SONOMAMA
Một lần,
tôi đọc được ở đâu đó mấy câu thơ ngắn. Vì ngắn, và đối với tôi, rất
hay, nên đọc qua một lần là nhớ:
“Tâm
sầu lắm ư,
Thôi đi
nhị kiến
Chẳng còn ba, tư
Trên con đường thật
Người về với Như”
Không biết
tác giả nhưng tôi chắc thi sỹ này phải có tâm đạo lắm!
Gieo hạt
xuống, hội đủ duyên, có ngày hạt sẽ nẩy mầm. Các cụ nói đúng thật.
Cái mầm tôi vừa thấy từ cái hạt ghi lại trong tâm mấy câu thơ trên
chính là buổi chiều nay. Lang thang trên lưới thế nào, tôi lại gặp
ngay tác giả. Hóa ra, những câu thơ đó chỉ là phiên dịch, còn nguyên
bản là của một thiền sư Nhật Bản, ngài Ikkyu, tác giả hàng trăm bài
Đạo Thi nổi tiếng!
Mấy câu
thơ trên, nguyên bản tiếng Nhật như vầy:
“Nageku
nayo
Makoto no
michi wa
Sonomama ni
Mittsu tomo nashi”
Không cần
phải biết tiếng Nhật, quý vị cứ thử theo đúng vần, đọc bài thơ
nguyên bản xem sao. Mời quý vị thử đi, xem âm thanh của chữ nào làm
tâm quý vị xôn xao?
Hơn bốn
mươi năm trước, tôi có dịp học tiếng Nhật, đã có thể viết thư đơn
giản, đàm thoại những câu thông thường, nhưng sau đó chẳng bao giờ
dùng tới nên vốn liếng Nhật-ngữ của tôi ngày nay chỉ còn lại
“Toyota, Honda, Yamaha, Mazda, Suzuki …” nên đành “Soyonara” cho
tiện việc sổ sách!
Tuy thế,
đọc bài thơ trên, tôi cảm nhận sự rung động trên từng âm thanh của
chữ “Sonomama”.
Sonomama
được dịch là “Như”. Người về với Như là về với Sonomama, về với
Phật-tánh, về với chính bản lai diện mục của mình. Về, tựa hồ Người
Cùng Tử trong kinh Pháp Hoa, khi bóng tối vô minh được giải tỏa mới
thực sự biết trở về bằng Con Đường Thật (Mittsu tomo nashi) mà bắt
gặp Chân Như (Sonomama).
Lò dò thêm
vài bước nữa vào thế giới của thiền-sư Ikkyu, tôi gặp những câu ngắn
hơn mà súc tích, thâm sâu. Mời quý vị đọc chậm rãi những câu này:
“Ima wa
haya
Kokoro ni kakaru
Kumo mo nashi
Tsuki no irubeki
Yama shi nakereba”
Nghĩa là:
“Trái
tim ơi,
Không mây,
Không núi
Trăng tìm bóng tối
Biết tìm nơi đâu!”
Không thấy
tên dịch giả nên đành ghi lại nơi đây, lời cám ơn vị nào dịch mà hay
quá! Chuyên chở trọn vẹn ý thơ. Lời như bâng quơ mà ẩn dụ bao
thiền-ý. Sao thiền-sư Ikkyu không gọi “Tay ơi! Chân ơi!” mà lại gọi
“Trái tim ơi!”? Vì chỉ trái tim mới hiểu được câu “Trăng tìm bóng
tối” Trăng trên cao, tỏa sáng bình đẳng xuống mọi nơi đón nhận, tại
sao trăng còn phải đi tìm những nơi tối tăm để chiếu dọi? Nơi tối
tăm đó là gì? Có phải là Vô Minh không? Nếu đúng thế thì Trăng mà
Ikkyu nói ở đây không phải chỉ là Vầng Nguyệt mà chính là Ánh Sáng
Đạo Pháp. Chỉ Ánh Sáng Đạo Pháp mới mở lòng Từ Bi, đi tìm bóng tối
vô minh mà soi dọi. Trăng soi sáng tâm vô minh để Tâm Sáng với Trăng
là một. Khi ấy, chúng ta lại thấy:
“Sonomama ni
Mittsu tomo nashi
Trên con đường thật
Người về với Như”
Thật tuyệt
vời! Chỉ dăm bước chánh niệm là về tới căn nhà Phật, có trắc trở,
rắc rối chi đâu!
Quý vị còn
muốn đọc nữa không? Chỉ những câu rất ngắn thôi mà giúp chúng ta
vượt bao chặng đường dài. Như bài này:
“Yomosugara
Hotoke no michiwo
Tazunereba
Waga kokoro ni zo
Tazune irikeru”
Phiên dịch
là:
“Suốt
đêm dài
Nếu ta tìm kiếm
Con đường Như Lai
Tìm hoài sẽ gặp
Tâm mình chứ ai!”
Khi ý thức
được là mình có Phật-tánh thì ta không còn phải nhọc lòng tìm kiếm
đâu nữa. Con đường này tưởng như trước mắt với người này mà lại
muôn dặm vời xa với người kia! Ikkyu nhắc lại lời Phật như kinh
nghiệm bản thân làm bằng chứng, giúp ta vững tin mà thu ngắn dặm
dài. Có phải đó là tinh thần Pháp-Hoa-Tam-Muội không, thưa quý vị?
Từ
Pháp-Hoa-Tam-Muội, ta lại dễ dàng nhìn thấy Lý-duyên-sinh khi đọc
những câu:
“Ame
arare
Yuki ya korito
Hedatsuredo
Otsureba onaji
Tanigawa no mizu”
Phiên dịch
là:
“Mưa,
giá, tuyết sương
Khác nhau
là thường
Thế rồi rơi xuống
Qua đồi qua lũng
Một dòng nước tuôn”
Cái này có
mặt vì cái kia có mặt. Cái này diệt cho cái kia sinh nên diệt đó
thực chẳng là diệt, sinh đó thực chẳng là sinh, vạn hữu mầu nhiệm
trong tương nhập, tương túc. Đây cũng chính là “Khai Tam hiển Nhất”
mưa, gió, tuyết cũng chỉ tụ về “một dòng nước tuôn”. Dùng phương
tiện Tam Thừa nhưng liễu ngộ thì chỉ là Nhất Thừa mà thôi.
Những bài
Đạo Thi của thiền-sư Ikkyu cứ như thế, mỗi bài là một pháp. Minh
bạch. Rõ ràng. Súc tích. Đọc vừa dứt là nhận ra ngay nên pháp đó là
không-pháp, là qua sông bỏ bè mới thực sự đáo-bỉ-ngạn.
Cái khó là
khi nhận ra rồi, ta có “Sonomama ni”, về với Như ngay không, hay còn
quẩn quanh “ba, tư, nhị kiến?”
Riêng tôi,
xin thú thật là tu hành còn lơ mơ nên “Thiên lý hương tâm, dạ cộng
trường” (*) Tình quê ngàn dặm, đêm trường chưa tan!
Diệu
Trân
(Như-Thị-Am, Rằm Thượng-Ngươn Đinh Hợi)
(*) Thi
hào Nguyễn Du
|