.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân - Linh Linh Ngọc | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

 

  Diệu Trân - Linh Linh Ngọc với Văn và Thơ


Văn-Cao, trái tim hóa đá
 

  • 25.02.2007

Những ngày đầu Xuân, nắng thường dấu mặt sau những tầng mây xám, đôi khi mưa nhẹ và gió se lạnh, dịu dàng cuốn theo từng chiếc lá cuối đông. Không gian lãng đãng một chút gì Hà-Nội xa xưa …

Bạn chưa từng biết đến Hà-Nội, nhưng mỗi lần thời tiết giao mùa, êm ái và tĩnh lặng như thế này, bạn lại nghe nhạc Văn-Cao và tưởng tượng về Hà-Nội.

Văn-Cao với Hà-Nội là một.

Chả thế, thuở Văn Cao còn sinh tiền, nhiều người bảo, địa chỉ của Văn-Cao là: “Văn-Cao, Hà-Nội”. Chỉ thế thôi. Và thư sẽ đến tay Văn-Cao, không sai lạc (trừ khi bị nhà nước kiểm duyệt rồi lấy cắp đi!)

Với tôi, sinh trưởng tại Hà-Nội, lại càng thấy nhạc Văn-Cao gần gũi biết bao! Hơn thế nữa, mỗi lần nghe là mỗi lần bắt gặp những cảm xúc mới mẻ, tùy theo tâm trạng lúc nghe. Như ngày xưa, thời thơ ấu, tôi thường được nghe cha tôi, vừa đàn mandoline, vừa hát những câu:

“Hồng-Hà mênh mông, trôi cát tới chân làng quê.
Cuối sông, tìm bến ai về,
Có những chàng áo nâu kề,
Say sưa giòng nước, vui tràn trề …”

Tôi đã tưởng tượng ra bao chàng trai oai dũng, rời làng quê đi kháng chiến cứu quốc. Nay, cha không còn nữa, khi nghe lại bản nhạc này, tôi không chỉ thấy những người ra đi vì lý tưởng mà lòng tôi còn chan chứa cảm xúc ngậm ngùi của những người nằm xuống khi hoài bão chưa thành!

 

Gia tài Văn-Cao để lại không nhiều, so với chiều dài thời gian ông hiện diện trong chốn nhân sinh ta-bà, nhưng mỗi tác phẩm đều có một chỗ đứng xứng đáng nơi thế giới nghệ thuật bao la và nơi mỗi trái tim người Việt Nam yêu nhạc.

Trong gia tài tinh thần đó, Văn-Cao từng thổ lộ với bạn bè rằng ông đã tốn nhiều tâm huyết nhất khi viết nhạc phẩm “Thiên Thai”.

Quả xứng đáng thay! Hơn nửa thế kỷ qua, giòng nhạc Thiên Thai vẫn đứng riêng một cõi, một cõi trời tràn đầy lãng mạn, tràn đầy huyền ảo, tràn đầy thi tứ trăng sao.

Chàng thanh niên hai mươi tuổi, thường đắm mình trong mộng ảo để quên đi thực tế thiếu thốn áo cơm. Không có một mái nhà, dù nhỏ bé, xiêu vẹo để nương thân nên đêm đêm, Văn-Cao phải ngủ nhờ ở nhà máy điện Hải-Phòng. Chính giữa nơi trần tục, bụi bặm, quyện đặc tiếng động ầm ĩ từ những giàn máy điện đó, Văn-Cao đã viết Thiên Thai!

Sức mạnh nào đã chắp cho chàng trẻ tuổi đôi cánh đại bàng để chàng bay lên, bay vút lên không gian bát ngát, xa trần thế, lạc vào Thiên Tiên? Phải chăng, khi viết Thiên Thai, chính Văn-Cao đã thoát xác thành Lưu Nguyễn? Lưu Nguyễn ngày xưa có thật hay chỉ là huyền thoại, không ai biết chắc, nhưng Lưu Nguyễn từ Văn-Cao thoát xác phải có thật mới tạo thành những giòng nhạc bất hủ, cuốn hút như thác đổ, vừa rộn rã đam mê, vừa dịu dàng tiên cảnh đến thế!

Ai đã cất tiếng: “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng”, khó có thể dừng ở giữa đoạn mà không bị ma lực âm thanh lôi cuốn, mời gọi hát tiếp: “Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên. Kìa đường lênTiên, kìa nguồn hương duyên, theo gió, tiếng đàn xao xuyến. Tiếng tơ lưu luyến, mấy cung u huyền, mấy cung trìu mến, như nước reo mạn thuyền …”

Cũng tại nơi ngủ trọ ầm ĩ tiếng động đó, Văn-Cao đã viết Trương Chi, Buồn Tàn Thu, Suối Mơ, Bến Xuân …. Cả một trời âm thanh réo rắt, thơ mộng của những tuyệt tác phẩm đã đến, và ở lại lòng người.

Nhưng Văn-Cao, người nghệ sỹ tài hoa không phải chỉ là chàng nghệ sỹ mơ mộng. Văn-Cao chính là tác giả những bản nhạc quân hành hùng tráng như Hải quân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Lục quân Việt Nam mà quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã dùng để tiêu biểu cho mỗi binh chủng. Đặc biệt, Trường Ca Sông Lô, vẽ lên bức tranh tuyệt đẹp, hào hùng đã nức lòng bao thanh niên thiếu nữ lên đường kháng chiến chống ngoại xâm, giành lại độc lập tự do cho xứ sở. Bài trường ca một thời âm vang khắp núi rừng Việt Bắc với những câu: “Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u. Thu ru, bến sóng vàng từng nhà mờ biếc, chìm một mầu khói thu. Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang. Ai qua, bến nắng hồng lặng nhìn mầu nước sông Lô xưa …”

Chính bản thân Văn-Cao cũng đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho lý tưởng. Vậy mà, sau 1954, Văn-Cao ở lại miền Bắc, chỉ còn viết vẻn vẹn một bài Tiến Quân Ca!

Buồn thay! Và cũng may thay! Nếu Tiến Quân Ca không được chọn làm quốc-ca của Cộng Sản Việt Nam thì chắc gì Văn-Cao còn được yên thân ở đó, dù chỉ còn như một chiếc bóng, âm thầm đi, về cùng những ly rượu nhạt!

Tại sao có thể như thế được? Tại sao chàng Lưu Nguyễn tràn đầy tình yêu người, yêu đời lại có thể đột ngột biến mất trong cõi sương mù?

Sau năm 1954, tuy một người tên Văn-Cao còn đó, nhưng nhạc-sỹ- Văn-Cao đã biến mất!

Nhẹ như tơ, lặng như đêm, cung đàn đã im tiếng! Không ai còn thấy Văn-Cao-nghệ-sỹ nữa! Chỉ còn một con người già trước tuổi, im lặng mỉm cười với mọi sự, làm bạn cùng những ly rượu đầy vơi …

Xuân có đẹp, Hạ có vui, Thu có êm đềm hay Đông băng giá cũng chẳng khiến người gẩy lên một cung tơ! Trái tim như không còn nằm trong lồng ngực vì nếu còn, thì trái tim - nhất là trái tim nghệ-sỹ - chắc chắn còn phải chuyển đạt sự rung động thành tác phẩm. Như con chim ngứa cổ phải cất tiếng hót, như mây tụ lại, ắt phải mưa, như mặt trời lên, ắt phải nắng, như đói phải ăn, khát phải uống, như bao nhiêu điều tất nhiên trong đời sống.

Vậy mà, Văn-Cao, người nghệ sỹ tài hoa đã từng lạc Thiên Thai ngay giữa khu nhà đèn trần tục ầm ĩ, đã từng – bằng âm nhạc – kêu gọi bao người trẻ tuổi ra đi vì lý tưởng, lại có thể im tiếng khi “đất nước thanh bình”?

Ai?

Chính sách nào đã bóp chết trái tim nghệ sỹ đó?

Người nghệ sỹ chân chính, nếu không được viết ra những gì mình thực sự muốn viết thì thà không viết nữa! Thà là bẻ bút! Thà là đập đàn!

Lịch sử đã chứng minh bao tài năng Tự Hóa Đá, tự biến mình từ trăm suối ngàn sông thành những đụn cát quạnh hiu khô vắng, hơn là trở thành những con múa rối!

Nếu những kẻ cầm quyền hiểu được rằng, văn-nghệ-sỹ là gia tài chung của dân tộc thì chắc chắn chúng ta còn có biết bao nhiêu Lá Diêu Bông, Bên Kia Sông Đuống, Ngã Ba Sông (Hoàng Cầm), bao nhiêu Mầu Tím Hoa Sim (Hữu Loan), bao nhiêu Đôi Mắt Người Sơn Tây, Đôi Bờ, Tây Tiến (Quang Dũng), và, Văn-Cao, với trái tim nghệ sỹ tràn đầy rung cảm, nếu được tự do đập những nhịp yêu thương thì với hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta còn được nghe bao nhiêu giòng sông cuốn, bao nhiêu con suối chảy, bao nhiêu rừng lá rơi, bao nhiêu lời tình tự ngọt ngào của muôn chim với hoa bướm, của người với người, của trăng với sao, của trời với đất, của cỏ với cây, của muôn ngàn kỳ hoa dị thảo trong vườn hoa nghệ thuật mênh mông …

Mozart, thiên tài âm nhạc thế kỷ thứ 18 chết vì kiệt lực khi vừa ba mươi lăm tuổi. Mozart chết khi tay vẫn đang cố viết nhạc, chết khi nhạc còn tràn đầy trong tim, trong phổi, còn đang tuôn chảy mênh mang trong thân xác cạn dần sự sống.

Văn-Cao của nền âm nhạc Việt Nam chết ở tuổi già bẩy mươi lăm, chết khi Nhạc Đã Chết trong ông từ hơn bốn mươi năm trước, chết tự lúc thanh xuân, tự thuở đập đàn!

Nhưng tự thân, những tác phẩm nghệ thuật giá trị đã sẵn có một đời sống bất khả xâm phạm.

Vì nghệ thuật không hít thở không khí đời thường.

Nghệ thuật được hình thành từ mỗi cõi riêng, nơi tâm người thong dong tự tại:

“ Thanh thanh túy trúc
Tận thị pháp thân
Uất uất hoàng hoa
Vô phi Bát-Nhã”(*)

Có đâu, lấy hẹp hòi xuẩn động thế gian mà trói buộc được.

Xin cám ơn.

Xin vô vàn cám ơn những nghệ sỹ chân chính đã vị nghệ thuật mà hóa đá.

 

Diệu Trân
(Như-Thị-Am, giao thừa Tết Đinh Hợi)

(*)Lời Thiền-sư.            


 

DIỆU TRÂN - LINH LINH NGỌC

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN
BỞI NHÀ XUẤT BẢN GIÓ ĐÔNG


Vô Tự Thị Chân Kinh


Đường thiên lý
A thousand-mile road
Une route interminable
 


Tâm Hương Tải Đạo

Website Gió Đông

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.