.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân - Linh Linh Ngọc | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

 

 

  Lâm Kim Loan


Mẹ không hiền !

 

Mẹ hiền, đối với tôi, phải là người đàn bà thật sự làm mẹ, nghĩa là tự tay nuôi nấng và chăm sóc con mình từ khi con mới lọt lòng hãy còn đỏ hỏn. Ôm con vào lòng cho bú. Quen thuộc mùi bài tiết những lúc thay tả. Ru con ngủ à ơi bằng những câu hò, ca dao đầy tình tự quê hương. Đút cháo mớm cơm. Thức trắng canh thâu khi con đau ốm. Tập con đi những bước đi chập chững đầu đời. Dạy con gọi: má, ba, cơm, nước. Dạy con khoanh tay cúi đầu chào người trên kẻ dưới … Tập cho con tự tin bỏ tả. Chơi đùa giúp con phát triển năng khiếu tay chân. Dạy con những mẫu tự i tờ, đọc truyện cho con và hôn gởi con vào giấc ngủ. Chia sẻ những vui buồn, giải đáp những thắc mắc. Giúp giải quyết những lo âu đến khi chúng đến tuổi trưởng thành v v và v v… Tôi đã ba lần rặn đẻ được ba mặt con; mà dường như mỗi người có một số phận xui rủi riêng hay sao; tôi chưa bao giờ được cái diễm phúc làm mẹ hiền theo định nghĩa đơn giản riêng như trên.

Lấy chồng ngày 12 tháng Tư năm 1975, mười sáu ngày trước ngày miền Nam Việt Nam sụp đổ. Không biết tại sao lúc đó tôi lại quyết định lấy chồng? Càng không biết tại sao tôi được hay bị chồng lấy? Việc nghiêm trọng cho cả đời con gái, vậy mà lý do khiến tôi đưa tay đưa chân cho ông Tơ bà Nguyệt cột sợi tơ hồng lại mơ hồ đến thế! Dù đã hai mươi bốn tuổi, dù đang là sinh viên y khoa thời bấy giờ, đặc biệt là tôi đã học qua khoá “Dự bị hôn nhân” của ông Hoàng Xuân Việt, tổ chức ở nhà thờ Yên Đỗ nữa chứ! Tôi nhớ mãi câu ông nói : “Mua giày dép, chỉ đi một thời gian rồi bỏ, mà chúng ta còn thử tới thử lui; hôn nhân là chuyện cả đời mà nhiều người không thử gì cả”. Tôi đã gật gù khoái chí và đồng ý với câu nói chí lý đó. Vậy mà cuối cùng, chính tôi cũng là người xem việc chọn lựa guốc dép quan trọng hơn chọn người phối ngẫu! Mà thật ra tôi có muốn chọn  lựa cũng không được. Chỉ biết là hai bên gia đình cha mẹ quen nhau. Một bên có con trai, một bên có con gái là kết. Bên có con trai, “tướng mạo cũng khá bảnh bao, chức đại úy ở  bộ Tổng Tham Mưu, không phải ra chiến trường, nên con không sợ phải trở thành quả phụ hay goá phụ” theo lời của ba tôi. Có thể  bên đàng trai cũng thích một cô dâu bác sĩ tương lai cho xứng đôi vừa lứa với con trai rượu của mình.

Tôi lấy chồng, dù chỉ biết mặt chồng qua một bửa tiệc cơm thân mật giữa hai gia đình và thêm vài lần xã giao như người quen sơ. Tôi đã vì hiếu phụ tình! Nghe như chuyện cải lương, nhưng sự thật là thế! Tôi còn nhớ ba tôi, mặt hầm hầm, khi tôi run sợ ngỏ ý khước từ cuộc hôn nhân do cha mẹ hai bên định đoạt nầy. Ông nói: “Không bằng lòng thằng T., muốn lấy thằng Đ. thì mua cho ba má một gói trà, một gói mứt, gọi là trả hiếu, rồi ba cho con đi theo nó luôn, khỏi làm đám cưới đám kiết gì cả”. Câu nói, mới thoáng nghe qua, tưởng dễ dàng mà thực ra khó trăm bề! Tưởng bở là chết cửa tứ! Câu nói là mệnh lệnh của người làm chủ truyền bảo, chỉ thị xuống kẻ dưới, của người cha trong một gia đình lễ giáo mà phận làm con phải tuyệt đối râm rấp tuân theo. Thế mới biết sức mạnh của nền móng Nho Giáo, Khổng Giáo, đã ăn sâu cội rễ vào sự suy nghĩ, cách hành xử trong gia đình, xã hội Việt Nam thời ấy, mạnh mẻ đến dường nào! Những câu : “áo mặc sao qua khỏi đầu”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, “con cái có lổ tai, không có miệng”..vân vân và vân vân…

Thế là tôi xa Đ. “Thôi thế là thôi là thế nhé!” “Em đi lấy chồng để khổ cho ai”. Thế là tôi đi lấy chồng. Thế là có em  “khăn gói theo chồng nhỏ lệ vu quy”.  Thế là ước mơ lứa đôi với người tôi yêu thuở hoa niên được xếp vào ngăn kỷ niệm.

Tuần trăng mật bên gia đình chồng với bao lo âu, trỉu nặng buồn phiền rồi cũng qua đi. Như con chờ sẳn cha, tôi có thai đứa con đầu lòng, vài ngày trước khi chồng tôi được lệnh đi học tập. Lệnh của chính quyền mới ban xuống: cấp sĩ quan trình diện để học tập, chuẩn bị hành lý thức ăn mười ngày. Nhưng sự thật thì khác hẳn, hai tuần trôi qua, rồi tháng, rồi năm; chồng tôi, cũng như bao nhiêu người khác trong chế độ cũ ra đi không biết ngày về!

Sống với gia đình chồng trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng nầy, tôi vẫn cố tiếp tục đi học dù lòng hoang mang và rối như tơ. Tương lai về đâu? Ra sao? Vô cùng mù mịt! Tôi tham gia chương trình dạy y tế cho khóm phường. Giờ rảnh, tôi ngồi bán nước dừa ở góc phố. Tình cờ gặp các thầy ghé vào mua nứơc giải khát, tôi được dịp chào thầy và tặng thầy ly nước dừa ân nghĩa. Học trò trong xóm đến uống nước dừa, chúng cũng lễ phép cúi đầu chào cô giáo chứ không xem như một người bán dạo.Khi cận ngày sinh nở, tôi mang bụng bầu lủi  thủi về quê mẹ như một đưá con gái bị chửa hoang, dù đám cưới rình rang, lối xóm đều được mời tham dự. Đau bụng đẻ, không có người để tựa vào, tôi bấu hai tay vào song cửa của một nhà bảo sanh tư để chịu các cơn đau. Thế là con gái đầu lòng ra đời không có mặt cha vào cuối tháng Hai năm 1976. Hai tuần sau khi sanh xong, tôi gởi con lại cho người chị nuôi dùm và trở lên Sài gòn học tiếp. Tôi không được làm mẹ cho đứa con đầu của tôi. Thỉnh thoảng tôi về thăm con và gia đình ba má tôi vào dịp nghỉ hè. Nhìn con mà tôi có cảm tưởng như nhìn đứa em út. Sợi dây mẫu tử của chúng tôi thật lỏng lẻo, đôi ba tuần thăm viếng rồi lại xa nhau vài tháng, cách nhau hàng trăm cây số. Không có điện thoại liên lạc để được nghe con tôi bặp bẹ những tiếng nói đầu đời.

Tháng Năm 1978, sau khi chồng tôi được giấy tạm tha từ trại cải tạo, chúng tôi tìm cách vượt biên vì lý do chính trị. Tôi cùng chồng và đứa con đầu rời Việt Nam trên một chiếc thuyền nhỏ, cùng năm mươi bốn người khác, trôi dạt đến Mã Lai. Đầu năm 1979, gia đình tôi định cư tại Sydney. Gởi con cho gia đình người bạn mới quen, chúng tôi vừa đi học Anh ngữ lớp đêm, vừa đi làm việc lao động ban ngày mới đủ chi phí cho gia đình, để khỏi lảnh tiền trợ cấp của chính phủ. Chúng tôi muốn tự lực cánh sinh. Tôi thi vào và được học lại ngành Y ở Đại Học Y khoa Sydney vào năm 1981.

Hôn nhân, nếu được xây đắp bằng tình yêu, có lẽ sẽ bền vững hơn vì cả hai sẽ dễ dàng tha thứ nhau, sẽ chín bỏ làm mười. Tôi không có được cái diễm phúc đó! Thêm áp lực cuộc sống, cùng sự khác biệt quá nhiều về cá tính và quan điểm sống, cả hai càng lúc càng đồng sàng dị mộng nhiều hơn.

Để cứu vãn tình thế gia đình, tôi nghĩ tôi nên cho ra đời một đứa con trai. Có con trai, hy vọng chồng tôi sẽ vui thích hơn, sau khi đã được một cái hĩm. Hơn nữa tôi biết gia đình chồng tôi quý con trai hơn con gái. Tôi còn nhớ sau ngày sinh bé Thi, ba chồng tôi viết một lá thư chúc mừng và kèm theo một câu mà tôi nhớ đời : “Phải chi con sinh cháu trai thì quí hơn và ba má sẽ xuống thăm.”. Lần có bầu thứ hai, đêm đó, tôi nói với chồng: “Nếu anh muốn có con trai thì ôm em đêm nay” (bác sĩ mà lị) Thế là thằng con tôi ra đời trong lúc tôi vừa xong năm thứ tư Y khoa đại học Sydney. Không muốn việc học dở dang, tôi lại gởi hai đứa con cho chị Tư của tôi, cuối tuần mới đón về chơi đôi chút. Thế là tôi lại không được làm mẹ cho đứa con thứ hai của tôi.

Khi “chén dĩa khua” khá thường xuyên, tôi quyết định dọn vào khu bác sĩ nội trú ở bịnh viện miền Nam Sydney cho tâm hồn được yên tỉnh hơn. Vào một đêm không trăng sao, có tiếng gỏ cửa phòng và những lời trần tình thảm thiết. Một phần vì ngại các bạn đồng nghiệp kế bên nghe thấy, phần động lòng từ tâm, tôi mở cửa cho chồng tôi vào biện bạch tiếp. Đó cũng là lần tôi giúp nhân số thế giới gia tăng, con gái út của tôi được thành hình.

Lại thêm chuyện nầy, không biết phải số trời hay không mà tôi không bao giờ được cái diễm phúc cho con bú sữa mẹ. Lần sinh cuối, tôi rất muốn cho con bú vì tôi có cơ hội, không phải xa con ngay sau khi sanh như hai lần trước. Mỗi lần con bé bú, núm vú là tôi bị đau như xé thịt dù không bị sưng hay nhiễm trùng gì cả. Tôi lại không thể cho con bầu sửa mẹ như ước mơ.

Năm 1987, tôi mở phòng mạch ở khu ngoại ô miền tây Sydney. Trước đó tôi đã bảo lãnh ba má tôi từ Việt Nam sang Úc được vài tháng. Bấy giờ tôi đã nhất quyết làm mẹ đơn chiếc của ba đứa con. Tôi làm việc mút chỉ bảy ngày một tuần. Lúc đó chỉ có hai bác sĩ nữ Việt lo cho cả mấy ngàn phụ nữ Việt ở Sydney. Sáng sớm tôi ra phòng mạch để lo những ca tiểu giải phẩu, chiều tối phải đi khám bịnh tại nhà cho những bịnh nhân không thể thu xếp đến phòng mạch được. Người Việt mình lúc bấy giờ có rất ít người nói được tiếng Anh, và phương tiện xe cộ còn thiếu thốn. Tôi làm việc như xả thân. Hai đưá con gái tôi, tóc luôn được cắt ngắn, áo thun quần dài hoặc quần đùi cho gọn. Chỉ khi mặc đồng phục là chúng trông giống con gái mà thôi. Tôi không có thì giờ để chưng diện cho con. Hơn nữa tôi nghĩ bề ngoài không quan trọng, miển sao các con tôi được chăm sóc tình cảm, tinh thần và học hành tốt là đủ rồi. Ông ngoại có nhiệm vụ đưa rước các cháu đi học ở một trường địa phương. Ba cháu đều đi học gần nhà cho tiện, vì không ai khác trong gia đình có thể lái xe đưa đón các cháu ở những trường chọn lọc dù tôi có đủ tài chánh để làm chuyện nầy. Tối mịt, tôi về đến nhà thì các con tôi đã được bà ngoại cho ăn uống và đi ngủ. Tôi yên tâm khi nghĩ ông bà thương cháu hơn cả con ruột. Ngoài việc phòng mạch với bịnh nhân, tôi bắt đầu tham gia vào cộng đồng  người Việt với những công tác văn hoá, văn nghệ, từ thiện… cảm thấy mình có trách nhiệm đóng góp và giúp phát triển một cộng đồng di dân còn non trẻ của người Việt tại Úc Châu. Tôi càng bận rộn hơn với bao việc không tên.

Một lần ngồi chơi với con gái Út, tôi hỏi : “Con có thương má không?” Nó trả lời : “Con thương bà ngoại”. Tôi cố  hỏi thêm: “Con cũng thương má phải không?” Nó lập lại: “Con thương bà ngoại”. Choáng váng, tôi hỏi  gằn con trai tôi : “Má muốn biết con có thương má không?” Nó ngập ngừng hồi lâu rồi trả lời rất thành thật : “Để con suy nghĩ ” !!!! Tội nghiệp các con tôi, không có cha lo cơm áo cho gia đình, mẹ phải gánh gồng mọi thứ. Tuổi thơ đầu óc non nớt, chúng chỉ thương yêu người ngày đêm bên cạnh chúng thì cũng là chuyện rất tự nhiên. Tình cảm mẹ con không còn rõ nét trong lòng chúng! Và cứ thế, đàn con tôi quanh quẩn với ông bà ngoại, lớn lên theo thời gian.

Từ vài năm nay tôi làm việc ít giờ lại vì phải lo cho ba mẹ già đau ốm. Tôi có nhiều thì giờ hơn, mong được gần con cái thì các con tôi đã trưởng thành, có đời sống và nhu cầu riêng. Chúng không còn ở gần bên mẹ nữa! Hơn ba mươi năm, vì hoàn cảnh giao thời, đơn chiếc làm trụ cột cho gia đình, đóng góp đôi điều cho xã hội, dân tộc… Tôi đã bỏ mất một chức năng vô cùng thiêng liêng: Chức năng làm mẹ hiền.

Thỉnh thoảng, nhìn những cặp vợ chồng dẫn con đi chơi trong công viên, bãi biển, các dịp hội hè. Nhìn các đứa trẻ được mặc quần áo tươm tất, được cột tóc, thắt nơ... Nhớ đến ba đứa con tôi, không cha và giống như không mẹ, tôi chảy nước mắt. Tội nghiệp con thật nhiều mà cũng tội nghiệp chính mình không ít.

Khoảng thời gian gần đây, có phong trào gởi con về Việt Nam cho thân nhân nuôi hộ, để cha mẹ rảnh tay, cả hai cùng đi làm hầu tậu đươc nhà cửa, xe cộ, vật chất… Tôi đâm ra lo sợ dùm cho họ. Rồi đây, một ngày nào đó, sẽ có những người cảm thấy ray rứt như tôi về sự thiếu vắng tình phụ mẫu tử.

Tôi muốn nhắn nhủ với những đôi vợ chồng trẻ : Hãy ráng lèo lái hạnh phúc gia đình để con cái được đầy đủ cha và mẹ. Hạnh phúc tìm được đã khó, giữ gìn hạnh phúc được toàn vẹn càng khó hơn. Hởi các bạn trẻ! Các bạn hãy tìm thời gian để được gần con khi chúng còn nhỏ, để được làm mẹ hiền. Đừng như tôi, một người mẹ không hiền đang nuối tiếc quá khứ.

 

Lâm Kim Loan

 

LÂM KIM LOAN

Kim Loan hay Lâm Kim Loan, quê miền sông nước Kiên Giang - Rạch Giá.

Sinh viên trường Thuốc Sàigòn rồi Sydney, hiện là Bác sĩ y khoa tại Cabrammatta, nơi đông đảo đồng hương ở Sydney.

Tham gia nhiều sinh hoạt về Văn hóa, Xã hội, Từ thiện ... trong Cộng đồng Việt tại Úc châu.

Lâm Kim Loan làm thơ, viết văn như một nhu cầu trong đời sống tình cảm của mình.

Phù Sa.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.