.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

 
Vi Thùy Linh
và "thương hiệu" ViLi

 

Năm 2011, Vi Thùy Linh đã in tập thơ mới với lời quảng cáo thật kêu như “tái xuất và bùng nổ”: ”Phim Đôi - Tình Tự Chậm, sáng tạo bằng tư duy hình ảnh hiện đại và ấn tượng sẽ cống hiến cho khán giả cơ hội thưởng lãm “phim trên giấy” với những trầm trồ. Hội tụ nhiều họa sĩ, dịch giả, nhiếp ảnh gia, đạo diễn tài danh, đây là tác phẩm sang trọng chiếm nhiều kỷ lục, nhiều cái nhất...”

 

Câu văn đọc nghe lạ tai thật lạ lùng để viết về một tập thơ gồm 39 bài thơ chia làm hai phần, 10 bài thơ cũ chọn từ những tập thơ in trước và 29 bài mới sáng tác trong năm 2010. Tập thơ có sự góp mặt của nhiều giới, in ấn công phu, cầu kỳ, không những kỹ thuật mới đẹp mà còn dùng vàng diệp thật để mạ lên những phụ bản nữa. Tóm lại, về marketing, là thành công lớn, được ra mắt ở nhiều nơi cả trong nuớc lẫn ngoại quốc. Đây là tác phẩm thứ 5 của nhà thơ nữ này.

 

Vi Thùy Linh thường gây ra những “ấn tượng” để làm nổi bật cá nhân mình như một cách quảng cáo. Năm 2009, cô không xuất hiện trong Ngày Thơ Việt Nam nhưng cô đã làm xôn xao dư luận khi cùng với một số nghệ sĩ, nhà thơ tổ chức một đêm trình diễn thơ riêng tại Công Viên Thiên Đường Bảo Sơn vào đúng ngày lễ tình yêu 14 tháng 2” Với tôi đêm thơ này còn có một ý nghĩa đặc biệt vì tôi đang yêu và đây sẽ là món quà trong Ngày Tình yêu của tôi dành cho anh ấy...

 

… Như tôi đã viết trong một bài thơ mà tôi sẽ trình diễn trong dịp này. Lần nào đến cũng đem theo những bí mật. Mỗi lần tôi trình diễn phải khác đi chứ không lập lại. Lần này còn có một niềm vui không giấu diếm là tôi sẽ diễn trước các khán giả mà tôi yêu quý trong đó có một khán giả đặc biệt - đó là người yêu của tôi. Anh ấy sẽ có mặt bằng xương bằng thịt chứ không còn là người tình “ảo”, người yêu trong ước mơ khao khát như từ khi tôi còn là cô bé 15 tuổi nữa. Bây giờ, Vi Thùy Linh “in love” thật rồi…”

 

Năm 2911, Vi Thùy Linh in thơ, ra mắt thơ, trình diễn thơ để rao lên rằng để giã từ thời tự do… Em đi lấy chồng. Có người đã tán tụng ”Đến Phim Đôi - Tình Tự Chậm”, tập thơ thứ năm, Vi Thùy Linh đã hoàn tất một live show thơ dài mười lăm năm cho mình trên thi đàn. Chặng thơ cũng như một bộ phim dài năm tập. Suốt cả năm tập, phim chỉ có một nhân vật trung tâm : nàng Eva Linh nồng nàn, miệt mài đem vườn cây địa đàng về thì hiện tại mong xây dựng một đế chế yêu. Với Linh, yêu là thơ là dệt tầm gai là sống.”

 

Vi Thùy Linh đã cho rằng sự thành công của cô nhờ hai yếu tố : uy tín và thương hiệu. Cái từ ngữ ”thương hiệu” nghe sao lạ lùng quá với thi ca. Sao lại có chất “thương mại” vào đây? Tôi tự hỏi. Thì một “fan” của nữ thi sĩ này, tác giả Chu Văn Sơn viết:

 

”Bao người đã tưởng điều làm nên “thương hiệu” ViLi chẳng qua chỉ là ngang nhiên đưa vào thơ các “cảnh nóng” gây sốc với ngay cả những người hiếu sốc, kiểu như: ”Khỏa thân trong chăn / Thèm chồng. Thèm có chồng ở bên. Chỉ cần anh gối lên đùi / Mình ôm lấy Anh ôm mình / biết sự bình yên của mặt đất”, ”Em kéo áo lên để anh tràn tinh khôi và mãnh liệt”, “Cài then em bằng anh”, “Không còn biết một chấn động nào hơn / anh xoáy vào em / cơn lốc...” ... Thực ra, viết sau những Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Nhã Ca, Dư Thị Hoàn, Phạm Thị Ngọc Liên, … có đến mấy thế hệ thì trình ra những cảnh được / bị xem là hot nhất đương đại kia đâu còn là độc diễn nữa.

 

Không ít người lại đinh ninh cái đáng nói nhất của ViLi là sự kiên tâm nâng tình yêu lên thành tôn giáo. Ồ chưa nói đến những đại danh như Goethe, Hugo, Tagore, ... Ở ta, chí ít có thể kể đến những Xuân Diệu, Nguyên Sa, Trịnh Công Sơn, trong đó người gần nhất xem tình yêu là tôn giáo thì cũng đã khởi nghiệp cách nay dư nửa thế kỷ rồi và cũng đã chia lìa với thế giới này cũng đã tới một thập niên rồi. Coi tình yêu là tôn giáo xem ra là câu chuyện cũng đã xưa...”

 

Dù có thể không đồng ý nhưng chúng ta hãy xem Chu Văn Sơn định hình Vi Thùy Linh:

 

”Vậy đâu mới là Vi Thùy Linh?

Rất nhiều người đã cả quyết: điểm mới của Linh là tiếng nói nữ quyền trong tình yêu. Tôi cũng từng tin như thế. Linh là một nữ sĩ, mọi biểu tỏ tình yêu đều từ vai nữ, vậy phải xem Linh là phát ngôn viên cho nữ quyền thì phải quá còn gì. Nữ quyền luận chẳng phải đang xôm đang mốt đó sao? Nhưng lắng kỹ, té ra, nhầm. Té ra, khoa học cũng thời thượng. Tiếng nói nữ quyền ở ta ít nhất đã có từ thời Hồ Xuân Hương rồi. Với lại, Linh có lên tiếng như nạn nhân của nam quyền đâu. Trong thơ Linh chẳng đòi quyền riêng gì cho phái nữ. Một người đòi quyền cho người nữ thì sao lại hân hoan làm một nô lr tự nguyện như thế này:

 

"Hình như tôi đã lớn lên cùng tình yêu dành cho Anh

từ khi bắt đầu là bào thai con gái trong bụng mẹ

Tôi hôn Anh rưng rưng

Và biết mình đang trở thành nô lệ của tình yêu

Một nô lệ không cần được giải phóng”

 

Một người bât bình với nam quyền muốn tranh dành vị thế với đàn ông thì sao có thể viết những dòng tôn vinh đàn ông đến dường này:

 

“Không cần Trời

Anh sáng tạo Em bằng sức mạnh phồn sinh

Em thấy mình thực sư là phụ nữ khi có Anh

- điều tất yếu và linh thánh

Em quỳ xuống Anh gọi Bình Minh Sáng Thế... ”

 

Và Chu Văn Sơn đã định hình một nữ thi sĩ:

”Giới quyền không phải chuyện của Linh. Cái làm bận tâm thi sĩ này, thực ra là ái quyền. Quyền được yêu như một Con Người viết hoa. Đối với con người, quyền được yêu bao giờ cũng là phần đáng giá nhất của quyền sống. Ý thức về ái quyền ca tụng và đấu tranh cho ái quyền đó là cảm hứng sôi nổi nhất của hồn thơ Linh... Nó làm nên khuôn mặt nghệ thuật Vi Thùy Linh trong thơ đương đại:

 

“Em yêu Anh như yêu sự hiện diện của chúng mình trên trái đất

măc tháng năm chạy về cuối mắt

Mặc thế gian đổi thay từng giờ khắc

Chúng mình yêu nhau“

Hay:

”Ta

Lúc nào cũng phá giới để yêu

Thì có nên tu không

Biết tu ở kiếp nào?

Hôn nhau tràn tràn

ta tu suốt đời dưới cây bồ đề-Anh

Chúng mình siêu thoát

Em yêu anh cuồng điên yêu đến tan cả em”

 

Kẻ thù của ái quyền trong thơ Linh không phải là nam quyền, cũng không phải cường quyền hay thần quyền. Nó là sự giả dối và ươn hèn khiến con người đánh mất những tình yêu đẹp đẽ. Nó là tập quán lạc hậu của một cộng đồng chưa thực có truyền thống tôn trọng cá nhân nên cũng chưa biết tôn trọng tình yêu đầy đủ, trái lại, vẫn còn nhiều kỳ thị, thóc mách trước những biểu tỏ riêng tư của đôi lứa. Mà dành quyền sống cho tình yêu trước những thế lực như vậy còn gian nan và giai dẳng gấp bội phần so với những thế lực khác. Ta hiểu vì sao Linh xem sống là được yêu. Ta hiểu vì sao Linh thèm muốn những nụ hôn của tình yêu được đàng hoàng công khai dưới ảnh ngày, được tự do biểu tỏ trước đám đông. Ta hiểu vì sao Linh thèm khát cái hạnh phúc được Hôn nhau giữa thủ đô La Mã:

 

“Anh ôm em bay giữa bầu trời Ý

quyện nhau thành tháp nghiêng trên tháp

thèm được Uống nhau không biết mệt

cho cả thế giới nhìn”

 

Đọc bài viết của Chu Văn Sơn về Vi Thùy Linh, không hiểu sao tôi lại liên tưởng tới những bài viết của Trịnh Cung, Nguyễn Viện, Trần Tiến Dũng, ... về tập thơ : Dự Báo Phi Thời Tiết “của 5 con “ngựa trời”: Thanh Xuân, Phương Lan, Lynh Bacardi, Khương Hà và Nguyệt Phạm. Tập thơ này có một cái bìa rất ”hot” của họa sĩ Nguyễn Thúy Hằng trình bày in hình 5 khuôn mặt của 5 cô gái làm thơ như xác ướp nằm giữa những hình tượng là những cái “linga“ dương vật của đàn ông. Và nhóm 5 con ngựa trời này đã được những tay viết như Trịnh Cung, một ông già trên 70 tuổi hỗ trợ bằng bài viết và cả sự vận động để in tập thơ này. (Nên nhớ các cô gái làm thơ này chỉ trên 20 tuổi):

 

”Nghi thức theo lễ giáo Hậu Hiện Đại nên không dùng nhang đèn, mâm quả, heo sữa quay, gà qué và USD âm phủ, chỉ ruợu Tây, mấy con khô mực và vài gói lạc rang. Chủ lễ, pháp sư Quốc Chánh râu hùm hàm én không để xanh như mọi ngày mà nhuộm đỏ bằng kinh huyết được nhập từ Vương quốc các loài hồ, đầu quấn áo ngực hiệu Triump, tay cầm phất trần bằng xì líp hiệu Vera có lót băng vệ sinh siêu thấm Diana, hàng Việt Nam chất lượng cao, ra hiệu cho Trịnh Tử, Lão cái Bang trụ trì Họa miếu dâng sớ cầu khai từ thơ hiệu những con @ phải gió sành điệu và trình diện những con ngựa trời hay còn có tên thân mật là Đĩ Ngựa trước vị Chủ Tế và Hội Đồng Nghệ Thuật… Pháp sư Quốc Chánh gọi tên từng con ngựa trời ra thọ lễ, lần lượt từ Lynh Bacardi, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Thanh Xuân và Khương Hà. Sau một hồi khảo sát chân cẳng, giáo mác, nhan sắc và thơ thức của các Kiều nữ Ngựa Trời, Hôi đồng Nghệ Thuật dâng lên vị Pháp Sư chủ lễ phong thư báo cáo kết quả. Ngài Quốc Chính mở thư bằng chiếc lưỡi dài có khảm đầy hột tiểu le rồi ngửng mặt lên trần nhà hét to 3 tiếng ”Chịu không nổi!” cả đoàn âm binh cũng đồng loạt hùa theo hô vang ”Chịu không nổi! Chịu không nổi! Chịu không nổi!”. Biết đã vượt qua cuộc sát hạch nín thở, 5 con đĩ ngựa vui mừng vung các cặp thanh long đao đầy khát vọng múa “điệu cuồng dâm sát thủ” được phụ họa bằng giàn nhạc một cây guitare thùng chỉ huy bởi Mê Tiến nhạc trưởng- người mà báo V&T cho rằng không biết lấy một nốt nhạc vừa đoạt giải nhất Ca Khúc AnNam..."

 

Nguyễn Viện cũng viết giùm “5 ConNgữa Trời” một đoạn văn thật quái gở:

 

”Hành vi xé xác và ăn thịt người tình của con ngựa trời giống như một hành vi giải phóng đạo đức giải phóng khaí niệm giải phóng định kiến giải phóng cái đã có. Sáng tạo là thể tính của cái không. Bởi thế nó từ chối mọi nghĩa vụ. Một nhà văn vẫn có thể là một chiến sĩ văn hóa cán bộ văn hoá nhưng không bao giờ là người sáng tạo. Bởi vì sáng tạo không đồng nghĩa với việc thừa hành, tiếp bước và mô phỏng. Sự quyết liệt trong tính cách của con ngựa trời là không làm tình lần thứ hai với cùng một con đực. Nó từ chối khoái cảm cũ người tình cũ hành vi cũ. Từ chối là khởi điểm của sáng tạo. Bởi thế sáng tạo là từ chối mọi sự áp đặt của bất kỳ một mô thức nào. Cho nên những con ngựa trời hậu (môn) hiện (đương) đại (tiện) là cách vượt qua cái giáo điều hậu hiện đại làm duyên làm dáng cho đến lúc không còn gì để tái sinh trên cái đã có. Sáng tạo là làm ra mốt chứ không phải theo cái mốt nhất như các anh cách tân giả cầy. Chỉ có ai giũ bỏ được cái tâm thức bầy đàn mới có thể trở thành người sáng tạo. Cho nên chúng em không bày đàn kéo cưa lừa xẻ theo tinh thần “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công thành công đại thành công”. Chúng em chơi chung nhưng không chơi tập thể. Mạnh ai người ấy chơi. Xả láng sáng về sớm…”

 

Câu cuối cùng của Nguyễn Viện nghe hơi ghê ghê. Có thể sẽ bị phê phán là tâm tục nên nghĩ thành lời tục. Nhưng suy cho cùng thì... tục thật!Trong cảm nghĩ thành thực của tôi.

 

Có người hỏi tôi tại sao lại liên tưởng từ nhà thơ Vi Thùy Linh đến 5 con ngựa trời. Khác xa, rất xa. Tại sao lại liên tưởng như thế. Dĩ nhiên là chủ quan của tôi vì tôi nghĩ đến cách dựng những scandal để quảng cáo. Vi Thùy Linh đã đề cập dến “thương hiệu” nên tạo cho tôi những cảm nghĩ kèm theo.

 

Với tôi. Vi Thùy Linh là một nhà thơ nữ Việt nam có những vần thơ kỳ lạ. Sinh năm 1980, mà thơ như của một người đầy kinh nghiệm đã từng trải qua nhiều cảnh ngộ trong đời. Qua cung cách sống, thi ca trở thành những bước chân đi tìm mà ở đó, những hình ảnh gợi đến những dục tính cũng như những ý nghĩ có lẽ táo bạo với một người con gái Việt nam. Qua hai tập thơ, “Khát“ và “Linh”, nhà thơ này trở thành một khuôn mặt nổi bật và được trong nước đề cử đại diện Việt Nam tham dự Liên hoan Thơ Quốc Tế lần thứ Bảy tại Pháp.

 

Thơ của Vi Thùy Linh già trước tuổi và trong ngôn ngữ có một chút gì cường điệu của những bước chân đi sải dài hơn độ bình thường. Thơ, gợi tới những phần ẩn mật, của da thịt và của những suy tưởng sục sôi. Thơ, gợi tới những bảng đường cấm nhưng đầy hình ảnh kêu gọi trí tò mò …

 

 “… phiêu diêu mắt, thấy con đường tơ lụa

 phiêu diêu lưỡi, chạm đáy mềm Âu Cơ.

 

 Ly rượu dan díu mùi đàn bà

 Nước mắt không thể ngấm thêm được nữa

 Ta tạo dị bản ta, chống đỡ

 Dan díu men mê man

 Mật khẩu nẻ lá môi thâm nhập.

 

 Hồi hộp đến cuối đường tơ lụa

 Tây tạng mê ảo cuồng hoa

 Trứng nhộn nhịp thụ thai

 Âu cơ rũ váy rũ nghiệt ngã

 Lại hứng hứng gió thốc

 Thôi miên những cánh cửa chồi răng.

 Hoa Thùy Linh.

 Đàn đàn mũi tên bay từ hai đùi

 Bắn nát sự cam phận.”

 

Tôi đọc thơ Vi Thùy Linh cũng như đã nghe đài BBC, RFA phỏng vấn cô. Tôi đã được nghe nữ thi sĩ nói về sự đam mê sáng tạo cũng như suy tư có ý thức của mình. Dường như tôi thấy những bước chân đi qua những khuôn khổ thi ca cổ điển. Nhưng, nếu tìm kiếm sự khai phá thì chưa. Thơ, còn ở trong những cung cách cố gắng cách tân đổi mới nhưng chưa hoàn toàn là những bứt phá cần thiết để cảm quan người đọc bị chế ngự và đuổi theo, rượt bắt… Những ấn tượng tạo được qua thi ảnh, chỉ là thoảng chốc và chưa đủ độ ngân nga... .

 

Khi trả lời một câu hỏi nhân dịp ra mắt tập thơ thứ ba Đồng Tử “Con ngươi của mắt”, Vi Thùy Linh đã bộc lộ cá tính của mình:

 

“Hỏi :Trong hai tập thơ trước, những đánh giá cực đoan thường tập trung vào những bài thơ mà chị thể hiện bản năng giới tính một cách mạnh mẽ như ”khỏa thân trong chăn tìm chồng” hay bị suy diễn như câu ”ngày cuối tháng ngày em chóng mặt”... trong tập thơ mới, chị còn làm độc giả “chóng mặt “ bởi những câu thơ kiểu này ?

 

Vi Thùy Linh : người ta thường nói mỗi ngôi nhà là một tổ ấm, xã hội tập trung của nhiều tổ ấm, còn tôi muốn dùng biểu tượng chiếc giường. Chiếc giường là nơi những người yêu nhau nằm bên nhau, có những người không yêu nhau vẫn phải lấy nhau không vì yêu mà vì cơn say, vì lở làng cũng ở trên chiếc giường ấy. Chiếc giường là biểu tượng phức hợp.

 

Với những người chỉ có khả năng hiểu giường là giường chiếu theo kiểu tính dục đơn thuần thì tôi không nghĩ phải mất sức lực để thuyết phục họ yêu thơ mình... Vì những độc giả ấy không có khả năng để cảm thụ nghệ thuật và ý tưởng đẹp đẽ của tôi. “Ngày cuối tháng” trong thơ chỉ là một trạng ngữ thuần khiết. Với đối tượng luôn tiếp nhận nghệ thuật bằng cái đầu đen tối và suy diễn, hiểu “ngày cuối tháng“ theo kiểu khác cũng như hiểu chiếc giường theo kiểu “ngày cuối tháng” thì tôi không có nhu cầu chinh phục họ thêm vào lượng độc giả của mình, tôi cực đoan và sẵn sàng gạt bỏ.

 

Hỏi : ngôn từ trong thơ chị cũng thường tập trung quá nhiều vào cái “tôi “ cá nhân. Đó là cách “tiếp thị“ hay thể hiện cá tính?

 

Vi Thùy Linh: Không phải “tiếp thị“ mà là cái tôi mãnh liệt. Tôi là sự hóa thân chứ không phải bản thể thực tế. Thậm chí thơ của tôi giải tỏa hộ khát vọng của cả những người lớn tuổi nhưng vãn khao khát tình yêu. Quá mạnh mẽ vì tôi dám sống và dám thể hiện thái dộ sống. Phan Thị Thanh Nhàn “giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay / cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm“, còn tôi thay vì nấp ở ngoài cửa sẽ đến thẳng bên anh ấy và nói “Em yêu anh và em sẽ chờ anh về“ Thay vì cô gái nhà quê bứt cỏ phừn phựt và chạy ù trên đê khi người yêu hỏi “Em có yêu anh không?” thì tôi không bao giờ bỏ chạy và sẽ nói “em yêu anh và khi nào chúng ta làm đám cưới ?” Tôi nghĩ việc kín đáo hay bày tỏ thuộc về cá tính và bản lĩnh của mỗi người…“

 

Đấy, con người của cô thi sĩ trẻ xốc nổi như vậy! Nếu có người bảo, nếu nói huỵch tẹt ra như vậy thì còn gì là lãng mạn, còn gì là thơ nữa. Thế mà, cô vẫn làm thơ, vẫn say sưa với sự đi tìm kiếm chính mình, và tạo ra rất nhiều “giai thoại“ trong làng văn nghệ. Vi Thùy Linh làm thơ với những câu đại loại như:

 

“... Anh hạ trời xuống Anh nâng đất lên

anh bùng vỡ thanh xuân cuồng điên

trên lưng Anh bơi mải miết ngón ngón em dài trắng

môi em trườn trong đêm căng

duỗi chân dài em nối những biên giới, những núi đồi sông biển

Anh đến bên em nhịp nhịp qua cầu đùi muốt

đêm tận cùng chờ hiến

vào lúc Anh lên em lên Anh

thụ tạo giấc mơ ấp ủ

Em đạt khát khao làm Mẹ.”

 

Và Vi Thùy Linh đã viết về những người không thích thơ cô:

 

“... Và tôi làm nhiều kẻ nhảy dựng lên khi viết về những cái lưỡi đầy sự giả dối và những con người đeo mặt nạ giễu đầy phố. Một số người kêu ca tôi viết về tính dục, họ kêu rất to như thể đó là tội lỗi, là lĩnh vực... không thuộc về con người. Tôi không viết về tính dục mà viết về tình yêu. Tình yêu đích thực hòa quyện thể xác và tâm hồn, tính dục với tôi nằm trong tình yêu. Tôi cực nhọc tìm ngôn ngữ, hình ảnh biểu tượng để bùng vỡ tràn trề sức xuân, chất sống của tôi, không kìm giữ lảng tránh hay lẩn trốn không đi theo đám đông phong trào như con thú tách khỏi bầy tìm con đường riêng không bao giờ yếu hèn trước các thử thách…”

 

Giải thích như thế, “tuyên ngôn“ thơ như thế, liệu có thuyết phục được không từ những bài thơ, tập thơ in ra đời ?? nếu có ai bảo thơ Vi Thùy Linh khiêu dâm thì độc giả sẽ nghĩ sao? Và cái “thương hiệu” ViLi chỉ để dùng cho việc quảng cáo để bán sách hay còn có mục đích nghệ thuật nào cao hơn một chút?


Nguyễn Mạnh Trinh
 


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.