Quê hương riêng ta
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá ngiêng che
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
"Quê hương là giàn hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi..."
Đỗ Trung Quân
Mười
chín tuổi đầu, ba đã phải rời bỏ vùng đất thân thương của thời thơ
ấu, ra đi tới một phương trời mờ mịt. Không phải vì tự ý, hay vì
nhu cầu này nọ, mà vì một nỗi sợ bao la, sau lần địa hãm thiên
băng. Một niềm khủng khiếp vĩ đại trùm lên một phần lớn đất nước
dân tộc, đến nổi dân gian cũng phải than vãn là "cột đèn mà đi
được thì nó cũng ra đi".
Thời buổi đó, và trong tình huống đó, hai chữ "ra đi" mang ý nghĩa
hạn hẹp, chứ không như ý nghĩa thông thường là có đi thì có đến.
Vì chuyện ra đi của ba ngày đó đầy tính phiêu lưu mạo hiểm, giống
như một hành động lao mình vào chân không. Ra đi không cần biết
điểm đến, hay là một nơi đến nào đó giả thiết, mơ hồ, ảo ảnh, mà
cũng chẳng có mục đích yêu cầu, không đối tượng, vỏn vẹn chỉ cần
đi.
Cứ đi cho khuất mắt, cho rảnh việc, để khỏi chứng kiến và chịu
đựng một thứ gì đè nén lên tâm hồn, lên lương tri, lên con người,
ngột ngạt đến khó thở, khó chịu và khó sống. Đến đổi ở lứa tuổi
yêu đời, đầy ấp tương lai và đẹp như trăng mới lên, như hoa mới
nở, mà ba cũng nói với bà nội là "chết con cũng đi". Vậy thì, "ra
đi" thiết yếu đến như thế đó! Đi để mà chết thì đi để làm gì, ấy
thế mà cứ đi. Thà chết còn sướng hơn sống trong hoàn cảnh đó.
Một chuyến
đi thập tử, nhất sinh, sống ít, chết nhiều, mạng sống phó thác cho
số phận, cho rủi may, cho phong ba bão táp, trăm may nghìn rủi tùy
theo ơn cao lượng cả của Đất Trời bao la. Một chuyến hải hành chưa
một người đi biển nào tự ý chọn lựa.
Một lần ra
đi theo kiểu Kinh Kha, lấy dòng Dịch Thủy làm giới tuyến, cần gì
biết đến ngày về. Một chuyến ra khơi chẳng phải ngoái đầu nhìn lại
phía sau, vì chẳng có người đưa. Mà nhìn về phía trước thì chẳng
thấy gì, vô định, mông lung! Cũng chẳng ai đón!
Thế nhưng đâu đã hết, như
phải
giải đáp cho suôn sẻ ẩn ngữ của nhân sư trong huyền sử,
ai ai cũng phải qua một cơn thử thách có tính quyết định, nên còn
một chuỗi dài sinh sống trên vùng hải đảo. Ngay chuyện bước lên
hải đảo cũng trần ai khoai củ rồi. Nhà cầm quyền trên hải đảo đâu
để cho những người vượt biển nhập cư mà không có điều kiện và một
cách dễ dàng. Thế là từ ngoài xa, người ta phải làm cho con tàu bị
vô nước không còn đi biển được nữa, hành khách trên tàu phải bì
bỏm lội vào, áo quần và đồ tế nhuyễn, của riêng tư, phải đội lên
đầu mà đi vào chỗ cạn. Trường hợp bất khả kháng, và vì lòng nhân
đạo, những người đi biển khổ ải kia đã được miễn cưỡng chấp nhận.
Vậy là đã
bước được một nấc thang lên vùng trời tươi sáng. Cái hướng đi lên
đã chớm thấy, nhưng điểm đến vẫn còn mù mịt đâu đâu. Thực tế trước
mắt là phải sống cái đã. Từ hai bàn tay không, ba đã cùng với bạn
bè đồng cảnh ngộ gầy dựng lên "cái gọi là cơ ngơi" để che nắng,
chắn mưa, sinh sống qua ngày, đoạn tháng, sáng đợi, đêm chờ, một
nơi đến nào đó gọi tên.
Sau một
thời gian dài cổ ngóng trông, cuối cùng cũng được gọi đến, không
phải đi Mỹ như thường tình mong muốn, mà lại đi Pháp. Nhưng cũng
đúng với ước muốn của ba. Thứ nhứt vì cuộc sống ở đảo đầy dẫy bấp
bênh và tạm bợ. Thứ hai là qua quá trình sinh sống của gia đình,
nước Pháp đã tạo một dấu ấn sâu đậm trong tâm não của ba từ thuở
ấu thơ.
Thế là
đường mây giong ruổi, sau khi ba được đưa qua Singapour, để lấy
phi cơ đi Paris. Như vậy là toại nguyện, thoát được địa ngục trần
ai, bước lên thiên đàng hạ giới. Ngày qua, tháng lại, năm về, nếp
sống đã an bài, tâm tư tình cảm đã ổn định. Hè về, thu sang, đông
đến rồi xuân lại, đất trời thay đổi xiêm y, khơi gợi những nỗi
niềm cảm xúc. Cùng gánh vác với ba còn có mẹ, một người con gái
cũng đã rời bỏ mái nhà tổ phụ, mảnh đất thân thương, để một sớm,
một chiều ra đi mãi mãi không buồn nhìn lại, chẳng chút tiếc
thương.
Một tia
nắng vàng, một chút heo may, đôi ba cánh tuyết tung tăng bay bay
theo đà gió lượn quanh, bay lên sà xuống, đánh thức dậy trong tâm
khảm của con người xa quê, biệt xứ một thứ tình hoài hương khắc
khoải. Nhung nhớ gì đây? Quê hương à, một quê hương đã bị đánh
cướp, một tình yêu quê hương đã bị cấm cửa! Bọn cướp ngày đã muốn
độc quyền yêu nước thương nòi, muốn thống lãnh tình tự quê hương.
Nhưng
đâu có dễ, vì quê hương đâu phải chỉ là, vườn cây, ngọn cỏ, là
ruộng lúa, nương khoai, là sông dài, biển rộng,... Mà chỉ là một
chút tình cảm thân thương, một nụ cười e ấp, một cái chớp mắt đưa
tình, gợi ý, một cơn gió thoảng, một cánh mây trời lãng đãng bay
cao...
Nay đây,
đối với ba, quê hương chỉ là nỗi xót xa, là cả một trời băn khoăn
của bà nội dành cho thân phận đứa con trai đã bị ném tung ra ngoài
đời - lại là một cõi đời xa xôi vạn dậm, nghìn trùng hải lý - một
cách vội vả và hấp tấp. Quê hương của ba là thân phận của ông nội
trong cõi tù đày lao lý, để gọi là "học tập cải tạo" cho thành
"người lương thiện của xã hội xã hội chủ nghĩa".
Quê
hương của ba mẹ là tương lai bản thân, mai kia mốt nọ sẽ tạo dựng
được nơi miền đất tạm dung, để trong muôn một, đùm bọc lấy gia
đình còn kẹt lại bên kia chân trời tím ngắt, đầy dẫy đau thương.
Quê hương của ba mẹ là một cái gì trừu tượng, mơ hồ, ẩn hiện mông
lung, chớ không như quê hương bình thường của thiên hạ. Quê hương
hiện nay của ba mẹ, không ở nơi chân trời xa xa khuất nẽo mây Tần,
không ở vạn dậm non đoài, chân mây đầu núi, mà chỉ ở nơi sâu kín
trong tâm hồn. Quê hương giờ đây của ba mẹ không ai có thể cưỡng
chiếm được nữa, dẫu có đem hàng hàng lớp lớp binh hùng, tướng
mạnh, hay từng đoàn, từng loạt hỏa tiễn, chiến xa.
Quê
hương của ba mẹ đã mất đi hình ảnh cụ thể, chỉ còn lại một thứ gì
trừu tượng, một thứ gì có có, không không, tiềm tàng trong tim,
trong óc. Quê hương của ba mẹ như của riêng ba mẹ vì nằm trong tâm
khảm của mỗi người, xuất phát từ kỷ niệm riêng tư, mỗi người một
khác, nhưng còn có một mẫu số chung.
Còn quê
hương của chị em con?! Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất tạm dung
của ba mẹ, chị em con lấy đâu ra cái mấu chốt để cho quê hương
mình còn có một định nghĩa đây? Quê hương của chị em con, nếu dựa
trên hình tượng cụ thể thì làm thế nào để giống như quê hương của
ba mẹ được, vì từ ngày chào đời đến nay, chị em con đâu biết những
gì của quê hương ba mẹ? Không thể nào có được "cầu tre nhỏ" để cho
"mẹ về nón lá nghiên che"! Không làm sao có được "giàn hoa bí" hay
"hồng tím giậu mồng tơi" chen lẫn "lá đỏ đôi bờ dâm bụt"!
Quê
hương của chị em con đầy ắp hình ảnh thêu dệt trên mối tình thứ
hai của ba me, là sừng sững ngọn tháp Eiffel, là vạm vỡ oai hùng
cổng Khải Hoàn Môn, là những con tàu nho nhỏ đưa du khách rong
chơi, bận rộn ngược xuôi trên dòng sông Seine, là giáo đường Đức
Bà thanh thản của Paris... Không phải như quê hương của ba mẹ với
Truyện Kiều vừa thi vị lại đau thương phận gái của Nguyễn Du, hay
thơ ca đầy hình tượng tả chân của Hồ Xuân Hương,... quê hương của
chị em con chứa đầy hình ảnh trong Lettres de mon Moulin và những
ý thơ trữ tình của Les Feuilles Mortes, buồn cho lá chết mùa
đông... Đấy, ba mẹ thấy chưa, quê hương ba mẹ với quê hương chị em
con không xuất phát từ một cụ thể như nhau.
Thế
nhưng, từ những cụ thể khác biệt đó, ba mẹ và chị em con đã chắt
lọc ra một cái gì hư ảo tuyệt vời để trân trọng, để mến thương, để
làm nên một cuống rốn mà luân lưu tình tự quê hương, nghĩa tình
ruột thịt. Nếu tình yêu quê hương là một thứ tình cảm đương nhiên
gần như hơi thở của những con người bình thường sinh sống trên một
đất nước bình thường, thì trái lại, đối với chị em con tình yêu đó
phải vận dụng lương tri, phải nặng lòng suy nghĩ mới dựng lên
được.
Vì lẽ,
đối với chị em con, cái hiện thực cụ thể điển hình cho tình tự quê
hương là của người ta chớ đâu phải của chị em con, mà cũng chẳng
phải của ba mẹ. À, thì ra đây rồi, mình đã có được một mẫu số
chung về quê hương. Một quê hương trong tưởng tượng, trong hư ảo,
một quê hương nằm sâu trong tâm khảm, ẩn kín tận đáy lòng. Một quê
hương tuy không mà có, dẫu có mà không, chẳng phải sợ ai cướp lấy,
không còn nơm nớp âu lo cảnh người là chó sói của người mà tranh
giành độc quyền yêu nước, mến quê hương.
Một quê
hương như vậy chỉ có trong ta, mỗi người chỉ một, yêu quý vô vàn.
Một quê hương như thế thì mình ở đâu quê hương nơi đó, làm gì phải
thương nhớ mông lung, phải tương tư đến rã rời, hồn xiêu phách
lạc. Thế thì làm sao thiên hạ có thể dè bỉu, cho mình là "những
phường côi cút quê hương"?
Một quê
hương trong cõi lòng mình, tuy là riêng tư đó, nhưng không cách
biệt với "những quê hương" của người thân, kẻ thương còn ở tận nơi
tổ tiên, ông bà nghìn thu yên ghĩ, nơi còn niềm đau ray rứt và nỗi
nhục không tên của những người bị hất hủi xô vào thân phận làm
người xa lạ trên chính quê hương của bản thân. Rồi, một ngày đẹp
trời nào đó, khi vầng thái dương rực rỡ rọi chiếu khắp cả vùng
trời hoan lạc, tình "quê hương trong lòng ta" sẽ hòa quyện cùng
với tình "quê hương trong lòng người yêu thương xa cách", để thăng
bạt lên cao thành một quê hương đại thể cộng đồng, bao la quần
chúng, vang lừng nhã nhạc thanh tao. Rồi thì đất nước yên bình,
dân tộc hiền hòa thân thích cùng nhau, tay trong tay mà tạo dựng
cơ đồ có một không hai trên cõi đời này.
Caminade, tiết đại hàn hai lẻ bảy
(Trích
"Tâm Tình Của Nội")
Phan
Quân |