.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


 

bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân - Linh Linh Ngọc | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

 

  Phan Quân

 

Tâm sngoài bảy bó
 

(Bút già lang thang) 

Cộng đồng ta thường nói:"Hiệp Chủng Quốc là thiên đàng cho giới trẻ, nhưng lại là địa ngục của kẻ cao niên." Như vậy thì tôi nay quá bảy mươi, ngấp nghé tám mươi thì sao đây? Hoa Kỳ, một đất nước làm ra biết bao nhiêu sản phẩm, chủ yếu phục vụ cho thanh thiếu niên, nào là đồ chơi, điện ảnh, trò chơi video, những công viên có chủ đề. Còn cho những người bảy bó thì chỉ có lẻ loi và chiếc bóng!

Người Việt Nam mình sinh sống trong bối cảnh gia đình, trong môi trường chòm xóm, nên chi khi mất đi những thứ ấy thì một phần lớn của chính mình cũng chẳng còn lại gì! Ở Việt Nam, người lớn tuổi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ sinh sống nơi nào khác ngoài quê cha đất tổ. Người ta sinh ra và lớn lên rồi xuôi tay nhắm mắt trên mảnh đất mà ông bà, cha mẹ và tổ tiên đã từng sinh sống và tử biệt. Sống giữa thân tình quyến thuộc, giữa đồng hội đồng thuyền, giữa người thân kẻ thương, giữa miếu đất, đình làng.

Một khi đã gắn bó với mảnh đất chôn vùi thân xác của tổ tiên, thì chẳng ai còn sợ chuyện tử biệt hay sinh ly. Thế nhưng, trên đất nước Hiệp Chúng Quốc này, nếp sống xưa cũ của ta không còn nữa! Sống chết với đất nước trong cảnh chiến tranh, bảy nổi ba chìm với khói lửa, ấy thế mà khi hòa bình lập lại thì phải khăn gói chạy đi, để sống cầu bơ cầu bấc trong cảnh đời tỵ nạn, lưu vong. Nay đây, bạn bè, thân hữu, người thương, kẻ mến đã tứ tán cùng khắp bốn biển năm châu.

Ở đất Mỹ này, cứ càng có tuổi là càng mất mát, mất bạn bè, mất thân thuộc, mất kỷ niệm, mất liên lạc và mất cả cái ý nghĩ về phận mình. Điện thoại reo, người già nhấc ống nghe lên để được biết bạn bè mình bịnh hoạn, thân hữu ta ốm đau. Xưa kia ở Việt Nam đều là chỗ thân tình, nay với kích thước của một nước Mỹ trùng trùng điệp điệp thì làm sao mà thăm lom nhau đây? Buồn ơi là buồn!

Nhà tôi và tôi dự tính mùa hè năm nay sẽ làm một chuyến đi Châu Âu, một chuyến đi cuối cùng trong đời chúng tôi để từ biệt thân quyến và bạn bè. Chúng tôi biết rằng sau đó, chúng tôi sẽ không còn đi được nữa vì sức khỏe của chúng tôi đang trên đà đi xuống. Giả biệt nhau lần cuối, lần cuối cùng trong nỗi niềm luyến tiếc đau thương. Tôi không còn lên xuống cầu thang một cách dễ dàng thoải mái như trước kia vì hai đầu gối không cho phép. Chúng tôi đành bán căn nhà kỷ niệm thời lưu vong của chúng tôi đi để vào ở một căn hộ Condo có thang máy cho tiện việc, để có cảm tưởng là mình còn bất cần ai.

Cái làm tôi buồn lo hơn hết là trí nhớ của tôi ngày một ra đi. Tôi là người nắm giềng mối và liên hệ trong đại gia đình, nhưng tất cả những điều đó còn nằm sâu trong đầu óc tôi. Giờ đây, không một người con nào của chúng tôi thấu hiểu được những đầu mối gắn bó những thành viên của đại gia đình chúng tôi. Không có tôi thì thân bằng quyến thuộc sẽ coi nhau như người dưng nước lã nếu có gặp nhau ngoài đường. Tôi biết cả họ hàng xa gần bên chồng cũng như bên vợ. Rồi đây tôi phải ngồi viết lại tên họ của họ, kẻo mà trí nhớ tôi lại ra đi nốt.

Có lúc, có khi, sáng ngày mở mắt ra, ngắm nhìn hàng cây bên ngoài cửa sổ, lòng tự hỏi lòng "chẳng biết mình đang ở đâu"?! Đôi khi, tôi bước sang khu chung cư bên kia đường, đem thức ăn dư thừa nuôi lũ mèo hoang vô chủ, đám mèo mà Tây họ gọi là "mèo máng xối". Bọn nó đã quen với âm hưởng của tôi, cứ lên tiếng là chúng chạy tới. Lũ mèo đó nay là niềm vui của tôi.

Khi có con cháu về thăm thì chẳng còn gì vui hơn. Nhưng, trong cái xã hội bươn chải, đồng xanh to hơn lưong tâm, mỗi người hai ba jobs, gom góp đống bạc để lên đó mà nằm chết nhăn răng, ai cũng có phần nấy, thì giờ đâu mà mãi thăm lom. Năm thì mười họa ghé qua thăm hỏi là may lắm rồi, bằng không thì nhấc ống nói lên mà "hello" mấy cái cũng quá đủ. Thì giờ còn lại rỗng không, rỗng tuếch, kéo dài lê thê, biết làm gì hay cứ ngồi mà đếm những bó tuổi đời ngày một tăng lên.

Mẹ tôi mất năm chín mươi bảy tuổi đời, mẹ vợ tôi ra đi năm chín mươi lăm, cả hai đều ở trong nhà dưỡng lão hằng mấy năm trời. Tôi thường đi xe bus đến thăm hai bà gần như mỗi ngày, dẫu cho tôi còn phải đi làm. Tôi biết rõ nỗi niềm cô đơn và hoang vắng khi tuổi đã về chiều xế bóng trên đất nước Hoa Kỳ thênh thang rộng này, dù cho thời đó tôi còn trẻ và khỏe mạnh. Các cô chăm sóc những ông bà già nội trú cứ tấm tắc khen mừng cho hai bà lão người Việt được con cháu thường xuyên đến thăm lom. May mà còn chút nghĩa tình Việt Nam của thế hệ kế thừa dành cho những người sửa soạn ra đi về bên kia cuộc đời. Những lão ông, lão bà còn lại trong nhà dưỡng lão, lâu thật lâu mới có người đến thăm. Người ta trông mà tội nghiệp cho những ông già, bà lão ngồi trên chiếc xe lăn, thèm thuồng nhìn cảnh con cháu người khác thăm người khác, mà tưởng tượng ra như đến thăm mình. Thì vui qua cái vui của người khác đã làm sao đâu? Còn hơn là ngày này qua tháng nọ chẳng ma nào đến thăm mình, chỉ còn có Tử Thần! Có một bà lão cứ đếm tuổi thọ mà ngồi chờ con cháu đến thăm, ngày chờ, đêm đợi, tháng trông mà nào thấy con thấy cháu gì bước qua ngưỡng cửa! Thương thay cho những ai sống để đếm tuổi thọ mà cứ cô đơn và cô độc!

Thì ra, ở trên đất Mỹ hào hoa, trẻ trung và anh hùng này, lão ông lão bà là những sản phẩm lỗi thời. Không ai được trọng dụng nữa mà cũng chẳng có mạng nào đáng quan tâm. Trong khi ở xã hội Việt Nam thì người già được tôn thờ vì chính họ là những bậc cao kiến, truyền tử lưu tôn những kinh nghiệm trên đời của họ. Trên đất nước Hiệp Chúng Quốc này thì khác rồi. Chẳng ai còn muốn nghe những gì người cao niên nói nữa, vì toàn là những thứ lạc hậu, hết xài, chẳng giống ai. Thế là người già Việt Nam đành chui vào vỏ ốc của chính mình, xa lạ với con cháu người Mỹ gốc Việt. Bọn trẻ cười đùa những chuyện mà tuổi già không hiểu được. Nước Mỹ là của con cháu, chẳng còn phải của ông bà.

Thu về, đông đến, chiều tà ảm đạm, tuổi già ngồi nhìn những thân cây trụi lá mà cảm thấy phận mình xa xót, như chừng lạc loài sanh nhầm thế kỷ. Cả một thế giới, xưa nay tuổi già đã biết được, giờ đây chẳng còn gì nữa. Chỉ là hương khói trong chiều lộng gió, chỉ là bóng mây thấy đó rồi bay xa. Lão ông, lão bà trên đất Mỹ ngày nay tưởng nhớ đến khung trời xưa cũ, nhớ đến những lễ Tết của Sài Gòn ngày trước, đến cưới hỏi, hội hè, đến những phiên họp gia đình bè bạn, mọi người chung với nhau, trẻ con chạy nhảy tung tăng, người lớn chuyện trò cùng nhau, các bà, các cô nấu nướng,... thế là đôi mắt già của họ bỗng nhiên ươn ướt mờ nhòa, lòng già nhớ tiếc một cõi quá khứ, tuy xa mà gần.

 

Phan Quân 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.