ly                 

.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên

 

 

 

 Nhất Hạnh

Tản Đà,
" Th non nước "

  • PSN 30.08.2008
    Đọc, nói thơ là một trong những nghệ thuật sống đẹp không thể thiếu của nhà thơ Nhất Hạnh, nghệ thuật đó đã có từ khi thi sĩ còn rất trẻ. Sau khi xuất gia và trở thành thiền sư nhà thơ đã biến nghệ thuật ấy thành truyền thống trong các thiền viện của Mai thôn đạo tràng do ông hướng dẫn.

     

    Phù Sa đã sưu tầm từ nhiều nguồn riêng biệt rải rác đó đây những bài bình giảng ấy của thi sĩ dưới dạng âm thanh, rồi phiên tả, biên tập lại thành văn viết. Tuy có tính cách riêng tư vì Thầy chỉ nói riêng với học trò trong chốn thiền môn, nhưng nhận thấy: ngoài giá trị về mặt văn học, nghệ thuật, tác giả còn mở ra cho ta một khung trời mới, khung trời của trí tuệ và tình thương lớn, mà chỉ có tuệ giác của một Thiền sư mới thể hiện được cho dù nguyên tác là những bài tình thơ lãng mạng.

     

    Phù Sa sẽ lần lượt phổ biến lên trang này từng bài một trước khi in thành sách với tựa đề Thơ trong cửa thiền hay Thầy Nhất Hạnh đọc thơ . Và đây là bài thơ Thề non nước của Tản Đà mà Thầy đã đọc cho học trò 4 chúng tại tu viện Làng Mai Pháp quốc trong khóa tu mùa hè năm hai ngàn lẻ ba.

 

H

ôm nay chúng ta học một bài thơ của thi sĩ Tản Đà, bài Thề Non Nước. Bài này có liên hệ tới sự chia cách, nhớ thương và sầu khổ.


Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu
1888-1939

Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 8 tháng 5 năm 1888 (tức ngày 29 tháng 4 năm Mậu Tý), tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây; nay là huyện Ba Vì.

Ông xuất thân trong một gia đình phong kiến quan lại. Thân sinh ông là Nguyễn Danh Kế, đỗ Cử nhân, làm đến Án sát và từng giữ chức Ngự sử trong kinh. Mẹ là Lưu Thị Hiền, cũng có sách ghi là đào Nghiêm, vốn là một đào hát, nổi tiếng tài sắc, giỏi văn thơ.

Do ảnh hưởng gia đình, năm 14 tuổi, ông đã thạo các lối từ chương thi phú. Năm 1907, ông theo anh ra Hà Nội, học trường Quy Thức ở phố Gia Ngư. Năm 1909, đi thi hương ở Nam Định bị hỏng. Năm 1912, đi thi khoa Nhâm Tý vẫn hỏng, chán nản bỏ về Hòa Bình uống rượu, làm thơ và thưởng trăng.

Năm 1915, ông lập gia đình. Năm 1916, người anh từ trần, gia đình trở nên cùng túng, Tản Đà quyết định chuyển hẳn sang nghề cầm bút. Thời gian này ông viết tuồng cho các rạp và được đọc thêm nhiều sách dịch Âu Tây bằng chữ Hán, nhờ đó tư tưởng có nhiều biến chuyển.

Năm 1920, đi du lịch ở Huế, Đà Nẵng, trở về viết truyện "Thề non nước". Năm 1921, làm chủ bút tờ Hữu Thanh tạp chí. Được 6 tháng, từ chức, trở về quê. Năm 1922, lại ra Hà Nội lập Tản Đà thư điếm, sau tập hợp với Nghiêm hàm ấn quán thành Tản Đà thư cục.

Năm 1925, phong trào yêu nước dấy lên mạnh mẽ, Tản Đà càng nhập thế tích cực hơn. Ông tổ chức một chuyến du lịch vào Nam, gặp gỡ nhiều nhà chí sĩ và viết bài trên nhiều báo.

Tháng 2 năm 1928, trở về Bắc, rồi lên định cư vùng Yên Lập (Vĩnh Yên), sau xuống Hải Phòng, rồi lại lên Hà Nội. Năm 1933, sau khi An Nam tạp chí bị đình bản, ông chuyển sang trợ bút cho Văn học tạp chí ít lâu rồi về quê ở ẩn.

Cuối năm 1937, chuyển về làng Hà Trì (Hà Đông), tham gia dịch thuật, viết báo. Sau chuyển ra Hà Nội, mở lớp dạy Quốc văn hàm thụ, Hán văn diễn giảng, kiêm cả xem lý số Hà lạc. Ông sống nghèo, không đủ trả tiền nhà phải cùng gia đình dọn về phố Cầu mới.

Trong hai năm 1937 và 1938, ông dịch thơ Đường đăng trên báo Ngày nay, trong đó có bài Hoàng Hạc lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu.

Ông qua đời vì bệnh vào ngày 17 tháng 6 năm 1939.

Trên văn đàn của văn học Việt Nam trong hơn 3 thập niên đầu thế kỷ 20, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tạo. Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực, đi khắp miền đất nước, ông để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại. Ông đã từng làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí. Ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là "gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại".

Ngoài sáng tác thơ, Tản Đà còn giỏi trong việc dịch thơ Đường ra thơ lục bát và được biết đến như một người dịch thơ Đường hay nhất.

Tác phẩm:

Văn:
* Giấc mộng con I (1917)
* Giấc mộng con II (1932)
* Giấc mộng lớn (1932)
* Thề non nước (1922)
* Tản Đà văn tập (1932)

Thơ:
* Khối tình con I (1916)
* Khối tình con II (1916)
* Tản Đà xuân sắc (1918)
* Khối tình con III (1932)

Kịch:
* Tây Thi (1922)
* Tống biệt (1922)

Dịch thuật:
* Liêu Trai chí dị (1934)

Nghiên cứu:
* Vương Thúy Kiều chú giải (1938)
* Một số bài báo...

 

Thề non nước là lời thề giữa núi và sông, một mối tình, một sự cam kết giữa núi và nước cũng như hai người sống chung với nhau, thương nhau và có hạnh phúc với nhau. Hai người đó có thể là hai cha con, hai mẹ con, hai anh em, hai vợ chồng hay hai thầy trò. Người này nguyền với người kia, hứa hẹn với người kia là không bỏ người kia, nhưng vì một biến cố nào đó mà có sự xa cách, vì có sự xa cách nên có sự trách móc, hờn giận. Thề tức là lời nguyền. Non là núi và nước là sông với biển. Thề non nước tức là lời thề giữa núi và sông. Tản Đà là tên ghép  từ hai chữ Tản và Đà. Ở ngoài Bắc có núi Tản Viên và sông Đà Giang. Cách nay hơn một trăm năm có đứa bé được sinh ra ở vùng núi Tản, sông Đà, được hun đúc bởi khí thiêng sông núi đó, lớn lên thành thi sĩ, lấy bút hiệu Tản Đà. Hai câu đầu của bài thơ là :

Nước non nặng một lời thề,
Nước đi, đi mãi, không về cùng non
.

Nước non nặng một lời thề là lời thề rất nặng. Mình đem tất cả trái tim của mình ra để ước nguyện, cam kết. Nhưng mà :

Nước đi, đi mãi, không về cùng non.

Cũng như mình qua Tây rồi ở luôn không chịu về nữa! Tôi ra đi năm 1966 và hứa với các bạn sẽ về trong ba tháng, vậy mà ở bên này luôn bốn mươi năm vẫn chưa về. Cho nên đọc bài này, tôi thấy thấm lắm. Chính quyền chưa cho về, nhưng tôi tìm cách để về. Không về được bằng thân xác của tôi thì tôi về bằng đường tinh thần. Tôi gửi đệ tử xuất gia cũng như đệ tử tại gia từ nhiều nước về. Bên nhà đã in chui sách và sang chui băng đĩa của tôi. Như vậy thì tôi cũng đã về rồi. Nhưng phải thấy được bằng con mắt vô tướng. Tuy rằng tôi chưa về, nhưng kỳ thực tôi đã về rồi. Trong bài thơ này mình cũng phải thấy được chuyện đó, phải nhìn sâu bằng con mắt vô tướng, mình đừng để bị kẹt vào hình tướng bên ngoài.

Nước non nặng một lời thề.

Vậy mà nước đi hoài.

Nước đi, đi mãi, không về cùng non.

Trong quí vị, người nào có tâm trạng đó, đọc bài này sẽ thấm lắm.

Nhớ lời "nguyện nước thề non",

Nguyện nước thề non là một thành ngữ gốc chữ Hán, thệ hải minh sơn. Mình và cô nàng (mình tạm cho núi là anh chàng và nước là cô nàng) đã thề thốt nặng lời với nhau, vậy mà cô nàng đi, đi hoài không chịu về. Cô nàng hứa là cô sẽ về, nhưng mà cổ đi luôn.:

Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi, không về cùng non.
Nhớ lời  "nguyện nước thề non",
Nước đi chưa lại, non còn đứng không.

Non còn đứng không tức là núi đứng chơ vơ một mình. Nước đi chưa lại tức là nước đi chưa về. Khứ và lai, khứ là đi và lai là lại. Núi đứng một mình và núi nói giọng trách móc.

Nước đi chưa lại, non còn đứng không.
Non cao những ngóng cùng trông,

Mình không có hạnh phúc, tại vì mình luôn có tâm trạng chờ đợi, ngóng, trông; cứ nghĩ chừng nào người kia về chừng đó mình mới có hạnh phúc, còn người kia chưa về thì mình chưa có hạnh phúc; mình không có khả năng tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc đời và vì vậy cuộc đời mình  trở thành những chuỗi đợi chờ, rất là uổng. Ở Việt Nam có người thiếu phụ, chồng đi lính, cứ đợi chồng, ngóng trông chồng quá, một hồi trở thành đá, gọi là Hòn Vọng Phu. Không chịu sống chỉ chờ đợi thôi.

Non cao những ngóng cùng trông,

Những ngóng cùng trông tức là suốt ngày không có làm ăn gì hết, chỉ để tâm trạng nhớ thương, đợi chờ và trách móc. Những người như vậy sống không có hạnh phúc. Trong chúng ta, người nào sống trong tâm trạng chờ đợi, khổ đau, than trách nên đọc bài này để quán sát tuy đây là một bài thơ và thi sĩ không phải là một pháp sư, nhưng bài này có tuệ giác của đạo Bụt

Suối khô giòng lệ chờ mong tháng ngày.

Hình ảnh một dòng suối từ trên núi chảy xuống không còn nước nữa: tui không khóc được nữa, tui hết nước mắt rồi, tui khóc mấy chục năm nay, bây giờ tui không còn nước mắt nữa, gọi là suối khô giòng lệ và chờ mong tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Tác giả lại còn cường điệu thêm nữa.

Xương mai một nắm hao gầy,

Nhớ thương, chờ đợi, bây giờ trở thành ra mình hạc, xương mai. Có một cây gọi là cây liễu, tượng trưng cho nỗi buồn, buồn như liễu - cây liễu ủ rũ thành ra nói buồn như liễu. Buồn thì không có niềm vui, mà không có niềm vui thì ốm đi. Ốm như cây gì? - cây mai. Ở Việt Nam có cây mai vàng, mai trắng, đến Tết người ta cắt vào đem cắm trên bàn thờ. Cái đẹp của cây mai không phải là mập, mà là gầy và phải có bông thì mới đẹp. Người nào mảnh mai, gọi là mình hạc xương mai. Hai hình ảnh đó, tuy ốm nhưng mà đẹp, mình hạc, xương mai. Nhưng ở đây không phải là nhịn đói để bớt ký lô cho mình đẹp. Cái ốm của mình không phải do cố tình ăn régime, diet để cho ốm, cho đẹp, để cho có mình hạc xương mai, mà tại nhớ quá, thương quá thành ra mình ốm: tui ăn không được, tui ngủ không được nên tui ốm. Vì vậy cho nên thấy núi xác xơ, xương mai một nắm hao gầy, giống như mình hạc xương mai. Tội nghiệp ghê hôn ! Chớ nói tui ốm quá, tui gầy quá thì đâu có hay. Phải nói mình hạc, xương mai, một nắm hao gầy thì mới hay. Suối khô giòng lệ, xương mai một nắm là hình ảnh mình phải sử dụng thì mới trở thành thơ được.

Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.

Các anh nào hay các cô nào muốn làm thơ phải bắt chước Tản Đà. Thường thì mây đi chơi trên trời nhưng tối mây về đỉnh núi ngủ, cho nên đỉnh núi luôn luôn có mây phủ. Và thi sĩ nói: Ôi, tóc bạc rồi, nhớ thương quá tóc bạc rồi. Mây thì luôn luôn màu bạc. Thấy núi phủ mây bạc: Chao ôi, ông này buồn quá, nhớ thương quá nên tóc ổng bạc rồi. Khi nhớ thương nhiều, lo lắng nhiều, đầu mình bạc rất mau. Ngày mình hạnh phúc, mình còn có nhau, tóc mình xanh, bây giờ bị xa nhau, tóc mình bạc. Tóc bạc là tại vì nhớ thương. Mình hạc, xương mai, tóc bạc là để nói tới sự nhớ thương của núi đối với nước.

Trời Tây ngả bóng tà dương,

Nhìn phương trời về phía Tây vào buổi chiều. Triêu dương là ánh sáng buổi ban mai, tà dương là ánh sáng buổi chiều, chênh chếch nên gọi là tà. Khi mặt trời đã ngả bóng về phía Tây, ánh sáng vàng vọt chiếu trên núi làm cho tình trạng càng xác xơ hơn nữa.

Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha.

Người chờ đợi là núi, mà núi có thể là đàn ông, núi có thể là đàn bà. Người chờ đợi có thể là cha, người đi là con; người chờ đợi có thể là mẹ, người đi là con; người chờ đợi có thể là thầy và người bỏ đi có thể là con. Tự nhiên con bỏ thầy mà đi, làm thầy phải thương, phải nhớ và nếu thầy không thực tập thì cũng xương mai một nắm hao gầy như bất cứ ai.

Trời Tây ngả bóng tà dương,

Khi trời về chiều, càng biểu lộ vẻ sầu muộn, tàn tạ của người ở lại, của người nhớ thương. Nét đẹp của người ở lại là nét đẹp của ngọc, của vàng. Nét ngọc, nét vàng đó vì chờ đợi cho nên đã phai mờ, phôi phai. Nhớ thương quá, chờ đợi quá thì đâu còn niềm vui, đâu còn hạnh phúc nữa. Vì vậy cho nên nó có vẻ tàn tạ và sự tàn tạ này càng trông thấy rõ khi mặt trời chiều chiếu xuống. Làm thơ như vậy mới đúng là thơ.

Trời Tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.

Càng phơi tức là phơi bày cái buồn tủi.

Non cao tuổi vẫn chưa già,

Hồi nãy bé Bảo Tích có lên thăm ông, ông hỏi: con thấy Sư ông có già không? Nó im lặng một hồi rồi nói: hơi già. Nhưng đợi vài năm nữa chụp tấm hình rồi sẽ thấy, bây giờ Sư ông còn trẻ lắm, trái tim của Sư ông còn trẻ lắm.

Non cao tuổi vẫn chưa già

Trong này có chuyện chơi chữ, có một nghệ thuật chơi chữ. Chữ non có nghĩa là núi, nhưng cũng có nghĩa là trẻ. Ở Việt Nam mình hay nói trăng già hay là trời già. Trăng già độc địa. Núi thì non, trăng thì già. Tại sao núi mà nói là trẻ, trăng lại nói là già? Mình có câu ca dao là:

Trăng bao nhiêu tuổi trăng già ? 
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non ?

Trăng bao nhiêu tuổi mà bị gọi là già?

Trăng bao nhiêu tuổi trăng già ?

Núi bao nhiêu tuổi còn được gọi là trẻ ?

Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non ?

Cái này đố sư cô Đẳng Nghiêm dịch ra tiếng Anh được?

Trăng bao nhiêu tuổi trăng già ?
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non ?

Tác giả dùng ý đó vào trong này, mình là người Việt, mình đọc mình phải hiểu được ý đó.

Non cao tuổi vẫn chưa già,

Theo nguyên tắc non phải trẻ hoài, tại vì tên mình, Non là trẻ mà.

Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.

Non thời nhớ nước mà nước nhởn nhơ, không thèm nhớ tới non gì hết trơn.

Non thời nhớ nước, nước mà quên non.

Người ta nhớ mình như vậy mà mình quên người ta.

Có khi Thầy xuất hiện giữa đường con đi, nhưng mắt con vẫn nhìn Thầy như nhìn một người xa lạ.

Không thèm để ý, không thèm chào nữa.

Non thời nhớ nước, nước mà quên non.

Mình nhớ họ như vậy mà họ tỉnh bơ, không thèm nhớ tới mình gì hết. Vậy mà ngày xưa thề non hẹn biển.

Nước non nặng một lời thề,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.

Cũng như ngày xưa mình nói rằng: con quỳ xuống, con cầu mong Bụt và đại chúng cho con được xuất gia, cho con được ở luôn, suốt đời. Cúi đầu xuống con nhận cái y này, đời đời nguyện mang theo. Vậy mà mới tu được mấy năm đã bỏ thầy, bỏ chúng mà ra đi đành đoạn.

Non thời như nước, nước mà quên non.

Sự than trách, sự buồn bã được diễn tả bằng mười hai câu thơ. Đó là quá nhiều rồi, không thể nào thêm được nữa. Chữ là chữ rất thường, nhưng trong bài này chữ có ý trách móc rất đậm đà, rất hay.

Dù cho sông cạn đá mòn,

Theo nguyên tắc, giữa hai người yêu, giữa cha con, giữa mẹ con, giữa những người bạn, giữa thầy trò, giữa huynh đệ với nhau có thể mở ra một lời thề, như lời thề của non và nước: dù núi có cạn, sông có mòn đi nữa thì liên hệ của mình vẫn không bao giờ suy suyển. Trong bài tựa kinh Lăng Nghiêm có câu: Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong, thước ca la tâm vô động chuyển. Thuấn nhã đa tánh tức là: tính chất của hư không có thể tiêu vong được, nhưng mà tâm Bồ đề của con sẽ không bao giờ lay chuyển; con sẽ tu hành cho tới khi con thành đạt mới thôi, con sẽ không bỏ Bụt, không bỏ Pháp, không bỏ Tăng. Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng có nghĩa: hư không vô biên kia có thể có được sự chấm dứt của biên giới, nhưng nguyện của con là không có biên giới.

Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non, còn nước vẫn còn thề xưa.

Non nói rằng: như vậy mới đúng. Chừng nào tôi còn đó, anh còn kia, chừng nào anh còn đó, em còn đây thì lời thề năm xưa của mình vẫn còn có giá trị, vẫn còn có hiệu lực. Tại sao bây giờ mình lại đạp lên trên lời thề nguyền mà đi như vậy, mình phụ bạc nhau như thế đó.

Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non, còn nước vẫn còn thề xưa.

Khi nghe những lời tâm sự đau khổ của núi thì thi sĩ mới bắt đầu can thiệp, bắt đầu khai thị. Thi sĩ là dharmateacher, là pháp sư, thành ra thi sĩ phải can thiệp và mình coi thi sĩ này khai thị như thế nào? Phần sau của bài thơ này là phần khai thị. Tác giả đưa ngón tay lên nói :

Non xanh đã biết hay chưa ?

Non xanh, lam sơn hay thanh sơn là núi có màu xanh. Thi sĩ gọi tên núi mà nói: núi xanh ơi, hãy lắng nghe ta nói, đừng có ngồi đó mà than phiền nữa.

Non xanh đã biết hay chưa ?
Nước đi ra biển lại mưa về nguồn.

Đây là một sự thực, mình có thể quan sát để thấy được rằng người kia sẽ trở về hoặc đã trở về rồi, nhưng mình vẫn chưa hay biết, vẫn cứ tưởng người kia đi luôn không trở về, rồi mình sầu khổ, khóc than: nước đi rồi, nước bỏ mình nước đi đành đoạn, nước sẽ không bao giờ trở về nữa đâu! Mình bị kẹt vào hình tướng cho nên mình không thấy được nước đã trở về, nhưng kỳ thực nước đã trở về dưới một dạng khác, dưới một hình tướng khác, dưới dạng một cơn mưa. Anh đã chờ đợi năm mười năm, nhưng trong thời gian đó nước đã trở về rồi, nước đã mưa xuống rồi mà anh không biết và anh tiếp tục trách móc...

Như ở Việt Nam có người nói tôi đi bốn mươi năm chưa về, nhưng sự thực tôi đã về rồi, tôi đã về dưới dạng những người đệ tử, với băng giảng, với những cuốn sách của tôi. Đừng nói là tôi chưa về, nếu nói tôi chưa về tức là kẹt vào cái tướng, kẹt vào con mắt hữu tuớng. Vì vậy cho nên phải thực tập Tam giải thoát môn, phải áp dụng Không, Vô tướng và Vô tác. Áp dụng được Vô tướng thì thấy tôi bây giờ đang ở Việt Nam.

Một số các bạn hữu ở Hoa kỳ hay là Úc châu sau khi về Việt Nam rồi trở lại thì báo cáo rằng: tuy rằng hình hài Thầy không có ở Việt Nam, nhưng mà con thấy sự có mặt của Thầy ở Việt Nam rất rõ ràng, đi ra Trung cũng thấy Thầy, đi ra Bắc cũng thấy Thầy, đi vô Nam cũng thấy Thầy. Những người đó có con mắt vô tướng, có thể thấy được những cái ngoài cái tướng, còn bị kẹt vào cái tướng tức mình bị tướng đánh lừa rồi. Trong kinh Kim Cương có câu: phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, tức nơi nào có hình tướng là nơi đó có sự lường gạt. Cho nên phải tập nhìn bằng con mắt vô tướng và thi sĩ nói: Núi ơi, núi đừng có than khóc! Nước đã trở về rồi, tại sao núi còn than khóc ?

Khi có người thân qua đời, người đó là ba, là mẹ hay là đứa con của mình qua đời, mình tưởng người đó sẽ đi, đi hoài. Con ơi, sao con bỏ mẹ mà đi? Anh ơi, sao anh bỏ em mà đi, đành đoạn bỏ em mà đi một mình? Khi người ta khóc, người ta luôn luôn trách móc giống hệt như cái núi đó. Người ta đập ngực, người ta bứt tóc, người ta lăn ra đất, người ta khóc như vậy tại người ta bị kẹt vào cái tướng.

Nhìn cho kỹ, thấy ba mình đâu có đi đâu? Ba mình đang có mặt trong mình, trong mỗi tế bào cơ thể của mình, ba mình đã trao truyền tất cả những tinh hoa của ba mình cho mình, mẹ mình cũng như vậy. Chỉ cần ngồi lại và tiếp xúc một cách sâu sắc hình hài của mình thì thấy rằng trong mỗi tế bào của mình có đầy đủ sự có mặt của ba mình và sự có mặt của mẹ mình. Mình có thể nói: ba ơi, con biết là ba đang có mặt trong con và con đang mỉm cười với ba nè. Tự nhiên không có sự chia cách, không có sự sầu khổ vì mình thấy được, vì mình có con mắt vô tướng. Hay như vậy đó.

Vậy người nào mới vừa mất người thương, muốn bớt sầu khổ, phải theo lời khai thị này của tác giả, phải nhìn để thấy rằng không có gì đi, không có gì mất, vô khứ, vô lai, không có đi, không có lại và cái mình tưng đã mất rồi, kỳ thực nó đang còn ở trong mình.

Non xanh đã biết hay chưa ?
Nước đi ra biển lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi

Rất từ bi! Nước non hội ngộ còn luôn nghĩa là sự gặp mặt giữa nước và non, nó xảy ra trong từng giây phút. Mình trách móc người kia phụ bạc mình, nhưng kỳ thực người kia đang ở trong mình. Nếu gọi Thầy, con tức khắc thấy Thầy ngay. Nếu mình kêu mẹ ơi, mình thấy rõ ràng mẹ đang có ở trong mình và mỉm cười với mình, mẹ mình chưa bao giờ chết. Cha mình cũng vậy. Bản chất của mẹ mình là không tới không đi, vô khứ vô lai, bất sinh bất diệt. Bản chất của Đức Thế Tôn là vô khứ, vô lai, bất sinh bất diệt thì bản chất của mẹ mình cũng vậy. Khi thấy được như vậy thì mình thoát khỏi sầu khổ. Điều này phải khai thị mới thấy được và lời khai thị là:

Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.

Buồn là kết quả của vô minh. Mình tưởng có sự xa cách, vĩnh viễn xa cách, đoạn tuyệt, nhưng kỳ thực không có gì tới, không có gì đi.

Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.

Trong câu này mình thấy có tuệ giác, có từ bi.

Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.

Trên sườn núi có những cây dâu mọc xanh tốt. Cây dâu xanh tốt đó là gì, nếu không phải là nước? Mình tìm nước ở đâu nữa? Nếu nhìn dâu xanh tốt mọc bên sườn núi thì mình thấy nước đang còn ở với mình. Nếu nước không còn với mình thì làm sao ngàn dâu xanh tốt được? Sự kiện là có ngàn dâu xanh tốt nằm ở trên sườn núi thì biết rằng nước chưa bao giờ bỏ mình, tại sao mình buồn, tại sao mình than trách?

Nước kia dù hãy còn đi,

Trên phương diện hình thức thì thấy giống như nước đang đi, đang còn đi. Trên phương diện nội dung thì nước đã về rồi. Thấy ngày hôm qua nước chảy đi rồi, mình nghĩ rằng nước sẽ đi, sẽ đi hoài, đi không bao giờ trở về nữa, nhưng mà trên thực tế nước đã trở thành mây, nước mưa xuống trở lại, nước đã trở về với mình rồi.

Ngàn dâu xanh tốt, non thì cứ vui.

Chữ ngàn này có nghĩa là rừng, rừng dâu, chớ không phải là mười lần một trăm. Ngàn dâu xanh tốt là đối tượng quán chiếu. Nếu nhìn những tướng không phải tướng nước mà thấy được nước trong đó thì mới thực sự là thấy nước. Ví dụ nhìn vào phô mai (cheese), mình thấy sữa thì mình mới giỏi. Còn mình nói đâu còn sữa nữa, chỉ có cheese thôi thì đâu có giỏi. Cũng như nhìn nước đá một cục cứng ngắt, mình không thấy có mây, nhưng kỳ thực nước đá là mây. Nếu không có mây thì làm sao có mưa, không có mưa làm sao có nước để làm nước đá được. Cho nên con mắt mình nhìn vào nước đá phải thấy mây. Khi nhìn tuyết rơi, mình thấy tuyết đâu phải nước, đâu phải mây, nhưng kỳ thực tuyết cũng là mây.

Con mắt của người tu là phải nhìn cái này mà thấy được cái khác thì mới hay. Đó là con mắt tương tức. Ví dụ nhìn anh mình, mình thấy ba, thấy mẹ, mình cũng thấy mình trong đó. Đó mới là cái nhìn của tuệ giác. Còn mình nhìn anh mình, mình nói: anh đi đi, tôi không có dính líu gì với anh hết. Khi giận anh mình, mình nói như vậy, mình thấy anh mình là một người hoàn toàn khác mình. Có một người thanh niên giận cha, họ nói: ông đó không phải ba của tôi, tôi không có muốn dính líu gì với ổng hết. Nói như vậy là vô minh, là không thấy được mình là ba mình, mình là sự tiếp nối ba của mình.

Cũng như cục nước đá giận mây: mây hả, tôi nguyện đời đời, kiếp kiếp không có gì liên hệ với mây hết. Mà đâu biết mình chính là mây? Mình đã giận mây, tức mình đã giận mình, mình giận ba tức là tự giận mình.

Còn tác giả mời mình nhìn vào ngàn dâu xanh tốt, nhìn vào rừng dâu để thấy nước trong đó. Tại vì nếu không có nước làm gì ngàn dâu xanh tốt được. Núi ơi, xin núi đừng có than phiền, đừng có sầu khổ nữa, núi hãy vui lên, đừng có chờ đợi nữa, không có sự xa cách đâu. Ba mình, mẹ mình, người thương luôn luôn có mặt trong giây phút hiện tại.

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui

Và đây là câu kết luận :

Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề.

Non non nước nước, chỗ nào có non là chỗ đó có nước, chỗ nào có nước là chỗ đó có non, không có thể nào chia tách ra được. Không có gì có thể chia cách thầy trò, cha con, huynh đệ, anh em mình được, khi mình có tình thương đích thực, khi mình có mặt trong nhau. Lời thề đó rất nặng, sự cam kết đó rất sâu xa, muốn giữ được sự cam kết đó, mình cần phải có tuệ giác. Có tuệ giác, có trí tuệ thì mình không bị sầu khổ, than trách nữa.

Trong bài thơ này của thi sĩ Tản Đà có tám câu khai thị và có mười bốn câu than trách, sầu khổ. Thi sĩ chỉ cần khai thị tám câu thôi mà chỉ rõ cái không đi không tới, không có sự xa cách mà phải có hạnh phúc phải sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại.

Vậy chúng ta đọc lại để thấy cái hay, cái thấy thấm thía của bài thơ này. Nếu quí vị muốn làm thơ thì cứ làm thơ, làm thơ có thể nói ra được Phật pháp vì trong đạo Bụt đại thừa có nói rằng: tất cả các pháp đều có thể biến thành Phật pháp cả, nhất nhất thiết pháp giai thị Phật pháp. Vị nào có tài có thể phổ nhạc. Vậy chúng ta đọc chung, các cháu nghe nhé.

Thề non nước

Nước non nặng một lời thề,
Nước đi, đi mãi, không về cùng non.
Nhớ lời “nguyện nước thề non”,
Nước đi chưa lại non còn đứng không.
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô giòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non, còn nước, vẫn còn thề xưa.

Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề.
 
         
                               Tản Đà

 

Nhất Hạnh
12.07.2003  Làng Mai - Pháp quốc.
 

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

NHẤT HẠNH

Là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ, nhà văn hóa, học giả, triết gia,... và là nhà sư, còn được gọi là Thiền sư Thích Nhất Hạnh, hay đơn giản chỉ một chữ THẦY.

BBC NÓI VỀ ÔNG NHƯ SAU :
Thích Nhất Hạnh là một thiền sư nổi danh trên thế giới, là một  văn nhân, một thi nhân, một học giả, mà cũng là một người đấu tranh cho hòa bình. Bên cạnh đức Đạt Lai Lạt Ma thì Thầy là bậc đạo sư nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay. Ngoài ra Thầy còn là tác giả của trên một trăm cuốn sách, trong đó gồm có những "xếp hạng bán chạy nhất“ (bestsellers)  như những cuốn Hòa Bình Từng Bước Chân (Peace is Every Step), Phép lạ của sự  Tỉnh thức (The Miracle of Mindulness), Chúa  ngàn  đời, Bụt ngàn đời (Living Buddha Living Christ) và Giận (Anger)

Thầy Nhất Hạnh  sanh năm 1926, Thầy xuất gia năm 16 tuổi. Chỉ 8 năm sau Thầy dựng lên Trung tâm  Phật giáo  Ấn quang (An Quang Buddhist Institute) tại Sài Gòn. Năm 1961 Thích Nhất Hạnh -người được những  môn đồ  gọi là Thầy- đã xuất ngoại du học tại Hoa Kỳ và giảng dạy môn Tôn giáo đối chiếu tại các đại học Columbia và Princeton. Hai năm sau Thầy quay trở về quê hương để góp phần hướng dẫn  nỗ lực hòa bình của Phật giáo.

Rằm tháng hai năm 1964 Thầy thành lập Dòng tu Tiếp hiện (the Order of Interbeing), vào đúng giai đoạn chiến tranh leo thang khốc liệt tại Việt Nam, lúc mà  giáo lý của Đức Thế Tôn cần thiết vô cùng để đối đầu lại với hận thù, bạo động và chia rẽ đang bao phủ khắp quê nhà. Vào giai đoạn này. Dòng tu bao gồm một số nhỏ những thành viên chí nguyện dấn thân vào những công tác xã hội và hành trì theo lý tưởng của Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời. Dòng tu được xây dựng trên căn bản của 14 giới Tiếp Hiện, cũng còn được gọi là những phương pháp thực tập chánh nhiệm. Cũng trong năm ấy với một nhóm những giảng sư và sinh viên đại học tại Việt nam ngài thành lập nên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đào tạo những nhóm tác viên trẻ tuổi dấn thân vào những làng mạc xa xôi giúp xây cất  những trường học, những bệnh xá và gầy dựng lại những thôn xóm đã bị hủy diêt vì đạn bom. [ Tháng 2 năm 1964 Thầy thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học tại Sài Gòn, và chỉ non 14 tháng sau nó được Thầy nâng lên thành Viện đại học Vạn Hạnh (bổ túc của Phù Sa) ].

Hai năm sau, vào năm 1966, Thầy rời Việt nam ra xứ ngoài để vận động kêu gọi hòa bình. Nhà cầm quyền  đương thời vì thế cấm cửa không cho phép Thầy  hồi hương. Năm 1967 khi đề nghị Hội đồng Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho Thầy, ông Martin Luther King đã phát biểu:  "Ông thầy tu mãnh khảnh xuất thân từ Việt nam này, ngài là một học giả uyên thâm. Những phát kiến cho hòa bình của ngài, nếu áp dụng được, sẽ dựng nên một tượng đài cho tinh thần  hòa đồng, tình huynh đệ  và nhân bản".

Năm 1969 Thầy hướng dẫn Phái đoàn Hòa bình Phật giáo tham dự Hội nghị Hòa bình Paris và thành lập Unified Buddhist Church (UBC) tại Pháp quốc. Lúc khởi đầu Giáo hội đặt cơ sở tại Thiền Đường Sweet Potatoes năm 1975. Pháp Từ của Thầy được truyền bá mỗi lúc một rộng rãi và tăng đoàn phát triển mạnh mẽ. Năm 1982 Làng Mai (Plum Village) được thành lập. Tọa lạc tại miền nam nước Pháp, Làng Mai là một Trung tâm Thiền tập và là cơ sở của Dòng tu Tiếp hiện. Mỗi năm hàng ngàn người khắp nơi trên thế giới từ những truyền thống tâm linh khác nhau khắp nơi đổ về Làng Mai để nghe pháp thoại và tu tập. Đây là trú xứ thường xuyên của Tăng đoàn (đoàn thể của những người tu tập) gồm khoảng 150 các thầy, các sư cô cùng các cư sĩ thường trú (Số thiền sinh gia tăng theo thời gian, tính đến nay thì đã vượt xa con số 150 / PS bổ túc).

Điểm nổi bật của pháp môn thầy Nhất Hạnh trao truyến là việc nhấn mạnh đến yếu tố hạnh phúc, hạnh nguyện  dấn thân vào đời và áp dụng được phương pháp thực tập chánh niệm vào đời sống hàng ngày. Chánh niệm là có mặt trong phút giây hiện tại để có thể có thể nhận diện được những gì đang xẩy ra trong thân, trong tâm ta và cả trong thế giới chung quanh ta. Pháp môn Thầy dạy chú trọng đến thực tập hơi thở và tỉnh thức đầy chánh niệm từng hơi thở một. Thầy vẫn thường nhắc nhở đệ tử, bất cứ một việc gì xẩy ra đều có thể là cơ hội ngàn vàng để ta có thể tiếp xúc được với thực tại nhiệm mầu, cả đến như chuyện rửa bát hay lái xe. Thầy dạy chúng ta cần nên chấm dứt cuộc nội chiến trong tâm mình, lắng dịu lại cái bung xung trong tâm mình và trở về với giây phút hiện tại. Khi ta được an lành, khi ta hạnh phúc thì ta có thể mỉm nụ cười và ai ai trong gia đình, trong toàn thể xã hội quanh ta đều được hưởng lợi lạc từ niềm an lành của ta. Nhờ thế ta có thể  thực chứng ý nghĩa câu "Không có con đường đẫn tới hạnh phúc – Hạnh phúc là Con đường".

thichnhathanh.shtml

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.