.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Những Tết của người lính
 trong văn học Việt Nam

  • 2.02.2008

Chiến tranh có lẽ là một đề tài lớn của văn chương nhân loại. Riêng với dân tộc Việt Nam,   từ xưa đến nay, đã quen với chinh chiến khói lửa, chỉ riêng ký ức của những người lính cũng đủ làm chất liệu cho những pho tiểu thuyết lớn. Đọc từ văn học miền Bắc đến hai mươi năm văn học miền Nam, từ văn chương trong nước đến hải ngoại, rất nhiều chân dung người lính được phác họa với rất nhiều đặc tính, đặc thù.

Văn học miền Bắc và văn học trong nước sau 1975 là một nền văn học đầy tiếng súng. Hình tượng người lính được tô vẽ với những nét anh hùng đôi khi gần với tưởng tượng và không có trong thực tế.  Dù rằng, có khi chiến tranh đã hết, nhưng âm hưởng vẫn còn. Tới bây giờ vẫn còn những tiểu thuyết tô vẽ những mẫu người được gọi là chiến sĩ, chiến đấu ngay cả khi hòa bình. Đó cũng là một chính sách của chế độ như Phạm Văn Đồng  tuyên bố :

“Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng không chỉ thể hiện ở một số người ưu tú nhất, mà đang trở thành nếp sống, chiến đấu và lao động của hàng triệu  quần chúng, thuộc mọi lứa tuổi và mọi tầng lớp nhân dân; chủ nghĩa anh hùng cách mạng không chỉ nẩy nở ở những mặt trận đấu tranh quyết liệt với quân thù mà đang mở rộng toàn diện khắp mọi nơi.. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng không chỉ bùng lên đột xuất trong những giờ phút thử thách gay go nhất mà đang diễn ra thường xuyên hàng ngày, hàng giờ trong quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài bền bỉ..”

Chân dung người lính Cộng sản được vẽ ra toàn thiện toàn mỹ với đầy những nét hy sinh cang cường mưu trí và nhất là trung thành vô hạn với chế độ với lãnh tụ. Cả đến khi gần với cái chết cũng không sợ hãi và dù trước những cám dỗ vật chất cũng không chuyển lòng.  Những mô tả khác với ấn định ấy, dù có nét chân thực của tự nhiên con người cũng bị phê phán, cấm đoán. Những tiểu thuyết như “Cái Gốc“ của Nguyễn Thanh Long,  truyện ngắn “Một đêm đợi tàu” của Đỗ Phú, hay  tùy bút “Tình rừng” của Nguyễn Tuân , … đã bị kết tội “xu hướng lấy cái tầm thường yếu đuối của mình mà gán cho nhân vật  theo kiểu lấy bụng ta suy ra bụng người” Hay những bài thơ “Vòng Trắng“ của Phạm Tiến Duật, như “Tâm sự với Thúy Kiều“ của Lý Phương Liên, hay những bài thơ của Dư Thị Hoàn,..  cũng bị phê phán,  là dao động, ủy mị có những suy nghĩ tiêu cực đi ngược lại chính sách của Đảng.

Trần Đình Sử  trong bài “Con người trong văn học Việt Nam sau 1945” viết  :

“Điều quan trọng ở đây là quan niệm về con người bất khả xâm phạm bất khả chiến thắng luôn luôn lạc quan yêu đời nó là lõi cốt cho nhiều sáng tác thể hiện tìm tòi.

Con người văn học chống Mỹ xa lạ với những nét đau thương mềm yếu, những đôi mắt trống không buồn thảm. Tính chất tuyên truyền cổ võ không thiếu trong những gương mặt này. Nhưng đó là những gương mt rất thật. Bởi đó là gương mặt của người chiến đấu và quyết thắng. Một nhân vật của Nguyễn Khải (Đường Trong Mây) suy nghĩ : nhắc nhở những chuyện buồn nào có ích lợi gì cho ai. Có thể sau này sẽ nhắc lại nhưng là sau này khi chiến tranh đã kết thúc. Còn bây giờ điều cốt yếu là phải biết chịu đựng một cách gan góc những mất mát đã có, có thể còn sẽ có, cho tới ngày giành được thắng lợi hoàn toàn “Đó cũng là suy nghĩ chung của con người đương thời..”

Vì cái suy nghĩ chung ấy mà những nhân vật của tiểu thuyết miền Bắc và tiểu thuyết trong nước hiện giờ bị đóng khung cứng nhắc trong những khuôn khổ ấn định nên nhiều khi là những hình nộm để phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền  và đánh bóng chế độ.   Như vậy làm sao lột tả được những phức tạp của cuộc sống. Cũng như làm sao để có thể có những mẫu nhân vật đầy chất nhân bản và có suy tư cũng như hành động hợp với lẽ tự nhiên không gượng gạ cứng nhắc và giả tạo.

Trong hai mươi năm văn học miền Nam hay ở văn chương Việt Nam hải ngoại, chân dung người lính được nhìn ngắm từ nhiều góc độ. Không có một khuôn khổ nào được ấn định cho những chân dung người lính ấy. Và không phải lúc nào cũng là những lời lẽ cổ võ chiến tranh. Cái tâm tư không muốn tham dự cuộc chiến nhưng vẫn phải vào cuộc hay sự suy nghĩ của những người tình nguyện đi vào binh nghiệp, có khi tưởng như tương phản nhau nhưng lại là phản ánh trung thực của cả một thế hệ tuổi trẻ lớn lên trong thời kỳ chiến tranh.

Trong khung cảnh của một đất nước chiến tranh, mùa xuân vẫn là một dịp để nhớ nhung, hay một dịp để nhìn vào tương lai sắp tới với những hy vọng. Ngày đầu năm ở quân trường, ngày tân xuân ở chiến trường, những nhà văn, nhà thơ mang áo lính đã sống trong không khí đặc biệt, trôn lẫn buồn vui, chán chường, hy vọng, thương đời và thương mình.  Trong những tác phẩm viết về chiến tranh ấy, nhân ngày đầu xuân, chúng ta thử đi vào những không gian riêng, thời gian riêng của những người lính. Mặc dù, chế độ Cộng sản đương thời muốn xóa nhòa đi hình ảnh  nền văn học ấy nhưng xem ra ý định ấy đã thất bại. Chẳng có chế độ nào thành công trong việc phần thư khánh nho, cho dù là chế độ Tần Thủy Hoàng ngày xưa đến Cộng sản Việt Nam  bây giờ…

Phan Nhật  Nam, người lính Nhảy Dù, một nhà văn mà bị Tô Hoài trong cái bỉ thử nhưng vẫn pha sự thán phục cho là “người viết tác phẩm của mình bằng máu nhưng là loại máu cặn bã của chế độ thực dân mới“. Chính thái độ phi văn nghệ  khi chửi bới các nhà văn khác chính kiến như Doãn Quốc Sỹ, như Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, như Phan Nhât Nam,…  đã làm cho tác giả của Trăng Thề, của O chuột bị người đọc ác cảm và hạ thấp đi nhiều giá trị của mình.

Trong “Dấu Binh lửa“ Phan Nhật Nam cũng đã trải qua nhiều cái Tết.  Cũng có những cái tết hạnh phúc :

“Tối giao thừa vừa qua là một giao thừa hạnh phúc nhất của thời gian dài mười năm trong tuổi lớn.. Những giao thừa năm xưa, đêm khuya gió lạnh trên đỉnh Hải Vân.. mây phủ kín lưng đèo và tôi co quắp trong một khoang xe vận tải dơ dáy chết máy nằm cạnh sườn núi với cô đơn của một kẻ không nhà. Bảy giao thừa qua chém trong tôi những nhát dao để gây nhc nhối để suốt đời nhớ mãi như một vết chàm khắc lịm vào xương. Nhưng giao thừa vừa rồi thật đầy đủ, bạn bè, em gái tôi và tình yêu của một cô gái nhỏ, bánh mứt, tiếng cười giọng nói vang đầy căn phòng trọ. Cám ơn tất cả. Tôi đi đây, bỏ lại năm ngày ứng chiến Sài Gòn. Tôi mang theo hết cả niềm vui của một đêm giao thừa hạnh phúc theo suốt mùa xuân…”

Nhưng, tiếp theo không phải là thiên đường như vậy. Chiến trường ngày đầu xuân ác liệt, và gian khổ :

“… Đêm mùa khô trời đầy sao, sau khi có mấy muỗng cơm nóng với ngụm nước nhỏ tôi tỉnh người đốt điếu thuốc gối đầu vào nón sắt ghé tai vào máy truyền tin xem chừng các toán phục kích… bên phía hai tiểu đoàn bạn trận đánh mỗi lúc một ác liệt chưa bao giờ tôi thấy gunship đánh trận đêm nhiều đến như thế

Quân rút ra đi như một lũ ma đói hai ngày hai đêm thiếu nước và mất ngủ mọi người phờ phạc trông thấy. Trung đôi tôi đáng lẽ dẫn đầu trở ra lại phải đi chót Tiểu Đoàn. Đại đội 73 đi đầu. Trung đội của Toàn vừa đi được hai mươi thước đạp một trái lựu đạn, hai chết hai bị thương.. Mấy thằng lính của Trung đội tôi cười như mếu. May quá, mình đi đầu là chết rồi ! Tôi cũng nhủ thầm mình có số mạng…

Người trước đi, tôi đi theo chẳng cần đội hình ý tứ gì nữa, hai ngày vừa qua có được bốn muỗng cơm, người tôi không còn một sc lực nào nữa.. Tôi dặn lính. Tụi mày cứ đi theo Trung đội trước mà đi, sát vào nhau đừng để lạc. Đầu gục xuống súng vác trên vai tôi thở không những bằng mũi mà cả bằng chiếc mồm há ra thật lớn, chiếc lưỡi căng phồng nhức nhối và đôi môi khô không còn chút cảm giác nữa. Tro rừng, đất bụi bám đầy mặt mũi bay đầy vào mồm, không còn tí nước bọt nào để nhổ ra, tôi đưa tay vào mồm chà trên lưỡi từng tảng tro đen. Quốc lộ 15 đây rồi, có thửa ruộng nhỏ bên đường tôi úp chiếc mặt vào giòng nước đục ngầu phủ một lớp bùn non…Uống! Uống!  Như loài thú hoang trên sa mạc. Ngày hôm nay mới mồng tám Tết..”

Mùa xuân, với Phan Nhật Nam thường đánh dấu bằng những chuỗi binh lửa. Tết Mậu Thân ở Huế, những ngày trời đất sạm màu bom đạn, những ngày xuân mà bạn bè rơi rụng, mà cuộc sống và nỗi chết chỉ là một ranh giới của cái bước lỡ chân :

“… Chúng tôi trở lại Huế bằng máy bay trực thăng trong ngày mùng năm tết Mậu Thân. Trời thật lạnh, mưa phùn, u ám thê lương bao phủ thành phố. Máy bay nghiêng nghiêng trên đà xuống, hạ thấp dần, khu doanh trại Bộ Chỉ Huy SĐ1BB. Chúng tôi ùn ùn kéo ra khỏi phi cơ.. Sau ba ngày đánh nhau ở Quảng Trị, với số mất mát khá lớn mặc dù chúng tôi đã được cả một đống vũ khí chất đầy một GMC. Mới đây giao thừa chúng tôi còn gọi nhau trong máy truyền tin để chúc tụng những lời đầu xuân, rồi ngày mùng hai, tôi nhớ rõ, bốn giờ sáng, từ đó là khởi đầu máu chảy.. Vừa hay tin Thừa chết, đến Lộc, đến Hổ, bạn quen lâu, mới quen, thương mến thật nhiều, tất cả ra đi, từng loạt từng loạt.. Trong những ngày đầu năm, trong những ngày đầy sương muối và mưa phùn, chúng tôi đã chiến đấu trong đơn độc và tuyệt vọng. Lính Mỹ án binh bất động nằm chờ thời. Không phi cơ không pháo binh, chúng tôi đến Huế với vô cùng mỏi mệt.

Kiểm điểm lại quân số, tấn công và chiếm lại Huế, mục tiêu là mấy cổng thành. Ngày đầu quân tiến thật nhanh tràn qua Tây Lộc, xong tiếp đến cửa Chánh Tây, giao lại cho Bộ Binh. Tối đến, cổng thành  lại mất.. Chúng tôi bắt đầu chiếm lại và từ lúc này cam go bất hạnh lại xảy đến ác liệt. Phi cơ bắt đầu can thiệp, pháo binh có mặt và địch cũng tăng cường nhất định cố thủ. Chúng tôi tiến lên từng đường  từng ngõ từng nhà. Thành nội Huế với đường xá vuông vức như bàn cờ, tiến quân như đi trên cái chết, qua được một đường, tiếp tục bắn che chở cho khinh binh, Khinh binh chạy thật nhanh, nhanh hơn nữa, nhanh để đua với tử thần, nhanh để sống, để thở, để cười, để còn về lại Sài Gòn…”

Mùa xuân với người lính quả không phải là một dịp để nghỉ ngơi.  Nguyên Vũ, một sĩ quan đề lô pháo binh đã tả cảnh “Nghênh xuân chiến địa”:

 “Tết Ấtt Tỵ trở về bất chợt và ngỡ ngàng. Buổi chiều ngày 28 tết tôi đã định nhảy dù về Sài Gòn. Nhưng sợ hành quân bất tử, chui vào chiếu bạc, cháy túi.

Buồn nào bằng buồn thua bạc. Những ngày cuối năm đói rách khiến tôi nằm liệt trong phòng. Lần đầu tiên từ nhiều tháng nay, hình ảnh cha mẹ già và ba cô em gái chợt hiện về trong võ vàng tiếc nhớ. Nhìn thiên hạ chuẩn bị nghênh xuân, tôi không khỏi bùi ngùi rưng rưngb lệ tủi. Hơn ba trăm cây số ngăn cách rồi lần đầu tiên suốt 22 năm qua tôi sống một cái tết xa gia đình.. Tôi nhớ đến những vò rượu cẩm, những tấm bánh chưng béo ngậy của mẹ. Nhà có hai anh em trai, anh tôi mới lập gia đình và vừa nhập ngũ được ít lâu. Còn tôi lưu lạc phương này.. Tháng tháng không một đồng bạc gửi về cho mấy cô em gái ăn quà không mua được một món quà nhỏ mọn biếu thày mẹ… Về phép thì chỉ hàn huyên được vài câu, tôi đã lao đầu vào đường phố chạy đuổi theo những đam mê nhất thời. Hôm nào về phép thầy bảo:

- Nghe nói dưới đó đánh lớn nhiều quá.. Anh liệu giữ mình đó. Các anh đã lớn rồi thày mẹ biết làm gì hơn cho các anh đây…

Mẹ thì nhìn bộ đồ lính của tôi với ánh mắt thở dài. Vẻ hung hăng của tôi khiến mẹ buồn phiền không ít. Nhưng, tôi.. một người lính 22 tuổi. Giai đoạn hăng say nồng nhiệt nhất của một kiếp người…

Thương nhớ đưa tôi vào quán rượu. Những ly rượu đế sủi bọt nồng cháy cuống phổi. Nhưng thấm lạnh tận trong hồn. Mắt tôi mở lớn nhìn ra khung trời khô lạnh- thứ khô lạnh của chiều cuối năm miền Bắc. Mà không thấy gì.

Khi Hải vừa bước vào quán, ngồi xuống cái ghế đối diện một binh sĩ bước vào, Hắn bảo tôi có lệnh đi hành quân. Sang trình diện đại úy Kiệt gấp. Chiếc xe jeep trực ho hen đưa tôi vào sân trại sình lầy của Đại Đội Thám Báo. Kiệt ép tôi uống huýt–ky trước khi thả về với lời dặn” Nhớ nghe. Mình zoulou vào 12 giờ khuya đó”

Tôi trở về trại, không để ngủ mà để tiếp tục uống rượu. Nghĩ tới những thằng còn sống…

Nửa đêm hôm đó 4 chiếc GMC đưa chúng tôi ngược đường từ Bạc Liêu về Nhu Gia. Nửa đường, đoàn xe ném chúng tôi xuống để nhào tới đột kích xóm Béc Hen.

Băng ruộng băng kinh trong đêm tối giá lạnh. Mò mẫm giữa những lung dừa nước rậm rạp hàng giờ. Ba giờ sáng chúng tôi mới tới mục tiêu và âm thầm xiết chặt vòng vây. Năm giờ, trời vừa rạng sáng dù sương mù còn dày đặc chúng tôi ào ạt tràn vào xóm. Chỉ bắt được hai tên du kích và liên lạc bậy bạ.  Báo hại dân chúng xanh máu mặt. Và chắc họ rủa thầm chúng tôi không ít. Mới sáng sớm mồng một Tết đã có lính tráng xông nhà. Rủi hay may đây? Thế nhưng thời buổi này người nông dân Việt Nam làm gì có một chút quyền lực nào  dù nhiệm vụ họ rất nặng nề. Nhiệm vụ phải “đóng góp” cho MTGPMN, nhiệm vụ bị thủ tiêu bởi những viên Công an xã ấp hay du kích. Nhiệm cụ khóc cười sao cho hay và ròn rã nếu không may có một trận đánh khai diễn ngay trong xóm.

Dù sao ngoài mặt họ cũng niềm nở pha trà  mang mứt mời chúng tôi. Chủ và khách bất đắc dĩ  cười nói chúc mứng năm mới tài lộc đắc phúc. Gần trăm mạng Thám Báo chúng tôi chia ra chúc Tết mọi gia đình của cái xóm nhỏ nghèo nàn này… Khi những vệt nắng đầu năm vàng ối đã kết hoa trên vòm lá của những thân sao, trâm bầu và dừa nước chúng tôi từ giã xóm Béc Hen, hướng về phía Tây, để lại sau lưng nắng ấm mùa xuân và những người nông dân ”thân lươn bao quản lấm đầu”

Suốt ngày mùng một Tết hôm đó, chúng tôi lội bộ hơn ba mươi cây số. Tới đâu cũng được uống nước trà ăn bánh tét dưa hấu mứt kẹo. Cài đại đội được mệnh danh là “hung thần của Việt Cộng” bỗng dưng biến thành một đoàn người đi chúc tết dân chúng. Chỉ có những tiếng chào hỏi cười nói thuần phác ròn rã thay cho tiếng súng đã từ lâu biến thành một biểu hiệu một thứ tiếng nói của những người mặc đồ lính khi bước vào trận địa.

Khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi được lệnh dừng quân tại một xóm nhỏ khác, cách quận lỵ Hòa Bình hơn ba cây số. Bốn năm binh sĩ Thám Báo đã kiếm tiền mua rượu mua đồ nhậu  cho buổi tối.

Tôi và Kiệt vừa gột rửa quần áo xong và tiếc hùi hụi cho bữa tiệc buổi tối ở Bạc Liêu thì được lệnh cho về Bạc liêu. Cơm nước đang nấu bị vứt bỏ không chút nuối tiếc. Và vừa cười vừa reo vắt chân lên cổ lội ra Hòa Bình

Trời vừa tắt nắng chúng tôi đã ngồi tề chỉnh trên GMC ngoài mặt lộ. Nhưng mấy chú cua sắt dở chứng đứt xích giữa đồng. Chúng tôi hậm hực chờ đợi và chửi thề. 9 giờ đoàn xe mới về tới Bạc Liêu. Thành phố đi ngủ từ lâu và ảm đạm như mộ địa.

Bữa cơm tối Hải mời tôi phải 12 giờ đêm mới khởi sự. Đêm ấy tôi say như chết. Hình như tôi cười, khóc trong giấc mơ…”

Đời sống người lính như thế nên Nguyên Vũ đã thổ lộ tâm sự của mình khi viết về mình và những người bạn mình:

“.. Tôi không phải là một thứ lính đẻ bọc điều. Tôi cũng không phải là người chỉ có thể sống với binh ngũ. Nhưng tại sao tôi hay viết về đời lính, thích tạo dựng lại những thiên anh hùng ca của đoàn người đi trong đêm tối ảm đạm của quê hương.

Nhiều người đã hỏi tôi như thế đó. Tôi không trả lời. Thảng hoặc với những bạn thân tôi giải thích một cách sơ lược. Hình như tôi nói về “sự hào hùng của một kẻ cầm súng“ Đó là nguyên lực chính đã gợi hứng thú cho tôi.

Tôi tin rằng anh thông cảm và hiểu tôi nhất. Tôi là một hạng người suốt đời bất mãn, một kẻ vô luân và bất thường nữa, như lời kết tội của một vài cấp chỉ huy của tôi. Có thể họ nói đúng. Vì  có  nhiều lúc tôi thấy mình như điên khùng. Tôi thường phủ nhận xã hội này cũng như sự xã hội hóa của nó. Nhưng tôi không tài nào phủ nhận được sự hiện diện của tôi trong cái xã hội hóa đó. Điều ấy chính là niềm đau sót của tôi. Cũng như đất nước mình. Cái đất nước đã chán chường lửa đạn, chống đối chiến tranh mà chiến tranh vẫn hiện diện ở đó..”

Trần Hoài Thư, cũng đón giao thừa, Nhưng, là đêm giao thừa nằm giữ đường làm an ninh cho các  cuộc vui thâu đêm suốt sáng của các quan to súng ngắn :

“Dẫn một đàn con chiều xuống núi

giao thừa không ai nhắc mà đau

giao thừa hai tiếng đâm tâm não

trừ tịch : poncho gạch lót đầu

một đêm sao lại buồn như mếu

muốn nổ tan tành cả cõi đêm

giao thừa giao thừa ta xuống núi

làm hiệp sĩ mù giữa cõi u minh

giao thừa ai đó mời ta rượu

một nhấp mà hồn tê tái ư

anh bạn nghe gì không, tiếng nhạc

người ta đang nhảy đầm

dạ vũ mừng xuân

Giao thừa mừng tuổi con heo bịnh

Xin của nhà dân làm cỗ xuân

Trung đội lập bàn thờ giữa mả

Ta khấn âm hồn

Bảo bọc đàn con…”

Những người lính trận đón xuân đón tết trong cái hờ hững của một cuộc trường hành mỏi mệt. Trong truyện ngắn “Đỉnh xuân buồn“ , Trần Hoài Thư đã bộc lộ cái tâm trạng của những người lính tuy hăng say chiến đấu nhưng vẫn mường tượng thấy được cái bạc bẽo của những người chịu nhiều hy sinh mà chẳng được đền đáp. Cuối năm, người buồn nên cảnh cũng không vui :

“..Buổi chiều cuối năm, gió lạnh hơn mọi khi. Gió hú lồng lộng cả đỉnh đồi. Bầu trời vẫn mang nét u ám của một mùa rét mướt. Đám lính chạy xuống dốc đồi, không cười không nói như mọi khi. Họ chạy tự do dù chân họ cố kềm giữ lại. Đáng lẽ vào lúc này, ngọn đồi phải vang động tiếng cười la, đùa cợt của họ, chẳng khác những đứa trẻ vô tư lự. Nhưng chiều nay, không ai nói với ai. Trên đôi mắt của mỗi đứa con của chiến trường in một màu buồn xám như vách núi...”

Dẫn quân đi kích để làm an ninh cho thành phố có lẽ là một công việc nhàn nhã nhất của những người lính Thám Kích. Thế mà, sao trong tâm tư mỗi người lúc cuối năm sao có nỗi niềm bứt rứt. Năm hết tết đến, là lúc nhìn vào quá khứ và ngóng đến tương lai mà sao nghe dằng dặc những chuỗi ngày, những chặng trường hành của chém giết, của giây phút tranh sống bằng cách bóp cò súng. Tâm tư rối bời, buồn nản cần những ngụm rượu để say:

“...Đợi cho đám lính lao vào đêm tối, Hạo mới vào căn nhà của đôi vợ chồng già. Tổ chỉ huy trung đội đóng trên thềm nhà gạch. Những người lính trong tổ đang sửa soạn chỗ ngủ. Còn chàng, chàng vẫn ngồi yên. Bên trong nhà, đôi vợ chồng già đang sửa soạn bàn thờ. Ánh đèn dầu hỏa leo lét, soi một phần nào mái tóc bạc như sương của hai người. Bà lão đang lui cui sắp đặt những thức ăn trên chiếc bàn nhỏ. Những đĩa sôi, những chén chè, một nải chuối, những trái mãng cầu. Ông già đang ngồi trên ghế vấn điếu thuốc. Tiếng dạ trùng bên ngoài đã bắt đầu kêu, làm đêm càng buồn bã thêm. Nhìn bà lão lui cui một mình, tự nhiên chàng muốn ứa nước mắt. Chắc giờ này con cháu của ông bà đã ở xa cũng đi nằm đường hay kích gác như bọn chàng. Hay cũng có thể những đứa con trai ấy đã nằm dưới lòng đất. Chàng cũng có một người cha già nua như thế. Chàng cũng có một người yêu cũng côi cút như thế. Chàng không dám nhớ. Nhưng tại sao chàng phải nhớ. Còn những người lính kia nữa. Chúng bắt chàng phải sa nước mắt. Cứ chửi thề. C than thở. Rồi sau đó, cuối cùng là rủ nhau lao vào cõi chết. Để cho thiên hạ được sống. Để cho đêm nào cũng những giọng hão huyền tri ân chiến sĩ, anh là chiến sĩ của lòng em đến nôn mửa.. Giờ này, những dinh thự quan tướng được quân binh phòng vệ để tha hồ cửa miệng đầu môi. Tiếng máy truyền tin kêu lên một âm điệu bất tận. Ông trung đội phó vẫn ngồi yên đốt thuốc. Bỗng nhiên chàng ước kêu cả trung đội về ngồi trên sàn gạch này, để cùng chuyền nhau cốc rượu. Để nói với nhau những lời chúc tụng. Để nhắc lại nhau những người ở lại và những kẻ đã ra đi. Đêm hưu chiến mà. Đêm giao thừa mà. Đêm linh thiêng mà. Phải xiết chặt tay từng thằng, mừng thêm một năm thoát chết, thoát bị đạp mìn, thoát bị bắn tỉa, thoát bị phục kích, thoát bị pháo kích, thoát biển người, thoát chốt thoát xe.. Nhưng chàng không dám làm sao chàng có thể biết được trong bóng tối này, đàn chuột đang làm gì?

Tiếng của người lính mang gạo nói thầm bên tai Hạo : Giao thừa rồi, thiếu úy. Chàng ngồi bật dậy hỏi lại giao thừa rồi sao? Tròn đáp khẽ: dạ. Chàng bỗng dưng xúc động quá chừng.  Thời gian như ngừng lại. Trong cõi đêm, tứ phía đạn bắn lên, trái sáng cũng được thụt lên. Rõ ràng, niềm vui mừng đã lấ áp cả lệnh lạc. Rõ ràng, hạnh phúc quá đỗi, chỉ một đêm  chẳng cần biết đêm ở địa ngục hay ở trên thiên đàng. Tự nhiên chàng chụp lấy trái sáng xanh và thụt lên trời đêm. Ánh sánhg xanh lóe lên, sáng lóa cả một vùng. Sau đó chàng thụt trái sáng tím.. Và vàng. Chàng la lên cuồng nhiệt: Anh em ơi giao thừa rồi. Ngồi dậy chúc mừng nhau đi anh em ơi.

Chàng lại ngửng mặt để hứng cả màu ánh sáng tím đang chói lòa cả vùng: Tường Vi ơi, màu áo của em. Anh đang hứng cả màu áo của em đây.

Đám lính từ bốn phía úa ra nhảy nhót tưng bừng…”

Một truyện ngắn khác “Bệnh Xá Cuối Năm“, một không khí khác, một tâm tư khác. Trong bài giời thiệu của nhà văn Mai Thảo đăng trên tạp chí Văn cách nay hơn ba chục năm đã giới thiệu truyện ngắn này như một góc cạnh của người lính VNCH:

  “.. Truyện ngắn “Bệnh xá cuối năm“ sau đây của anh là một minh chứng. Khung cảnh và không khí của một bệnh xá trong những ngày cuối năm là nơi người lính trẻ bị thương trong đoản thiên Trần Hoài Thư khôi phục lại được con người, cá nhân mình. Người lính trẻ ở đây thể xác còn hư nhược tâm hồn còn dao động tư tưởng còn hoài nghi. Nhưng không hề gì. Chiều hướng sống của nhân vật trong sáng tác vẫn là từ một trạng thái mê thiếp bàng hoàng đang dần dần hồi tỉnh. Vẫn là cái chết đã qua, đời sống gặp lại.  Và thấy. Và nhìn. Dẫu bằng một tròng mắt mỏi, từ một xe lăn, từ một bàn mổ, từ một giường bệnh. Người đọc có thể chê trách người lính bệnh của Trần Hoài Thư trong Bệnh Xá Cuối Năm  đã đề cập tới  những chủ đề lớn như chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, đoàn viên và thương yêu hai miền, bằng một tâm hồn quá đơn giản, thơ ngây. Người lính của chúng ta hiền quá. Hiền thật. Làm thế nào được. Dân tộc ta hiền, mãi mãi hiền, mặc dầu đã hai mươi năm lâm trận. Cái tính hiền đó được biểu hiện cùng khắp trong những truyện ngắn về tiền đồn, về mặt trận của Trần Hoài Thư mà Bệnh Xá Cuối Năm là một..”

Đúng như lời giới thiệu, Trần Hoài Thư đã mang những suy tư của mình về chiến tranh, về những người tù binh cũng được săn sóc giống như bệnh binh, về ước mơ hòa bình, về những giờ hưu chiến... và, truyện mở đầu với vẻ tươi sáng dù của một nơi u ám :

“Những ngày cuối năm, người ta bắt đầu sửa sang lại bệnh xá. Đám lính đã thay phiên quét vôi mới trên các bức tường loang lổ cũ kỹ của trại. Họ lau chùi các ô cửa sổ, quét dọn con đường, sân trại và đốn ngã một gốc cổ thụ lớn bên cạnh nhà vĩnh biệt. Một vẻ gì mới mẻ và tươi mát đã trở về trên những mái ngói của khu điều trị sĩ quan, trại nội thương số hai hoặc những mái tôn của trại binh sĩ. Trong thinh không, nắng mới mang theo hơi ấm. Bầu trời thật xanh và mây trắng là đà rất thấp dễ chừng chạm vào đỉnh những cây cổ thụ đầy bóng lá…”

Và hình như bệnh viện cũng ít bệnh binh. Có lẽ, vì cường độ chiến tranh giảm ? hay vì hòa bình sắp tới ? Và những bệnh binh ấy, có lẽ ít đau đớn vì thương tật của mình hơn? Có những người tù binh, đã từ chối được trả về miền Bắc vì biết sẽ phải chịu nhiều thua thiệt và xin được ở lại miền Nam. Chính điều ấy đã làm nhân vật xưng tôi suy nghĩ. Làm sao người ta có thể từ bỏ nơi chốn đã sinh ra đời của mình. Và, đoạn kết :

“một ngày cuối năm về trên bệnh xá, Một ngày buồn ghê gớm cho những kẻ không thân nhân thăm viếng. Tôi đang ngồi trên một thân cây đổ. Hoàng hôn về đem theo hơi lạnh đến sớm. Những con chim mùa xuân đang bay vờn trên bãi cỏ. Gió rì rào trên khóm lá xoan. Lũ bạn vẫn ngồi bất động. Đằng sau tôi là trại tù binh. Tên tù binh đang đứng nhìn ra hàng rào.  Sau hàng rào, cạnh con đường nhựa âm u  vì cây và lá quá rậm, là nhà xác. Có tiếng khóc nức nở của một người đàn bà. Một người thương binh xanh xao đang chống gậy bước đi trên con đường đất đỏ chạy ra cổng trại. Hắn đang cầm một bó hoa huệ để cắm trên bàn thờ. Một người thương binh người Thượng đang kéo ống quần xanh lên mân mê vết sẹo. Còn tôi, tôi đang mơ đến một nơi trở về, khi ngưng tiếng súng..”

Phan Lạc Tiếp, một nhà văn  quân đội nhưng chất đôn hậu lại nhiều hơn chất lính trong văn chương.  Trong bút ký Bờ Sông Lá Mục, ông ghi chép lại hành trình của một sĩ quan Hải quân lênh đênh trên sóng nước.  “Giao Thừa Trên Đảo” là những dòng ghi lại sinh hoạt của những người lính biển cuối năm ở một hải đảo cô tịch hầu như biệt lập với sinh hoạt bên ngoài.  Giao thừa, tập họp trong hàng quân, mỗi người mỗi nặng nề tâm sự. 

“…  Tiếng còi tập họp nổi lên. Tôi vẫn đứng yên. Sau tôi những bước chân vội vã. Những tiếng động quen thuộc lúc sắp vào đêm. Gió hình như vừa nổi lên và lạnh hơn. Tôi quay vào. Viên trung sĩ dõng dạc hô “nghiêm”. Tôi giơ tay chào và ra đứng trước hàng quân. Tôi ngửa mặt nhìn lên. Những tàn cây che phủ. Bước mấy bước chậm rồi tôi ngừng lại.

- Hôm nay ba mươi tết phỉa không các anh? Hàng quân như xao động. Tôi tiếp “Bây giờ là bảy giờ tối ba mươi tế“ Tôi vừa bước những bước ngắn và nói. ”Tối ba mươi tết. Chúng ta ở ngoài hòn đảo này. Quanh chúng ta chỉ có rừng cây, ghềnh đá và biển…

.. Tôi trở về lều. Cửa sổ mở nhìn ra ngoài khơi. Biển vẫn phẳng lặng không một ánh đèn. Tôi thấy xót xa trong lòng. Nếu tàu không tới thì buồn biết mấy.  Tiếng hát từ chiếc loa ngoài kia đều đều vọng tới. Giọng hát Thái Thanh nức nở thiết tha. Tôi khêu to ngọn đèn lên.  Chiếc kiếm gác trên vách lá.  Di vật của người đội trưởng trước tôi để lại., hồi ông ta nổi điên được đưa về Sài Gòn điều rị.  Vội vã quên nên không mang theo. Chiếc kiếm với đầy đủ ngù quàng nơi đốc kiếm. Tôi lấy xuống, rút ra. Lưỡi đã có vài vết han rỉ. Tôi tra vào bao và dựa xuống sau đầu ghế vải thầm hỏi không biết hồi này bịnh tình đã khá chưa. Người con trai thời loạn chẳng lẽ chóng hoen rỉ như lưỡi kiếm này, như chủ nó sao? Tôi cũng không biết tôi sẽ còn phải trấn giữ hòn đảo này trong bao lâu nữa. Rồi ra tôi sẽ phát điên không?  Ai sẽ tới thay tôi và sau đó ai sẽ tới nữa. Những buổi chiều bóng núi đổ dài ra ngoài khơi. Khí núi xông lên lạnh và buồn. Những anh tuần viên xúm nhau ngồi trên khúc cây khô ca vọng cổ. Rồi đêm xuống dõi mắt ra khơi tìm những bóng đèn câu lạc loài từ đất mẹ.  Khi tiếng những con cắc kè cất lên như những tiếng nghiến răng thì phần lớn mọi người đã say ngủ. Nhưng cũng từ phút đó nhiều kẻ còn ngồi ngoài ghềnh đá dương mắt nhìn về phía xa mà hai mắt đỏ nhừ.  Cũng có khi giữa bầu không khí tĩnh mịch hoang vu đó nổi lên những cuộc xua đuổi đánh đấm nhau. Nguyên nhân chỉ vì tâm sự quá dài nói quẩn nói quanh trêu nhau cho hai bên cùng tức. Hay có khi vì nghi ngờ bạn bè rình mò vợ con khi mình đi gác. Những ngày  tháng dài ở đây chỉ là chờ đợi.  Chờ đợi đêm mau hết chờ đợi bóng nắng lên để vào rừng  kiếm chim, kiếm củi, chờ đợi những chuyến ghe bầu ra tiếp tế. Nhưng sự chờ đợi náo nức nhất sau khi đã khuân vác thực phẩm lên bờ, là đợi người đội trưởng khui cái túi vải ra đọc giữa hàng quân xem ai được đổi về đất, ai sẽ ra thay, ai được lên chức  và ai có thư nhà.  Ai nấy  đều náo nức  bấu víu  lấy mối dây liên lạc với đất liền nhưng niềm náo nức đó cũng mau tàn. Bởi rất ít có gì thay đổi.  Và ngóng  trông nhiều chỉ để rồi sẽ buồn thêm. Người này buồn vì đã ở đây quá lâu mà sao chưa được về đất. Người kia buồn vì sao chuyến này không nhận được thư thằng em, người thân duy nhất còn lại trên đời. Người kia nữa lại buồn vì nhận được thư bạn cho biết cô nhân tình cũ ở miệt Năm Căn  đã bỏ lên tỉnh làm ăn, mịt mù bóng chim tăm cá…

Tôi rùng mình thật mạnh như muốn xua đuổi những hình ảnh u buồn ngày cũ. Tôi đứng lên tính đi rửa mặt cho tỉnh táo để còn đi thăm mấy gia đình trong trại. Nhưng vừa bước ra sân đã thấy lố nhố một đám đông quần áo chỉnh tề. Tôi hiểu ngay ý định của họ nên vội vàng  sốc gọn lại quần áo. Dẫn đầu là ông Tư-thuốc–mê. Không hiểu ông đã moi được ở đâu một cái áo vét–tông nhầu nát và sực mùi ẩm mốc. Mọi người khác cũng đều mặc thường phục. ông Tư đằng hắng  rồi lên tiếng “Năm mới chúng tôi  tới mừng tuổi đội trưởng và cầu chúc đội trưởng thăng quan tiến chức.“ Tôi chắp tay đáp lễ và chúc mọi người sang năm mới ai nấy đều được vạn sự như ý. Tôi còn đang ngập ngừng lựa lời nói tiếp thì một người bật nói “Và sớm được về đất” Mọi người đều cười vang.

Khi mọi người kéo nhau vào, kẻ ngồi người đứng quanh chiếc bàn nhỏ thì tôi chợt nhận ra một ánh sáng long lanh qua kẽ lá ngoài cửa sổ mọi người cùng nhìn theo tôi và bật reo mừng ồn ào. Hai chấm xanh đỏ. Đúng là đèn hải hành của con tàu sắp tới. Chúng tôi cùng chạy ùa ra ngoài bãi cát. Triền cát mát lạnh dưới chân, cái mát lạnh cảm thấy được qua đế giầy da và làn bí tất đen dầy. Con tàu mỗi lúc lại tiến lại gần. Mọi người bàn tán xôn xao. Phía sau chúng tôi ngọn lửa vẫn âm ỉ cháy. Tôi quay lại nói lớn:

Đốt lửa lên, cao nữa lên, anh em!”

Thân phận ngươì lính biển ở một nơi chốn u tịch xa xôi chỉ toàn chờ với đợi. Có người đã phát điên như người đội trưởng cũ. Và thế giới ở đất liền hấp dẫn biết bao. Thiếu thốn vật chất có thể chịu đựng nhưng cái dầy vò tinh thần mới là ghê gớm...

Đào Quang Vinh, một  phi công tại phi trường Tân Sơn Nhứt thì lại đón xuân cách khác. Đón xuân trên không gian bao la :

“.. Ngày hết tết đến, một năm qua thật mau trong khung cảnh tươi mát của mùa xuân mới, lòng người có thư thái chút đỉnh nhưng vẫn chưa quên được vết hằn hồi tết Mậu Thân, những hình ảnh tàn bạo do Cộng quân tạo ra vẫn còn in hằn trong trí nhớ của người dân miền Nam hiền hòa. Ngày Tết phi vụ trực được tăng cường. Huy ngồi tại văn phòng nhìn dẫy điện thoại vẫn nằm yên một chỗ. Anh cũng chẳng mong có một tiếng chuông nào reo  lên lúc này giữa lúc mọi người đang sửa soạn đón xuân. Vì nếu có, tiếng điện thoại ấy sẽ mở đầu cho một phi vụ hành quân cất cánh vội. Rồi tiếng bom rơi, đạn nổ hoặc thả những cánh hoa dù tiếp tế xuyên qua lưới đạn để đến với quân bạn trong mùa xuân chinh chiến, đón xuân về trong chòi canh.

Huy ngồi đây với hai phi hành đoàn túc trực hành quân dưới quyền anh. Họ chia từng nhóm nhỏ ngồi lác đác quanh phòng. Nhóm đánh domino, nhóm chơi cờ tướng. Đằng xa hơn một chút tiếng lạch cạch của những viên bi “billard” chạm vào nhau vang từng chập hòa với tiếng quạt trần vi vu. Có một anh chàng phi công trẻ đang uốn éo thân hình chạy theo đường bi lăn như cố điều khiển viên bi vừa được đẩy từ chiếc cơ theo ý mình muốn. Những tiếng cười  tiếng suýt soa tiếc rẻ của những đường banh trật đường rầy. Đôi lúc bẽ bàng chấm dứt đường bi bằng câu chửi thề cụt ngủn vô thưởng vô phạt. Trên quầy cao một vài ly cà phê đá bỏ dở còn đọng hơi nước lạnh ngoài thành ly.

Hôm nay ngày trực cuối năm phi đoàn đã được tăng cường thêm một phi hành đoàn nữa  Nhân viên trực đông hơn vì thế bầu không khí ở đây nhộn nhịp hơn đôi chút.  Những tờ báo xuân các nơi gửi tới cảnh trang hoàng tết đơn vị tuy đơn giản nhưng ấm áp.

Huy cũng thấy lòng mình rộn ràng vi tiếng cười đùa nổi lên từng chập. Ba mươi tết rồi ai cũng nôn nao. Khu phố Bonard giờ này chắc đầy người đi lại. Hàng hoa, hàng bánh mứt đang được bán tháo. Những người bận rôn cả tuần nay mới có dịp để vội vàng mua những thứ cần thiết cho ba ngày xuân. Trai gái dắt tay nhau dạo phố cười đùa vui vẻ lưn lên lượn xuống đầy đường. Nếu huy không trực đêm nay anh đã cùng Diễm nhập bọn. Tạm cởi bỏ quân phục với chiếc xe vespa Italy anh sẽ lượn vài vòng thành phố. Chiếc khăn của huy mua tặng Diễm ngày nào sẽ có dịp bay tung trong gió để đón nhận sự nhộn nhịp và cái không khí của ngày Tết. Anh sẽ được sống thoải mái xa trách nhiệm tâm hồn anh sẽ lắng xuống để quên đi những phút giây căng thẳng của những lần xả thân vào vòng lửa đạn và những đường bay chiến thuật nguy hiểm.  Tạm quên những lần họp hành quân, những cuộc thảo luận chung cho một cuộc tiến chiếm mục tiêu sao cho nhịp nhàng với đơn vị bạn. Giờ phút Huy sống thật với lớp tuổi của anh. Anh sẽ có dịp nhìn người chung quanh với nét nhìn của một người đang có mùa xuân tuy không thịnh vượng nhưng an lành.  Mặc dù anh biết đó chỉ là nét an lành giả tạo của một vài ngày vui gượng gạo thanh bình mà thôi. Ngoài kia nơi chiến trận không xa đây lắm tiếng súng có thể nổ bất cứ lúc nào. Địch đang rình rập kiếm từng kẽ hở.  Ngày trực của bọn anh vì thế mà phải có. Yểm trợ cho quân bạn vẫn luôn luôn là ưu tiên số một.  Huy ngồi ở đây mà chợt nhớ đến các bạn cùng khóa bây giờ ở rải rác khắp cùng đất nước. Nhất là những nơi hẻo lánh tiền đồn nhu cầu vật chất giới hạn. Rồi đây kỷ niệm tuổi trẻ của họ chẳng có bao nhiêu ngoài những hình ảnh súng đạn và chết chóc.  Về già khi cởi bỏ bộ quân phục bon chen với đời thật là thiệt thòi.. cả một đời hy sinh cho lý tưởng liệu có được đền bù đúng mức không. Huy là một người may mắn hơn trực bay hay đi bay một ngày,  nghỉ bù hai ngày. Những ngày nghỉ sống phóng khoáng với ích kỷ hưởng thụ cá nhân. Đi làm lại, anh có cảm tưởng như là một ngày đi sám hối. Cái bàng bạc của một con chiên tầm thường dựa vào những lần sám hối để thấy lòng mình nhẹ nhàng trong sạch hơn..”

Viết “Cung thương ngày cũ”, Đào quang Vinh đã mang sự chân thành của những người tuổi trẻ để nói lên những tâm tư nỗi niềm riêng của mình.  Đời sống ấy có nét hiện thực và vì thế bét sinh động càng rõ nét. Ngày cuối năm trực, tuy vẫn nghĩ đến người yêu và phố phường náo nhiệt nhưng vẫn phải làm tròn nhiệm vụ của mình. Dù rằng, trong một liên tưởng nào đó, nghĩ đến bạn bè ở tiền tuyến xa vẫn là niềm ái ngại và thấy mình may mắn hơn nhiều người khác. Dù rắng, chiến tranh  với cái chết không phải là không lởn vởn bên cạnh..

Nguyn Ý Thuần,  trong “Ý Nghĩ mùa Xuân”,  với cảm nghĩ của một người lính tác chiến, đã bộc bạch chân thành ý nghĩ của một người lính trẻ, trong chiến trường hêt sức khốc liệt  của vùng Bắc Bình Định:

“...Cơn nắng chiều đã bớt gay gắt trên mặt đường nhựa. Không gian của những ngày gần Tết tại vùng Bồng Sơn, Tam Quan diễn ra trên mặt đường số 1 lồi lõm, đầy ổ gà và thép gai một nét bi thảm. Dân địa phương nghèo nàn đến tội nghiệp. Ý niệm xuân và tết như nhòa nhạt, không còn được nhắc đến nếu không có những người lính xa nhà nói bằng nỗi nhớ. Đưa ông táo những người lính bầy trò cúng bái, dân địa phương sực nhớ ngày hăm ba. Sắp đầu năm những người lính bận bịu với thư từ với từng loại bánh mứt nhận được hoặc mua từ chợ Bồng Sơn, Tam Quan, dân địa phương bùi ngùi dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị xuân.

Mỗi ngày thêm một lần nhắc nhau. Những người lính trong đơn vị trấn đóng tưởng lại một cái Tết nào đó của gia đình. Cuối cùng là những cơn say túy lúy. Đúng ra, chẳng cần Tết nhất, ngày thường, nếu không bận hành quân hay trực gác thì cũng vậy, cũng những cơn say sau các lần hành quân để quên thứ hình ảnh không đáng nhớ về cuộc chiến. Nhưng gần tết, cái cớ gần Tết làm những can rượu trắng có ý nghĩa hơn. Cũng thế, Hữu tham dự với anh em trong đại đội hết mình. Dù là một cấp chỉ huy của họ, nhưng khoảng cách hầu như không có khi ngồi uống rượu. Chỉ còn tâm trạng riêng tư là không giống nhau. Hữu bồi hồi mỗi khi bắt gặp màu vàng của nắng quái. Mười lần như một anh đều thấy mình trở về cơn nắng của vùng biển Nha Trang những ngày gần Tết. Hữu như nhỏ lại anh nôn nức mỗi chiều trong cảm giác nao nao. Biển và thành phố giờ này cũng đang nhuộm vàng nắng quái.  Rồi tâm trạng cô đơn ào đến, Hữu lại ngập đầu trong cơn say khi ngày vừa hết..”

Nguyễn ý Thuần đã mang cái suy nghĩ chung của những người lính trẻ xa nhà trong đêm cuối năm. Trong chuyện kể, những biến động xảy ra hầu như liên tiếp, nhưng cũng là sự thường đối vi một đất nước chiến tranh. Ở đây khuôn mặt người lính rõ nét trong cái hành trình của đoạn đường chiến binh, của những lựa chọn có lúc bắt buộc có lúc tình cờ trong một lò luyện ngục để sẵn thử thách.  Ở chiến trường, có đôi khi, sự lãng quên cần thiết để hiện tại ít ray rứt hơn khi nghĩ đến bạn bè và những chiến hữu đã gục ngã. Chính sự lựa chọn phải bóp có súng để sống còn cũng là một niềm ray rứt. Nhưng biết làm sao hơn, khi   ý nghĩ giết người để tự vệ  vẫn là điều luôn luôn trong tâm tưởng những người ra trận…

Ngày tết là ngày quay lưng đi quá khứ và ngoảnh nhìn tới tương lai. Với người lính VNCH, những ngày cuối năm là dịp để nhớ về,  để tưởng nhớ. Thời gian ở chiến trường, có lúc biền biệt để không thể nhớ được ngày tháng. Nhưng gần tết, khi nắng buổi chiều đã có màu vàng hoe, khi gió bấc đã xạc xào làm thức dậy những chuỗi kỷ niệm tưởng như yên ngủ. Bao giờ cũng là những hướng vọng. Như là những ngày yên bình sắp tới. Như ngày được về nhà hội ngộ với vợ con. Dù ở bất cứ nơi đâu, một tiền đồn heo hút hoang vắng, hay ở một đảo xa cô tịch sóng gió bão bùng, hay ở trong quân trường chỉ cách phố phường có hàng rào kẽm gai ban đêm nhìn ánh đèn thành phố, cái cảm khái cũng đều giống nhau, của một nỗi buồn  của bất cứ một người nào có trái tim đều tự nhiên như thế. Người lính không có trái tim sắt đá  như những người bộ đội bên kia với câu thề sinh Bắc tử Nam đã được nhồi nhét từ khi còn thơ ấu.

Đọc những đoản tác viết về tình cảnh của những người lính ngày cuối năm, chúng ta có thể mường tượng được tâm tư của cả một thời đại.  Chẳng có muốn lao vào một cuộc chém  giết những người cùng màu da cùng dòng máu. Nhưng, sống trong một xã hội như thế  không thể làm khác được. Có sự chọn lựa. Hoặc hèn nhát làm người trốn lính. Hoặc phải vào cuộc, ít ra cũng là một bổn phận của người trai trong hoàn cảnh đất nước cần đến. Làm người lính, là chấp nhận mọi hoàn cảnh. Dù nhớ thương người tình, dù nghĩ đến cha mẹ già ở quê nhà hay vợ trẻ con thơ ở mái ấm gia đình, cũng vẫn phải chiến đấu, vẫn phải ngồi gác giặc để hồn bay về nẻo xa  hay đêm phục kích nhìn trăng sao để tưởng nhớ về những hình ảnh thân yêu đang nhòa nhạt ở chốn xa…

Chiến tranh đã qua ba chục năm. Không còn bom rơi đạn nổ, không còn những vòng khăn tang cô phụ, nhưng  hình như chiến tuyến vẫn còn và sông Gianh từ ngàn xưa chưa lấp. Vẫn còn những mâu thuẫn chưa thể vượt qua. Vẫn còn nhân tâm ly tán trong lòng người Việt...

              


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu,  Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt,  không kích động hận thù,  và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ,  hay bất kỳ một chính phủ nào.