.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Thơ, văn, nhạc Giáng sinh

1.

Hôm nay thời tiết đã vào mùa đông và lòng người cũng như ảnh hưởng theo. Chúng ta lại có thêm một Giáng sinh ở xứ người và hình như bất cứ ai trong chúng ta đều có những nỗi niềm riêng tư, những kỷ niệm không quên về thời điểm ấy. Từ quê nhà sang đến xứ người, trong tâm tư dồn chứa bao nhiêu điều tích lũy, có khi muốn nói mà chưa diễn tả hết. Cũng may, chúng ta còn có những nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, cảm chung nỗi niềm và dùng nốt nhạc, câu thơ, lời văn để chia sẻ với chúng ta. Giở những trang sách, nghe lại những băng nhạc để thấy những dòng nhạc, những bài thơ, những truyện ngắn và tác giả của nó qua chủ đề Giáng sinh.

Đối với tín đồ Thiên Chúa giáo, ngày Giáng sinh có ý nghĩa thiêng liêng lắm. Nhưng còn người theo đạo ông bà như phần đông người Việt Nam thì ra sao? có cảm nghĩ gì về ngày lễ Noël Thiên Chúa ra đời?

Với đại đa số dân chúng, lễ Giáng sinh được coi như một ngày lễ lớn của dân tộc và đó là một nét văn hóa đẹp của chúng ta. Ngày lễ Noël như một ngày lễ của tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo. Trong sinh hoạt xã hội và cả sinh hoạt về văn học, ngày lễ ấy có một vị trí rất quan trọng. Mặc dù Thiên Chúa Giáo mới du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 19 cho tới nay, nhưng lễ Giáng sinh đã trở thành một ngày lễ nhân gian của cả nước. Và riêng tôi, có ý nghĩ rằng tôn giáo nào cũng tốt cũng dạy người ta làm việc thiện nên những ngày lễ là những ngày nhắc nhở tất cả mọi người đi trên con đường tu thân tu tập ấy...

Thời điểm này là thời điểm của nhạc Giáng sinh. Ở khắp nơi đều vang vang những bản nhạc quen thuộc. Nghe nhạc, biết là mùa Giáng sinh về.

Về nhạc ngoại quốc hay thánh ca Giáng sinh quen thuộc với ngưới Việt Nam thì White Christmas, Holy Nights, Santa Claus is coming to town, Jingle Bells, Feliz Navidad, The Little Drummer Boy, Ave Maria,…Còn nhạc Việt thì nhiều lắm, nào Đêm Thánh Vô Cùng, Đêm Đông Lạnh Lẽo Chúa Sinh Ra Đời, Mùa Sao Sáng, Chiều Bên Giáo Đường, Kinh Chiều, Bài Thánh Ca Buồn, Tà Áo Đêm Noël,.. Còn nhạc phổ từ thơ thì Tha La Xóm Đạo, Mimosa Thôi Nở, Nguyện Cầu, Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím,..

Chúng ta thấy không khí của Giáng sinh trong ngần ấy những bài hát không? Trên truyền hình, trên đài phát thanh, trên những chương trình DVD, CD,.. hay trong quán cà phê, trong các thương xá, mọi nơi mọi chỗ, không khí Giáng sinh tràn đầy trong những dòng nhạc ấy.

Và trong những bài thơ, có biết bao nhiêu thi sĩ đã nhân ngày lễ này để viết lên tâm sự của mình. nhưng, phải kể đầu tiên đến thơ Hàn Mặc Tử.

Ông là một thi sĩ lớn của thi ca Việt Nam. Ông làm thơ bằng cả cuộc đời đau đớn của mình, bằng bệnh tật ác nghiệt phong cùi dày vò thể xác ông. Mỗi mùa trăng là mỗi lần ông bị chết điếng trong đau đớn khi vi trùng Hansen đục khoét trong xương tủy. Thơ của ông kết tinh từ những cảm giác ấy, từ những nỗi bất hạnh tột cùng của thể xác tận tâm hồn. Thơ của ông là:

“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút

mỗi lời thơ đều dính não cân ta

bao nét chữ quay cuồng như máu vọt

như mê man chết điếng cả làn da

cứ để ta mênh mang trong vũng huyết…”

Ông mất khi 28 tuổi sau chuỗi ngày bệnh tật đau đớn. Mộ của ông được chôn ở nghĩa trang Quy Hòa chỉ cách trại cùi có hơn 200 thước và sau được gia đình với sự phụ giúp của nhà thơ Quách Tấn đem cải táng tại bãi biển Ghềnh Ráng gần tỉnh Quy Nhơn. Mộ của ông được coi như một thắng cảnh trong vùng và được nhắc nhiều đến trong văn chương và âm nhạc. Linh mục Trần Quý Thiện đã mô tả như sau:

“Mộ phần Hàn Mặc Tử được kiến trúc hình chữ nhật. Trước mộ là một cây thánh giá lớn bằng xi măng cao 0m50. Trên đầu bia mộ là tượng Đức Mẹ Maria hai tay giang rộng mắt nhìn xuống mộ vì trước khi chết Hàn Mặc Tử ước mong được một lần trong đời đến kính viếng Đức Mẹ tại thánh địa La Vang Quảng Trị nhưng không thực hiện được. Bước lên ba bậc tam cấp hiện nay du khách có thể nhìn thấy trên tấm bia mộ ghi rõ tên thánh, họ và tên nhà thơ, ngày sinh và ngày tử cùng tên cha mẹ và anh chị em lập bia mộ. Năm 1991, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (tức ca sĩ Nhật Trường người viết bản nhạc Hàn Mặc Tử) cùng một số anh chị em nghệ sĩ trong nước đã bảo trợ kinh phí để ban Giám Đốc trại phong cùi Quy Hòa xây một đài tưởng niệm nơi nhà thơ được an táng đầu tiên tại Khe Nước Ngọc, nghĩa trang Quy Hòa và một nhà Lưu Niệm Hàn Mặc Tử cũng được thiết lập ngay tại địa điểm mà nhà thơ trút hơi thở cuối đời.

Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã nhận định về Hàn Mặc Tử trong bộ Nhà Văn Hiện Đại như sau:

“Hàn Mặc Tử có lẽ là người Việt Nam đầu tiên làm thơ ca ngợi Thánh Nữ Đồng Trinh Maria và Chúa Giêsu. Ông ca tụng đạo Thiên Chúa với một giọng rất chân thành. Đây là lần đầu tiên thi ca Việt Nam thấy được một nguồn cảm hứng mới. Tôi dám chắc rồi đây sẽ còn nhiều thi sĩ Việt Nam đi tìm nguồn cảm hứng trong đạo giáo và đưa thi ca Việt Nam vào con đường triết học”.

Chúng ta không thể nào quên khi nói đến Hàn Mặc Tử mà không nhắc đến bài thơ Ave Maria. Thi sĩ đã làm thơ với lời chào mừng trân trọng cung kính Mẹ Maria, người nữ tuyệt vời thánh thiện. Cái buốt đau của thân thể khi cầm bút với những ngón tay co quắp rút lại vì bệnh đã làm cho thi sĩ như xuất thần để quên đi thực tại và đắm mình trong một niềm tin tôn giáo vô biên.

Như sóng lộc triều nguyên ơn phước cả

Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng

Thơm tho bay cho đến cõi thiên đàng

Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể

Và Tổng Lãnh Thiên Thần quỳ lạy Mẹ

Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa

Gương xông lên lời ca ngợi sum hòa

Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh

Maria ! linh hồn tôi ớn lạnh

Run như run thần tử thấy long nhan

Run như run hơi thở chạm tơ vàng

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến

Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thanh vẹn

Giàu nhân đức giàu muôn lộc từ bi

Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy

Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế

Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ

Giọng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ

Bút tôi reo như châu ngọc đền vua

Trí tôi ướp bao nhiêu là khi vị

Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí

Và trong tay nắm một nạm hào quang...”

Nếu nói Hàn Mặc Tử là một nhà thơ Công giáo, liệu nhận định ấy có chính xác không? Có người đã đặt câu hỏi ấy.

Đã có một nhận định khá chính xác tương tự như vậy: “Với Hàn Mặc Tử, thơ là một nét nghệ thuật cao độ đi vào chủ nghĩa siêu linh, là cõi xuất thế, là bến trăng sao an toàn cho con người ẩn náu khi sống trong tuyệt vọng khổ đau trong cô đơn của của nhân tình thế thái. Không ai có thể phủ nhận nét Công giáo trong thơ Hàn Mặc Tử vì chính ông đã mở rộng biên giới thi ca Việt nam bằng những sáng tạo độc đáo mà nền giáo dục Công giáo từ cha mẹ, gia đình, trường Pellerin và gương sống các nữ tu Phan Sinh đã hun đúc hồn thơ của ông. Trong những ngày cuối đời, ông đã sống như một nhà tu thực sự, cuộc sống chìm lặng trong câu kinh, lời nguyện pha lẫn với những đớn đau do bệnh phong hành hạ. Chính nhà thơ đã thổ lộ: ”Trong những ngày cuối đời, tôi chỉ biết ngâm thơ và cầu nguyện mà thôi…”

* * *

Thơ Giáng sinh mà lãng mạn trẻ trung nhất phải kể đến nhà thơ Nhất Tuấn và Truyện Chúng Mình. Năm nay kinh tế suy trầm, chắc cũng phải cảm giác nhẹ nhàng như vậy để quên đi những lo lắng mệt mỏi cuối năm. Ngày trước 1975, Nhất Tuấn là một nhà thơ mặc dù là quân nhân nhưng làm thơ trẻ trung mùi mẫm nhất và cũng được phổ nhạc bay bướm nhất.

Nhà thơ Nhất Tuấn và tập thơ Truyện Chúng Mình có những bài thơ được phổ nhạc: “Chúa nhật này trẫm nhớ ái khanh không?”, Nguyễn Đức Quang phổ nhạc, ”Con quỳ lạy Chúa trên trời”  Phạm Duy phổ bài thơ Cầu Nguyện "Mimosa thôi nở” Đan Thọ phổ nhạc ”Xin trả Lại Em”  Hoàng Lang phổ nhạc, ”Hoa Học trò”, “Niềm Tin” Anh Bằng phổ nhạc… Tổng cộng có hơn 40 bài thơ được phổ nhạc trong thời gian từ 1959 đến bây giờ… ông là một sĩ quan cấp tá tốt nghiệp trường Võ Bị Đà Lạt, làm quản đốc Đài Phát Thanh Quân Đội. Nhưng thơ của ông được giới trẻ ưa thích vì có những tâm tình ngôn ngữ trẻ trung thơ mộng giống họ. Tập thơ Truyện Chúng Mình gồm 5 tập và được coi là một tập thơ có nhiều độc giả nhất. Truyện Chúng Mình kể về chuyện đôi lứa. Nhưng cũng có nhiều bài thơ về Giáng sinh và lại được phổ nhạc nữa.

Trong cái không khí lạnh lẽo của mùa đông, nghe bản nhạc phổ thơ Nhất Tuấn do nhạc sĩ Đan Thọ: ”Mimosa thôi nở” làm cho người ta hay nghĩ về quá khứ. Có chút tình tứ lãng mạn dù hơi buồn một chút vì “tình chan chứa” mà … “mộng không thành”!

Trong Truyện Chúng Mình có bài Mimosa Thôi Nở với những câu:

“Noël xưa anh nhớ

khi hãy còn yêu nhau

nhà thờ nơi cuối phố

thấp thoáng sau ngàn dâu

anh chờ em đi lễ

chung dâng lời nguyện cầu

mimosa bừng nở

đẹp như tình ban đầu

Đà Lạt mờ trăng lạnh

Đường về ta bước mau...”

Cùng nhau đi lễ Noël, hỏi nhau về ước vọng xưa sau. Em nắm tay anh và hồng đôi má. Sao tình tứ quá. Nhưng…Kết cuộc bài thơ đích thị là một chuyện buồn bã dở dang :

“mới bốn mùa thu qua

mimosa vẫn nở

sao mối tình đôi ta

ai làm cho dang dở

đêm này Noël đây

chuông nhà thờ khắc khoải

gió đồi lang thang bay

mưa buồn giăng ngõ tối

anh quỳ bên tượng Chúa

cúi đầu chắp hai tay

lạy chúa con chờ đợi

người ngày xưa về đây

nhưng em không về nữa

đường khuya mưa bay bay

Mimosa thôi nở

Trong hồn anh đêm nay.

Nhạc sĩ Đan Thọ phổ bài thơ này thành nhạc làm bao nhiêu con tim thanh xuân nhức nhối. Một bản nhạc khác từ bài thơ ”Con quỳ lạy chúa trên trời “ mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thì cũng hay không kém.

Bài thơ lục bát “Cầu nguyện“, bài thơ đầu của tập thơ Truyện Chúng Mình tập 1, được chuyển thể cũng lãng mạn tình tứ không thua “Mimosa thôi nở”...

Bài thơ ấy nguyên văn như sau với một câu chuyện kể lại bằng thơ, rất mộc mạc nhưng lại gần gũi với cuộc đời thường. Cũng là chuyện một chàng trai quỳ bên tượng Chúa cầu nguyện cho có được giai nhân cùng mình chung sống đến cuối đời. Nhưng lại là cuộc chia phôi. Vì người tình đã bỏ đi. Thơ man mác, tuy chỉ buồn thôi và vắng giọt nước mắt. Thơ nén trong tim những nỗi buồn bằng ngôn ngữ đơn sơ...

“Con quỳ lạy Chúa trên trời

để cho con thấy được người con yêu

đời con đau khổ đã nhiều

kể từ thơ dại đủ điều đắng cay

số nghèo hai chục năm nay

xây bao nhiêu mộng trắng tay vẫn nghèo

mối tình đầu chót bọt bèo

vì người ta thích chạy theo bạc tiền

âm thầm trong mối tình điên

cầm bằng Chúa định nên duyên bẽ bàng

                  bây giờ con gặp được nàng

không giàu, không đẹp không màng lợi danh

chúng con hai mái đầu xanh

chắp tay khấn nguyện trung thành với nhau

thề nhau sóng gió bể dâu

để yêu... trước cũng như sau,.. giữ lời

Người ta lại bỏ con rồi

Con quỳ lạy Chúa trên trời thương con”

Mỗi lần khi Giáng sinh về, nghe lại bản nhạc ấy, tự nhiên sao tôi nhớ quá những ngày mình còn trẻ. Cũng ngây ngô và mộng ước như thế. Nhưng, chỉ là giấc mơ không thực mà thôi. Mấy ai, trong mối tình đầu tiên mà không vấp ngã... Có người hỏi. Chứ không phải là thi sĩ thường hay dùng cái lối “thơ viết đừng xong, thuyền xuôi chớ đỗ / cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa” như Hồ Dzếnh sao? Ông thi sĩ nào cũng kêu ầm lên thất tình như một cái mode. Như trường hợp thi sĩ Nhất Tuấn, đào hoa trong đời thường nhưng vẫn rên lên vì bị thất tình và người yêu phụ rẫy…

Thơ phổ nhạc của Truyện Chúng mình còn nhiều lắm... Đơn cử như bài Niềm Tin chẳng hạn. Thơ được phổ nhạc và được hát mỗi mùa Giáng sinh từ trước năm 1975 ở trong nước và sau năm 1975 ở hải ngoại.

“lại một Noël nữa

mấy mùa Giáng sinh rồi

anh ở đồn biên giới

thương về một khung trời

chắc Đà Lạt vui lắm

mimosa nở vàng

anh đào khoe sắc thắm

hương ngào ngạt không gian

mấy mùa Giáng sinh trước

chỗ hẹn anh chờ hoài

lần này không về được

hồi hộp đợi tin ai

em biết không đời lính

nắng sớm với sương chiều

gió rừng rồi mưa núi

đã làm anh vui nhiều

ở đây anh chờ sẵn

đón thánh lễ truyền thanh

xin Chúa ban ơn xuống

cho em và cho anh

cũng cầu cho thế giới

cho nhân loại hòa bình

cho đôi ta gặp lại

trong một mùa Giáng sinh.”

Nhạc sĩ Anh Bằng đã phổ nhạc bài thơ này. Vẫn ngôn ngữ bình thường ý tứ đơn sơ nhưng lại tạo được sự thích thú cho người nghe chính vì cái đơn giản, dễ hiểu, dễ cảm ấy.

Ưu điểm nổi bật nhất của Nhất Tuấn là sự chân thành đến nỗi ngây thơ. Trong cái hồn nhiên của tuổi trẻ, thi sĩ thi vị hóa những hành động vụng dại của những người trẻ yêu nhau. Chúng ta, thời tuổi trẻ ai mà không có những lúc ấy, lúc mà con tim thôi thúc để vượt qua những rào cản kỷ luật của trường học và trường đời. Bài thơ này cũng được phổ nhạc và cũng là một bản nhạc làm xao xuyến bao nhiêu con tim đang yêu đang mộng:

“Chỉ tại anh nên hôm qua về trễ

cứ ”phim hay tài tử trứ danh” hoài

anh quảng cáo và “tô màu’" giỏi thế

hỏi ai còn nỡ thất hẹn ngày mai?

Chỉ tại anh nên trời thu đổi gió

Mimosa.. phủ kín mặt đường khuya

Vương đầy tóc em bắt đền anh đó

Gỡ giùm đi, đứng cười mãi.. ô kìa

Chỉ tại anh em về nhà không ngủ

Trằn trọc hoài thao thức suốt một đêm

Và bỗng thấy hình như là thoáng nhớ

Đến một người.. không biết lạ hay quen

Chỉ tại anh nên hôm nay dậy muộn

Sáng thứ hai bỏ mất một giờ đầu

Bốn “công si” cô giáo gìa …ác gớm

Còn bắt em chép phạt mấy trăm câu

ngày thứ tám em vào ngồi chép phạt

Mấy trăm câu mà chép mãi không xong

Bà giám thị cầm giấy xem, chỉ thấy:

- Chủ nhật này ”Trẫm“ nhớ Ái Khanh không?

Hồn nhiên, vô tư, ngây thơ, táo tợn, nhưng lại dễ thương! Cô gái trẻ đang yêu của thơ Nhất Tuấn. Tập thơ Truyện Chúng Mình chỉ là chuyện riêng của ông và người tình thôi mà sao lại được hâm mộ đến như thế?

Tuy tập thơ ấy chỉ là kể chuyện riêng của hai người nhưng đọc thơ xong độc giả sẽ tưởng rằng có mình ở trong đó và chữ “chúng mình” là của riêng người đồng điệu chứ không phải ai khác. Xem thơ mà tưởng có mình ở trong, vì lời thơ hồn nhiên, ý thơ thành thật, điệu thơ nhẹ nhàng như ngầm chứa nhạc tính ở trong. Thơ viết về những kỷ niệm, rất bình thường vì có thể ai cũng có kỷ niệm và tâm sự như thế. Tình yêu trẻ trung thường đẹp và gợi nhớ đến những giấc mộng ngây thơ. “Truyện Chúng Mình“ có nhiều độc giả ái mộ không phải là chuyện lạ!

Có rất nhiều người đồng điệu đã xẻ chia ý nghĩ với thi sĩ Nhất Tuấn. Thái Thủy, Đỗ Tấn, Thẩm Thệ Hà, Thanh Nam,.. và nhất là Đinh Hùng:

“... Bài thơ đầu tiên của nhân loại là một bài thơ tình giữa Adam và Eve. Kẻ nào không biết yêu hoặc không thể yêu được nữa là kẻ bị thiệt thòi nhất. Cộng sản cũng chỉ vì không biết thương yêu, không có thơ tình, không biết bói tiếng “anh” và tiếng “Em” cho ngọt ngào uyển chuyển cho nên mới làm nhiều chuyện phi nhân, người chiến sĩ phụng sự cho Tự Do Chính Nghĩa từ trong tâm linh chính là người chiến sĩ vẫn hằng ấp ủ một bài thơ tình diễm tuyệt để tặng “Em”… Tôi chờ đợi Truyện Chúng Mình của Nhất Tuấn như một kẻ tình nhân chung thủy chờ đợi tình thư của người yêu. Chắc rằng tất cả những người ”đã yêu, đang yêu và sắp yêu” cũng sẽ tìm thấy phần nào bóng dáng tâm hồn họ khi đọc Truyện Chúng Mình…

Ngày mười bảy tuổi, thi sĩ thành một người trưởng thành sớm hơn tuổi để trong dịp Giáng sinh cao giọng cất rao lời kêu gọi loài người. Thơ chững chạc trong sự suy nghĩ của một cậu bé òa vỡ những cảm giác của một thời những giấc mơ, những mộng uớc của mai sau:

“Hỡi loài người hãy quỳ gối cùng tôi

đêm nay sẽ thấy ý đời trở lại

đêm nay sẽ thấy ý đời thôi khổ ải

sẽ thấy đời tràn ngập cảnh yêu thương

những tràng chuông dồn dập giữa đêm trường

cùng bao ánh mắt dịu hiền trao trả

hỡi loài người hãy cùng tôi quì gối

đón hòa bình trong sóng nhạc đêm nay

mỗi âm thanh là ánh mặt trời này

ôi bất diệt hòa bình ơi bất diệt”

Tôi đọc bài thơ Giáng sinh ấy trong tập thơ “Sinh nhật của một người không còn trẻ” của nhà thơ Lữ Quỳnh. Cái cảm giác "không còn trẻ” có phải là chưa về già, hình như trong tâm cảm và thơ có điều gì, nửa như tiếc nuối, nửa như nhớ về. Ở đời thường, thi sĩ là một người dễ mến với nụ cười trên môi qua đôi mắt long lanh sau đôi kính cận. Thế mà, đọc thơ sao nghe như có một điều gì lặng lẽ tha thiết trong tâm. Thơ là ngôn ngữ của lặng thầm, và là những hồi ức mà suốt đời thi sĩ không bao giờ quên được. Thời gian mấy chục năm, đối với lịch sử đất nước chỉ là một chớp mắt. Nhưng với một đời người, thì lại là khoảng cách rất lâu. Thi sĩ đã đi và về, trong khoảng cách ấy bằng thơ. Nếu nói thơ là đời sống, không biết có phải là nhận định vội vàng không? Ở cảm quan của một người đọc, tôi thấy như vậy!

Những câu thơ đã thành ý tưởng tiền chế cho một cảm giác chia sẻ, để như thấy lại một không gian cũ, một thời gian xưa. Thơ không phải kể chuyện đời sống, mà, chính nó là cuộc sống.

Sinh nhật tôi

Một ngày tháng chạp

Những ngọn nến thắp

Là hồi ức buồn.

Những người sinh vào tháng chạp, ở thời điểm cùng tận của một năm đã thắp lên một ngọn nến để soi tỏ lại dung nhan cái hồi ức của mình. Giản dị chỉ có vậy, nhưng trong liên tưởng tôi thấy bàng bạc một mùa đông. Một nỗi niềm nào từ không gian, thời gian lan tỏa tới làm bước chân quay trở lại về quá khứ. Không gian ấy, thời gian ấy, có phải là vương quốc của thơ đang ngự trị?

Một nhận xét đầu tiên, là một nghịch lý. Trong khi chúng ta nói về tình yêu lúc tuổi trẻ và thời thế lúc tuổi già. Thì ngược lại, Lữ Quỳnh đã làm thơ để suy nghĩ về đời sống, nói lên những cảm nhận về thời cuộc lúc còn trẻ, rất trẻ. Và, ông làm thơ về tình yêu với những tình cảm trầm lắng vào lúc tuổi già. Nếu không có những dòng ghi ngày tháng sáng tác ở cuối mỗi bài thơ, có lẽ tôi sẽ bị sai lầm mà nghĩ theo lệ thường như vậy…Trẻ và già, ở tùy từng người. Có khi trẻ ở tuổi bảy mươi tám mươi và già ở tuổi hai mươi, hai mốt. Điều đó, đâu có gì là lạ lùng, nhất là đối với những thế hệ đã trải qua nhiều biến động thử thách của thời thế như Lữ Quỳnh. Với người thơ, cái ý niệm thời gian và không gian có khi chỉ là biểu kiến. Thơ vượt qua những khoảng cách tháng năm, có thể chứ sao không? Trong cảm giác của người đọc thơ, tôi lờ mờ thấy qua con chữ những ngỏ lời rất lặng thầm nhưng lại hằn dấu trong tâm thức, Thơ về hồi ức hay là hồi ức, tôi tự hỏi khi đọc từng bài trong “Sinh nhật của một người không còn trẻ”…Bài thơ trên tác giả làm vào dịp Giáng sinh năm 1956, đất nước chưa chiến tranh nhưng không hiểu tại sao một cậu bé như thế lại viễn kiến xa hơn một tương lai sẽ đến của một đất nước khói lửa…

... Xem tiếp.

Nguyễn Mạnh Trinh


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.