.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

 
Nguyễn Hoài Hương
 và Bóng Mát Dịu Dàng

L’ombre Douce (Bóng Mát Dịu Dàng) là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Hoài Hương đoạt giải Premiere của đài phát thanh và truyền hình Bỉ RTBF dành cho những tiểu thuyết đầu tay viết bằng Pháp ngữ. Tác phẩm này đã được lựa chọn trong một danh sách 20 tác phẩm gửi về từ những tác giả sống ở khắp các nơi trên thế giới và sách được trưng bày trong khuôn khổ của hội sách Foire du Livre de Bruxelles.

Chủ tịch Hội đồng giám khảo, bà Corinne Boulangier đã nhận xét: ”tác phẩm L’ombre Douce (Bóng mát dịu dàng) là một tiểu thuyết có giá trị cả về bố cục văn chương lẫn cảm xúc và hơn thế nữa còn gây được sự hiếu kỳ tò mò cho độc giả nữa.”

Chiến tranh Việt Nam là một biến cố lớn của thế giới chứa đầy những bí ẩn và đã gây ra rất nhiều ấn tượng tạo cho người đọc có sự tò mò về những dữ kiện đặc thù của thế kỷ 20. Cũng như với độc giả Tây phương, đời sống văn hóa và phong tục Việt nam vẫn còn là môi trường cho óc tò mò phát triển. Viết về một mối tình Pháp Việt, về thân phận tuổi trẻ trong chiến tranh, cũng là một phong cách đặt câu hỏi để giải đáp những ẩn số mà từ lâu chưa có lời giải toàn vẹn. Chính vì thế, trong 20 tác phẩm được đề cử để chọn lựa, L”ombre Douce đã vượt qua tất cả để đoạt giải nhất với tỉ số 7/11 phiếu bầu.

Tác giả L’Ombre Douce là một cô gái Việt nam tuy sinh trưởng ở Pháp trong một gia đình đã sống ở Pháp từ những năm thập niên 70. Cô chưa bao giờ về thăm Việt nam và tất cả những hiểu biết về đất nước này chỉ ở trong sách vở mà cô tìm tòi để đọc và trong những lời kể của cha mẹ cô. Thế mà, tác phẩm L’ombre Douce lại là một chuyện tình có không gian, thời gian của Hà nội năm 1954 khi mà chiến cuộc đã đi vào giai đoạn cuối với trận Điện Biên Phủ.

Viết một tiểu thuyết hoàn toàn bằng tưởng tượng mà thành công có lẽ là một trường hợp hiếm thấy trong văn học Việt Nam? Nhưng một khi đã viết bằng tâm tưởng, bằng tấm lòng trìu mến với quê hương thì những dòng chữ chân phương ấy lại có tác dụng mạnh mẽ để làm thành cảm xúc cho độc giả.

Trước đây, nhà văn Trần Vũ khi còn rất trẻ, lúc viết “Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu” chưa hề đến Hà Nội nhưng lại viết được một truyện ngắn hay có thể nói là một trong những truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hải ngoại. Ngôn ngữ của tâm tưởng đã lôi kéo người đọc vào một thế giới lẫn lộn thực ảo nhưng có chất lãng mạn thơ mộng riêng biệt. Ở âm nhạc, nhạc sĩ Song Ngọc đã viết một bản nhạc về Hà nội khá xuất sắc “Hà Nội Ngày Tháng Cũ” dù thành phố đầy nét thơ mộng ấy chỉ là trong tưởng tượng và người nhạc sĩ chưa hề đặt chân đến nơi chốn có 36 phố phường. Chưa sống cùng và những kỷ niệm chỉ có trong mơ mộng, nhưng trí tưởng tượng đã bay bổng và làm lung linh hơn những cảm giác. Thành ra, văn hay nhạc cũng chỉ là phát tiết điển hình của lòng yêu thương quê cha đất tổ.

Nguyễn Hoài Hương sinh ra ở Pháp và lớn lên trong môi trường văn hóa của trường học Pháp. Việt Nam đối với cô chỉ là những chuyện kể thời bé dại của cô của cha mẹ và chỉ có trong sách vở. Ngôn ngữ mẹ đẻ của cô chỉ là níu kéo lại đời sống mà cô yêu mến và những hình ảnh về người, về cảnh luôn luôn sống trong tâm tưởng của cô. Lời tâm sự thành thật của cô đã làm người đọc hiểu rõ hơn động lực thúc đẩy cô cầm bút với hơn bốn năm miệt mài để hoàn thành Bóng Mát Dịu Dàng: ”Trong những ngày nghỉ tại vùng Bretagne Hương hết sức kinh ngạc trước sự giống nhau giữa cảnh đẹp ở vùng này có nhiều nét tương đồng với những cảnh đẹp mà hương đã khám phá từ sách vở về Hà Nội và dòng sông Hồng Hà của Việt Nam”

Cảnh vật hôm nay làm gơi nhớ và liên tưởng đến phong cảnh ngày xưa. Chẳng phải là kỷ niệm mà chính là những ám ảnh phảng phất trong đời sống. Hiện tại có phong vị của một thế giới nào lẩn khuất bên cạnh thôi thúc để hình thành một bố cục cho văn chương, mà ở đó những nhân vật ngày hôm nay đang sống những thời xưa cũ.

Và Nguyễn Hoài Hương đã viết trong tình trạng: ”Ngay từ khi còn nhỏ, Hương đã đam mê văn chương. Hình ảnh Việt nam luôn luôn hiện hữu trong tâm hồn của Hương và Hương đã chọn con đường văn học để thực hiện được những hoài bão của mình”.

Tiểu thuyết ”L’Ombre Douce” do nhà xuất bản Viviane xuất bản là một truyện tình lãng mạn thơ mông nhưng nhiều bi thương của Mai, một cô nữ trợ tá Việt nam và Yann, một thương binh Pháp quê quán ở xứ Bretagne. Họ yêu nhau rồi xa nhau vì hoàn cảnh mỗi người với những định kiến của văn hóa phong tục khác nhau và trong thời thế của một cuộc chiến mà hai dân dộc đang đối mặt nhau.

Những câu thơ đầu tiên, mở ra những trang sách và nói về một cuộc tình:

”đến rồi mùa hè xanh

Đừng uống những ngụm

Chia biệt

Nỗi vui dịu dàng này

 Của buổi rạng đông

Ngắm nhìn rạng rỡ

Tay em

Mầu mật ong

Và của mặt trời hấp hối

Xuyên qua

Ánh sáng hoa thủy tiên

Linh hồn nhan sắc”

Nguyễn Hoài Hương, cái tên tuổi đã làm rõ nét hơn tình yêu quê hương, của tấm lòng hoài nhớ về nơi chưa từng về nhưng đã quen thuộc trong tâm thức. Chính những giám khảo của giải thưởng văn chương này cũng cảm nhận được tấm lòng yêu quê hương đất nước qua bút danh này.

Thời gian của câu truyện tình là năm 1954 khi mà cuộc chiến Đông dương đã ở thời điểm khốc liệt nhất với trận Điện biên Phủ, nơi mà chế độ thực dân Pháp cáo chung và nước Việt Nam bị chia đôi. Biến cố lịch sử này với nhiều tài liệu đã làm phong phú cho trí tưởng tượng của tác giả “L’ ombre Douce”. Lồng một mối tình của hai người tuổi trẻ khác màu da vào một môi trường của một xã hội đang rối loạn vì chiến tranh với những suy tư khác biệt nhau, cô đã làm rạng rỡ hơn một quê hương của một thời lửa khói. Tình yêu không phải chỉ là những bản hoan ca mà ở đó còn những giây phút của man mác đau buồn về một tương lai gần đến sẽ có nhiều bi thương của nước mắt. Khi gặp Yann, Mai mới vừa 18 tuổi, tuổi dậy thì ngây thơ và khi đã yêu thì bất chấp tất cả cho người tình. Để tránh cho Yann khỏi phải ra mặt trận, Mai đã dùng đủ mọi cách để người tình được ở lại dưỡng thương. Ngày mùng một tết, Mai đã cưỡng lại ý muốn của người cha là thành hôn cùng một người Trung Hoa giàu có và đã làm đám cưới với Yann một ngày trước khi Yann trở lại chiến trường. Mà chiến trường là Điện Biên Phủ, một lòng chảo vô danh nhưng là nơi chiến trận diễn ra ác liệt. Mai đã yêu và hiểu được những sầu khổ vì yêu. Tiểu thuyết Bóng Mát Dịu Dàng là một bản tình ca dang dở của một thời lửa khói chiến tranh.

Giở những trang sách của L’ombre Douce, độc giả thường bắt gặp những câu văn truyền cảm, của tình yêu, của nhớ nhung và của những tâm tư man mác: ”Có một ủi an nhẹ nhàng khi đêm tối nắm đến anh như trong vòng khép chặt chẽ của bộ máy ép; anh không thấy lo sợ, bởi vì anh không làm một điều gì cả và có nhiều điều để mang lại những lực thúc đẩy của bóng mát ghì chặt không thể cưỡng chống lại được. Lực đẩy dịu êm ấy với bàn tay của Mai, sự hấp dẫn lôi kéo của bước chân chầm chậm về phía vô nghĩa vô định. Đêm tối đã chấm dứt đi một hình ảnh người yêu dấu tràn đầy cảm xúc, vơí bao trùm của một Mai luôn luôn nhỏ bé với một chút e sợ sự trống rỗng không cần thiết phải rơi vào sự thoảng qua; trong lạnh lùng đông đá của nửa khuya và không thể nào hiện hữu sự tay trong tay của ban mai tới. Kiên nhẫn, cô chờ đón bình minh bởi vì trong khi nắm một điều gì đó trong bàn tay, đó có thể chẳng phải là những vật bị lấy cắp…”

Trong không gian của Hà Nội, trong quân y viện Lanessan mà người Việt quen gọi là bệnh viện Đồn Thủy, Mai đã gặp Yann. Một cô gái Việt Nam ngây thơ đã gặp một “coup de foudre”, yêu thương một người lính viễn chinh Pháp bị thương khá nặng ở ngực khi săn sóc. Yann thì bị lôi cuốn bởi nét đẹp dịu dàng của một cô gái phương Đông gơi lại môt chút gì lãng mạn xa xưa. Hai người yêu nhau trong nghịch cảnh với muôn vàn khó khăn từ hai phía. Cha của Mai không muốn con mình lấy một người dị chủng da trắng và đã sắp xếp để Mai có một vị hôn phu người Trung Hoa tuy già nhưng giàu có tiền của. Theo lề thói của văn hóa cổ truyền, ông chống đối kịch liệt mối tình của hai người tuổi trẻ này. Hạnh phúc rất mong manh và cuộc chia tay xảy ra và Yann khi bình phục phải trở về chiến trận ở vùng lòng chảo đầy đe dọa chết chóc của Điện Biên Phủ. Viễn ảnh Yann sẽ thành một trong những hàng binh khi cứ điểm trên ngọn đồi đầy xác chết và khói lửa thất thủ.

Không chủ ý phác họa lại một giai đoạn lịch sử của Việt Nam cận đại, nhưng trong cung cách kể chuyện muốn lồng vào trong chuyện tình những ý nghĩ rất nhân bản của những người đã sống trong hoàn cảnh ấy. Cảnh và người, tình yêu trai gái, tình yêu đất nước, dưới nhãn quan của một cô gái ngây thơ có sự thuần khiết nhưng cũng có những khám phá bất ngờ, của một thời thế mà sự lựa chọn không nằm trong bàn tay con người mà ở trong số phận đã được định sẵn.

Tình yêu có phải là một động lực để hai người trẻ tuổi vượt qua mọi trở ngại không? Câu hỏi ấy có lẽ là của chung những độc giả của Bóng Mát Dịu Dàng. Hai nền văn hóa có nhiều khác biệt, Đông và tây là hai phương hướng khác nhau có lẽ cần phải có một nhịp cầu nối liền. Nhất là ở trong một xã hôi đang lúc chiến tranh và bi kịch lúc nào cũng sẵn sàng cho mọi cuộc nhân sinh. Trong sự thử thách để làm người đọc có cảm giác đang sống trong một thời kỳ như thế, những nhận xét dịu dàng dễ thương của một tâm hồn tinh tế đã làm cho câu chuyện kể vừa có nét sống động nhưng lại có sự quyến rũ của những cảm xúc xa vời.

Chính tác giả L’ombre Douce đã thố lộ: ”Đối với một tác giả, một trong những điều khó diễn tả nhất là tình yêu vì nó có muôn hình vạn trạng lại phù du và tinh tế. Tôi đã thử cố gắng tiến đến gần nhất cái không thể diễn tả này”

Nguyễn Hoài Hương còn là một thi sĩ, tác giả của hai tập thơ đã xuất bản. Năm 2005, tập thơ ”Parfums” (Mùi Hương) đuợc xuất bản như một bước đầu vào nghệ thuật với một chỉ dấu của cuộc hành trình chữ nghĩa của cô sinh viên trẻ gốc Việt Nam. Năm 2009, xuất bản tập thơ thứ hai ”Deserts” (Sa Mạc) lại là một xác định tài năng của một người quyết tâm đi vào con đường nghệ thuật đầy gai góc và thách đố của nghệ thuật. Cũng trong năm này, cô đã tốt nghiệp văn bằng tiến sĩ về văn học hiện đại với luận án ”Mưa trong thi ca của Paul Claude và trong thi ca Trung Quốc và Nhật Bản”.

Thành ra, độc giả sẽ không ngạc nhiên khi một câu chuyện tình được kể với phong cách đẫm chất thi ca như trong L’ombre Douce. Tình yêu và tuổi trẻ có lẽ là đề tài muôn thuở của thi ca thì tiểu thuyết lãng mạn yêu đương cũng không thể nào thiếu vắng những bồi hồi bềnh bồng của tinh chất ngôn ngữ vần điệu.

Có một nhận xét là khi đọc những trang sách của L’ombre Douce, hình như phảng phất tiếng nhạc vẳng lại từ bờ biển của Belle-Ile quê quán của Yann hay tiếng gió xạc xào thổi qua bờ sông Hồng hà của Mai. Hai thế giới ấy cùng hiện hữu trong một truyện kể và gặp gỡ nhau từ những nỗi cảm xúc vô biên của tình yêu. Có người đã lãng mạn hơn gọi tiểu thuyết này có chủ đề của lịch sử của nước và lửa gặp gỡ nhau trong mơ mộng hoặc họp mặt không thể nào có thực của hai thế giới. Nhưng trong L’ombre Douce, sử thi của tình yêu và lịch sử của bạo lực chiến tranh hình như song hành trong trình tự của hai người trẻ tuổi đang bước đến. Ngày mai là chia ly, là ngày Yann phải trở lại chiến trường, nơi mà quân viễn chinh đang bị vây hãm và đe dọa sẽ có hàng chục ngàn tù hàng binh có thể trong đó có Yann. Sau lễ cưới vội vàng, sẽ là một nàng cô phụ ngóng chờ chồng là kết quả của một nghịch cảnh chiến tranh. Bên cạnh những êm đềm dịu dàng tình yêu, là chém giết là lửa khói, là cuộc chiến đã đến lúc kết cuộc.

Nhiều người đã khen ngợi bút pháp của Nguyễn Hoài Hương. Dịu dàng, đằm thắm, tình yêu được kể lại và nhắc nhớ tới những ngày xa xưa của Việt Nam chiến tranh, của chế độ thực dân cáo chung. Chiến tranh Việt Pháp dù đã qua hơn mấy chục năm nhưng còn để lại nhiều dấu vết trong lịch sử hai nước. Tác giả L’ombre Douce giở lại từng trang lịch sử và lồng vào đó một mối tình như thể là một cây cầu nối liền hai dân tộc, hai nền văn hóa, hai ý thức chính trị và hai tâm hồn yêu nhau…

Viết về tình yêu, có phải là để nói lên những cái phải nói mà chưa nói được và chưa nói hết của cuộc nhân sinh? Dù sao, bốn năm dòng dã để viết của Nguyễn Hoài Hương cũng được khích lệ bằng một giải thưởng có thế giá của văn đàn thế giới. Với nỗ lực sáng tạo, với tài năng được trau dồi và với tâm tình yêu quê hương đất nước, L’ombre Douce là một bước khởi đầu báo hiệu một tương lai rạng rỡ hơn. Cô đã một lần cảm ơn : ”Đối với Hương giải thưởng văn học được nhận ngày hôm nay là một mối vinh dự rất lớn lao. Hương rất sung sướng được gặp các độc giả tại Bruxelles.”

Có người đã hỏi những nhà văn gốc Việt khi viết bằng ngôn ngữ nơi bản địa họ sống có liên hệ gì đến văn học Việt Nam hải ngoại ? Đúng lý ra, họ thuộc về nền văn học ở quốc gia mà họ đang sinh sống. Nhưng, có một điều rõ ràng. Họ viết với tâm thức Việt Nam. Dù có khi họ sinh ra và lớn lên ở xứ người và hấp thụ một nền giáo dục cũng như văn hóa của xứ sở họ định cư. Có rất nhiều nhà văn gốc Việt đã đoạt những giải thưởng văn học có thế giá của văn đàn văn chương quốc tế.

Thời gian gần một năm nay là thời điểm đầy vinh quang của tác giả Thanh Hà Lai, một cựu phóng viên của báo Orange Register sau hai năm làm việc bỏ nghề đi học viết văn. Ngày cuối năm 2011,16 tháng 11, National Book Foundation tuyên bố giải National Book Award for Young People’s Literature cho tác phẩm ”Inside Out and Back Again” của cô. Lúc đó, cô đang ăn miếng bánh ngọt chocolate tại Cipriani Wall Street New York, cách nơi sinh trưởng của cô gần 9000 miles. Và, giây phút ấy tràn đầy nỗi hân hoan bất ngờ.

Tiếp theo, ngày 23 tháng giêng năm 2012, American Library Association Midwinter Meeting ở Dallas, Texas tuyên bố giải The John Newbery Honor Books được trao cho tác phẩm của Thanh Hà Lai ”Inside Out and Back Again”. Lại một nỗi hân hoan lớn.

Chưa hết, trong danh sách bestseller của NewYork Times và L.A. Times cũng có liệt kê tên của tác phẩm này của năm 2012.

Nhà văn Kim Thúy, một nhà văn Canada gốc Việt vừa được chọn là một trong 5 tác giả tranh giải Giller Prize, một giải thưởng uy tín nhất của Canada năm 2012. Ban tổ chức công bố danh sách ngày 1 tháng 10 năm 2012 gồm 5 tác giả và 5 tác phẩm: Ru với Kim Thúy, Will Ferguson với tác phẩm Kinh Dị 419,  Alix Ohlin với tác phẩm Inside, Nancy Richler với tác phẩm The Imposter Bride, Russell Wangersky với tác phẩm Whirl Away. Và người đoạt giải sẽ được công bố vào thời gian tới.

Tác phẩm RU của Kim Thúy đã được độc giả Pháp ngữ của tỉnh bang Quebec, Canada và sau ở Pháp đón tiếp nồng hậu. Truyện được in và phổ biến ở Ý, Thụy Điển, Đức và Tây Ban Nha và từ từ lan rộng trong nhiều cộng đồng những người nói tiếng Pháp trên thế giới. Một số nơi ở Âu Châu còn đưa tác phẩm này vào danh mục những sách dùng cho chương trình giáo dục ở trường học.

Ngày 30 tháng 10 năm 2012, viện Hàn Lâm Goncourt vừa thông báo tên của 4 nhà văn lọt được vào vòng chung kết để xét trao giải thưởng văn học giá trị nhất của nước Pháp. Trong đó có nhà văn Linda Lê với tác phẩm Lame De Fond và 3 nhà văn khác là Patrick Deville, Jerôme Ferrari và Joel Dicker. Ngày tuyên bố giải là ngày 7 tháng 10 năm 2013 sắp tới. Linda Lê rất có hy vọng đoạt được giải thưởng cao quý này. Cô là nhà văn Pháp gốc Việt đã đoạt được nhiều giải thưởng văn học giá trị của Pháp và được đánh giá là một trong những tác giả biểu tượng của văn học Pháp hiện đại. Nhà phê bình văn học Nancy Milner Kelly đã so sánh Linda Lê với Marguerite Duras. Trong khi có sự xếp đặt Linda Lê là một trong ba nhà văn hàng đầu của văn học Pháp với Alice Ferney và Marie Darrieussecq.

Mục điểm sách của báo Le Monde nhận xét ”Không cần ồn ào, các tác phẩm của Linda Lê tự chứng tỏ giá trị của chúng”. Nhà văn Marine Landrot của báo Telérama đã ví các tác phẩm của Linda Le là ”bài diễn văn tang lễ khổng lồ trong đó mỗi phần có vẻ là sự phản ánh cuả nhau với một sự tinh tế và làm xoa dịu tâm hồn”

Có phải văn học Việt Nam hải ngoại sẽ phân nhánh ở nhiều nơi nhiều quốc gia với những nhà văn viết bằng ngôn ngữ ở nơi họ sinh sống. Viết bằng tâm thức Việt Nam, có phải đó là một cá tính của những người viết văn cầm bút ở hải ngoại?

 

Nguyễn Mạnh Trinh
 


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.