ. Nên bác thấy nếu cán bộ địa phương chèn ép được bác, thì sau này bất cứ ai họ cũng không chừa. Vì thế mà  bác rất lo lắng cho tương lai của dân làng, không biết tình tự này sẽ còn gì thêm nữa. Bác là người tương đối có uy tín trong làng xã, mà tiếng nói của bác không được cán bộ địa phương thông cảm thì thôi. Huống gì những người dân thấp cổ bé miệng, họ chỉ biết lo làm ăn để nuôi sống gia đình.

 

Bác Tâm biết không thể tranh cải với cán bộ hợp tác xã được, vì họ cũng chỉ là những người thừa hành, mặc dầu trong lòng bác rất ấm ức về việc này. Bác sẽ chờ đợi cán bộ huyện về họp trong tháng tới, sẽ hỏi cho ra lẽ.

 

Ngày chờ đợi của bác Tâm cũng đã đến, hôm nay là buổi họp toàn dân trong xã, có cán bộ huyện về chủ trì. Mục đích là để kiện toàn công việc sản xuất để tăng năng xuất trong mùa tới. Sau khi cán bộ huyện đọc xong bản dự án về những biện pháp tăng chỉ tiêu trong lao động, hầu giải quyết những thiếu thốn lâu nay. Đến bây giờ bác Tâm mới biết họp hành cũng chỉ để truyền đạt những chỉ thị trên xuống và răm rắp làm theo, chứ có cần ai góp ý hoặc xây dựng điều gì đâu.

 

Tuy nhiên đến giờ thắc mắc của xã viên, bác Tâm cũng trình bày lại câu chuyện hồ rau muống của bác. Trước đây cán bộ huyện đến phổ biến như vậy. Chúng tôi đã hưởng ứng làm theo lời kêu gọi, thế nhưng bây giờ cán bộ xã lại nói một đường khác. Vậy xin cán bộ huyện giải quyết dùm cho dân nhờ.

 

Người cán bộ huyện vẫn nhỏ nhẹ với bác Tâm: Thưa bác, theo trình bày của bác thì chúng tôi nghe rất hợp tình hợp lý. Theo tôi được biết thì trước đây các cán bộ huyện cũng có về làm việc đúng với tinh thần như bác đã trình bày. Nhưng kỳ họp ấy tôi không được tham dự nên không có ý kiến gì giúp bác được. Vậy tôi xin ghi nhận sự việc của bác đã trình bày, sẽ đệ trình lên trên để cứu xét cho bác sau.

 

Bác Tâm vẫn kiên nhẫn chờ đợi kết qủa trong cuộc họp tháng sau. Nhưng tháng sau trên huyện lại cử một cán bộ khác xuống chủ trì, và cũng với luận điệu sẽ trình lên trên để cứu xét cho bác.  Sau đó không lâu, cán bộ xã lại đến nhà báo cho bác biết là ban điều hành đã có chương trình khoanh vùng những phần đất thuộc hợp tác xã, để xúc tiến canh tác vụ mùa tới. Trong những phần đất sắp triển khai của hợp tác xã, có hồ rau muống của bác Tâm trong đó! Bác ngao ngán nhưng đành chịu vậy, biết sao?

 

Sáng hôm nay, bác Tâm thức dậy như thường lệ nhưng thấy bác không vui như mọi bửa. Bác ngồi thở ra thở vào rồi nói với bác gái: Thôi chúng ta ra cắt hết rau muống, gọi mấy người bà con làng xóm lại cho họ mỗi người một ít về dùng, còn dư mang ra chợ bán hết để trả đất lại cho hợp tác xã. Tổ cha chúng nó, mình đã già hơn nửa đời, tóc bạc đã gác tóc đen rồi mà lại đi mắc mưu mấy thằng con nít, thấy có tức không. Đây là lần đầu và cũng là lần cuối, tao không bao giờ dại một lần thứ hai nữa đâu. Chúng bây đừng hòng bày mưu kiếm kế để lấn át dân lành.

 

Bác gái dịu dàng như để an ủi: Ông làm gì mà bực tức lên dữ rứa? Trước đây ông đi họp về nghe khen cán bộ trên huyện đáo để! Nào là họ ăn nói có tình có lý, họ giải quyết vấn đề có logic khoa học. Rồi bây giờ cũng ông! Mắc mưu thì cũng đã nhiều người có chức có quyền, tài cao đức trọng mà vẫn mắc mưu như thường, huống hồ chi mình là những thằng dân đen! Biết để kinh nghiệm cho mai sau, chớ làm chi mà bực bội cho mệt cái xác.

 

Nghe bác gái giải thích, bác Tâm cũng cảm thấy an ủi một phần nào, tuy trong lòng còn hậm hực với mấy tên cán bộ đã đưa bác vào một trường hợp chẳng đặng đừng! Không nói cũng không được, mà nói ra thì gây thù gây oán, bác Tâm cũng biết vậy. Nhưng đối với bọn không biết tình biết nghĩa là gì thì phải chửi cho chúng một phen để sau này chừa cái thói lường gạt đi.

 

Sau khi bác Tâm trả lại cho hợp tác xã phần đất mà bác đã canh tác để làm đám ruộng trồng rau muống, bà con trong hợp tác xã đã có nhiều người than phiền, nhiều người phản đối. Nhưng cán bộ thì hầu hết không phải là người trong địa phương làng xã, nên những lời phản đối ấy cũng chẳng ai nghe.

 

Bác Tâm cũng tâm sự với những người hàng xóm, như tự an ủi mình: Thôi chúng ta biết vậy là được rồi, chớ đừng nói nhiều mà mang họa vào thân. Vì người xưa có nói: “Thượng bất chánh thì hạ tác loạn”. Trong một xã hội mà những người lãnh đạo không trung thành với dân, thì phía người dân họ đâu có phục; mà đã không phục thì họ đâu có ai tùng? Có trên mà không có dưới thì lấy chi mà đứng? Làm việc gì cũng vậy, phải luôn lấy chữ trung chữ tín để đối xử với đời, thì may ra đời còn dung dưỡng. Dẫu không làm nên nỗi việc gì lớn lao để tiếng tăm lại cho hậu thế đi nữa, thì mình cũng nên sống trung thực với bà con làng xã, hầu mai sau còn có người thương. Chứ như những phường “lường thưng tráo đấu”, thì có mấy ai khá đâu?

 

Bà con cứ tin tui đi, nếu cái trò này còn tiếp diễn nữa, thì thế nào cũng có loạn. Cổ nhân đã nói không sai đâu: “Trên mà sống không kỷ cang, thì bên dưới lập đàn mây mưa”, cũng như chúng ta đã từng thấy, con giun con dế khi chúng ta đạp một đầu, đầu kia nó còn ngo nghoe chống lại để thoát thân, huống chi chúng ta là con người? Và dĩ nhiên sau khi chống lại thì hy vọng sẽ thoát thân; cũng như sau khi loạn rồi thì sẽ đem đến cái trật tự vậy! Đó là luật bù trừ của tạo hóa mà.

 

Sau khi nghe bác Tâm nói vậy, những người trong làng ai cũng nghe lòng như đang mong đợi một cái loạn đang đến gần, thật gần ... 

 

 Trần Đan Hà 

TRẦN ĐAN HÀ

 

Sinh năm 1945 tại Cam Lộ Quảng Trị

Năm 1982 vượt biên và được tàu Cap Ananmur cứu vớt và định cự tại Đức.

Hiện tại sinh sống với gia đình  tại tỉnh Reutlingen.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.