.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)
 CHUYÊN MỤC

Giáo dục

Chính luận

Diễn đàn tự do

Bút Việt hồn quê

Đời sống quanh ta

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 

 

  Phan Quân

 

Ông Tây mà lấy bà Ðầm... 

  

  • 7.01.2007

Một trong những mất mát trầm trọng khi tôi lạc vào cõi phù sinh "học tập cải tạo" là sự qua đời của chú Út tôi. Cái khoảng thời gian trên mười hai năm đó - dẫu rằng còn thua mười lăm năm lưu lạc của Thúy Kiều - quả thật đã là một trận cuồng phong thổi qua thân phận của tôi. Ngày cầm trong tay cái "giấy ra trại" trở về quê cũ, tôi như kẻ xa lạ trên đất nước mình khi phải va chạm với không biết bao nhiêu nỗi ngỡ ngàng. Tôi bước ra khỏi ga xe lửa Hoà Hưng thì trời vừa nhá nhem tối và cơn mưa ngày bão rớt cứ rỉ rả dưới bầu trời âm u xám xịt càng làm cho nỗi buồn được "tự do" của tôi trên mảnh quê hương sầu muộn thêm nặng ngàn cân! Nhưng, nỗi buồn thấm thía tâm tư tôi nhiều nhất xuất phát từ tin về việc mãn phần của chú Út.

Tuy là chú tôi nhưng trên thực tế chú chỉ hơn tôi có năm tuổi vì chú là con của Bà Nội kế. Dường như chú và tôi thuộc cùng một từ trường nhân thế nên chú rất thương tôi cũng như tôi vô cùng mến chú. Lúc tôi bị động viên vào khoá đầu tiên trừ bị Thủ Ðức thì chú đã đứng trên lớp tuổi nghĩa vụ quân sự nên chú đương nhiên sống ngoài vòng cương tỏa của thân phận "ka-ki". Nhờ vậy mà năm "bể dĩa 1975" chú không bị cộng sản đòi lại quyền yêu nước, mà họ nhất quyết độc chiếm một cách ngoan cố theo kiểu "yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa"!

Kể lại cái chết của chú, gia đình cho tôi biết rằng chú trăn trở rất nhiều trước khi trút hơi thở cuối cùng, một tình huống mà gia đình cho rằng chú nuối tôi. Trong bầu không khí yên lặng gần như tuyệt đối để tôn trọng giờ phút linh thiêng của một linh hồn sắp lìa cõi trần ai bụi bậm thì ngoài đường bỗng nhiên nổi lên tiếng "lộc xộc" do những thanh kẽm chạm vào đáy của ống thiếc và giọng rao có âm điệu trầm bổng đặc biệt:"Ông Tây mà lấy bà đầm, nghe tôi kéo kẹo rầm rầm chạy ra...». Ðó là tiếng động và tiếng rao hàng của người bán kẹo kéo có rút số rất quen thuộc với tuổi bé thơ, trúng thì được đồ chơi và ăn kẹo còn thua thì chỉ ăn kẹo với tỉ lệ an ũi. Nghe tiếng rao của hàng rong kẹo kéo, chú thở ra nhẹ nhàng như tuôn ra được một niềm u uẩn nào đó từ đáy lòng thầm kín của riêng chú. Ðôi môi khô héo của chú mấp máy như muốn mĩm cuời và cặp mắt lờ đờ mệt mỏi như loé lên một niềm vui tiềm ẩn để rồi sau đó triền miên tắt lịm. Chú đã nhẹ nhàng ra đi như vậy đó và như chừng chú Út tôi có chuẩn bị trước chuyến "viễn du" nên khi sắp soạn lại những giấy tờ riêng tư, gia đình thấy có một bao thơ dán kín đề tên tôi với lời căn dặn:"Chỉ có thằng Tư mới được mở". Tuân hành lịnh đó, như tôn trọng lời trối trăn của người chết, gia đình để phong thơ nằm yên chờ tôi "học tập cải tạo" trở về, dù rằng rất nóng lòng muốn biết nội dung của bức thơ vì khi "ra đi" chú tôi không có một lời trăn trối nào hết. Nôn nóng thì nôn nóng - vì chờ gần năm năm - nhưng gia đình cũng không hề tiết lộ với tôi mà cũng không dám mang thơ đó đến trại tù qua những lần thăm nuôi vì sợ trại tịch thu.

     

Sài Gòn, ngày......

Tư con,

"[...]

"[...] Muốn hay không thì con người cũng phải chịu ảnh hưởng của cái mà thiên hạ gọi là dị đoan, là số trời đã quyết, là định mạng. Chịu ảnh hưởng của Tân Ước nên khi đọc thấy Chúa Ky Tô ra đời có một vì sao xuất hiện, người ta thường cho rằng cứ mỗi một đời người là một ngôi sao trên thiên cầu. Phải chăng vì vậy mà các thầy tướng số tử vi tìm hiểu vận mạng con người dựa trên sao này sao nọ và những người theo đạo Phật vào ngày mùng tám có tục lệ cúng sao, nhứt là mùng tám tháng giêng, để xin Ơn Trên gia hộ độ trì cho đương sự được "xác phàm khoẻ mạnh, tinh thần an nhiên" hoặc cho "thân tâm thường an lạc". Thế rồi ngôi sao đó đại diện cho đương sự ở dải Ngân Hà trong suốt quá trình của họ ở cuộc đời với những bước thăng trầm. Lúc hưng thì ánh sao ngời sáng, khi phế, sao lại lu mờ. Người ta lo ngại, dè chừng vào những mốc thời gian như mùng năm, mười bốn, hăm ba, như những năm có sao chổi xuất hiện vì chức năng của chổi chỉ có quét - mà sao đã quét thì trần thế chỉ có hao hụt - những năm nhuận có tháng âm lịch thiếu hoặc đủ đi liền nhau, những ngày thứ sáu mười ba... Người ta nghĩ rằng sự xuất hiện của một con người nào đó, việc gặp gỡ một ai đó mang tính cách quyết định đến vận mạng của mình, theo tinh thần câu nói dân gian:"Ra ngỏ gặp gái". Do đó mà có tục lệ mời người "xông nhà, xông đất đầu năm".

"Không biết con nghĩ thế nào chớ chú thì chú tin là đúng như vậy. Không phải chú tin là sự vật hay con người trên cõi đời này chịu ảnh hưởng của một tác động huyền bí nào đó nhưng chú tin là có một sự ngẫu nhiên được sắp xếp vô cùng hoàn chỉnh, không sao giải thích được nếu dựa trên những tiêu chuẩn khoa học chính xác. Nhứt định là sự ngẫu nhiên đã sản sinh ra những biến cố trọng đại đồng thời với những hiện tượng vật lý như năm nhuần hai tháng đủ hoặc thiếu đi liền nhau, như thời kỳ sao chổi xuất hiện, như những ngày kỵ mùng năm, mười bốn, hăm ba... Vì vậy mới có chuyện tin dị đoan. Dị đoan xuất phát từ một sự quan sát phiến diện và lười biếng, chỉ nhận thức sự trùng hợp mà không chịu tìm hiểu xa xôi hơn nữa.

"Riêng tư mà nói thì vận đen, con số mười ba, những ngày xấu kỵ, sao chổi hay sao quả tạ..., tóm lại điều hệ trọng trong đời chú nhứt định là ông bán kẹo kéo. Theo lời bà nội kể lại thì lúc sanh ra chú, truớc nhà bảo sanh có một người bán kẹo kéo cứ lanh lảnh giọng rao có vần có điệu đến buồn cười làm cho bà nội cũng quên đi cái mệt sau khi chú đã lọt lòng chào đời.

"Năm chú lên hai, lên ba gì đó khi được chị vú đưa đi chơi công viên, bỗng dưng chú lại được một ông kẹo kéo tặng một khúc kẹo trắng để ông ấy được ngồi gần và tươi cười thoải mái với chị vú mà không bị chú quấy rầy, hay đòi đi về. Một thời gian sau khi chú được ăn khoảng mươi khúc kẹo miễn phí thì chú không còn chị vú để đưa đi công viên nữa!

"Ðến lúc chú lên năm thì câu chuyện dài và nặng nề về việc chú đi lớp vỡ lòng trở thành một vấn đề đau đầu của gia đình! Ông bà nội rất khổ tâm trong việc tìm phương thức để cho chú đi học. Nỗi sợ nhà trường của chú không phải là bâng quơ. Sở dĩ như vậy là vì trong những ngày bé bỏng theo bà nội đi chợ, cứ mỗi khi đi ngang qua tư thục của thầy Hoà gần nhà thờ Cầu Kho và nghe tiếng roi mây đập mạnh xuống bàn để răn đe học trò là chú điếng hồn, muốn "làm xấu ra quần". Ði ngang trường này, chú thường lôi bà nội qua lề đường đối diện, chẳng khi nào dám đi phía trường học. Trong tâm tư thơ dại của chú lúc bấy giờ, trường thầy Hoà là một nơi quỉ ám, vậy mà ông bà nội cứ bắt chú phải khởi sự học vỡ lòng ở đó! Chẳng có nỗi khổ tâm nào bằng nhưng thời đó chú không biết làm sao giải thích cho ông bà nội hiểu nên cứ đến giờ đi học là khóc và bị đòn. Thậm chí những lúc có bà cố ở dưới quê lên chơi và vì quá thương cháu nên bà đã tình nguyện vào ngồi lớp học với chú để cho chú chịu đi đến trường. Nhưng, đâu phải lúc nào bà cố cũng ở Sài Gòn vì công việc ruộng vườn để cho ai?

"Có một biến cố nhỏ mà chú nhớ mãi không quên là sáng hôm đó ông nội cho chú một trái quít đã lột sẵn và không hiểu sao chú lại vui lòng đi học. Nhưng khi đến trường giáp mặt với thầy Hòa là chú nổi chứng đòi trở về. Ðến nhà, ông nội chưa đi làm, bèn nổi giận cho chú một loạt roi mây vào đít làm cho trái quít thân yêu của chú rơi ra đất! Thế là chú lại có những ngày đau khổ vì đi học qua cảnh kẻ lôi người kéo mỗi sáng và như vậy cũng khá lâu. Cho đến một hôm, trên đường đi học chú gặp một ông kẹo kéo với giọng rao hàng ngộ nghĩnh:"Ông Tây mà lấy bà đầm,..." Bỗng dưng từ hôm đó trở đi chú đến trường không cần ai "hộ tống" nữa, trước sự ngạc nhiên to lớn của cả nhà. Nếu không thì ngày nay chắc là chú phải chịu cảnh mù chữ!

"Trong những ngày tháng theo học trường sư phạm Sài Gòn, khi cả khóa đang đứng chờ xe ca đến chở đi thăm xí nghiệp thì một bà bán kẹo kéo đến dựng hộp kẹo lên chân gác hình chữ X song hành và xộc xộc ống rút số mời mua. Ðang hứng chí trước các bạn gái cùng khoá, chú bỏ tiền ra rút số thử thời vận, trong tâm tư thầm nhủ rằng nếu định mệnh trả lời thuận qua việc trúng số kẹo kéo này chú sẽ có bước quyết định trên hành trình tình cảm. Một công đôi việc. Vã lại, khi tâm tư lưỡng lự thì con người hay phó thác cho may rủi những gì cần quyết định. May mắn thay, chú rút đúng cây số trúng hai mươi phần kẹo. Bà bán hàng, đôi mắt buồn buồn, rung tay kéo kẹo tuần tự trao cho chú, mỗi phần kẹo lần hồi diễn biến nghịch với số lượng, phần sau giảm đi so với phần trước. Sẵn của trời cho chú đem kẹo mời bạn bè, lòng tràn ngập vui mừng không phải vì được nhiều kẹo mà vì đuợc định mệnh cho biết trước kết quả tình cảm của chú. Dĩ nhiên, như cháu đã đoán biết, người đẹp sư phạm mà chú từng để ý từ ngày nhập khoá phải được mời kẹo, lẽ ra được mời gấp đôi là khác nếu như chú không kềm hãm được xúc động. Kéo đủ hai mươi phần thưởng cho chú, bà bán kẹo u buồn xếp chân gác lại sửa soạn ôm hộp kẹo đi. Nghĩ thương tình người nghèo khó vất vả, suốt ngày xuôi ngược thành phố, tom góp từng đồng xu lời mà lại mất hai mươi phần kẹo nên chú lấy tiền trả đủ cho bà ta. Với bàn tay ngần ngại và ngạc nhiên, bà run run tiếp nhận số tiền và không tiếc lời:"Trời Phật sẽ phò hộ cho cậu, muốn gì được nấy"! Sáu năm sau, chú đem xe hoa đi rước người đẹp sư phạm nói trên về làm bạn đời để hưởng hạnh phúc trọn kiếp.

"Sau tháng tư đen năm 1975, khi con đã khăn gói đi gọi là "học tập cải tạo", tụi nó vẫn tiếp tục để chú làm hiệu trưởng như trước kia, có lẽ vì chưa tiện thay thế. Làm thì làm nhưng chú cũng biết rằng mình đang ngồi trên miệng núi lửa, không được thoải mái vận dụng sáng kiến và quyền hạn của mình như trước kia. Không phải vì sợ mất ghế mà chỉ sợ bôi bẩn uy tín. Vậy mà "chạy trời cũng không khỏi nắng". Qua đợt thi đua giữ cờ luân lưu trong phong trào bảo vệ sức khoẻ học sinh do phòng giáo dục quận phát động, chú quyết định cấm ông bảo vệ nhà trường bán kẹo kéo. Không ngờ rút dây động rừng. Hắn ta là bí thơ chi bộ của trường, được gày vào cơ sở để theo dõi hoạt động của chú. Thế là con chuột đẻ ra trái núi, chuyện bé xé ra to, đúng theo mục đích yêu cầu đầy âm mưu và ý đồ đen tối, chú được "Ðảng và Nhà nước cám ơn" cho về hưu non!

"Ðó, con thấy chưa, ảnh hưởng của nguời bán kẹo kéo qua những bước thăng trầm của cuộc đời chú? Phải chi Việt Nam Cộng Hoà còn sống trên thế gian này thì ngày nay chú được hưởng lương hưu đúng mức để có thể thoải mái sưu tiềm và nghiên cứu về tánh dị đoan hay là sự ngẫu nhiên trùng hợp. Âu cũng là định mệnh thế thôi và chú cũng thừa biết rằng khi "học tập cải tạo" về - nếu may ra số trời còn cho con sống sót sau cái địa ngục đỏ trần gian đó - con cũng không làm nổi điều mà chú ao ước. Thôi thì con hãy nên tìm một "người bán kẹo kéo" của riêng con thử xem vận hội sẽ ra sao.

"Về phần chú thì chú sẽ thanh thản từ giả cõi trần thế đầy dẫy những "con-người-cuồng-tín-vô-liêm-sỉ" nếu khi trút hơi thở cuối cùng chú còn nghe được giọng rao hàng có vần có điệu của người bán kẹo kéo như những ngày xưa thân ái. Trong hoàn cảnh chung sống vô cùng khó khăn của hai ý thức hệ đối nghịch, chú vẫn giữ được uy tín cá nhân và bảo toàn được thanh danh dòng họ nhà mình.

                  "[ ...]"

Như vậy là chú Út tôi đã mãn nguyện và yên phận ở đàng sau cửa tử, một điều đáng mừng cho chú. Giờ đây, lại là chuyện của tôi, trong cảnh bơ vơ trên đất nước quê hương của chính mình khi mà, "nhờ Bác và Ðảng", họ hàng nội ngoại của tôi đều gần như ở khắp năm châu bốn bể trên lãnh thổ của tự do và dân chủ. Trong những ngày lang thang trên thành phố thân yêu - trót bị thiên hạ "tráo khai sanh" đặt cho một cái tên xa lạ và quái gở - từ công an phường lên công an quận, hết "Nguyễn Du"[1] đến "Nguyễn Trãi"[2] qua Sở Ngoại Vụ thành phố để làm thủ tục đi sum họp gia đình, một hôm đẹp trời nọ tôi gặp một ông bán kẹo kéo. Nhớ đến chú Út thân thương, tôi ghé qua rút một số thử thời vận. Ô hay, tôi lại trúng mười phần kẹo hoặc một món đồ chơi tương đương. Nhiều tuổi đời rồi kẹo với kéo hay đồ chơi làm gì nữa nhưng đã thỏa mãn vì chớm thấy được chiều hướng may mắn của mình, tôi móc bóp gởi tặng ông hàng kẹo đang rầu thúi ruột teo tim tờ giấy năm trăm "tiền Bác". Người bán kẹo rối rít:"Cám ơn cậu! Cầu xin Trời Phật gia hộ độ trì cậu, muốn gì được nấy!" Từ đó về sau, bao nhiêu vướng mắc trở ngại khi làm thủ tục xuất cảnh, không tháo gở được trong thời gian qua, lần hồi tan biến. Tôi cầm lấy sổ thông hành, lòng thầm nghĩ chắc là có bàn tay của chú Út tôi. Ngày lên phi cảng Tân Sơn Nhứt để ra đi, lòng tôi nơm nớp lo sợ gặp phải một người bán kẹo kéo khác vì có khi cùng một hiện tượng nhưng may rủi lại không như nhau.

Những ngày lưu vong nơi đất khách quê người, ngược xuôi phố phường tìm kiếm công ăn việc làm để độ miệng nuôi thân thì, buồn thay, trên đất nước của Abraham Lincoln tôi không gặp được một người bán kẹo kéo nào để dựa vào đó cầu may. Ngày di tản những ai có dính líu đến mình qua những năm chiến tranh tại "tiền đồn chống cộng của Thế giới tự do ở Ðông Nam Á" đó, người anh em Hiệp Chủng Quốc đã nhớ đến một số "chị em ta", nhưng lại quên người bán kẹo kéo, dù chỉ là một người duy nhứt. Cho nên giờ đây, tôi thiếu mất vận may vì khi đi tìm chỗ làm đến đâu cũng nghe những câu trả lời rất "thân thương, dịu ngọt" nhưng lại vô vàn đau lòng:"We are sorry, but..."[3] vì tôi đã gần kề tuổi về hưu thì người ta thu dụng tôi vào để làm gì nữa!

                                              

Phan Quân


[1] Công an thành phố HCM ở đường Nguyễn Du.
[2] Sở Dịch Vụ Xuất Nhập Cảnh ở đường Nguyễn Trãi.
[3]"Chúng tôi lấy làm tiếc, nhưng..."

 


bút
việt
hồn
quê

PHAN QUÂN

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.