.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


 

bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân - Linh Linh Ngọc | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

 

  Phan Quân

 

Đời vào ngõ cụt đêm nay

  • 11.02.2007

Ðã bao nhiêu lần hứa, không biết bấy nhiêu lần hẹn rồi, vậy mà Sở Dịch Vụ Xuất Nhập Cảnh (cơ quan bán chính thức của bộ Nội Vụ Hà Nội ở Sài Gòn để làm thủ tục xuất cảnh có nhận tiền lệ phí) cũng không chịu làm thủ tục để cấp cho tôi cái thông hành đi đoàn tụ với gia đình! Hồ sơ nộp đã hai năm có hơn, "tiền Hồ" trải thảm, thuốc lá thơm ngoại quốc rải rắc như máy bay Mỹ phun thuốc khai hoang, từ phường lên đến công an thành phố ở Nguyễn Du. Lệ phí dịch vụ, nay đóng thêm, mai nộp bổ túc - chưa tiện tổng kết xem đã lên đến bao nhiêu - thế mà cả tháng nay, tuần nào cũng phải tháo mồ hôi, tới lui săn đón lấy chiếu khán.

Mỗi lần liên lạc hỏi han là mỗi lần phải tiếp tế cho gã công an "bạn dân" thuốc ba số "555", theo thủ tục ngoại giao thuốc lá, một nghi thức phổ biến ở thời "làm chủ tập thể". Hôm nào nhiều tiền và công việc biến chuyển thuận lợi thì trọn gói. Ngày nào ít bạc thì nửa gói còn lúc nào kẹt lắm mà diễn tiến công tác ì ạch thì vài ba điếu cũng xong. Không được quyền nói đó là hối lộ hoặc hủ hoá cán bộ, điều vô cùng cấm kỵ vì "xa lạ với chế độ", mà phải coi đó như là lối xử sự truyền thống ông bà ta để lại, trong tinh thần "miếng trầu là đầu câu chuyện". Ngày nay, thời buổi tân tiến, xã hội chủ nghĩa hiện đại, công an cộng sản không ăn trầu, nhưng lại hút thuốc, mà phải là thuốc lá "ngoại cơ"! Ngoài thuốc thơm ra còn phải thêm một cái bao thơ "có chất", nghĩa là dồn "tiền Hồ" trong đó. Như một loại khổ qua dồn thịt. Quả thật y như rằng, có "Bác chuyện gì mà không xong", trong tinh thần của lời ca "Bác dẫn đường, chúng cháu hành quân".

Biết điều đến như vậy mà lần nào đến tiếp xúc, gã công an "đầy tớ nhân dân" kia cũng bảo rằng:"Hồ sơ chú dường như có vấn đề nên Nguyễn Du (công an thành phố Hồ Chí Minh) chưa chịu làm hộ chiếu". Tôi bảo gả cho biết hồ sơ tôi kẹt ở khâu nào bên Nguyễn Du để tôi lo liệu "tìm thày chạy thuốc", nhưng anh ta cứ ỡm ờ, cho là không thể tiết lộ. Tuần nào tôi cũng phải lọc cọc đạp xe đến Nguyễn Trãi (Sở Dịch Vụ) thăm dò tin tức phép xuất ngoại và mỗi lần ra về là mỗi lần tinh thần lại xuống dốc, chán nãn vô cùng.

Nhiều lúc nóng lòng, nhớ vợ, thương con, tôi cũng muốn liều mạng vượt biển, vượt biên, nhưng đã nhiều tuổi đời, chân chùn gối mỏi nên cứ đắn đo. Tuổi tác có lúc cũng là một trở lực khá bực mình. Nó làm cho người ta đôi khi trở nên nhút nhát vì tính toán quá nhiều. Một vài người bạn tù, trẻ tuổi hơn, ra trại cùng ngày với tôi mà nay đã ở đảo tạm cư, chờ để vào nước thứ ba rồi. Vã lại, vợ con tôi, nghĩ đến những hiểm nguy của trùng dương, của núi rừng trong thân phận thuyền nhân nên thường có thơ khuyên bảo tôi nên kiên nhẫn, cứ vui sống với khoản chi viện, yên tâm chờ ngày đi chính thức. Ðể bớt nôn nóng, tôi tìm cách quên thời gian, đi đây, đi đó săn tin xuất ngoại và định cư.

Cứ theo dư luận của "chợ trời tin tức xuất cảnh định cư" trên công viên trước Sở Ngoại Vụ thành phố, bên hông nhà thờ chính tòa, thì loại "học tập cải tạo" trên mười hai năm như tôi nhứt định sẽ được ưu tiên xuất cảnh và một khi đặt chân lên đất Mỹ rồi thì chẳng khác nào như Từ Thức lên tiên. Hôm nọ, có ông bạn đã kín kín hở hở, vì sợ công an thường phục thấy được, cho tôi xem phóng ảnh của một bức thơ từ Quận Cam bên Mỹ phóng về tiết lộ rằng bên đó đã hình thành nhiều khu cư xá, trong đó một số nhà đã gắn bảng tên của những chủ nhân tương lai, hiện đang lang thang trên các nẽo phố phường Sài Gòn để tìm một giấy phép ra đi! Bức thơ còn cho biết thêm là bên đó cộng đồng người Việt và các hội đoàn đang lo tổ chức các nhóm tiếp đón thành viên cựu tù cải tạo, với những biểu ngữ và bích chương vinh danh người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà.

Một anh bạn bên cạnh, ra vẻ thông thạo tin tức hơn, góp ý:

- Các anh đã chịu khó nín thở qua sông, lấy "thâm niên học tập cải tạo"  nên bây giờ khoẻ re. Tụi tôi về trước, từ tám mốt, tám hai đến nay, thế nhưng vẫn cứ tuần lễ ba ngày, hai, tư, sáu, ra đây tán gẫu, dò la và trao đổi tin tức về chuyện ra đi, nhiều khi chỉ để hy vọng một cách chủ quan.

Một anh khác góp phần, vẽ rắn thêm chân:

- Sang đó, các anh tha hồ sinh sống nhàn hạ cho bõ những ngày khổ cực trong tù. Nghe đâu Mỹ nó sẽ phát tiền "hồi tố", cứ mỗi ngày tù một đô. Một loại "per-diem" (phụ cấp hàng ngày), như lúc mình du học vậy mà. Cứ thế ông anh nhân ra cho số ngày đi tù thì là khối của đấy.

- Tiền hung, hậu kiết mà. Hết cơn bĩ cực rồi cũng phải đến hồi thới lai, chớ khổ hoài ai chịu nổi? 

Ðược đà lạc quan tếu, tôi lập luận xác minh thêm:

- Thì cũng phải thôi. Mấy ông nghĩ coi, Mỹ nó nuôi dưỡng quân đội mình bao lâu nay, đã lỡ lầm đem con bỏ chợ thì giờ phải sửa sai cho ra vẻ đàn anh văn minh hiện đại chớ.

- Mấy thằng Mỹ, tưởng trẻ con, ngây thơ, tình nghĩa đoản, chung cuộc nghĩ cũng có tình.

- Tình với ý gì ông ơi! Thực tiễn, thực tế như chúng nó thì kỹ lưỡng và chi li một cây đó cha, đừng có tưởng. Xứ sở của máy điện toán mà! Số tiền tái thiết hậu chiến đã ghi trong Hiệp Ðịnh Paris về Việt Nam, thay vì đưa cho Việt Cộng thì nay trả cho bọn mình, đâu lại vào đấy.

Một anh bạn khác lại đổi hướng câu chuyện:

- Này, sáng nay có nghe VOA không? Tướng Vessey lại trở qua Hà Nội nữa đó. Lần này chắc là gấp rút thôi.

- Có lẽ đúng đấy. Bửa nay thằng cha David, Trưởng đoàn phỏng vấn Mỹ, từ Bangkok trở qua mở đợt điều tra bổ túc bị gián đoạn mấy tháng nay đó. Có đem bà vợ Việt của nó theo nữa. Vợ người bạn tôi, chị bà con với bà David, được rỉ tai cho biết là rất có thể sẽ thực thi chương trình HO bằng đường biển.

- Hợp lý đó! Như vậy cho nó nhanh. Chớ mấy ông thử nghĩ ngần ấy người mà cứ ra đi nhỏ giọt theo điệu làm mình làm mẩy của Việt cộng hoài thì đến Tết Congo mới xong. Mỹ nó còn bao nhiêu việc khác phải làm chớ ở đó mà lo mãi chuyện ODP và HO nầy sao?

- Dường như kỳ này Hà Nội củng đồng ý vì, như vậy sau thời gian bồi dưỡng trên tàu Mỹ, những người đi đoàn tụ sẽ béo tốt ra, nhờ vậy cộng sản khỏi mang tai mang tiếng là "bỏ đói" tù cải tạo.

Trong hăng say hoang tưởng, tôi không kềm hãm được niềm vui trên căn bản giả tạo của mình:

- Trường hợp của riêng tôi thì về phía Mỹ kể như xong hết rồi. Chỉ chờ lấy thông hành để rồi đăng ký chuyến bay nữa thôi. Vậy mà mấy chả cứ nhì nhằn hoài, lúc nào cũng tìm cách khai thác mình tối đa!

Từ ngày ra khỏi trại tù đến nay, nếp sống thường nhựt của tôi là lang thang trên chiếc xe đạp, hết Ngoại Vụ đến Dịch Vụ. Sáng  phở, hủ-tíu cà-phê, chiều khô mực bia hộp, lưng chừng giữa ngày là trà nước bánh ngọt, đấu láo với bạn bè cùng cảnh ngộ, sống bằng những tin tức lạc quan không cơ sở về xuất ngoại và định cư! Nhà tôi và các cháu, may quá, đã thoát được trên chuyến bay di tản vào những ngày cuối cùng trước hôm ba mươi tháng tư "hắc ám". Với đô-la đổi lấy "tiền Hồ", tôi tiêu xài thoải mái, không phải lận đận như một số bạn bè khác. Mối quan tâm duy nhứt của tôi là đoàn tụ với gia đình càng sớm càng tốt. Chỉ còn chờ sự hiện diện của tôi nữa thôi là phương trình hạnh phúc của gia đình tôi sẽ được cân đối. Trong bối cảnh hiện nay, cùng với phương tiện mà tôi có được, thì cuộc sống của tôi kể ra cũng chẳng đến đổi nào, thế nhưng với bản chất tùy tiện, thay chiều đổi hướng không sao lường trước nổi của cộng sản, người ta thường xuyên cảm thấy có một sự bất ổn đáng ngại. Tôi vô cùng nôn nóng nhưng mấy chàng công an ở Sở Dịch Vụ thích ăn tiền đút, của lót nhưng làm việc thì lại lôi thôi!

Một hôm, tôi vừa dẫn chiếc xe đạp vào nhà thì người phát thơ tạt ngang trao cho tôi một bao thơ mang tiêu đề Sở Dịch Vụ. Thơ khẩn, mời tôi ngày mai đến lấy "hộ chiếu". Như vậy là tốt rồi, bao nhiêu thuốc lá "ba số" và bao nhiêu bao thơ "dồn thịt" củng không tiếc. Nhu cầu của con người để được việc là một tòng phạm trong quá trình làm hư hỏng những viên chức tham ô nhũng lạm. Tôi lại chuẩn bị mấy gói thuốc thơm ngoại quốc nữa và một mớ tiền tốt lành cho sẵn vào bao thơ, hy vọng là việc "đăng ký chuyến bay" sẽ được nhanh chóng. Ðồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, quả thật hai tuần lễ sau tôi biết được ngày lên đường. Một dịp bận rộn nữa, nhưng trong niềm phấn khởi và với lòng hân hoan vì đã thoáng thấy được mức đến. Nào là điện tín sang Mỹ, nào là về quê làm lễ cáo biệt mồ mả ông bà, từ giã họ hàng quyến thuộc... Một chuyến đi vô cùng quan trọng! Dù sao thì tâm trạng kẻ lưu vong tỵ nạn cũng chết đi một nửa khi mà nơi mình sinh sống không thể là quê hương của bản thân, còn nơi chôn nhau cắt rún của mình thì chẳng còn trọn vẹn của mình nữa! Vì có mỗi một thân, một mình nên thủ tục về chuyến bay của tôi củng gọn gàng và nhanh chóng.

Chưa được thì nôn nóng, nhưng khi biết chắc ngày mình từ bỏ đất nước ra đi, không biết bao giờ trở về, lòng tôi lại dâng lên một nỗi hối tiếc và hoài cảm lẫn lộn với viễn ảnh và ngại ngùng. Những ngày còn lại đó, tôi đạp xe lang thang trên khắp nẽo phố thị của Sài Gòn, đã từng là khung cảnh của bao nhiêu kỷ niệm trong tôi trên sáu mươi năm có lẻ. Tôi đi hết nơi nầy đến nơi khác, không một ý niệm rõ rệt, cũng chẳng có một mục đích gì dứt khoát. Như một nhân tình muốn giã từ một người yêu nhưng lại sợ phải nhìn thấy dung nhan sầu héo hay phải nếm lấy những giọt lệ mằn mặn của phút chia ly.

Giây phút mong đợi, mãi rồi củng phải đến. Ngày tôi lên đường, họ hàng thân quyến và bạn bè đi tiễn cũng khá đông. Tôi thuê một chiếc xe ca sáu mươi chỗ ngồi, vậy mà có người còn phải đứng. Cũng may là từ nhà tôi lên phi trường cũng không xa mấy, chỉ mươi phút ô tô. Tổ chức dù có chu đáo đến mấy vào giờ chót cũng gặp một vài điều bất ngờ. Ðã chịu khó chi tiền cho một cơ quan dịch vụ chuyến bay - một tổ chức tư nhân, khác với dịch vụ xuất cảnh - nên tôi không phải bận rộn với những thủ tục linh tinh khi đến phi cảng Tân Sơn Nhứt. Như những ngày xưa khi tôi đi ngoại quốc vì công vụ. Thế nhưng, cũng còn gặp những rắc rối linh tinh.

Bấy giờ tôi mới bắt đầu nhận ra rằng ông bạn bấm tử vi cho tôi từ những ngày còn trong tù thật xuất sắc! Lúc đó, khi anh ấy tiên đoán rằng con đường tương lai của tôi rồi đây sẽ như xưa, tôi đã cười thầm, không dám có ý kiến. Kể như tìm chút phấn khởi và an ủi cho qua những ngày lận đận của thời lao lý, tù đày. Rất tiếc là hôm nay không có anh ấy ở sân bay để tôi thưởng cho "vị giáo sư tài tử" đó ít tiền xài chơi. Có lẽ sang Mỹ tôi sẽ gởi quà về tặng anh ta, gọi là chút "tiền quẻ cho thầy".

Ðang mãi chuyện trò với những người đưa tiễn thì loa lên tiếng gọi:

- Mời ông Trần Công Ích vào khu cách ly để làm thủ tục lên phi cơ. Ðây là lời gọi lần thứ hai.

Tôi bắt tay mọi người trước mặt giã từ lần cuối với lời hứa hẹn nhất định sẽ có thư về ngay, nhất là những tin tức liên quan đến chương trình đoàn tụ loại HO. Một vài bà dì, bà cô sụt sùi đưa tiễn tôi, cặp mắt ửng đỏ, vạt khăn đội đầu thay thế khăn tay nuốt khô những giòng lệ quê mùa, nhưng hết sức chân tình. Họ biết rồi đây liên lạc gia đình sẽ nghìn trùng xa cách, không tử biệt mà lại phải sinh ly!

Trong giây phút thoáng qua đó, tôi đã thấy được hình bóng của quê hương và Tổ Quốc. Tình đời thường quan trọng hoá và tôn vinh lòng yêu nước thương nòi, nhưng với tôi giờ đây những ý niệm cao siêu vời vợi kia chỉ còn thu gọn vào dung nhan não nề và những đôi môi mếu máo của những thân nhân tôi, quanh năm lam lũ với mảnh vườn, thửa ruộng ở nơi tận cùng "chó ăn đá gà ăn đất" trên giải non sông gấm vóc nầy. Lòng tôi bổng dưng rỗng không, tâm tư tôi đột nhiên thành vô tận, tôi lủi thủi tiến ra phi cơ, không dám ngoái đầu nhìn lại! Một lần nữa tôi thấy tội lỗi của chính tôi quá trầm trọng đối với những thân nhân còn ở lại trong đôi tay giày vò thô bạo của những kẻ cầm quyền hôm nay! Nhưng tôi còn làm được gì khác hơn?

Tuy nhiên, tôi vẫn còn chút an ủi và hy vọng khi nhớ lại cung cách làm việc của nhân viên nhà nước ở khu "cách ly" vừa rồi. Các ông công an xuất cảnh và những cô nhân viên quan thuế cứ luôn miệng khen, để may ra kiếm chác chút ít vì tôi không có khoản nào để hạch sách được hết:

- Chú xuất cảnh thật gọn nhẹ! 

Biết được tim đen của họ, tôi cứ "hào hoa phong nhã", với âm mưu ý đồ hủ hoá cán bộ nhà nước, đem tiền Hồ rải rắc, theo kiểu một người sắp lên cõi thiên đường thì những bận bịu của trần thế đâu phải là điều quan trọng. Từ kiểu làm việc công với tinh thần kiếm chác như vậy của công nhân viên chức, tôi thoáng thấy còn có cơ hội trở về giải thoát những bà dì, bà cô của tôi khỏi vòng kềm kẹp vô liêm sỉ kia.

Chuyến bay Hàng không Việt Nam tuyến Tân Sơn Nhứt-Bangkok nhẹ nhàng rời khỏi đường bay. Quê hương bao năm dài yêu mến của tôi cứ lùi xa và lùi xa vậy mà lòng tôi lại trống rổng chẳng luyến lưu, không trìu mến. Chỉ có cảm giác như trong những lần cất cánh xưa kia, qua những phi vụ tiếp viện không yểm. Mang tâm thức của kẻ lưu đày, ngày đi thì có, ngày về lại mông lung, tôi đâm ra dửng dưng với đất nước quê hương mà người ta muốn độc quyền sở hữu. Tôi đã bị người ta cấm đoán lòng yêu nước theo cung cách của tôi, thì cảnh vật đang chạy lùi về phía sau dưới cánh phi cơ chẳng còn là của tôi nữa. Những gì còn lại sau lưng tôi, có quan trọng chăng chỉ là thân tình gia tộc, mồ mả ông bà và cảm tình bằng hữu. Ðó là quê hương tôi.

Tôi nghĩ về phía trước của đường bay, về nơi tôi sắp đến, về cõi tạm dung của tấm thân cát bụi còn lại trong chuỗi ngày tồn tại của một kiếp sống dư thừa. Quê hương sau lưng giờ như một trang giấy đã lật qua. "Quê hương trước mặt", tôi chưa hình dung được sẽ như thế nào, nhưng nhất định củng là của thiên hạ người dưng. Tôi không thể có niềm hân hoan của một ca sĩ nào đó khi cô hát vang:"Tôi có hai mối tình, đất nước tôi và Paris", vì bối cảnh đã đổi thay. Xưa kia, du học hay công tác, tôi đã hơn một lần thấy lòng mình rạo rực tâm trạng đó, nhưng giờ đây thì tâm tư và hoàn cảnh lại không dung hợp được nhau.

Tôi đang suy nghĩ triền miên, lơ lửng trên đôi cánh sắt của chuyến bay thì phi cơ đột nhiên chao đão trong một vùng mây trắng màu sữa đặc, thân tàu bay như gói kín trong cuộn bông gòn, phong cảnh chung quanh chẳng thấy đâu. Cô tiếp viên công bố qua hệ thống phát âm, bằng một giọng dịu ngọt, đầy tính trấn an:

- Phi cơ đang vào vùng xao động. Xin quý khách thắt dây an toàn và đừng hút thuốc. Máy bay sẽ đáp xuống phi trường Bangkok trong vòng hai mươi phút nữa.

Lỗ tai tôi lùng bùng nhức nhối vì áp suất thay đổi quá nhanh theo biến chuyển của phi cơ trên độ cao. Tôi thầm nghĩ rằng sau mười mấy năm tù đày, giã từ nghiệp bay, cơ thể tôi đã bệ rạc dễ sợ. Ðã nhiều lần bay bổng dọc ngang từng trời, nay chỉ một thay đổi cao độ tầm thường của phi cơ chở hành khách mà đã như vậy thì chẳng còn tệ hại nào hơn! Phải có điều gì khác thường, không ở tôi thì cũng do phi cơ. Chưa tìm được câu trả lời thì ầm một cái như lúc tôi ngồi hầm tác chiến mà tiếp nhận đạn pháo Việt cộng ngày xưa!                                       

 

¤ ¤ ¤

 

Tôi giựt mình tỉnh giấc. Trọn người tôi bị quấn gọn trong chiếc mền. Thân thể tôi mồ hôi nhễ nhại, mà đường xương sống lại thấy ớn lạnh. Tiếng người đập cửa rầm rầm, thêm phần phụ họa bè hai do tiếng sủa của chó Milou. Tôi vội vàng mở cửa và vô cùng bàng hoàng trước bộ đồng phục màu vàng da bò kỳ quái của chàng công an khu phố mà tôi rất kỵ gặp mặt.

- Anh làm gì mà ngủ say thế?  Hôm nay phường ta có công tác khẩn, yêu cầu anh đến tăng cường tổ dân phòng.

Như vậy là đời tôi lại đi vào ngõ cụt đêm nay!

 

Phan Quân
(Trích "Cõi Đời Vô Duyên")   

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.