.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm

Lời hứa trước hiên nhà

  • 16.05.2009

Truyện vốn là hư cấu. 
Nếu có sự trùng hợp tình cờ là ngoài
y muốn của tác giả.

 

1.

Lâu lắm Trầm không nghĩ gì về Hạnh hay những bóng hình thoáng qua của một thời. Chẳng phải vô tình. Nhưng, kỷ niệm cũ không đủ đậm để gợi nhớ. Và thời gian cũng đủ dài để phôi pha quên lãng. Điều này có nói ra thì chắc gì vợ đã tin. Có khi khơi dậy hờn ghen bóng gió. Trầm chẳng mấy khi nhắc lại chuyện xưa.

Vợ Trầm lại khác. Năm trước về thăm Việt Nam, Thu Mây đã chịu khó lặn lội ra tận Nha Trang, thăm cho được Phương khi biết tin nàng đang bị ung thư trầm trọng. Mấy năm gần đây nàng dọ hỏi, nhắn tìm cho được Hạnh, khi nghe biết được hoàn cảnh của Hạnh. Phương và Hạnh có liên hệ với chồng. Cũng là những người bạn, người quen của Thu Mây hàng chục năm chưa gặp lại.

Năm kia về Cali có người cho địa chỉ. Thu Mây vội gửi thư cho Hạnh. Thư không hồi đáp. Năm sau, Thận, người bạn thân bên Đức về Huế ở chơi mấy tháng. Trầm nhờ kiếm tìm. Chỉ tuần sau Thận cho biết không có ai là Hạnh ở đó. Hắn còn cho biết, là đã nhờ công an khu vực, nhưng chịu thua.

Năm tháng cứ thế mà tuột đi. Quả đất xoay vần thiên thu vẫn vậy. Càng già càng thấy năm lụn tháng chầy sao quá nhanh. “Cười với nắng, một ngày sao chóng thế. Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng?” (Thơ Tuệ Sĩ). Không buồn nhưng cũng thoáng bâng khuâng. Chuyện của Hạnh cũng mờ quên.

Năm rồi nghĩ việc, nghe lời dụ dỗ của Thu Mây, Trầm theo vợ trở về quê xưa. Thật ra, sau hàng chục năm xa cách, ám ảnh của ngày tháng cũ, Việt Nam quê hương vẫn chưa phải là lời mời gọi quay về. Trầm trở về với dự định không thăm viếng nhiều anh em bà con bạn bè. Tuy biết rằng sẽ bị hiểu lầm và chê trách. Tâm nguyện là về Huế sau gần hơn bốn mươi năm. Về để gục đầu quỳ lạy, thắp nén hương trước bàn thờ và mộ của mạ. Mạ già bệnh, chết cô đơn lúc Trầm đang bị giam đày tận Sơn la, Bắc Việt.

2.

Trầm trở về Saigon đúng trước ngày bầu cử quốc hội.

Cờ, biểu ngữ, bích chương đỏ loét treo đầy la liệt. Treo ngang đường lớn, đường nhỏ. Hàng hàng lớp lớp. Treo phủ mặt tiền trụ sở, cơ quan, nhà hàng, cửa tiệm. Chưa đủ. Treo dọc thân cây, treo xuôi cột đèn. Sau mấy trận mưa. Nhòe nhoẹt. Cái rách, cái đứt giây lũng lẵng, đu đưa theo gió. Một thành phố đông đúc, hỗn độn, ồn ào.

Trong cái hỗn độn xô bồ chen lấn của đường phố, chẳng còn đâu bóng dáng của những người đẹp. Các cô, các bà, các em nhỏ, mặt trùm kín, chỉ hở đôi mắt. Tay mang bao tận khuỷu, dưới cái nóng bức, ngột ngạc khủng khiếp của những ngày đầu hạ.

Sau ít ngày, vợ chồng Trầm bay về Huế.

Trầm thấy lại niềm vui xúc động của chốn quê nhà và thâm tình ấm áp thủy chung của bạn cũ. Chuyện mồ mã cha mẹ cũng đã lo xong. Những giòng nước mắt tuôn tràn trước ảnh thờ và mộ mạ, như gột rửa những muộn phiền, ân hận ray rứt. Trâm thấy nhẹ người. Một cảm giác lần đầu tiên có được sau ngày mất mẹ.

Lan và Loan, hai người bạn nối khố dễ thương của Thu Mây, mời ăn trưa tại nhà, giữa khu vườn cây xanh mát trong thành nội gần cung vua. Nhà hương hỏa của ông nội Lan, vốn là nhất phẫm triều đình. Chưa đúng mùa, Lan cũng tìm mua được cá Sòng tươi về kho với cà chua nhỏ tròn, ớt chìa vôi và ăn với bún. Món ăn bình dân mà ngon tuyệt. Nhớ Huế, Trầm nhớ nhiều thứ. Nhưng thức ăn Huế, thì chỉ tương tư món này. Những thứ khác đâu mà không có. Bún bò ở Cali ngon còn gắp mấy lần ở chốn cố đô, nơi ngọn nguồn xuất phát.

Bữa ăn đầm ấm, thân tình và cảm động. Trong giòng đời xuôi ngược, giờ đây có những giờ phút mi tau, ôn lại, kể lại những kỷ niệm xưa, nhắc tên bạn cũ. Hạnh phúc và may mắn biết bao. Nhìn Thu Mây và hai chị bạn cười nói hồn nhiên, Trầm thấy họ vẫn trẻ trung như thuở xuân thì. Theo yêu cầu của vợ chồng Trầm, Lan chỉ mời thêm Thụ, nhà giáo về hưu. Bạn học thân nhất của Trầm và cũng là bạn đồng môn, đồng nghiệp của chồng Lan, chồng Loan. Hai người đã mất vì bạo bệnh.

Trầm hỏi Thụ về tông tích của Hạnh. Không phải riêng hai đứa, mà những thằng bạn cùng lứa đều biết Hạnh. Không chỉ vì nhan sắc mà vì Đặng, người chồng đầu tiên của Hạnh là bạn học cùng lớp. Hơn nữa, vì cuộc tình vỡ nát đau thương của họ. Đặng tử nạn thê thãm khi Hạnh sinh đứa con đầu lòng.

Thụ hăng hái. “Được. Sẽ tìm ra. Mình không biết Hạnh ở đâu. Nhưng thằng con trai của Đặng và Hạnh, chuyên viên học ở Đông Âu về, đang làm lớn Ủy ban Thành Phố.” Như sực nhớ ra, Thụ nói thêm. “Vợ của thằng này là bác sĩ, có phòng mạch gần đây. Mình sẽ hỏi và gọi về khách sạn cho Trầm tin tức.” Thụ cười vui tự tin. “Chắc chắn tìm ra.”

 3.

Chiều về. Nắng nhẹ. Gợi nhớ những ngày xưa.

Thu Mây chỉ ước được cùng chồng từ khách sạn thong thả dạo bước dọc theo đường phố. Băng qua cầu Tràng tiền nhìn giòng sông Hương êm đềm, rì rào muôn thuở. Sẽ xuôi theo Trần Hưng Đạo, dọc về Gia Long. Những đường cũ thân quen. Về ngang ngôi nhà ở. Nơi Trầm đã tỏ tình và từ đó nàng tận tụy gắn bó, chịu thương chịu khó theo chồng cho đến bây chừ. Chỉ rứa thôi mà không được.

Hôm qua hai đứa mới ra khỏi khách sạn đã có hàng chục xe xích lô, xe thồ ào tới nài nĩ ép mời. Trầm cương quyết nắm tay vợ dẫn đi. Một anh xích lô không chịu bỏ cuộc. Rề rề bên cạnh, ĩ ôi. Con đông, vợ yếu. Công an vừa phạt, trấn lột hết tiền mua gạo mua rau. Thu Mây mũi lòng. Chịu thua. Đành kéo chồng lên xe chạy vòng vo tam quốc.

“Gọi phôn đi anh.” Thu Mây nhắc chồng. Thụ đã cho số điện thoại của Hồng, con dâu của Hạnh. Sáng nay Thu Mây nói với Trầm. “Hạnh có con trai làm lớn. Con dâu bác sĩ. Rứa mà lâu ni em cứ thương cho nó lao đao khổ cực. Đúng là lo tào lao. Nghe tin đồn bậy.” Trầm bốc điện thoại. Bên kia đầu dây có tiếng trả lời, giọng Thanh Nghệ pha Huế rất khó nghe.

“Tôi là Bác sĩ Hồng nghe đây.”

“Chào cháu. Bác xin hỏi. Có phải cháu là con dâu của bà Hạnh không?”

Tiếng trả lời ấp úng.

“Nhưng cháu xin lỗi. Bác là ai ạ?”

“Vợ chồng bác là bạn thân của mẹ cháu, ở Mỹ về, muốn đến thăm. Cháu cho bác địa chỉ và số điện thoại để hai bác nói chuyện và hẹn gặp.”

“Dạ...Dạ…Dạ. Cháu không biết chỗ ở của me Hạnh. Và chắc nhà me Hạnh không có điện thoại đâu.”

Trầm chưng hững. Lấy làm lạ. Hay là họ không muốn gặp. Con mà không biết chỗ ở của mẹ. Vô lý. Trầm kiên nhẫn.

“Thế có cách nào liên lạc được với mẹ cháu không?”

“Cháu cho bác số điện thoại của thầy Tuệ ở chùa Quy Giác. Thầy Tuệ sẽ dẫn hai bác tới nhà me cháu.”

Vừa ghi vội số phôn, chưa kịp hỏi thêm thầy Tuệ là ai, thì đầu kia đã gát máy.

Thu Mây theo dõi. Tròn xoe đôi mắt.

“Lạ thật. Thôi thì mình cứ gọi chùa Quy Giác.”

Hôm sau. Theo thói quen, hai vợ chồng thức dậy sớm. Trời chưa sáng tỏ, ngoài đường đã lát đát người đi. Thu Mây giục Trầm gọi chùa Quy Giác.

“Còn sớm quá mà em. Người ta còn ngủ chưa dậy đâu.”

“Ở chùa mấy thầy dậy công phu từ khuya. Ở đó mà ngủ.”

Trầm theo lời.

“Alô. Dạ thưa ai đó mà gọi sớm rứa hí ?”

Giọng Huế nguyên si. Vui, trẻ. Rất nhẹ và êm tai. Dễ chừng đã lâu lắm mới nghe lại.

Trầm thấy vui.

“Dạ thưa cho tui nói chuyện với thầy Tuệ.”

“Dạ. Dạ. Tui là Tuệ đây. Ai rứa hè?”

“Vợ chồng tui bên Mỹ về. Muốn đến thăm bà Hạnh là bạn rất thân mấy chục năm không gặp.”

Tuệ thân mật.

“Dạ cháu xin chào hai bác. Mà ai cho số ni rứa. Hai bác về lâu mau rồi. Bên Mỹ hai bác ở mô?”

Trầm giải thích và nhắc tên thành phố mình ở.

“Rứa há. Dạ chiều ni cháu đợi hai bác ở chùa. Cháu sẽ cho me cháu biết để đón hai bác.” Tuệ dăn dò.

“Không có người nhà thì gọi taxi. Nói chùa Quy Giác thì đứa mô cũng biết. Cứ rứa bác hí. Cháu chào bác.”

Thu Mây thích thú.

“Em biết rồi.”

Trầm ngơ ngác hỏi.

“Biết gì?”

“Tuệ là con chồng sau của Hạnh, đang tu ở chùa Quy Giác. Đúng không?”

“Ừ nhỉ.”  

4.

Tới dốc Nam Giao. Chiếc xe Taxi theo con đường nhỏ hẹp quanh co, được tráng xi măng sạch sẽ. Nơi đây không biết bao lần, Trầm và Thu Mây đã từng đạp xe, bên nhau hò hẹn. Sóng đôi trên những dốc đường thuở còn là đất đỏ. Bây giờ trở nên xa lạ, chẳng nhận ra. Chùa Quy Giác nằm xa đường lộ nên khó tìm. Qua cửa tam quan, sau một sân gạch rộng sạch là ngôi chùa rất đẹp. Kiến trúc thanh thoát và được chăm lo chu đáo. Lạ thật! Sinh trưởng ở Huế, các chùa chỗ nào mà không biết. “Tại sao mình chưa hề biết chùa này?” Trầm quay sang hỏi vợ. “Em cũng chưa hề đặt chân.”

Đang ngắm chùa ngắm cảnh, giật mình nghe tiếng chào đon đã.

“Thưa hai Bác. Con là Tuệ đây.”

“Chào thầy Tuệ. Chùa lớn và đẹp quá. Bác biết lần đầu.”

“Cám ơn bác. Chùa ni do mấy cụ thượng thư đời Nguyễn khi về hưu chung lập để phụng thờ tiên tổ, gia tộc.”

“Hèn chi to lớn quá.”

Trong bộ áo nhà tu, Tuệ còn rất trẻ, dáng thư sinh. Ăn nói nhỏ nhẹ.

“Hai bác không cần giữ taxi lại. Vào nhà me con, xe đi không được. Con dẫn hai bác đi bộ chỉ mấy phút. Khi mô về con gọi, chỉ năm mười phút là có xe ngay.”

Xoa cái đầu trọc, Tuệ cười hiền lành.

“Bây giờ Huế mình văn minh lắm. Không như lúc trước mô.”

Tuệ nhìn khách rồi khen.

“Hai bác coi còn trẻ và khỏe. Việt kiều có khác.”

Thu Mây thân mật.

“Trẻ chi nữa. Tra nậy hết rồi thầy ơi.” 

Đi thong thả bên nhau, trên con đường làng rợp bóng cây. Vườn tược xanh um. Thấp thoáng những ngôi nhà tranh nhỏ nghèo. Tuệ buồn kể nổi gian truân của đời mẹ.

“Vợ chồng anh trai, con của ba Đặng người chồng trước, giàu có tiếng tăm nhưng chưa lần nào đến thăm, nói chi đến việc giúp đở me. Ba của con, chồng sau, là sĩ quan của miền Nam. Sau Bảy Lăm đi cải tạo, lúc con còn rất nhỏ. Khó khăn thì không riêng me con. Ai cũng rứa. Có người còn khổ hơn. Nhưng trong đầu óc non dại, con còn nhớ về nổi đọa đày cay nghiệt của bà nội dành cho me. Hành hạ, đay nghiến, đánh đập, không thiếu chi. Bên nội thì rứa. Bên ngọai cũng chẳng ai đở đần. Khi lớn lên có suy nghĩ, con thương me mà không biết làm răng để giúp. Cho đến khi được thầy nhận làm đệ tử, con vào tu ở chùa. Trước là cứu con, sau là cứu mẹ. Ba con về, vượt biên qua Mỹ. Thời gian đầu còn đôi lần liên lạc. Sau đó cũng xa lánh luôn. Con thưa thật với bác. Giờ này nếu ông có về nhận, con cũng từ chối”.

Giọng nói uất nghẹn cay đắng. Đã vào tu chùa, nhưng Tuệ còn quá trẻ để vượt qua nỗi oán giận sân si, khi vết thương sâu hằn khơi mở. Phần khác. Oán giận cha là vì quá thương cho cuộc đời bầm dập, tủi nhục của mẹ. Cảm thông sẻ chia, vợ chồng Trầm lắng nghe. Nỗi buồn thương chất chứa của Tuệ tan loãng theo gió chiều.

Tuệ, qua lúc trầm uất. Khoe.

“Hai Bác biết không. Lạy Phật. Đang khi me con bơ vơ không có nơi ăn chốn ở nhất định, có bổn đạo thương cắt cho mảnh đất vườn trong xóm. Mệ ngoại mất. Các cậu bán đất chia cho được ít tiền. Vay mươn thêm rồi cũng đủ để cất cái nhà nhỏ cho me con có nơi chun ra chun vô. Me con bây giờ tu tại gia. Ăn chay trường. Sớm tối kinh kệ. Đi chùa làm công quả. Sinh kế thì làm nhang bỏ cho mấy chùa quen thương tình giúp đở, lấy tiền sống qua ngày. Vật chất tuy có chật hẹp. Nhờ tin tu theo Phật, nên tâm hồn cũng đã thanh thản phần nào.”

Chỉ tay về phía cuối ngõ.

“Nhà me con đó. Hình như me con đang đứng chờ hai bác.”

5.

Sững sờ.

Không một nét vẻ nào còn giữ trên khuôn mặt, để Trầm có thể nhận ra người đứng trước mặt là Hạnh. Một cô gái đẹp, thân hình cân đối của độ xuân thì thuở nào quen nhau. Một bà già móm mém, tóc bạc, khắc khổ , lùng thùng trong bô áo quần ngắn màu khói hương nhà chùa. Hạnh, đứng trên hàng hiên ngôi nhà nhỏ đón vợ chồng Trầm. Qua ánh nắng chiều, xuyên rọi hàng cau trước ngõ, Trầm xúc động nhận ra nét lung túng trong đôi mắt hỏm sâu phủ đầy nếp nhăn.

Vợ Trầm chừng như cũng đang nén thương cảm. Run giọng.

“Hạnh có nhớ ai đây không?”

Mắt trố nhìn. Mấy ngón tay vỗ nhẹ lên trán. Suy nghĩ. Rồi òa lên.

“Lê. Lê. Đúng rồi!”

“Không phải Lê. Quên mình rồi há.”

Hạnh dậm chân.

“Tức thiệt. Quen lắm mà không nhớ ra. Để coi. À! Thu Hương.”

“Không phải.” Hạnh mất tự tin, ngập ngừng nhắc thêm mấy tên nữa đâu đâu. Trầm không thể chịu đựng chờ thêm. Vì nhận ra rằng. Không những tiều tụy về thân xác mà trí nhớ Hạnh cũng tê cứng qua những đoạn trường.

Trầm cố cười lớn. Vui vẽ.

“Thu Mây đó. Nhớ chưa?”.

Ky ức của những ngày đẹp cũ thoáng ngợp về. Hạnh xô tới ôm quàng người bạn gái thân thuở học trò . Khóc rưng. Mừng rỡ.

Trầm chỉ vào mình.

“Còn ai đây?”

“Anh Ngân?”

“Tầm bậy. Ngân đâu mà Ngân.”

Ngân cũng là bạn chung của họ ngày xưa. Người trước đây đã cho địa chỉ Hạnh. Trầm nhắc tuồng.

“Chồng của Thu Mây là ai. Bộ không biết há?”

Như sực nhớ ra, hai tay vỗ nhẹ vào nhau.

“Anh Trầm. Anh Trầm. Anh Trầm!”

Hạnh hét lớn trong nước mắt. Nhận ra Trầm, người đầu tiên trong đời Hạnh thổ lộ tình yêu một chiều và hụt hẫn bị khước từ.

Sau gần nửa thế kỷ với bao nổi cay chua đắng xót của mỗi đời người, họ gặp lại nhau. Không chỉ riêng Hạnh, mà bao nhiêu người khác, trong đó có cả Thu Mây, cũng ê chề cũng đắng cay chịu đựng những năm tháng đăng đẳng vắng thiếu chồng trong chiến tranh và sau ngày mất nước. Những người vợ, người mẹ một đời tận tụy và một thời tiều tụy.

Có khác chăng, hầu hết bạn bè thuở đó của Hạnh, dù còn trong nước hay đang ở bên ngoài, giờ đây ai nấy cũng phần nào ổn định. Con cái đã lớn và có sự nghiệp. Hay ít ra cũng có công ăn việc để lo cho mẹ. Không còn phải chạy lo từng bữa ăn. Và. Thui thủi còng lưng trên chiếc xe đạp, bán từng bó hương nhang kiếm sống như Hạnh bây chừ. Nhìn Thu Mây và Hạnh bên nhau. Bạn bè cùng lứa, mà bây giờ như thể cách nhau khá xa về tuổi tác. Trầm lặng nhìn, ngậm ngùi thương xót.

Lúc giả từ, Thu Mây tế nhị gửi Hạnh ít tiền. Hạnh cảm động mếu máo khóc. Xoay qua Tuệ, xòe mấy tờ đô la mới khoe. “Me trúng số. Đang lúc không biết chạy đâu ra tiền để bắt ống nước. Lạy Phật. Cám ơn anh Trầm và Thu Mây.”

6.

Theo Trầm ra trước hàng hiên. Như đã chuẩn bị, Tuệ ngần ngại đưa Trầm coi tấm hình cất kỷ trong bao thư nhận.

“Ông ta đó.”

“Tưởng ai. Bác biết ông này. Ở cùng thành phố với bác bên Mỹ.”

“Con biết. Con hỏi bác ngay từ khi bác gọi tới.”

Trầm vỡ lẽ. Trong câu chuyện, Hạnh ngạc nhiên vì Tuệ nói với vợ chồng Trầm rất nhiều về cha và vui vẽ tiếp đón đưa về gặp mẹ. Chuyện lạ. Thì ra Tuệ chừng đoán ra, nếu đã ở cùng nơi, bác Trầm tất biết cha mình. Lời tâm sự biết đâu cũng là lời nhắn gữi.

Nói với Hạnh nhưng cũng là lời hứa với Tuệ.

“Anh về, sẽ gọi và cho ba Tuệ biết.”

“Không cần. Không cần đâu bác.” Tuệ ấp úng.

Trầm hiểu ngay, đó là những phản ứng giận lẫy. Từ đáy cùng sâu thẫm, Tuệ cũng tha thiết muốn gặp cha. Và Hạnh, trong chuổi ngày dài năm tháng, cũng khắc khoải mong biết tin chồng.

Về tới Mỹ, Thu Mây bàn với Trầm làm bữa cơm gia đình, mời chồng Hạnh tới để kể về lần gặp gỡ. Còn giải quyết như thế nào thì không bàn tới. Đèn nhà ai nấy tỏ. Trầm biết, thời gian sau này sức khỏe của chồng Hạnh hình như có khó khăn nên rất ít gặp. Biết anh ấy, nhưng không thân. Từ lâu nghe đâu anh cũng chỉ sống một mình.

Gọi cho Niên, người bạn ân nhân đã bảo trợ cho chồng Hạnh vào Mỹ, để xin số phôn. “Đừng gọi. Vô ích. Tớ đây mà hắn cũng không trả lời. Hắn không tiếp xúc với ai hết từ ngày về Việt nam cưới và đem vợ trẻ qua.” !!!

Lần khân chưa biết phải trả lời với mẹ con Tuệ như thế nào. Năm tháng lại cứ thế mà qua nhanh. Một xuân mới nữa cận kề. Thu Mây đang nhờ bạn đem quà Tết về cho Hạnh thì nhận được điện thư của Thụ gửi qua cho biết. Người con trai duy nhất của Hạnh và Đặng vừa qua đời đột ngột vì bạo bệnh.

Lời hứa trước hiên nhà với Hạnh, với Tuệ, trong buổi chiều hè muộn…Cuối cùng cũng đành gữi gió bay về Quy Giác. Và rồi. Với những đau buồn mất mát không ngừng, đời Hạnh cứ thế theo năm tháng lụi tàn.

 

Ninh Hạ

NINH HẠ - NGUYỄN ĐỨC TÂM

Tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh tại Huế

HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI
Nguyên :

- Giám Đốc Điều Hành Cơ quan Dịch vụ Xã hội cho Di Dân và Tị nạn (Á, Phi, và Âu châu) tại Illinois.

- Ủy Viên các Hồi Đồng Cố Vấn về Á-Mỹ Sự Vụ (Advisory Council on Asian American Affair) của:
+ Thị Trưởng Thành Phố Chicago,
+ Bộ Trưởng Nội Vụ Tiểu Bang Illinois (Secretary of State),
+ Biện lý Cook County State (Cook County State's Attorney).

- Ủy viên Hội đồng Quản Trị Liên Hội Quốc Gia NAVASA (National Alliance of Vietnamese American Social Service Agencies).

- Ủy viên HĐQT Tổ chức bảo vệ người Tị nạn, Di dân ICIRR (Illinois Coalition for Refugees and Immigrants Rights).

- Hội viên CAAELII (Coalition of Asian-African, European and Latino Immigrants of Illinois).


Được trao tặng  "Vision In America Award" 2004  của International Channel Networks

BÁO CHÍ - TRUYỀN THÔNG
Nguyên :

- Chủ bút báo Người Việt Illinois.

- Trưởng biên tập thời sự Windy City Weekly Magazine Radio 88.7 FM.

- Cộng tác với các báo Thế Kỷ 21, Văn Học...(Hoa Kỳ).  Trang mạng Talawas, Phù Sa...

ĐÃ XUẤT BẢN :

- Cơn Giông Ngày Về, Văn Mới (Hoa Kỳ) 1999.

- The Silver River, Steck Vaughin 1994.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.