.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương -  Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ -  Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Trần Đan Hà

Bông hồng hiếu hạnh
đua nở trong vườn tâm của mẹ

Kỷ niệm khóa tu học dành cho người Việt và lễ Bông Hồng Cài Áo nhân ngày Vu Lan Báo Hiếu tại Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu ở Waldbröl ngày 26- 5- 2012.

 

***

Nhân dịp tổ chức khóa tu học hàng năm dành cho người Việt, Viện Phật Học kết hợp tổ chức một buổi lễ Bông Hồng Cài Áo và văn nghệ mừng ngày Vu Lan Báo Hiếu. Thật ra thì khóa tu học dành cho người Việt vào tháng 9 mỗi năm, nhưng năm nay có hai sự kiện đặc biệt: Một là tổ chức kỷ niệm 30 năm Làng Mai, và hai là tổ chức kỷ niệm 4 năm Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu tại Waldbröl được thành lập. Nên khóa tu học được tổ chức vào tuần lễ cuối tháng 5 năm nay, do đó nên lễ Vu Lan cũng được tổ chức sớm hơn thường lệ.

Thư mời dự lễ Bông Hồng Cài Áo và chương trình văn nghệ.

vào thứ bảy ngày 26- 05- 2012 tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu

Kính thưa quý cô bác, quý anh chị và các bạn!

Là người Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, chúng ta đều nhớ về cội nguồn, đều muốn giữ gìn những nét đẹp truyền thống dân tộc Việt Nam. Lễ Bông Hồng Cài Áo, là một truyền thống văn hóa đẹp của người Việt, đây là ngày để chúng ta tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ, và thể hiện lòng thương kính của những người con đến với bậc sinh thành, giúp tạo dựng nền đạo đức gia đình, giúp cho con em chúng ta hiểu biết thêm truyền thống dân tộc Việt Nam. 

Để lưu giữ nét thuần phong mỹ tục này, quí thầy quí sư cô tại Viện Phật Học kính mời quí cô bác, quý anh chị và các bạn đến tham dự Lễ Bông Hồng Cài Áo và chương trình văn nghệ vào ngày thứ bảy ngày 26- 05- 2012 tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu. Một ngày thực tập chánh niệm mang lại bình an hạnh phúc cho chính mình và những người xung quanh là một món quà quí giá, thiết thực để dâng tặng lên cha mẹ của chúng ta. Kính mong quý cô bác anh chị và các bạn tham gia để góp thêm năng lượng bình an, và bảo tồn bản sắc dân tộc Việt Nam của chúng ta.

Kính chúc quý cô bác anh chị và các bạn một ngày bình an hạnh phúc.

Trân kính

Quý thầy quý sư cô Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu.

 *** 

Trên đây là nguyên nhân đã tạo cơ hội cho chúng con được đến để tìm lại những gì, còn lưu dấu trong tâm tư những hình hài của kỷ niệm, những dấu tích của mến yêu, những thăng trầm của quá khứ đang cùng nhau về đây để trùng phùng với nhịp sống mới. Cũng như ôn lại những gì của ngày xưa về làng Mai, và bây giờ về Viện Phật Học tại Waldbröl. Qua khung cảnh kỳ vĩ của nơi chốn, có đầy đủ sắc màu cùng hương thơm của những bông hoa đầu hạ, của cây cỏ núi rừng, của trời xanh mây trắng, của nếp sống hiền hòa của Tăng đoàn đang biểu hiện bằng những bước chân thảnh thơi an lạc.

 Nơi có con đường dẫn vào Tăng xá Đại Từ Bi, với hai bên bải cỏ xanh được cắt xén công phu, chen lẫn những nụ hoa hàm tiếu, lẵng hoa đong đưa treo trước cửa ra vào, như hiện bày một khung cảnh mến yêu để chào đón khách thập phương về đây hội ngộ:

 - Chúng ta là chim bốn phương bay về đây. Về đây chúng ta sống trong đạo thiêng. Chúng ta là hương gió mang đi ngàn phương. Nguyện đem gieo rắc khắp nơi ánh vàng.

 - Nơi tập họp của những bước chân thiền hành sau thời Pháp thoại: Từ Á sang Âu bước đều sát vai. Ta khơi ngọn nguồn yêu thương chuyển hóa đất trời. Vượt thoát âu lo, xua tan hận sầu. Từ quê nhà sang thế giới nắm tay đứng nhìn biển xanh, sông gấm nối liền một vòng Tăng thân.

 - Nơi quay tròn một vòng ca hát: Nào chúng mình ra quay một vòng hát mà chơi...

 - Nơi trao nhau những ánh mắt cảm thông: Gặp nhau trao cho nhau ánh mắt và nụ cười…

 -  Nơi chia xẻ những cảm tình nồng ấm với những hứa hẹn: Gặp nhau đây rồi chia tay. Đường dài sông núi hẹn mai ta sum vầy…

 - Nơi có tiếng chim gọi đàn về bên bếp lửa hồng, để cùng nhau tay nắm, để cùng nhau hát ca, để cùng nhau kể chuyện ngày xưa: Người ơi mau về đây. Về bên bếp hồng tay cầm tay. Mà nghe chan chứa tươi làn môi. Nhớ phút vui đêm nay…

 - Nơi có một ngày đi bộ ngang qua những làng mạc nhỏ nhắn, cheo leo nhưng thanh bình, nằm bao quanh thành phố chính Waldbröl trên dãy núi liên hoàn Oberbergischen của miền Tây nước Đức. Được tiếp xúc với cỏ cây hoa lá, được đứng ngắm đàn bò sửa đang gặm cỏ, bên cạnh đàn bò con lăng xăng trắng nỏn. Thỉnh thoảng bò mẹ ngước lên hướng về đàn con với tấm lòng trìu mến, như người mẹ quan tâm chăm sóc cho con…

 - Nơi sẽ xây dựng một bảo tháp cho Đại Hồng Chung, để hàng ngày tiếng chuông chùa sẽ ngân vang trong không gian của núi rừng tịch mịch, sẽ thức tỉnh những chủng tử mê mờ, sẽ thắp sáng niềm tin, sẽ xua tan bóng tối, và sẽ nguyện cầu cho người nghe tỉnh thức: Bo ong bo ong tôi là chuông đại hồng, ngôi chùa xưa trên đỉnh núi… tôi khua vang mở đầu cho một bình minh mới. Bo ong bo ong nghe tiếng tôi xin người nở nụ cười… nghe tiếng tôi xin người đem mắt thương nhìn cuộc đời…

 - Nơi sẽ xây dựng con người trở thành: “là hoa tươi mát, là núi vững vàng“.

 - Nơi chứng nhân cho một kết quả tu tập: Đã về đã đến, bây giờ ở đây...

 - Những lời ca tiếng hát ấy đang quấn quyện rồi lan dần và tan loảng vào cỏ cây hoa lá, nhưng hình như, đồng thời, tiếng hát vẫn còn đọng lại trong lòng mọi người một đồng vọng tươi mát yêu thương...

Nơi đây cũng đang hiện diện những tấm lòng Từ Bi như thầy Pháp Ấn, muốn trao truyền lại cho tha nhân những hoa trái ngọt ngào của Pháp giới, muốn xẻ chia những khó khăn đối với Tăng thân đang gặp phải trái ngang trong cuộc đời. Như hai thế hệ cha mẹ và con cái với hai quan niệm khác nhau mà phải chung sống giữa hai nền văn hóa Đông- Tây. Một bên thích tịnh, một bên thích động, một bên thích nóng, một bên thích lạnh, một bên lấy gia đình làm nền tảng, một bên lấy xã hội làm cơ sở cho đời sống, cho nên việc hội nhập là việc làm vô cùng nan giải. Vì giữa hai thế hệ cùng chung sống giữa hai nền văn hóa thì không bao giờ cùng gặp nhau một chí hướng, cùng đồng cảm với nhau quan niệm về nét đẹp của xã hội. Cho nên muốn hòa đồng chỉ có “Tình thương và sự hiểu biết, cũng như niềm tin vững mạnh vào đối tượng“ thì may ra mới có hy vọng.

Hay thầy muốn giải thích những ý nghĩa của tên gọi, để hiểu thêm tấm lòng của cha mẹ đang hoài vọng đến tương lai con cháu, khi chọn một cái tên để đặt cho mình. Mà trở thành một bài pháp rất sinh động, mới mẻ được dẫn dắt cho những tấm lòng con trẻ hiểu thế nào về hai chữ Hiếu Trung, hiểu thế nào về tấm lòng của cha mẹ đối với con. Vì làm con đôi khi cũng cảm thấy khó chịu khi bị cha mẹ cấm cái nầy cản cái nọ. Ví dụ như cha mẹ khuyên con đừng nên thức khuya, hay đi chơi đêm ngoài phố, mà cha mẹ lại không giải thích. Nhưng nếu mình biết lắng nghe và nghĩ lại là thức đêm sẽ đem đến những hậu quả tai hại khi tuổi về già; hay bóng đêm và phố vắng là những cạm bẩy mà cha mẹ mình đã kinh nghiệm qua, còn mình thì chưa bao giờ biết đến. Cho nên việc cha mẹ mới cấm đoán cũng chỉ vì thương mình đó mà thôi. Thì bây giờ có lẽ mình sẽ không bất mãn với cha mẹ mình, để rồi phải đau buồn phải hờn giận. (Cho nên trong kinh sách Phật giáo có đề cập: “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả“) là vậy.

 (Nên con cũng tò mò về Pháp hiệu của thầy mà mở Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn ra xem thì: “Pháp Ấn nghĩa là Ấn diệu pháp. Đọc theo Phạn là Mẫu- đà- la (Mùdrâ). Dấu hiệu của một ý định đã quyết; cái dấu dùng để tỏ rằng tu tập quyết tới quả Phật. Pháp Ấn cũng có nghĩa : sự ấn truyền cho nhau cái tâm Phật giữa Phật với Phật, Tổ với Tổ; sự ấn định vào tâm mà phó chúc cái Pháp. Pháp Ấn lại là sự ấn định vào tâm một học thuyết, một pháp môn; sự ấn định ấy vững chắc, không hề biến đổi…“)

Hay như tấm lòng của Sư Chị Song Nghiêm, đối với Tăng thân cũng đầy ắp tình thương, cũng tràn trề cảm xúc nên sư chị muốn trải lòng ra, muốn chia đều cùng khắp những ước mơ, hoài vọng; muốn trang trải tấm lòng của mình cho mọi người. Nên luôn thao thức đến vốn liếng sống của mình, đắn đo đến kinh nghiệm thực tập của mình chưa đủ. Nên đã đi cầu cứu đến Sư Thầy, đi vận động Sư Em tiếp tay cứu bồ. Không ngờ lòng thành đã động đến chư Thiên, nên đã có chư Bụt và chư Bồ tát bảo hộ cho sư chị. Và bài Pháp thoại (hay tiếng lòng) của sư chị đã trở thành một dòng suối mát để tắm gội cho đại chúng. Nhất là giới trẻ đã có một khái niệm ít nhiều về tình yêu thương của cha mẹ đã một đời dành dụm cho con, đặt tất cả sự hoài vọng vào các con, chỉ mong muốn cho các con được thành người hữu dụng. Vì thế cho nên các con nên thực tập để có một cuộc sống vững chải như núi xanh, ngọt ngào như suối biếc. Và hình như còn một yếu tố thành công nữa đối với sư chị là “cùng chung một tần số“ với các em. Như lời của một người mẹ khuyên giải người con với một tấm chân tình. Cùng với lời tâm sự riêng tư của sư chị đối với song thân. Như nhớ lại những ngày đầu làm thân lưu lạc, còn eo hẹp về vật chất, nhưng khi ngang qua quầy hàng bán áo quần đàn ông thì chợt nhớ đến cha, liền lấy ra số tiền dành dụm để mua một chiếc áo gởi về cho cha. Nhưng than ôi, khi chiếc áo về đến quê nhà thì cha đã không còn nữa ! Đến khi xuất gia để đi theo lý tưởng của mình thì lại còn mẹ tuổi hạc đã cao, yếu già không biết lấy ai chăm sóc. Cho nên nỗi thao thức giữa hai ngã cuộc đời, giữa tình cảm và lý trí đang giằng co lẫn nhau. Cứ sợ hiếu hạnh không tròn, và đường tu không vẹn. Đây cũng là một điều phản ảnh rất thật của chân tướng nhân bản mà thôi. Vì sư chị cũng là con người, mà con người thì làm sao tránh được những cảm xúc đời thường.

Qua những buổi Pháp thoại với những đề tài rất thiết thực cho đời sống. Như Pháp Niệm Thân (hay Tứ Niệm xứ). Tức là bốn việc hằng nhớ nghĩ hay phát hiện về thân. Như trong thân của chúng ta có bốn chổ mà người tu học cần phải để tâm đến: 1) Quán thân bất tịnh. 2) Quán tâm vô thường. 3) Quán pháp vô ngã. 4) Quán thọ thị khổ.

Hay nói cách khác, con người chúng ta có các thân như: Pháp thân, Nhục thân. Pháp thân là cảnh giới thanh tịnh, vốn không có hình tướng và màu sắc, nên được trường tồn. Nên Pháp thân còn gọi là giác ngộ và giải thoát. Còn nhục thân là tổng hợp của tứ đại Đất. Nước. Gió. Lửa nên có thể hủy hoại theo thời gian. Nên nhục thân còn gọi là con đường sanh tử luân hồi.

Tiếp theo các đề tài quán niệm, thầy Pháp Lượng đã tiếp sức với quý thầy cô về pháp môn Quán Hơi Thở. Thầy đã đưa ra một ẩn dụ rằng, con người chúng ta sinh ra cũng giống như chiếc lá, khi mới nở thì có màu xanh nhạt, nhưng ngày qua ngày thì sắc màu sẽ đậm dần. Con người chúng ta cũng vậy, khi mới sanh ra còn bé chưa biết gì, nhưng theo ngày tháng thì đứa bé sẽ phát triển từ thể chất đến tinh thần. Thân sẽ lớn lên, tri thức sẽ hiểu biết nhiều hơn. Nếu cứ xem con mình lúc nào cũng chỉ là đứa trẻ, và chúng ta không theo dõi sự phát triển của chúng, thì không bao giờ nắm vững để hướng dẫn đường đi nước bước cho con em mình được.

Hay Tứ Nhiếp Pháp: Là bốn phương pháp lợi tha để nhiếp phục chúng sanh quay về với Phật pháp.

Bốn phương pháp đó là: - Bố thí. - Ái ngữ. - Lợi hành và - Đồng sự.

Trong một xã hội, muốn bảo tồn sự sống thì cần phải tương tác lẫn nhau. Người thì làm việc để tạo nên của cải vật chất để cung phụng cho xã hội; người thì học hành để có kiến thức hầu giáo dục lại cho thế hệ hậu sinh. Thế nên, việc bố thí có ba đó là Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí. Tuy có ba hình thức, nhưng vẫn phải liên hệ mật thiết với nhau tùy theo khả năng từng người. Nương theo duyên sinh mà thể hiện (cái nầy có thì cái kia có và ngược lại).

Sau cùng là Pháp Làm Mới, với tuần tự theo những yếu tố được thành lập tạo nên một nguyên tắc thực tập, để chế tác hạnh phúc:

1) Khung cảnh thích hợp.

2) Ngồi thiền.- Tiếp xúc với tình thương chế tác ra.- Tiếp xúc với nguyện ước ban đầu.

3) Ái ngữ và lắng nghe. Nhắc lại nguyên tắc thực tập và nội dung làm mới.

1) Tưới hoa. (Công nhận nét đẹp của người khác).

2) Truyền thông cái khó khăn của mình gặp.

3) Trình bày những vụng về mà mình đã tạo.

4) Nói lời xin lỗi.

5) Cầu xin sự yểm trợ và trình bày những khó khăn của mình.

6) Phát nguyện.

7) Thiền ôm.

Cùng những bước đi vào làm mới: 1) Thở. 2) Cơ thể. 3) Nguồn năng lượng. 4) Tiếp xúc những nguồn năng lượng. 5) Nhớ lại hoàn cảnh tạo ra những bức xúc. 6) Cảm thọ đi lên. Ý thức toàn thân. Buông thư toàn thân. 7) Thở.

Hay “Pháp Biểu Hiện“ của các Sư Em trong việc phục vụ đại chúng, với cái tâm phụng hiến, với cái thân siêng năng làm việc bằng tất cả tấm lòng. Như một bầy ong đang bay đi muôn nơi để hút mật, và cung cấp cho đời một sức sống. Từ những giờ học hành, từ những công việc trong nhà ra ngoài ngõ, từ những đón tiếp khách vãng lai, từ những việc bếp núc cũng như luôn thực tập sống trong chánh niệm… là những bài Pháp không lời, nhưng có công năng chuyển hóa khổ đau, kết thành hoa trái hạnh phúc. Con còn nhớ Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết một bài hát diễn tả về tấm lòng ấy: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…“.

Chúng con xin ghi nhận những tấm lòng như một quà tặng, để làm tài sản cho mình, để được giàu có thêm trong gia tài đối đải tương thân với ân nghĩa của cuộc đời.

 ***

Đối với Tăng thân chúng con thì cũng đã ghi nhận những kết quả, đáp ứng được lòng mong mỏi của những người chưa biết đường đi, chưa tìm ra phương hướng, xuyên qua những tâm sự chân thành bộc bạch:

- Với bà Ky: Tui thì đối với Phật pháp tui không hiểu được nhiều, nhưng mà tui cảm thấy rất vui, thật sự có an lạc và hạnh phúc, như vậy là được rồi.

- Với anh chị Ngọc, thì trong tháng Năm nầy anh đã hai lần “xuất gia“ về Viện Phật Học để “ đi tu “ cũng như được chị ủng hộ và đồng hành. Đây là niềm hạnh phúc của gia đình anh ấy vậy.

-  Đối với anh chị Cường, thì có lẽ là một gia đình hạnh phúc nhất, vì anh chị đã mang về cho Tăng thân Muenchen cả một “Bầu Trời Xanh“. Và những tấm lòng của quý Thầy Cô ở Viện Phật Học.

- Đối với anh chị Thủy, thì khi mới đến chị đang mang một tâm sự không vui, vì còn lo lắng cho các con đang sống giữa một xã hội xa lạ với cội nguồn, khác biệt với văn hóa. Nên luôn lo lắng cho các con sẽ không còn giữ lại cái bản sắc văn hóa của mình. Nhưng khi nghe quý thầy cô chia xẻ về những kinh nghiệm sống cho giới trẻ, phân tích những quan niệm sống của giới trẻ hội nhập vào xã hội trong hiện tại, cùng lời khuyên đối với những bậc cha mẹ là hảy đặt niềm tin trọn vẹn vào con mình. Hình như những lời khuyên đã hợp tình đạt lý, nên ngày chia tay thấy chị đã có nụ cười, và nhất là chị đã có niềm tin.

- Và đối với gia đình chúng con thì cũng được diễm phúc về làng Mai tu học từ hồi các cháu được mười tuổi. Tuy vì hoàn cảnh mà có thời gian gián đoạn, nhưng bây giờ thấy các cháu vẫn còn những chủng tử thiện lành, một niềm tin vững chải. Và hôm nay đến Viện Phật Học, thì tự nhiên những chủng tử thiện lành, những năng lượng chuyển hóa như sống dậy trong con thật mạnh mẽ. Chúng con cảm thấy ngập tràn yêu thương, khi xúc chạm với nếp sống thiện lành, suối nguồn hạnh phúc.

Thế nên, ngày xưa chúng con về làng Mai thì có cảm tưởng như đang về quê Cha. Và giờ đây về Viện Phật Học tại Waldbröl thì chúng con có cảm tưởng như đang trở về quê Mẹ. Và con cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc, vì con có đầy đủ cả tình Cha lẫn nghĩa Mẹ. Con xin cám ơn Cha, con xin cám ơn Mẹ, con xin cám ơn huyết thống tâm linh đã cho con có được một vườn hoa trái ngọt ngào, một nguồn suối mát tâm linh, và một nơi chốn bình an để trở về.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.

 ***

 

Nhờ vậy, nên bây giờ chúng con đang nguyện thực tập, đang nguyện thử thách với chính mình như một câu chuyện:

 

-  Ngày xưa có một thiếu phụ, vợ một người sĩ quan miền Nam. Sau năm bảy mươi lăm thì chồng chị bị đưa đi tập trung cải tạo, chị ở nhà chăm sóc con cái và được đi thăm nuôi chồng hàng năm. Nghe những lời hứa hẹn của cán bộ như “Nếu học tập tốt thì sẽ được sớm trở về“. Năm đầu chị đi thăm với hy vọng cuối năm chồng chị sẽ trở về. Năm thứ hai chị ta đi thăm và với hy vọng là cuối năm chồng chị sẽ được về. Đến năm thứ ba thì chị cũng đi thăm, nhưng hình như niềm tin của chị cạn dần không còn như xưa, nên chị viết mấy câu thơ lên tấm giấy, nhét vào trong gói đồ ăn cho chồng:

 

 “Nếu phải chờ anh mà hóa đá

 Thì em cũng thử một lần xem“ !

 

Và giờ đây, tại học viện nầy chúng con đang thực tập gieo trồng hạt giống thiện lành, chúng con cũng đang thử thách với chính mình:

 

 “Niệm bước thiền hành mà an lạc

 Thì con nguyện thử một lần xem“

 

Hay trong bài thơ Tìm Nhau có đoạn: Con đã đi tìm Thế Tôn. Từ hồi còn ấu thơ… Con đã tìm ra Thế Tôn. Con đã tìm ra con. Nước mắt con không cầm nổi… với những cảm xúc dâng trào vì hạnh phúc, vì sung sướng khi được gặp Thế Tôn nên con cũng xin nguyện:

 

 “Nếu tìm Thế Tôn mà được gặp

 Thì con xin nguyện một lần xem“

 

 ***

 

Buổi chiều thứ Bảy ngày 26-5-2012, nơi thiền đường Vô Ưu của Học Viện được trang trí tuy đơn sơ, nhưng đã gói ghém đầy đủ những tấm lòng thành kính đang hướng về một suối nguồn huyết thống tâm linh, để tắm gội thân tâm, để thấm nhuần hiếu hạnh. Đang tận hưởng nguồn hạnh phúc tràn đầy, chứa đựng hương vị ngọt ngào của hoa trái yêu thương, của giao thoa tình cảm, của nhớ thương ngập lòng, của cảm xúc tràn ngập. Những cảm giác ấy thật tha thiết dịu êm, thật ngọt ngon như đường mật, như xôi nếp một, như đường mía lau.

 

Như cách đây tròn sáu mươi năm, thầy Nhất Hạnh đã viết trong đoản văn Bông Hồng Cài Áo: “ Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt nào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành…“

 

Buổi lễ được tổ chức với phần mở đầu qua bài pháp thoại ngắn của thầy Pháp Ấn, nói về ý nghĩa của lễ hội. Cũng như đọc lại bài văn Bông Hồng Cài Áo làm nhân chứng cho những đóng góp quý báu. Để hôm nay Viện Phật Học có thêm dữ kiện giới thiệu những nét đẹp của nền Văn hóa Phật giáo Việt Nam. Và tiếp theo là buổi văn nghệ với sự hiện diện của Tăng thân Lá Bối ở Hamburg, Tăng thân Nắng Mai Hồng ở Dortmund, Tăng thân Vầng Trăng sáng ở Stuttgart, và Tăng thân Muenchen tương lai sẽ là Bầu Trời Xanh, đang thi nhau đóng góp phần văn nghệ rất phong phú. Và sau cùng để đáp lại thịnh tình, quý Thầy Cô Viện Phật Học đồng ca bài Bông Hồng Cài Áo nhạc Phạm Thế Mỹ, phổ theo ý đoản văn của Sư ông Làng Mai cùng tựa đề.

 

Chiều hôm sau với giờ Pháp thoại, cũng trong khung cảnh trang nghiêm của thiền đường, con nghe cơ hồ như hương vị của buổi lễ Bông Hồng Cài Áo đang còn đọng lại đâu đây trong căn phòng nầy. Con đã thấy nguồn cảm xúc của đại chúng rưng rưng khi được đón nhận một bông hồng hiếu hạnh. Từng giọt nước mắt đang lăn từ từ xuống má, từng tiếng khụt khịt vì không đè nén được cảm xúc, nên đành cứ để cho tự do tuôn trào. Vâng, con thấy đại chúng đang khóc, họ khóc không phải vì khổ đau, không phải vì thương tiếc mà họ khóc vì trong cùng một lúc, mà nguồn hạnh phúc đã dâng lên làm lụt lội cả tâm hồn, làm xôn xao kỷ niệm...

 

Chợt nhớ những ngày xưa trong gia đình con, cha thì hiền lành, ít nói và thật thà gần như chậm lụt. Còn mẹ thì lanh lợi bặt thiệp, nên nhiều khi mẹ hay “giăng bẩy” ra để chọc quê cha con. Có lần nhân trong một bửa ăn, cả gia đình quây quần không biết cha mẹ đang nói chuyện chi, nhưng trong khi nghe cha nói: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện” thì mẹ liền “cải lại” rằng, đâu phải vậy, đúng ra là: “Nhân chi sơ là sờ vú mẹ” ! Nghe hợp lý với suy nghĩ các con, nên tất cả đều nhao lên hùa theo mẹ và cho là mẹ đúng mẹ hay, mẹ tuyệt vời ! Những lúc như vậy con thấy cha rất lẻ loi và tội nghiệp. Nhưng con lại vẫn vô tâm không biết đến tình cha, không biết đến tâm sự của cha rất kín đáo, không biết cha luôn nuốt trọn vào lòng những oan trái, để rồi chúng con lại đi xem thường cha không được như mẹ. Cha không thương con như mẹ, cha không ngọt ngào như mẹ, cha không dịu êm như mẹ. Cảm giác cha thua mẹ cứ lởn vởn hoài trong tâm con như một chủng tử khổ đau, như một lỗi lầm đã hái. Bây giờ, khi lớn khôn thì con thấy cha nhiều thiệt thòi, thấy cha rất lẻ loi, nghĩ lại càng thương cha vô cùng !.

 

Không dưng lòng con khởi lên một niệm ghen tỵ, con ghen tỵ với mẹ. Rằng, tại sao tình cha cũng ấm áp, tình cha cũng ngọt ngào mà sao cha lại không có một chổ đứng trong con như mẹ ? Rằng, cha cũng đã sung sướng khi thấy con mới sinh ra còn đỏ hỏn, nằm gọn lỏn trong vòng tay của mẹ. Rồi cha cũng cảm thấy hạnh phúc khi thấy con lớn dần biết lật, biết bò rồi biết đi. Rồi dần lớn lên trong sự bao bọc của cả cha lẫn mẹ. Những lúc ấy thì cha cũng sung sướng lắm chứ, cha cũng hạnh phúc lắm chứ. Tuy cha không nói ra là cha đã sung sướng, cha đã hạnh phúc nhưng lòng cha thì lúc nào cũng chan chứa yêu thương, song luôn dấu kín trong một gốc khuất cảm xúc của tâm hồn. Và con được lớn lên cũng một phần nhờ vào những cảm xúc ấy chứ. Vì nhu cầu của con là phải đầy đủ cả tình cha lẫn nghĩa mẹ. Nếu thiếu một trong hai thì con không thể nào trưởng thành cho được.

 

 Và con thấy thương cha vô cùng, người cha suốt một đời khó nhọc chân lấm tay bùn, vất vã cả ngày lo tìm cái ăn cái mặc cho gia đình. Thêm nữa, chúng con được sinh ra tại miền quê khốn khó, nghèo nàn vì thời tiết khắc nghiệt, vì đất đai khô cằn với cảnh :”Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn...”. Người dân quanh năm lam lũ mà không kiếm đủ cái ăn cái mặc. Gia đình con cũng không ngoại lệ, vì trời cứ hành cơn lụt mỗi năm. Bây giờ nhắc lại cảnh tình của quê nhà, lại thấy thương cha thương mẹ vô vàn !

 

Nên con đành thầm hát lại “Tình Cha” như một lời sám hối, như một lời con muốn nói với cha rằng: Cha ơi con cũng thương cha lắm, vì trong suốt cả cuộc đời, cha đã quá cô đơn !

 

“Tình cha ấm áp như vầng thái dương, ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn. Suốt đời vì con gian nan, ân tình đậm sâu bao nhiêu, cha hởi cha già dấu yêu...”

 

Nghĩ đến những gian khổ của cha, tình cảm của cha đã luôn lo lắng cho con. Luôn mong cho con mau được lớn khôn, mau thành đạt để trở thành người hữu dụng. Nên lòng con luôn vẫn nhớ, nhớ những ngày tháng thần tiên của tuổi thơ bên cha, nhớ những gian khổ của cha, nên lòng con luôn vẫn hoài mong được đáp đền ân sông nghĩa núi, dưỡng dục cù lao. Nên lòng con luôn vẫn hoài mong nhớ.

 

Tấm lòng của cha luôn mong muốn cho con nên người, nên mới có những lời dặn dò chí thiết: “... nầy con yêu ơi con hảy nhớ, hảy nhớ lời cha sống cho nên người và con ơi chớ bao giờ dối gian. Nghèo thì cho sạch rách sao cho thơm. Nhưng lời của cha năm xưa con nguyện ghì sâu trong tim...”

 

Hoài bảo của cha la thế, mong ước của cha là thế, tình cảm của cha cũng thế, chỉ thoang thoảng như hương lài hoa lý, chỉ thầm kín như canh khuya yên ắng, chỉ phảng phất như cơn gió mùa hè làm mát dịu cõi lòng mà không cần ai biết, chẳng thiết ai hay. Chỉ luôn mong ước cho con sống một cuộc đời lương thiện !

 

 ***

 

Xin thêm vài hàng để giới thiệu về tình mẹ, chỉ vài hàng về mẹ thôi, vì mẹ đã có nhiều người xưng tụng, nhiều người ngợi ca, ví dụ như một nhà văn Tây phương đã viết: Mẹ và quê hương là những kỳ quan đẹp nhất thế giới. Chỉ một lời nầy thôi thì cũng đủ biết rằng, tình mẹ bao la đến ngần nào, tình mẹ ngọt ngào và đằm thắm biết ngần nào, và tình mẹ đẹp đẽ đến dường bao. Mẹ đã để lại trong lòng những người con của mẹ biết bao là tình nghĩa, biết bao là yêu thương nên bây giờ có nói thêm lời nào cũng chỉ toàn là vô nghĩa. Con chỉ lặng lẽ mà cảm niệm về mẹ như nguồn suối mát, như những hoa trái yêu thương mà con đã tận hưởng.

 

“Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày, mẹ tôi mĩm cười nhìn đám con ngoan...”

Mẹ tôi là một người rất hạnh phúc, vì mẹ được mang một gốc gác tâm linh của cội nguồn Lạc Việt thuộc giồng giống Rồng Tiên, nên mẹ có một đàn con rất ngoan. Biết chia xẻ cho nhau những niềm vui và nỗi buồn, biết nâng đ cho nhau khi gặp khó khăn, luôn yêu thương nhau vì biết rằng chúng con đều là con của mẹ. Những người con của mẹ ấy, thường hay về Viện Phật Học để thực tập sống cuộc đời tỉnh thức, đồng thời gởi năng lượng chánh niệm nầy về quê nhà để nguyện cầu cho những người con của mẹ được sống trong thanh bình.

 

Nên con luôn có được thêm niềm tự hào rằng, con cũng là một người rất giàu có, con là một người rất hạnh phúc vì con đang có đầy đủ cả tình cha lẫn nghĩa mẹ. Con xin cám ơn cha, con xin cám ơn mẹ, con xin cám ơn huyết thống đã cho con có được một nguồn suối mát tâm linh, một vườn cây trái ngọt ngào, và một nơi chốn bình an đề trở về. ◊

 

Nam Mô Bồ Tát Đại Hiếu Mục Kiền Liên.

Trần Đan Hà

 

TRẦN ĐAN HÀ

 

Sinh năm 1945 tại Cam Lộ Quảng Trị

Năm 1982 vượt biên và được tàu Cap Ananmur cứu vớt và định cự tại Đức.

Hiện tại sinh sống với gia đình  tại tỉnh Reutlingen.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.