Mang
xuống
tuyền
đài
chưa
tan
Tuổi thơ,
miền quê ngoại... Những năm tháng đó, sáng sáng nhìn ngoại, đã bảy
mươi ngoài, ngồi uống trà thư thả tâm hồn, không vướng bận tình
đời, mới thấy được cái nhàn tĩnh của tuổi về chiều. Chỉ có mức đến
của một đời người mới cho phép luận điểm về nhân sinh quan kết
luận được lẽ thành hay lý bại của một cá nhân.
Thắng và thua ở đây không cứ phải là nhà cao cửa rộng, xe lớn xe
con hay khố rách áo ôm, chạy ăn từng bữa toát mồ hôi, mà chỉ cần
là những ngày tà huy, tình đời êm ả, trí óc thảnh thơi, tâm tư
không bị quá khứ ám ảnh và giằng xé.
Trên tiêu chuẩn đó, ta thử đánh giá một con người, một hiện tượng
đã xuyên suốt qua mấy triều đại, hết thuộc địa, tới hai tuổi cộng
hòa, sang cả những ngày xã hội chủ nghĩa. Bảy mươi mấy năm cuộc
đời, phong ba sóng gió cũng nhiều, luồn lách được qua lằn tên mũi
đạn, để tồn tại với một chút vinh quang hão, mà tư tưởng cứ phải
đè nén và dồn ép, con tim muốn nói lại chẳng nên lời, hối tiếc, ân
hận mà không dám nói ra! Cuộc đời đã trễ một con đò nên mối hận
gần trăm năm, mang xuống tuyền đài cũng chưa tan!
* * *
Đúng hẹn, "ông ta" - một người Việt vô cùng thầm lặng - đứng đợi
ông nhà báo ngoại quốc trong vườn hoa nhỏ, đàng sau hàng rào của
căn nhà một tầng, ở ngoại ô gần của Sài Gòn. Một căn nhà vượt xa
tiêu chuẩn của công nhân viên chức nhà nước trong chế độ cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Căn nhà trước kia ai đó đã cho một nhà
ngoại giao người Hồng Mao thuê, sau này "được" nhà nước tiếp quản
rồi cấp lại cho "ông ta" để gọi là ơn đền, nghĩa trả.
Bước vào trong, một khoảng nhà khoáng đãng, chia làm nhiều gian.
Một góc làm áng thư, với tủ sách và bàn viết dẫy đầy tài liệu và
sách vỡ. Tuổi đời chồng chất nên giấy trắng nay đã vàng hoe, góc
làm phòng khách, góc làm phòng ăn. Cho thấy "ông ta" thích tích
trữ những gì xưa cũ và sinh sống theo phong cách Việt Nam.
Cũng đúng với nghề nghiệp ngày xưa của ông - trước năm "nạn nước
bảy mươi lăm" - là ký giả cho tuần báo Mỹ tiếng tăm, "Time
Magazine", phòng việc đóng tại lầu một của khách sạn Continental,
một trong vài ba khách sạn nổi danh thời Tây cũng như thời hai chế
độ Cộng Hòa Việt Nam. Là người Việt Nam mà săn tin và viết báo cho
Mỹ, ông ta chắc phải có một cái vốn hiểu biết thâm sâu. Quả thật
bạn bè đồng nghiệp ai cũng cho rằng "ông ta" có thể thao thao bất
tuyệt về chiến lược cộng sản, về cơ bản của chính sách Hoa Kỳ hoặc
về tài sức của chế độ Sài Gòn.
Mà không rành rọt sao được khi mà thời thế và ngẫu nhiên đã tạo
điều kiện cho "ông ta" có thể quảng giao, quen với tai to mặt bự
từ thời Tây cho tới các tướng lãnh thời sau, cũng như viên chức
đại sứ quán Hoa Kỳ, nhứt là các tay trùm XỊA (CIA).
Thế nhưng khi miền Nam "đứt phim", cộng sản tràn vào, "ông ta" cứ
phây phây, tự ý làm người ở lại, với lý do nuôi dưỡng mẹ già đơn
côi, trong khi vợ con đã được Mỹ bốc đem đi. Cho đến năm 1978, ba
năm sau ngày giặc cộng kéo về cướp đất, bỗng dưng có một tin đồn
rỉ tai - đúng kiểu cung cách cộng sản - do một cán ngố cỡ bự xì
ra, và được một tờ báo Pháp đăng lên, như một tin xe cán chó hoặc
chó cán xe. Thế nhưng lại là một tin long trời, lở đất, nói rằng
"ông ta" là một điệp viên cộng sản nằm vùng trong lòng đất lành
chim đậu miền Nam!
Nhưng phải đâu là thứ gián điệp cà mèng! "Ông ta" là thứ gạo cội,
được phép mằn mò, dòm ngó đến mọi thứ tài liệu tối mật của khắp
nơi, cả Việt lẫn Mỹ, kể cả những văn bản khẩu cung tù binh phiến
cộng. Viên chức, tuớng lãnh, chính khách, điệp viên có thớ của Nam
Việt Nam, cũng như của Hoa Kỳ, đều háo hức tham khảo "ông ta". Thì
ra, như hòn đá tảng liệng vào hồ nước trong xanh và phẳng lặng của
Hoa Kỳ và Nam Việt Nam, "ông ta" là một đại tá tình báo Việt Cộng!
Một năm sau ngày "giải phóng", "ông ta" được kín đáo tặng thưởng
danh hiệu "Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân"!
Thế là Trời Đất ơi, còn nước nào mà kể đây? Có một số nhân vật có
thớ của XỊA phải điên tiết và nhục nhã khi biết được tin động trời
này vì xưa kia họ đã tham khảo tên nhà báo của "Time Magazine" để
lấy quyết định mà chơi cho cộng sản một phát. Thời đó, giới chức
Mỹ ở Sài Gòn cứ coi "ông ta" như một nguồn tin có giá. Nay đổ bể
ra mới thấy bị "ông ta" gạt gẫm xuyên suốt, từ đầu đến cuối.
Tổn hại dường bao, kể sao cho siết! Biết bao tin tức và quyết định
thầm kín của Sài Gòn, của Hoa Thịnh Đốn đã bị tuồn ra Hà Nội và vô
vàn âm mưu ý đồ lùa nai tơ vào miệng cọp của Bắc Việt đã được tên
nhà báo kia nhét vào đầu óc của các quan chiến thuật và chiến lược
của miền Nam hay của Ngũ Giác Đài.
Tất cả qua tay của một con người đã được các bậc thầy của Hiệp
Chúng Quốc đào tạo, vậy mới đau! Người Mỹ thường cho rằng chính
quyền và quân đội Sài Gòn dễ bị tình báo cộng sản xâm nhập, nhưng
họ đâu biết được tên tình báo nằm vùng hạng gộc đến như "ông ta",
lại còn chui rúc vào được trong mạng lưới tình báo Hiệp Chúng Quốc
Hoa Kỳ.
Một tên tình báo chiến lược công lao hãn hữu như rứa, gián điệp
trên một phần tư thế kỷ tràn đầy những trận đấm đá nhau nhưng
không bị lộ, chẳng bị cháy, vậy mà "kháng chiến thành công" rồi
phải đợi ba năm sau, đến 1978, Hà Nội mới chính thức và rần rộ
công nhận là "anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" qua bảng tuyên
dương công trạng đàng hoàng, giấy trắng mực đen, cờ đỏ, sao vàng,
đao to búa lớn kiểu Mác-xít.
Nào là "đã đáp ứng được yêu cầu tình báo từ 1952 đến 1975", nào là
"lao động và sinh sống trong lòng địch hai mươi ba năm dài mà vẫn
một lòng một dạ trung kiên với Đảng" và "sắt đá tin tưởng ở ngày
toàn thắng của cách mạng".
Đã là "anh hùng của lực lượng vũ trang", ấy thế mà "ông ta" vẫn bị
"cách ly", không được phép tiếp xúc với nhà báo phương Tây, dẫu
cho trong quá khứ "ông ta" đã là ký giả hãng thông tấn và báo Mỹ
như Reuters, Times, New York Herald Tribune, The Chritian Science
Monitor... Đã chiến thắng vẻ vang rất anh hùng rồi thì sợ chi ai
kìa? Đến năm 1989, Đảng và Nhà Nước, trong đà đổi mới, ra điều cởi
mở, bật đèn xanh cho "ông ta" tiếp nhà báo Tây phương.
Giáo đầu một huyền thoại là như thế nhưng thực ra thì "ông ta"
cũng là một con người tầm thường, sinh lão bệnh tử như người đường
phố, thế thôi. Tuổi bé thơ, "ông ta" đã từng căng to lồng ngực hát
bài chào cờ tam tài "Maréchal, nous voilà" (Thưa Thống Chế, có
chúng con đây) trên đất nước Đông Dương, ngả theo Thống Chế
Pétain.
Năm 1945, "ông ta" lên 18, khi mà bán đảo này đang trải qua một
cơn sốt chính trị mấu chốt. Lần đầu tiên, sau gần trăm năm đã trôi
qua, người da vàng mới hạ nhục được quan thày da trắng xưa cũ để
tuyên bố độc lập ở quãng trường Ba Đình, nhân danh "Cách Mạng
Tháng Tám". Lúc bấy giờ trên băng học trò, dưới mái trường, ai ai
và đâu đâu cũng bàn tán chuyện chính trị, chuyện quốc gia dân tộc.
Điều trớ trêu là năm 1927 - ba năm trước ngày thành lập Đảng cộng
sản Đông Dương - "ông ta" chào đời tại nhà thương điên Biên Hòa vì
lúc bấy giờ trong vùng không có nhà bảo sanh nào khác. "Ông ta" đã
trải qua một quãng đời trẻ thơ và niên thiếu đầy thử thách, thay
đổi nhiều nơi cư trú, biếng học, ham chơi, không lấy gì làm xuất
sắc. Chỉ được mỗi một cái là, vì gia đình kềm chế nên "ông ta"
không đến đỗi du côn, du kề.
Năm 1945, vụ Nhựt đảo chính Tây đã hé lộ cho "ông ta" một con
đường là dòng giống da vàng có thể lật ngược thế cờ của bè lũ thực
dân da trắng. Thế là, "ông ta" đi theo kháng chiến, cũng tập tành
quân sự, nhưng không đi bưng, mà ở lại vùng tề, tiếp tục học hành.
Nhân biến cố "Trò Ơn", "ông ta" rời bỏ mái trường, lao vào con
đường tranh đấu.
"Ông ta" lọt vào mắt xanh chiến lược của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch,
thày thuốc riêng của Hồ Chí Minh và Ủy Viên Ủy Ban Hành Chính
Kháng Chiến Nam Bộ, có nhiều uy tín trong những năm 50 ở miền Nam.
Bác sĩ Thạch gọi "ông ta" vào chiến khu D để bố trí "ông ta" vào
mạng lưới tình báo chiến lược của Việt Minh. Ban đầu "ông ta" thấy
không thích vì không muốn làm "chó săn" hay "chim mồi". Nhưng bác
sĩ Thạch ép buộc "ông ta" với luận điệu là không nên chối từ một
nhiệm vụ được "cách mạng" giao phó.
Sau một thời gian thử thách, Đảng thu nhận "ông ta" vào tổ chức
hồi tháng Ba năm 1953, qua một cái lễ tuyên thệ trong rừng tràm U
Minh, dưới sự chủ trì của Lê Đức Thọ. Sau đó Đảng tìm cách bố trí
"ông ta" vào cơ chế của TRIM (Training Relations Instruction
Mission), một cơ quan ba thành phần Pháp-Mỹ-Việt, trong quá trình
đào tạo và huấn luyện để hình thành quân đội Nam Việt Nam sau này.
Đây cũng là cơ hội để "ông ta" làm quen với nhiều nhân vật tai to
mặt lớn Mỹ lẫn Việt sau này, như Edward Lansdale, tay phù thủy Hoa
Kỳ chuyên dựng lãnh tụ các nước non trẻ và nhiều tướng lãnh Nam
Việt Nam, thời đó còn là cấp úy.
Nhận thấy "ông ta" là con người có khả năng cao hơn, Mười Hương
(Trần Quốc Hương, nguyên bí thư Trung Ương Đảng), thủ trưởng trực
tiếp của "ông ta", quyết định đầu tư hơn nữa cho "con gà" của
mình. Sau khi nghiên cứu "thị trường chính trị" miền Nam lúc bấy
giờ, Mười Hương quyết định đưa "ông ta" vào ngành báo chí, là nơi
mà Mười Hương nghĩ rằng "ông ta" có nhiều thuận lợi hơn để vừa thu
thập tin tức đối phương, vừa làm tình báo mà không bị nghi ngờ.
Nghĩ thêm bước nữa, Mười Hương đề nghị với Hà Nội đưa "ông ta" đi
học báo chí bên Mỹ.
Nhưng chuyện đưa "ông ta" vào đất Mỹ gặp rất nhiều khó khăn về thủ
tục nhập cảnh cũng như vấn đề tài chính. Mỹ sẽ điều tra thận trọng
trước khi chấp nhận cho một học viên vào nước họ, nhưng kẹt một
nỗi là chị của "ông ta" thuộc thành phần tập kết đã ra miền Bắc.
Thế nhưng, Mỹ không đá động gì tới chuyện đó nên "ông ta" có được
chiếu khán dễ dàng. Về tài chính thì may mắn thay đã có Ủy Viên Bộ
Chính Trị kiêm Bộ Trưởng Nội Vụ Mai Chí Thọ lo.
Sang Hoa Kỳ, "ông ta" vào học Orange Coast College, quận Cam
(Orange County) của California. Thành thử ra, mỉa mai thay, "ông
ta" là người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến vùng đất, sau này trở
thành thủ phủ của người Việt tỵ nạn, "Little Saigon". Sau hai năm
học của "ông ta", Đảng đuối sức, chi viện tài chính đã kiệt quệ,
"ông ta" định trở về Việt Nam thì may mắn thay một quân trường Mỹ
mời "ông ta" dạy tiếng Việt cho khóa sinh.
Trong khi đó ở quê nhà, chính phủ Ngô Đình Diệm mở chiến dịch ráo
riết càn quét cán bộ cộng sản nằm vùng. Trong số những người bị
bắt có Mười Hương, người đỡ đầu của "ông ta". Tình hình có vẻ nguy
kịch, "ông ta" bỏ học nửa chừng, trở lại Việt Nam.
Năm 1959, với 32 tuổi đầu, "ông ta" trở về Việt Nam mà lòng nơm
nớp lo âu, sợ sẽ bị tóm. Mất liên lạc cả với cộng sản, "ông ta"
lẫn tránh tại nhà của bà mẹ để nghe ngóng tình hình. "Ông ta"
quyết định là để cho phe cộng sản móc nối trở lại, nếu như họ biết
được sự có mặt của "ông ta" ở Sài Gòn. Trong khi chờ đợi, "ông ta"
liên lạc với bác sĩ Trần Kim Tuyến, chỗ quen biết trước kia, nay
đang cầm đầu cơ quan mật vụ, trá hình dưới dạng "Sở Nghiên Cứu
Chính Trị" của Dinh Độc Lập.
BS Tuyến đề nghị đưa "ông ta" làm việc cho Sở Nghiên Cứu, ngụy
trang dưới lớp ký giả tại Việt Nam Thông Tấn Xã (VTX). Điều trớ
trêu là cộng sản đưa "ông ta" đi Hoa Kỳ học để về làm gián điệp
cho họ thì nay BS Tuyến lại đưa đương sự vào chức năng đó cũng để
dò xét cho sở mật vụ! Đúng là tiền định. "Ông ta" nắm ngay lấy cơ
hội để kiểm nghiệm xem chế độ Sài Gòn có nghi kỵ gì đương sự hay
không. Phủ tổng thống không bắt bẻ gì, thế là "ông ta" đương nhiên
trở thành nhân viên mật vụ cho Dinh Độc Lập.
Vừa đúng lúc cho "ông ta" vì qua năm 1960, với kỳ đảo chính hụt
của Tướng Nguyễn Chánh Thi, BS Tuyến bị thất sũng, cho đến năm
1963, khi các tướng lãnh đứng lên làm "Cách Mạng 1.11.63" thì BS
Tuyến phải vào tù. Trong khi đó, "ông ta" vẫn phây phây tại VTX,
cần cù làm việc tích cực để khỏi mất đi dịp may.
Tình hình chiến sự Việt Nam ngày một chiếm ưu thế trên lãnh vực
truyền thông, hãng thông tấn Hồng Mao Reuters hợp đồng với VTX,
cùng thuê một ký giả Việt Nam, để lấy tin tức cho nhanh. VTX đề cử
"ông ta" vào nhiệm vụ đó, một chức năng tạo điều kiện cho "ông ta"
có cái may quen biết với báo chí ngoại quốc. Đến năm 1961, "ông
ta" nghỉ việc ở VTX, chỉ làm cho Reuters. Bốn năm sau, "ông ta"
được tuần báo Time thu dụng. Ngoài ra, "ông ta" cũng viết bài cho
"New York Herald Tribune" và cho tờ "The Christian Science
Monitor".
Trong vòng bảy năm trời,
và ngoài sức tưởng tượng của đương sự, "ông ta" đã đạt được mục
tiêu mà cộng sản đặt ra là học nghề báo và làm việc cho một tờ báo
có thế lực của Hoa Kỳ. Thói quen của những "con chốt qua sông" là
tận tâm tận lực làm việc để được tin cậy mà làm công việc quan
trọng hơn không bị nghi ngờ. "Ông ta" cũng hành xử theo nguyên tắc
đó nên Time Magazine rất tin cậy. Năm 1975, sau khi ký giả ngoại
quốc bị cộng sản tống cổ về nước hết, Time giao văn phòng lại cho
"ông ta" mãi cho đến một năm sau, khi mà Hà Nội triệt để cấm cửa
báo chí ngoại quốc.
"Ông ta" quan niệm rằng "một nhà báo cừ khôi phải trân trọng những
bút ký của mình và phải thường xuyên xem đi xem lại." Vào năm
2005, khi một nhà báo Pháp đến thăm, "ông ta" còn rút trong tủ tài
liệu lưu trữ một bản trận liệt của Quân Lực VNCH, đề ngày 11 tháng
11 năm 1974. Những con số về nhân sự và chiến cụ thật kinh khủng.
Vậy mà từ khi Ban Mê Thuột thất thủ cho đến lúc Sài Gòn sụp đổ chỉ
có bảy tuần lễ. Tổng Thống Nixon có nói rằng Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa đứng hàng thứ năm trên thế giới. Nhưng theo "ông ta" thì
chỉ đứng hạng năm trên giấy tờ mà thôi.
Trung bình, cứ vài ba tháng "ông ta" phải đi mật khu để báo cáo
tình hình cùng thủ trưởng ở miệt Hố Bò, vùng Củ Chi. Những lần như
thế, "ông ta" phải nghỉ việc vài ba ngày, thường là vào cuối tuần,
ngụy trang dưới hình thức đi thực tế và lấy tin. Đi như vậy, "ông
ta" không mang tài liệu trong người, vì sợ bị chận bắt quả tang.
"Ông ta" đi người không, tài liệu giao cho giao liên mang đi. Đích
thân "ông ta" tuyển dụng những giao liên của mình, người nào bị
nghi ngờ là "ông ta" loại bỏ ngay. Trong số 45 giao liên trong hệ
thống của "ông ta", có 27 người bị bắt hoặc bị hạ. Thường "ông ta"
giải đoán tài liệu mật trong nhà xí, có chó bẹc-giê Đức canh chừng
bên ngoài. Chỉ có mẹ và vợ "ông ta" biết hoạt động bí mật của
đương sự mà thôi.
Có một hôm, đang ngồi viết báo cáo bằng mực hóa chất, bị con gái
nhỏ của "ông ta" nhìn thấy. Cô bé lấy làm lạ, nói cho anh nó biết
rằng bố viết gì mà không có mực. Nội vụ đổ bể, "ông ta" chống chế
là cô bé bị chói ánh đèn nên không thấy đó thôi.
Tháng Tám năm 1963, trong cao trào đấu tranh của Phật giáo chống
chính phủ trung ương Sài Gòn, Hoa Thịnh Đốn có ý định rút đại sứ
Frédérick Nolting, một ông đại sứ quá thân thích với hai ông Diệm
và Nhu, thường làm trở ngại các quyết định của Tòa Bạch Ốc. Tại
buổi liên hoan ở nhà hàng La Cigale, qua câu chuyện vui đùa giữa
Nolting và một người bạn, "ông ta" trộm biết được Nolting sẽ về Mỹ
nay mai. Tin đó được Reuters phóng đi ngày hôm sau làm cho Dinh
Độc Lập điên tiết lên, khiển trách cơ quan thông tấn này, bắt ép
phải sa thảy ký giả nào đưa tin đó. Thực ra, nhà báo đưa tin đó
đâu có lỗi gì nên Reuters đành phải đưa "ông ta" sang chi nhánh ở
Singapour. Cũng may là chẳng bao lâu sau, các tướng lãnh lật đổ
được anh em ông Diệm thì "ông ta" lại trở về. Thế là các tướng đảo
chính làm lợi cho "ông ta" và đồng thời cũng làm lợi cho Hà Nội.
"Ông ta", tên tình báo chiến lược nằm vùng của Hà Nội, mang bí
danh khôi hài là "Ông tướng Givral" do tập đoàn báo chí ngoại quốc
gán cho. Thời đó, nhà hàng Givral - một quán giải khát nhỏ nằm ở
góc đường Tự Do và Lê Lợi, xế góc với Quốc Hội VNCH - được coi như
là điểm hội tụ chính trị và bá láp của Sài Gòn. Vì là nơi giải
khát thời thượng của dân biểu, nghị sĩ, gián điệp, ký giả, mật
vụ,... nên Givral chẳng khác nào một trung tâm tin tức, tin đồn,
tin giựt gân, tin vui, tin buồn, tin ngắn, tin dài và thậm chí tin
vịt nữa. Một loại "Radio Catinat", một thứ đài phát thanh một đèn
dầu.
Một con người chấp nhận bị bêu riếu, bị xem như là một tên hề của
giới ký giả ngoại quốc, chịu đấm để ăn xôi, để làm những chuyện
tài trời cho Đảng, cho cách mạng. Cứ cà rỡn như vậy mà có ai ngờ
được là "ông ta" đã làm nên những chuyện lớn. "Ông ta" khoe rằng
kế hoạch tối mật về chiến tranh đặc biệt của Hoa Thịnh Đốn đã được
gởi ngay cho Hà Nội, khi ấn bản đầu tiên - đề ngày 15.11.1961 -
vừa được phổ biến. Cả năm ấn bản sau này, để hiệu đính ấn bản đầu
tiên - được phát hành từ 1961 đến 1963 - cũng bị "ông ta" chộp
được và chuyển cho Hà Nội luôn. Như vậy chiến lược chiến thuật gì
của Ngũ Giác Đài đều có bản sao cho Hà Nội! Thảo nào, Bộ Chính Trị
và bộ chỉ huy quân sự Hà Nội lúc bấy giờ chẳng sướng như điên.
Mười Nho (Đại tá Nguyễn Nho Quý, trưởng ban tình báo khu Sài
Gòn-Chợ Lớn) tiết lộ rằng khi nhận được những tài liệu chiến lược
đó, thủ tướng Phạm Văn Đồng cười sung sướng, còn Tướng Võ Nguyên
Giáp thì reo hò:"Bây giờ chẳng khác nào chúng ta đang ngồi trong
phòng hành quân của Mỹ rồi."
"Ông ta" không phải là một tên săn tin chiến lược tầm thường mà
còn biết phân tích và giải đoán chiến thuật và chiến lược nữa.
Theo Hà Nội thì nhờ có bản tình hình của "ông ta" mà cộng quân mới
lập thành tích được ở trận Ấp Bắc. Vì thế cho nên, trong trận đánh
đó, Hà Nội chỉ tưởng thưởng có "ông ta" và người chỉ huy trận
đánh.
Khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chiến tranh đặc biệt không
được áp dụng nữa và vì các tướng lãnh kèn cựa, ganh đua nhau nên
tình hình ngày một xấu đi. Trước một tình hình như rứa, các cố vấn
Mỹ đề nghị với Ngũ Giác Đài là nên điều đình với Mặt Trận Giải
Phóng Miền Nam để đưa 23.000 cố vấn Mỹ về và đừng gởi quân sang
nữa. Thế nhưng, sau khi Tổng Thống J.F.Kennedy bị ám sát rồi thì
tình hình quân sự leo thang như mọi người đã thấy.
Tên tình báo chiến lược nằm vùng đó, được tấm bình phong "ký giả"
có thớ nên rất là khinh địch. Trước khi Việt cộng tổng tấn công
Tết Mậu Thân, "ông ta" cả gan đưa Tư Cang (Đại tá Nguyễn Văn Tào,
cụm trưởng tình báo chiến lược), trưởng lưới quân báo cộng sản và
một trong những người chuẩn bị cuộc tổng tấn công, đi "tham quan"
các mục tiêu trong thành phố Sài Gòn. Dĩ nhiên kèm theo những lời
dẫn giải tỉ mỉ về hệ thống an ninh từng mục tiêu quan trọng, về
phương tiện chuyển vận quân lính Sài Gòn, về quân phục từng binh
chủng cũng như cảnh sát và cả tâm trạng và tinh thần dân quân miền
Nam.
Với một chiếc Renault-4, "ông ta" đưa Tư Cang đi khắp nẽo phố
phường Sài Gòn và thậm chí còn dùng cả ca nô để đi quan sát đường
sông, dân cảng và quân cảng. Tư Cang đòi tấn công Kho Bạc để cướp
tiền nhưng "ông ta" cho Tư Cang biết rằng tiền bạc và vàng nằm ở
Ngân Hàng Trung Ương và ở Tòa Án, đang chờ phán quyết phân minh
tội trạng. "Ông ta" còn khuyên Tư Cang nên trang bị mõ hàn gió đá
để phá tủ sắt.
Trong trận đánh Tết Mậu Thân, "ông ta" đi đó đây khắp phố phường
Sài Gòn cùng với Đại Tá Nguyễn Bé, người cầm đầu ngành bình định
nông thôn của VNCH, một trung tá Hoa Kỳ và Nguyễn Hùng Vượng, một
đồng bọn, để quan sát chiến trường sau cơn khói lửa. Ba tháng sau,
Tư Cang liên lạc trở lại với "ông ta" vì Tám Hà, một trong những
nhân vật cộng sản đang chuẩn bị đợt tấn công thứ nhì, vừa đào ngũ.
Và Tư Cang được chỉ thị của Hà Nội là phải tìm cách biết cho được
Tám Hà, bí danh Trần Văn Đắc đã tiết lộ những gì cho chính quyền
Sài Gòn. "Ông ta" đưa Tư Cang đi Gia Định và mười lăm phút sau đã
mượn được tài liệu về những tiết lộ của Tám Hà. "Ông ta" đã sao
chụp và trao trả lại người đã cho mượn, một nhân vật không phải là
người của cách mạng nhưng chỉ là một người nể nang Hai Trung, bí
danh của "ông ta".
Tám Hà đã tiết lộ hoàn toàn kế hoạch hành quân Mậu Thân đợt 2 của
cộng sản, chiến thuật sẽ áp dụng, số lưọng vũ khí, đạn dược, nơi
ẩn náo của quân lính cộng sản và thậm chí địa điểm của bộ chỉ huy
tiền tiêu. Một vố đau cho Việt cộng, làm cho họ phải cấp thời thay
đổi chiến thuật. Cho nên thiệt hại chuyến này khá nặng nề.
Sau khi quan sát tình hình lực lượng Việt và Mỹ để quyết định cuộc
tổng tấn công Tết Mậu Thân, Tư Cang báo cáo với Hà Nội là tương
quan lực lượng không có lợi cho Hà Nội. Thế nhưng, "ông ta" không
đồng ý với Tư Cang. Để thuyết phục Tư Cang, "ông ta" đưa Tư Cang
đến gặp sĩ quan VNCH và cố vấn Mỹ. Một việc làm vô cùng táo bạo,
cả gan đưa người của chiến khu đến gặp Mỹ và VNCH. Một hành độnh
khá kiêu binh, miễn sao đạt được mục đích là làm cho Tư Cang đổi
ý.
Một thành tích sau cùng của "ông ta", trong chiến dịch Hồ Chí
Minh, là chộp được văn thư mật mà Ủy Ban Nghiên Cứu Chiến Lược của
tướng Lê Ngọc Triển đệ trình lên Tổng Thống Thiệu. Tờ trình đó
tiết lộ tình hình sa sút của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ
sẽ tai ngơ mắt điếc, bình chân như vại, nếu như Hà Nội đánh chiếm
miền Nam. Tác giả của tờ trình còn cho biết thêm nhược điểm của hệ
thống chiến lược của Nam Việt Nam là Ban Mê Thuột.
Thế nhưng, tên tình báo chiến lược nằm vùng đó cũng phải bị một
phen lên ruột. Trước khi Sài Gòn sụp đổ, lợi dụng cái thế lúng
túng của chính quyền, bác sĩ Trần Kim Tuyến định đá giò lái Tổng
Thống Thiệu là lập một chính phủ liên hiệp để mong cứu vãn tình
thế và chấm dứt đổ máu. Tổng Thống Thiệu biết được âm mưu ý đồ đó
nên, trong đêm 3 rạng 4 tháng Tư năm 1975, công an và mật vụ đã
tung một mẻ lưới bắt 14 mạng đem đi giam nhà đá. Nhờ phó thủ tướng
Nguyễn Văn Hảo can thiệp nên BS Tuyến không bị bắt. Vì tình nghĩa
sâu đậm với BS Tuyến nên "ông ta" trốn chui, trốn nhủi, phải "đái
ra máu" như "ông ta" đã tiết lộ sau này với một nhà báo người
Pháp.
Năm 1975, khi BS Tuyến được ông Đại Tướng-Tổng Thống thả ra thì
quá muộn để di tản. Thế là con sư tử phải nhờ con chuột, "ông ta"
tìm mọi cách liên hệ với XỊA để đưa BS Tuyến lên chuyến bay cuối
cùng. Éo le thay tình đời, một tên cộng sản nằm vùng phải chạy
chọt Mỹ để cứu nguy cho một nhân vật một thời của Sài Gòn, thoát
khỏi gông cùm Việt cộng!
Còn về phần "ông ta" thì Time Magazine có dự trù chuyến bay để di
tản gia đình của nhân viên mình. Trong tình thế lưỡng nan, "ông
ta" quyết định để cho vợ và bốn con ra đi, chính mình tự ý ở lại
với lý do là để lo cho "mẹ già đã lớn tuổi và ốm đau không đi
được". Thế nhưng, năm 1989, "ông ta" tiết lộ với Morley Safer,
phóng viên truyền hình CBS là:"Lúc đầu, tôi nghĩ là sẽ nhờ ai đó
giúp đỡ bà xã và mấy cháu rồi tôi sẽ tìm cách đoàn tụ với gia đình
sau, ở Pháp hoặc ở Mỹ. Nhưng họ (Đảng cộng sản) có cho tôi biết rõ
là họ không để cho tôi đi."
Ngày "kháng chiến thành công", "ông ta" lại một phen sợ teo c...
Sợ rằng trong thế hỗn quan hỗn quân đó, bộ đội của Bác vào thành
không biết ai là ai mà thịt "ông ta" chăng, vì chỉ có cấp cao mới
biết "tên tình báo chiến lược nằm vùng" thôi và cao trào báo cáo
chỉ điểm của bọn "cách mạng ba mươi tháng tư" rất là nguy hiểm.
Bọn nó chỉ biết "ông ta" là ký giả của "đế quốc Mỹ" mà thôi. "Ông
ta" phải di tản chiến thuật, đem bà mẹ vào trụ sở báo Time ở khách
sạn Continental mà ẩn mình.
Cái kỳ khôi của cộng sản là "ông ta" đã cung cấp thông tin quân
sự, chính trị, xã hội của "địch" (Việt Nam và Hoa Kỳ), mà Hà Nội
đã đánh giá rất cao, thế nhưng cả Hồ Chí Minh lẫn Võ Nguyên Giáp
không cần biết tên đó là ai. Thậm chí tướng Trần Văn Trà, người
cầm đầu cuộc bao vây Sài Gòn cũng không biết đến tên "ông ta".
Nhiều lắm, họ chỉ biết đến ám số X6 của "ông ta", mà cũng chưa
chắc. Thậm chí khi "hòa bình lập lại", họ cũng không cần minh định
công trạng mà lại còn có một không khí hoài nghi, canh chừng lẫn
nhau để tự bảo vệ mạng sống. Từ 1975 đến sau này, "ông ta" chỉ ra
Hà Nội có bốn lần, vì bị bắt buộc chớ chẳng phải vì nhu cầu giáp
mặt với cái nôi của xã hội XHCN.
Năm 1997, "ông ta" được Hiệp Hội Á Châu mời dự một cuộc hội thảo,
quy tụ về Nữu Ước những phóng viên chiến tranh nổi danh của Mỹ.
"Ông ta" rất vui mừng vì đây là cơ hội hy hữu, sau 22 năm mới có
dịp gặp lại các đồng nghiệp cũ. Thế nhưng, "ông ta" đành ngậm đắng
nuốt cay mà hối tiếc vì Hà Nội không chịu cấp chiếu khán cho "ông
ta" xuất ngoại!
Tháng 8 năm 1978, "ông ta" được Đảng và Nhà Nước "đoái hoài" gọi
về Hà Nội để thấm nhuần tư tưởng tiến bộ của xã hội XHCN, nôm na
ra là học tập cải tạo tư tưởng tại Viện Chính Trị của Quân Đội
Nhân Dân, một bộ phận có nhiệm vụ nhồi nhét tư tưởng Mác-xít,
Lênin-nít và Mao-ít cho cán bộ cấp cao trung.
"Ông ta" tiếu lâm và khôi hài cho rằng :"Tôi đã sinh sống quá lâu
trong lòng địch nên họ phải cải tạo tư tưởng tôi. Tôi học ngữ vựng
cộng sản bằng tiếng Việt Nam." Năm mươi tuổi đầu, "ông ta" mới
theo học một lớp của Đảng cộng sản. Bạn bè cùng khóa học coi "ông
ta" là một thằng "Mỹ con có dáng dấp tiểu tư sản." Sau chín, mười
tháng cải tạo tư tưởng, "ông ta" trở về thành phố HCM, sinh sống
đạm bạc với gia đình, mặc dù đã được quân hàm cao cấp. Nơi ăn chốn
ở của người sĩ quan Việt cộng, đã nhiều công lao cho cách mạng,
vẫn bị canh chừng theo dõi. Mãi cho đến những năm chín mươi mới
được lần lần giải tỏa.
Luôn luôn là một học viên tồi, "ông ta" kết thúc khóa học mà không
đạt tiêu chuẩn. "Họ không thích những chuyện đùa tôi kể," ý "ông
ta" nói đến những cán bộ Bắc Việt khắc khổ cố gắng dạy "ông ta"
nói một thứ ngôn ngữ Việt Nam "mới" đầy những danh từ chánh trị
vay mượn của Trung Hoa. "Ông ta" chịu đựng một mùa đông lạnh buốt
xương ở Hà Nội, ngủ trên chiếc giường gỗ với một chiếc nệm vải
mỏng. "Ông ta" thuật lại :"Tôi mặc một chiếc áo bông khoác ngoài
kiểu Trung Hoa, trông giống như một xác ướp biết đi. Tôi yêu cầu
được cấp một áo khoác kiểu người Nga mặc. Mặc dù vậy, tôi vẫn bị
lạnh nên tôi yêu cầu họ một lần nữa cấp cho tôi một chiếc 'áo
khoác 111 độ' - nghĩa là cấp cho tôi ba cô gái, hai cô nằm hai bên
cạnh và một cô nằm trên người tôi. Vì tôi cứ ăn nói phóng túng
theo kiểu xã hội miền Nam trước kia nên họ không ưa tôi chút nào
hết. Nhưng tôi không phạm phải lỗi lầm to lớn nào đến nỗi phải bị
đem ra bắn."
Tâm sự với
Jean-Claude Pomonti (Tác giả quyển sách
"Un
Vietnamien bien tranquille",
nxb.
Equateurs, 2006),
một nhà báo Pháp, vợ người Việt, có nhiều kinh nghiệm chiến trường
Việt Nam, "ông ta" than phiền:"Ở Sài Gòn, trước giải phóng, chính
trị vô cùng phức tạp vì có nhiều phe phái, nhiều chính đảng, nhiều
thủ đoạn. Nhưng bây giờ còn phức tạp hơn gấp bội. Chiến dịch hiện
nay trong chiều hướng mở rộng dân chủ trong Đảng đã gặp phải nhiều
áp lực nhằm dung hòa để giữ thể diện. Nếu cải tổ chính trị mạnh
quá thì Đảng sẽ không ổn định. Vấn đề chính là tham nhũng. Thế
nhưng nếu như dẹp tham nhũng mạnh tay quá thì chế độ sẽ bị xáo
trộn. Đối với những nhà cách mạng già nua, tham quyền cố vị, thì
điều quan trọng là phải giữ cho chế độ được ổn định trong khi vẫn
tiến triển về mặt kinh tế." Như vậy là không gian hành động của
Đảng và Nhà Nước chẳng có là bao.
"Ông ta"
đã được tưởng thưởng đầy đủ, xứng hợp với thành tích của mình. Thế
nhưng chế độ cũng đã o ép và hạn chế "ông ta" nhiều mặt, như bắt
phải giữ kín quá khứ hoạt động, phải chịu cảnh cô đơn, phải học
tập cải tạo, phải bị canh chừng, bị cách ly. "Ông ta" cảm thấy xót
xa cho phận mình nhưng chưa đến đỗi tuyệt vọng. Có thể "ông ta"
đành dựa vào lý tưởng đầu đời, khi khởi sự dấn thân, để tự an ủi
mình. Đó là chủ nghĩa quốc gia dân tộc.
"Ông ta"
đã thách thức Hoa Kỳ, "ông ta" đã liều mạng điên cuồng, đã hy sinh
tột đĩnh. "Ông ta" đã tỏ ra là một nhà chiến lược có tầm cỡ, là
một tay gián điệp sừng sỏ một thời để rồi giờ đây, trước ngưỡng
cửa của vô biên, "ông ta" tự khoác cho mình một cái vỏ của người
trai mười tám đôi mươi đã đi theo cách mạng vào một ngày đẹp trời
của năm 1945. "Ông ta" cần có một tia hy vọng nào đó để cho tất cả
những gì "ông ta" đã trót hy sinh mà phục vụ đất nước may ra còn
có một ý nghĩa. "Ông ta" thường tự cho mình là một thành viên
"Việt Minh" chứ không phải là một con người cộng sản. Vì xưa kia
Việt Minh đã quy tụ nhiều thành phần yêu nước để chiến đấu thành
công thì lại bị Đảng Lao Động hay Đảng Cộng Sản cướp công.
Hồi tháng
5 năm 2005, qua tâm tình với nhà báo Thomas A. Bass (Bài viết
"The
Spy Who Loved Us",
đăng trên tờ
The New Yorker
số ngày
23.5.2005),
ông tướng "cựu tình báo chiến lược chìm của Việt cộng" tại VNCH
hối tiếc:"Sau 1975, Saigon đã
trở nên thành phố Hồ Chí Minh
quá
khắc nghiệt. Kiểm duyệt báo chí quá gắt gao, giống như những ngày
xưa khi nhà báo Graham Green (tác giả quyển "Người Mỹ Thầm Lặng",
The Quiet American) công tác ở Saigon. Tôi không gởi đi được nhiều
tin tức bài vở vì tôi không biết cách luồn lách qua khỏi kiểm
duyệt. Trong năm đó tôi không biết làm gì hơn là đi xem đá gà và
đá cá thia thia."
Năm 1990, ở tuổi 63, "ông ta" được thăng cấp thiếu tướng. Lúc này,
Việt Nam bắt đầu chính sách đổi mới, mở cửa giao thiệp với phương
Tây. Với sự thăng cấp này, người ta phân vân không hiểu thái độ
của Cộng Sản đối với "ông ta" ra sao, hoặc là công nhận những
thành tích của đương sự, hoặc cảm thấy xấu hổ cho đời sống thiếu
thốn của đương sự, hoặc là tìm cách khéo léo kiểm soát đời sống
của đối tượng một cách chặt chẽ hơn. Về phần bản thân, "ông ta"
luôn luôn xem sự thăng cấp là một trò đùa. Vì các nhà báo phương
Tây bắt đầu trở lại Việt Nam và tỏ ý muốn gặp "Tướng Givral," nên
muốn tránh mọi lúng túng, chính phủ có quyết định trên để cho
thích hợp với cái chức "Tướng Givral" của "ông ta" chăng?
Và mãi cho đến tháng Ba, năm 2002, viên tướng 75 tuổi với chứng
bịnh lao phổi, mang tên chuyên khoa là "khí thũng" (emphysema -
emphysème), mới được phép cho về hưu. Theo "ông ta" thì "Họ muốn
kiểm soát tôi. Bởi vậy họ giữ tôi trong quân đội quá lâu. Tôi hay
phát biểu lung tung, bừa bãi và họ muốn bịt miệng tôi lại." Đấy có
thể là một lối giải thích của "ông ta", nhưng luôn luôn với đương
sự, có thể có một yếu tố khác nữa mà không ai biết.
Có người đến thăm, lôi từ trong ngăn kéo ra một chiếc huy chương
còn dính dải băng đỏ. Có thắc mắc thì "ông ta" giải bày: "Đấy là
những vật họ ban cho tôi. Tôi không hiểu chúng nói lên điều gì.
Tôi thi hành công tác không ai biết đến. Tôi chết cũng không ai
biết đến," "ông ta" vừa nói vừa đóng ngăn kéo lại.
Một nhà báo đến thăm, thắc mắc với "ông ta" là tại sao lại sưu tập
nhiều sách viết bằng Pháp và Anh văn nhưng rất ít sách tiếng Việt.
"Ông ta" đáp gọn:"Ở đây người ta không có tự do viết lách. Đấy
cũng là một trong những lý do khiến
tôi không viết tiểu sử của tôi. Tôi sẽ bị phiền phức nếu tôi
nói về đời sống của tôi hoặc nói những gì tôi biết."
Đôi khi, khách đến thăm có cảm tưởng rằng những quyển sách mà "ông
ta" ấn vào tay họ, gián tiếp là những thông điệp chứa đầy tín hiệu
mật mã, là cung cách nói về những kinh nghiệm mà hiện giờ còn rất
nguy hiểm khi trực tiếp đối đầu với chúng. Trong mỗi buổi gặp gỡ
như thế, dường như "ông ta" đã chọn một bản văn hay một đoạn văn
nào đó để quyện cuộc trò chuyện vào đó. Một hôm là quyển sách của
Charles Dickens trong đó có câu:"Có những lúc tuyệt vời, có những
lúc tệ hại tột cùng." Hôm khác là bài học trong những bài "Ngụ
Ngôn" của La Fontaine. "Ông ta" thích thú với những câu chuyện
trong thơ ngụ ngôn nói về những con thú hành động như người và
người xử sự như thú.
Trong một lần gặp gỡ, "ông ta" đưa cho nhà báo Thomas A. Bass
quyển sách của Gerard Tongas, một chuyên viên giáo dục người Pháp
từng đến Hà Nội giúp đỡ Cộng Sản Bắc Việt thiết lập một trường
trung học sau khi Pháp bị đánh bại năm 1954. Theo lời "ông ta",
Tongas cũng giống như Edward Lansdale, là chủ nhân một con chó
tinh khôn và con chó này có lần đã cứu Tongas khỏi chết vì thuốc
độc do người khác ám hại. Trên trang giấy trắng ở đầu cuốn sách
của Tongas, mà người tặng là giám đốc Quỹ Á Châu - tổ chức đã tài
trợ những chuyến du hành của "ông ta" tại Hoa Kỳ - người ta đọc
được lời tựa sau đây dường như tự nó nói lên rất nhiều ý nghĩa :
"J'ai vécu dans l'Enfer Communiste au Nord Viêt Nam et j'ai choisi
la Liberté" (Tôi đã sống trong địa ngục cộng sản ở miền Bắc Việt
Nam và tôi đã chọn tự do). "Ông ta" nói thêm :"Đây là một cuốn
sách rất quan trọng, một cuốn sách trung thực. Anh nên đọc nó
trước khi anh viết điều gì."
Trả lời câu hỏi nghĩ sao về thuyết Mác-Lê, "ông ta" nhìn nhận chủ
nghĩa này bị vướng mắc không ít giới hạn và chịu trách nhiệm về
cái chết của nhiều triệu người trong thế kỷ 20. Theo "ông ta" thì
ở Việt Nam đâu có tổ chức nào đủ sức lãnh đạo cuộc đấu tranh cho
đất nước này. Không có sự chọn lựa nào khác ngoài đảng Cộng sản.
Theo "ông ta", cộng sản chủ trương mọi người là anh, em, bình
đẳng. Để thể hiện điều này, cần phải có một triệu năm. Đây là giấc
mơ không tưởng, nhưng là một giấc mơ đẹp!
Trước khi cáo biệt nhà báo Thomas A. Bass, "ông ta" nói, với một
giọng châm biếm :"Vợ tôi bảo tôi là đã đến lúc cần tránh ra để
nhường chổ cho thế hệ trẻ, nhưng tôi chưa thể chết được. Không
biết rồi sẽ đi về đâu nữa đây? Địa ngục để dành cho bọn gian manh.
Ở VN ngày nay, có quá nhiều gian manh. Dẩy đầy gian manh!"
* * *
"Ông ta" đây là tên điệp viên ẩn mình Phạm Xuân Ẩn (một tên gọi
tiền định) được sách vở và báo chí - Việt Nam cũng như ngoại quốc
- bàn tán xôn xao. Sở dĩ như vậy là vì trong thời gian hoạt động
từ 1952 đến 1975, với tư cách là điệp viên bốn mặt, qua một thời
khói lửa binh đao, tên bay đạn lạc, chính thể lung tung, mà ông
vẫn còn nguyên vẹn, không bị bắt, không bị cháy mà cũng chẳng bị
thương.
Trộm tin địch để lập công với Đảng ta mà không bị cháy, Phạm Xuân
Ẩn cứ tin rằng địch không hay biết. Biết không, biết chớ sao
không, nhưng vì những con người của Thế Giới Tự Do đôi khi khinh
địch và đặt tình cảm không đúng chỗ.
Tướng Nguyễn Ngọc Loan, khi cầm đầu Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo
(CIO) kiêm Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia có biết tên gián điệp ẩn mình
Phạm Xuân Ẩn hoạt động cho Hà Nội. Thế nhưng, khi trình với Chủ
Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương xin bắt thì Tướng Nguyễn Cao Kỳ
bác đi.
Chính ông Kỳ đã thố lộ như sau, qua cuộc họp báo bỏ túi ngày chủ
nhật 5 tháng Giêng năm 2003 tại San Jose:"Tôi biết nhiều người
khác nữa chứ không phải chỉ có mỗi một ông Tướng Có (hoạt
động liên hệ với Cộng sản),
hay ông Ẩn. Ông Phạm Xuân Ẩn
là đệ tử của người chú ruột tôi. Ông chú ruột, bà thím và các con
đều đi theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam... Có lần Tướng Loan bảo
tôi là để
cho ông bắt Phạm Xuân Ẩn, nhưng tôi nói là thôi... chẳng có gì
quan trọng, ông ta là đệ tử của chú tôi và họ cũng chỉ thích đá gà
thôi".
Được bao che như vậy là vì phe nào ông cũng có mặt, cũng chiều
lòn, tiếp tay với mật thám Tây, chơi với XỊA Mỹ, bắt tay với bác
sĩ Trần Kim Tuyến của Dinh Độc Lập và không xa lạ gì với Trung
Ương Tình Báo CIO Việt Nam, trong khi làm "chuột chũi" (mole -
taupe) cho cộng sản trong lòng đất lành, chim đậu miền Nam, dưới
cái vỏ ký giả cho báo chí Mỹ. Một cuộc đời hoạt động như thế, hết
lòng với Đảng, vừa chuyên vừa hồng với cách mạng để rồi cuối đời
được gì? Được vài ba cái huy và huân chương trang trí, được chút
quân hàm cấp tướng làm cảnh, khi cuộc đời đã xế bóng chiều tà.
Đánh đổi lại, ông ôm lấy căn bệnh khí thũng, thứ bịnh xa lạ với
những xã hội tiên tiến văn minh, ấp ủ trong tâm tư thầm kín nỗi
khổ tâm của một bộ óc có tư tưởng mà không dám nói ra và mang nặng
dấu ấn trong óc não thứ chủ nghĩa mình tôn thờ nay đã chết non vì
chẳng giống ai, lại nặng tính đồ tể.
Phạm Xuân Ẩn cảm thấy đau đớn phận mình nhưng chưa chịu thua với
số phận vì phải bám víu vào lý tưởng đầu đời - lòng yêu quốc gia
dân tộc - để mà đi cho hết đoạn đường sinh sống còn lại. Một đoạn
đường đầy chông gai trắc trở với căn bệnh không giống ai, khi tuổi
đời đã xế bóng về chiều.
Mấy năm trước đây có tin ông đã "ra đi tìm Bác", rồi lại có tin
đính chính. Người ta thường dễ biết số phận dành cho một người
lừng danh, nhưng ai mà thèm biết những gì dành cho một con "chuột
chũi"! Nhưng đến ngày 20 tháng 9 năm 2006 thì Phạm Xuân Ẩn chết
thật, vì hút quá nhiều thuốc đến đổi hai lá phổi tê liệt chỉ còn
lại một nửa lá.
Vào cuối tháng Ba năm 2006, nhà xuất bản Equateurs (Pháp) đã cho
ra mắt quyển "Un Vietnamien bien tranquille" (Một người Việt Nam
thật trầm lặng), dưới ngòi bút của Jean-Claude Pomonti, một văn
gia kiêm ký giả rất quen thuộc với vùng đất Việt Nam, chứ không
phải chỉ với chiến trường Việt Nam mà thôi, vì ông còn là nghĩa tế
của đất nước hình chữ "S", bà nhà là người Việt Nam.
Ngoài chuyện viết văn làm báo ra, ông còn là giáo sư trường
Jean-Jacques Rousseau (Chasseloup-Laubat cũ), trường đại học văn
khoa và đại học Phật giáo Vạn Hạnh. Quyển sách ra đời, các phương
tiện truyền thông của Hà Nội sướng điên người vì đây là lần đầu
tiên người hùng của mình được thế giới Tây phương nói đến bằng một
tác phẩm.
Được hỏi tại sao cho ra mắt quyển sách về Phạm Xuân Ẩn vào thời
điểm này, J-C. Pomonti tâm sự rằng:"Tôi muốn viết quyển sách
này từ mười năm nay. Thế nhưng, tôi cần có nhiều chi tiết hơn nữa
về nhân vật kỳ bí này, và chờ xem sự kiện diễn tiến ra sao. Ngoài
ra, bẵng đi một thời gian, tôi không có cơ hội thuận lợi. Dự án
chỉ thật sự chín mùi hồi năm 2004." J-C. Pomonti làm quen với
Phạm Xuân Ẩn vào những năm cuối của thập niên 60, khi làm ký giả
cho tờ Le Monde hồi năm 1968, để theo dõi cuộc chiến tranh Đông
Dương kỳ hai. J-C. Pomonti được biết Phạm Xuân Ẩn là điệp viên nằm
vùng vào năm 1978, khi Hà Nội công khai hóa con "chuột chũi" của
mình.
Trước quyển "Un Vietnamien bien tranquille", không có một tác giả
ngoại quốc nào viết sách về Phạm Xuân Ẩn, ngoại trừ ba quyển của
Hà Nội:
1.- "Phạm Xuân Ẩn, tên người như cuộc đời", của Nguyễn Thị Ngọc
Hải, nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2002;
2.- "Những điệp vụ của ký giả Phạm Xuân Ẩn", cũng của Nguyễn Thị
Ngọc Hải, nxb Trẻ, TP HCM, 2004;
3.- "Phạm Xuân Ẩn, a general of the secret service" của Hoàng Hải
Vân và Tấn Tú, nxb Thế Giới, Hà Nội, 2003.
Ngoài ra có một số bài viết lẻ tẻ của các nhà báo Mỹ đăng trên các
báo như:
1.-
"Spying
for Hà Nội"
của
Morley Safer
đăng trên
The New York Times Magazine, 11.3.1990;
2.-
"At
Hà Nội's insistence, the spy skips a reunion"
của
Robert D. McFadden
đăng trên
The International Herald Tribune, 29.4.1997;
3.-
"The
spy who loved both sides"
của
David Usborne
đăng trên
The Independent, 21.5.1997;
4.-
"The
spy who loved us"
của
Thomas A. Bass
đăng trên
The New Yorker, 23.5.2005
5.-
"My
colleague, the spy"
của
Terence Smith
đăng trên
Columbia Journalism Review, July/Auguste 2005.
Trong quyển sách vừa ra mắt, J-C. Pomonti đề cao Phạm Xuân Ẩn như
là "một điệp viên dám thách thức nước Mỹ", qua hai điểm:
"Trước tiên, Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên tuyệt vời, tồn tại qua
hai cuộc chiến Đông Dương, thời Tây và thời Mỹ, mà không khi nào
bị lộ. Không làm sao tưởng tượng được tài trí, mưu mẹo, tính thận
trọng và lòng can đảm của ông ta. Nhờ dám liều lĩnh, ông đã thu
lượm được tài liệu kín đáo và tối mật. Nếu bị phát hiện trước
1975, Phạm Xuân Ẩn có thể bị tra tấn rồi bị thủ tiêu. Ông cũng
biết điều đó."
"Kế đến, Phạm Xuân Ẩn là một nhà phân tích và một nhà chiến lược
thượng thặng. Ẩn đã cho Hà Nội biết trước là 'chiến tranh đặc
biệt' của Mỹ sẽ thất bại. Và dù cho thất bại, Mỹ sẽ không rút ra
khỏi Việt Nam mà còn gửi thêm lực lượng viễn chinh, điều họ đã
thực hiện với cuộc đổ bộ lên Đà Nẳng hồi năm 1965. Chính Ẩn đã quả
quyết với Hà Nội là sau trận Mậu Thân hồi 1968, dư luận Mỹ sẽ
chống đối chiến tranh. Và cũng chính Ẩn đã giải thích cho Hà Nội
hồi đầu năm 1975 là Hoa Kỳ không còn phương tiện để can thiệp vào
các trận đánh nếu như cộng sản mở một cuộc tổng tấn công. Hà Nội
đã làm và đã thành công."
J-C. Pomonti đề cao nhân vật chính của tác phẩm mình thì cũng dễ
hiểu vì là chuyện đương nhiên. Nhưng, xét cho cùng thì thử hỏi sự
kiện và nhân vật có đúng như thế hay không. Nếu quả đúng như vậy
thì "chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử" kia đâu phải là công lao và
chiến lược gì của Hà Nội. Nếu quả đúng như vậy thì đâu phải đợi
đến 1978, ba năm sau khi nuốt trọn miền Nam, Hà Nội mới công khai
thăng cấp và ghi công cho Phạm Xuân Ẩn, qua cung cách xì tin cho
một nhà báo Pháp đăng lên dưới dạng "xe cán chó hoặc chó cán xe".
Một con người như thế, với một thời làm gián điệp ẩn mình, lợi
dụng thân tình để làm điều xằng bậy, dù là nhân danh lòng yêu
nước, liệu có đáng để cho tác giả, không phải là người có cảm tình
với Hà Nội, đưa thân thế vào một quyển sách không? Thì tại sao
J-C. Pomonti lại dựng thành một nhân vật cho tác phẩm của ông.
Phải chăng J-C. Pomonti muốn làm cho xấu xa thể diện của một nước
Hoa Kỳ vĩ đại, muốn thay Pháp để quản lý chiến tranh Việt Nam?
Sau khi biết tin Phạm Xuân Ẩn là điệp viên nằm vùng trong lòng báo
chí Hoa Kỳ, nhiều người Mỹ rất căm giận, phản ứng khá thô bạo như:
- Murray Gart, thông tín viên trưởng của Time trong thời gian
chiến tranh, sau khi biết tin Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên, nói
rằng "thằng chó đẻ ấy, tôi muốn giết nó."
- Frank Snepp, cựu chuyên viên thẩm vấn của CIA, tác giả quyển
Decent Interval:"Phạm Xuân Ẩn được quyền sử dụng tin tức tình
báo chiến lược. Điều đó ai cũng thấy rõ. Nhưng không ai hoạt động
âm thầm sau lưng chúng ta mà đã gây nhiều tác hại như Phạm Xuân
Ẩn."
- Peter Arnett nói: "Tôi không biết phải xử lý ra sao đối với
Phạm Xuân Ẩn. Tôi hiểu anh là một người Việt Nam yêu nước, nhưng
tôi vẫn cảm thấy bị phản bội về phương diện nghề nghiệp... Trong
hơn một năm trời, tôi cảm thấy bị xúc phạm, nhưng sau đó tôi lại
nghĩ ra rằng chẳng qua đó là công việc riêng của anh."
- Thomas A. Bass, báo The New Yorker, viết: "Ẩn là một người
'Việt Nam Thầm lặng', một mẫu người tiêu biểu với một lý tưởng
cách mạng thuần thành. Anh thường nói anh không bao giờ dối ai,
rằng anh cung cấp những bài phân tích chính trị cho báo Time mà
anh đã gởi cho Bắc Việt. Anh là một người bị phân thân, có lòng
trung chính cao độ, một người sống với sự giả dối nhưng lại nói
toàn sự thật."
Cay cú nhất, có lẽ là ký giả McCulloch khi ông kể rằng "niềm vui
to lớn" của ông khi năm 1990 ông tổ chức một cuộc gây quỹ thu được
32 ngàn Mỹ kim để tài trợ cho việc gởi người con trai trưởng của
Ẩn là Phạm Xuân Hoàng Ân, thường được mọi người gọi là "Ẩn Con",
du học ngành báo chí tại Đại học đường North Carolina. Hầu hết
những người đóng góp vào quỹ này là những cựu phóng viên chiến
trường Việt Nam. (Hoàng Ân tốt nghiệp trường luật tại Đại học Duke
năm 2002 và hiện phục vụ tại bộ Ngoại Giao Việt Nam.) Đúng là "ăn
cơm tui mà hại tao"!
Chính J-C. Pomonti cũng đã xót thương cho nhân vật Phạm Xuân Ẩn
của mình khi đưa ra nhận xét dưới đây với ký giả Olivier Frébourg,
trong ngày ra mắt sách:
"Phạm Xuân Ẩn thuộc thế hệ của những thiếu niên Việt Nam bị lôi
cuốn vào cao trào độc lập của những năm 1940. Nhưng ông ta cũng
phải chiến đấu trên ba mươi năm mới thấy được hòa bình trên đất
nước Việt Nam. Những chiến thắng hồi 1954, đánh bại người Pháp, và
hồi 1975, đánh bại Mỹ, đâu có đem lại hòa bình. Năm 1989 Việt Nam
mới thật sự hòa bình, khi đoàn quân viễn chinh của Hà Nội ở Cam
Bốt đã hoàn toàn rút về và khi pháo binh Trung Quốc đã im hơi lặng
tiếng ở biên giới hai nước. Từ 1979 đến 1989, đã có năm mươi nghìn
chiến sĩ Việt Nam phơi xác trên chiến trường Cam Bốt, một con số
tương đương với tổn thất của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam."
"Vào cuối năm 1980, khi Việt Nam mở cửa với thế giới bên ngoài,
đất nước này đã xơ xác vì Đảng cộng sản đã quản lý quá tồi tệ. Đấu
tranh cả một cuộc đời để rồi đất nước đi đến tình cảnh đó sao? Đây
là một đất nước mà những ngày hôm sau của cuộc chiến đã đem lại
nỗi chán chường triền miên. Dõi theo hành trình của Phạm Xuân Ẩn,
tôi mới thấy ra rằng mình đã nói lên cái thảm kịch của đất nước
Việt Nam trong hậu bán thế kỷ XX. Trong sự nghiệp đó, những người
anh hùng hầu như chẳng có một chỗ đứng nào hết."
Thế thì "anh hùng Phạm Xuân Ẩn" đứng đâu bây giờ? Tạm thời đứng
trên những trang sách "Một nguời Việt Nam thật trầm lặng" của J-C.
Pomonti mà thôi. Để cho cuốn sách bán ra được kha khá, phía dưới
của bìa sách, nhà xuất bản có chạy thêm hàng chữ trắng trên nền
đỏ:"Câu chuyện độc đáo của người gián điệp dám thách thức Hoa Kỳ".
Thêm một bằng chứng nữa để diễn nghĩa cho người đọc quyển sách này
hiểu rằng đáng đời cho Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, đồ sộ như thế, vĩ
đại như vậy mà để cho một con "chuột chũi" của Hà Nội chơi khăm.
Chung cuộc lại mà nghĩ thì J-C. Pomonti trình làng một quyển sách,
đầu tiên và độc nhất của phương Tây, nói về một con "chuột chũi"
của Hà Nội - đã mượn cái thang của Hoa Kỳ, của nhiều tay to mặt
lớn thời Việt Nam Cộng hòa để đưa Hà Nội đến mục đích cuối cùng -
để làm gì? Phải chăng để mượn gió bẻ măng, dựa hơi lấy tiếng?
- Rằng thì là cứ muốn cướp công của Pháp ở cuộc chiến Đông Dương,
thế nhưng Hoa Kỳ không qua mặt được một tên gián điệp nằm vùng.
- Rằng thì là ta đây cũng quen biết tên cán bộ cộng sản ẩn mình
làm chuyện tài trời. Nhưng thực ra ông cũng chỉ trưng ra những sự
kiện đã được nhiều người loan báo từ trước, được hòa tan trong
những hiểu biết về Việt Nam của tác giả.
Thế nhưng, thực tế của sinh hoạt Phạm Xuân Ẩn sau ngày "kháng
chiến thành công" đã đương nhiên vô hiệu hóa những thành tích của
đương sự trước kia. Thành thử ra cũng là một quyển sách thuộc dạng
sắc sắc, không không. Chỉ thêm một mặt hàng nữa trên các kệ nhiều
sách vô số kể của Pháp mà thôi.
* * *
Y như rằng Phạm Xuân Ẩn cũng chỉ là một con dã tràng xe cát bể
đông. Phường cộng sản nào cũng cá mè một lứa, sau khi sử dụng
người để đạt được mục đích thì như chanh vắt xong rồi, vỏ bỏ đi.
Kết quả biện minh cho phương tiện mà. Kết quả đạt được rồi, phương
tiện ta vứt đi thôi.
Cho hay, những con khỉ giữ nhà, những con ong tay áo, những phường
"ăn cơm tui mà hại tao" làm sao có được một hậu vận thư nhàn, một
phần số phiêu diêu tự tại. Đời không nguyền rủa thì lương tâm của
bản thân cũng day dứt chẳng buông tha. Nên chi, khi Phạm Xuân Ẩn
đã thực sự xuôi tay nằm xuống cũng chỉ được những lời tiếc thương
chiếu lệ, những làn khói hương nhẹ nhàng bay lên và vài ba câu thơ
tưởng niệm của bạn bè cùng chiến đấu ngày xưa. Thôi thì hãy mượn
những lời ca nghêu ngao của Trịnh Công Sơn để an ủi vong linh
người đã ra đi:
Anh nằm xuống, như một lần vào viễn du,
Ðứa con xưa đã tìm về nhà
Ðất hoang vu khép lại hẹn hò
Người thành phố, trong một ngày, đã nhắc tên
Những sớm mai, lửa đạn, những máu xương chập chùng
Xin cho một người vừa nằm xuống,
thấy bóng thiên đàng cuối trời thênh thang!
(Trịnh Công Sơn, "Cho một người nằm xuống")
Phan Quân
|