Kẻ Quật Mồ
Ðóng
xong cây đinh thứ tư vào nắp hòm, Vũ Nê vẫn còn lưỡng lự,
thắc mắc trong khi hai tên tù hình sự đang nôn nóng chờ để
nhanh chóng đưa xác chết qua bên kia đồi rồi còn về nghỉ
ngơi. Lẽ ra phải đóng mười cây đinh thế nhưng số quần áo
đưa theo người chết làm cho lòng tham của Vũ Nê, tưởng đã
chay đá sau ba lệnh cải tạo lao động dài chín năm, lại
trổi dậy khiến hắn ta phải chùn tay. Trong khi tẩn liệm
xác chết của người tù cải tạo, đầu óc Vũ Nê cứ suy nghĩ và
tính toán với bực tức lẫn căm thù.
Qua học tập, đảng và nhà nước thường dạy cho hắn ta rằng
"bọn ngụy rằn rì, ác ôn này" có nhiều "nợ máu với nhân
dân" thế nhưng phải công nhận một điều là mức sống của họ
có cái gì khác hơn nhân dân hiền lành và thậm chí cao hơn
cán bộ, đảng viên miền Bắc rất xa.
Sống chung trại với tù học tập cải tạo, Vũ Nê không thấy
nét hung tợn nào nói lên vẻ "man rợ" hay "ăn thịt người"
của họ như những buổi học tập đã mô tả. Tuy nhiên, hắn ta
hời hợt nghĩ rằng bài học phải có lý vì có bóc lột nhân
dân trong quá khứ nên ngày nay, tuy đi tù nhưng người nào
cũng còn phồn vinh, sung túc. Của cải vật chất người nào
thấy cũng hoa cả mắt! Có người đi lao động, tay lắm chân
bùn, ấy thế mà lúc nào cũng "lên cây" quần bò Mỹ, áo thun
"có chất lượng", áo gió hình nọ hình kia, kính râm,
giày bốt,... Vũ Nê trông cứ bực cả người!
Theo hắn ta thì nhân dân miền Bắc chiến đấu mấy mươi năm
gian khổ vậy mà, thậm chí một số cán bộ cao cấp nữa, suốt
đời đầu tắt mặt tối, nhiều lắm cũng vài ba bộ quần áo, một
mặc vào nguời, một giặt và một để dành lễ, Tết. Trong khi
đó tù cải tạo thì quần áo để vứt đi cũng thuộc loại
"diện", còn đem theo cho người chết thì khỏi nói!
Ðem bài học đối chiếu với thực tế và thực tại, nhân lần
phụ trách chung sự cho tù cải tạo kỳ này, Vũ Nê cảm thấy
lòng hắn bắt đầu xao xuyến và, với tốc độ nhanh hơn điện
toán, đầu óc hắn bắt đầu làm việc để rồi quyết định một
cách lẹ làng. Ðập xong nhát búa cuối cùng, hắn ra hiệu cho
hình sự mang chiếc quan tài đi. Hai gã tù hình sự, từ bấy
đến giờ nóng lòng chờ đợi, lanh tay thắt hai nuộc dây
tròng vào hai đầu hòm, xong cho cây đòn tre xỏ dọc theo
chiều dài áo quan rồi lên vai chạy như bay ra khỏi cổng
trại, thoăn thoắt vượt qua bên kia đồi.
Là người được trại chỉ định đảm trách công tác tẩn liệm và
mai táng tù, Vũ Nê cũng đi theo ra tận nơi chôn, nhưng lần
này không phải để kiểm nghiệm mà để quan sát mục tiêu và
lên phương án hành động. Hai gã tù hình sự đặt mạnh chiếc
hòm xuống mặt đất và bắt đầu lấy xẻng cuốc đào nhanh một
lỗ huyệt. Trong vùng núi đá vôi bao quanh trại tù Ba Sao,
chỉ ở khu vực lòng chảo gần chòi của Vũ Nê mới tìm thấy
được chút ít đất bằng với chiều sâu tương đối để có thể
vừa khai khẩn trồng hoa màu phụ, vừa làm nghĩa địa chôn
tù. Những khu khác chỉ có đá và đá, không làm sao đào
xuống được.
Trại chủ trương chôn cất tạm thời vì một phần sẽ được gia
đình bốc mộ đem đi sau thời gian ba năm pháp định và một
phần khác sẽ bị quên lãng, rồi thì đất bằng sẽ trở lại đất
bằng. Chính mồ mả nhân dân trên các ruộng đồng nông thôn
miền Bắc cũng thế thôi. Người sống còn chẳng ra gì nữa là
người chết, khi mà giá trị của con người được tính trên
xuất phẩm lao động do họ tạo ra. Vì chôn tạm thời nên cũng
không cần phải đào sâu chôn kỹ. Loại đất có chân đá đó mà
đào sâu thì khá gay go. Bởi vậy cho nên có những cái mả
mới chôn hôm trước, hôm sau đã thấy áo quan lòi lên qua
một trận mưa lũ, hoặc trong những trường hợp được cho là
bị trâu phá, lợn đào.
Mặt trời đã lên cao, ánh nắng bắt đầu gay gắt, những cánh
tay đào đất cũng khởi sự mệt mỏi. Vũ Nê ra vẻ thương tình
lên tiếng:
- Ngần ấy đủ rồi! Làm đếch gì mà đào lắm thế!
Ðược lời, như cởi tấm lòng, hai gã hình sự liệng cuốc
xẻng, rồi mỗi người một đầu, họ "hạ huyệt" chiếc hòm chẳng
chút nương tay như thói thường, khi người ta sợ động xác
người chết bên trong.
Hai người tù hình sự nhanh tay lắp đất lên và lấy một vài
hòn đá đặt bên trên chỗ đất vừa lấp cho có dáng vẻ một nấm
mộ.
- Xong rồi, các cậu về đi.
Nghe Vũ Nê cho lệnh, hai gã hình sự nhanh chóng thu dọn
rồi gom góp đòn và cuốc xẻng trở vào trại, được chấm điểm
như một nửa công lao động nhưng chỉ làm có mấy tiếng đồng
hồ.
Còn lại một mình, Vũ Nê trầm ngâm nhớ lại và suy nghĩ. Hắn
ta nhớ lại những bộ quần áo mà ban sáng bạn bè của "thằng
ngụy" vừa tắt thở đưa xuống trạm xá để cho vào hòm mang
theo cho nó. Thật là gai mắt! Toàn những thứ đắt tiền, từ
lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ hắn ta chưa bao giờ trông thấy.
Cái nào cũng mang nhãn hiệu Tây, sờ đến mát cả tay, sướng
cả người! Từ giây phút đó bản năng cơ hữu của hắn ta bỗng
dưng trổi dậy trở lại. Miên man suy nghĩ, Vũ Nê tần ngần
thơ thẩn hồi lâu mới rời khu nghĩa địa ra về. Như hai gã
hình sự kia, hắn ta cũng lời được nửa ngày lao động. Chui
vào "nhà" rồi hắn ta vẫn không sao giải tỏa được những suy
nghĩ về cái mả vừa chôn.
* * *
Cái gọi là nhà của Vũ Nê nằm đơn độc trong khu lòng chảo
núi đồi Ba Sao của tỉnh Hà Nam Ninh, gần trại tù. Hắn ta
là một gã đàn ông tuổi xấp xĩ bốn mươi, sống cô đơn thui
thủi một mình. Con người Vũ Nê mang đầy đường nét khắc
khổ, diện mạo hung hăng với đôi mắt lúc nào cũng ửng đỏ
tràn ngập ánh lửa hận đời. Tâm tính Vũ Nê vô cùng khép
kín, lúc nào cũng hoài nghi, không muốn chuyện trò với ai
mà cũng không thích ai tiếp cận mình. Qua tướng đi với mặt
luôn nhìn xuống đất, như mãi mê tìm kiếm một vật gì, Vũ Nê
cho người ta có cảm tưởng là hắn ta muốn giấu một điều gì,
có nguy cơ bị phát hiện nếu người ta nhìn vào mắt hắn.
Thoạt nhìn, mái nhà của Vũ Nê giống như một cái chòi mà
trẻ con dựng lên làm trò chơi, nhưng đó lại là cả một
"biệt thự" của hắn ta. Vật liệu xây cất không phải mất
tiền mua vì toàn là cây và tranh lấy ở những khu rừng
quanh trại. Công trình tạo dựng lên cũng không đòi hỏi
nhiều công sức. Kiến trúc sư và thợ cũng chỉ có mỗi mình
hắn ta. Lối ra vào nhà bé tí teo và thấp lè tè, đi lại
phải khom lưng dù rằng Vũ Nê không phải là con người cao
lớn. Thế nhưng cũng chẳng phải là điều quan trọng vì suốt
ngày Vũ Nê ở bên ngoài, chỉ khi đến đêm mới chui vào ngủ
và như vậy cũng góp phần vào việc giữ ấm túp lều vào những
ngày rét lạnh, khi gió mùa đông bắc về.
Trước đây, Vũ Nê là tù hình sự dài ngày của trại Ba Sao vì
sai quấy quen tật từ thuở ngày đêm luôn miệng hát nghêu
ngao "Ðêm qua em mơ gặp Bác Hồ...", bài ca thời
thượng của tuổi thơ miền Bắc, cho đến lúc phải hát đến mỏi
miệng những câu "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại
thắng, ..." của bài hát đánh dấu một bước làm liều mà
được việc. Quen tay ăn cắp cái trứng thì khi cần "chĩa"
một con bò cũng bạo dạn làm ngay.
Án nọ chồng án kia, gần như suốt đời ăn cơm tù và uống
nước nhà lao thì giữa tự do và tù tội chẳng còn biết đâu
là ranh giới nữa. Sống mãi với tiêu cực đâm ra xa lạ với
tích cực và do đó Vũ Nê đã lỡ mất thời vàng son để được
làm "cháu ngoan Bác Hồ", một đỉnh cao của thanh thiếu niên
đất Bắc dân chủ cộng hoà và xã hội chủ nghĩa.
Gia đình và thân thuộc không còn một ai buồn để ý đến Vũ
Nê nữa, thậm chí cứ tưởng hắn ta không còn hiện diện trên
cõi đời này vì khá lâu rồi Vũ Nê đã biệt vô âm tín. Hơn
nữa, có tìm biết nơi ăn chốn ở của hắn ta cũng chẳng ích
lợi gì đó, lại phải mất công cơm vắt, muối vừng thăm nuôi
và mất điểm với làng nước địa phương. Danh vọng gì đó,
thân nhân của một kẻ tù tội hình sự!
Ngày mãn án, chẳng biết phải đi đâu và về đâu - vì không
bao lâu rồi cũng trở lại - Vũ Nê xin phép trại dựng một
mái chòi ven khu lòng chảo trên đồi, với tư cách một người
tù tự giác. Hắn ta đã nhất quyết xin chọn nơi này làm quê
hương vì khung cảnh ở đây đã quen thuộc qua gần một nửa
đời hắn. Sống với những người đã biết mình là tù tội còn
thoải mái hơn trở về quê cũ, chung đụng với những kẻ năm
nghi mười ngờ với cái quá trình sinh sống của hắn ta.
Trại nhận Vũ Nê làm phụ mộc, một nghề được nhà tù đào
luyện và nhờ vậy hắn ta có được phần lương thực tiêu
chuẩn. Ngoài ra, hắn ta còn được "bố trí" lo việc chung sự
cho tù chết trong trại, như đóng hòm, tẩn liệm và chôn
cất.
Cung cách sinh sống, cũng như miếng ăn, Vũ Nê đành bằng
lòng như vậy, lây lất ngày này sang tháng nọ dù rằng tiêu
chuẩn thường nhựt ở trại tù không cho phép con người của
hắn ta phát triển chiều cao hay béo tốt ra. Tuy nhiên, hắn
ta vẫn cứ thắc mắc trong lòng về cung cách ăn mặc của mình
vì chẳng lẽ không còn là tù nữa mà cứ quần áo tù "diện"
mãi hay sao? Năm khi, mười họa, đi đây đi đó không có lấy
một "bộ cánh" ra hồn kể cũng ngượng. Ðây là một trong
những lý do khiến cho Vũ Nê mãi mãi quanh năm suốt tháng
quanh quẩn trong vùng rừng núi Ba Sao.
* * *
Cả ngày hôm đó, đầu óc Vũ Nê cứ xoay quanh những bộ quần
áo mà hắn ta đã đích thân đặt vào hòm cho "tên ngụy" vừa
chôn ban sáng. Từ hối tiếc, tâm tư Vũ Nê chuyển sang hận
thù khi hắn ta tự hỏi tại sao trại lại chiếu cố tù cải tạo
hơn tù hình sự, những người mà khi chết đi rồi chỉ được
tấm chiếu quấn xác? Trái lại khi tù cải tạo từ trần thì,
dù thiếu ván thiếu cây, cũng phải "bốn dài, hai ngắn" (Số
ván đóng hòm: 4 tấm dài, 2 tấm ngắn) để có một cái áo quan
ra hồn.
Hắn ta nghĩ rằng "bọn ngụy đó, sống thì buôn dân bán nước,
ăn thịt uống máu đồng bào, số lượng vào tù thì hàng trăm
hàng nghìn, làm thiệt hại phần lương thực của nhân dân,
thế mà khi chết rồi còn phải lo chu đáo là cái quái gì
chớ"? Vũ Nê không hiểu nổi cung cách xử sự của Ðảng và Nhà
nuớc đối với hạng người như vậy. Căm thù có sẳn từ bài học
tập qua những lần sinh hoạt tổ đội, cộng với nỗi bực tức
hôm nay, hắn ta càng thấy cần phải có hành động tương
xứng.
Ðêm đến, hắn ta trằn trọc mãi không sao chợp mắt được, cứ
luôn mơ tưởng đến mấy bộ quần áo "hết ý" của "thằng ngụy"
vừa chôn ban sáng. Toàn những thứ ngon lành như thế mà đem
bỏ vào lòng đất, thật là phí của trời. Vũ Nê nhớ lại là
lúc tẩn liệm, mấy thằng hình sự cùng làm cũng tấm ta tấm
tắc khen số tư trang đó, hình như bọn nó cũng thèm lắm.
Nhớ đến đây, hắn ta càng thêm lo ngại và thấy như bị một
ma lực nào đó thúc hối mãnh liệt. Vũ Nê thấy cần phải hành
động ngay trong đêm vì qua ngày mai, thừa lúc ra ngoài lao
động, hai tên hình sự sẽ có dịp phỗng tay trên, chiếm mất
mục tiêu của hắn. Bị thôi thúc mãnh liệt, hắn ta quờ quạng
trong bóng đêm đi tìm chay rượu nếp để lấy chất cay nồng
kích thích lòng can đảm mà ra quân giữa đêm đen.
Ðã khá lâu, lòng hắn đã nhất quyết không trở lại nghề chôm
chĩa, với hy vọng làm con người mới xã hội chủ nghĩa, giờ
đây cần ra tay thì Vũ Nê mất đi cái khí thế của ngày xưa
rất nhiều. Hơn nữa, sau bao nhiêu năm dài "nằm ấp" vì tội
trộm cắp, hắn ta cũng mất đà. Nhưng, hắn ta tự nhủ rằng ăn
cắp của người chết thì có gì phải lo sợ, vì người chết đâu
có thưa kiện. Nổi ái ngại đó tan biến ngay vì khi chui ra
khỏi chòi hắn ta cảm thấy như màu đen của bóng đêm cũng
đồng lõa với hắn.
Một cơn mưa đang hứa hẹn bên kia đồi nên trời tối đen như
mực tàu. Không có lấy một ngôi sao mà chỉ toàn là đom đóm.
Ðêm chưa về khuya mà vùng núi đồi của trại tù đã im phăng
phắc lại thêm không gian tĩnh mịch chờ cơn mưa nên nổi im
vắng càng thêm bao la mông quạnh! Vũ Nê không cần phải có
ánh sáng để di chuyển trên vùng đất lòng chảo gần như là
tư hữu của hắn ta. Nhắm mắt, hắn ta cũng không thể lạc lối
trên mảnh đất đã quá quen thuộc. Mả mới chôn, đất còn xốp
nên xúc giác của bàn tay phát hiện không mấy khó khăn. Vã
lại, lúc ban ngày, trước khi rời mục tiêu, hắn ta đã sắp
xếp mấy hòn đá để đánh dấu rồi.
Nhận diện đúng đối tượng, Vũ Nê tiến hành công tác ngay.
Vừa đào được mấy xẻng thì ở con đuờng dưới chân đồi lại có
tiếng người. Nghĩ là vệ binh đi tuần, hắn ta dừng tay lại
lắng nghe, tìm xem họ đi về hướng nào. Hắn ta tạm chui vào
bụi rậm bên cạnh để khỏi bị phát hiện nhưng lòng nơm nớp
lo sợ rằng nhóm tuần tra đó có dẫn chó theo. Trong trường
hợp này, thế nào cũng bị lộ thì nhất định hắn ta sẽ phải
thi hành một "lệnh" nữa, tối thiểu cũng vài năm!
Vũ Nê nhìn đăm đăm về phía có tiếng người xuyên qua đêm
đen dày đặc, hơi thở nén lại đến mức tối thiểu, hy vọng
sao khỏi bị lộ do một chút gì từ hắn ta phát ra. Trong sợ
sệt, hắn ta muốn biến vào hư vô. Vũ Nê bắt đầu thấy hối
hận thì may thay tiếng người dưới đường cười nói vui nhộn
cho hắn ta hiểu rằng nỗi sợ của hắn ta không có đối tượng.
Tiếng người dưới chân đồi thản nhiên qua ngang địa điểm
trú ẩn của hắn ta. Thì ra đó là những cán bộ Trại B phía
trong đi xem truyền hình ở Trại A trở về. Chờ cho tiếng
người biến mất sau khúc quanh ở đầu thung lũng, Vũ Nê tiếp
tục đào. Nấp hòm, mà lúc sáng hắn ta đã đóng đinh sơ sài,
được cạy bậc lên một cách dễ dàng. Ðống quần áo hắn ta đã
có ý sắp xếp trước được hốt vội cho vào bao tải mang theo.
Trong lúc vội vàng, tay hắn ta chạm phải xác chết, chuyền
hơi lạnh của cơ thể con người mất máu vào đến tận cùng của
nổi ghê rợn trong tâm hồn hắn ta. Thế nhưng, khối lượng
của "chiến lợi phẩm" mà hắn mơ ước từ lúc sáng đang nằm
trong tay đã đánh tan nổi rợn người ở hắn ta. Thu xong
đống quần áo, Vũ Nê đặt ván đậy hòm trở lại rồi cứ thế lấp
đất lên chẳng cần phải đóng đinh gì cả. Ðống đá lại lùa
vào lấp lên lỗ huyệt trống, sáng sớm ngày mai hắn ta sẽ
tính sau. Kể như thành công, hắn ta mang số quần áo đánh
cắp trở về túp lều cất giấu. Phần đêm còn lại cũng cứ dài
miên man, giấc ngủ đâu không thấy đến với hắn ta vì những
tính toán còn nhiều.
Quần áo vừa lấy từ dưới mộ lên, Vũ Nê phải cho vào túi
nhựa chôn xuống đất bên trong chòi tranh, ngay dưới ổ rơm
chỗ nằm của hắn ta. Vào những buổi trưa thanh vắng, khi tù
đi lao động đã nhập trại để cơm nước, nghỉ trưa và khi
không thấy bóng cán bộ trại lai vãng, giả bộ đi tắm, hắn
ta len lén đem chiến lợi phẩm ra suối bên kia đồi giặt giũ
rồi phơi lén phơi lút trong chòi.
Những ngày cuối tuần, hắn ta đưa quần áo đó ra tận chợ Phủ
Lý, cách trại trên chục cây số ngàn để tiêu thụ mà ít có
nguy cơ bị những người của trại bắt gặp. Cung cách để tạo
thu nhập của hắn ta không phải là nhàn hạ, chưa kể phần
nơm nớp lo sợ, mắt trước, mắt sau đề phòng những người
quen biết truy hỏi lôi thôi. Quần áo đã tốt lại giá hạ nên
bán thật dễ dàng. Tuy nhiên, cũng có một vài khách hàng
nghi ngờ, nửa muốn mua, nửa ngại ngùng vì sợ mua phải hàng
ăn cắp. Nhưng cuối cùng, sự đắn đo đã nhường bước lòng ham
muốn trước mặt hàng vừa tốt, vừa lạ, lại vừa rẻ. Dĩ nhiên
là Vũ Nê có thừa miệng lưỡi để trấn an khách hàng về xuất
xứ của những gì hắn ta đem bán. Tiền thu vào sau mỗi
chuyến đi buôn như vậy tạm thời giải quyết những nhu cầu
không mấy lớn lao của hắn ta trong một thời gian cho đến
lúc có cơ hội mới.
Vũ Nê không phải chờ đợi dài ngày vì, qua thời gian lao lý
chồng chất trong bối cảnh thiếu dinh dưỡng, thiếu thuốc
men lại lao động nặng nề, sức khỏe của tù cải tạo sa sút
trầm trọng và nhanh chóng. Tiến trình đó làm cho tỉ lệ tử
vong của hạng tù này tăng đáng kể và hắn ta cũng không đến
đổi phải ở trong tình trạng thất nghiệp dài lâu. Nhưng, có
thu nhập được hay không thì cũng tùy, vì không phải tù cải
tạo nào cũng sung túc. Ðôi ba chuyến hắn ta mới có được
một cơ hội ăn nên làm ra nhưng gần đây hắn ta trúng một
mối khá to.
Một hôm, trại đang chuẩn bị tiếp đón một phái đoàn nhà báo
Mỹ, theo lệnh của Bộ Nội Vụ Hà Nội. Từ mấy ngày trước, một
số tù cải tạo được chọn lựa và cán bộ phải qua một đợt
"học tập" trong tinh thần rước khách theo phương thức được
một cán bộ từ trên đưa xuống hướng dẫn. Trại được thu dọn
và sơn phết ở một số nơi, trông khác hẳn ngày thường.
Chuyến thăm trại kỳ này có vẻ sẽ đem lại lợi lộc không ít
cho đường lối của Nhà nước.
Sáng sớm ngày phái đoàn đến trại, khi mọi sắp xếp đã xong
và giờ phái đoàn đến đã gần kề thì nguồn tin bệnh xá trại
cho hay có một tù cải tạo đang hấp hối, sau những ngày
trăn trở, vì một tai nạn lao động cách đó mấy hôm. Tình
trạng khá nguy kịch vì không thể để người sắp chết nằm tại
trạm xá tiếp phái đoàn mà cũng không làm sao đưa anh ta đi
vào trại trong lánh mặt.
Lão thượng tá trại trưởng bực mình thấy rõ, gọi cán bộ y
tế ra riêng một chỗ, thì thầm. Sau đó, cán bộ y tế rời bộ
chỉ huy, vội vã trở về bệnh xá ra lệnh cho Vũ Nê. Chẳng
bao lâu sau, cùng với gã tù hình sự tự giác đặc trách thi
đua khu B2, Vũ Nê đưa anh tù cải tạo được khai tử một cách
hấp tấp đi chôn gấp trước khi phái đoàn đến.
Tuy phải cật lực và hối hả thi hành lệnh trại, Vũ Nê cũng
không than phiền vì nhìn qua xác được cho là chết kia hắn
ta đã mường tượng đến một số thu nhập đáng kể. Người tù
cải tạo này đeo chiếc nhẫn cưới vàng tây và ở miệng có một
răng vàng. Vừa lấp đất xong, gã tù hình sự phải vào trại
ngay để hiện diện tại khu khi phái đoàn đến. Vũ Nê còn ở
lại một mình nơi nghĩa địa và lòng tham của hắn ta bắt đầu
trào dâng dữ dội.
Là ngày có phái đoàn "tham quan" trại nên các tổ đội lao
động không hoạt động vì một phần lớn tù cải tạo đã được
"sơ tán" để đánh lạc hướng suy nghĩ của phái đoàn và phần
còn lại chỉ lao động bên trong vòng rào. Toàn thể cán bộ
trại thì áo quần tươm tất để đón khách. Vì vậy mà giờ đây
bên ngoài trại hoàn toàn hoang vắng và ở khu nghĩa địa chỉ
có mỗi một mình Vũ Nê nên mức độ cám dỗ càng tăng cao.
Hắn ta cho rằng cần phải hành động ngay vì đang có thời cơ
tốt. Thế là đất lại được đào lên, nấp hòm được cạy ra
không mấy khó khăn vì hắn ta đã tính toán trước. Nắp áo
quan vừa bật lên thì một tiếng thở khì, tuy yếu ớt, nhưng
cũng làm cho hắn ta hoảng hồn. Người đang hấp hối cố gắng
mở to đôi mắt không hồn trao tráo nhìn Vũ Nê như muốn nhắn
gởi những lời cuối.
Hắn ta hơi ngập ngừng, phân vân muốn đậy nắp hòm và lấp
đất trở lại. Thế nhưng, hình ảnh chiếc nhẫn vàng và cái
răng vàng lại liên kết với một số tiền đáng kể làm cho
lòng tham của hắn ta lấn át nỗi sợ sệt và thái độ ngại
ngùng. Ðang bối rối giữa tình hình hành động hay không
hành động thì tiếng kẻng "thu quân" của trại lanh lảnh
vang lên vang dội qua núi đồi. Tiếng kẻng báo rằng phái
đoàn đã rời trại và các tù cải tạo tạm thời di tản lánh
mặt có thể trở về sinh hoạt bình thường.
Bị thôi thúc dồn ép trước viễn ảnh là đông đảo tù cải tạo
sắp kéo về, qua ngang và nhu cầu phải ra tay tóm thu của
cải người đã chôn mà chưa chết, Vũ Nê hành động mù quáng
theo một ý nghĩ thoáng qua nhưng được hình thành xuyên
suốt qua quảng đời tội ác bị lao tù xã hội chủ nghĩa trừng
trị mà không giáo dục.
Tiếng người cười nói bắt đầu nổi lên ở đầu thung lũng báo
hiệu sự xuất hiện của những toán tù cải tạo đang trở về
trại. Quýnh quáng lên, hắn ta tóm ngay hòn đá bên cạnh đập
vào đầu "người chết" để khỏi nhìn thấy cặp mắt nhân chứng.
Vũ Nê nhanh tay bẻ gãy chiếc răng vàng và lấy dao chặt đứt
ngón tay đeo nhẫn. Lóng tay bỏ trên mặt đất mà gân và cơ
bắp còn co giật trong khi hắn ta lấp vội lỗ chôn người.
Ðoàn tù cải tạo qua ngang thì Vũ Nê cũng thản nhiên xách
dao và cuốc xẻng trở vào trại như trong sinh hoạt bình
thường của hắn ta. Thêm một lần thu nhập đáng kể cho Vũ Nê
để hắn ta có thể bình tâm trải qua chuổi ngày chờ đợi
chuyến làm ăn khác.
Từ đó về sau, người ta thấy Vũ Nê ăn mặc tươm tất hơn. Vã
lại, mấy lúc sau này nhịp độ ra chợ, cũng như "về quê"
thăm gia đình của hắn ta cũng tăng lên khác thường. Chuyển
biến khả nghi đó của Vũ Nê đã làm cho nhiều người thắc mắc
và đương nhiên cũng làm cho an ninh trại phải đặt ra nhiều
nghi vấn. Thế nhưng đáp số của vấn đề chưa ai tìm thấy
được. Có giả thuyết cho rằng hắn ta làm ăn bất chính, giao
dịch mua bán đổi chác linh tinh với tù cải tạo những mặt
hàng cấm kỵ. An ninh trại cho người theo dõi nhưng suốt
ngày chỉ thấy Vũ Nê bận rộn ở trại mộc, đêm chui vào túp
lều ngủ, không thấy chỉ dấu nào chứng minh được sinh hoạt
ngoài quy định của đối tượng.
Hay là Vũ Nê có được nguồn lợi bất ngờ nào mà những cặp
mắt không tận tình tìm hiểu thì không tài nào phát hiện
được. Bám sát mục tiêu mãi mà không tìm được chứng cớ cụ
thể, an ninh trại lần hồi cũng chán nản lơ là đi. Hơn nữa,
không thấy hắn ta có hành tung gì nguy hại nên an ninh và
trại cũng đành để mặc cho Vũ Nê sinh sống trong cảnh giác
cầm chừng.
Trong khi đó mồ mả của tù cải tạo, chỉ của tù cải tạo
thôi, thường hay bị quấy rầy mà nguyên do là mưa to hay
nước xói hoặc trâu bò đạp phá hay heo lợn ủi bới. Thiên
tai và những con vật ngay tình lang thang khu đó tìm kiếm
thức ăn cứ chịu tiếng chẳng lành trong khi "người công dân
mới xã hội chủ nghĩa Vũ Nê" cứ ngày một phát đạt lên.
Nhưng, thiên bất dung gian nên rồi cũng phải có một
ngày...
Vào khoảng khá muộn của buổi sáng một ngày hè đứng gió,
kẻng tan tầm lao động cho tù đã dứt từ lâu người ta mới
thấy bóng dáng của một vài anh tù cải tạo khòm người dưới
bó củi nặng trĩu từ trong rừng đi ra. Họ được trại xếp vào
thành phần lao động tự giác, chọn lựa trong số tù cải tạo
mà trại cho là không làm gì sai quấy hay có ý định đào
thoát. Thật ra vào thời điểm sau hơn mười năm tù, với bối
cảnh quốc tế liên hệ đến những người của chế độ Sài Gòn bị
cộng sản giam giử và với thực tế của môi trường trại giam,
không một tù cải tạo nào dại dột nghĩ đến chuyện vượt ngục
nữa.
Tổ lao động tự giác này, gồm năm người, có nhiệm vụ đi
rừng lấy củi riêng cho bếp nấu ăn của cán bộ. Họ được tự
do vào rừng lấy củi không cần cảnh vệ đi theo, thậm chí ở
những khu rừng khá xa cách trại, không hạn định thời gian
miễn không qua đêm. Họ cũng xuất trại cùng lúc với những
tổ đội lao động khác nhưng giờ về của họ tùy thuộc vào số
lượng củi thu thập được cho ngày hôm đó, dĩ nhiên là phải
loại củi tốt. Do đó công việc của họ khá nhọc nhằn, càng
lúc càng phải đi cách xa trại một vài khu rừng, năm ba
ngọn đồi mới mong có củi"chất lượng"theo đòi hỏi của trại.
Tuy nhiên, để bù trừ lại họ cảm thấy được một chút tự do
tương đối trong lao động, mà trại gọi là "tự do trong tất
yếu".
Hơn nữa, họ còn có thể giao dịch với dân thường sinh sống
rải rác quanh trại, dù trong chừng mực nào đó vì làm sao
biết được những "người dân" kia thuộc thành phần nào và
liên hệ ở mức độ nào với công an, để mua bán đổi chác
những thức ăn cần thiết bổ túc vào mức độ ăn uống của
trại. Phần lớn họ trở về trại sau khi mãn giờ lao động
buổi sáng khá lâu để khỏi bị cán bộ trực trại khám xét lôi
thôi khi vào cổng khu giam tù và nhờ vậy nhiều khi mang
được hàng hoá cấm kỵ vào.
Nhóm người vừa xuất hiện tụ tập lại dưới bóng mát của bãi
sắn (khoai mì) để nghỉ mệt và chờ đợi một vài người bạn
khác trong tổ để cùng nhập trại một lúc. Những cây sắn
trồng trên vùng đất nông cạn không cao khỏi đầu người tạo
cảm giác cho rằng không ai chui vào đó để trốn nắng. Chính
cái cảm giác hời hợt đó đã tạo điều kiện cho tổ đi rừng
đặc biệt kia chứng kiến được điều bất thường mà từ trước
đến giờ an ninh trại đã mất công tìm kiếm nhưng vô hiệu
quả.
Từ túp lều tranh, Vũ Nê hăm hở đi về hướng nghĩa địa, tay
cầm cây cuốc, mắt ngó quanh và tập trung nhiều nhất vào
hướng doanh trại của cán bộ khung. Nhưng khi mặt trời đã
đứng bóng, trọn khu trại tù Nam Hà như đã chết đi trong
tĩnh lặng của không gian oi ả và thời gian ngưng đọng sau
bửa ăn giữa ngày và giấc ngủ ban trưa.
Vũ Nê càng thấy yên tâm trong dự tính. Linh cảm chuyện bất
thường, "tổ cơ động đặc biệt" ra hiệu cho nhau giữ im lặng
tuyệt đối để Vũ Nê không phát hiện được sự có mặt bất ngờ
của họ. Họ không thể nghĩ rằng Vũ Nê chịu khó đi trồng
trọt gì vào giữa trưa đứng bóng như vậy. Vã lại, xưa nay
không ai thấy anh chàng này quan tâm đến việc canh tác, dù
là để "cải thiện" cho bữa ăn, thường rất khắc khổ của bản
thân.
Vũ Nê đi thẳng đến ngôi mộ của Toàn, người tù cải tạo từ
trần vì ung thư gan vừa mới được chôn cất lúc sáng. Cẩn
thận nhìn quanh một lần nữa cho an toàn thế là Vũ Nê nỗ
lực cuốc nhanh núm mả vốn chỉ là một lớp đất mỏng, bên
trên chất mấy hòn đá núi. Ðất vừa mới lấp nên đào bới cũng
dễ dàng và nhanh chóng. Hơn nữa, việc chôn cất ở trại
thường do tù hình sự phụ trách nên được làm rất qua loa
cẩu thả, chưa kể trường hợp có hận thù nguyên tắc với
những người mà Ðảng và Nhà nước từng nhồi nhét vào đầu óc
họ là "bọn ngụy ác ôn, rằng rì, ăn thịt người".
Nấp hòm bị cạy lên một cách dễ dàng vì lúc sáng, khi tiến
hành việc tẩn liệm Vũ Nê đã nhận diện mục tiêu thấy đưa
nhiều quần áo tốt theo người chết nên đóng nấp hòm rất sơ
sài. Vũ Nê hốt vội một số quần áo để bên trên xác chết,
cho vào bao tải mang theo rồi lấp vội lấp vàng cái mả trở
lại, định xách cuốc trở về nhà chòi của hắn ta.
Vũ Nê vừa quay lưng bước đi thì từ bãi sắn phát ra tiếng
la to đồng loạt:"Vũ Nê, mày làm gì thế?" Vũ Nê chưa kịp
sửng sốt thì năm anh tù cải tạo từ bãi sắn chạy nhanh ra
chận lối về của hắn ta và tóm lấy tang vật để làm bằng. Vũ
Nê hết lời van xin qua luận điệu rất nhún nhuờng không còn
màu sắc hận thù giai cấp thường lệ nữa.
Nhưng là tù cải tạo thì năm người kia làm gì có tư cách để
phán xét hay tha tội Vũ Nê, một con người mới xã hội chủ
nghĩa dù rằng quá mới, nên họ dành quyền phán định số phận
Vũ Nê lại cho trại. Họ đưa hắn ta đến cán bộ trực trại
đang khó chịu vì bị quấy rầy trong giấc ngủ trưa hè. Vấn
đề đuợc đưa lên cán bộ giáo dục, người quán xuyến mức độ ý
thức tội lỗi bản thân và đà tiến bộ của tù nhân trong
trại. Chiều hôm đó, Vũ Nê phải vào nằm phòng kỷ luật để có
cơ hội ăn năn hối cải về hành động sai quấy của nó.
Vấn đề được đưa lên an ninh trại, rồi lên cán bộ giáo dục.
Vũ Nê bị kỷ luật ngắn hạn và biệt giam chờ quyết định của
trên. Trường hợp của hắn ta cứ nhì nhằn mãi mà chẳng đi
đến được một kết luận nào hết trong khi đó Vũ Nê cứ khinh
khỉnh lên mặt mỗi khi gặp tù cải tạo, sau khi hết thời kỳ
biệt giam.
Một hôm, tù cải tạo được đưa ra trạm bưu điện Ba Sao để
nhận bưu phẩm về thì thoáng thấy bóng Vũ Nê ngồi nhâm nhi
ở quán thịt chó cùng với mấy cán bộ trại, mặt mày đỏ gay,
cười nói hả hê. Thì ra lần này tuy Vũ Nê mang tội ăn cắp
nhưng ăn cắp của người chết, chẳng ai thưa kiện và nhờ hắn
ta khéo vận dụng "Bác" nên vẫn phây phây. Rượu vào lời ra
thoải mái, chẳng sợ ai. Hôm đó, những người trong quán "hạ
cờ tây" của chợ Ba Sao nghe được loáng thoáng:"Tài sản gì
đó của chúng nó, toàn là của nhân dân ta cả. Của nhân dân
thì phải trả lại cho nhân dân thôi. Ðược Ðảng và Nhà nước
tha tội chết là phúc đức ông bà rồi, ở đó mà thưa với
kiện. Thế là những tiếng cười hô hố vô liêm sỉ đầy hơi
rượu và màu sắc hận thù giai cấp cứ vang vang...
Giải pháp cuối cùng, nhằm làm dịu mối bất bình có thể dẫn
đến án mạng trong trại, là Vũ Nê "bị chuyển" vào trại
trong để không còn giáp mặt với tù cải tạo nữa, nhưng mồ
mả tù cải tạo vẫn tiếp tục bị khai quật một cách máy móc
chớ không có chọn lọc như xưa. Cho đến một ngày có trận
mưa giông đổ cây lở núi, vì Ba Sao chận lối di chuyển của
cơn bão số 10 đổ bộ lên Hà Nam Ninh. Sau hai ngày mưa
giông gió giật, trong cuộc thám sát địa bàn trại bị bão
tàn phá người ta phát hiện ra xác một người tắt thở đã lâu
mà mắt không khép kín nằm dưới hòn đá tảng nặng hàng tấn
ly khai với núi mẹ.
Vũ Nê đã ra đi như vậy đó. Phải chăng hắn ta không muốn mộ
của chính mình bị người khác khai quật nên đã nằm chết
dưới khối đá nặng nghìn cân kia? Từ đó về sau, mồ mả của
những con người thuộc chế độ cũ "sớm cải tạo tốt" giữa
đường lao lý mới được yên thân.
Phan Quân
(Trích "Cõi đời vô duyên")
|