.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)
 CHUYÊN MỤC

Giáo dục

Chính luận

Diễn đàn tự do

Bút Việt hồn quê

Đời sống quanh ta

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 

 

  Phan Quân

Hạnh phúc

  • 11.12.2006

Một chiều chúa nhựt buồn của tháng sáu năm "Sập Tiệm 1975". 

Một túi ba-lô trên lưng, một chiếc chiếu cầm tay, tôi đến khu đại học xá Minh Mạng để trình diện tập trung "học tập cải tạo" cùng với những người sau chót của ngày cuối cùng theo kỳ hạn ấn định của ủy Ban Quân Quản Thành Phố. Vì là những người trình diện vào phút chót nên mười chín người chúng tôi họp thành một B thay vì hai mươi bảy theo như quy định.  

B-Trưởng của chúng tôi là một người da ngâm đen, vóc dáng thấp nhưng tròn trịa nên có vẻ hơi lùn. Tóc hớt kiểu bàn chải, hai mắt lồi, tròng trắng có những đường gân máu đỏ chạy ngoằn ngoèo như mắt người ghiền rượu. Tôi nói thầm:"Cha nầy chắc chẳng vừa! Người tin cậy gì đây của 'tụi nó', mới được chỉ định làm 'chức sắc' trong tù". Kết luận tạm thời là nên đề cao cảnh giác. Anh ta làm B-Trưởng, như vậy có nghĩa là bắt đầu từ giờ phút đó chúng tôi phải tuân hành những lịnh gì của anh ta ban ra. Vốn thấm nhuần quân phong, quân kỷ hơn hai mươi năm qua, chuyện đó chẳng có gì khó khăn. Vả lại, đã là thân tù tội rồi thì sao mà chẳng được.

Về đến điểm tập trung đầu tiên ở Long Giao, tôi bắt đầu ghi nhận tài B-Trưởng của anh ta. Nào sắp xếp chỗ nằm, nào phân chia công tác thu dọn nơi ăn chốn ở cho B-9 - danh hiệu của B chúng tôi - nào giải quyết những khó khăn linh tinh, nhứt định phải có đối với những "ngài sĩ quan cao cấp" đi tù, và trăm chuyện nghìn điều ngổn ngang khác. Là B-út, và trong tinh thần "giàu út ăn, khó út chịu" chúng tôi được chia cho một gian nhà cây, lợp tôn khoảng mười sáu mét vuông, một căn nhà trước kia có lẽ là "tư gia tiền phương" của một sĩ quan cấp tá nào đó thuộc Sư Ðoàn 18.

Thoạt tiên, nhìn thấy căn nhà ai cũng hỡi ôi! Một căn nhà trên một căn cứ quân sự, sau hơn bốn mươi lăm ngày "nhân dân ta làm chủ" thì chỉ có những gì nhân dân chê mới còn lại đó. Như một vùng đất phía bại trận trên chiến trường! Vật chất thì tan thương, còn tinh thần thì những "ngài đại tá" vừa mới từ bỏ nếp sống có kẻ hầu người hạ hôm qua nay lại phải chạm trán với thực tế phũ phàng rồi. Vậy mà, sau khoảng nửa giờ điều động và đốc thúc của anh ta, khu ăn nằm của B-9 đã có thể coi như là tạm được.

Ðiểm nổi bật nhứt của anh ta xuất hiện trong phiên làm bếp của B-9, nấu cho khoảng một trăm năm mươi người ăn. Chân ướt chân ráo vừa đến nơi, thu dọn nơi ăn chốn ở vừa xong, mồ hôi chưa kịp ráo thì đã có lịnh bắt tay làm nhiệm vụ hỏa đầu quân, dưới tên gọi mới khá chướng tai của mấy bộ đội canh tù là "anh nuôi". Lần đầu tiên trong đời phải lăn vào bếp nấu nướng nên khi B-9 nhận "nhà bếp" với hai cái chảo đụng to tướng, lòng tôi thấy hãi hùng! Món ăn chính là cơm mà nấu không xong thành một chảo ba tầng, dưới khét, giữa nhão, trên sống thì chắc là chỉ có nước độn thổ. Qua tư thế lãnh đạo của mình, anh B-Trưởng chúng tôi phải đứng ra làm đầu bếp chính, giải quyết mọi vấn đề gay go, từ nhận gạo ở kho "hậu cần" đến chuyện một con gà chưa đầy hai kí cho trên dưới một trăm năm mươi thực khách, xuyên qua việc tìm chất đốt. Ấy thế mà anh ta cũng thắng được cuộc thử thách đầu tiên đó và đương nhiên xác định tư thế B-Trưởng của mình.

Qua buổi sinh hoạt đầu tiên của B, mỗi thành viên trong tổ bắt đầu có dịp biết được quá khứ của nhau trong cái gọi là "kê khai sơ yếu lý lịch". Mặc dù cùng là đại tá nhưng trước kia mỗi người một vị trí, nay mới tụ tập lại đây nên ít có điều kiện biết nhau. Dưới sự "chủ trì" của một cán bộ trại - một bộ đội không rõ cấp bực vì không một ai mang quân hàm cấp bực - các tổ viên tuần tự trình bày tướng mạo và quân vụ của mình, trước là để cho cán bộ kia "nắm được học viên cải tạo" và sau là để cho các thành viên trong B biết lẫn nhau.

Anh ta là một đại tá bộ binh từng chỉ huy trung đoàn, qua một cuộc đời binh ngũ "ba chìm, bảy nổi, chín cái lênh đênh" trước khi lọt bẩy cộng sản. Không phải như cá nhân tôi làm cái nghề mà cán bộ cộng sản gọi là "giặc lái". Mấy ngày sau buổi sinh hoạt nhận diện nhau đó, anh ta gọi riêng tôi ra thỏ thẻ, chủ yếu cho biết rằng trong B này chỉ có anh ta và tôi thuộc thành phần Liên Trường, một hội đoàn quy tụ những cựu học sinh của các trường trung học miền Nam trước kia. Anh ta xuất thân Collège Lemyre de Villers, trường trung học Mỹ Tho, còn tôi, Lycée Pétrus Ký, trung học ở Sài Gòn. Sau tiết lộ đó, anh ta nói thêm:

- Cuộc hội ngộ thật bất ngờ và lý thú!

Tôi vô cùng phân vân, không hiểu ý anh ta muốn gì, vì trong hoàn cảnh đó mà liên kết với những hội đoàn cũ là không hợp lẽ, chưa kể đến mức độ nguy hiểm cho bản thân mình. Nghe đó thì để đó. Lòng đã dặn lòng phải đề cao cảnh giác, tôi càng e ngại hơn nữa đối với anh ta, chờ đáp số của thời gian.

Thế rồi, một ngày nọ anh ta lại đưa nỗi lo ngại của tôi lên một nấc nữa:

- Ê, có muốn nhắn tin về nhà không?

Làm sao có được chuyện ly kỳ như vậy? Mới đi tù, mọi đường liên lạc đều bị cắt đứt mà lại có chuyện muốn hay không muốn liên lạc với gia đình là sao? Nỗi hoài nghi trong lòng tôi về hành tung của B-Trưởng lại có thêm một yếu tố để xác nhận rằng anh ta phải là "gì đó của cộng sản". Nhưng đề nghị hấp dẫn quá nên tôi cũng liều mạng nhắn tin về nhà qua đường dây của anh ta. Dĩ nhiên là nội dung tin tức nhắn gởi phải mang tính cách vô thưởng vô phạt, nếu chẳng may bị trại chận bắt được. Ấy thế mà tin đi thì có tin lại và mọi chuyện đều êm xuôi.

Qua kỳ nhắn tin đó, mối liên lạc giữa hai người chúng tôi lại tăng thêm một độ vì anh ta biết rằng vợ tôi và anh ta là bạn cùng lớp ở trung học Mỹ Tho. Lần hồi, tình cảm giữa anh ta và tôi càng thêm thân thiết.

Dò hỏi bạn bè, tôi biết thêm về dĩ vãng "động trời" của anh ta trong quảng đời binh nghiệp. Lợi dụng thời chiến tranh khói lửa, anh ta đã từng "bán Trời không mời Thiên Lôi" nên vào ngày ba mươi tháng tư khó quên đó, anh ta đã thay đổi vị trí từ quân lao Gò Vấp sang trại cải tạo. Vì vậy mà B-Trưởng chúng tôi dẫy đầy kinh nghiệm tù đày. Nhờ đó, anh em tổ viên B-9 có được khá nhiều thuận lợi hơn những B khác.

Theo diễn tiến của tình hình, sau hai lần chuyển trại trong vòng một năm ở miền Nam, chúng tôi bị đưa ra miền Bắc dân chủ cộng hòa để gọi là "học tập thuận lợi và tốt hơn", theo cách nói của cán bộ trại. Ở trại miền núi Hoàng Liên Sơn, anh ta và tôi không còn thuộc cùng một B như lúc ở trong Nam nữa, nhưng mỗi người ở một đội "cơ động" khác nhau. Ðội cơ động là bộ phận tù nhân phải đảm trách những công tác nặng nhọc hơn hết của trại, như đi rừng lấy cây, lấy tre, lấy tranh cất nhà ở, lấy củi để nấu bếp hoặc bắt heo từ trên giao về bỏ chuồng nuôi cho trại hay khiêng vác linh tinh.

Một thời gian ngắn sau đó, không biết anh ta đã len lỏi cách nào để được đưa vào đội nhà bếp. Những năm thiếu đói trong tù cải tạo mà được "biên chế" vào đội "anh nuôi" là kể như thuộc hạng người đẻ bọc điều. Ở vị trí đó, chỉ cần một vài nắm cơm cháy vét chảo thôi cũng đỡ thấy đói hằng ngày. Trong khi mỗi người trong trại chỉ có một vài khúc khoai mì điểm tâm thì các thành viên trong đội anh nuôi kia lại được "ăn sắn đến ngấy cả người"!

Một bó tre khoảng mươi cây, dài hai mét rưỡi, to tròn cả một vòng tay ôm, nằm nặng trĩu trên vai tù mà trời đã xế trưa. Bụng tù bắt đầu cồn cào vì mấy củ khoai mì lót dạ từ năm giờ sáng đã tiêu tan từ lâu và cả lon Guigoz nước tống vào cũng không ăn thua gì. Ðoàn tù cải tạo thi nhau chạy rút, không buồn ngừng lại ngồi nghỉ, vì tâm tư họ chỉ nhìn thấy hình bóng tô cơm trưa đang chờ mình ở trại. Bộ đội cảnh vệ không cần phải thúc hối, tù cũng cứ cắm đầu chạy vội, chạy vàng hướng về phần cơm tiêu chuẩn của trại, dù ít oi nhưng đầy sức hấp dẫn. Với hai tô cơm trong ngày, cộng sản đã điều kiện hóa tù cải tạo một cách khá khắt khe.

Liệng bó tre xong, ghé ngang suối rửa vội đôi tay, đôi chân và cái bản mặt trông chẳng giống ai, nhóm tù tạt ngang qua nhà bếp, mỗi mâm ăn bưng một thau cơm về láng chia ra làm sáu phần, mỗi "suất" ngang miệng một tô đựng canh. Một phần cơm cá nhân ăn rồi vẫn thấy thiếu, vẫn còn thòm thèm. Ăn xong như chưa ăn, còn thấy đói hơn trước khi ăn, như chừng phần cơm chỉ có tác dụng kích thích bao tử. Tiêu chuẩn cơm nuốt vừa khỏi cổ thì dạ dày như muốn đòi hỏi phần cơm chiều. Nhưng lấy đâu ra?

Ấy thế mà thỉnh thoảng, trên đầu giường tôi lại có được một lon cơm, nằm dưới một cái nón úp lên trên. Những hôm như vậy, quả thật, cuộc đời, ôi sao mà đẹp! Thì ra trong cuộc sống, đôi khi cái làm cho con người thấy được hạnh phúc chỉ là một chút gì nhỏ nhoi thô sơ. Ðó là món quà của anh ta, người bạn Liên Trường và cựu B-Trưởng của tôi.

Chẳng bao lâu sau, chúng tôi lại chuyển trại vào sâu hơn trong rừng rậm ở đầu non, ngọn suối. Trại nằm trong một vùng thung lũng, bao quanh là núi cao sừng sững nên chiều về rất sớm và đêm xuống cũng rất nhanh. Sinh hoạt trại chấm dứt sau bữa ăn chiều thì mặt trời đã khuất sau dãy núi xây thành quanh trại. Như đàn gà ăn chưa đủ no còn lang thang ở sân chuồng để kiếm thêm những miếng mồi cuối cùng trong ngày, đoàn tù chúng tôi ngất nga, ngất ngưỡng lanh quanh trên sân trại mà đầu óc cứ xoay quanh miếng ăn ngày mai.

Tôi đang thơ thẩn thì một cánh tay choàng lấy vai tôi và tôi cảm thấy một chút gì âm ấm trong túi áo. Giọng anh ta nói nhỏ bên tai tôi:

- Chúc "toi" ngủ ngon đêm nay.

Thế rồi anh ta lặng lẽ đi về hướng buồng ngủ của đội nhà bếp, không ngoảnh đầu nhìn lại, như một điệp viên sau khi trao xong mật thư. Tôi thò tay vào túi thì biết là mình vừa được tặng một củ khoai mì khá to! Lòng tôi bổng nhẹ lâng lâng, nhưng không dám có thái độ khác thường. Cứ thản nhiên rảo bước nhưng tâm tư tôi ao ước sớm có được một giây phút riêng tư để thưởng thức nỗi niềm hạnh phúc lớn lao với củ khoai mì mà, những ngày trước tháng tư bảy mươi lăm, tôi coi chẳng có là bao.

Có những lúc con người coi thường những gì mình có, đến chừng mất đi rồi mới ý thức được chân giá trị của nó. Một củ khoai mì bé nhỏ trong một kiếp người mênh mông. Một cái gì tuy tầm thường nhưng lại là vĩ đại trong mối cảm tình Liên Trường ở cõi tù đày!

Một lần khác, tôi vừa liệng bó củi xuống sân nhà bếp trại thì anh ta từ trên bếp vội vả chạy xuống, giả vờ đi lấy nước ở giếng. Khi qua ngang tôi anh ta khẽ bảo:

- Ðầu giường "moi" có quà cho "toi".

Tiếp nhận được "thông điệp" đó, tôi hiểu ngay nội dung. Tắm rửa xong ở suối, ăn mặc tươm tất sạch sẽ vì đã hết ngày lao động, tôi tạt ngang giường ngủ của anh ta. Bên dưới cái gối là một lon sữa bò đựng thịt trâu luộc. Gần như một pho tàng trong những ngày hiếm chất béo ở trại cải tạo đó!

Tôi bình tĩnh đưa lon thịt đi tìm một góc hoang vắng để tiêu thụ mà không sợ ai bắt gặp. Nếu chẳng may chuyện đổ bể ra thì cả anh ta lẫn tôi đều bị kỷ luật và anh ta mất vị trí tổ viên trong đội "anh nuôi", một tư thế có nhiều người mong muốn. Trong vội vả, anh ta đã cho tôi thịt mà không có muối mắm gì hết. Tuy thiếu chất béo nhưng thịt trâu lạt không phải là dễ nuốt! Ấy vậy mà ngon vô cùng!

Từ những ngày còn bé, cha mẹ tôi thường dạy rằng:"Nhà mình theo đạo Phật, không ăn thịt trâu, thịt chó vốn là những con vật có nghĩa có tình." Thế nhưng, trong giây phút đó tôi đã bất tuân lời căn dặn của các đấng sinh thành vì nhu cầu dinh dưỡng, vì nhiều lý do khác nữa dù rằng nhịn ăn chút thịt đó chưa hẳn là tôi phải chết đi ngày hôm sau. Thiếu thốn và tuyệt vọng dễ làm cho con người khó chiến thắng được chính mình.

Khi người ta thừa thảy và sung túc, những món quà "có đi, có lại" cũng chỉ là xã giao thường tình, "cho toại lòng nhau", đôi khi chẳng được quan tâm bao nhiêu, thậm chí có lúc còn bị chê bai:"Người như vậy mà quà như thế này à?" Trong tình cảnh tù đày, một chút "gọi là" cũng giá trị như một nhà báu vật. Từ cái tương đối đến cái tuyệt đối, cơ sở của vấn đề không phải ở số lượng và chất lượng sự vật mà chỉ là tình cảm gởi gấm qua sự vật. Nếu như con người cứ mãi ghi lòng tạc dạ điều đó thì trần thế này đã là cõi thần tiên.

Tù mãi rồi cũng phải có ngày tự do, miễn là đừng nằm lại giữa đường lao lý, dù "học tập có tốt hay không tốt". Khi tôi ra trại, anh ta cỡi chiếc xe đạp "cà tàng" đến thăm tôi, nhưng lại dặn dò:

- "Moi" đến thăm "toi" như thế này là đủ rồi, đừng nghĩ đến chuyện đến thăm "moi". "Moi" còn bấp bênh lắm. Về từ 1985, trước "toi" hai năm, nhưng nghiệp chướng còn dài.

Trong thời gian còn ở trại, anh đã về Nam, tôi còn ở lại Bắc, tôi đã được tin anh ta ra trại hồi 1985 nhưng chỉ mấy tháng sau thì bị bắt giam trở lại. Không hiểu vì lý do gì. Có dư luận cho rằng khi anh ta đi "học tập cải tạo" thì ở nhà có một "thằng cối" đến dụ dỗ bà xã hắn sao đó. Nay anh ta về, kỳ đà cản mũi nên lão cán bộ kế thừa làm chồng của vợ anh ta "tạo điều kiện" đưa anh ta đi "nằm ấp" trở lại cho tiện việc sổ sách. Cán bộ cộng sản mà tố giác cựu sĩ quan "ngụy" thì đâu có gì khó khăn. Nếu quả như vậy thì cuộc đời đúng là trăm phần phức tạp!

Từ lúc chiếc xe đạp anh ta khuất bóng sau khúc quẹo cạnh nhà tôi đến nay tôi không có tin tức gì của anh ta nữa. Cố nhân đã biệt vô âm tín, nhưng mối tình Liên Trường và cùng B-9 kia vẫn còn sống mãi một cách mãnh liệt trong lòng tôi, sưởi ấm được tâm tư tôi trong những tháng ngày giá lạnh lang thang trên đất nước của Tự do, Công bằng và Bác ái này để tìm một công ăn việc làm, nuôi tấm thân già trên sáu mươi tuổi đầu, gõ cửa nơi nào cũng gặp một nhận định phũ phàng:"Ở tuổi này, lẽ ra ông đã về hưu!"

Lắm lúc buồn lòng tôi nghĩ rằng giá như bây giờ mình có được nỗi niềm hạnh phúc lớn lao như khi được củ khoai, chén cơm gạo mốc hay lon thịt trâu lạt ngày xưa! Nhưng đã xa vắng rồi, những gì mình không biết nắm lấy! Tiêu chuẩn của hạnh phúc đâu cần phải là những gì cao siêu vĩ đại. Hạnh phúc chỉ là một nhận thức nội tại. Biết mình hạnh phúc là hạnh phúc rồi!

Một vài buổi chiều cuối thu se lạnh, với lá vàng cuốn theo chiều gió, rượt đuổi nhau trên đường. Tâm tư rỗng không, tâm tình tan vỡ ngàn mảnh vụn, rảo bước lang thang vô định trên bờ sông Seine, dưới bóng lầu chuông giáo đường Notre Dame của thành phố Paris, người ta có thể nhận diện được nỗi niềm hạnh phúc của một vài lão ông vô gia cư và bất định, chẳng chốn nương thân, đang ngồi ngẫm nghĩ tình đời trên ghế đá công viên, với vài ba tấc bánh mì lạt, khô cứng, cùng một chai rượu chát bên mình và, nổi bật hơn cả, miệng vẫn nhoẻn nụ cười bí hiểm xa xôi. Thế nhưng biết đâu đó chẳng là hạnh phúc? Nghịch cảnh thường là một bậc thầy thâm thúy và cao kiến chỉ cho con người thấy được đâu là hạnh phúc đích thực.

Mây trời chiều thu, lãng đãng che kín "kinh đô ánh sáng" nhưng đỉnh cao của thánh đường Notre Dame vẫn hiên ngang và ngạo nghể hiển hiện, đưa tôi về một ý trong Cựu Ước:"Thà buồn thảm hơn cười vui vì đàng sau chân dung đau khổ, biết đâu còn có một tâm tư tràn đầy hạnh phúc."

Gần chục năm sau, trong một chuyến Mỹ du, qua đàm luận cùng bè bạn cựu tù tại một vùng của "Sài Gòn lưu lạc", tôi rã rời tâm tư khi được biết anh ta đã từ giả cuộc đời trong một nghịch cảnh đau thương. Anh đã nằm xuống với nỗi cô đơn, đã nhắm mắt không một bàn tay vuốt mặt. Từ cát bụi, anh đã trở về với cát bụi, bỏ lại sau lưng một quá khứ ngang tàng, một dĩ vãng đầy mây mù và giông bão. Tôi còn giữ mãi ý nghĩa của hạnh phúc mà anh đã vô tình đem đến cho tôi, với ước vọng là anh cũng có được loại hạnh phúc đó, trên hành trình bước đi vào cõi hư vô.

 


bút
việt
hồn
quê

PHAN QUÂN

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.