Công án
Bước vào cửa thiền, ít thiền sinh nào không biết đến công án nổi
tiếng “Tiếng vỗ của một bàn tay”.
Khi Thiền-sư Bạch Ẩn đưa một bàn tay lên và bảo lớp
thiền-sinh đang lặng lẽ, chăm chú ngước nhìn ngài, là hãy lắng nghe
tiếng vỗ của một bàn tay, thì tất cả thiền sinh hiện diện đều ngơ
ngẩn vì trong tâm phân biệt đã lập tức khởi niệm “Chỉ có một bàn
tay, làm sao tạo nên âm thanh của tiếng vỗ?”.
Chẳng phải môi trường nào cũng có một Ma-Ha-Ca-Diếp như
trong pháp Hội Linh Sơn, để khi Đức Thế Tôn im lặng đưa bông sen lên
thì khắp chúng hội ngơ ngác và bận rộn với ý nghĩ “Đức Thế Tôn đang
làm gì đó? Sao giơ bông sen mà chẳng dạy chi?” Chỉ mình
Ma-Ha-Ca-Diếp an nhiên, thanh thoát lặng lẽ mỉm cười vì đang thực sự
tiếp xúc với giây phút hiện tại, với sự có mặt của bông sen chứ
không quẩn quanh với sự việc bông sen được đưa lên. Bông sen đang có
mặt. Ma-Ha-Ca-Diếp đang có mặt và người đang mỉm cười với hoa. Qua
con mắt của chánh-pháp-nhãn-tạng, Đức Thế Tôn đã nhìn thấy người đệ
tử vừa đạt ngô. Và giai thoại Niêm Hoa Vi Tiếu là thực chứng sự mầu
nhiệm của vô ngôn, bất khả tư nghì.
Vậy, âm thanh nào là tiếng vỗ của một bàn tay?
Chính từ dấu hỏi mà câu nói này trở thành công án vì
công án, nếu được hiểu theo nghĩa đơn giản chỉ là vấn đáp giữa
thiền-sư và thiền-sinh, do vị thầy muốn dẫn đạo đệ tử đặt trọng tâm
quán sát vào điều gì thì thầy đặt ra đề án về điều đó để khai ngộ
thiền-lý cho trò. Khi thiền-sinh quán chiếu đề án mà thầy đặt ra -
danh từ thiền gọi là tham công án - thì thiền sinh cần ngồi trong tư
thế tĩnh lặng, gom thân, tâm, ý về một mối. Đó là tọa thiền, là một,
trong những phương tiện để giải đáp công án.
Sở dĩ tôi chợt nhớ lại công án “Tiếng vỗ của một bàn
tay” của thiền-sư Bạch Ẩn vì suốt nhiều ngày qua, trên mạng lưới
toàn cầu đều phổ biến tấm hình độc đáo, cảnh công an CSVN mặc thường
phục, đưa tay bịt miệng Cha Nguyễn Văn Lý trong phiên tòa dựa theo
luật rừng mỗi khi chính quyền muốn bắt bớ, giam cầm một người dân
nào đòi quyền làm người.
Tôi phải xin lỗi thiền-sư Bạch Ẩn vì khi nhìn tấm hình
đó, tôi bật ngay ra một “cong án” (cong, chứ không phải công!) Phàm
cái gì cong là vì đã bị uốn, bị bẻ, bị nắn, bị biến dạng. Cái cong
án tôi nhìn thấy từ tấm hình đó là:
“Tiếng nói của một bàn tay”.
Thật là tuyệt vời!
Một bàn tay đưa lên bịt miệng Cha Lý để Cha không nói
lên được sự thật, đã có tác dụng nói giúp Cha gấp ngàn lần những
điều mà Cha muốn nói trong phiên tòa đó, vì Cha sẽ không đủ thì giờ
để nói, dù Cha không bị bàn tay kia bịt miệng. Bởi lẽ, tuyên bố kết
quả luật rừng xong, tất, Cha sẽ bị dẫn đi ngay.
Vô tình, “Tiếng nói của một bàn tay” đã nối giáo cho
giặc (Cha bị coi là giặc mà!)
Cám ơn Cong Án tuyệt chiêu này. Nhiều phần tôi có thể
tin người công an này chưa từng là thiền sinh hay Phật tử gì vì CS
vô thần mà! Nhưng trong một sát-na kỳ diệu anh ta đã đưa ra một Công
Án (bây giờ là công, chứ không cong nữa) có sức công phá toàn bộ
những đàn áp về thực trạng cai trị của CSVN đối với người dân và
những che dấu thực trạng đó đối với quốc tế! Công án này tuyệt chiêu
tới mức không cần phương tiện tọa thiền mà chỉ nhìn tấm hình là có
trọn vẹn lời giải đáp ngay. Bất cứ thiền-sinh nào tham công án
“Tiếng nói của một bàn tay”, bảo đảm đều đạt ngay! ngộ ngay! chứng
đắc ngay! Tôi không thể không nghĩ rằng, ở nhiều kiếp trước, người
công an này đã từng mon men vào cửa thiền. Không những thế, người
này còn có thể từng là đệ tử của thiền-sư Bạch Ẩn không chừng. Phải
từng tọa thiền, tham công án “Tiếng vỗ của một bàn tay” đến vỡ đầu
vỡ óc nên kiếp này mới có thể bật ra “Tiếng nói của một bàn tay”
đúng lúc và đúng chỗ tới mức tuyệt đối như thế được.
Chắc lúc bị bịt miệng, Cha Lý buồn cười lắm! Thế nào
thầm cám ơn xong, Cha cũng sẽ thầm cầu nguyện cho kẻ đang bịt miệng
mình vì chắc Cha biết rằng, sau phiên tòa, Cha thì vào tù nhưng anh
công an được mang đi đâu, có trời biết !!!
Bất ngờ, tấm hình mang công án “Tiếng nói của một bàn
tay” đã được phổ biến toàn cầu, mọi ghi chú đều không cần thiết vì
công án đã được giải đáp ngay sau khi công án được trưng ra. Vấn đề
còn lại là những ai còn tin là CSVN đã thay đổi, đã cho người
dân-nói chung-, và Tôn Giáo-nói riêng- được nếm chút tự do, những
người đó có cần phải tọa thiền mới giải được công án “Tiếng nói của
một bàn tay” hay không? Có lời giải đáp rồi thì phải có cái nhìn nào
đối với CSVN?
Tự Do không tự nhiên mà có và không cuộc tranh đấu nào
không phải trả giá. Những gì đang xẩy ra ở Việt Nam đã khiến những
ai quan tâm, sẽ nhớ về cuộc tranh đấu trường kỳ của nhân dân Ba Lan
với Đảng Cộng Sản Ba Lan từ nhiều thập niên trước. Qua nhiều cái giá
phải trả bằng máu và nước mắt, cuối cùng, Nghiệp Đoàn Công Nhân Liên
Kết do người-công- nhân-tranh-đấu Lech Walesa đã thực hiện được mỹ
từ “Đoàn Kết” mà kết hợp được 3 thành phần nòng cốt trong dân chúng
là: Nghiệp Đoàn Công Nhân Liên Kết, Nghiệp Đoàn Nông Dân Liên Kết và
Tổng Hội Sinh Viên Độc Lập để cùng bền bỉ tranh đấu bất bạo động như
đình công, biểu tình, thắp nến v.v…
đưa đến thành công trong ngày bầu cử tháng sáu năm 1989.
Trong suốt lịch trình tranh đấu, câu nói lịch sử mà Công
Nhân Ba Lan trả lời Jaruzelski, Tổng bí thư Đảng CS Ba Lan là:
“Chúng tôi xác quyết chúng tôi là công nhân, chúng
tôi không bao giờ là nô lệ, ngay cả khi ông trói tay hay bịt miệng
chúng tôi.”
CSVN có cần giở lại trang sử về cuộc tranh đấu của nhân
dân Ba Lan, khi đang bịt miệng những người đòi hỏi Nhân Quyền tại
Việt Nam hay không ???
Diệu Trân
(Như-Thị-Am, trung tuần tháng tư, 07)
|