Tôi đọc Võ Phiến Tuyển
Tập…
Cuối năm
nay, nhà xuất bản Người Việt vừa tái bản “Võ Phiến Tuyển Tập”. Một
pho sách đồ sộ, cả nội dung lẫn hình thức. Trong văn học Việt Nam,
Võ Phiến là một chân dung văn chương đa diện và có mặt suốt hơn 50
năm liên tục kể cả lúc bắt đầu bơ vơ lưu lạc ở xứ người. Những tác
phẩm của ông trong từng thời kỳ có dấu ấn của thời thế cũng như phản
ánh được suy tư của một người Việt Nam trong hoàn cảnh khá đặc biệt
của lịch sử.
Tôi bắt đầu đọc Võ Phiến từ lúc còn rất trẻ và trong trí nhớ còn ghi
lại một vài kỷ niệm nhỏ từ những trang sách ấy. Những cuốn sách,
nhắc lại những đoạn đời, từ lúc còn trên ghế nhà trường đến khi vào
lính. Những lúc ngồi trong hầm đại liên của quân trường, hay những
buổi tối cô đơn ở cư xá sĩ quan độc thân ở phi trường Nha Trang, tới
bây giờ còn man mác gờn gợn lại những cảm xúc tuy mơ hồ nhưng ấm áp.
Lúc này đây, đọc lại những trang sách, cảm xúc tuy khác nhưng vẫn
còn trong ấn tượng. Không hiểu có phải đó có phải là những sáng tác
vượt qua được sự gạn lọc của thời gian. Nếu gọi là vượt thời gian
thì cũng đúng, nhưng với riêng tôi, ở thời điểm này, vẫn thấy những
nhân vật của Võ Phiến có một cái gì rất người, rất gần gũi, tuy có
khi là những gì rất cổ xưa nhưng vẫn không bị đào thải chán ngán. Từ
lúc ông viết những “Chữ tình“, “Mưa đêm cuối năm” đến lúc viết “Thư
nhà“, “Thương hoài ngàn năm”, rồi “Nguyên vẹn“, “Quê’, “Thư gửi
bạn”.. ở hải ngoại, một hành trình sáng tác thật dài của một người
cầm bút luôn luôn đi tìm kiếm những cái gọi là mới mà nhiều khi hiển
nhiên trong đời sống đã lâu. Cái ý niệm ấy chưa phải là hoàn toàn
mới, nhưng nó là những suy tưởng thú vị, nhiều khi bất ngờ dù trong
cuộc sống chúng ta có thể đã có hay đã trải qua.
Tất cả tổng số tác phẩm của Võ Phiến lên tới hơn năm chục cuốn với
nhiều bộ môn tùy bút,thơ, truyện ngắn, truyện dài, phê bình văn học,
lý luận văn học. Thực hiện một tuyển tập bao gồm tất cả những nét
đặc thù tinh túy của ông có lẽ là một việc không dễ dàng. Làm sao, ở
trong một số lượng trang sách nhất định mà chuyên chở được hết tất
cả những gì mà tác giả muốn nói và độc giả muốn đọc. Cho dù, là một
cuốn sách có bề dầy đồ sộ hơn ngàn trang mà tôi đang cầm trên tay.
Nhà xuất bản Văn Mới, ở ấn bản đầu tiên, đã viết :
“Ngót sáu chục năm qua, Võ Phiến đã viết nhiều thể loại khác nhau.
Trong tuyển tập này các tác phẩm của ông xin tạm xếp vào năm phần:
Tùy bút, truyện, thơ, tạp luận và phê bình.
Hẳn quý độc giả đã thấy như vậy chưa đủ. Nhưng hcúng tôi nghĩ rằng
có những loại trước tác dài – như khảo luận, tiểu luận, chuyên luận
(monograph) chẳng hạn khó lòng trích tuyển đôi đoạn mà có thể biểu
hiện tinh thần toàn tác phẩm.
Trong sự chọn lựa, chúng tôi dung hòa quan niệm của người viết và
người đọc. Ý kiến tác giả được đón nhận trực tiếp ; ý kiến người đọc
căn cứ vào số lượng tiêu thụ trên thị trường và vào những phát biểu
thành văn trên sách báo..”
Bây giờ, ở ấn bản thứ nhì, mà tôi đang cầm trên tay, phong phú và
đầy đủ hơn cũng như được cập nhât nhiều sáng tác mới. Và, ở hình
thức, bìa cứng, có nhiều phụ bản, tranh vẽ, là một cuốn sách đẹp
trong tủ sách gia đình. Nhà xuất bản Người Việt viết trong lời mở
đầu sách:
“Cuốn Tuyển Tập các tác phẩm của Võ Phiến đã xuất bản cách nay năm
năm. Sau đó nhà văn vẫn tiếp tục viết. Khi ông vượt qua được tuổi
bát tuần, chúng tôi nghĩ Tuyển tập nên có ấn bản mới, được
tăng bổ và nhân tiện, tu chỉnh thêm.
Tuyển tập trước – non 800 trang, dùng chữ cỡ lớn dễ cho mắt đọc, khổ
sách thông dụng dễ cho tay cầm, đóng bìa mỏng cho nhẹ nhàng- là một
cuốn sách sáng sủa, gọn ghẽ, tiện dụng, nhằm phổ biến rộng rãi. Để
được vậy, sự chọn lựa bài vở đành phải chịu hạn chế, không đáp ứng
được sự đòi hỏi của giới suy cứu văn học nhằm những nhận định căn cứ
trên lượng tài liệu phong phú hơn.
Lần này, việc bổ sung nội dung đòi hỏi phải gia tăng số trang, nới
rộng khổ sách, thu nhỏ cỡ chữ. Sách trở nên quá dày, rộng và nặng
cần được đóng bìa cứng cho vững vàng. Nhân đó, chúng tôi có dịp nới
tay chọn lựa tăng thêm thể loại (tiểu thuyết, đàm thoại) và một số
chân dung hình ảnh..”
Đọc “Võ Phiến Tuyển tập”, tôi thấy được nhiều vóc dáng, mà, vóc dáng
nào cũng có tính tiêu biểu của những kích thước văn chương có tầm
cỡ. Không hiểu ai khác có nhận định thế nào, chứ với riêng tôi,
trong văn học Việt Nam, những người có vóc dáng tương tự như ông hơi
hiếm. Mấy ai, có một công trình như thế, một hành trình văn chương
như vậy. Từ những trang sách, tôi tìm được một người viết tùy bút
tài hoa, một người viết truyện ngắn có phong vị riêng, một người
viết phê bình văn học độc đáo.
Đọc Võ Phiến tôi có cảm giác được nói chuyện thoải mái với một người
sẵn sàng tâm sự với một bề ngoài lành hiền nhưng bên trong là những
ý nghĩ tinh quái của người trông đời, ngó người để quan sát và nhìn
ngắm. Và, nhiều khi nội tâm bên trong được lột trần ra, để thấy được
chân dung đích thực của con người muôn thuở. Sống trong thời kỳ như
vậy, phải có ngôn ngữ, thói quen như vậy. Nó mơ hồ nhắc đến một thuở
nào, đã xa nhưng cũng thật gần...
Những trang sách, mỗi lần đọc lại có cảm giác khác nhau nhưng tương
tự nhau ở sự rung động bảng lảng mơ hồ của những lần đánh thức hồi
ức. Có thể, đối với tôi, cái xúc cảm bâng khuâng làm tôi tìm được
cái lôi cuốn để làm mới đi những trang sách cũ. Cũng như, lối viết
sống động, nhiều khi văn nói chuyển thành văn viết, có nhiều tán
thán tự dân giã, làm sự hào hứng tăng thêm từ những dòng chữ viết.
Dù tả tình hay tả cảnh, dù luận thuyết hay phê bình, phong thái viết
có lúc làm độc giả tưởng như đang đối thoại với độc giả hoặc người
đọc cảm như lắng nghe những lời độc thoại của người viết.
Đề tài của ông, phong phú và rộng khắp. Hình như, cuộc sống đã cho
ông những cảm xúc, để ông ghi nhận và chuyển đổi thành chữ nghĩa văn
chương. Nhân vật của ông, có thể là một nông dân thời kháng chiến
nhưng cũng có thể là một người đang sống trong những thành phố, sinh
hoạt nói năng có khác nhưng có một điểm giống nhau, hay suy tư,
thích tìm tòi lý luận, dù là từ những chi tiết hay biến cố nhỏ nhoi
thường hằng mỗi ngày. Mà, ông không chỉ nhìn ngắm vào con người. Ông
còn thơ thẩn vào những chỗ khác, lúc thì nói về cái đặc tính của
miền này, lúc thì tò mò tìm hiểu về cây cỏ, loài vật kia. Thể văn
tạp luận làm ông như người du ngoạn cứ la cà vào mọi chỗ mọi nơi,
như con ong hút nhụy hoa của cuộc sống để thành mật ngọt văn
chương..
Viết như Võ Phiến, lối viết mà có người ví von là “chẻ sợi tóc làm
tư làm tám“ có tham vọng muốn bày tỏ được những phần sâu thẳm của
nội tâm con người. Hành trình khám phá những góc cạnh sâu thẳm của
cuộc nhân sinh không phải là dễ dàng nếu không nói là phải trăn trở
suy tư, để tìm trong những điều bình thường những bất thường, để tìm
trong xuôi dòng những ngược dòng nghịch lý. Võ Phiến có lúc đã thú
nhận chịu ảnh hưởng rất nhiều của Marcel Proust tác giả của bộ tiểu
thuyết “Đi tìm thời gian đã mất“.
Tôi đọc những bài tùy bút, để cảm thấy được những bước đi tung tăng
của tác gỉa Võ Phiến. Không gian và thời gian không còn là những
chặng đường xa, mà, nó chỉ là một gần cận nhích chân là tới. Thoắt
cái, là nơi chốn và thời gian của thời kháng chiến xa xưa, của “Về
một xóm quê”, của những cái đã trở thành quá khứ, nhưng hồi sinh trở
lại trong tâm tưởng. Thoắt cái, là “Một ngày để tùy nghi”, của một
người ở Sài Gòn, thở và sống trong cái không gian quen thuộc của một
thời kỳ mà bây giờ cũng chỉ là một chút êm đềm còn sót lại. và thoắt
cái, là “Khách xá qui tâm“, là những ngày ở xứ người, nhìn những
hàng gồi cao của thành phố Los Angeles để nhớ về câu thơ Giả Đảo và
man mác thêm tấc lòng đối với quê hương. Thời gian, có thể là thập
niên 40, 60, hay qua thế kỷ 21 này. Không gian có thể của xứ quê
Bình Định, góc phố Sài Gòn hay phố xá Los Angeles bây giờ. Nhưng con
người thì vẫn y nguyên. Vẫn, cái suy tư của một người muốn đi tìm
trong cái nhỏ nhất của cuộc sống những điều to lớn. Vẫn, cái tâm cảm
của một người thích phiêu du, và thường nhìn ngắm với con mắt nhảy
đi từ chỗ này sang chỗ kia ở chỗ một đám mây đang lang thang trên
trời đến một nơi chốn quê hương đã mịt mù trong khói sương thời thế.
Có phải là tâm cảm của môt người trong “Một ngày để tùy nghi”:
“.. Nhị thập tứ kiều? Ở đâu vậy? Cảnh trí nó ra sao? Đêm trăng, anh
nghĩ tới nó. Nó gợi những mơ ước xa khơi. Anh Tư tưởng tượng mình
phất phơ thơ thẩn ở chỗ “nhị thập tứ kiều” xa xôi viễn vông đó.
Nhưng “nhị thập tứ kiều“ cũng không thuộc về anh. Anh Tư tưởng tượng
những rạch nước chạy giữa hai hàng câytrong các khu vườn ở Lái
Thiêu, ở Chợ Giữa, tưởng tượng rừng tre gai ở cao nguyên miền Trung,
những giải mây ẩm ướt mang vô vàn giọt nước li ti lê thê kéo ngang
qua đèo Hải Vân. Anh Tư tưởng tượng những ngóc ngách trong đô thành,
cảnh sống sầm uất đầy bất ngờ của xã hội nghèo túng, tưởng tượng
những quán cà phê ba tàu, những vườn hoa đây đó ở Sài Gòn Chợ Lớn,
những nơi có thể bgồi phất phơ nhẩn nha…Nhưng những thứ đó không
thuộc về anh: công viên, tiệm nước ba tàu, vườn cây Lái thiêuv..v..
Anh Tư không thể ở bất cứ đâu. Anh Tư chỉ có thể ở sở..”
Ngồi làm việc ở sở mà tâm tư phiêu hốt hết từ chân trời nọ đến đất
nước kia, có khi chúng ta cũng giống ông Võ Phiến chứ? Dù là của cậu
bé học trò “ mộng ngoài cửa lớp” xưa kia hay người chuyên viên đang
mệt thở không ra hơi trong sở làm xứ người bây giờ…
Có người nhận xét, Võ Phiến sở trường ở thể tùy bút nên ta thường
gặp ở bất cứ chỗ nào, bất cứ sáng tác nào ảnh hưởng của thể loại ấy.
Thậm chí, khi cả lúc ông làm công việc khá nghiêm túc là viết văn
học sử của 20 năm văn học miền Nam nhiều lúc ông viết những đoạn văn
có phong vị y hệt một thiên tùy bút. Có kẻ khen, người chê. Theo
tôi, đó là một nét riêng của ông. Có những tác giả, ảnh hưởng của
thi ca khá nặng nên dù viết tiểu thuyết hay biên khảo, tạp ghi hay
nhận định đều có chất thơ ở trong.Thì, với Võ Phiến, tùy bút cũng là
một môi trường bao la để tầm nhìn xa hơn, suy tư rộng hơn, khoảng
khoát vượt qua những hàng rào định kiến. Khi đọc tùy bút của ông, có
sự thoải mái của một người đang sống hết mình, thở hết mình cho
những giây phút hào mình vào trong cảnh huống mà những dòng chữ tạo
ra.
Văn học Việt Nam có nhiều người viết tùy bút độc đáo. Nguyễn Tuân,
Vũ Bằng, Thạch Lam, Mai Thảo,…những phù thủy của chữ nghĩa tha hồ
hiển lộng.
Nguyễn Tuân trong tùy bút phô diễn ra một nhân tính độc đáo, của tâm
tư chơi vơi lẫn lộn giữa cái đã qua và cái hiện tại, giữa cái đã có
và cái đang hình thành. Viết, theo tác giả “ Vang bóng một thời “ là
một cách thế sống, để phiêu du, để lạc lối vào những lãnh địa u trầm
của cuộc nhân sinh.
Với Vũ Bằng, tùy bút là để trao gửi, để hoài nhớ. Cái đã xa, đã
tưởng biệt thẳm mất hút nay sống lại, bằng tâm tình kể lể, bằng thời
tiết gợi nhớ, bằng miếng ngon quen thuộc. Với tùy bút Vũ Bằng, là
chất xúc tác cho chia sẻ để nhung nhớ nuối tiếc thành một cảm quan
làm rung động tâm não con người.Ở diễn tả, thấy tấm tình tha thiết.
Ơû phong cách, thấy một người hoài cổ nâng niu hoài những trân quí
tình cảm của một đời người. Quê cũ, vời vợi nhưng nơi chốn đang sống
cũng thấp thoáng biệt mà.
Ở
Thạch Lam, tùy bút là những ghi nhận trong sáng từ cuộc sống. Nhận
định có ý nhị, và cuộc đời là những lãng mạn đan kết với sự tinh tế.
Tùy bút Thạch Lam có chiều sâu của một người tìm được nét đẹp trong
sự đơn giản. Chữ nghĩa, là tượng hình của tình cảm nhẹ nhàng, của
nỗi rung động từ lòng yêu đời yêu mình chan chứa..
Riêng với Mai Thảo, tùy bút là những trang thơ đẹp, của ý hướng muốn
vượt thoát lên cao, của những thẩm mỹ quan đã thành bất biến cho một
phong cách vừa lãng mạn vừa khác người. Những cách ngắt câu, những
câu văn ngắn có khi cộc lốc, có khi bay bướm là cả một phong cách
khó ai bắt chước dù có nhiều người chịu ảnh hưởng nhái theo.
Nguyễn Hưng Quốc đã viết về tùy bút Võ Phiến :
”Tùy bút Võ Phiến, như thế, chỉ là một chuỗi dài những trăn trở,
những khắc khoải.Hết khắc khoải về các vấn đề văn hóa, chính trị, xã
hội, lịch sử, lại khắc khoải về bản chất cuộc đời và số phận của con
người. Đọc tùy bút của Nguyễn Tuân, của Thạch Lam, của Vũ Bằng..
chúng ta thấy khoái trá, đọc tùy bút của Võ Phiến chúng ta thấy ngẩn
ngơ. Mà nghĩ cho cùng, có gì để mà ngẩn ngơ chứ?Ông viết những điều
giản dị, gần gũi biết bao..”
Nguyễn Hưng Quốc cũng nhắc đến những câu văn của Võ Phiến tạo ra
những ám ảnh khôn nguôi cho người đọc. Những ám ảnh ấy chẳng cao xa
gì, nó tràn đầy ê hề trong cuộc sống. Có lúc tưởng là lãng quên
nhưng nếu có chút gì xúc tác lại trở về và làm bồi hồi không nguôi
trong lòng. Tô tự mình đối chiếu với chính mình thì cũng thấy như
vậy. Tôi đọc “ Thư Nhà “ lần đầu tiên trong một buổi tối ở một căn
phòng trong cư xá sĩ quan độc thân ở Nha Trang. Lúc ấy, hết tiền ra
phố nên nằm nhà đọc sách trong cái cảm giác lười lĩnh giết thì giờ.
Thế mà đọc những trang sách, tự nhiên thấy như mình đang sống trong
một cảnh thổ khác, đang nói một thứ ngôn ngữ khác. Suốt một buổi
tối, thấy thời khắc trôi nhanh và nỗi buồn xa gia đình, xa người
tình, xa Sài Gòn cũng vơi đi một ít. Sau này đọc lại, cũng những
trang sách ấy, thì cảm giác đầu tiên lại trở về. Không biết có phải
là nỗi ám ảnh của ngày xưa còn tồn đọng lại trong vô thức ? Có lần
khác trong hầm đại liên trong tuyến phòng thủ của trường Bộ Binh Thủ
Đức, tôi đọc “ Thương Hoài Ngàn Năm “ vào một ngày ứng chiến buồn
chán. Nhìn ra bên ngoài qua khung hẹp của lỗ quan sát, thấy nắng
nhạt nhạt hoang vu mà lại đọc những trang sách về ý nghĩ của một cô
gái quê trong một đêm mưa tầm tã. Những cảm giác lạ lạ ấy, đã có
trong thời điểm ấy, lại thành một chút gì vướng bận, tưởng quên đi
nhưng khi đọc lại trong những thời gian, không gian khác thì lại trở
về, và, cảm giác ấy đã làm thơm hương hơn những suy tư. Không biết
có phải đó là điều làm cho tôi quên đi những thời điểm và những nơi
chốn mà mình tham dự vào khi đang giở theo từng trang sách.
|