.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Trần Đan Hà

Đọc "Giấc mơ Trường Sơn"
thi phẩm của Tuệ Sĩ

 

Người ở lại giữa lòng tay bạo chúa

Cọng lau gầy trĩu nặng bóng tà dương !

                           (Giấc Mơ Trường Sơn)

Ðây là chân dung Thượng tọa Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, sinh năm 1943, xuất gia tiểu đồng khi còn cư ngụ bên Lào. Thầy là một trí thức Phật giáo mà tâm thức và hành sử luôn hướng về dân tộc và đạo pháp. Trước năm 1975, Thầy là Khoa trưởng Phật học viện đại học Vạn Hạnh, tác giả nhiều cuốn sách biên khảo đặc sắc về văn học, triết học Trung Hoa, thơ Tô Ðông Pha, một số thơ, truyện và thơ dịch, đã đăng liên tiếp trên nhiều tạp chí văn học tại Sài gòn.

Tháng 3-1999, Hòa thượng Huyền Quang đã gặp Hòa thượng Quảng Ðộ và đề bạt Thượng tọa Tuệ Sỹ làm Tổng thư ký Viện Hóa Ðạo, thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Hai câu thơ trong bài Tôi Vẫn Ðợi là hình ảnh bi tráng của một thực tại nghiệt ngã, ví như một cọng lau gầy, nhưng không gảy đổ trước gió dông bão loạn, vẫn đứng sừng sững với thiên thu. Với tấm lòng yêu quê cha đất tổ, nên người quyết chí ở lại với quê hương cho dù phải ở lại giữa lòng tay bạo chúa !

Ðây có thể là tâm sự chung của cả một thế hệ đồng cảnh ngộ, đang sống trên quê hương nhưng đã phải ly thân, lạc loài. Mang một tâm trạng xót xa cho vận nước nổi trôi; đang ôm ấp một hoài bảo xoay chiều thế cuộc. Cuộc sống đang nằm trong một thực tại rối rắm và hoang mang, mọi lối thoát nằm ngoài, cách ly với chủ thể hiện thời nên tư tưởng đành bay ngoài "viễn mộng"... !

Vị Thiền sư với cuộc sống khổ hạnh, nhưng lại đa mang một tâm hồn thi sĩ, nên thơ nở trên hai bình diện trí tuệ thâm diệu của bậc đại hạnh, và một tấm lòng từ bi thơ mộng của nhân sinh.

Thi nhân sinh trưởng trên dãy Trường sơn của đất Thượng Lào, trong một giai đoạn (tạm gọi) là thanh bình. Nơi chốn núi rừng ấy đã hiến dâng cho người những nguồn sống tươi mát và đẹp nhất; đã ghi lại trong lòng những thiết tha, yêu mến quê hương muôn đời. Nhưng trong sự chuyển hóa của vô thường, cuộc đời vẫn ẩn dấu những chuyển biến của tan hợp, chia xa:

Ðôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ

Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang ...

Hai câu thơ đầu của một tuyệt tác, có tựa là "Không Ðề" (sau in vào thi tập đổi lại tựa "Khung Trời Cũ") một bài thơ mà cố thi sĩ Bùi Giáng đã nhận xét: "Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ từ Ðường thi Trung Hoa tới Siêu thực Tây Phương." (trích Ði Vào Cõi Thơ của Bùi Giáng, viết về Thầy Tuệ Sỹ).

Tâm cảnh ấy đẹp biết bao, vì đã chan chứa một thời hoa mộng. Nơi chốn bao dung cho những tấm lòng chân nguyên; đã chở che cho lứa tuổi chưa hề biết đến hệ lụy của cuộc đời. Vì thế mà Người thấy mến yêu như chưa bao giờ... Lòng yêu mến quê hương và những kỷ niệm tuổi thơ đã trải dài “từ núi lạnh đến biển xanh muôn thuở“, còn mãi ghi khắc như những “hạt muối đó chưa tan“. Ðể biến thành một chí khí kiên cường trước tất cả những sức mạnh của bạo lực. Nên Người đã thể hiện tinh thần vô úy với hùng khí chất ngất, đã sống ngạo nghễ giữa lòng dân tộc. Khi thấy vận nước thăng trầm thì người cũng dấn thân vào con đường của kẻ sĩ. Cất cao tinh thần bất khuất, để mong sao cho đất nước được thoát khỏi vòng trầm luân khổ nạn. Ðứng trước cảnh đất nước suy vong ấy, người cũng đã một lần "cởi áo cà sa khoác chiến bào". Chiến bào ở đây là sử dụng trí tuệ và lòng từ bi của đấng Như Lai, mong xoay vận nước thăng trầm trở lại thăng bình. Nhưng bạo quyền không thấy được, nên đã giáng xuống người những bản án bất nhân! (năm 1979 đến năm 1981, người bị bạo quyền Cộng sản nhốt tù. Rồi đến năm 1984 bị bắt lại, sau đó bị ra tòa với bản án tử hình). Ðược các tổ chức của thế giới như Ủy Ban Nhân Quyền, Văn Bút Quốc Tế... can thiệp, nên án được giảm xuống 20 năm cấm cố! đến 02 tháng 9 năm 1998, Thầy được trả tự do sau 14 năm khổ sai !

Thầy Tuệ Sỹ không những là một lãnh tụ Phật giáo Việt Nam khả kính, một học giả uyên bác về triết học Ðông Tây, về Phật giáo Nguyên thủy và Ðại thừa, Thầy còn mang một tâm hồn nghệ sĩ trong thế giới thi ca âm nhạc: làm thơ, thổi sáo, đánh dương cầm và vĩ cầm...

Thầy Tuệ Sỹ làm thơ rất nhiều, nhưng chỉ lưu lại với bản thảo mà thôi. Sau nầy Ni cô Tuệ Hạnh thu nhặt lại một số thơ của Thầy in thành thi tập "Ngục Trung Mị Ngữ" do Quảng Hương Tùng Thư xuất bản. Với thi tập nầy, thơ Thầy làm hầu hết là thơ bằng chữ Hán. Cảm động nhất là bài thơ Cúng Dường:

 Phụng thử ngục tù phạn

 Cúng dường Tối Thắng Tôn

 Thế gian trường huyết hận

 Bỉnh bát lệ vô ngôn.

Thượng Tọa Viên Lý dịch như sau:

 Hai tay nâng chén cơm tù

 Dâng lên từ phụ bậc thầy nhân thiên

 Thế gian huyết hận triền miên

 Bưng bình cơm độn lặng yên lệ trào.

Ðến thi tập "Giấc Mơ Trường Sơn", (nhà xuất bản An Tiêm, San Jose, California, 2002.) cũng góp nhặt như thế. Thi tập nầy được kết hợp bởi các tập thơ mỏng của bản thảo như :

- Phương Trời Viễn Mộng gồm có 9 bài thơ

- Giấc Mơ Trường Sơn gồm có 29 bài thơ

- Tĩnh Tọa gồm có 9 bài thơ

- Tĩnh Thất gồm có 32 bài thơ

Tuy nhiên, trong các tập Tĩnh Tọa và Tĩnh Thất, với một tựa đề nhưng gồm nhiều bài thơ được đánh dấu 1-2-3... như "Trúc và Nhện" lại có đến 5 bài thơ.

Hai tập đầu (Phương Trời Viễn Mộng làm trước năm 1975, và Giấc Mơ Trường Sơn, làm từ 1975 đến 80) thuộc loại thơ diễn tả những suy tư về thân phận con người, về cảnh vô thường của tạo hóa, về vận nước thăng trầm, về lòng ái quốc và tinh thần dấn thân của kẻ sĩ...

Còn hai tập sau (Tĩnh Tọa, làm từ 1983 đến 2000, và Tĩnh Thất, làm từ 2000 đến 2001) phần lớn là những bài thơ rất cô đọng, được sử dụng ngôn ngữ siêu thực hòa với ngôn ngữ cổ phong hiện thực, tạo thành những hình ảnh kỳ ảo riêng tây. Mà bóng dáng của những hình ảnh ấy ảo hóa đến vô cùng. Chúng ta hãy thưởng thức các thể thơ:

1. Thể thơ như loại thơ Heiku của Nhật: Bài số 7 (trong Tĩnh Thất)

Trời cuối thu se lạnh

Chó giỡn nắng bên hè

Nắng chợt tắt

Buồn lê thê.

 

2. Thể thơ Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt: Buổi Sáng Tập Viết Chữ Thảo.

Sương mai lịm khói trà

Gió lạnh vuốt tờ hoa

Nhè nhẹ tay nâng bút

Nghe lòng rộn âm ba.

                               Sài gòn 80

 

3. Thể thơ Lục Bát: Phố Trưa. (toàn bài)

Phố trưa nắng đỏ cờ hồng

Người yêu cát bụi đời không tự tình

Sầu trên thế kỷ điêu linh

Giấc mơ hoang đảo thu hình tịch liêu

Hận thù sôi giữa ráng chiều

Sông tràn núi lỡ nước triều mênh mông

Khói mù lấp kín trời đông

Trời ơi, tóc trắng rũ lòng quê cha

Con đi xào xạc tiếng gà

Ðêm đêm trông bóng thiên hà buồn tênh

Ðời không cát bụi chung tình

Người yêu cát bụi quê mình là đâu ?

                                                     N.Tr 4-1975

 

4. Thể thơ Tự Do: Bài Ca Cuối Cùng. (toàn bài)

Chim trời xếp cánh

Hát vu vơ mấy tiếng trong lòng;

Nhớ mãi rừng cây thăm thẳm

Ủ tâm tư cho hạt thóc cay nồng

Rát bổng với nỗi hờn khổ nhục

Nó nhịn ăn

Rồi chết gục.

 

Tôi đã hát những bài ca phố chợ:

Người ăn mày kêu lịch sử đi lui;

Chàng tuổi trẻ cụt chân từ chiến địa

Vỗ lề đường đoán mộng tương lai.

 

Lộng lẫy chiếc lồng son

Hạt thóc căng nỗi hờn

Giữa tường cao bóng mát

Âm u lời ca khổ nhục

Nó nhịn ăn

Và chết.

Tôi đã hát bài ca của suối:

Gã anh hùng bẻ vụn mặt trời,

Gọi quỷ sứ từ âm ty kéo dậy,

Ngập rừng xanh lấp lánh ma trơi.

 

Ðêm qua chiêm bao ta thấy máu

Từ sông Ngân đổ xuống cõi người

Bà mẹ xoi tim con thành lỗ

Móc bên trong hạt ngọc sáng ngời

 

Lồng son hạt cơm trắng

Cánh nhỏ run uất hận

Tiếng hát lịm tắt dần

Nó đi về vô tận.

5. Thể thơ 8 Chữ: Tôi Vẫn Ðợi. (toàn bài)

Tôi vẫn đợi những đêm dài khắc khoải

Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng

Trong bóng tối hận thù, tha thiết mãi

Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng

Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió

Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa

Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử

Dài con sông tràn máu lệ quê cha

Tôi vẫn đợi suốt đời quên sống vỗ

Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương

Người ở lại giữa lòng tay bạo chúa

Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương

Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng

Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu

Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng

Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều.

                               (trích Giấc Mơ Trường Sơn)

Những bài thơ trích dẫn trên đây, chỉ với mục đích giới thiệu các "thể, loại thơ" mà thôi. Cũng như hai bài thơ "Bài ca Cuối Cùng" và "Tôi Vẫn Ðợi" cả hai chưa phải là những bài thơ đẹp nhất, tuyệt tác nhất của thi phẩm. Nhưng theo chủ quan, thì hai bài thơ nầy đại biểu cho hành trạng dấn thân cứu nước của Thầy. Nói lên tấm lòng mến yêu dân tộc và đạo pháp trên tất cả. Thơ diễn tả cô đọng lại một giai đoạn lịch sử nuớc nhà. Chỉ qua một vài đường nét... Có thể hiểu là những bài thơ "ngụ ngôn" cũng được; hay có thể hiểu là thơ hiện thực cũng không sao. Vì hình ảnh phác họa ấy, sau năm 1975 chúng ta ai cũng đã biết. Hơn hai mươi triệu đồng bào miền Nam, trong tháng Tư năm ấy cũng như: "Chim trời xếp cánh. Hát vu vơ mấy tiếng trong lồng". Chiếc lồng (dù là lồng son) cũng là chốn tù ngục của loài chim, cho nên vẫn nhớ đến bầu trời bao la, nhớ mãi rừng cây thăm thẳm... thì chẳng khác gì dân chúng tại thành phố Sài gòn (nói riêng) và toàn thể cả miền Nam Việt Nam cũng đã hát như chim:

Tôi đã hát những bài ca phố chợ:

Người ăn mày kêu lịch sử đi lui;

Chàng tuổi trẻ cụt chân từ chiến địa

Vỗ lề đường đoán mộng tương lai.

                         (Bài Ca Cuối Cùng)

Thế cho nên “Tôi Vẫn Đợi” đã mở ra một sinh lộ mới cho tương lai Việt Nam. Vì hiện tại quê hương vừa tan tác và điêu tàn, thảm cảnh chiến tranh tuy đã chấm dứt, nhưng hận thù thì vẫn còn tiếp diễn. Câu thứ hai của đoạn thơ trên, phải chăng là nỗi khủng hoảng tột cùng của biến chuyển tháng tư đen? Nên người ăn mày cũng đang thảng thốt kêu gọi lịch sử hãy đi lui? để được thấy cảnh "thanh bình" trong "tao loạn", để được thấy lại cái dỉ vãng tuy không như ý, nhưng cũng còn được chút hơi thở tự do !

Sau 35 năm qua đi, nhưng cảnh ấy bây giờ ở Sài gòn có còn không nhỉ? Hay mỗi ngày tình cảnh còn bi đát thêm hơn, khi nỗi tuyệt vọng vẫn kéo dài mãi ra. Khiến cho niềm chờ cứ vẫn ngày thêm khắc khoải ?

Hay vẫn còn cảnh:

Ðêm qua chiêm bao ta thấy máu

Từ sông Ngân đổ xuống cõi người

Bà mẹ xoi tim con thành lỗ

Móc bên trong hạt ngọc sáng ngời.

                                 (Bài Ca Cuối Cùng)

Thi phẩm “Giấc Mơ Trường Sơn” hầu hết là thơ Thầy làm ở trong tù, cho nên giá trị văn học có thể bị giới hạn. Tâm đạo có thể bị lung lay, bởi hoàn cảnh thời thế bắt buộc một “Thiền Sư phải nỗi loạn” !Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng sự hy sinh “tâm tịnh” của một bậc tu hành, để đem đến ích quốc lợi dân thì những bài thơ nầy đã nói lên tất cả tinh thần muốn vinh danh, những gì muốn suy tôn. Và vì thế mà tấm lòng của Thầy vẫn luôn sắt son với sự hy sinh cho một chí hướng đã chọn.

Như bài thơ Tôi Vẫn Ðợi, đã thể hiện lòng son sắt với lý tưởng, ý chí quyết tâm của con đường Thầy đã và đang đi cho tương lai của dân tộc Việt Nam:

Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió

Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa

Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử

Dài con sông tràn máu lệ quê cha.

                                      (Tôi Vẫn Ðợi)

Lịch sử chiến tranh Việt Nam đã trải dài, xương đã chất thành núi, máu đã chảy thành sông. Trong đó Phật giáo đã đóng góp rất nhiều công sức, kể cả máu xương để chống lại ngoại xâm bảo toàn đất tổ, thế mà Phật giáo chẳng được một phần thưởng nào cả. Trái lại còn bị chính quyền Cộng sản ngược đãi, đàn áp và tận diệt ! Phía các nước theo chủa nghĩa Tư bản thì chụp mủ cho Phật giáo là phản chiến, là Cộng sản !

Nhưng có mấy ai biết đến lập trường của của Phật giáo Việt Nam trước sau như một: Phật giáo là đạo Từ bi và Trí tuệ, yêu chuộng hòa bình. Nên Phật giáo không bao giờ chạy theo một chủ nghĩa thế gian nào. Phật giáo chỉ mong muốn có một nước Việt Nam được Độc lập, Tự do, Dân chủ và tôn trọng mọi giá trị của con người. Vì thế mà Phật giáo bị các thế lực cả hai phía vu khống, và Thầy Tuệ Sỹ cũng không ngoài tình trạng nầy !

Ðến bây giờ sau 35 năm chấm dứt chiến tranh, nhưng vết thương cũ chẵng những chưa lành hẳn, mà còn tạo nên vết thương mới, bởi hận thù phân hóa. Gần đây, chính quyền Cộng sản đã phải thú nhận: "Buổi đầu có thiếu sót, có nhiều sai trái..." Như vậy, công cuộc đấu tranh của Phật giáo đã có chính nghĩa. Và, trong suốt thời gian bị đàn áp, Phật giáo chỉ đấu tranh trong thầm lặng (bất bạo động), chỉ dùng lời ái ngữ để kêu gọi sự quan tâm của nhà nước. Nhờ vậy mà được sự ủng hộ của thế giới.

"Tôi Vẫn Ðợi", phải chăng là đợi một ngày vết thương cũ được hàn gắn, hay đợi một ngày mà giang san gấm vóc của dân tộc Việt không còn sâu mọt đục khoét, người người không còn phân ly, được sống trong cảnh độc lập, tự do và hạnh phúc ?

Và, một trong những người chờ đợi ấy là Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, vị tu sĩ có đầy đủ khả năng và đức hạnh để đại diện cho Phật giáo và dân tộc Việt Nam, với thành tích của một người tù lương tâm, với bản án tử hình năm 1988 và trên 14 năm ngục tù lao lung...!

Nên vẫn sẵn sàng:

.....................

Người ở lại giữa lòng tay bạo chúa

Cọng lau gầy trĩu nặng bóng tà dương !

 

TRẦN ĐAN HÀ

 

Sinh năm 1945 tại Cam Lộ Quảng Trị

Năm 1982 vượt biên và được tàu Cap Ananmur cứu vớt và định cự tại Đức.

Hiện tại sinh sống với gia đình  tại tỉnh Reutlingen.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.