Ngày Ba Mươi
Tưởng Niệm
Với
tâm trạng của một con chuột ở bên trong cái bẫy vừa sập xuống, người
đàn ông chán nản nhìn cuộc sống quay cuồng rần rộ bên ngoài, trên
những nẻo đường thành phố. Thôi thế là hết, cả một quá khứ sự
nghiệp, trong giây phút đã sụp đổ tan tành!
Mấy ngày trước đó, người đàn ông này cũng chạy
đôn, chạy đáo, tìm đường thoát thân cho gia đình, cho chính mình,
nhưng ngả nào cũng tắc tị. May mắn thay, vào phút chót, ông ta lọt
vào cứ điểm cuối cùng của Mỹ để được hứa sẽ "bốc đi". Thế nhưng, đến
ngày giao hẹn, ông cứ ngồi miết để canh chiếc điện thoại, không cho
một ai được sử dụng gọi đi, mà chỉ nơm nớp trông chờ tiếng chuông
gọi lại.
Thì giờ tích tắc, không đu đưa một chỗ như quả
lắc mà cứ trôi đi và trôi đi, trong khi tiếng chuông điện thoại mong
chờ cứ biền biệt xa vời. Ngày cứ cạn lần mà cái mong chờ đâu chẳng
thấy đến, trong khi bầu trời Sài Gòn, rợp trời phi cơ Mỹ, tầng trên
là chiến đấu cơ phản lực bao vùng, tầng dưới là trực thăng đi lại
như con thoi từ Sài Gòn ra vùng biển rộng. Người đàn ông ngước mặt
nhìn trời cao mà ao ước và hy vọng, dù biết rằng, trong giây phút
đó, tất cả chỉ là hão huyền. Nghe như vang dội trong tâm tư của mình
câu ca trong một bài hát:"Thượng Đế hởi, có thấu ..."
Không những chỉ hão huyền mà còn tuyệt vọng vì
kìa tiếng nói của "Đại tướng-Tổng thống" đã vang vang trên tần số,
không phải để ban chỉ thị mà là để kêu gọi chiến sĩ của mình buông
súng, đừng bắn những "người anh em bên kia" của đại tướng nữa! Thế
nhưng, vẫn còn những tiếng súng ấm ức, căm tức và tủi nhục, thà chết
như danh tướng trấn biên cương, lại không giữ được nước, hy sinh với
lòng trung trinh vì nước vì nhà, chứ không chịu "tuân lệnh" thượng
cấp quy hàng.
Thì ra những tấm gương trung hiếu, tiết nghĩa
của tiền nhân từ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đến Hoàng Diệu, qua Phan
Thanh Giảng và Nguyễn Tri Phương vẫn còn ngời sáng trong tâm hồn của
một số chiến sĩ ở thế kỷ hai mươi, dẫu cho tâm tư họ đang bấn loạn
trước cảnh rả ngũ tan hàng.
Đúng như Đặng Đức Siêu đã viết trong văn tế
dành cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu:
"Ngọc dầu tan, vẻ trắng nào phai,
"Trúc dẫu cháy, tiết ngay vẫn để.
Những anh hùng đích thực của ngày ba mươi năm
đó đã thấu hiểu được tinh thần cao cả mà Hoàng Diệu đã lưu truyền
trong tờ di biểu:
"Tướng lược phi thường, tử quý sinh nhi vô
ích,
"Thành vong mạc cứu, túng nhiên hữu dư cô.
Thân là chiến sĩ mà không giữ được thành,
chẳng bảo vệ được nước, không che chở được dân thì sinh sống để làm
gì đây? Dẫu cho thành mất mà thân mình có hy sinh đi cũng còn có tội
nữa là! Ba mươi hai năm qua, xin có một nén hương lòng thành kính
dâng lên cho những người vì nước vĩnh viễn ra đi, chớ chẳng chịu làm
người di tản buồn!
Di tản nhất định là buồn vì ra đi với hai bàn
tay trắng, tất cả để lại cho hư vô, mà còn thêm những điều buồn tủi,
những nỗi âu lo vì phía sau đã điêu tàn, mà ngõ trước lại mờ mịt, vô
định và bấp bênh. Như một lần nhảy vào chân không, chẳng có dù bọc
gió để hãm đà rơi mà đáp xuống an toàn. Di tản, thoạt tiên chỉ là
một hành động thoát thân, nhưng sau đó còn biết bao là ẩn số trước
mắt.
Thế là bao nhiêu âu lo, sợ sệt cho những bước
đi kế tiếp. Ngoài ra, còn những cái nhục nhã, hèn hạ và tủi thân
trên đường di tản vì bỗng dưng nước tiếp nhận phải gánh chịu một số
người ăn chực nằm chờ, một gánh nặng từ đâu rơi xuống. Lòng người
dẫu hào phóng đến đâu, nhưng khi bữa ăn hằng ngày của chính mình lại
bị chia năm xẻ bảy cũng thấy mất vui.
Trên đường di tản buồn đó, có người chạy
thoát, cũng có kẻ bị nằm lại với quê hương, chẳng còn là của mình
nữa. Có những chuyến bay đã cất cánh nhưng đâu đã tới nơi muốn đến
vì đạn pháo của quân thù, khiến cho những cánh chim đi tìm tự do
phải đời đời nằm xuống, không mồ mã, chẳng có thân tình và bạn bè
thương tiếc! Rồi thân xác cứ theo thời gian mà rữa nát với gió thổi,
mưa tuôn, nắng táp của cuộc đời.
Ba mươi hai năm qua rồi, những linh hồn lạc
loài đó nay đã đi đâu và về đâu, hay cứ vẫn vơ trên mảnh đất nhiều
người mà cũng lắm oan hồn. Những oan khiên kia, không nơi nương tựa,
đã gây nhiễu tinh thần của bầy ngựa hoang, lạc vào thành phố, thành
thử ra lương tri bị ruỗng nát nên có những hành động chẳng giống ai.
Gợi nhớ ngày khó quên, ai ơi xin đừng bỏ rơi những oan hồn lang
thang kia và hãy mời họ lắng nghe một lời nguyền để sớm siêu sinh
thoát hóa, phiêu diêu nhẹ nhàng cùng mây trắng bay xa.
Có những kẻ chạy đi, có những bạn bè nằm xuống
và cũng có một số người sụp bẫy như người đàn ông nói trên kia. Làm
thân "người ở lại" để lãnh đủ những gì mà người thắng cuộc muốn gán
cho, vì trăm dâu đều đổ đầu tầm. Trong thế ngạo mạn, những người vừa
chiến thắng hôm qua lớn tiếng rêu rao "đánh kẻ chạy đi, không khiền
người ở lại", thế nhưng những lời ong tiếng ve, những cung cách gọi
tên bừa bãi, tùy tiện và hạ nhục đủ làm cho những "ngụy quân, ngụy
quyền" bầm gan tím ruột, phải chi chết được còn sướng hơn.
"Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn" thì những
người "kẹt giỏ" phải lãnh phần nhục là cái chắc, khi mà "trong hào,
ngoài lũy đã tan hoang"?! Thế nên, trăm cay, nghìn đắng là số vốn
của "người ở lại". Nên chi, hàng hàng lớp lớp "ngụy quân, ngụy
quyền" bị tập trung "cải tạo", để gọi là tẩy óc, rửa hồn, trở thành
"công dân lương thiện xã hội chủ nghĩa", không để cho bất cứ ai
"ngồi mát ăn bát vàng, nhát gió kỵ mù sương, nắng ngủ mưa nghỉ, trời
mát đi chơi".
Tấm thân tù, sau lớp sơn mỹ từ, hào nhoáng
"học tập cải tạo", không được xét xử, không biết ngày ra, chỉ được
đoàn tụ với gia đình khi "học tập tốt", một định chuẩn mơ hồ và chập
chờn, để ngụy trang bản án chung thân, ăn cơm tù, uống nước nhà lao
cho đến hết quãng đời còn lại. Đói ăn, thiếu mặt, lao động cực hình,
ốm đau thì "khắc phục", dự trữ của thân xác chẳng còn gì, phải lấy
thân mà nuôi thân, tâm hồn nặng trĩu một khối u buồn côi cút.
Cho nên ngày một, ngày hai, thân tàn, ma dại,
lang thang, lểu thểu như những bóng ma trên hiện trường lao động khổ
sai, để đạt cho được định mức "vinh quang xã hội chủ nghĩa"! Như
bóng hình của những lá chết, cành khô sau cơn bão rớt dập vùi. Nên
chi, có nhiều bạn bè, yếu sức, đuối hơi nằm lại giữa đường lao lý,
một dạng "học tập tốt" trước thời hạn.
Anh nằm xuống, sau một thời thất tha thất thểu
trên cõi đời vô duyên, sống không phải sống, mà chết cũng chẳng ra
chết. Anh nằm xuống, bạn bè chẳng được thăm hỏi, mắt trao tráo nhìn
ruồi nhặng bay quanh, có đáp xuống cũng không buồn đuổi. Anh nằm
xuống qua cái thờ ơ của tình đời, như con chó ghẻ chết đi, xin ăn
trước chén cơm dằn bụng người chết theo thủ tục, cũng bị khước từ.
Anh nằm xuống, thế là "bốn dài, hai ngắn", hai tên hình sự, hai nuộc
dây thừng, gọi là đưa tiễn anh về cõi vô biên, mịt mù năm tháng.
Nếu như có ai còn thương tình, nhớ nghĩa, tìm
ra địa điểm, chịu thương chịu khó đào bới xương cốt đem về cải táng
thì dù thịt nát xương tan vẫn còn là diễm phúc. Chớ như một số anh,
sống ở nhà giam, chết nằm trong lòng đất trại tù, mà người thân kẻ
thương đâu đâu biền biệt. Xương tàn, cốt lụi, nằm trong đất Việt
Nam, mà sao xa lạ, chờ hoài, chờ mãi đến dài cổ, hụt hơi. Thôi thì
cũng đành nghìn thu viên miễn, lạc mồ, lạc mả, chơi vơi và phiêu
lãng.
Có những người kẹt lại, sinh sống thử thời với
chế độ mới lên, nhưng về lâu về dài thấy không chịu nỗi, cũng phải
cuốn gói ra đi, vì "cột đèn mà có chân thì nó cũng đi", huống chi
con người có đầu óc. Đường bộ, ngả biển, lối nào cũng tốt, chủ yếu
là cứ đi. Đi cho rảnh mặt, đi cho khuất mắt, có chết cũng còn sướng
hơn.
Trên hành trình vượt thoát ngập đầy gian khổ
đó, có người qua được, có kẻ không thoát, xuyên qua một cuộc sàn lọc
gay go của lưới trời. Nào là sóng to, gió cả, trùng dương biển động,
nào là đói khát, ốm đau, nào là hải tặc cướp dâm,... Con người làm
mồi cho sóng nước, cho cá mập, kình ngư, cho cả con người hèn hạ,
hung ác.
Sóng nước vỗ vào bờ cát, hòa điệu cùng gió
trùng dương trổi lên khúc nhạc bi ai và gợi nhớ, chịu khó lắng tai
thì cũng nghe thấy những hơi thở dài ai oán, những tiếng lòng nghẹn
ngào thiết tha, nhắn nhũ bà con còn trên trần thế hãy tưởng nhớ và
thương cảm. Biển nước bao la, trùng dương rộng lớn, chứa chấp bao
nhiêu là tâm tình của thuyền nhân, có đi mà không được đến. Tình
huống thật thương tâm.
Mây ở trên trời mây muốn khóc,
Nước mắt ngày xưa lụt trăng sao.
"Mây", Trần Ngọc Trà
Mười chín bảy mươi lăm, hai lẻ bảy. Ba mươi
hai năm dài đăng đẳng đã qua đi. Từ những đau thương của một thế hệ
vừa trôi qua, một lớp người Việt Nam mới đã xuất hiện, góp mặt cùng
bốn bể năm châu, không thua, cũng chẳng kém. Trong bối cảnh an cư
lạc nghiệp hôm nay, xin hãy để ra một đôi phút, tuởng nhớ và xót
thương những ai đã đi mà không đến, những người đã nằm lại trên
đường lao lý, trên mảnh đất xưa cũ mà xa lạ, và vô vàn chiến sĩ can
trường đã nằm xuống trên chiến địa, nay chẳng còn tên, vì một lý
tưởng đời đời bất diệt!
Người xưa đâu tá?
Có linh xin hưởng!
Phương trời lưu lạc, ba mươi hai năm sau,
Phan Quân |