.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)
 CHUYÊN MỤC

Giáo dục

Chính luận

Diễn đàn tự do

Bút Việt hồn quê

Đời sống quanh ta

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

 

Hiện thực huyền ảo
Gabriel Garcia Marquez...

 

  • 12.11.2006
     

 Gabriel Garcia Marquez

Có một giả dụ kỳ thú mà tôi đọc từ Linda Carson, một bỉnh bút nổi tiếng của New Yorker viết về nhà văn châu Mỹ La Tinh nổi tiếng giải Nobel văn chương năm 1982:
“Tưởng tượng G. G. Marquez đang cố gắng sửa chữa lại chương sách cuối của tác phẩm mới nhất trong khi hai học trò, Amy và Bruce bước vào.

AMY : Helo, chúng tôi xin được học nói tiếng Tây Ban Nha!
GG. MARQUEZ : các bạn muốn học ngôn ngữ tây Ban Nha? Tốt lắm, chào mừng các bạn.
BTUCE : Nhưng tất cả không chỉ như vậy, thày hiểu chứ..
AMY : ồ, không, có thể chỉ là một chữ ngắn.
GG Marquez chưng hửng. Một chữ ngắn.
BRUCE : hoặc một thứ dễ thương!
GG MARQUEZ : Một thứ dễ thương?
AMY : có thể chúng tôi dùng một danh từ?
GG MARQUEZ : Danh từ à? Các bạn chỉ muốn dùng danh từ?
BRUCE : Vâng, danh từ dễ thương..
GG Marquez đột nhiên mệt mỏi: Dĩ nhiên ngôn ngữ Tây Ban Nha nhưng chỉ đúng một danh từ ngắn, dễ thương..
AMY : Đúng rồi..
GG MARQUEZ : các bạn có phải là người Spanish? Văn phòng của Umberto Eco đã dời xuống tầng dưới của sảnh đường. Tôi nghe rằng ngôn ngữ của người Ý cực kỳ dễ thương. Nhiều danh từ lắm
BRUCE : chúng tôi muốn nói tiếng Tây Ban Nha ..
GG MARQUEZ : tại sao?
AMY : Ricky Martin nói tiếng Tây Ban Nha..
BRUCE : Thầy biết Ricky Martin chứ?
GG MARQUEZ: Không phải nhân vật ấy, không…
AMY: Vậy à, tôi nghĩ mọi người nói tiếng Spanish đã hiểu biết về tên tuổi ấy.
GG MARQUEZ: ồ, với lòng thương yêu của Thượng đế, chúng ta không cùng chung một lục địa
Bruce thì thầm với Amy: Người nói tiếng Tây ban Nha đều dễ động lòng..
GG MARQUEZ: (bực bội) Rồi. Cả lớp ngày thứ ba. Lấy sách giáo khoa phần tiếp theo
AMY: ồ , sách giáo khoa, chúng tôi không đọc sách chữ Tây Ban Nha hoặc hiểu biết khi đàm thoại nó. Chúng tơi muốn nói ngôn ngữ ấy..
GG MARQUEZ : thượng đế ở trên trời , tại sao?
BRUCE : tại sao à ? ô, tôi thích quần áo..
Marquez nhăn mặt,
AMY : Tôi nghe người Spanieh rất tình cảm.
BRUCE: và dâm đãng nữa, như bản chất ngoại lai…
Marquez không thốt nên lời.
Amy thì thầm: và họ dùng thật nhiều ma túy…
CATHY (một học trò khác) :Xin lỗi. Tôi đã học một bài học về ngôn ngữ tây Ban Nha sáng nay. Và có giải thích nào cho tôi tại sao mọi người nói chuyện Don Quixote là một tiểu thuyết vĩ đại? Bởi vì tôi không nhận thấy như vậy..
Ngưng lặng !
Cathy: Và tôi sẽ dành riêng một giải thưởng cho Cervantes ..”

Mẫu đối thoại trên là một lối nói ám chỉ một phương cách thẩm thấu văn chương tệ hại. Người học trò muốn biết vẽ mà không chịu học cách kẻ đường thẳng, không chịu học cách pha màu, không chịu bẩn bàn tay vào công việc ký họa. Cũng như muốn lái xe mà không chịu học cách cầm lái, muốn nhận thức cái đẹp của nghệ thuật mà không chịu ngắm nhìn suy tưởng. Cũng như những học trò của GG Marquez, muốn đọc và tìm kiếm sự tân kỳ mà không chịu tìm hiểu từ những ý thức và sự kiện bắt đầu. Cũng như đọc “Trăm năm cô đơn” mà không chịu tìm hiểu lịch sử xứ Colombie, cũng như trải qua những biên niên sử nhiều đời qua sách vở mà không chịu đối chiếu với thực tế. Và mẫu đối thoại trên đã mở cánh cửa cho tôi, đi vào thế giới của hiện thực và huyền ảo trộn lẫn..

Hình như, ở một lúc nào đó, người ta hay nghĩ đến tuổi già. Nhưmg nghĩ là một chuyện, cảm giác thực sự chỉ có khi trải qua mới hiểu được. Lúc bốn mươi tuổi, suy nghĩ khác. Năm mươi. Sáu mươi . Bảy mươi. Mỗi một thời kỳ, một cảm giác, một đời sống. Khác biệt. Những ý nghĩ bất chợt mà thời gian trước chưa hề mảy may có, lúc đó nảy sinh. Tình yêu và tính dục là những câu hỏi lớn. Ở tuổi già, sẽ ra sao ? Bình thường hay khác thường ? Những vấn đề chỉ mở ra khi vừa đến tuổi không thắc mắc mà sẽ đến. Và tự nhiên, hiểu được cái lẽ tuần hoàn của vũ trụ, của cõi nhân sinh ?

Gần đây, tôi có dự một đám cưới khá vui. Và đặc biệt nữa. Chú rể, một cụ ông gần tám mươi. Cô dâu, một cụ bà trên bảy chục. Tiệc cưới linh đình, quan khách đông đảo, lễ nghi hôn nhân đầy đủ. Trông hai ông bà cụ tóc bạc da mồi trao nhẫn cưới và hôn nhau, tự nhiên tôi thấy tình yêu vượt qua tuổi tác thật đúng. Dù quỹ thời gian gần cạn, tuổi gần đất xa trời, con cháu đầy đàn, họ vẫn tìm đến nhau. Chắc yêu nhau thắm thiết lắm. Một người kể họ yêu nhau từ lúc còn trẻ, nhưng vì hoàn cảnh không lấy được nhau thời đó. Bây giờ, cả hai góa bụa và đốt lại bếp ấm hạnh phúc sau nhiều chục năm dang dở…

Có người chia xẻ với niềm vui của hai cụ ông cụ bà. Nhưng cũng có người dè bỉu. Thật già chưa trót đời mà còn bầy đặt phô trương. Cao tuổi rồi còn ham hố gì nữa. Sao không lặng lẽ đến với nhau mà rình rang làm chi cho thiên hạ lắm lời để ý.!!

Không phải những lời thị phi ấy hoàn toàn ác ý. Nhưng với tôi trong thâm tâm, có một chút suy nghĩ. Tại sao lớn tuổi mà không thể kết hôn một cách bình thường như mọi người? Tại sao? Tôi thắc mắc….

Có phải vì khuôn rào hẹp khiến người ta có những vô tình ác ý. Quan niệm về tình yêu chẳng lẽ ngoại trừ với người già ? Tôi chợt nghĩ đến một tiểu thuyết của Gabriel Garcia Marquez. Y hệt như hoàn cảnh của nhân vât trong “Amor En Los Tiempos Del Colèra“ (Tình Yêu Thời Dịch Tả) Chỉ khác là ở đây hai ông bà cụ công nhiên lấy nhau. Còn, nhân vật trong tiểu thuyết không đởm lược như thế. Họ phải trốn lánh xã hội trên một chiếc tàu để chia xẻ với nhau những ngày hiếm hoi còn lại…. Con tàu mang cờ hiệu của những người mang bệnh dịch tả.

Tiểu thuyết nổi danh ấy của G.G. Marquez là câu chuyện tình mê đắm của hai người : Florentino Arisa và Fermina Daxa hai người yêu nhau và để ý đến nhau từ buổi thanh xuân. Chàng thì con nhà nghèo, con của một bà bán hàng lẻ trong khi gia đình nàng là một nhà buôn giàu có mới nổi nhờ mánh mung gian lận. Họ yêu mhau nhưng không lấy được nhau vì bức tường môn đăng hộ đối cũng như chính bản thân họ cũng có những ý nghĩ nông nổi đánh giá trị con người qua hình thức bên ngoài và tiền bạc. Tuy vậy, họ vẫn không thể quên những kỷ niệm tình yêu với nhau suốt cả cuộc đời. Nàng đi lấy chồng một bác sĩ giàu có con nhà thế phiệt nhưng không hạnh phúc kiểu “đi bên cạnh cuộc đời”. Còn chàng, thất tình nên lao vào những cuộc phiêu lưu cả tình ái lẫn sự nghiệp. Chàng nhất định phải làm giàu bằng mọi giá và đã thành một ông chủ hãng tàu thủy giàu có như vẫn mơ ước. Chàng lao đầu vào những cuộc giao du tình cảm và dan díu với nhiều người đàn bà : từ gái tơ đến nạ dòng, từ gái già chồng chê đến gái trẻ chê chồng. Nhưng bất cứ lúc nào và bất cứ với ai, cũng chỉ thỏa mãn nhất thời của dục vọng. Chàng không thể nào quên Fermina Daxa và ôm ấp một dự tính sẽ cưới nàng khi người chồng nàng chết. Chàng khắc khoải chờ đợi lúc đó. Khi ấy cả hai đã trên bảy chục tuổi thì bác sĩ Ucbino De La Cadé từ trần. Cả hai, với sự từng trải hiểu đời và với địa vị đạt được trong xã hội, tìm đến với nhau nối lại tình xưa. Dù đắm đuối mê say, dù tình cảm càng lúc càng nồng cháy nhưng họ cũng không thể nào vượt qua những trở ngại từ những ràng buộc của đại gia đình, hoặc những lề thói quan niệm cổ hủ. Họ trốn tránh thế sự thường hằng sống với nhau trên một con tàu lênh đênh trên dòng sông Madaglena. Con tàu mang cờ hiệu màu vàng, của những người mang trong cơ thể mầm mống của bệnh dịch nguy hiểm nhất thời ấy : thổ tả…

Gabo (tên thân mật của G. G. Marquez) muốn nói gì trong thiểu thuyết này? Có phải, tình yêu vẫn có dù khi ấy người ta già cả? Có phải, định kiến chật hẹp và lời nói thị phi của xã hội là ngục tù giam hãm con người vào trong những ràng buộc không thể thoát ra? Trái tim tuy không có tuổi tác nhưng trong lề thói thường hằng vẫn có sự khác biệt giữa trẻ và già, có phải? Từ một ví von, tình yêu có phải là mầm bệnh thổ tả, phát sinh từ những cuộc sống mà giá trị con người được nhìn ngắm và đánh giá bằng tiền bạc địa vị chức tước? G G Marquez đã vẽ lại xã hội châu Mỹ La Tinh ảnh hưởng văn hóa Tây Ban Nha với tất cả nồng nàn dục tính của con người vùng nhiệt đới…

Trong bài viết “Một cuốn tiểu thuyết được viết như thế nào?”, tác giả đã thổ lộ… Định bụng tìm ra giải pháp, tôi trở lại đọc hai cuốn tiểu thuyết mà tôi tin rằng chúng có ích đối với mình. Cuốn đầu tiên là cuốn “Giaó Dục Gia Đình” của nhà văn Flaubert. Cuốn sách này tôi chưa hề đọc trong thời xa xưa khi còn mài đũng quần ở đại học và giờ đây nó chỉ giúp tôi sửa chữa những chỗ tình cờ giống nhau có thể gây nên những nghi hoặc không tốt. Nhưng, nói cho cùng nó cũng chẳng giải quyết được bao nhiêu. Cuốn sách khác mà tôi đọc là tiểu thuyết “Ngôi nhà của những mỹ nhân đang ngủ”của nhà văn Nhật bản Yasunari Kawabata, cuốn sách mà cách đây ba năm gây chấn động tận tâm não mình và hiện nay vẫn là một tác phẩm tuyệt diệu. Nhưng lần này nó cũng chẳng ích lợi gì cho tôi vì tôi đang tìm hiểu cách cư xử tính dục của các cụ già Nhật Bản và thoạt đầu nó cũng như tất cả những gì thuộc về người Nhật và dĩ nhiên nó chẳng liên quan gì đến cách thức cư xử tình dục của các cụ già ở vùng eo biển Caribeen,…”

Nhưng, tác phẩm khiến G.G. Marquez đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1982, lại là “Cien Anõs De Soledad” (Trăm năm Cô Đơn). Thế giới của truyện là một thành phố nhỏ gọi là Macondo, ở bên bờ sông của vùng Cienega, giống như thành phố Aracataca, nơi sinh trưởng của ông. Trong không khí huyễn hoặc đặc sệt chất nóng bỏng của châu Mỹ La Tinh, những nhân vật đã sống, đã nghĩ, đã làm tình, đã ưu tư mà sự diễn tả đã chắt lọc đến phần sâu thẳm nhất. Câu chuyện xoay chung quanh gia đình Buendia đến lập nghiệp tại một thị trấn giả tưởng Macondo và khời đầu từ trí nhớ của Đại tá Aureliano Buendia đối diện với đội lính xử bắn và kế tiếp những truyện truyền kỳ qua lời kể tử trí nhớ của nhiều nhân vật. Chuyện kể về người cha là José Arcadio Buendia và người mẹ là Ursula Iguarán, người du tử gypsy Melquiades, cùng với một nhóm những người lưu lạc định cư ở thị trấn Macondo. Đời sống ở đó về vật chất thì thiếu thốn vì bị cô lập với bên ngoài và tinh thần thì rất cô độc, không hiểu biết gì về thế giới đang sống. Một người sống lưu lạc, lang thang là Melquiades có được một cuốn sổ viết bằng ngôn ngữ “sanskrit” trong đó ghi chép lại lịch sử cũng như số phận của gia đình Buendia và cuốn sổ này sẽ được làm rõ ràng trước khi người thành niên cuối cùng của giòng họ Buendia qua đời.

Trong cái không khí huyền hoặc của thị trấn Macondo, một nơi chốn hầu như nằm ngoài sinh hoạt của con người, một lịch sử truyền kỳ kéo dài đến 6 đời với một nỗi hãi sợ dai dẳng kéo dài thành ám ảnh bắt đầu từ hai vợ chồng người tộc trưởng có họ hàng với nhau lấy nhau và sợ sẽ có những đứa con dị dạng có đuôi heo. Người vợ từ chối liên hệ tình dục với chồng luôn đeo trong người một loại khóa trinh tiết để ngăn cấm chồng ăn ở vì sợ sẽ đẻ ra những đứa con có hình dạng của ác quỷ. Trong khi bị chế nhạo vì chuyện này, người chồng đã giết người bạn bằng ngon giáo xuyên cổ và từ đó hồn ma người chết đã đi theo bịt hong kẻ thù. Bị ám ảnh khủng khiếp nên hai vợ chồng phải đi vào rừng sâu trốn lánh và dựng nên thị trấn Macondo với giấc mơ một thành phố có những bức tường kính lộng lẫy. Và từ đó, giòng họ cứ nối tiếp nhau sinh sống trong lãnh địa của cô đơn ấy .
José Arcadio và vơ cùng với một nhóm 20 người đã định cư để tạo dựng một xã hội sơ khai, mà ngay cả ngôn ngữ cũng thiếu thốn, không đủ danh từ để gọi các đồ vật hàng ngày. Người con thứ hai của gia đình là Aureliano, người sau này mang danh Đại Tá, mừng sinh nhật ở thị trấn heo hút này và những trang biên niên sử tiếp theo với niềm cô độc và dinh hoạt chán chường.

José Arcadio tổ chức nơi này thành một cộng đồng nhỏ bé nhưng chặt chẽ và nhất là phải thiết kế đường xá cũng như nhà cửa trong bóng mát để tránh cái nắng nóng bỏng nhiệt đới. Khi nhiệt độ lên cao, mọi người phát rồ dại. Chim muông thú vật nổi điên tấn công nhà cửa loài người và cư dân thì bị dịch mất ngủ trầm trọng đến độ mất trí nhớ.

Khi trí nhớ bị tàn phá, José Arcadio phải làm ra một tự điển sơ khai bằng máy điện toán liệt kê hơn 14 ngàn từ ngữ thông thường thì anh chàng lãng tử Melquiades trở về vói liều thuốc để chữa bệnh. Sự kiện óc nhớ bị hủy hoại tương tự như bệnh chứng lão suy và liều thuốc chữa trị là hiện tượng của một cách trở về với lịch sử, từ khoảng thời gian xác định theo năm tháng hoặc ấn định bằng tâm lý, là một phương cách để lạc về thế giới cô đơn kỳ quái. Giống như những lời kinh Cựu ước, mọi vật tái hiện từ ngôn ngữ, tất cả khởi đầu bằng trí nhớ của đứa trẻ khi nó phát hiện được những cảm nhận đầu tiên. Với GG Marquez. Đứa trẻ ấy có thể là Đại tá Aureliano Buenodia, nhưng cũng có thể là người cha José Acardio Buenedia…

Ở Macondo, tác giả trải dài ra một trăm năm truyền kỳ, với những mẫu nhân vật có thật nhiều tính thời đại. Trong nét cổ kính có lẫn chua chát khôi hài, trong nét lãng mạn có tả chân hiện thực. Nền văn minh Âu tây đã pha trộn với truyền thống bản xứ thành một hỗn hợp đặc sắc. Những công ty Mỹ Châu lập những đồn điền chuối bạt ngàn tạo thành những nếp sống khá đô thị cho một nét tương tự của những đời sống ở thủ đô Bogóta. Một thế giới được gọi là thế giới hiện thực huyền ảo (magic realism). Năm 1967, với “Trăm Năm Cô Đơn”, G.G. Marquez đã tạo một tác phẩm tuyệt tác không thể vượt trội hơn nữa được của văn chương thế giới. Nó đã trở thành một biểu tượng cho nền văn học Châu Mỹ La Tinh. Một lối kể truyện kỳ lạ có lúc đã trở thành một cái “mode“cho các nhà văn thời danh trên thế giới. Cùng với bóng tròn và những tài danh cầu thủ lừng lẫy, dòng văn học với những Octavio Paz, Pablo Neruda, Mario Vasgas Ilosa, Jorge Luis Borges, G.G. Márquez,.. thành một nét đặc sắc cho văn minh Châu Mỹ La Tinh.

Có người đã phê bình “Trăm năm Cô Đơn“ tựa như một cơn bão nhiệt đới muôn sắc tuyệt vời nhưng phức tạp… Cũng như có người đã viết : Một con vẹt có thể triết lý như một triết gia. Những hồn ma có thể lên dương gian để tâm sự với người còn sống. Một chính trị gia tham nhũng tồi tệ thân thể tan rã nát mục nhưng không bao giờ chết. Một nhân vật có thể mọc đôi cánh của thiên thần. Một nhân vật khác có thể là quái thai dị dạng với cái đuôi heo. Một nhân vật khác có đời sống dài tới 199 năm. Và mưa, mưa rơi liên tiếp suốt một thế kỷ. Hay là mưa rải những đóa hoa vàng xuống cả một miền đất đai. Đó là những nét độc đáo của lối kể chuyện “hiện thực huyền ảo”

Theo Frank Roh định nghĩa, hiện thực huyền ảo là một từ ngữ có từ năm 1925 để chỉ một loạt hình nghệ thuật thể hiện những cảnh huyền ảo hoặc tưởng tượng bằng nét vẽ chính xác rõ ràng của kỹ thuật hội họa tài liệu. Marquez đã áp dụng trong văn chương, tạo một lối ghi chép biên niên sử kéo dài cả trăm năm, từ lúc bắt đầu tạo dựng một lãnh địa đến lúc bị toàn thể tàn phá bởi cơn dông bão.. bắt đầu là Eden và kết thúc là Apocalipse. Hiện thực huyền ảo nới rộng từ tính chất của hiện thực tới những huyền thoại mênh mông, với những hiện tượng đặc thù của thiên nhiên...

Hiện thực huyền ảo có người định nghĩa rằng đó chính là những cá tính của thực thể được khai triển và làm cho sâu rộng hơn với sự trộn lẫn của ma thuật, của ảo tượng, của nhiều hiện tượng cá biệt của thiên nhiênhoặc những kinh nghiệm mà hiện thực Âu Châu không đếm xỉa tới. G. G. Marquez đã dùng những kỹ thuật tạo dựng tiểu thuyết từ truyện ngắn với cách xử dụng ngôn ngữ để tạo một thế giới riêng. Ở đó, người ta sẽ ngơ ngác vào một mê cung để xóa nhòa ranh giới giữa ảo và thực, giữa điều huyền hoặc tưởng tượng hay sự thực tái tạo. Một thí dụ hiển nhiên là kỹ thuật áp dụng trong truyện ngắn “A very old man with enormous wings“ nơi mà thiên thần sa xuống đất từ một cơn cuồng phong tàn bạo. Khi Pelayo và Elisenda tìm thấy được thiên thần họ bị thảng thốt khi tường tận chân dung và không thể nào cất lên một câu hỏi nào về sự vật hiện thực. Trường hợp trước mắt rõ ràng quá đến nỗi không bao giờ tưởng được đó không phải là sự thực, tuy nhiên, hình ảnh thiên thần tự nó đã thành một biểu tượng của kinh ngạc.

“Hắn là thiên thần, cô nói với mọi người” Hắn sẽ đến như một đứa trẻ, nhưng người bằng hữu khốn khổ ấy già lão để cơn mưa quật ngã rớt xuống…”

Câu truyện được kể trong sự lôi cuốn của một chuyện ngụ ngôn đầy ẩn ý. Sự thực được phối hợp với huyền ảo để tạo thành thiên thần và xuất hiện như một chấn động lớn. Không khí của truyện thật đặc biệt, giữa mơ hồ điều hữu lý và điều vô lý, giửa cái sờ được bằng tay, nhìn thấy bằng mắt và những ảo giác như thật trong trạng thái vô thức để thành một sự kiện tưởng là hiển nhiên.

GG Marquez đã tạo thành một trường phái văn chương trên thế giới và khá nhiều người chịu ảnh hưởng. Nó chuyên chở một loại thực tại cấu thành từ những tính ma thuật chứa cả những thói tục mê tín dị đoan trong xã hội. Tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” mang nhiều chuyện kể từ thánh kinh trộn lẫn với các chuyện thần thoại vùng Mỹ châu La Tinh, để thực tại và hư cấu trộn lẫn với nhau, mà nhiều khi, hư cấu còn thực hơn cả sự thực nữa..

Trong diễn văn đọc khi nhận giải Nobel văn chương năm 1982 Marquez đã viết về cái thế giới nửa hư nửa thực, nửa thần kỳ ma quái nửa sinh động đời thường, thế giới dẫy 9ầy cô dơn của Châu mỹ La Tinh:
“Antonio Pigafeta, một nhà thám hiểm hàng hải người tỉnh Florence nước Ý đã cùng Magellan trong chuyến du hành vòng quanh thế giới khi ngang qua những lãnh địa Nam Mỹ của chúng tôi đã viết những bài tường thuật chính xác đến mức tuyệt đối nhưng câu chuyện của ông lại tương tự hệt như cuộc mạo hiểm nào vào thế giới huyền ảo. Ông kể rằng đã nhìn thấy những con heo đực bị hoạn có lỗ rốn dưới đùi, những con chim không có móng vuốt mà con cái đẻ trứng trên lưng con trống, hoặc những con thú giống con chim bồ nông không lưỡi mà mỏ lại kỳ quặc dị dạng. Ông kể thấy một quái thai loài vật, đầu la, mình lạc đà, chân loại hươu mà tiếng hí lại như ngựa. Ông còn kể lại chuyện người thổ dân đầu tiên ông gặp ở Patagonia đã soi gương lần đầu tiên và kinh hoàng thảng thốt đến nỗi mất cả trí nhớ vì hình ảnh của chính mình phản chiếu lại trên gương kính.

Cuốn sách mỏng nhưng làm mê mẩn từ thuở ấy là căn nguyên cho những tiểu thuyết hôm nay của chúng tôi. Nhưng, cũng hoàn toàn không phải là những bài viết tường trình nhiều sửng sốt về hiện thực ở thời đại ấy. Những trang sử chép biên niên vùng Indies đã để lại cho chúng ta vô số những chứng cớ khác.

Eldorado, vùng đất đầy huyền tượng mà chính chúng tôi đã nao nức tìm kiếm, dù đã có mặt trên muôn vàn các bản địa đồ, nhưng cũng lại phải chịu sự thay hình đổi dang, thay đổi tọa độ liên miên cho trùng hợp với óc tưởng tượng của các chuyên gia ngồi vẽ lại địa dư. Trong chuyến đi kiếm tìm ngọn suối nguồn trẻ mãi không già, thám hiểm gia Tây Ban Nha Alvar Numez Cabeza De Vaca thần thoại đã đi khảo sát ở vùng Bắc Mễ tây cơ trong dòng dã tán năm trời. Đoàn thám hiểm nhiều thnah phần, nhiều âm mưu, lường lọc nhau, tàn sát nhau đến nỗi chỉ còn sống sót có năm người trong tổng số hơn sáu trăm người tham dự. Một trong những bí ẩn mà không dò tìm được dấu tích là chuyện mười một ngàn con la, mỗi con mang trên lưng gần nửa tạ vàng, một ngày nọ đã rời Cuzo để lên đường trả món tiền chuộc Atahualpa để rồi biệt tích không bao giờ đến được nơi ấn đnh. Kết qủa là, vào thời thuộc địa, gà mái được buôm bán ở Cartagena de Indias là những con vật được nuôi trên đất bồi đầy phù sa. trong mề gà chứa đầy những hạt vàng lấm tấm. Cơn khát vàng của một trong những người khai sáng vùng đất ấy đã đeo đuổi trong tâm tư chúng tôi cho đến ngày nay..”

Gabriel Garcia Márquez là ngưới Columbia sinh năm 1928, tại Aracataca. Ông tốt nghiệp ngành ký giả tại đại học quốc gia Columbia ở Bogotá và đại học Cartagena. Ông hành nghề ký giả, viết phim. Tác phẩm đầu tiên là tập truyện ngắn ”La Hojarasca” xuất bản năm 1955.

G.G. Marqúez chống lại các nhà độc tài bảo thủ thống trị xứ Colombia Laureana Gomez và người kế vị, tướng Gustavo Rojas Pinilla nên sống lưu vong ở Mexico và Spain. Tiểu thuyết nổi tiếng nhất là Trăm Năm Cô Đơn mà nhiều nhà phê bình cho rằng là nơi mà những trác tuyệt của Jorges Louis Borges, Cervantes, Frank Kafka và William Faulkner tụ họp lại….



bút
việt
hồn
quê

NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan.com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.