.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


 

bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân - Linh Linh Ngọc | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

 

  Phan Quân

 

Đời đời thắc mắc ... Tại Sao và Tại Sao?

  • 18.02.2007

Le 30 Avril 1975, 8h30 du matin les parachutistes basés à l'aéroport de Tan-so-nut opposent une résistance farouche aux regiments de chars communiste. Ce fut le dernier combat de la guerre du viet-nam.

H: http://philippe.buffon.free.fr/indexvietnam.html

Miền đất tạm dung, một ngày đẹp trời, đất nước vào xuân, muôn hoa đua nở, chim hót trên cành và dế mèn ca hát dưới thảm cỏ xanh. Ông cháu nhà nọ đang dạo chơi trong công viên thì bỗng dưng người cháu hỏi ông tại sao thế này, tại sao thế nọ, tại sao thế kia, tại sao và tại sao, vô vàn tại sao. Tính hiếu kỳ của tuổi trẻ - con cháu người tạm dung gốc Việt - cho thấy thế hệ kế thừa có nhiều thắc mắc về thân phận của chính mình, của cha mẹ và của ông bà.

Tại sao ta có đất nước mà phải lang thang?

Tại sao đất nước này chẳng phải là quê hương ta?

Tại sao ta là người Việt mà chẳng phải dân Việt?

Tại sao ta không nên đem tài năng và trí tuệ về giúp ích đất nước và đồng bào còn chậm tiến?

Tại sao... và còn nhiều tại sao hệ lụy khác nữa. Những tại sao muốn đáp ứng được cũng khá gay go vì nguyên do của những thắc mắc đó bắt nguồn từ những ngõ ngách chính trị, ngoại giao, quân sự và xã hội rất là quanh co khúc khuỷu.

*  *  *

Có thể nói cái tại sao nguyên ủy của tất cả những cái tại sao tiếp nối kế đó phải là Hiệp Định Ba-Lê, được ký kết ngày 27 tháng Giêng 1973, với tục danh dài dòng là: "Hiệp định chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam". Ngày nay, đọc lại một vài điều khoản của hiệp định người ta sẽ phát hiện ra nhiều chuyện buồn cười đến ngây ngô!

Chỗ khôi hài đầu tiên và đầy tính nguyên tắc là Sài Gòn không chịu đặt chữ ký của mình bên cạnh chữ ký của chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam, để nói với thiên hạ là, trước sao sau vậy, Sài Gòn nhất định không công nhận chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam. Thế nhưng, hình thức đâu có phủ nhận được nội dung!

Ngay điều khoản đầu tiên cũng đã ghi nhận rằng: "Hoa Kỳ và tất cả những nước khác tôn trọng nền độc lập, thế chủ quyền, sự thống nhất và tính nguyên vẹn lãnh thổ của Việt Nam, như đã được Hiệp Định Genève 1954 về Việt Nam công nhận." Thế nhưng, trên thực tế ai cũng biết rằng Hiệp Định Genève 1954 quy định có hai Việt Nam, bị ngăn đôi ở vỹ tuyến 17. Và còn nhiều điều khoản nữa trong đó bốn phía hòa đàm đã long trọng cam kết đủ thứ nhưng khi có vi phạm thì cũng cười trừ. Chỉ có nhân dân miền Nam Việt Nam phải âm thầm lãnh đủ với vô vàn đau thương!

Một hiệp định như thế, đầy rẫy những từ lấp lửng nước đôi, mà cộng sản muốn khai thác có lợi cho họ lúc nào cũng được, thế nhưng người ta đã long trọng đặt bút ký vào! Thậm chí hai người chủ chốt của hiệp định còn được tặng giải Nobel hòa bình?! Bởi vậy cho nên, khi Mỹ bắt ép Sài Gòn ký tên vào, tổng thống Thiệu không chịu cũng phải. Thế nhưng không chịu không có nghĩa là không ký, vì nhược tiểu chịu ơn thì ngang ngạnh mà được à? Vã lại, còn bị áp lực nữa. Khi tổng thống Nam Việt Nam không chịu ký văn bản đầu tiên hiệp định Ba-Lê thì tổng thống Nixon lên cơn "Tarzan nổi giận" nói với Kissinger:" Bắt ép cũng vô ích. Để rồi xem thằng cha ấy (this son of a bitch) có chịu ký không." Thế rồi chuyện gì xảy ra, ai ai cũng biết.

Sở dĩ tổng thống Thiệu chịu ký cái hiệp định trời đánh, thánh đâm - mà ông thường khuyên báo chí Sài Gòn nên lớn tiếng tố cáo và mạnh tay viết trắng ra rằng đó là một văn bản phản bội, một giao kèo của bọn ma mãnh lừa bịp, một bản án tử hình, một sự đầu hàng - là vì có sự cam kết bí mật của Nixon, được minh thị viết ra trên hai mươi bảy bức thư, vừa là bản chính, vừa là điện thư do những nhà ngoại giao Mỹ trao lại. Đây là một hồ sơ tối mật, một thứ vũ khí phòng thân được tổng thống Thiệu khư khư giữ kín và giữ kỹ trong phòng ngủ của ông.

Ông Thiệu cho rằng những lời lẽ trong thư cũng như những lời tuyên bố của Nixon còn nghiêm chỉnh và đáng tin tưởng hơn các điều khoản trong hiệp định Ba-Lê. Khư khư như từ giữ oản, ông giữ riêng cho ông, thậm chí những người thân cận nhất của ông cũng không được biết trọn vẹn nội dung những thư đó. Ông cứ lấp la lấp lửng cho họ biết rằng ông có bữu bối, đã được tổng thống Nixon cam kết, cứng như đá, vững như đồng. Ông Thiệu thường đọc đi đọc lại những tờ thư riêng tư mật kín đó và cứ yên tâm là Mỹ sẽ phản ứng mạnh và thật tình nếu cộng sản Bắc Việt tấn công miền Nam trở lại. Thế nhưng, sau biến cố Watergate, Nixon giả từ tòa Bạch Ốc rồi thì những lời cam kết sắt đá kia bỗng trở thành những lời nói suông, có giá trị lịch sử mà chẳng có quyền năng của mệnh lệnh! Vì tổng thống Ford, người lâm thời kế nhiệm Nixon, đâu có cam kết gì. Nên chi, chuyện đất trời Nam Việt Nam đảo lộn, sau khi đã lở lói ở Ban Mê Thuột, để rồi biến thành cơn đại hồng thủy ba mươi tháng Tư sau đó cũng là chuyện đương nhiên.

Ở đây có cái tại sao hơi khó hiểu là dù cho, vào năm 1975, khi cộng sản vi phạm hiệp định một cách trắng trợn - tấn công Phước Long, tiến chiếm Ban Mê Thuột và nhiều tỉnh miền Nam - và thậm chí khi lên truyền hình chỉ trích Mỹ thậm tệ để từ chức, rồi tháo chạy, tổng thống Thiệu cũng không chịu công khai hóa những bức thư then chốt và cần thiết đó.

Vì sợ tiết lộ bí mật giữa hai người hay vì tư cách của một nguyên thủ quốc gia hoặc vì không muốn đưa ra công khai những điều được xem như là cần giữ kín chăng? Hay vì muốn bảo vệ sinh mạng cá nhân, muốn tránh vết xe cũ của hai anh em tổng thống Diệm, vì e rằng làm thế Mỹ không cho phương tiện để đưa ông ra khỏi nước Việt Nam đang chìm xuống, vì sợ Hoa Kỳ sẽ không cho tạm cư chăng?

Cái tại sao này lôi theo cái tại sao khác. Bảy giờ sáng ngày đầu năm dương lịch 1975, cộng quân lùa khoảng bốn mươi chiến xa T54 để tấn công Phước Long. Ai ai cũng biết rằng quân Mặt Trận Giải Phóng thì làm gì có tăng. Với một lực lượng xâm nhập như thế của Bắc Việt, quân trú phòng làm sau mà chịu nổi nên Tướng Dư Quốc Đống, tư lệnh QĐIII xin trung ương tăng viện nhưng không biết vì sao tổng thống Thiệu bác đơn xin đổ quân thêm cho Phước Long.

Tướng Đống đâm đơn từ chức thì tổng thống Thiệu không chấp nhận. Đây là một trường hợp vi phạm trầm trọng và trắng trợn hiệp định Ba-Lê của phía cộng sản. Một vố đau về chính trị cho Nam Việt Nam vì gần hai năm sau ngày ký hiệp định, đây là lần đầu tiên cộng sản dám có hành động quân sự táo bạo, tiến chiếm một tỉnh, coi thường dư luận quốc tế, hay ít ra cũng khinh thường những quốc gia có liên hệ đến hiệp định. Với một vi phạm như thế mà mọi phe phía đều bình chân như vại!

Sài Gòn thì lần lữa đắn đo, không quyết tâm tái chiếm, như đã từng làm trước kia, mà chỉ có những biện pháp tiêu cực, nặng tính trình diễn như: ra lệnh treo cờ rũ ba ngày, đóng cửa hộp đêm, vũ trường, rạp hát, rạp chiếu bóng, cấm đá banh, cấm đua ngựa,... kể như là cảm thông nỗi niềm đau khổ. Rồi hô hào biểu tình phản đối trước trụ sở Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (ICCS), một ủy ban bày hàng, có cũng như không, đã tỏ ra bất lực một cách "dễ thương", thậm chí không dàn xếp nổi một cuộc ngừng bắn để tải thương thường dân! Một ủy ban thời bấy giờ dư luận cho rằng chẳng kiểm soát được cái quái gì cả và cũng không canh chừng được ai. Thảo nào mà thời đó, người Gia Nả Đại chơi chữ cho mấy mẫu tự ICCS có nghĩa là "I can't control shit" (tôi không kiểm soát được cái đếch gì hết). Còn dân chúng Việt Nam thì cũng chơi chữ cho rằng "Im chờ coi sao", nghĩa là "đòi nứng, đỏi kê", đừng nói để coi.

Hoa Thịnh Đốn thì sống chết mặc bây, tiền thày bỏ túi. Kissinger - "nhà ngoại giao đi đêm", "vua ngụy trang", "đồ đạo đức giả", một con người đã được tổng thống Thiệu tặng cho bí danh là "thằng chó đẻ" nhưng lại là một Nobel Hòa Bình nhờ chiến cuộc Việt Nam - họp Nhóm Hành Động Đặc Biệt (Washington Special Action Group - WSAG) để đấu láo chơi rồi "bỏ qua đi Tám"!

Năm 1975, trên phương diện tâm lý và một cách thực tiễn, Kissinger đã xa rời với "thực tế Việt Nam" mấy nghìn năm ánh sáng. Sau khi được tổng thống Thiệu tặng cho "danh hiệu" nặng nghìn cân đó, Kissinger tuyên bố:"Thiên hạ chửi rủa tôi quá nặng, tôi sẽ không bao giờ trở lại Sài Gòn nữa". Và ông đã thực sự xa lạ với Việt Nam sau khi hiệp định Ba-Lê đã được ký kết! Còn tổng thống Ford, người lâm thời kế tục Nixon, đâu muốn dính dáng gì nữa đến Việt Nam để may ra hốt phiếu trong kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sắp sửa diễn ra trong năm đó.

Cứ theo cung cách như thế mà hiệp định Ba-Lê lần hồi trở thành mảnh giấy lộn, miền Nam Việt Nam bị bắt nạt không thôi trong khi cộng sản Bắc Việt thì chơi ngông, giành dân lấn đất, vừa ăn cướp vừa la làng. Nên chi, cái tại sao đó không ai chịu trách nhiệm trả lời, âm thầm đùn qua đẩy lại quá lâu để cho "cứt trâu hóa bùn"!

Sau trận đánh Phước Long để dọ đường, thăm dò và nhờ chó dắt nên đạt được thắng lợi, lại không gặp phản ứng gì của Mỹ và của cả những nước liên hệ đến hiệp định, cộng sản bèn có ý định thừa thắng xông lên. Sau một phiên họp lâu dài từ ngày 18 tháng Chạp 1974 đến ngày 8 tháng Giêng 1975 - và được kéo dài hơn nữa sau khi Phước Long thất thủ - bộ chính trị Hà Nội dựng lên một phương án hành động chiến lược cho hai năm 1975 và 1976, nhằm vào Nam Việt Nam qua chiến thuật "ba mũi giáp công", chính trị, ngoại giao và quân sự. Qua một thời gian giằn co giữa hai quan niệm chiến thuật của Văn Tiến Dũng và Trần Văn Trà, mãi đến hạ tuần tháng Giêng 1975, Lê Duẫn mới dứt khoát chấp thuận đề nghị của Trà và Phạm Hùng, cho mở mặt trận Ban Mê Thuột với sự giám sát chính trị tối cao của Lê Đức Thọ. Một con người chia đôi giải Nobel Hòa Bình với Kissinger mà không chịu nhận, phải chăng vì có chủ tâm sẽ kéo dài chiến tranh Việt Nam cho đến chiến thắng sau cùng?

Alors que les saigonais fuient, les chars rentrent dans la ville

H: http://philippe.buffon.free.fr/indexvietnam.html

Chuyện Ban Mê Thuột ai cũng biết không cần nói ra đây nữa. Nhưng hậu quả của Ban Mê Thuột mới là đáng kể. Một địa điểm mất đi, dĩ nhiên là trung ương Sài Gòn ra lệnh tái chiếm và tổng thống Thiệu cũng không làm gì khác hơn. Muốn tái chiếm thì phải đổ thêm quân nhưng tướng Phú đâu có được phương tiện mà cũng không có số quân mong muốn nên Ban Mê Thuột chiến đấu không tới một ngày thì lọt vào tay đối phương lúc 17g30 ngày 10 tháng Ba 1975. Ngày hôm sau, tổng thống Thiệu mời đại tướng-thủ tướng Trần Thiện Khiêm, đại tướng-tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên, và trung tướng-cố vấn an ninh của tổng thống Nguyễn Văn Quang, ăn sáng bàn chuyện đại sự, "tái phối trí lực lượng" theo kiểu liệu cơm gắp mắm. Ông suy luận theo kiểu toán học rằng trước kia Mỹ viện trợ một tỷ rưởi đô la thì ta giữ được bốn vùng chiến thuật, nay còn bảy trăm triệu thì ta chỉ giữ được vùng III và vùng IV thôi. Một lối lập luận theo kiểu các bà nội trợ của những thầy thông ông phán ba cọc ba đồng. Ông chủ trương là nên bảo vệ và tăng cường một nước "Việt Nam hữu ích". Người ta cho rằng bỏ rơi lãnh thổ quốc gia như thế, tổng thống Thiệu hy vọng gây được hai tác động tâm lý. Một là, làm cho lập pháp Mỹ hoảng hốt, phải chuẩn chi tài khoản phụ trội để hành pháp viện trợ cho Việt Nam. Hai là, quần chúng Nam Việt Nam sẽ thức tĩnh mà chiến đấu hăng hơn. Còn điều lợi thứ ba, không nói ra, là như vậy quân thiện chiến sẽ ở trong tầm tay của tổng thống, ngăn ngừa được chuyện đảo chính, lúc bấy giờ đang được bàn tính xôn xao.

Một vấn đề quan trọng như thế tại sao chỉ được thảo luận giữa bốn người, trong đó có ba người mà cả Sài Gòn ai cũng biết là thuộc loại con gật-hình nộm, có mặt để tán thành ý kiến của tổng thống. Một thủ tướng ngậm miệng ăn tiền, một tổng tham mưu trưởng chuyên ngồi thiền và "che dù" và một cố vấn an ninh theo đóm ăn tàn.

Ngoài ra, quyết định hy sinh một phần lãnh thổ đó, lãnh đạo Việt Nam cũng không thèm cho Hoa Kỳ hay biết gì hết. Mỹ chỉ hay biết khi sự việc đã xảy ra và qua phương tiện truyền thông. Lý do bảo mật chiến lược chăng? Hay muốn tỏ rằng ta thật sự có chủ quyền? Một quyết định xuất phát từ một cơn hờn dỗi và giận lẫy tất sẽ đem lại kết quả tai hại vô cùng. Và, buồn cười thay, thậm chí nội các chính phủ cũng chỉ biết quyết định quan trọng kia của bốn ông tướng làm chính trị, theo cung cách của người dân ngoài đường phố, nghĩa là qua đài phát thanh VOA và BBC.

Sáng ngày 14, cũng bốn nhân vật đó bay ra Cam Ranh để gặp mỗi một mình tướng Phú. Ông Thiệu đưa ra chiến lược mới của ông, chiến lược "đầu teo, đít to", nghĩa là nhẹ ở phía Bắc và nặng ở phía Nam về quân sự. Quyết định tối hậu của "mật đàm Cam Ranh" là hy sinh Pleiku và Kontum để cứu vãn Ban Mê Thuột, theo ý tổng thống Thiệu. Nhưng theo ý tướng Phú thì mất Pleiku để cho tổng hành dinh của ông tồn tại! Một quyết định xuất phát từ chỗ mỗi thành phần "thượng đỉnh" hiểu theo ước muốn của mình. Ông Thiệu nghĩ rằng nếu tái chiếm được Ban Mê Thuột thì Quân Đoàn II có thể trở về Pleiku và Kontum, sau khi đã tạm thời "di tản chiến thuật". Một cuộc thảo luận loạn xà ngầu và từ đó mỗi người lấy ý kiến của mình làm quyết định. Ông Thiệu nghĩ rằng ông đã cho lệnh tướng Phú tái chiếm Ban Mê Thuột, còn tướng Phú thì hiểu rằng đã có lệnh rời Pleiku và Kontum. Nhưng có cứu được Ban Mê Thuột hay không, mọi người đều biết và đã chịu đựng quá nhiều hậu quả.

Di tản một tỉnh và một quận đâu phải là chuyện dễ dàng như chuyện dời quân của một đơn vị nhà binh vì ngoài công nhân viên chức còn gia đình và đồ tế nhuyễn của riêng tư của họ nữa. Cho nên, để động viên người phụ trách, tướng Phú lợi dụng tình thế, bắt chẹt tổng thống thăng cấp sĩ quan phụ tá của ông, đại tá Tất, một sĩ quan chưa từng chứng minh khả năng chỉ huy của mình, lên chuẩn tướng. Đại tướng Viên không biết rành sĩ quan này, còn tổng thống Thiệu thì do dự. Nhưng, vì tướng Phú là con gà của thủ tướng, còn ông tá Tất là đàn em thân tín của tướng Phú và vì tình thế đòi hỏi nên tổng thống Thiệu đành "thí một cặp sao bạc" vậy.

Tại sao phải thăng cấp trước khi hoàn thành nhiệm vụ giao phó? Để cho đương sự hăng hái hơn chăng? Thì ra vì tướng Phú muốn có người đứng ra làm cái bung xung khi ông biết cái khó khăn của việc di tản cả Vùng II. Y như rằng tướng Tất chẳng làm được gì khi đã có quyết định di tản trên con đường 7B, một con đường không được sử dụng từ thời chiến tranh Đông Dương kỳ I. Chuyện di tản trên đường 7B vô cùng thê thảm và bi thương cho cánh quân đội và quần chúng bị lùa vào đó, nhưng không ai nghe nói tướng Tất có quyết định gì! Phải chăng vì "lạnh cẳng", cần bảo vệ hai sao bạc mới toanh hay bận lo di tản gia đình?

Mà tại sao lại chọn đường 7B để di tản dân quân Vùng II một cách ồ ạt như vậy chớ? Ngõ di tản tốt nhất là đường 9, nối liền Pleiku-Qui Nhơn, nhưng tiếc thay đã bị cộng sản khống chế bằng mọi phương tiện chiến tranh. Cho nên tướng Phú, viện cớ là cộng sản không quan tâm tới con đường liên tỉnh 7B nối liền Pleiku-Tuy Hòa, đã chọn con đường này. Cũng là một điều bất ngờ cho cộng quân, nhưng được bao lâu? Thế nhưng, trước khi đưa người và chiến cụ vào con đường loang lỗ đầy "ổ voi" và lầy lội bất khả dụng này, bộ chỉ huy lại không cho thám sát đầy đủ. Đường hư hỏng bê bết, cầu sập nhiều nơi nên chiến xa không tiến được và công binh phải mất nhiều thời gian để sửa chữa.

Trong chiến tranh và trong chỉ huy, tiên liệu là chuyện phải nghĩ đến. Cứ tin chắc rằng cộng sản không biết quân ta sử dụng đường 7B nên đoàn quân, cán, chính và thường dân Vùng II cứ phom phom đường ta, ta cứ đi. Cứ nghĩ rằng địch cũng quan niệm như ta cho nên Văn Tiến Dũng quả thật đã bị bất ngờ sau khi các quốc lộ 19, 14 và 21 đã bị cộng sản cắt đứt.

hế nhưng 48 giờ sau thì Dũng hay tin QĐ II đã di tản trên đường 7B. Đùng đùng nổi giận, Dũng quát tháo tướng Kim Tuấn, tư lệnh sư đoàn 320 và quy trách nhiệm cho ông này nếu như QĐ II vuột thoát. Để sửa sai, Dũng ra lệnh cho sư đoàn 320 và 968 tiến nhanh về hướng đường 7B để chận đánh đoàn di tản. Một cuộc triệt thoái thảm khốc chưa từng thấy, được Polgar, trưởng lưới CIA Mỹ tại Sài Gòn, cho là "như cuộc trình diễn của một đoàn xiệc đang lên cơn điên. Đàn voi đi đầu còn các con thú khác thì theo sau và dẩm chân lên phân voi", sau khi nghiên cứu không ảnh do phi cơ của Air America chụp. Tại sao người ta lại khinh thường khả năng vận động chiến của địch đến đổi không tiên liệu việc phòng vệ đoàn di tản và những trận đánh trả các cuộc tấn công của cộng sản muốn ngăn chận triệt thoái? Một lần triệt thoái với tổn thất nặng nề mà bộ Tổng Tham Mưu cho biết là mất đi một thiết đoàn và bảy trung đoàn. Tổng thống Thiệu đổ lỗi cho tướng Phú nói rằng ông không có cho lệnh triệt thoái để rồi sau đó sửa sai là lẽ ra tư lệnh Vùng II phải chuẩn bị di tản một cách chu đáo hơn. Cứ thày đổ bóng, bóng đổ thày như thế nên những cái thắc mắc về sau không có câu giải đáp!

Clausewitz có viết:"Thua trận là nhân tố dẫn đến suy yếu và tan rã. Nhu cầu cấp bách nhất là phải tập trung tư tưởng một cách có trật tự, cũng như phải can đảm và tin tưởng trở lại". Tại sao các tướng lãnh Nam Việt Nam, đội lớp chính trị, lại quên đi điều đó, để cho đất nước phải chịu một ảnh hưởng dây chuyền tai hại về sau? Vì không làm được như vậy nên các tỉnh lỵ và tỉnh duyên hải đua nhau rơi rụng như lá vàng mùa thu gặp gió heo may! Trong đợt duyên hải thất thủ dây chuyền đó không biết bao nhiêu cái tại sao không đáp số để lại cho thế hệ kế thừa:

-- Tại sao trong khi QĐ I đang bị áp lực nặng nề của các sư đoàn thiện chiến 325C, 324B, 304, 711, 2 và 341 - chưa kể những đơn vị hỗn hợp chính quy và du kích - mà tổng thống Thiệu lại ra lệnh cho tướng Trưởng phải trả nhảy dù và thủy quân lục chiến về vùng Sài Gòn? Thế rồi lệnh lạc mâu thuẫn nhau, cái sau chưởi cha cái trước, lệnh đi rồi lệnh về ngược lại, loạn xà ngầu giữa tổng thống, tổng tham mưu trưởng và bộ tư lệnh QĐ I để cho cố đô Huế rơi vào vòng tay cộng sản gọn ơ! Trong quyển sách "Tháng Tư Hung Bạo" (Cruel Avril), Olivier Todd có viết:"Chưa có dữ liệu để đoan chắc là tổng thống Thiệu chịu trách nhiệm trong các vụ mất Phước Long, Ban Mê Thuột, kể cả cuộc triệt thoái thảm khốc Kontum và Pleiku. Nhưng, nhất định là ông có tội trong việc mất Huế" (trang 186).

-- Huế mất rồi, Đà Nẳng, thị trấn to lớn nhất của duyên hải và nơi mà QĐ I đóng tổng hành dinh, bắt đầu lung lai để rồi sau cùng cũng lọt vào tay cộng sản. Là một danh tướng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, tại sao ông Ngô Quang Trưởng không làm gì khá hơn tướng Phú, thậm chí tình hình còn tồi tệ gắp bội? Không được di tản bằng trực thăng như tướng Phú, ông phải bơi từ Đà Nẳng ra ca-nô mới được đưa ra tàu lớn để "chạy" về Sài Gòn.

-- Đầu tháng Tư 1975, thành phố Nha Trang đang sống yên tĩnh trong khi cơn bão quân sự đang hoành hành ở phía Bắc, bỗng dưng vào một buổi sáng ông tỉnh trưởng ra lệnh cho tòa tỉnh đóng cửa nghỉ việc mà không báo cho tướng Phú lẫn người Mỹ hay biết gì hết. Vào quá ngọ, phát hiện ra hành động bỏ ngõ như vậy, tướng Phú gọi phi công trực thăng riêng của ông và ra lệnh cất cánh. Thế là, một đồn mười trong khi tinh thần đang căng thẳng và mang một ấn tượng "bỏ của, chạy lấy người" đã đậm dấu ấn sau Pleiku, Kontum, Huế và Đà Nẳng, thiên hạ ùn ùn tháo chạy dù chưa thấy bóng dáng một tên lính cộng sản nào, vì bộ chỉ huy chiến dịch Bắc Việt quyết định tránh Nha Trang, ra lệnh cho hai sư đoàn 316 và 320 tiến thẳng vào Cam Ranh. Tại sao có sự khiếp sợ gì mà tai hại đến thế?

-- Trong một bữa dạ tiệc để "cám ơn" thủ tướng Khiêm - đã từ chức theo ý muốn của tổng thống Thiệu - tại sao tổng thống lại có ý nghĩ kỳ lạ khi chỉ ba sọc đỏ của quốc kỳ mà nói rằng:"Các ông thấy không, tất cả đều do tiền định. Tôi không hiểu ai đã có sáng kiến vẻ ba sọc đỏ trên cây cờ. Rồi đây sẽ có ba nước Việt Nam". Thế nhưng, ý nghĩ đi trước có vẻ phản ảnh ước muốn cuối cùng của tổng thống Thiệu - để may ra ông còn cai trị được một phần ba đất nước - buồn thay, lại không thành hiện thực. Thay vì ba nước Việt Nam thì, sau khi "trời đất nổi cơn gió bụi", chỉ còn có mỗi một Việt Nam cộng sản mà thôi!

-- Tại sao, trong khi cộng sản vi phạm hiệp định một cách trắng trợn như thế mà Hoa Kỳ vẫn cứ một mực tôn trọng những gì đã công khai cam kết và phản đối với đầy đủ nghi thức ngoại giao và lễ nghĩa? Phản ứng lại hành động côn đồ một cách lễ độ và xã giao thì chẳng khác nào chấp nhận chuyện đã rồi. Đã thế mà phe gọi là thế giới tự do còn o ép Việt Nam Cộng Hòa chiều theo những đòi hỏi của cộng sản mà không có được bảo đảm là họ sẽ hài lòng. Buộc ông Thiệu từ chức, giao lại cho ông Hương, rồi ép ông Hương trao "chiếc khăn tay" lại cho đại tướng Dương Văn Minh để cuối cùng cộng sản hốt trọn gói!

*  *  *

Đó là những cái "tại sao" trong vô vàn cái "tại sao" mà thế hệ di tản buồn cũng như thế hệ sinh sống trên miền đất tạm dung - qua hình thức này hay hình thức khác - không tài nào giải đáp được. Những người may ra cung cấp được đáp số thì, buồn thay, cứ giữ mãi trong đầu, sống để đó, chết mang theo, nay đã lần hồi khuất dạng bên kia núi đồi và rừng cây bụi cỏ. Năm này, tháng nọ, ngày cũng như đêm, canh cánh trong tâm tư những thắc mắc miên viễn như thế nên người Việt nơi miền tạm dung cứ phải sống qua ngày đoạn tháng một cuộc đời khắc khoải, trầm ngâm và mang một dáng đứng không được trọn vẹn tự nhiên, không nhiều hứng khởi và không thấy ánh sáng của bình minh trước mặt. Một kiếp sống với một hoài bảo tạm bợ, với một viễn ảnh ảo và với một định hướng không tên!

Thì ra, cái gọi là "hiệp định chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam" không chấm dứt được chiến tranh lại đưa nó lên cao thêm một mức để thiết lập một "hòa bình kiểu cộng sản", trong khi Hoa Kỳ bị hiệp định đó trói tay. Giá như hiệp định đó chỉ ràng buộc Bắc Việt với Hoa Kỳ không thôi và trực tiếp đến những lợi ích thiết thân của Hiệp Chúng Quốc, liệu Mỹ có chịu để yên cho cộng sản lộng hành như thế không? Người ta - toàn là những bộ óc siêu việt - đã bị thằng lưu manh lừa đảo chơi khăm mà chỉ được phản đối qua loa lấy lệ. Chỉ có nhân dân miền Nam bị bắt buộc phải ngậm đắng, nuốt cay mà gánh chịu thôi! Từ "tại sao" này liên miên đến "tại sao" kia, Việt Nam Cộng Hòa đã bị bắt ép phải vĩnh viễn ra đi, không một lời trăn trối. Hình dáng nhược tiểu ai nắn thế nào mà chả được và đã tạo ra được thì, khi thấy không còn cần thiết nữa, tiện tay vứt đi đâu khó khăn gì. Chỉ đáng buồn là thân phận nhược tiểu đó lại lót đường làm hoen ố một thần tượng của Thế Giới Tự Do!

Và, rồi đây, mai kia, mốt nọ, những thế hệ kế thừa của Iraq lại tiếp tục có những câu hỏi "Tại sao" mà chẳng ai thèm trả lời! Buồn thay cho thân phận của những con chốt trên bàn cờ quốc tế! Biết được tại sao thì những cá nhân đã ra người thiên cổ.

 

Phan Quân

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.