.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Nguyễn Thị Thanh Dương | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 NGUYÊN NHUNG

Con chó của bà tôi 

  • PSN - 20.11.2009

LTG: Đây là một câu chuyện thật trong cuộc đời của một cậu bé, thời thơ ấu sống với bà ngoại. Nay đã trưởng thành, tuy sống xa quê hương nhưng trong lòng vẫn giữ nguyên những kỷ niệm với bà ngoại, người đã gần gũi với cậu nhiều nhất trong thời thơ ấu.

Đêm nay, một đêm trăng rằm, ánh trăng treo lơ lửng trên bầu trời nhung thẫm, ở thành phố hiếm khi thấy một đêm trăng tuyệt vời như thế. Có lẽ giờ này cũng gần nửa đêm, tôi trở về nhà sau mấy giờ ngồi đọc sách miệt mài trong thư viện trường, đầu óc cảm thấy mệt mỏi, tự nhiên tôi muốn có vài phút giây yên tĩnh để lòng mình ngất ngây với cái đẹp của một đêm trăng sáng.

Đứng lại một lúc lâu trước sân nhà để ngắm trăng giữa cái yên lặng của đất trời, ánh trăng như giãi lên cây cỏ, hoa lá một thứ ánh sáng mượt mà, lung linh, huyền ảo. Chỉ có bóng cây lay động dưới ánh đèn đường buồn bã, chỉ có tiếng lá khô lăn tròn trên mặt đường chạy xuống cuối dốc, và tiếng chó sủa khắc khoải phía chung cư bên kia bãi đất trống.

Nghe tiếng chó sủa vu vơ tự nhiên tôi lại nhớ đến bà tôi, dù đã bao nhiêu năm, từ ngày bà tôi mất đi đến nay, trong lòng tôi vẫn không thể nào quên khuôn mặt hiền hậu của bà, ngời ngời như ánh trăng rằm trên nền trời cao vời vợi. Tiếng chó sủa đêm nay sao nó giống lạ lùng với tiếng sủa của Tony, con chó lạc loài mà bà tôi đã nuôi nấng khi bị vứt bỏ bên vệ đường, nó đã trở thành người bạn thân thiết của tôi trong những ngày thơ ấu, ở một nơi yêu dấu chốn quê nhà.

Tony là một con chó con ốm yếu, bệnh hoạn với màu lông vàng lốm đốm nom chẳng bắt mắt tí nào, nó giống như một đứa trẻ mồ côi, lúc nào cũng rên ư ử vì đói, vì buồn, vì thiếu mẹ. Không hiểu tại sao bà tôi lại đặt tên Tony cho một con chó cái, trong khi bà chẳng hề biết một chữ Tây, chữ Mỹ nào cả. Con chó Việt Nam mang một cái tên rất Mỹ, có thể bà nghĩ rằng cái tên đẹp đẽ đó sẽ làm cho đời nó may mắn hơn, mà cũng có thể ngày xưa lúc các con còn ở nhà, vẫn hay đem chữ Tony ra đùa cợt với nhau, cho nên nó đã vô tình in vào trí nhớ của bà tôi.

Giữa lúc ấy cả nhà đang chật vật với miếng ăn hằng ngày, Tony xuất hiện thật không đúng lúc, vì nó cần uống sữa, sữa lại là thứ thực phẩm cao cấp mà ngay cả lũ trẻ con chúng tôi cũng ít khi được thưởng thức. Tuy vậy, tôi cũng không mảy may ganh tị với Tony khi bà tôi bóp bụng mua một hộp sữa đặc hiệu Ông Thọ cho nó, vì lẽ rất tự nhiên là tôi cũng đã được mẹ cho bú đến mười lăm tháng mới thôi, rồi cho đến lúc thôi bú tôi vẫn khóc ri ri mỗi buổi tối, khi nhớ hơi ấm và giòng sữa ngọt từ đôi bầu vú mẹ. Sau này mẹ đẻ thêm em bé, tôi lại thích thú nhìn em tôi rúc vào ngực mẹ, cái miệng tham ăn vừa bú chùn chụt, vừa lẩu nhẩu, lầu nhầu như một chú chó con.

Bố tôi không có nhà, tôi chỉ lờ mờ hiểu vì sự vắng mặt không hẹn ngày về của bố, nhưng cũng không thắc mắc hơn khi bà tôi hầu như đã đem hết tình thương để bù đắp cho đứa cháu nhỏ tội nghiệp. Mẹ tôi phải ngồi chợ suốt ngày, chỉ có hai bà cháu ở nhà trong những giờ anh tôi đến trường, chính Tony đã mang đến cho tôi niềm vui trong tiếng cười khúc khích trẻ thơ, mỗi khi hai đứa đuổi nhau vòng quanh nhà, có lúc tôi đã bày trò chơi cút bắt với nó, để thấy được ánh mắt mừng rỡ của Tony khi tìm được cậu chủ nhỏ.

Mẹ tôi lúc ấy cũng khá vất vả để tìm đủ cơm gạo cho một gia đình bốn miệng ăn, không kể Tony chỉ được ăn cơm thừa canh cặn, cùng chút xương xẩu sau mỗi bữa cơm. Nhưng hình như nó có vẻ bằng lòng và an phận khi lạc loài vào căn nhà kém may mắn vật chất, nhưng lại thừa thãi tình thương cho nó. Có những lần, tôi có cảm tưởng như là bà tôi đã phải nhịn bớt phần cơm của bà dành cho con vật đáng thương và trung thành ấy.

Trong đêm khuya, khi cả nhà đã ngon giấc, bà tôi trăn trở không ngủ được thường ngồi dậy ăn trầu, chắc lúc ấy trong trái tim bà mẹ già, hình ảnh những đứa con xa gần đang hiện về trong trí nhớ. Bà hay gọi tên các con, từ bác cả đã phải theo vợ về quê lập nghiệp, sống cuộc đời nông dân chân lấm tay bùn. Mỗi lần được về quê thăm bác, tôi không tin nổi khi nhìn bác quần ống thấp ống cao, với đôi chân đất không giày dép.

Bà tôi có năm người con nhưng chỉ có mình mẹ tôi út ít ở với bà, và có lẽ bà cũng thương mẹ tôi nhất. Thỉnh thoảng vào buổi tối, khi học bài xong, anh em tôi thường quấn quýt bên bà nghe kể chuyện. Bà tôi có nhiều chuyện lắm, nhưng hay nhất có lẽ là những chuyện ma, tôi vẫn nhớ là lúc ấy anh em tôi đã co người lại không dám thò chân xuống đất, tưởng như cái bóng đen mịt mùng ngoài khung cửa kia có biết bao nhiêu điều kỳ bí. Mỗi lần như thế mẹ tôi lại mỉm cười âu yếm nhìn hai đứa con đang thu người lại bên bà mẹ già, sau mẹ tôi kể rằng, ngày còn nhỏ mẹ cũng có những cảm giác giống hệt anh em tôi, rồi khi lớn lên, mới thấy rằng ma không đáng sợ bằng người. Câu nói của mẹ tôi khó hiểu quá, cái đầu ngây thơ của tôi không làm sao hiểu nổi, để mãi sau này khi bà tôi mất đi, chúng tôi lớn dần lên, mới thấy những thứ ma cỏ trong chuyện của bà tôi, chưa hẳn là những điều đáng sợ.

Tuy vậy cả nhà cũng yên lòng vì từ nay trong nhà đã có Tony, bây giờ khá xinh đẹp và bụ bẫm, cũng nằm yên dưới chân giường, ghếch cái mõm lên đôi chân, đôi mắt nâu cuả nó thỉnh thoảng lại mở ra nhìn anh em tôi, như muốn chia sẻ cái sợ hãi vu vơ trong đầu đám trẻ nhỏ. Nhà tôi có nuôi thêm một con mèo tam thể, trông nó mềm mại xinh đẹp mà tính tình lại chẳng dễ thương, thỉnh thoảng nó vẫn hay gây sự với Tony, hai đứa cứ vờn nhau quanh chiếc phản gỗ, ồn ào như hai đứa trẻ con đang cãi nhau.

Trong đêm khuya, khi cả nhà đã say ngủ, có lẽ chỉ mình Tony vẫn lơ mơ ngủ dưới chân bà, mỗi khi bà tôi buột miệng gọi tên một người con nào bà nhớ thì nó lại nhỏm dậy, hoặc ngóc đầu lên, đưa đôi mắt ngơ ngác như muốn chia sẻ nỗi niềm với bà tôi. Không hiểu những lúc ấy, các bác của tôi đang xa nhà, có cảm thấy trong tâm can chút nhớ nhung về người mẹ già hiền lành ấy không?

Sống bên cạnh bà tôi, lại được bà thay mẹ dạy bảo, tôi đã thừa hưởng được phần nào tấm lòng nhân ái của bà tôi, cho nên mỗi lúc có tiền, tôi cũng rất hào phóng với những người ăn xin nghèo khổ, ngồi đầy trước giáo đường mỗi ngày chủ nhật. Mỗi lần chia sẻ với họ những đồng hào lẻ trong túi, tôi được họ trả công bằng những nụ cười của lòng biết ơn, thế mà nó cũng làm tôi sung sướng suốt cả ngày. Tony cũng như tôi, nó cũng thừa hưởng được lòng nhân ái từ nơi bà tôi, để sau này khi làm mẹ một đàn chó con tham ăn, tranh phần ăn của mẹ, Tony vẫn lui ra đứng nhường cho con nó với một vẻ hiền lành, chịu đựng. Tự nhiên tôi liên tưởng đến bà, những lúc nhìn bầy cháu lâu nhâu tranh nhau những món ngon, bà đã giả vờ nói đầy bụng để nhường phần ăn cho cháu, không than thở một câu nào.

Năm tôi lên tám tuổi thì bố tôi về, Tony cũng mừng rỡ như đã biết bố tôi từ lâu lắm, khi nhìn bố con tôi quấn quýt bên nhau, có lẽ nó cho bố tôi là người đáng tin cậy khi thấy tôi chơi đùa với bố, như đã từng chơi đùa với nó. Một lần Tony đã không ngần ngại khi cắn vào gấu quần của bố tôi lôi lại, cũng vì nó tưởng bố tôi ỷ lớn ăn hiếp bé khi hai bố con đang quần võ với nhau. Tôi cứ rũ ra cười, bố tôi thì lại muốn trêu thêm con chó tội nghiệp đang tìm cách bênh người yếu đuối. Không phải chỉ ở trong nhà, ngay cả những lúc tôi rảo chơi trong xóm, bị lũ chó hàng xóm tấn công, thì Tony cũng quyết một lòng chiến đấu với lũ nặc nô hàng xóm, gồm hai mụ chó lông xù to mồm hay sủa bậy.

Gia đình tôi đã sống những ngày êm ả trong cảnh đời không được sung túc, có hình ảnh bà tôi quanh năm ngày tháng chỉ giản dị tấm áo cánh nâu, chăm sóc cho lũ cháu để cha mẹ tôi yên lòng vật lộn với cơm ăn áo mặc giữa chợ đời. Chắc vì thế mà tôi gần gũi với bà, đi học về bà luôn luôn dành cho tôi củ khoai, cái bánh, và tôi cũng không quên chia xẻ cho Tony một chút, như có vui cùng vui, khổ cùng khổ. Chỉ vì đói mà Tony cũng có lúc lục lọi kiếm ăn để bị đòn một trận nên thân, nhưng ngay lúc ấy, nghe tiếng kêu oăng oẳng cuả một con chó đói, tôi lại hối hận như là đã cư xử thiếu tốt đẹp với một người bạn thân đang lúc đói khổ, con người lắm khi còn chẳng tự chủ được huống gì là một con chó. Tôi lên tiếng gọi nó, định vuốt ve nó để bày tỏ lòng hối hận cuả mình, nhưng Tony dường như còn sợ hãi, chỉ lấm lét nhìn tôi từ một khoảng xa. Rồi như một đứa bé mau hờn mà lại dễ quên, Tony ngoe nguẩy cái đuôi và chạy tới bên tôi, giụi đầu vào chân tôi có vẻ như biết lỗi. Ôi thương quá những con vật đói khổ, giá như Trời cho tôi có đủ cơm ăn, nỡ lòng nào tôi lại để Tony thiếu thốn.

* * *

Có một hình ảnh không thể nào nhạt nhòa trong lòng tôi cho đến tận bây giờ, đó là năm bà tôi qua đời lúc tôi lên mười. Khi ấy bà ốm đau nằm liệt một chỗ, cả cái thân hình gầy đét ấy như dán xuống mặt giường, dưới tấm chăn mỏng tôi cứ ngờ ngợ không biết bà còn sống hay đã chết. Những lúc ấy hầu như Tony lúc nào cũng quanh quẩn dưới chân giừơng của bà, mặc dù không biết nói, không làm sao chia sẻ được những cảm nhận với con người, nhưng nó vẫn nhấp nhỏm khi nghe tiếng rên khe khẽ của bà tôi trong cơn đau đớn. Thỉnh thoảng, như một người quản gia rất chăm chỉ, nó đưổi theo một cánh bướm lượn ngoài sân, rình một chú chuột nhắt lục sục dưới gầm trạn, rồi lại quay về nằm lơ mơ dưới chân giường người bệnh.

Những ngày cuối đời ấy, trong lòng bà tôi lại chập chùng nỗi nhớ thương những đứa con xa nhà, thỉnh thoảng không biết tỉnh hay mê, bà tôi gọi tên từng người. Các bác tôi thay nhau về thăm, đến rồi đi, có người xa quá lại không về được, có người vì nghèo phải chạy theo cơm áo. Mỗi lần về lại có cảnh chia ly bịn rịn, tôi thấy đôi mắt đẫm lệ của bà tôi cố mở to ra, như muốn thâu hết hình ảnh của từng đứa con vào lòng.

Buồn làm sao cái ngày cả nhà đưa bà tôi sang bên kia sông, trong chiếc áo quan màu vàng thẫm giữa những tiếng khóc rấm rứt của lũ cháu con, và tiếng kinh cầu hồn quyện lẫn hồi chuông chiều buồn lê thê của ngôi giáo đường bên kia sông. Giây phút cuối cùng ấy, Tony quay cuồng chạy vào chạy ra khi thấy chiếc giường trống không của chủ, nó rít lên nho nhỏ những âm thanh ai oán thay cho tiếng khóc của con người, khi chiếc áo quan được chuyển ra khỏi nhà, trên chiếc thuyền tròng trành tách qua bờ bên kia.

Lần cuối cùng bà tôi được đưa vào nhà thờ, rồi đem chôn ở khu nghĩa địa bên kia đường. Sau này, mỗi khi tôi ngồi một mình trong ngôi giáo đường miền quê êm ả, lòng không khỏi rưng rưng khi nhớ đến hình ảnh còm cõi của bà tôi, miệng bõm bẽm nhai trầu, tay phe phẩy chiếc quạt, bàn tay gầy gò, nhăn nheo lần rờ trong làn vải để gãi lưng cho cháu. Tôi đã có những buổi trưa ngủ lơ mơ bên cạnh bà, mùa hè trời nóng bức, mây trên trời như đứng lại không buồn trôi, cây cỏ im phăng phắc không một hơi gió, những lúc ấy bà vẫn quạt cho cháu ngủ. Dưới đất là con Tony, nằm thè lưỡi ra với cái nắng hè gay gắt, con vật trung thành ấy lúc nào cũng quấn quýt bên hai bà cháu, như nó đã là một thành viên quen thuộc trong gia đình.

Sau này, bà tôi không còn nữa, tôi cứ bị ám ảnh khi nghe người ta kể lại rằng, trong khu nhà thờ ấy, một người trong đêm khuya vào ngày lễ Các Linh Hồn, đã nhìn thấy từng đoàn người từ phiá nghĩa trang mặc áo trắng, cầm nến đi từ từ qua khu nhà thờ giữa một đêm trăng sáng. Tự nhiên tôi cứ nghĩ một cách chắc chắn rằng bà tôi đã có mặt trong đoàn người lành thánh đó.

Những buổi chiều năm xưa, những ngày sau khi bà tôi mất, tôi hay ngồi một mình ngoài bến sông, để say mê nhìn từng đợt sóng nhỏ gờn gợn đẩy vào bờ. Không biết có phải lúc ấy tâm hồn tôi đang đi tìm kiếm lại những ảnh hình thân yêu cuả dĩ vãng, như dòng sông vẫn còn đó, mà dòng nước đã trôi đi biết bao giờ trở lại?

Gió vẫn xạc xào trên rặng dừa dưới mé sông, khi con đò đưa khách tách bến sang bên kia phố chợ, tôi vẫn ngậm ngùi nhớ bà tôi và tưởng lại những ngày yêu dấu cũ. Không biết tự bao giờ, Tony cũng ngồi bên tôi ngơ ngẩn nhìn theo chiếc đò trên dòng sông lặng lờ trôi. Đôi mắt nó buồn rầu như có vẻ hiểu rằng, có một mảnh hồn đã mãi mãi tách qua bờ bên kia, biền biệt đi vào miền vĩnh cửu.
 

Nguyên Nhung

NGUYÊN NHUNG

Thơ Văn chỉ là những gì trong tâm tư của người viết, gửi vào cuộc đời chút chia xẻ đã trải qua, cảm nhận được. Dòng đời giống như một dòng sông, có khi êm đềm, có khi dậy sóng, nơi ấy bao nhiêu con thuyền đã có duyên để gặp gỡ nhau, tìm được nhau qua những buồn vui của thân phận người.

Nguyên Nhung.

 

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.