.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


 

bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân - Linh Linh Ngọc | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

 

  Phan Quân

 
 

Nhớ nhớ quên quên

 

  • 25.02.2007

 

Hết thời gian quản chế, trưởng đồn công an khu vực tề chỉnh và nghiêm nghị phán rằng:

 

- Trong thời gian qua, anh đã tỏ ra là người tốt nên Đảng và Nhà Nước khoan hồng độ lượng trả quyền công dân lại cho anh. Đảng và Nhà Nước mong rằng anh sẽ tiếp tục sinh sống ngoan hin như thế để sớm hòa mình vào tập thể.

 

Tôi chỉ mĩm cười ra vẻ đồng ý với "người bạn dân", quân phục màu da bò, cho qua chuyện, nhưng chỉ có thâm tâm của tôi mới biết được cảm nghĩ đích thực của tôi lúc bấy giờ mà thôi. Điều then chốt đối với tôi lúc này là ra khỏi đồn công an nhanh phút nào hay phút ấy.

 

Thế là từ nay tôi khỏi mất công và bực mình đi trình diện định kỳ ở cái phòng sở gớm ghiết kia nữa. Nhưng như thế cũng chưa phải là tôi hết duyên nợ với người "thủ trưởng" khó thương kia vì thỉnh thoảng ông ta cũng còn đến nhà tôi, ra điều "săn sóc sức khỏe đương sự", nhưng thực ra là để kiếm ít thuốc có cán và tách cà phê chất lượng. Công an đến nhà, không trà thì thuốc, đó là đóng góp tối thiểu, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó, không nên coi như là "hủ hóa" cán bộ nhà nước.

 

Trong thời gian chờ đợi thủ tục để đi đoàn tụ, tôi cố gắng đi tìm công ăn việc làm để cho công an không dị nghị, làm khó làm dễ. Nhưng đã trót mang dấu ấn "ngụy quân, ngụy quyền" nên đâu có dễ gì tìm được một công việc ra hồn và theo ý muốn. Cho nên, có thể nói là rất may mắn, tôi chộp được một chân thợ vịn trong ngành xây dựng, phụ tá thứ mười mấy cho anh thủ kho vật liệu. Lương tháng chẳng có là bao, chỉ đủ mỗi sáng một gói xôi, một chung trà xanh và điếu thuốc lá. Nhưng, nguồn thu nhập chính của tôi là do bà xã và các cháu từ nước tạm dung gửi về. Nên chi tôi cứ sống thoải mái một cách âm thầm, đầy kịch tính, vì chớ nên để cho công an biết được.

 

Vợ con tôi đã kịp thời di tản trước ngày 30 tháng Tư năm 75 hắc ám, riêng tôi bị kẹt lại vì nhu cầu công vụ. Vì nhà cửa trước kia của chúng tôi nằm trong cư xá không quân Tân Sơn Nhứt nên đã được "cách mạng" chiếu cố mà quản lý ngay từ ngày đầu tiên "sập tiệm", tài sản riêng tư vào tay những người vô sản hết. Còn tôi thì từ giai cấp tiểu tư sản bỗng chốc leo "lên giai cấp vô sản"! Một cung cách thăng tiến thời địa hãm, thiên băng.

 

*  *  *

 

Một hôm, tôi đi làm như thường lệ, nhưng lạ chưa, cơ sở lao động của tôi biến đâu mất. Chẳng cần phải thắc mắc lôi thôi, tôi cứ bình tĩnh như chẳng có chuyện gì xảy ra, dạo bước rong chơi. Tôi bước vào nhà lồng chợ Bến Thành, lúc bấy giờ đã đổi khác, chỗ thì buôn bán lưa thưa, nơi thì sụp đổ hoang tàng như vừa bị Việt cộng pháo kích, nã súng cối. Kỳ thật, tôi tiếp tục lẩn thẩn, lang thang đi theo hành lang vòng quanh chợ, con đường mà xưa kia, vào thời còn là khóa sinh trường Sư Phạm Sài Gòn, tôi thường đưa người em gái đi tới đi lui. Đi một đỗi, tôi tới trước một căn nhà khang trang, chủ nhà là anh bạn tù Nguyễn Viết Tân, trong kiếp phù sinh, ở cõi đời vô duyên "học tập cải tạo". Không một lời nào, Tân đưa tay làm cử chỉ giới thiệu tôi cùng cô vợ rất trẻ đẹp, trên tay bế một cháu nhỏ khoảng năm sáu tháng tuổi. Hai chúng tôi không ai nói với ai một lời nào nhưng có vẻ hiểu nhau rất nhiều.

 

[...]

 

Tiếng nhạc lời ca trên cái đồng hồ báo thức ở đầu nằm lôi tôi ra khỏi giấc ngủ, giả từ luôn hình ảnh tao ngộ đẹp đời kia. Tôi rất bực mình vì gặp lại bạn tù, chưa nói được điều gì đã phải đứt đoạn. Người tôi rướm mồ hôi và tiềm thức của tôi lần hồi trở về với mức bình thường của nó. Thì ra, tôi vừa trải qua một giấc mơ kỳ lạ.

 

Tân là đại tá chỉ huy một lực lượng biệt hải, chuyên hoạt động trên vùng biển Nam Hải bên kia vĩ tuyến. Vì mãi mê đánh Bắc, dẹp Nam mà Tân quên mất chuyện di tản buồn để miệt mài với công vụ mà lãnh lấy phần lao cải chẳng vui. Trong thời tù tội, Tân[1] chịu hai lần tai biến mạch máu não để khi quân cộng của Bác và Đảng tha về thì quỷ sứ của Diêm Vương bắt đem đi, sau khi tôi đã lên đường đoàn tụ chẳng bao lâu, vào khoảng 1990 hay 91 gì đó.

 

Ấy vậy mà, mười bảy năm sau, tôi lại gặp Tân trong cơn mơ. Trên đường đời tạm dung nơi đất nước thiên hạ, quê quán người ta, thỉnh thoảng tôi có những giấc mơ kỳ quái, hồn vía tôi dạy rằng, bằng mọi cách, phải thoát ra khỏi mê cung mộng mị đó. Ấy vậy mà nào có ra được dễ dàng cho cam?!

 

Như trong một cơn mộng khác, tôi thấy mình đương không, tự mình trở vào trại cải tạo, nhưng diện côm-lê hẳn hòi. Bạn tù gặp nhau chào hỏi vui tươi, tay bắt mặt mừng, nhìn quanh, nhìn quẩn không thấy bóng dáng một tên cán bộ quản giáo nào. Chẳng lẽ mình đã được biên chế sang diện "tự giác", nghĩa là tù mà không bị quản chế, lông bông, lang bang trong vòng rào của tù tội, nhưng chưa hẳn được tự do. Tiềm thức tôi cảm thấy bực mình vô hạn, cố gắng hết sức mình tỉnh giấc và may mắn thay đã qua cơn mộng dữ!

 

Một lần khác, tôi lọt vào một vùng đất rậm rịt, cây cỏ chằng chịt, mạng nhện tùm lum, đi hoài đi mãi chẳng thấy được lối ra. Tôi cựa quậy lung tung để tìm ngõ thoát hiểm. Tôi gần như tuyệt vọng, cất tiếng kêu cứu. Người đẹp ngoài bảy mươi của tôi nằm bên, lay tỉnh tôi dậy:"Ông làm gì mà mớ to quá?" Tỉnh giấc, toàn thân mồ hôi mồ kê nhễ nhại, trong khi bên ngoài trời rét, lạnh căm căm.

 

*  *  *

 

Thì ra chỉ là những cơn mộng mị thôi. Nhưng hiện tượng đó phải chăng đang nhắc nhở những con người - đã cố tình và tận lực bảo vệ tâm tư tình cảm bản thân để chống trả lại những gì vô luân, tàn nhẫn và phi nhân tính của bọn quỹ đỏ, qua cái gọi là "học tập cải tạo" - là địch đã đánh phá tâm lý kẻ thù giai cấp rất tàn bạo nên, mấy mươi năm sau, dấu ấn vẫn còn tồn tại trong tiềm thức, để thỉnh thoảng chổi dậy trong giấc ngủ, qua cơn mơ. Nên chi, phải cần đề cao cảnh giác trước hiện tượng "du kích tâm thần" của cộng sản, để tìm cách phản kích. Không thua Hà Nội trong trại cải tạo thì lẽ nào đầu hàng cộng sản trên vùng đất của tự do dân chủ?

 

Văn sĩ Julien Green có khuyên:"Đừng để cho dĩ vãng lôi ngược mình trở lại quá khứ vì nếu như không sắp xếp được hiện tại thì nó sẽ làm cho mình không tài nào với tới tương lai". Trong dòng chảy của thời gian và không gian, chỉ dừng lại thôi cũng đã thua thiệt quá nhiều rồi, huống hồ gì bị tuột lại phía sau. Trời sinh ra con người có đôi mắt đương nhiên nhìn về phía trước và phải cố tình lắm mới chịu nhìn lại phía sau. Tuy nhiên, đôi khi dĩ vãng lại có một sức thu hút vô cùng cưỡng bức, nhưng thứ dĩ vãng như trên mà nhìn lại để mơn trớn, để vuốt ve thì chẳng còn là con người.

 

Cho nên, ở đời có cái cần quên mà cũng có điều nên nhớ. Có khi nhìn lại quá khứ, không phải để luyến tiếc, ước ao, mà để nhớ mãi không quên. Thiên hạ sẽ cho là một hành động ẩn ức tâm lý, cứ kể lại những bi kịch mà mình là nạn nhân, ve vuốt nỗi đau của dĩ vãng thì chẳng khác nào như con chó liếm vết thương đầy căm phẫn.

 

Nhưng làm sao mà quên được đây? Ai có thể quên cái thời mà tội ác đã khống chế mọi tư tưởng lãnh đạo, lấy căm thù làm lý tưởng và những tên vô nhân đạo được đề cao như anh hùng? Và ngày nay có đổi mới chăng chỉ là bề ngoài hoa mỹ để che đậy cái ngu dốt, cái ngoan cố, cái điên cuồng khát máu, dã man. Thế cho nên, phải đề cao cảnh giác, đừng ăn phải bã "hòa hợp, hòa giải", "xóa bỏ hận thù", "quên đi quá khứ, nhìn về tương lai"!

 

Có những cái nhớ đời cũng như có những gì không được quên.

 

                                                    

 

Phan Quân

(Trích "Cõi Đời Vô Duyên")

 


 

[1] Xin xem bài "Tân Ơi!" đã đăng trên Phù Sa.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.