.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân - Linh Linh Ngọc | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác...

  Nguyễn Mạnh Trinh

Văn chương hội nhập :

 Stealing Buddha’s Dinner và Nguyễn Minh Bích

  • 30.04.2007

Với người bản xứ, đời sống của những người tị nạn có nét riêng kích thích tính hiếu kỳ. Đề tài chiến tranh đối với những người thuộc phe miền Nam thua trận hình như không có tính hấp dẫn với họ. Nhưng đề tài hội nhập, với làm lại đời sống với bàn tay trắng, vượt qua biết bao nhiêu là trở ngại, từ khác biệt ngôn ngữ đến cách trở văn hóa, những người tị nạn đã chứng tỏ có một sức sống phi thường và đã vươn lên được những thành quả tốt đẹp lại có sự lôi cuốn với những người bản xứ. Những cuộc sống ấy, gợi nhớ lại một thời kỳ bắt đầu của nếp sống đa văn hóa, là của những di dân từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Văn chương của những người di dân là một nét đặc thù của đất nước Hoa Kỳ.

Riêng với người Việt Nam, chiến tranh đã có một dấu ấn không thể phai mờ. Ở thế hệ thứ nhất đã đành, mà cả ngay thế hệ một rưỡi hoặc thứ hai, bóng dáng của qúa khứ, của một đất nước đã chia xa vẫn còn ảnh hưởng.

Trong văn chương Bắc Mỹ viết bằng Anh Ngữ, rất có nhiều tác phẩm viết về đề tài hội nhập của những người tị nạn Đông Dương. Như hồi ký của tác giả Mỹ gốc Cambodia Loung Ung ”First they killed my father“ và “ Lucky Child”. Như tiểu thuyết của người Mỹ gốc Việt “The gangster we are all looking for” của Lê Thị Diễm Thuý, Như tiểu thuyết “The book of salt” của Monique Truong. Như Lan Cao với “The Monkey Bridge”. Như “Tin roof, grass roof” và “The gentle order of girls and boys” của Dao Strom… Và bây giờ là Nguyễn Minh Bích với “Stealing Buddha’s Dinner“ xuất bản đầu năm nay, tháng giêng năm 2007. Tất cả những nhà văn di dân ấy, đều có nguồn gốc của người tị nạn và trong mỗi trường hợp đều mang vác quá khứ trên vai. Có thể là trực tiếp với họ mà cũng có thể do người thân từ thế hệ trước. Mặc dù viết bằng Anh ngữ nhưng lại viết bằng tâm cảm của đất nước mà họ phải chia xa.

Tác phẩm của Nguyễn Minh Bích đã đoạt giải thưởng The PEN/ Jerard Fund Award. Đây là một giải thưởng văn học nhằm vinh danh những công trình thuộc lãnh vực văn học được chọn lựa bởi đặc tính văn chương cao của những cây bút nữ giới. Giải thưởng này được điều hành bởi The New Yoek Community Trust. Một trong những giám khảo của giải, Lynne Tillman đã giới thiệu đại ý:

“Chân thành, dịu dàng, tự nhiên, Stealing Buddha’s Dinner (Ăn trộm cơm Phật) viết bởi Nguyễn Minh Bích đã làm độc giả theo dõi chuyển động từ biến cố này tới hình ảnh khác. Bà nội của Bích đã cùng cả gia đình rời khỏi Việt nam để khởi đầu tất cả mọi sự ở một nơi chốn xa xôi như ở bên kia bờ đại dương từ năm 1975. Bích và gia đình thấm thía về sự va chạm văn hóa khá thô bạo ở Grands Rapids, Michigan, đã mô tả sự thực và hiển nhiên với sự tưởng tượng thuần khiết của người cầm bút. Trong thể tiểu thuyết và không tiểu thuyết, thực tại của tính chất đời sống ràng buộc nhau để cấu thành kinh nghiệm. Thời thơ ấu người di dân của gia đình Nguyễn là cộng hưởng của nhiều lãnh vực cũng như là biểu hiện của hai nền văn hóa với những va chạm về mùi vị, về tôn giáo, về kiểu cách của mái tóc, của trang phục, của nếp sống và đặc biệt nhất, món ăn. Như tác giả đã viết, bà nội cô đã mang nấm độc về trồng ở vườn sau nhà khiến hàng xóm kỳ thị xa lánh, là thực tại tuyệt đối nhưng cũng là vấn đề khó diễn tả bởi sự khác biệt của hai văn hóa đông và tây. Truyện truyền kỳ cấu thành văn hóa Mỹ quốc là những câu chuyện về người di dân, và, với những công dân mới, đất nước tiếp tục chuyển đổi từ đó. Giống như, Nguyễn Minh Bích đã đồng nhất cái nhìn văn chương, âm vọng đổi mới và cay đắng, rao truyền lại và canh cải lại một đề tài đáng ngưỡng mộ.”

Tại sao tác giả lại chọn nhan đề “ăn trộm cơm Phật”? Một trong những ấn tượng của thời niên thiếu của cô là pho tượng Phật bằng đồng của bà nội cô được đặt trang trọng trên kệ tủ cao nhất của căn phòng, và trên đó chung quanh là đèn nhang và những hoa trái hay món ăn để cúng kiếng, và đó là một hình tượng đầy quyền năng nhưng lại là một hình tượng yên lặng. Cô ưa thích những tư tưởng của Phật giáo, cô nhận thức rằng đó là những điều đáng tuân phục. Nhưng, –trong thời gian giữa thập kỷ 1980 ở Grand Rapids– ảnh hưởng môi trường chung quanh thì không những đó là những điều đã tàn tạ và thậm chí còn là quê mùa và kệch cỡm nữa. Giáo lý về địa ngục thiên đường, về kiếp sau, về nơi chốn của thế giới bên kia quả thực là cực kỳ xa lạ với một cô bé. Thế mà hình ảnh pho tượng đức Phật có vai trò quan trọng trong việc cô bé phải chọn lựa giữa việc hoặc giữ gìn bản sắc dân tộc hoặc hội nhập vào cuộc sống và sinh hoạt của người da trắng. Cô cảm thấy bối rối thực sự khi muốn đi tìm một căn cước cho đời sống mình, là người Việt Nam hay người Mỹ. Và cảm thấy có khi mình đã ăn cắp một sở hữu tinh thần nào đó không thuộc về mình. Nhan đề của Stealing Buddha’s Dinner từ nguồn gốc của giây phút, khi bị phân vân trong ý tưởng sâu thẳm của tâm hồn, cô đã có những suy tưởng bất ngờ không thể nghĩ đến được là mình lấy cắp từ những tặng vật của Phật cho riêng cô. Hình ảnh bà nội cô và những món ăn cúng Phật trên bàn thờ là những níu kéo tâm thức cô trở về nguồn cội của mình.Cô như đang ở trong một xung đột văn hóa. Một bên là đời sống hiện tại, với bà kế mẫu, với những người chung quanh ở nhà, ở trường học luôn luôn kéo vào một cuộc sống như một người bản xứ chính hiệu. Một bên là bà nội, với những món ăn quê hương, với bàn thờ Phật gợi nhớ đến sự linh thiêng. Giằng kéo, xô đẩy, khiến cô phân vân. Và, như thế cô đã viết được những tiểu luận và hồi ký để trang trải tâm sự của mình.

Khi Nguyễn Minh Bích cùng chồng lái xe từ North Carolina đến Washington DC, chợt nẩy ra ý viết một cuốn hồi ký. Từ ý tưởng ban đầu ấy, như những làn sóng lan ra xa, những mục tiêu mà cô thường nghĩ tới trong cuộc đời mình là đề tài về thực phẩm, về di dân, về về căn cước đời sống cũng như hồi tưởng về thời thơ ấu. Trong tiểu thuyết và thi ca, cô khó lòng viết một cách chân thành về những mảnh đời sống nho nhỏ, riêng tư. Điều đó thật đúng khi cô cố tâm viết về những món ăn trong hồi ký, những mô tả phải luôn giữ được sự trung thực của cuộc sống, để hiện thực được nét sống động khi đề cập đến những món đã ăn hoặc những món mà cô thèm muốn. Thực sự cô đã bỏ ra khá nhiều thời giờ để suy nghĩ về những món ăn của thời tuổi trẻ : ice cream, chả giò, bánh tôm, pizza, bánh kem,.. cũng như làm sao thể hiện thời thơ ấu của cô ở vùng ngoại ô Michigan, nơi chốn mà cô luôn nhắc nhở mình là một người ngoại quốc. Cũng như, ở đây một cô bé hàng xóm đã nói cô sẽ sa vào địa ngục vì không chịu theo đạo Baptish. Cô cũng hiểu rằng chẳng bao giờ mình sẽ thành một người Mỹ chính cống như mọi người khác nhưng cô đã quyết định phải tự mình thay đổi và cô muốn Anh Ngữ và phát âm của mình phải bằng hoặc hơn mọi người. Cũng như cô cũng ăn được tất cả những gì mà mọi người ăn, cũng như bà nội cô bỏ đi món canh đậu hũ và thay vào bằng lát bánh mì kẹp thit.

Cuốn sách cô viết cũng một phần là sự nhớ lại từ pho tượng Phật mà bà nội thờ trong phòng, và hồi tưởng lại thời kỳ mà cô cố tâm mà không thành công để trở thành một Phật tử. Thiên hồi ký còn ghi nhận thêm nhiều điều khác, tất cả có từ sự tìm kiếm nguồn gốc căn cước qua thức ăn, qua âm nhạc hoặc truyền hình. Tất cả xuất hiện trong ý định làm rõ ràng hơn nguồn gốc văn hóa của cô. Cô luôn là một người háu ăn, luôn đói bụng và đi tìm kiếm nguồn gốc mình trong món ăn. Viết một cuốn hồi ký như thế, như là một cách ăn ngấu nghiến những món khoái khẩu.

Cô tìm tòi được rằng cô có thể viết hồi ký những gì mà cô không thể xử dụng thích ứng một cách hoàn toàn trong tiểu thuyết hoặc thi ca. Như gia đình cô đã rời khỏi Việt Nam ngày 29 tháng 4 năm 1975 thế nào cũng như cô rời bỏ người mẹ ruột ra sao. Hay gia đình cô đã định cư để tham gia vào cuộc sống ở Grand Rapids, một nơi mà tư tưởng mọi người khá thủ cựu và giáo điều. Hoặc cô nghĩ về người cha tóc vương đầy lông sau mỗi ca làm ở hãng nhồi lông nệm, luôn nhậu nhẹt và cờ bạc với mấy người bạn đồng hương. Cũng như cô nghĩ về người mẹ kế người Mễ cùng với những người con gia nhập vào gia đình bé nhỏ và làm thay đổi đến tận gốc rễ nếp sinh hoạt thường ngày. Cô không muốn dấu diếm bất cứ một điều gì như trong tiểu thuyết hoặc thi ca, nên viết hồi ký. Viết hồi ký trong tâm thức của một người hiểu được giá trị của sự thực và sự trung thực với chính mình, nên sự thành thật đã là một thành tố quan trọng.

Bắt đầu từ chuyện gia đình cô bé rời khỏi Sài Gòn năm 1975, Stealing Buddha’s Dinner cũng là chân dung của những người trong gia đình bé nhỏ này. Người cha, siêng năng. Người chị, tên Anh, dễ thương. Bà nội, rộng rãi, thương yêu con cháu. Người mẹ kế, Rosa, người gốc Latina, là giáo viên dạy Anh Ngữ cho những người ngoại quốc, đã gây nhiều thay đổi trong sinh hoạt gia đình. Và thêm vào là hình bóng của người mẹ đẻ ra Bích, thất lạc sau khi gia đình di tản. Trong hồi ký, có bi thảm nhưng có những cảm tính dịu dàng, có những suy tưởng sâu sắc nhưng cũng có những nhận định từ sự quan sát thoáng qua, Stealing Buddha’s Dinner có một cái nhìn nhất quán về một trường hợp di dân, với sự đi truy tìm nguồn gốc chính mình.

Tác giả nói về trường hợp sáng tác hồi ký này :
“Là người Mỹ gốc Việt sống ở Grand Rapids, tuổi ấu thơ của tôi gói tròn trong ý nghĩa của cảm giác bị cô lập. Tôi rời Sài Gòn khi vừa 8 tháng tuổi, lẽ ra thì thuộc thế hệ di dân thứ nhất nhưng lại có những kinh nghiệm của thế hệ di dân thứ hai. Như tôi ước chừng mình thuộc thế hệ ở giữa, trước tôi chẳng có một chút ảnh hưởng nào của những thế hệ già hơn tôi, và tôi chỉ có những cảm giác của người di dân không liên tục và thay đổi khi sống trong một thành phố mà người da trắng đã làm chủ tất cả sinh hoạt đã thành nếp từ lâu đời. Thành ra, kinh nghiệm của tôi khác với những người Việt lớn lên và sống ở những nơi như Little Sài Gòn hoặc những thành phố vùng West Coast đã khai sinh ra những cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Tôi chẳng hiểu nếu tôi sống ở đó thì tâm trạng của mình sẽ ra sao. Có phải cảm nhận của một người từ môi trường bên ngoài đã dẫn dắt ngòi bút hay là những cảm giác thiên phú tạo nên ? Người cầm bút luôn luôn viết từ thế giới bên ngoài, họ là chứng nhân và cũng là người quan sát. Họ không bao giờ có khuynh hướng lẩn khuất vào bên trong. Họ chỉ  “out “ chứ không “in”. Trong tình trạng ấy, lớn lên ở một nơi chốn dễ dàng có nhiều chi tiết để khai triển cho một người cầm bút. Nhưng ở mặt khác, nó đẩy tôi vào tình trạng không thoải mái, cũng như bắt tôi phải luôn luôn chăm chăm quan sát nhìn ngắm để cảnh giác, để kinh ngạc..”

Với những người tị nạn như gia đình Bích, Sài Gòn và Grand Rapids đã liên hệ với nhau như ngày và đêm. Một nơi, của hoảng loạn, dù là quê hương, nhưng vừa rời bỏ sau khi chế độ Cộng Hòa sụp đổ và khói lửa sẽ đe dọa tàn phá cả thành phố ấy. Ở đó, còn lại người mẹ bị thất lạc. Một nơi, thành phố lạ, mà phần đông cư dân là người Mỹ trắng gốc Đức và theo đạo Christian, rất bảo thủ và ngoan đạo. Họ đến định cư ở đó, tạo dựng cuộc sống, Người cha đi làm. Bà nôi ở nhà nấu ăn và coi sóc hai chị em, Anh và Bích. Cuộc sống tiếp diễn với đời sống nhiều thay đổi. Ở nhà, ở trường học, chi em Anh và Bích phải tập tành theo một lối sống của những người bản xứ. Phải ăn, nói, giải trí, nghe nhạc, xem truyền hình, đọc sách như người bản xứ. Và như thế, cái căn cước tị nạn với đất nước dần dần xa xôi lu mờ đi. Nhưng có một điều, ngay chính Bích cố công như vậy mà cũng ngầm hiểu rằng chẳng bao giờ mình trở thành một người bản xứ chính hiệu. Có lẽ, đó là tình trạng chung của những di dân, của những người Mỹ gốc Việt, gốc Trung Hoa, gốc Đại hàn, gốc Châu Phi… Sự va chạm văn hóa ngấm ngầm đã tạo thành một đời sống khác biệt, nó ở giữa nền văn hóa bản xứ và nền văn hóa của quê xa.

Tập hồi ký ghi chép lại từng ngày tháng với giọng văn lẫn lộn giữa hài hước và những ghi nhận bình thường hàng ngày. Tác giả phác họa chân dung đời sống của một cô bé tị nạn Đông Dương sống ở miền Trung Tây Hoa Kỳ vào thập niên 80. Những chi tiết được kể lại dù chỉ là của một cá nhân nhưng lại có tính chất chung của nhiều người. Là giáo sư dạy môn sáng tác văn chương Anh ngữ tại đại học Purdue nên Bích đã rất cẩn trọng để tạo thành một văn phong giản dị trong sáng nhưng nhiều âm điệu. Ngôn ngữ của “Stealing Buddha’s Dinner“ là ngôn ngữ kể chuyện, được tạo dựng bằng những hình ảnh và nhân vật điển hình, có chất bàng bạc của ký ức không thể nào quên của một đời người.

Khi thơ ấu, Bích có vẻ khác lạ so với những trẻ cùng trang lứa trong trường. Cô có vẻ nhút nhát trong khi cô chị thì dạn dĩ và dễ thương. Khi Bích đến tuổi vào trường thì người cha tái hôn với một người đàn bà Mỹ gốc Mễ và bà này đã làm thay đổi cả sinh hoạt của gia đình. Rosa day dỗ hai chị em thế nào là nếp sống văn hóa của một gia đình Hoa kỳ da trắng xứ Trung Tây.

Nhân vật bà nội được Bích mô tả với sự kính mến và thương cảm. Bà nội tượng trưng cho những lớp tổ tiên của tầng lớp di dân. Bà thờ Phật và cúng những người đã chết và nấu những món ăn cổ truyền cho cả gia đình. Tượng Phật được tác giả xử dụng như một hình tượng tiêu biểu, nó nhắc nhở đến đời sống tâm linh ở quê nhà. Bà nội đã chiên những bánh tôm, đã nấu những tô phở nóng hổi hay nồi canh cá ngon lành, nhưng cô bé vẫn thích mang trong lunch box đến trường những món mà cô gọi là “real food”, những món ăn mà các học sinh quen thuộc.

Một chương sách khá độc đáo là tác giả viết về sự tìm kiếm người mẹ bị thất lạc từ biến cố hoảng loạn năm 1975 ở Sài Gòn. Câu chuyện về bà mẹ này là một bí mật được giữ trong gia đình suốt bao năm trời và chẳng ai muốn nhắc đến sự kiện ấy. Cô được biết bà vẫn còn sống và hiện đang ở Pennsylvania. Là một sinh viên đại học, Bích không muốn nhớ lại quá khứ của gia đình, dù đã hiểu biết được sự thật, đã trôi qua và cô đã né tránh sự gặp gỡ mẹ cô trong một thời gian dài. Nhưng tính hiếu kỳ đã thắng làm cô tìm đến. Cuộc gặp gỡ và cuộc về thăm Việt Nam lần đầu đã làm độc giả thấy được tâm cảm của người viết. Người mẹ đã trải qua những cảnh đoạn trường tại Việt Nam sau ngày bị thất lạc gia đình tại phi trường và người con lúc ấy mới hiểu được những ẩn tình mà cả gia đình cố dấu kín và quên đi.

Hồi ký của Nguyễn Minh Bích đã giải thích một cách rốt ráo về trường hợp một đứa trẻ tị nạn đã đối đầu với những xung đột văn hóa cố gắng tạo dựng một đời sống mới tại Hoa Kỳ. Viết hồi ký, cô muốn nêu ra một trường hợp của chính bản thân mình, với cả những tập quán, thói quen, sở thích, ăn uống, vui chơi trong tiến trình hội nhập vào dòng chính của những người Mỹ gốc thiểu số. Cô muốn xác định căn cước của mình là một người Mỹ gốc Việt Nam và, cũng là một người cầm bút với lý lịch như thế.

Sau khi xuất bản cuốn hồi ký này, Bích đã hoàn tất một tiểu thuyết nhan đề “Short Girls”. Truyện xoay quanh cuộc đời của hai chị em, Linny và Van, đang trăn trở trong những bế tắc tình ái trong cuộc sống. Một người thì có người yêu là một người có gia đình. Cô kia thì cố gắng để giữ lại người chồng đang rời bỏ cô. Và, gia đình họ đang ở trong tình trạng sắp tan rã. Những phức tạp của tình ái cũng như những quan hệ rối rắm của tiểu thuyết này, giải thích một cách gián tiếp thế nào là thấp trong thế giới người cao, cũng như thế nào là cao vọng khi nhận xét. Cố nhiên, hai chị em là người lùn, cũng như người cha, một người sáng tạo thất bại khi tìm ra những phương cách cải tiến đời sống những người lùn. Họ tiến đến tình trạng ở thể cách của những người cố gắng thay đổi những điều không thay đổi được – từ diện mạo, dòng giống, gia đình, chiều cao và họ vẫn tiếp tục nỗ lực thay đổi trong khi ngầm hiểu rằng chẳng bao giờ đạt đến mục đích cả.

Viết tiểu thuyết thì cô có cảm giác thoải mái hơn viết hồi ký hoặc những bài essay. Cô được quyền tự do sắp xếp những “sự thực” và có thể chọn lựa những chi tiết cho tiểu thuyết của mình. Cô tìm kiếm rằng đề tài chính mà mình muốn khai triển phải ở tầm mức có khuynh hướng đi về phía trước và nêu ra được một vấn đề cần phải suy nghĩ hoặc bàn cãi.

Nguyễn Minh Bích đã viết về mình trong phần tiểu sử như sau:
“Tôi sinh ở Sài Gòn năm 1974. Ngày 29 tháng tư năm 1975, trong đêm trước khi thành phố bị thất thủ, tôi và gia đình lên chuyến bay rời khỏi Sài Gòn.Sau khi ở trại tị nạn ở Guam và ở Fort Chaffee tiểu bang Arkansas, chúng tôi định cư tại một thành phố hầu hết cư dân là người Mỹ trắng và rất bảo thủ ở Grand Rapids, tiểu bang Michigan. Trong Stealing Buhhda’s Dinner tôi viết đã rời khỏi Việt Nam như thế nào và tôi đã sống và lớn lên trong một gia đình Việt Nam ở một thành phố được mệnh danh là “All Anerican City”. Đó là thời gian của thập niên 60 và tôi muốn mình trở thành một mẫu người Mỹ “real”. Rồi tôi lắng nghe thật nhiều những “bad music”, xem thật nhiều những “bad T.V.”, và ăn thật nhiều những “bad food”.

Tôi tốt nghiệp MFA về môn sáng tác văn học ở University of Michigan và hiện đang là giáo sư dạy về sáng tác tiểu thuyết, thi ca, và văn học Mỹ Á châu tại Purdue University. Tôi hiện sống tại Chicago và West Lafayette tiểu bang Indiana với chồng tôi là Porter Shreve. Cuốn sách đầu, Stealing Buddha’s Dinner (nhà xuất bản Viking Penguin, tháng giêng năm 2007) là một hồi ký, doạt giải PEN/ Jerard Award của Trung Tâm Văn Bút Hoa Kỳ. Tôi cũng là đồng tác giả của : 30/30 Thirty American Stories From the Last Thirty Years, Contem porary Creative Non-Fiction: I & Eye, và The Contemporary American Short Stories…”

Đọc xong những trang hồi ký, đối chiếu với đời sống của người Việt ở hải ngoại, tôi mới nhận thấy rằng sự hội nhập với giới trẻ thiểu số vào dòng chính không phải là dễ dàng. Ở một nơi như vùng Grands Rapids như Nguyễn Minh Bích thì lại càng khó khăn hơn. Nếu như ở vùng đông người Việt Nam như ở Nam hay Bắc Cali, thì sự xung đột sẽ nhẹ nhàng hơn và thức ăn Việt Nam, âm nhạc Việt Nam, sách báo Việt Nam không còn là những điều cần phải che giấu, phải từ bỏ. Nhưng dù ở đâu thì ở, người thiểu số có muốn hội nhập đến mức độ nào chăng nữa, cũng chẳng bao giờ thành người Mỹ chính gốc một trăm phần trăm được...

Đọc một cuốn sách của một người Việt Nam viết về một đề tài của người Việt Nam, được rất nhiều tờ báo lớn và uy tín của Hoa Kỳ giới thiệu như Newyork Times, Los Angeles Times, Chicago Tribune, USA Today, Boston Globe, San Francisco Chronicle, Christian Science Monitor,.. độc giả sẽ nghĩ gì ? Riêng tôi, là một vui mừng và lạc quan. Dù đôi khi cũng có chút ngậm ngùi khi nghĩ về những quan hệ của những thế hệ Việt nam về sau dần dần sẽ phai nhạt đi bản sắc của quê hương. Nhưng làm sao được, khi đời sống cứ đẩy mãi để chúng ta phải chạy mãi chạy hoài như rượt đuổi một điều gì tuy là hư không nhưng vẫn là một thực tế hiển hiện trước mắt…
 


 

NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.