.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác...

  Nguyễn Mạnh Trinh

Nghĩ về một tập thơ

  • 2.12.2007

Một buổi tối chủ nhật, sau một ngày lăng quăng chơi đùa, giở cuốn sách tìm giấc ngủ. Chợt nhớ đến cái cười tít cả mắt của Cao Bá Minh khi đưa tập thơ của Nguyễn Đức Liêm buổi sáng, tôi cầm lên và.. đọc. Tập thơ có cái bìa khá lạ. Một chữ S lớn làm nền và hàng chữ viết thảo bay bướm : “Chàng Liêm mái tóc điểm sương mới về” và góc dưới chữ S là hàng chữ in nghiêm trang : Nguyễn Đức Liêm.

Vào trang trong là :

Ở lại vì chót tin

Ra đi vì tuyệt vọng

Trở về vì lạc lõng

Vong thân..

 

Và thế là tôi đã bước vào một thế giới mà thi sĩ gọi là “thơ tùy bút”. Thơ  hay tùy bút là chính, tôi tự hỏi. Thơ ? Tùy bút? Nhưng rồi ý tưởng ấy nhạt đi. Tôi nhớ lõm bõm, trong cuốn “Conversations with Czeslaw Milosz”, người phỏng vấn đã có cả một chương sách hơn bốn chục trang để hỏi về sự phân biệt giữa tản văn và thơ văn xuôi. Và, câu trả lời có cái biên giới khá mơ hồ với những yếu tố trừu tượng khó phân định. Thì bây giờ, phân biệt làm gì giữa tùy bút và thơ, nhất là với thơ Nguyễn Đức Liêm…

 

Vui thôi mà ! Tôi nhớ đến câu nói của thi sĩ Bùi Giáng khi làm thơ. Và bây giờ tôi cũng bắt chước để kêu như thế khi đọc thơ Nguyễn Đức Liêm. Thơ của ông có ngôn ngữ và hình ảnh của sự pha trộn, từ đời sống thường, có lúc nghiêm trang có lúc bỡn cợt.  Thơ, đối với ông là những mạch suy nghĩ cứ nối tiếp nhau theo dòng.  Ẩn náu ở trong đó, là một tâm trạng khá đặc biệt của một người sống trong cơn đồng thiếp. 

 

“Chàng Liêm mái tóc điểm sương mới về“  đích thực có căn nguyên từ một du ký. Hay là một cuộc trở về thì đúng hơn. Nơi về là Hà Nội, với cảnh với người.

 

Cảnh, là  ba mươi sáu phố phường của ngày xưa lúc chưa di cư, của kỷ niệm và của Hà nội bây giờ, của thành phố ồn ào bụi bậm bây giờ. Cảnh của quá khứ và hiện tại trộn lẫn  biểu hiện bằng ngôn ngữ lúc thì thời thượng, lúc thì ngang ngang, nhiều ngoại ngữ  chen lẫn và nhiều ý tưởng bất ngờ chen vào. Như:

Ư đê Yên Phụ không còn

Người nêm Quảng Bá  xe ôm Nghi Tàm

Hồ Tây bóng cậu mênh mang

Đồng cô Trúc Bạch ngỡ ngàng nông sâu

Cổ Ngư nằm giữa thương đau

Thanh Niên sao nỡ bắt nhau về vườn…

 

Người,  là những nhân dáng của sĩ phu Bắc Hà, được nhìn ngắm bằng những câu lục bát phá thể, nghe tếu tếu vui vui:

Này cô em mắt lưng tròng

Kìa ông anh kẻ lưu vong mới về

Ôm nhau cải táng sơn khê

Hương linh bố cái mô tê đất trời

Bao nhiêu sự cố lôi thôi

Trên con sông đó đầy đời dân đen

 

Một nửa Bùi Giáng, một nửa.. Bút Tre, có phải ? Phân vân khi tôi đọc :

* Bàn tay Xuân Diệu đi tuần

Trên lưng Huy Cận phân vân hay Cù

* Chúng chê Tú Mỡ vụng tu

Sao không phản ánh đòn thù “anh Tam”

*Tiến sang tây quát lên vang

Ngậm tăm Quang Dũng phi tang đôi bờ

* Hữu Loan trợn mắt ngu ngơ

Đẩy xe ba gác treo cờ hoa sim

* Sống nhồi tim chết đứng tim

Cục u lịch sử gọng kìm trung ương

“Le mal du siècle khẩn trương

 liên danh Đức Thảo Mạnh Tường cân phân

* phủi tay công quả nhân dân

người người lớp lớp Trần Dần truân chuyên

* bõ công O chuột cửa quyền

Nghĩa Đô lên giọng Nguyễn Sen Tô Hoài

* "Đàn anh” Tố Hữu đăng cai

trăm năm trong cõi quan tài Stalin

* Điêu tàn biến Chế Lan Viên

trường thơ loạn đỏ máu miền Chiêm nương

*Nam Cao viết lại điển chương

Vượn ơi mày chỉ đoạn trường theo tao

* vang lừng trên sóng Văn cao

thoái âm ba  tiến đào nguyên tươi

*Hoàng Cầm kiếm lá lôi thôi

Diêu bông đối đãi cung trời làng Sen

* Bóng Lê Đạt chữ mon men

Trường ca bác chú bõ bèn gì chăng

* Mặc cho họ mất thăng bằng

Nguyễn Hữu Đang đứng thẳng băng trời trồng…

 

Và, còn nhiều khuôn dáng nữa Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phùng Quán, Nguyễn Chí Thiện, Phùng Cung  của Hà Ni sĩ phu  Bắc Hà, Cũng như của người thanh niên tử sĩ hy sinh trong cuộc chiến tương tàn:

Riêng tôi ngồi chết lẻ loi

Trong “tăng" xích sắt cột lòi xương chân

Dám xin thưa trước nhân dân

Số lùi được báo không cần cho “tăng”

Số lùi bị phá rối “tăng”

Chỉ còn số trúng cỗ săng chiến trường…

 

Đọc tới đoạn thơ “tùy bút“ kể lại câu chuyện chàng chơi gái ở khách sạn bị lừa, có mấy ai không cười mỉm. Tưởng là một nữ nhân mặt hoa da phấn dè đâu là một chàng đực rựa giả hình. Quái  lạ, thơ  mà sao như chuyện tiếu lâm. Nhưng,  lại thấy mường tượng một đời sống mà ở đó giả thực trộn lẫn, cũ mới bất phân. Ở đó,  thơ  hay ngôn ngữ đời thường là một. Ở đó, tâm tư bùi ngùi hay bỡn cợt là một.  Đọc thơ, có khi như nhai lại một món ăn hiện thực bằng đời sống. Có cay của ớt và có chua của giấm…

 

Đọc xong tập thơ, trong tôi là một điều gì lẫn lộn khó tả. Thơ? không phải thơ ? nói ? Mà không phải nói ? Cười ? mà không phải cười ? Đùa ? mà không bỡn cợt ? Trang nghiêm ? Đùa chơi?… Thiệt là lơ lửng …Thiệt là phân vân.  Nhưng lại bật cười xòa. Khi nhớ lại câu nói của thi sĩ “thứ thiệt” Bùi Giáng khi làm thơ “Vui thôi mà!”. Có phải  tôi đang đi lạc trong một cái nhếch cười  ?

 


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu,  Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt,  không kích động hận thù,  và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ,  hay bất kỳ một chính phủ nào.