.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ....

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Một ngày Ivan Denisovich,
một đời Solzhenitsyn

  • PSN - 8.08.2008


Solzhenitsyn.

Một ngày của Solzhenitsyn có thể dài hơn 89 năm và một đời của Ivan Denisovich có thể dài hơn nhiều thế kỷ. Có thể như vậy không / Có thể lắm. Ít ta, một ngày của Ivan Denisovich cũng dài hơn một đời của Solzhenitsyn. Tác giả của “One day in the life of Ivan Denisovich sinh ngày 11 tháng 12 năm 1918 và từ trần ngày 4 tháng 8 năm 2008.

Ông có những tác phẩm có thể gọi là tiêu biểu cho văn chương thế giới ở thế kỷ 20. Ông là một chiến sĩ dùng văn chương để chống lại những chế độ độc tài, bị trục xuất và lưu đầy ra khỏi đất nước mình vì những tác phẩm tố cáo chế độ Cộng sản. Khi chế độ Cộng sản sụp đổ ở Nga, ông trở về quê hương nhưng vẫn phê phán chính quyền đương thời với thái độ không khoan nhưng. Ông đoạt giải Nobel văn chương của Hàn Lâm Viện Thụy Điển với tác phẩm tuy khá mỏng nhưng chứa đựng nhiều thông điệp cũng như phơi bày tất cả những kỹ thuật phi nhân coi con người như súc vật của hệ thống lao tù Cộng Sản. Từ cái chết của ông, thủ tướng Nga Vladimir Putin trong lá thư chia buồn gửi đến tang gia đã cho rằng cái chết của ông là một mất mát to lớn cho nước Nga và ông sẽ được cả quốc gia nhớ đến như là một con người dũng cảm, một nhân cách vĩ đại.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thì lại nhân định ông là một trong những khuôn dáng lương tâm siêu việt của nước Nga ở thế kỷ 20  và từ sự tranh đấu tuyệt đối không khoan nhượng về tư tưởng cũng như cuộc đời dài đy đặc những biến cố đã làm cho Solzhenitsyn thành một nhân vật của tiểu thuyết.

Ông viết về ngục tù Cộng sản và tạo thành những tác phẩm có sức thuyết phc độc giả cũng như đánh thức lương tâm nhân loại. Và ở một trình độ diễn tả cũng như suy tư sâu sắc, những đề tài như vậy khó có thể bị nhàm chán hoặc bão hòa…

Có người đã phát biểu, văn học Việt Nam ở hải ngoại đã bão hòa với những đề tài về ngục tù Cộng sản cũng như các đề tài liên quan đến thời sự như vượt biên hoặc chiến tranh. Họ viện lý đã có quá nhiều người viết về những đề tài chỉ có tính nhất thời trên nên không được sự tán thưởng của độc giả. Và họ kết luận rằng chỉ có những đề tài liên quan đến vóc dáng của con người muôn thuở mới có hy vọng vượt qua được sự đãi lọc của thời gian.

Sự chính xác của nhận xét ấy còn phải bàn luận lại từ những nhà nhận định văn học khả tín. Đề tài có phải quan trọng đến mức ắt có và đủ cho những tác phẩm giá trị? Hay chỉ là một trong những yếu tố cần thiết mà thôi. Dù đã có nhiều người viết về nhưng nếu từ những chân tài nghệ thuật và vượt qua được những ước muốn cá nhân để viết về mình sẽ thành những áng văn chương có thể biểu hiện cho cả một thời đại. Đất nước Việt Nam đã có nhiều cảnh huống tuy của cá nhân nhưng bao hàm nhiều tính bi thảm và hào hùng chung, có nhiều cuộc đời ngoại khổ nếu được dựng lại thành tác phẩm. Vấn đề là tài năng sáng tạo của người cầm bút…

Câu hỏi trở lại với cá nhân tôi khi đọc những trang sách của Alexander Solzhenitsyn từ “One Day in the Life of Ivan Denisovich”, “The Gulag Archipelago”, “The First Circle“, “Cancer Ward”, …

Cũng đề tài về ngục tù, vẫn những con người sống trong sự bóp nghẹt tự do, mà, sao được nhân loại tán thưởng đến thế. Không phải chỉ với giải Nobel văn chương của Hàn lâm Viện Thụy Điển năm 1970 mà thôi, mà, hàng triệu ấn bản được in ra và trong các hệ thống đại học ở Mỹ, Anh, hàng chục ngàn bài viết hoặc luận án về đề tài chung quanh tác giả và tác phẩm của Solzhenitsyn.

 Trong “Nobel Lectures, literature 1968-1980” Solzhenitsyn viết về mình :

"Tôi sinh tại Kislovodsk ngày 11 tháng 12 năm 1918. Cha tôi đã là sinh viên khoa trtiết lý tại đại học Moscow nhưng không hoàn tất học vị vì tình nguyện nhập ngũ năm 1914 và là một sĩ quan pháo binh tại mặt trận đối diện với quân Đức. Ông tử trận năm 1918 khoảng 6 tháng trước khi tôi ra đời. Mẹ tôi nuôi dưỡng tôi với nghề đánh máy tốc ký ở thành phố Rostow bên bờ sông Don. Nơi đó tôi đã trải qua cả thời thơ ấu và tuổi trẻ. Khi còn là một đứa trẻ, mặc dù có sự ngăn cản từ nhiều người khác tôi mong ước muốn thành một nhà văn và tôi đã tích tụ nhiều vốn liếng sống từ tuổi thơ ấu ấy. Năm 1930 tôi cố gắng tìm chỗ để trình bày những bài viết của tôi nhưng tôi không thể kiếm được người chấp nhận những tác phẩm ấy. Tôi muốn theo học về văn chương nhưng tại đại học Rostow không có những môn học ấy và đến Moscow để học là một việc xa vời vì gia đình tôi nghèo và sinh kế chật vật. Tôi bắt buộc phải học tại phân khoa Toán Học tại đại học Rostow nơi đã tỏ ra có uy tín về chuyên ngành này. Mặc dù tôi đã kiếm tìm được phương cách học toán hợp lý tôi vẫn không nghĩ mình sẽ suốt đời đeo đuổi với những con toán ấy. Tuy nhiên, nó đã thành một lợi thế cho tôi trong số phận tôi sau này và ít nhất là một nguyên nhân giúp tôi vượt khỏi nỗi chết. Có một xác xuất tôi sẽ không vượt được tám năm khổ sai nếu không là một toán học gia, được chuyển dụng thành tên “sharashia”, và bốn năm sau trong thời kỳ bị lưu đầy. Tôi đã theo những phương pháp của toán và vật lý, giúp tôi dễ dàng hiểu được thực thể đời sống và làm tôi tạo thành nét riêng biệt khi cầm bút…”.

Ông học toán và vật lý tại đại học Rostow và ra trường năm 1941. Trong khoảng hai năm từ 1039-1941 ông lấy những môn học hàm thụ về văn chương tại đại học Moscow. Ông lập gia đình lần đầu năm 1940, ly dị năm 1950, lập gia đình lần thứ hai năm 1957 và ly dị năm 1972. Lần sau cùng năm 1973 với Natalia Svetlova và có ba người con.

Trong thế giới chiến tranh lần thứ hai, Solzhenitsyn gia nhập Hồng Quân và quân hàm là đại úy pháo binh và đã hai lần được tuyên dương chiến công. Nhưng từ năm 1945 đến 1953 thì ông bị tù vì lý do viết một lá thư cho bạn phê bình lãnh tụ độc tài Joseph Stalinee là “nhân vật có bộ râu cá chốt”. Thơ bị kiểm duyệt và Solzhenitsyn bị giam tại Moscow và lưu đầy tám năm tại Ekibastuz, Fazakhstan. Nhờ căn bản học vấn về toán và vật lý ông hầu như thoát được lao động khổ sai trong nhiều năm nhưng đến năm 1950 bị đến trại trừng giới của những tù nhân chính trị và lao động cực nhọc như mọi người. Trong “The Gulag Archipelago”, ông viết : ”Kolyma là một đảo lớn nhất và nổi tiếng nhất, một cực độ của sự hung bạo thành một lãnh thổ lừng danh của Gulag, với, rải rác theo vị trí địa lý của quần đảo, là, trong cảm nhận tâm lý, hỗn hợp với hệ thống trong lục địa, hầu hết vô hình, hầu hết không nghe thấy về xứ sở sinh sống của dân xứ Zek…”

Ở trại tù đặc biệt Marfino, ông làm công việc khảo cứu của khoa học gia và toán học gia. Sau bị chuyển đi lao động khổ sai tại trại tù cộng hòa xã hi chủ nghĩa Xô-Viết Kazakh và bị ung thư bao tử tại đây. Từ 1953 đến 1956 bị chỉ định cư trú tại một làng ở Kok-Terek nam Kazakhstan và dạy toán cho học sinh. Ông vẫn bí mật cầm bút và thu lượm những kinh nghiệm qua đời sống thực tế. Ông bị ung thư và được chữa trị hiệu quả. Tất cả, ông đã ghi chép lại trong hai tiểu thuyết “First Circle“ và “Cancer Ward“.

Ở tuổi 42, ông đã viết được khá nhiều nhưng không có hy vọng được xuất bản. Khi Nikita Khrushchev công kích những sai lầm trong lãnh đạo của Staline, hệ thống mật vụ theo dõi có nới lỏng và một tác phẩm của Solzhenitsyn xuất hiện trên nhật báo văn học hàng đầu Novyi Mir : “One Day in the Life of Ivan Denisovich” bắt đầu một loại văn chương viết về ngục tù Xô-viết. Ông viết ở thể kể truyện về một ngày của tù nhân tên Denisovich Shukhov, số tù S-854, gốc gác thợ mộc, bị tù 10 năm vì tội phản động nhưng đã trải qua 6 năm tại nhiều nhà tù Cộng Sản. Thời gian của truyện khá ngắn chỉ từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm và không gian là một trại lao động cải tạo vùng Siberia.

Một ngày bắt đầu với tiếng kẻng báo thức và anh tù Ivan muốn nằm nán lại và xin khai bệnh. Người quản giáo dẫn anh ra khỏi phòng giam bắt làm vệ sinh trạm gác trước khi được khám bệnh tại trạm xá. Ivan làm quấy quá cho xong, nhận phần ăn sáng rồi đi khám bệnh. Anh không được nghỉ và phải đi làm như mọi người. Giấu được phần bánh mì vào nm giường xong, anh theo các bạn tù đến nơi lao động. Nơi này là một công trường xây dựng nhà máy điện và vệ binh canh gác rất chặt chẽ. Trong thời tiết lạnh lẽo buổi sáng, tất cả tù nhân kiếm chỗ trú ẩn thì nhóm tù đại diện thương lượng về công việc phải hoàn tất trong ngày và theo kết quả ấy làm căn cứ để cấp phát lương thực. Làm việc xây gạch ở tầng thứ hai đến trưa, bữa ăn sơ sài nhưng Ivan đã mánh mung được hai tô cháo đặc, một cho mình và một cho người đại diện tù. Anh còn mua được thuốc lá và lấy trộm một thanh sắt để dùng.

Buổi chiều làm việc Ivan quá hăng hái nên làm cả toán chờ đi và về trại trễ giờ. Trước khi vào cổng phải kiểm soát toàn bộ. Ivan mang theo thanh sắt rất nguy hiểm nếu bị khám phá, nhưng nhờ may mắn nên thoát khỏi bàn tay của tên quản giáo.

Sau khi bị khám xét và điểm danh buổi tối, Ivan đi ngủ và nói chuyện về Thượng Đế cùng sự cầu nguyện với một người bạn tù theo đạo Báp –Tít Alyosha. Sau cùng, khi điểm danh lần chót xong, Ivan ngủ với một tâm trạng vui vẻ vì những may mắn hoặc những gian lận mánh mung nhỏ nhặt với đời thường nhưng to lớn với người tù khổ sai.

Trại giam nào cũng thế, cũng giống hệt nhau, Solzhenitsyn kể chuyện một nhân vật khá quen thuộc, rất bình thường trong cái xã hội tận cùng ấy. Chính đó là nét hấp dẫn và tiểu thuyết ấy đã thành một bản cáo trạng để lên án một chế độ độc tài toàn trị khắc nghiệt của chế độ Staline.

Solhzenitsyn bị vào tù trong một trường hợp đặc biệt. Hiện thực đời sống của nước Nga từ chiến tranh tàn khốc đến cuộc sống gian khổ mất tự do khiến ông trăn trở trong tâm nhiều ý nghĩ và thường bộc bạch với một người bạn thân đang đóng quân tại mặt trận phía bắc bằng thư từ. Cả hai người trẻ này cùng chung một kết luận rằng nguyên nhân của các tệ hại từ suốt 15 năm nay là do sự tôn sùng q đáng lãnh tụ Joseph Staline và những sai lầm to lớn của ông ta. Chính những người thân cận trong giới lãnh đạo Cộng sản Bolshevik cũng chống đối và bị tử hình không thương tiếc. Vì sự độc tài ngu dốt của lãnh tụ mà cả một đơn vị và tướng Vlasov đã đào ngũ đầu hàng quân Đức Quốc Xã.

Thư từ bị kiểm duyệt qua cơ quan mật vụ NKVD và đơn vị quân đội cùng ở bưu điện. Từ mặt trận Konigsberg ác liệt, đại úy Solzhenitsyn bị giải về trình diện bộ chỉ huy trung đoàn, ngưng chức với tội danh phản động và áp giải về trại giam Lubyanka nổi tiếng ác độc. Ra tòa án quân sự với những quan tòa mật vụ NKVD, Solzhenitsyn bị kết án, bị lao động khổ sai tại tòa nhà số 30 khu xây dựng Lenin với số tù 232 in trên mũ và ngực áo.

Những kinh nghiệm tù con so này được ông thu thập và viết lại trong cuốn tiểu thuyết “The First Circle”. Một cuốn sách viết về vòng tròn đầu tiên của đời tù ngục của mình. Cái hay của ông là mô tả những sự kiện khá bình thường nhưng bên trong chứa đựng tất cả những gì mà những người chưa nếm qua không hiểu thấu. Sau bốn năm lao tù là ba năm cưỡng bách lao động tại tỉnh Karaganda thuộc vùng trung tâm Kazakhstan, tây nam Siberia. Ở đây, ông xây dựng ý tưởng và sắp xếp ngôn từ để viết “One Day in the Life of Ivan Denisovich”. Một ngày nhưng cũng có nghĩa là một đời trong cái ngục tối mịt mù đen tối. Cũng chính ở đây, ông bị ung thư dạ dày, vì ăn uống khổ cực và đời sống nhiều “stress“ căng thẳng. Cuốn tiểu thuyết “Cancer Ward” như một thiên bán tự thuật mà nhân vật Kasioglotov phảng phất giống tác giả bị ung thư và chữa trị giải phẫu trong bệnh viện kinh hoàng đến như thế nào. Kinh nghiệm ngục tù và bệnh tật đã hiện thực trong tác phẩm của ông, sinh động và nhiều chất tố cáo bạo quyền và sự chà đạp nhân phẩm đến mức tồi tệ. Sự đau khổ về thể chất con người còn khả dĩ chịu đựng nhưng sự chà đạp nhân phẩm làm hạ giá con người xuống như thú vật còn kinh khủng gấp bội cho khả năng gánh chịu của người tù khổ sai.

Khi giai đoạn bài Staline bắt đầu sau Đại Hội Đảng Nga lần 20, tác phẩm “One Day in the Life of Ivan Denisovich” được đăng trong nhật báo Novy Mir sau sự chấp thuận của lãnh tụ Khruschev đã gây ra tiếng vang lớn trong văn giới và dư luận. Kinh nghiệm sống được mô tả bằng ngôn ngữ đơn giản có nhiều chất sống thực phản ánh đời sống của người tù dưới chế độ Staline đã gây thành một phong trào viết để tố khổ cơ cấu chính quyền mật vụ cũ.

Nhưng sau khi Khruschev bị hạ bệ, lại một thời gian đàn áp bóp nghẹt. Những tác phẩm của ông dù đã hoàn tất nhưng không được in phải dùng đến cách phổ biến lậu như “The Incident at Krechetovskaya Station”, Matryona’s House“, “For the Good of the Cause”.

Tháng 4-1964, Solzhenitsyn bị đả kích trên nhật báo của Đảng Pravda và không đồng ý với việc ông được giải Lenin. Cuối năm 1964, ông viết xong “The First Circle” nhưng bản thảo bị Công An tịch thu cùng với những giấy tờ riêng tư khác. Ông phản đối tại Đại hội các nhà văn lần thứ tư nhưng vô hiệu. Năm 1968, ông bị trục xuất khỏi hội nhà văn Liên Xô. Cũng trong năm, bà vợ Natalya cũng ly dị theo.

Hai tác phẩm “The First Circle“ và “Cancer Ward” được xuất bản bằng Anh Ngữ khiến dư luận thế giới bắt đầu để ý đến ông. Nhà văn Rolf Hochhuth và các tác giả khác như Heinrich Boll, Arthur Miller, Martin Niemoeller, Giangiacomo Feltrinelli cùng ký tên trên một kháng thư gửi Chủ tich nước Nga Podgorny phản đối cách ứng xử bất công và độc ác với Solzhenitsyn. Năm 1970, ông được trao giải Nobel văn chương vói sự tuyên dương của Hàn Lâm Viện Thụy Điển “Vì sức mạnh của đạo đức mà ông đã theo đuổi trong truyền thống siêu đẳng của văn học Nga.” Ông không đi Stockholm nhận giải vì sợ sẽ bị không cho trở lại. Phần đông báo chí Nga đều phê phán chống đối việc ông được giải văn chương này. Nhưng cũng có người ủng hộ mà tiêu biểu là 37 nhân vật đối lập mà dẫn đầu là Pyotr Yakir và Zinaida Grigorenko. Nhạc sĩ hồ cầm Mstislav Rostropovich viết lá thư tán đồng với việc ông nhận giải cũng như phản kháng việc kiểm duyệt cấm đoán tự do tư tưởng và báo chí. Nhạc sĩ này cũng bị cấm trình diễn.

Năm 1973, ông phổ biến phần đầu của tác phẩm “The Gulag Archipelago”. Gulag là chữ viết tắt của “Glavnoye Upravleniye Lagereig” một cơ quan đặc trách quản lý các trại cải tạo lao động. Trong tác phẩm này, Solzhenitsyn mô tả chuyện bắt người tùy tiện vô cớ, phương pháp thẩm vấn đầy ải tù nhân, cách chuyên chở giam giữ cũng như hệ thống ngục tù tổ chức khoa học và tàn ác. Ông còn trích dẫn các lời trăn trối, di chúc của tù nhân mà cách xác thực đã làm cho dư luận thế giới không ngờ đến sự vô nhân đạo đến mức độ như thế.

Năm 1973, ông bị kết tội và trục xuất khỏi nước Nga. Ông qua Tây Đức, Na Uy, trở lại Tây Đức rồi qua Thụy Sĩ. Năm 1976 ông định cư ở Hoa Kỳ. Sống âm thầm ở thành phố Cavendish, tiểu bang Vermont. Các tác phẩm tiếp là “The Mortal Danger”, trường thiên bộ ba “The Red Wheel” gồm: ”August –1914”, "October-1916”, “September 1917” and  "October 1918”

Solzhenitsyn còn là một thi sĩ. Tập thơ “Prussia Nights” là một bản trường ca gồm mười hai ngàn câu thơ trong hơn 50 trang giấy được ông sáng tác trong thời kỳ đang bị lao động khổ sai ổ trại tù Gulag. Ông viết từng câu mỗi ngày trên xà phóng tắm và thuộc lòng khi xử dụng đến. Bài thơ mô tả từ ký ức của chính ông, một đại úy pháo binh của Hồng Quân Nga Xô viết trong thời đệ nhị thế chiến tấn công vào vùng Đông Phổ với chủ tâm là kể lại những thảm cảnh chiến tranh khi Hồng Quân Nga tàn phá làng mạc và hãm hiếp đàn bà phụ nữ. Ông là một chứng nhân, mục kích bao nhiêu chuyện thương tâm tàn bạo và đã tham dự những cuộc hành quân ấy.

Nguyên thủy bài trường ca này chỉ là một chương của tập hồi ký bằng thơ của ông mang tên là The Road mà ông viết năm 1947. Về sau, trong thời gian bị lao động khổ sai, ông tách ra hai chương 8 và 9 thành “The Feast of the victory” và bắt đầu viết “Prussia Nights”. Ông đã kể lại tại sao mình làm thơ trong hoàn cảnh khốn cùng của trai giam của sự cô đơn tuyệt đối :

“Tôi cần sự thanh thản của trí óc, bởi vì trong hai năm tôi viết bài thơ này, tôi đã có những vần thơ như là phần thưởng quý báu để giúp tôi vượt qua những khó khăn cực nhọc của thể xác tôi. Thỉnh thoảng, khi đứng trong hàng những người tù bất hạnh, ở giữa những tiếng đe dọa của lính gác với những khẩu súng lăm lăm trên tay, tôi cảm thấy thoáng qua nhịp điệu và hình ảnh dường như thoáng qua và xuyên qua óc não. Và nhiều lúc như vậy, tôi thấy mình tự nhiên hạnh phúc và tự do... một vài tù nhân đã cố gắng vượt thoát bằng cách dùng xe phá tung hàng rào kẽm gai. Nhưng với tôi, không có hàng rào kẽm gai nào buộc trói được. Trong đầu vẫn còn cái tâm tư của người tù nhưng với thơ rõ ràng tôi đã rời khỏi ngục tù bng tháp đôi cánh bay xa…”

Trong bài diễn văn nhận giải Nobel văn chương năm 1970, Alexander Solzhenitsyn viết: ”… có người sẽ hỏi chúng ta : văn học có thể làm gì để chống lại sức tấn công tàn khốc của bạo lực công khai. Chúng ta đừng quên rằng bạo lực và dối trá bao giờ cũng đi đôi và bạo lực một mình nó cũng chẳng nên trò trống gì. Cả hai bạo lực và dối trá có quan hệ mật thiết với nhau, tự nhiên và cật ruột nhất. Bạo lực được che đậy bằng dối trá và dối trá được nuôi dưỡng bằng bạo lực. Bất kỳ kẻ nào đã tuyên bố bạo lực là phương cách của mình thì bắt buộc phải dùng dối trá để chỉ đạo hành động. Ở giai đoạn đầu, bạo lực ngang nhiên bất chấp lẽ phải thậm chí còn kiêu hãnh khinh thường tất cả nữa. Nhưng khi đã bành trướng lớn mạnh, đã có thế đứng, nó sẽ cảm thấy xung quanh là gió bão và sẽ không tồn tại được nếu không náu ẩn vào dối trá bằng những ngôn từ ngọt ngào che đậy ngụy trang. Bạo lực không phải luôn luôn mọi lúc dùng tay sắt bóp cổ mọi người, mà phần đông nó dụ dỗ thần dân của nó sự thề thốt của dối trá và tham dự vào cuộc chơi dối trá..

Bước đi giản dị của một con người dũng cảm là gì ngoài sự tẩy chay dối trá, chống đối dối trá.. Cứ để nó thống trị trong thế giới nhưng ta không tham dự vào! Nhà văn và nghệ sĩ còn có thể làm hơn thế : Chiến thắng dối trá! Chính trong cuộc chiến sanh tử với dối trá, nghệ thuật bao giờ cũng đã và đang chiến thắng. Sự đó hiển nhiên, tất cả chúng ta không chối cãi được! Dối trá có thể chống được tất cả mọi thứ trên hoàn vũ này ngoài nghệ thuật. Và khi dối trá bị xua tan, bạo lực hiện ra trần trụi một cách tởm lợm. Và bạo lực rệu rã ấy sụp đổ tan tành...”

  


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu,  Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt,  không kích động hận thù,  và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ,  hay bất kỳ một chính phủ nào.