.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Hoài Thanh,
văn nô hay phê bình gia chân chính
 

  • 1.10.2008

Hoài Thanh (1909 - 1982)

Tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên (ngoài ra ông còn sử dụng các bút danh khác như Văn Thiên, Le Nhà Quê), là một nhà phê bình văn học uyên bác và tinh tế, đã đóng góp công lớn về mặt phê bình, lý luận để khẳng định Thơ mới trong văn học Việt Nam thế kỉ 20. Tác phẩm bất hủ "Thi nhân Việt Nam" do ông và em trai viết đã đưa tác giả lên vị trí cao, xứng tầm một nhà phê bình lớn của nền văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Quê ông ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Hồi nhỏ ông là học sinh của trường Quốc học Vinh. Trước 1945, ông tham gia viết văn, làm báo, dạy học và được coi là người đứng đầu trường phái phê bình văn học Nghệ thuật vị nghệ thuật. Ông từng gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng, tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Huế tháng 8 năm 1945.

Sau 1945 ông lần lượt giữ những chức vụ: Chủ tịch Hội văn hóa cứu quốc, Huế (tháng 9 năm 1945); cán bộ giảng dạy tại Đại học Hà Nội (từ 1945 đến 1946); công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam (từ 1947 đến 1948); ủy viên Ban thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam(1950); Trưởng tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương (1950-1956); Vụ trưởng Vụ nghệ thuật và giảng dạy tại Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (1958). Trong khoảng 10 năm 1958-1968 ông trở thành đại biểu Quốc hội khóa 2, làm Tổng thư ký Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 1 và 2. Từ 1959-1969 ông giữ chức Phó viện trưởng Viện Văn học Việt Nam kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu văn học của Viện. Từ 1969 đến 1975 ông giữ chức Chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ

Trong nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, người phê bình văn học đóng vai trò của một “búa rìu” để răn đe những người bước đi chệch khỏi hướng đã được định sẵn. Trong  những năm giữa của thập niên 50, trong những biến cố văn học như vụ đàn áp nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, những nhà phê bình như Hoài Thanh đã đóng vai trò xung kích và là nồng cốt cho những màn “Phê bình và tự phê bình” mà thực chất là những màn đấu tố công khai khốc liệt.

Nhưng, theo những tư liệu mà nhà văn Lại Nguyên Ân đã có thì cái chủ trương ấy cũng đã thay đổi theo với những diễn tiến chính trị ở hai nước Cộng sản là Trung Cộng và Liên Xô. Khi Mao Trạch Đông phát động phong trào trăm hoa đua nở thì ở Việt nam cũng có nhiều chuyển biến theo. Nhưng khi Liên Xô có chủ trương xét lại của Kruschev thì ở Việt nam cũng có những chuyển biến tương tự.

Mà những thay đổi chính trị ấy liên quan đến văn học rõ ràng nhất là ở trường hợp Hoài Thanh. Tiền hậu bất nhất, lúc được lệnh của cấp trên bật đèn xanh, Hoài Thanh đã chủ trì cuộc đấu tố văn học nhà văn Trần Dần lúc đó không có mặt vì đang bị cải tạo lao động. Phê bình bài thơ Nhất Định Thắng của Trần Dần đăng trong Nhân Văn Giai Phẩm, Hoài Thanh viết bài “Vạch tính chất phản động của bài Nhất Định Thắng của Trần Dần” với những quy chụp nặng nề và cũng chính Hoài Thanh đã chủ trì một cuộc đấu tố văn học mà báo Văn nghệ đã mô tả như sau:

“... Trần Dần đã viết nên những câu thơ hằn học xuyên tạc và bôi nhọ cái thực tế đẹp đẽ của miền Bắc chúng ta. Anh Văn Giáo đã đứng lên vạch cái chân tướng ấy của thơ Trần Dần bài thơ Nhất Định Thắng của Trần Dần là kết quả sự sa ngã của người viết vào những cặn bã mà đế quốc đã để lại ở đây. Với bài thơ ấy, Trần Dần đã đi vào cá nhân chủ nghĩa, nghệ thuật vị nghệ thuật do đó đã hóa ra thảm hại khiếp nhược. Cái nhìn của Trần Dần là cái nhìn kém lập trường phản nhân dân của kẻ địch. Lời nói của Văn Giáo đầy nhiệt tình và căm giận. Và đó cũng là ý nghĩ nỗi lòng chung của anh chị em có mặt trong buổi họp. Cùng một nhận định ấy, phát triển trong nhiều khía cạnh khác nhau. Tú Mỡ, Nguyễn Tuân, Trần Cư, Trúc Đường, Lương Ngọc Trác, chị Thanh Hương, chị Ngọc Khanh, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Xuân Huy, … đều phát biểu ý kiến của mình. Một người ngồi xuống là hàng chục cánh tay khác đã giơ lên xin nói. Càng đi sâu vào những chứng minh cụ thể càng thấy rõ những sai lầm nghiêm trọng và tư tưởng phản động của bài thơ Trần Dần...”

Và : “… Anh Sỹ Ngọc, Văn Cao và một vài anh em khác đã có bài trong Giai Phẩm 1956 cũng đã lần lượt phát biểu ý kiến của mình và đều nhận thấy sai lầm lớn của mình đã để in lên một bài thơ như bài thơ của Trần Dần. Quá nửa đêm ý kiến phát biểu vẫn còn nhiều. Nhưng với một bài thơ như vậy, việc phân tích và phê phán cũng đã khá đầy đủ anh Hoài Thanh thay mặt chủ tịch đoàn tổng kết cuộc thảo luận...”

Hoài Thanh còn  phê phán nặng nề hơn:

“Miền Bắc trong bài Trần Dần hoàn toàn không giống với miền Bắc thực của chúng ta. Mới xem lướt qua có người tưởng lầm là Trần Dần chỉ nói đến những khó khăn. Nhưng xem lại thì thấy rõ Trần Dần đã xuyên tạc và vu khống miền Bắc. Trần Dần đã tạo ra một miền Bắc đen tối và ngột ngạt. Bốn lần Trần Dần day đi day lại cái hình ảnh mưa rơi trên cờ đỏ, cố gây một ấn tượng âm u đối với thực tế tươi sáng của chúng ta. Phải chăng vì một thứ phiền muộn vẩn vơ nào đây mà Trần Dần nhìn cảnh vui lại hóa ra cảnh buồn? Nhưng nếu chỉ có thế thì cũng chỉ là một sự sai lầm bình thường như nhiều sai lầm khác trong các tác phẩm văn nghệ của chúng ta. Đối với những sai lầm ấy, người đọc chỉ phê bình một cách thân ái. Trái lại bài của Trần Dần đã làm cho hầu hết mọi người đọc đều phẫn nộ. Hội Văn Nghệ Việt Nam có tổ chức một buổi họp để nhận định về bài này. Không khí buổi họp rất sôi nổi anh chị em văn nghệ miền Bắc, miền Nam, vùng tự do cũ và mới giải phóng ai cũng muốn được phát biểu ý kiến để nói lên sự phẫn nộ của mình. Vì sao vậy? Vì mọi người đã nhận thấy đây không chỉ là sai lầm mà chính là một lời vu khống...”

Nhưng, khi ở Liên Xô có sự thay đổi khi Kruschev kế vị Stalin tạo phong trào sửa sai cũng như phê phán tệ đoan sùng bái lãnh tụ thì ở Việt Nam cũng thay đổi theo. Và, Hoài Thanh sau khi đã  đóng vai trò xung kích trong việc kết tội Trần Dần thì lại sám hối và viết “Tôi đã sai lầm như thế nào trong việc phê bình bài “Nhất định thắng” của anh Trần Dần”.

Ông phê bình gia văn nô này tự đấm ngực xưng tội một cách vô cùng thảm thiết:

“ ... vẫn sự lầm lẫm nghiêm trọng ấy trong bài phê bình của tôi đăng trên báo Văn nghệ. Trong bài này tôi đã nói tính chất phản động của bài Nhất Định Thắng, bài thơ ấy chứa đựng những tư tưởng phản động và tôi đã dùng hai chữ phản động không cân nhắc. Nhưng thực ra không phải chỉ là vấn đề dùng chữ. Toàn bài phê bình của tôi đều cùng một tinh thần ấy. Tôi nói tôi không kết luận về người chẳng qua chỉ có nghĩa là tôi không nói Trần Dần là ở trong một tổ chức của địch. Kết luận thế nào được? Có chứng cớ gì đâu mà kết luận? Nhưng trong ý nghĩ của tôi thì đúng là địch rồi dầu chưa có thể kết luận là ở trong một tổ chức của địch. Tôi nhặt từng câu từng chữ để chứng minh rằng tác giả đã cố ý nói xấu chế độ ta cố ý vu khống miền Bắc. Nay tôi bình tĩnh đọc lại bài Nhất Định Thắng thì thấy tuy có câu không được rõ nghĩa nhưng không có gì để kết luận như thế. Không có chứng cớ mà kết luận như vậy thực là coi rẻ một cách quá đáng sinh mệnh chính trị của một người. Do đâu mà tôi đã có kết luận như vậy?...”

Như con tắc kè, xanh đỏ tùy lúc, nhà phê bình của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ấy đã thay đổi tùy thời và nhận định phê phán  văn học chỉ có một mục đích là làm cần câu để câu danh vọng và tiền bạc. Nhưng, trước năm 1945, trong dòng văn học tiền chiến, Hoài Thanh đâu có tệ hại như vậy?

Có người hỏi: Hoài Thanh, phê bình gia của thời tiền chiến hay thời văn học xã hội chủ nghĩa? Trả lời câu hỏi ấy, có lẽ chúng ta phải đi ngược lại từ những năm mà thơ mới nở rộ với biết bao nhiêu bài thơ tuyệt tác mà tác giả Thi Nhân Việt Nam đã giới thiệu và làm nổi bật nét đặc sắc. Rồi cũng phải kể đến một thời văn học bị chính trị chỉ đạo và phê bình là mũi dao kề vào thân thể nhà văn để bắt đi vào con đường đã được chỉ đạo.

Hoài Thanh (1909-1982), nhà lý luận phê bình có tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên sinh ngày 15 tháng 7 năm 1909, quê gốc Nghi Trung, Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An và mất ngày 14 tháng 4 năm 1982 (theo tiểu sử trong Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại của Hội Nhà Văn).

Ông và Hoài Chân đã viết “Thi Nhân Việt Nam”, một cuốn sách nhận định về thơ in từ năm 1941 nhưng đến nay vẫn được coi là một tác phẩm phê bình có giá trị và vẫn còn là khuôn thước văn chương tồn tại qua thời gian. Bài viết đề tựa tác phẩm là những nhận định sâu sắc vẽ lại một thời đại thi ca với nhiều bài thơ vẫn gây được xúc động cho những người yêu thơ dù cả mấy chục năm sau. Phong cách lựa chọn cũng chính xác và vô tư, và chính điều này đã tạo thành giá trị cho quyển sách.

Nhà phê bình là người yêu thơ rất mực nhưng cũng có những tâm sự mà tới nay những người đồng điệu vẫn còn chia sẻ. Trong phần kết thúc quyển sách, chương “ Nhỏ, to,…”, tác giả “Thi Nhân Việt Nam” viết:

“…  Khi tôi bắt đầu viết quyển sách này, đây đó người ta bảo tôi: “Cây leo thà leo cây đa chứ leo gì những loài thảo mộc nhỏ.” Nhưng dầu tôi có tự rẻ rúng đến đâu cũng không bao giờ nuôi cái mộng làm một cây leo, nghĩa là cái mộng “hôi” chút danh thừa. Tôi biết quyển sách này ra đời sẽ chỉ đưa về cho tôi một mớ ác cảm. Hàng trăm người sẽ bảo tôi mù vì không trích thơ họ. Những người thơ, trích ít sẽ nghĩ đáng lẽ phải trích thơ họ nhiều hơn. Những người, thơ trích nhiều sẽ khó chịu vì thấy tên mình bên cạnh những tên họ khinh rẻ. Và, bạn nữa, hỡi người bạn không quen biết! Tôi biết bạn cũng sẽ trách tôi sao lại trích nhiều bài thơ bạn thấy dở và bỏ sót nhiều bài bạn cho là hay…”

Tới bây giờ, ở mấy chục năm sau, vẫn có người còn cho rằng những công việc như phỏng vấn tác giả, giới thiệu sách, đọc sách là những công việc của những giây tầm gửi nghĩa là như Hoài Thanh viết “hôi một chút danh thừa!!!”. Nếu suy nghĩ rộng hơn một chút, giá trị của tự thân văn chương không ở những lời nhận định như thế làm giảm đi mà ở chính những cống hiến chân thực từ những việc làm kể trên đã trả lời một cách minh định. Hoài Thanh từ  thuở ấy đã viết :   

“…  Nhưng tôi là người thời bây giờ. Dẫu vui dẫu buồn, tôi muốn sống cái đời bây giờ đã. Có những bài thơ tôi say mê mà người sau sẽ thấy không có gì. Thì mặc kệ họ chứ. Nói gì người sau. Chính tôi ngày mai đây biết có còn rung động vì tất cả những bài thơ hôm nay tôi trích? Nghĩ như thế nên hôm nay tôi hết sức rộng rãi với tôi. Bài thiệt hay trích đã đành, bài hay vừa tôi cũng trích. Lại có khi trong một bài chỉ được bốn năm câu; nếu những câu ấy không dẫn vào trong bài tôi viết tôi cũng đành trích trọn bài thơ. Tôi sợ thiếu không sợ thừa. Tôi muốn ghi hết những vui buồn của thời đại. Tôi chỉ dè dặt với những nhà thơ ai cũng biết. Xuân Diệu có 15 bài trích, nhưng ngoài 15 bài ấy vẫn còn nhiều bài hay. Các nhà thơ có tiếng, đại khái đều thế. Ngoài ra với các nhà thơ ít người biết, hễ bài nào trích được là tôi trích…”  

Ở thời kỳ mà Hoài Thanh và Hoài Chân viết “Thi Nhân Việt Nam”, thơ mới đang ở trong một cao trào thịnh mãn. Và, những người phê bình  cũng rất sắc bén một cách công tâm. Với con mắt nhìn tinh tế, thơ được chọn lựa để nhìn ngắm và phê với bình chuẩn xác biết bao. Phần đông những bài thơ được đề cập đến, tới bây giờ vẫn còn làm người yêu thơ rung động. Trong bối cảnh hình thành của thơ mới, xây dựng trên cái lỗi thời của thơ cũ, những thi sĩ đã mang cái nhịp sống mới ảnh hưởng từ văn chương Pháp hiển lộng thành những nét đặc trưng của một thời đại. Thời thế ấy, với những cánh cửa mở, quyển sách nhận định văn học  như Thi Nhân Việt Nam đã góp công không nhỏ…

Trong bài giới thiệu của nhà văn Từ Sơn viết năm 1988 in trong “Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại” đã có những đánh giá khá chuẩn xác dù đôi khi không phù hợp với đường lối và quan điểm văn học của Đảng khi nhận định về một thời đại văn học đã qua:

“Hoạt động văn học của Hoài Thanh phong phú và trải ra ở một diện rất rộng, nhưng tên tuổi của nhà văn gắn liền với cuốn Thi Nhân Việt Nam. Trước lúc mất ít lâu, nhà văn đã tâm sự với con trai mình những điều tâm huyết: “Cha viết văn đã 50 năm nhưng công việc cha thích nhất là dạy học và bình thơ, bình thơ hay vô luận là của ai. Cha biết văn chương của cha cũng vậy thôi. Nếu không có cuốn Thi Nhân Việt Nam thì không chắc gì người ta đã công nhận cha thực sự là một nhà văn. Một đời làm văn của cha chỉ tìm cái hay, cái đẹp để bình. Đó là điều ham muốn của cha. Vậy mà cha đã vấp phải khối chuyện phiền: kẻ yêu người ghét... cha biết vậy nhưng không thể sống khác, viết khác cái tạng của mình. Điều mà cha có thể hoàn toàn yên tâm và tự hào trước lúc đi xa là cha đã sống và viết hoàn toàn trung thực... “.    

Chúng ta có thể tin tưởng vào cái “tâm huyết” của nhà văn Hoài Thanh không? Cũng như chúng ta có thể tin vào những bài thơ cuối đời của Chế Lan Viên khi nhìn lại những công việc bút mực của mình với nỗi xót xa hối tiếc? Hay là, với áp lực lúc nào cũng đang treo trên đầu, những người cầm bút chỉ là những robot hoạt động theo lệnh của “lãnh đạo”. Trong suốt một hành trình văn học dài, chúng ta thấy rất nhiều trường hợp tác giả phải tự từ bỏ những tác phẩm tâm huyết của mình. Không phải chỉ những người bị trù dập mà ngay cả những quan chức văn nghệ cũng bị chính sách Phê bình và tự phê bình chi phối. Ngay đến nhà văn Nguyễn Đình Thi, Tổng thư ký Hội Nhà Văn bao nhiêu đời mà cũng phải chịu  nhìn nhận và từ bỏ một cách gián tiếp những bài thơ mới tâm đắc hoặc những vở kịch nhiều suy tư sáng tạo của mình. Và, ở trường hợp Hoài Thanh, cũng năm lần bẩy lượt nhìn lại tác phẩm của mình tự phê phán tự khe khắt để mong làm vừa lòng “lãnh đạo” và còn có chỗ để sinh tồn trong thị trường bút mực. Dưới đây, tôi xin dẫn chứng một vài điều mà tôi ghi nhận được.

Nhà thơ Xuân Sách, với “Chân Dung Nhà Văn” trong những bài thơ vẽ lại những khuôn mặt tiêu biểu của các tác giả hiện đại đã phác họa diện mạo văn chương Hoài Thanh như sau với nhiều châm chích mỉa mai:

“Vị nghệ thuật nửa cuộc đời.
Nửa đời sau lại vị người ngồi trên
“Thi nhân” còn có chút duyên
Lại vò cho nát, lại lèn cho đau
Bình thơ đến thuở bạc đầu
Vẫn chưa thể tất nổi câu ân tình
Giật mình mình lại thương mình
Tàn canh, tỉnh rượu, bóng hình cũng tan,”

Kể cũng đau cho nhà phê bình cự phách qua cái nhìn quan sát của nhà thơ!!!

Viết “Thi Nhân Việt Nam”, Hoài Thanh có cái dũng lược của một người yêu thi ca và sẵn sàng vì công tâm mà không ngại sự yêu ghét của những người bị phê phán. Đó là thời kỳ văn học mà Thực dân Pháp còn ngự trị trên đất nước ta. Dù trong gông xiềng nô lệ mà vẫn viết được những nhận định trong sáng và làm nổi bật được một thời kỳ văn học nhiều khai phá với những công trình thi ca rực rỡ.

Sang thời kỳ văn học kháng chiến chống Pháp đến văn học Việt Nam  xã hội chủ nghĩa, thì nhà phê bình Nguyễn Đức Nguyên tức Hoài Thanh lại đổi tính. Nửa đời trước thì vị nghệ thuật nhưng nửa đời sau “lại vị người ngồi trên”. Hồi trước, Hoài Thanh khen thơ mới với những kiện tướng như Thế Lữ, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng,… thì sau này nhà phê bình lại khen hết mực những Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Trường Chinh,… những “lãnh đạo” nắm quyền sinh sát cả nước. Hoài Thanh khen thơ Nguyễn Ái Quốc để nịnh Hồ chí Minh cũng như khen thơ Sóng Hồng để lấy lòng Trường Chinh… Phải chê bai cái đã qua để làm nổi bật lên cái thời bây giờ dù thơ Hồ Chí Minh nhiều khi vay mượn hoặc nôm na một cách quái dị hay thơ của Trường Chinh tức nhà thơ Sóng Hồng chỉ là những kêu gọi hoặc phẫn nộ giả trá viết để làm tròn cái chủ tâm chính trị…

Năm 1951, Hoài Thanh viết và in “Nói chuyện thơ kháng chiến” và sau này chép lại nguyên văn trong “Toàn Tập Hoài Thanh” năm 1999.  Đề cập đến thời kỳ ấy, ông viết: “Trong cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta, tiếng súng, tiếng nhạc, tiếng thơ cùng hòa điệu. ...Thơ gắn liền với vấn đề tư tưởng, vấn đề công tác, vấn đề hành động…  “Nhà phê bình thời tiền chiến đã lột xác để thành nhà phê bình khác đem văn chương phục vụ những mục tiêu chính trị. Trong chương “Nhìn lại thơ cũ 1932-1945” ông đã tự kiểm điểm những điều đã viết từ trước và nhiều khi đã tỏ ra tự khe khắt và nghiêm khắc khác thường đến khó hiểu. Ông gọi những bài thơ đã trích dẫn và bình chọn trong Thi Nhân Việt Nam là “loại thơ cũ tư sản và tiểu tư sản” cũng như “Thơ mới có cái yếu đuối vị kỷ vì nó đã tách cái tôi riêng của nó, hay nói đúng hơn, cái tôi riêng của giai cấp nó ra ngoài cái ta chung của dân tộc, của nhân loại...”

Và: “Ngày trước hay bây giờ những câu thơ buồn nản hay mộng mơ vẩn vơ cũng đều là bạn đồng minh của giặc. Giặc chỉ có thể xây dựng cơ đồ của chúng trên phần bạc nhược của con người. Chúng ta có không dám làm người thì chúng nó mới có khả năng làm giặc…” Hay “… Những vần thơ buồn tủi bơ vơ ấy là những vần thơ có tội, nó xui người ta buông tay cúi đầu, do đó làm yếu sức ta và làm lợi cho giặc...”

Nhận xét như thế, Hoài Thanh đã gom chung tất cả những người cầm bút thời trước là “giặc”. Cũng như, sau này Trần Trọng Đăng Đàn đã phê phán tàn mạt hai mươi năm văn học miền Nam (1954-1975) để đạt danh hiệu tiến sĩ và thành một cái loa đánh phá vùi dập những giá trị văn chương không phải của riêng Miền Nam mà của cả dân tộc.

Mà, trong bài tựa Thi nhân Việt Nam thì lại viết :

“… Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận. 

Cả trời thực, trời mộng vẫn nao nao theo hồn ta.

Thực chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và nhất là xôn xao như thế. Cùng lòng tự tôn, ta mất luôn cả cái bình yên thuở trước…”

Hoài Thanh viết về những nhà thơ của thời tiền chiến lúc trước thì tìm những cái hay cái đẹp bao nhiêu thì sau này kiếm tìm những cái dở cái xấu bấy nhiêu. Thử hỏi, điều gì đã thúc đẩy ông làm công việc đó?

Thế mà, chưa đủ. Hai năm sau, ông lại viết một bài khác, đăng trên tạp chí Văn Nghệ, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Nhà Văn bài “Tự phê bình về quyển Nói chuyện thơ kháng chiến”. Một bài viết chứng tỏ cái tư cách không đứng đắn! Đến nỗi một nhà văn nổi tiếng là giáo điều như Hồng Diệu đã phải viết trong Văn Nghệ Quân Đội số tháng 10 năm 1999 những nhận định khá nặng nề:

“… Tuy vậy, đọc bài Tự Phê bình về quyển nói Chuyện thơ kháng chiến do chính Hoài Thanh viết hai năm sau khi quyển sách ra đời, đăng trên tạp chí văn Nghệ số 42 (8-1953) chắc người đọc rất khó đồng tình. Hoài Thanh đã quá khe khắt khi đặt cho Nói Chuyện Thơ Kháng Chiến và tác giả của nó -tức là ông- những yêu cầu rất khó thực hiện, hoặc không thể thực hiện vào thời điểm ông viết quyển sách….”

Và : “… bài Tự Phê Bình… của Hoài Thanh cũng chỉ là một trong một loạt các bài khác như Nhìn Rõ Sai Lầm của nhà văn Nguyễn Tuân, Dứt khoát của nhà thơ Xuân Diệu, Nhìn Thẳng về Tương Lai của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, Tin Tưởng của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Quyết Tâm và Tin Tưởng của nhạc sĩ Lê Yên đăng trên tạp chí Văn Nghệ số 41 (7-1953) hay Tôi đã trở về với nhân dân lao động của họa sĩ Nguyễn Sáng đăng trên tạp chí Văn Nghệ số 44 (10-1953)… Chúng có “cao giọng” nhưng thể hiện rõ quyết tâm của những văn nghệ sĩ đã từng “nặng nợ” với chế độ cũ, đã từ những chân trời khác nhau nay đứng trong đội ngũ những chiến sĩ cách mạng đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc…”

Có phải, nhà phê bình nhận định văn học đã khá hối tiếc khi viết về những người mà mình đã từng xưng tụng, đã từng đọc và bình với cả tấm lòng :

“ … Song cũng nên thể tình cho con người trong thơ cũ. Nó đáng thương hơn là đáng trách. Cái buồn tủi, cái bơ vơ của nó chứng rằng nó cũng là một kẻ trầm luân trong bể khổ của chế độ thực dân. Nó không đứng trên một Bến Giác tưởng tượng nào để uống rượu, ngâm thơ mà mỉm cười nhìn xuống chúng sinh, như những nhà thơ ca tụng cảnh nhàn trong thời phong kiến…”

Trong “Nói chuyện thơ kháng chiến” Hoài Thanh có những lập luận khá tức cười. Như nhận xét về  những câu ca dao Trấn Thủ Lưu Đồn:

Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Nước giếng trong con cá  nó vẫy vùng…

Hoài Thanh viết : “Anh lính thú lưu đồn ngày xưa kêu khóc thảm thiết: Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai. Thực ra cái khổ của anh không phải vì chém tre, đẵn gỗ, vì măng trúc, măng mai. Anh khổ vì thiếu sự nâng đỡ của nhân dân và do đó phản lại chính mình anh nữa. Từ buổi bước ra đi, con người của anh đã không còn là con người thống nhất. Bao vàng, nón dấu, súng hỏa mai, giáo trên mình anh thắt, đội, mang, cắp, nhất nhất đều do lệnh quan sai; chân anh bước cũng do tiếng trống giục quan sai. Con người giả, con người công cụ ấy choán hết cả bài thơ, nó đè nặng lên con người thực. Một cái gì nghẹn ngào trong bài thơ. Đến khi con người thực vụt hiện ra được ở cuối bài thơ thì câu thơ bỗng khóc òa lên, người ta không trông thấy gì ngoài những dòng nước mắt. Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa…”

Thú thực, tôi suy nghĩ mãi mà chẳng hiểu người lính thú tội nghiệp kia tại sao lại khổ sở vì  “thiếu sự nâng đỡ của nhân dân”. Không khổ vì ăn uống kham khổ, không mệt vì công việc chém tre, đẵn gỗ khổ sai? Để rồi, vì thiếu sự nâng đỡ của nhân dân đến nỗi phản lại chính mình. Sự bội phản này xem chừng hơi khó tưởng tượng đối với những đầu óc có suy nghĩ bình thường. Có lẽ, con người phê bình hiện thực xã hội chủ nghĩa đã sản sinh ra lối lý luận văn học quái đản như trên! Nếu nói rằng người lính thú phải trấn thủ lưu đồn ở những vùng xa, nhớ thương gia đình, đời sống thiếu thốn, công việc khổ sai nặng nhọc nên tức cảnh sinh tình ra những câu ca dao não nuột như trên thì còn nghe được chứ gài thêm vào những nhân dân, những con người thực, con người giả chỉ làm cho cảm xúc của người nghe bị giảm đi và những câu ca dao mất đi cái lôi cuốn chia sẻ. Thế mà, nhận xét như vậy lại được khen là tinh tế. Không biết có phải vì viết như thế là phải đạo, đúng đường lối chính sách, phù hợp với chính sách đấu tranh giai cấp…

Hoài Thanh thời tiền chiến thì ngược lại. Viết trong Thi Nhân Việt Nam, nhà phê bình mở rộng tấm lòng biết bao:

“... Cho nên gặp thơ hay, tôi triền miên trong đó. Tôi ngâm đi ngâm lại hoài, cố lấy hồn tôi để hiểu hồn người. Thỉnh thoảng có nói đến cái dở là cũng cốt cho nổi cái hay mà thôi. Chứ dở thì giữa đời thiếu gì mà phải đi tìm trong thơ! Nói chắc bạn không tin, nhưng thật tình tôi chẳng muốn chê ai mà cũng chẳng muốn khen ai. Tôi chỉ muốn hiểu cho đúng- không phải cho đủ- hình sắc các hồn thơ. Và như thế tôi đã phải cố gắng nhiều lắm. Vì trong các nhà thơ cũng nhiều người tôi đã gặp giữa đời. Có người thơ tuyệt đẹp mà đối với tôi lại toàn những cử chỉ rất mực xấu xa. Họ phũ phàng, họ nhỏ nhen… Nhưng thôi tôi nói ra làm gì. Những cử chỉ xấu kia là bề ngoài; phần sâu sắc nhất trong tâm hồn họ đã ghi lại nơi những vần thơ đẹp. Tôi tin như thế. Đừng ai làm tôi hết lòng tin. Trái lại, có những nhà thơ tử tế với tôi vô cùng mà thơ của họ tôi lại chỉ thích …có hạn. Nếu bảo rằng tôi không ái ngại người này, không khinh ghét người kia thì e không thực. Nhưng ái ngại hay khinh ghét khi xem thơ tôi chỉ biết có thơ. Tôi không hề nghĩ đến danh vọng của người hay của tôi. Danh vọng quý thật nhưng còn điều quý hơn danh vọng, quý hơn hết thảy: lòng ngay thẳng, mà ít nhất cũng phải giữ trọn trong văn chương…”

Tôi đọc Thi Nhân Việt Nam để cảm thông với tấm lòng yêu thơ rất mực đến nỗi quên tất cả những gì quý giá trên đời. Thế mà, công trình một đời tâm huyết như thế lại nhiều khi bị chính tác giả của nó từ chối giá trị. Phê bình và tự phê bình, phản tỉnh để tự gạt bỏ cái cũ. Thật đáng thương cho người yêu thơ. Tuyển Tập Hoài Thanh với bốn quyển sách đồ sộ bề dầy hơn ba ngàn trang mà hình như ít thấy bóng dáng những lời bình thơ sang sảng thuở xưa. Chỉ thấy có mặt những Nói Chuyện Thơ Kháng Chiến, Nam Bộ Mến Yêu, Chuyện miền Nam, Phê bình và Tiểu Luận. Ôi, còn đâu những lời hùng hồn vị nghệ thuật. Còn đâu cái tâm vòi vọi trời cao. Để, có một lúc. Tàn canh, tỉnh rượu, bóng hình cũng tan….

 


 

NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.