.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác...

  Nguyễn Mạnh Trinh

Nghĩ về một bài thơ
của một thi sĩ vừa ra đi

  • 18.11.2007

Thơ Giang hữu Tuyên  có nét riêng của những người sinh trưởng từ Nam Bộ. Thơ, đầy những hình ảnh của thôn quê, của liếp rau bên ao, của con kinh trước mặt,  của dậu mồng tơi tím, của   ngọn cải đọt rau quê nhà. Ở tâm tình của một người tha hương,  nơi để nhớ nhung về,  dù là những cảnh tầm thường quen thuộc của quê hương. Trong nhiều trường hợp, Giang Hữu Tuyên vừa là người “tạo cảnh“ vừa là người “tả cảnh”. Tạo cảnh là dùng những nét chân thực để tạo thành một thế giới riêng chuyên chở tâm sự ý tưởng mình. Còn tả cảnh là dùng lời chân thực để phác họa những cảnh tượng có nét sống động của đời sống hiện thực. Nhà thơ đã dung hòa để có một thế giới mà trong đó có sự chân thực của đời thường mà lại chuyên chở được ý tưởng, tâm tư. Giang Hữu Tuyên tả cảnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long, và trong ngôn ngữ chân chất ấy gửi gấm theo tấm lòng hồn hậu   của một người yêu tha thiết quê hương.

 

Giang Hữu Tuyên  đã ra đi vào cõi miên viễn nhưng thơ của ông vẫn còn hiện hữu.  Rất nhiều người bằng hữu của anh  đã viết về người thi sĩ dễ mến này.  Thơ của ông  được đọc  và  qua nhiều nhận xét  để  phác họa lại  một khuôn dáng  người làm thơ có phảng phất thời tiết và nơi chốn của đồng bằng Nam Bộ.

 

Trong thơ Giang Hữu Tuyên, hình bóng nổi bật nhất là hình bóng mẹ. Bà mẹ của quê mùa, của những hồi tưởng về những nơi chốn gần gũi.

 

“Nắng xiên giàn dậu trức nhà

Mẹ che tay ngó mông ra đầu làng

Gió chiều bắt Mẹ ho khan

Con giờ đâu mất biệt ngàn tăm hơi

Nhớ con mẹ hái mồng tơi

Nấu nồi canh cũ mẹ ngồi dầm chan”

 

Những câu lục bát bình dị. Những tâm tình giản đơn mà thấm thía. Cảnh và ngườii, người và cảnh, như có điều gì quấn quít nhau. Vẫn là nơi quen thuộc. Vẫn là tâm tư vong ngàn trùng.

 

“Rau răm trụi hết lá già

mùa xuân gửi ngọn bạc hà xa xăm

chiều nghiêng dáng núi đêm rằm

lòng trăng cũng giục ý thầm nhớ quê

nao nao tiếng cuốc bờ tre

trên ao bèo giạt gió về mang mang

bữa đi bông cải nở vàng

sông chia nhánh chảy tóc ngàn dặm bay

(lu không nước đã bao ngày)

mà người thệ hải vẫn hoài ngóng trông.”

 

Những câu thơ bình dị, những ý tưởng sống động cận gần trong cuộc sống hôm nay. Thơ  những nét khắc họa, có mờ ảo lãng mạn nhưng cũng tràn đầy chất sống. Tập thơ “Trời mưa đi phát báo “ có đầy đủ những  đặc tính ấy.

 

Sống lưu lạc tha phương, ai mà chẳng có lúc chạnh lòng nghĩ về quê hương xưa, đất nước cũ. Làm thơ, để những vương vấn ấy không là những giây phút buồn phiền, mà, ngôn ngữ chính là màu nắng nhẹ, là tấc gió phai  cho cuộc sống lung linh hơn. Dù rằng ai nấy  cũng hiểu  được  nỗi  mong manh của cuộc sống.

 

Tôi biết Giang Hữu Tuyên từ lúc cộng tác  gửi bài cho “Việt Chiến” cũng như biết hai người cùng chủ trương là  Ngô Vương Toại và Nguyễn Đình Hùng. Những câu chuyện qua điện thoại, ấm áp, thân tình làm mình cảm thấy bớt cô đơn trước cuộc sống đang dần dần trước mắt. Thời gian ấy là lúc tôi mới vừa chân ướt chân ráo tới định cư ở Hoa Kỳ. Một thời kỳ chuyển tiếp của cuộc sống tôi tràn đầy kỷ niệm.

Giai đoạn ấy  cũng là thời gian mà tôi viết một cách hăng say nhất.  Viết, để cho tôi nhiều hơn là cho mọi người. Nếu không, như nồi hấp đầy hơi sẽ vỡ toang ra hết…

 

Thú thực, lúc ấy tôi còn mơ mộng nhiều lắm và cái dư âm ảnh hưởng của những ngày còn ở bên nhà cẫn còn đầy ắp trong tâm não. Và,  tôi nghĩ, những người chủ trương “Việt Chiến” như Giang Hữu Tuyên  chắc cũng như thế, lúc đó. 

 

Có điều gì bức bối phải nói ra cho hả. Quê hương, mới đây còn gần gũi mà bây giờ xa biệt.  Có bao nhiêu gửi gấm từ những người còn kẹt lại bên nhà?  Đời sống ở đây sao lạ lẫm quá.  Ta đã làm gì đời ta? Câu hỏi ấy như chung mang của nhều người. Có nhắc nhở nhưng có một chút gì bó tay vô vọng…

Thập niên 80 ở hải ngoại có những người lính cũ tương đối còn trẻ và bước vào văn chương một cách tình cờ trong sáng. Không có tham vọng làm nhà văn, mà, họ chỉ muốn làm chứng nhân để ghi chép lại nỗi niềm của một thời đại  thật nhiều biến cố. Bây giờ, qua một khoảng cách thời gian cần thiết để ngoái lại nhìn ngắm, cái tâm hừng hực lửa với đời, với người của họ đã làm văn chương chữ nghĩa thuở ấy có sự lôi cuốn nhập cuộc nhiều người.

 

Nhóm  tạp chí Nhân Văn với những Tưởng Năng Tiến, Lý Khánh Hồng, Thượng Văn, Võ Hoàng.. ở miền Tây Hoa Kỳ và nhóm  anh em quanh tạp chí Việt Chiến  ở  miền Đông bắc Hoa Kỳ, là một phần  đại diện cho những người trẻ nhiều lý tưởng muốn đóng góp một phần nào  công sức cho đại cuộc của  quốc gia,  dân tộc. Thơ văn, đối với họ, là mũi lao tấn kích vào bạo quyền, vào những thế lực phi nhân đang ngự trị trên đất nước. Một cuộc chiến vẫn còn, dù chém giết đã hết trên quê hương. Một mặt trận bằng bút mực trên lãnh thổ văn chương vẫn còn tiếp nối….

 

Giang Hữu Tuyên có cảm xúc thực để làm thơ. Cái chất lính ngày xưa và cái tâm thời trôi dạt hôm nay, trộn lẫn. Những vần thơ chất phác bình dị nhưng chất chứa cái phần hồn  nhiều bão dông thời thế. Thơ của ông không có cái phấn son điểm tô cho ngôn ngữ mà có sự mộc mạc của chất quặng nguyên sinh cuộc sống. Trong nhịp đập hôi hổi sinh động ấy, cái buồn đã chuyển hóa đi để thành động lực dù lãng mạn nhưng là sức đẩy để giúp chúng ta đi qua những gập ghềnh của cõi nhân gian. Thân phận lưu vong,  như người bên lề lạc lõng, cái tủi thân ấy có thoáng qua nhưng cũng đủ làm tê điếng tấc lòng.  Nếu viết ra, như một lời tâm sự, chắc cũng dịu đi nhiều cái dằn vặt thâm tâm.

 

Tâm sự tha phương ai cũng giống nhau. Như một ông tướng tư lệnh quân chủng tôi, khi viết cảm khái về những giọt mưa quê nhà đã nói về cái mộng ước nhỏ nhoi được cùng với giai nhân của mình sống lại những đêm nghe mưa tí tách tầu tiêu  trong cư xá  phi trường Tân Sơn Nhứt.  Hay, như Giang Hữu Tuyên : “Mưa ở Arlington nhớ mưa quê nhà.”

 

“Lá vàng rụng hết đêm qua

Chiều xô cửa ngõ ngó ra rất buồn

Mưa đằm ngọn cỏ đan sương

Mưa nghiêng kỷ niệm mưa buồn tóc  bay

Hồn bình nguyên rộng trên tay

Căng đầy nỗi nhớ sông dài phù sa

Ơi miền Nam Ơi quê nhà

Dưới ao sen nở mẹ già vo cơm

Vo nồi gạo mới Nàng Hương

Của đồng tháng chạp của lòng đất thiêng

Mưa phùn gió phất qua hiên

Em gom củi đước đốt lên nỗi niềm

Chị ngồi vá chút buồn riêng

Anh đi như thể  là  thiên thu rồi

Mây vô tình trắng chị ơi

Nghìn năm muối mặn nghìn đời biển xanh!”  

 

Người sinh trưởng từ đồng bằng sông Cửu Long có tâm tính bình dị như  cảnh thổ nơi ấy. Từ hình ảnh đến ngôn ngữ,  đều bình thường như cuộc sống mọi ngày  nhưng lại có độ ngân nga của những réo rắt đứt ruột của những dây đàn căng tột độ. Lục bát của Giang Hữu Tuyên có sự thiết tha của ngôn ngữ Nguyễn Bính. So sánh thi sĩ này với người làm thơ khác không phải là phương cách chính xác nhưng không hiểu sao, cái liên tưởng ấy tự nhiên có với tôi. Nó thành sự đồng cảm  của những người luôn ngóng về quê hương với nỗi chạnh lòng.

 

Những ngày của năm tháng đầu tiên ở Mỹ, dù có bận rôn, dù có mệt mỏi nhưng khi hồi tưởng lại là một thời gian có nhiều dấu ấn tâm thức và khó tàn phai  nhất.  Lúc ấy, nặng vai quá khứ, dấn bước hiện tại nhưng ngóng về tương lai. Ngày tháng, tiếp nối bằng nỗ lực. Những trang sách tiếp theo những giờ lao động nặng nề, óc não và cơ bắp cũng căng theo nhau lấp đầy những thời khắc. Có một điều gì, trong thâm tâm. Nửa tiếc nuối, nửa hãnh diện. Tuổi trẻ chúng tôi, những chọn lựa bắt buộc. Vào lính, mặc quân phục, cầm súng nhưng trong tâm vẫn tha thiết tiếng gọi yên bình. Những cơn mơ, trong thơ trong nhạc thắp lên bếp lửa thấp thoáng. Hiện về, những phương trời ảo giác. Có mặt, những mong ước mênh mông. Tuổi trẻ chúng tôi, đã thấp thoáng những bi thảm chực chờ cho đến ngày phương bắc thống trị toàn lãnh thổ. Thơ, văn lại bứt phá lên đường. Có tiếng kêu của kinh cầu hồn nhưng cũng có tiếng âm vang gọi nhau đứng  lên dõng dạc lời của chứng nhân  của một thời đạI cực kỳ bi thảm Việt Nam.

 

Rồi tiếp những ngày lưu lạc. Rồi nối những tâm sự bềnh bồng. Có những thất vọng vì bàn tay bé nhỏ vô vọng trước những mong đợi to lớn của lịch sử. Nhưng cũng có những mong ước vươn lên từ cuộc sống phù hoa xứ người.  Có giây phút chạnh lòng từ ám ảnh  xa xưa ngày cũ.  Thơ, là tiếng thở dài, trầm lắng, ngắn nhưng sâu…

 

Một bài thơ của Giang Hữu Tuyên, tôi đọc và luôn luôn sau đó bao giờ cũng là những liên tưởng đến thân phận của mình một lúc nào tuy đã hai mươi năm nhưng tưởng như mới hôm qua. Những ngày chập chững gượng lại để bước tới vững vàng cuộc đời mình. Tôi đọc bài thơ ấy nhiều lần và mười lần như một cũng là những chạnh lòng như thế. Bài thơ “Trời mưa đi phát báo” mà nhiều người cũng đọc và đồng cảm như tôi.

 

“Chiều ngã năm đường năm bảy ngã

Ngã nào cũng ướt giọt mưa rơi

Bao mùa mưa đã im giông bão

Sao nước trường giang vẫn khứ hồi

Mười mấy năm làm tên phát báo

Lòng buồn theo thành quách xa xưa

Những trang tin dội từ quá khứ

Rớt  ngập ngừng cùng những  hạt  mưa

Mưa lót ngót đời loi ngoi mãi

Sáng chưa đi chiều lại mưa về

Mưa ngã năm từ năm bảy ngã

Ngã nào cũng mưa và mưa thôi

Xấp báo trên tay vừa ướt hết

Vậy mà cứ đứng dưới mưa bay

Hình như những mùa mưa thuở trước

Đang về làm ướt trái tim ai”

 

Mưa. Những cơn mưa của con người bơ vơ lưu lạc giữa mù mịt đất tri. Đường năm bảy ngã chiều biết đi về lối ngã nào đây. Chỗ nào cũng mưa và mưa bao phủ. Mưa làm ẩm ướt những trang tin trên báo và cũng ướt luôn trái tim ai đang giây phút chạnh lòng. Ai? Người ấy có thể là tác giả nhưng cũng có thể là một người trong chúng ta, lạc giữa đìu hiu của đất trời và giữa đơn điệu thúc bách của áo cơm. Y hệt như cảnh “Xấp báo trong tay vừa ướt hết. Vậy mà cứ đứng giữa mưa bay. Hình như những mùa mưa thuở trước. Đang về làm ướt trái tim ai?”.

 

Không còn là hình như, mà, đã là như thực, một cảm giác thực, một chạnh lòng thực. Mưa. Mưa. Vô cùng không gian thơ. Mưa của một người lính cũ còn vương vấn chiến địa xưa. Những hạt mưa thuở nào. Buốt xót.

 

Hình như có lúc Giang Hữu Tuyên linh cảm sự ra đi của mình.  Ai mà không có một lần phải ra đi khi chuyến tàu thiên cổ vào ga cập bến. Nhưng, ở giây phút chia xa còn vương vần lại quê nhà. Thi sĩ  đã nhắn với người ở lại. Mai này trong chuyến tàu thiên cổ. Nếu có người thương tiếc tiễn đưa. Xin hãy rắc thêm vào huyệt mộ. Chút tình hệ lụy núi sông xưa… kẻ tha phương, vẫn muốn trở về để nhớ lại  những ngày xưa cũ của quê hương.  Có tiếng gọi nào trầm thống  cho một nỗi niềm day dứt khôn nguôi. Thơ, như bước chân trở về dù là một chuyến đi xa. Chuyến đi của “Đất gọi người đi”

 

“Đất gọi người đi buồn biết mấy

sông dài chảy xiết một giòng thôi

từ nay chín cửa mưa mù lối

sóng nước mênh mông nhánh củi trôi

đã nhiều năm vắng xa biền biệt

mưa nắng hai mùa gieo nhớ thương

mương nước nhỏ chờ bông cải ngọt

vượt mình trên mảnh đất quê hương

nhưng chẳng thấy đâu giờ hạnh phúc

đàn chim bay mãi chửa về đây

áo cơm lần lửa qua ngày tháng

mộng ước lui dần xuống kẽ tay

 

rừng phong u uẩn nằm im tiếng

chiều phả hơi sương lạnh nỗi nhà

Việt Điểu Cành Nam ôi cách trờ

Ngựa Hồ còn hí Bắc Phong xa

Mai này trong chuyến tàu thiên cổ

Nếu có người thương tiếc tiễn đưa

Xin hãy rắc thêm vào huyệt mộ

Chút tình hệ lụy núi sông xưa..”

 

Thời gia n qua thật mau. Tháng tháng ngày ngày qua đi.  Trong nhịp sống vội vã quê người,  có lúc vẫn nghĩ về phương trời cũ,  đất nước xưa.  Có mấy ai, giở lại trang thơ, tìm lại dư hương của người đã ra đi vào cõi không cùng.  Làm sao, hình ảnh quê nhà lại cứ mãi vấn vương.

 

Thế nào mà tâm tư lại cứ mải vương vấn. Đọc những câu thơ Giang Hữu Tuyên, có lúc thấy mình lênh đânh chẳng khác nào bè lục bình trôi trên sông, trên rạch.  Đời người  tha hương, có lúc lại nhớ tha thiết cơn mưa xứ mình, lại yêu tha thiết bát canh mồng tơi mẹ nấu  và thấy muôn đời vẫn là giòng sông thơ ấu ngày xưa tắm mát buôi trưa hè.  Ôi ! đó có phải là hệ lụy của núi sông xưa không?

 

Viết nhân ngày giỗ của một thi sĩ, Giang hữu Tuyên mất ngày 14 tháng 11, không phải chỉ là tưởng niệm mà thôi, còn là những  giây  phút để nhớ về một thời kỳ đã qua của đời sống mình.  Có những câu thơ, gợi lại một đời sống cũ, đọc lại trong cái xúc cảm mênh mang. Câu hỏi chúng ta có phải là những người lưu lạc không trên xứ người có lẽ sẽ dễ trả lời. Bởi, cuộc sống này, dù là của thế hệ thứ nhất, thứ một rưỡi hay thứ hai, cũng vẫn chỉ là người đứng bên lề ở nơi bản địa này. Dù rằng, quốc gia này đa văn hóa và có nhiều cơ hội để hội nhập và thăng tiến nhưng cái tâm cảm lạc lõng vẫn bàng bạc  và lẩn khuất, nhất là trong văn chương.   Tôi đọc  thơ Giang Hữu Tuyên trong cảm giác bồi hồi ấy…

 

 


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu,  Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt,  không kích động hận thù,  và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ,  hay bất kỳ một chính phủ nào.