Khung trời của Chóe

Kim
Loan và Chóe năm 2000 |
Đầu năm 2000, trước khi về Việt Nam, tôi có đến thăm anh chị Hồ Ông
và Tâm Minh, ban biên tập của tuần báo Văn Nghệ Sydney. Tôi ngỏ ý
với anh chị là tôi muốn thăm một vài văn nghệ sĩ còn kẹt lại Việt
Nam. Anh Hồ Ông nhanh nhẩu giới thiệu cho tôi gặp họa sĩ Chóe. Cầm
lá thư của anh Hồ Ông trong tay, tôi không biết mình sẽ có dịp dùng
đến nó không. Vì tôi nghĩ, tôi không phải là một nghệ sĩ, lại chưa
từng quen biết với Chóe, mà muốn tìm gặp một họa sĩ lớn như thế, thì
chắc dễ bị khất. Nhưng những điều tôi nghĩ đã hoàn toàn ngược lại...
Bên kia đầu dây điện thoại: “Alô, tôi Chóe nghe đây”. Bên nầy
đầu dây điện thoại, tôi giới thiệu tên và nói với anh là tôi từ bên
Úc về chơi, nghe tiếng anh đã lâu, muốn thăm anh một lần cho biết.
Tôi chưa kịp nói về việc quen biết với anh chị Hồ Ông. Anh đã nhanh
nhẩu mời tôi đến nhà chơi. Anh định cho tôi địa chỉ thì tôi cho anh
biết, là tôi quen với anh chị Hồ Ông nên tôi có địa chỉ của anh rồi.
Buổi trưa Sài gòn, gió nóng bức và đầy bụi. Xe cộ ngược xuôi tràn
ngập
khắp nẻo. Con đường Quang Trung, Gò Vấp, nơi Họa Sĩ Chóe ở cũng lũ
lượt xe cộ với những tiếng kèn inh tai, với bụi đầy tóc. Đây rồi,
một người đàn ông tuổi khoảng lục tuần, gương mặt đầy nam tính, áo
sơ mi xanh nhạt ngắn tay, ngồi tréo chân trên chiếc ghế đẩu nhỏ,
dưới tàng cây trước nhà chờ tôi từ bao giờ? Anh đã đón tôi như thế.
Một kẻ không quen, không tên tuổi đến thăm một người đã thành danh
như anh. Tôi vừa xúc động, vừa hân hoan, song bước với anh vào nhà.
Họa sĩ Chóe sống trong một ngôi nhà khá rộng, dù cũ kỷ, nhưng cũng
nói lên được một thời vàng son của chủ so với những căn nhà san sát
hai bên đường. Bao quanh nhà là một hàng rào xi măng, cùng một
khoảng sân với vài cây cho bóng mát. Đó là khung trời riêng của
Chóe, một góc hẹp giam hãm những ước mơ của một đời người. Vết cọ
tài hoa đã không thi thố được hết bực vì thời cuộc.
Một người đàn bà trạc tuổi anh, da dẻ trắng hơn, tay ẵm một bé trai
trạc hai tuổi. Anh giới thiệu là vợ anh, cũng tên Loan, và cháu
ngoại. Chị trông mộc mạc, hiền hòa và rất Việt nam với đầu tóc bới.

Chóe
tự họa 1/2000

Chóe tự họa 2/2000 |
Tôi đưa tặng anh hộp chocolate mua từ Sydney và mời anh ăn cho vui.
Anh nói cám ơn và cho biết không thưởng thức quà của tôi được vì anh
bị bịnh tiểu đường khá nặng. Anh cho biết thị lực của anh dạo sau
nầy khá kém do
bịnh không được chửa đúng mức đã gây biến chứng ở mắt. Tôi lại bắt
đầu méo mó nghề nghiệp và hỏi kỷ về bịnh anh, cũng như căn dặn anh
những đìêu cất thiết nên làm của một bịnh nhân tiểu đường. Tôi hỏi
anh về sáng tác mới. Anh dẫn tôi qua phòng bên và chỉ lên tường. Hai
bức tranh treo kề nhau, anh tự họa về mình.Tôi sững sờ và cảm thấy
nổi gai ốc. Tôi nhìn tranh rồi thẳng vào mắt anh, mắt anh vẫn đầy
thần lực dù anh bảo thị lực anh đã kém. Anh cũng nhìn tôi rất thẳng.
Cả hai không nói, nhưng trao nhau rất đầy sự cảm thông.... Dù không
hiểu rành về nghệ thuật tranh vẽ, tôi cũng đọc được tâm trạng của
anh rất rõ qua hai bức tranh đó. Cả hai bức, anh đều dùng màu nóng.
Bức thứ nhất, anh vẽ anh trong cơn lốc số phận với những mắc xích
bao quanh. Mắt traí với gọng kính chữ nhật, được tô bằng màu đen,
có lẽ anh muốn tượng trưng cho con mắt chết được anh bỏ vào quan
tài.
Màu vàng trên tóc với những vạch trắng, như những vàng son của quá
khứ vẫn được anh nuôi dưỡng tâng tiu đến ngày đầu bạc? Màu đỏ trước
mặt là chế độ ngạt thở anh đang đối diện từng ngày? Và phần dưới
khuôn mặt là nửa hình vòng cung tượng trưng cho sự bấp bênh về cuộc
sống hiện tại và tương lai?
Bức thứ hai còn hơn thế nữa. Chóe đã biến thành một đầu lâu trắng
hếu với một bệt lửa đỏ giữa tam tinh, màu đỏ tượng trưng cho chủ
nghĩa cộng sản, anh thành một xác không hồn kế bên là một thánh giá,
như một án tử hình vô hình chung cho người còn sống.... Tôi không
hỏi mà cũng không cần anh giải thích. Tôi chỉ nhìn anh và thở dài.
Ngoài tài vẽ tranh anh còn làm thơ và viết nhạc. Tôi không biết
nhiều về những sáng tác của anh, nhưng cũng từng nghe qua dĩa nhac
tựa đề Gió của anh, xuất bản năm 1993. Vì là họa sĩ, lời nhạc của
anh đầy màu sắc và lồng vào rất nhiều thiên nhiên. Chẳng hạn một bài
nhạc anh viết về một đôi tình nhân, ngồi tâm sự trong một nghĩa
trang. Dường như trong anh luôn là những muộn phiền và ám ảnh bởi
cái chết.
Anh đọc cho tôi nghe vài câu thơ ngắn của anh.
Mùi môi
Môi em mùi son
Môi ta mùi rượu
Giờ uống một mình
Ta pha rượu với son
Hoa Hồng gai
Hoa hồng gai
Tay em rướm máu
Môi ta mặn máu em
Tôi hỏi anh về ước vọng mà anh chưa thực hiện được. Anh cho biết anh
thèm in một số tác phẩm, nhưng anh thấy không thể thực hiện được vì
an nguy cho bản thân và gia đình.
Nguyên văn của anh: “Văn và Họa làm đời sống phong phú và giúp
tôi
hiểu thêm về con người. Nhất là những con người Việt Nam, trông đầm
thấm, thầm lặng nhưng thật dữ dội. Có những con người Việt Nam tàn
nhẫn và hung hãn, mà điều đó tôi đã gánh chịu, cũng như bao nhiêu
người khác trong và ngoài nước”.
Anh nói anh đã phiêu lưu nhưng không được. Có lẽ anh ám chỉ những
chuyến vượt biên không thành công? Và khi đi được, lúc đến Pháp, có
thể xin tỵ nạn thì anh không còn muốn nữa. Anh nói : “chỉ muốn
nằm ì ăn vạ cho chúng biết ta còn có mặt”.
Tôi hỏi anh có ý kiến gì về người Việt ở hải ngoại.
Lời họa sĩ Chóe: “Cộng đồng người Việt hải ngoại làm Việt Nam
tiến bộ rất nhiều. Nguồn lợi kiều bào đưa về làm Việt Nam thay đổi
về kinh tế. Họa sĩ Chóe cũng cám ơn những tranh đấu cho nhân quyền
do các nhóm chính trị của người Việt hải ngoại”.
Họa sĩ Chóe tên thật là Nguyễn Chí Hải, sinh năm1944 tại An Giang.
Anh cho biết biệt hiệu Chóe là do nhà báo nhà văn Viên Linh đặt cho,
khi anh Viên Linh nói: “Tôi đã tìm được thằng Tuýt của diễn đàn”.
Chị Chóe là người Ninh Bình Phát Diệm, cùng tuổi với anh. Chị có với
anh được bốn mặt con, hai cháu nội và hai cháu ngoại (vào đầu năm
2000). Tôi hỏi chị: Điều gì làm chị yêu anh Choé nhất? Chị cười đằm
thắm và trả lời: “tính thành thật của anh”. Chị cho biết, đến
bây giờ, chị cũng không thấy lầm tí nào về sự chọn lựa của mình về
người bạn đời lý tưởng.
Vì hai bức tranh tự họa và những lời tâm tình của anh mà tôi đã gác
lại bài viết nầy từ năm 2000. Tôi sợ anh bị liên lụy. Bây giờ thì
anh đã vĩnh viễn ra đi rồi, không ai có thể làm phiền hay bắt bớ anh
được nữa. Do đó tôi viết những dòng nầy, trước là để tưởng niệm anh,
sau là để độc giả có dịp chia xẻ cùng anh, những suy tư, những uất
ức, mà khi sống anh không thể nói ra hết. Anh ra đi trước khi được
sáu mươi tuổi. Sáu mươi năm cuộc đời anh đi chưa trọn. Ước mơ vẫn
mãi là mơ ước. Giờ thì trên cõi vĩnh hằng, anh tha hồ nghêu ngao ca
hát, tha hồ vung bút vẽ vời. Xiềng xích và những hệ lụy cuộc đời đã
không còn nữa. Bây giờ anh mới thật là anh.
lâmkimloan
tháng ba, hai ngàn lẽ ba.
|