.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

Hope and Vanquished Reality - Nguyễn Xuân Phong

8. Thượng đỉnh Manila            
7. "Nội các chiến tranh" và tôi
6. "Du học" miền Bắc               
5. Học với Tập                           

4. Hòa đàm Ba lê                      
3. "Mỹ cút, Nguỵ nhào"              
2. Bốn Mươi Tám Giờ               

1. Một thành phố tan hàng       

4.Hòa đàm Ba lê

  • 23.11.2007
    (Trích dịch)

Trước khi vào chuyện.- Qua một cuộc khủng hoảng nội các - vì một số ủy viên người miền Nam từ chức để phản đối nạn kỳ thị Nam-Bắc - từ Ủy Viên Phủ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, ông Phong được bổ nhiệm làm Ủy Viên Xã Hội. Vào giữa năm 1968, ông Phong từ chức Bộ Trưởng Xã Hội (thay đổi danh xưng chức vụ vì thay đổi nội các), trong chánh phủ Trần Văn Hương, và sẵn sàng chấp nhận hậu quả của quyết định đó. Ông đang chờ lệnh gọi nhập ngũ thì một cơ hội mới lại đến với ông.

 

¤  ¤  ¤

 

Tôi chưa kịp hình dung được sẽ bị động viên như thế nào thì, một lần nữa, số mệnh lại giúp đỡ tôi, kỳ này qua Ðại Sứ Phạm Ðăng Lâm, một người thân lâu đời của gia đình. Ông đến gặp tôi để bàn về một diễn biến ngoại giao đang hình thành, mà lịch sử sau này gọi là hòa đàm Ba Lê. Không giống như các nhân vật cấp cao khác trong ngành công vụ của Sài Gòn đã đỡ đầu cho tôi, ông Lâm và tôi gần như cùng một thế hệ và lúc nào ông cũng coi tôi như anh em ruột thịt.

 

Ông là công chức nổi tiếng và cột trụ của chế độ Sài Gòn, được huấn luyện đầy đủ dưới chế độ thực dân Pháp, cũng giống như cha tôi. Khôn ngoan và có kỷ luật, ông là người có danh tiếng trong lãnh vực ngoại giao. Thực vậy, ông là tinh hoa của ngành ngoại giao, đã từng phục vụ ở nhiều đẳng cấp trong Bộ Ngoại Giao Sài Gòn, là nơi mà ông đã giữ chức vụ tổng thư ký trong nhiều năm. Ông cũng đã hơn một lần giữ chức vụ bộ trưởng ngoại giao trong những cái gọi là chính phủ dân sự Sài Gòn. Lần vừa qua tôi gặp ông là ở Thượng Ðỉnh Manila 1966, khi ông làm Ðại Sứ cho Sài Gòn tại Phi Luật Tân.

 

Như mọi người đều biết, hội đàm đã diễn ra giữa Hoa Thịnh Ðốn và Hà Nội tại Ba Lê, nhưng ông Lâm cho tôi hay là sự việc diễn tiến rất nhanh chóng, rồi đây Sài Gòn sẽ phải tham dự. Tổng Thống Thiệu yêu cầu ông Lâm cầm đầu phái đoàn Sài Gòn trong giai đoạn chuẩn bị và đồng thời đảm nhiệm chức vụ Tổng Lãnh Sự của Sài Gòn tại Ba Lê. Qua các cuộc thảo luận ở cấp cao trong chính phủ, tên tuổi tôi đã được đề nghị trong chức vụ phụ tá cho trưởng phái đoàn. Liệu tôi có chịu nhận nhiệm vụ để giúp đỡ ông ấy một tay hay không?

 

Trái với một bề ngoài nghiêm nghị, có một thân hình mảnh khảnh, cao ráo và ăn diện sang trọng, Ðại Sứ Lâm lúc nào cũng có cách xử sự trầm tĩnh nhưng lại có óc khôi hài phi thường. Ở chỗ riêng tư cùng với bạn bè, ông có thể vui đùa thoải mái. Ông và tôi thường đùa cợt thỏa thích. Thậm chí ông cũng có cách để cười đùa được trong khi bàn về hòa đàm sắp tới ở Ba Lê, dù cho sự kiện lịch sử đó mang một bản sắc nghiêm trang.

 

Ông Lâm nói tiếng Pháp lưu loát, với một phong cách tao nhã và khi mở đầu câu chuyện ông cho tôi biết rằng công việc chủ yếu là một vụ đối thoại của những người điếc. Liên tưởng đến nội dung "câu chuyện huyền thoại về hai thành phố", tôi cho ông biết là từ nay chúng mình lại có "câu chuyện huyền thoại về ba thành phố" - Hoa Thịnh Ðốn, Hà Nội và Sài Gòn. Vốn là con người thích nói năng chính xác, ông Lâm lập tức nói thêm "Bốn người điếc chớ", vì ông cho rằng chắc chắn Bà Bình sẽ có chỗ ngồi ở chiếc bàn của những người không thèm nghe, dù cho ông Thiệu có thích hay không.

 

Cuộc đàm đạo đưa chúng tôi tới cái thế giới buồn cười của những chuyện hoang đường và thực tế, của những hình thế chính trị phi lý. Sẽ có ba nhà chính trị Việt Nam, một thời đối chọi nhau về quan điểm, cùng ngồi vào chiếc bàn hội đàm Ba Lê với một người Mỹ, có thể là người duy nhất thiết tha để tìm cho được - hết sức cần có được thì đúng hơn - một thỏa hiệp để gỡ rối cho cả nước Hoa Kỳ thoát khỏi thời đại thê lương ở Việt Nam, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho những người anh em thù nghịch vui sống mãi mãi sau này. Y như rằng, một câu chuyện thần kỳ.

 

Ông Lâm và tôi nhất quyết cho rằng Hà Nội chẳng có gì để điều đình cả, vì điều kiện tiên quyết của họ là Hoa Kỳ hoàn toàn chấm dứt can thiệp vào Việt Nam và loại bỏ toàn bộ chế độ chống cộng ở Sài Gòn. Còn ông Thiệu và phe quân sự thì không có cách nào khác hơn là bám lấy việc Mỹ tiếp tục can thiệp và việc duy trì chính phủ chống cộng ở Nam Việt Nam. Thật là một mớ bòng bong đầy cố chấp nan giải mà về sau Henry Kissinger phải tìm cách tháo gỡ. Ông Lâm và tôi kết luận rằng nhiệm vụ của chúng tôi ở Ba Lê sẽ không mấy vất vả vì những cuộc điều đình thực sự - cũng là chuyện đau đầu cho ông Thiệu - là phải xử sự với Hoa Thịnh Ðốn chớ không phải với Hà Nội. Bàn rộng tán dài xong, ông Lâm và tôi có được may mắn là lại cùng chung gánh nặng lần đầu tiên kể từ Thượng Ðỉnh Manila 1966.

 

Phái đoàn Sài Gòn, kể cả Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ và phu nhân, đến Ba Lê ngày 8 tháng Mười Hai 1968. Hoa Kỳ đã nói chuyện riêng với Hà Nội từ tháng Ba, và nói chuyện chính thức từ tháng Năm. Cuối cùng, Hà Nội lẫn Hoa Thịnh Ðốn đã thỏa thuận cho Bà Bình tham dự các phiên họp chính thức, tương đối công khai, song song với những cuộc thương thuyết riêng, với điều kiện là Tổng Thống Thiệu cũng được đối xử như Bà Bình. Ngay sau khi Bà Bình được xuất hiện tại bàn hội nghị, Hà Nội chẳng còn quan tâm đến số thân hữu trên toàn Thế Giới Tự Do mà Hoa Kỳ muốn đưa tới Khách Sạn Majestic sang trọng ở Ba Lê, được đặt tên mới là Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế.

 

Trên một nghìn nhà báo, từ khắp nơi trên thế giới, kéo đến Ba Lê để săn tin hòa đàm và mọi người đều có nhiều hy vọng về một cuộc dàn xếp qua thương thuyết - ngoại trừ những người được phái đến để thương thuyết. Ông Lâm và tôi không nuôi ảo tưởng khi chúng tôi bắt tay vào những phiên họp quái gở "hai bên mà bốn phe" đó, ngồi quanh một cái bàn được tính toán cẩn thận với đường kính là tám thước. Thương thuyết cứ kéo dài lê thê, lâu trên bốn năm.

 

Kích cỡ và hình dáng bàn họp của hòa đàm Ba Lê về Việt Nam được thiên hạ biết đến rất nhiều. Ông Thiệu nhất định đòi Hoa Thịnh Ðốn phải cho thực hiện "một hội nghị hai bên", một lập trường hợp lý đối với một cuộc chiến tranh giữa hai lực lượng đối nghịch. Mục đích của ông là nhằm loại bỏ Bà Bình với cái Mặt Trận Giải Phóng của bà. Trái lại, Hà Nội nhất quyết cho rằng rõ ràng là có bốn thành phần tham dự hội nghị và như thế họ sẽ đạt được điều họ mong muốn là công nhận Bà Bình về mặt chính trị.

 

Thế là những cuộc thảo luận sôi nổi về hình dáng cái bàn kéo dài hàng mấy tháng. Hầu hết các nhà quan sát thời cuộc đều ngao ngán cho tính phi lý của vn đề. Hòa đàm Ba Lê để tìm ra một giải pháp ôn hòa cho một cuộc chiến tranh đẫm máu không thể bắt đầu được vì chính những người tham dự không thỏa thuận được hình dáng của cái bàn mà họ sẽ ngồi vào. Tôi không nghĩ là các đại sứ Harriman và Vance quan tâm mấy đến hình dáng của vật trang trí phiền phức đó và sẽ vui lòng chịu ngồi xếp bằng dưới đất, nếu như ai ai cũng thật sự quan tâm đến chuyện thương thuyết nghiêm chỉnh để tìm hòa bình. Muốn cho ông Thiệu hài lòng, Tổng Thống Johnson tán thành luận điểm của ông về hội nghị hai bên về hình thức (cái bàn). Còn về phần nội dung (thỏa hiệp) thì đó là chuyện hoàn toàn khác biệt, vào lúc cuối cùng.

 

Chuyện bàn cãi về cái bàn làm cho những người có thiện chí và các quan sát viên trung lập đưa ra đủ thứ đề nghị. Trong tinh thần hòa bình và hợp tác, một vài người đưa ra ý kiến là nên ngồi một phía của cái bàn để những người tham dự có thể túm tụm lại với nhau cho ấm trong những ngày giá lạnh của mùa đông Ba Lê. Qua cách sắp xếp này, tất cả đều có thể nhìn vào một tấm gương trang trí to lớn - một quà tặng của Mẫu Quốc Pháp tại Ðông Dương trước đây - treo trong phòng. Như thế, mọi người sẽ có bóng mình trong gương, coi như có phần ở một mặt của hòa bình, mà còn được đối thoại với nhau qua tấm gương. Những người khác thì gợi ý nên cung cấp cho mỗi đại biểu một bộ bàn ghế cá nhân, giống như bàn học sinh nhưng có bánh xe, như thế người nào cũng có thể tự do chạy ngược xuôi khắp phòng họp để nói chuyện với nhau. Như vậy sẽ làm cho hòa đàm tiến triển thật sự. Ý kiến hấp dẫn hơn hết xuất phát từ những người đề nghị rằng đơn giản nhất là nên tổ chức một chầu ăn uống đứng và la cà với nhau trên thảm cỏ xanh nhân tạo, trong phòng hội sang trọng kiểu Louis XV - với thịt nguội và rượu vang Beaujolais mới ra lò, một ý kiến của phe tiết kiệm, hay là theo ý kiến của khuynh hướng thanh lịch, thì với thức ăn khai vị, sâm banh và áo quần dạ tiệc sang trọng. Như thế sẽ gợi ý cho một mối thân hữu chân tình và một điều khích lệ để đi tới hòa bình, tạo điều kiện cho mọi người cùng có chung một tâm trạng đầy hương vị, cởi mở và phấn khởi.

 

Sau khi bị bế tắc khá lâu, cuối cùng vn đề tế nhị đó cũng được giải quyết với sự giúp đỡ của Pháp và Liên Xô. Bốn bên ngồi vào một chiếc bàn tròn rộng lớn (để thích ứng với sự hiện diện của bốn phái đoàn qua một cung cách trung lập), đường kính tám thước (để bảo đảm cho không một ai có thể bị thương nếu người ta muốn ném vật gì đó vào nhau, như một trái dừa khô Việt Nam hoặc quả bóng chày Mỹ), với hai chiếc bàn hình chữ nhựt nhỏ đặt ở hai đầu đường kính dành cho thư ký (đúng ra là một món quà rẻ tiền cho mối ám ảnh của Tổng Thống Thiệu về một cuộc họp hai bên nhưng hoàn toàn vô ích đối với mọi người khác). Chiếc bàn được phủ lên bằng một tấm nỉ mỏng màu xanh lá cây đậm giống như tấm bọc bàn bi-da. Không được để cờ hay bảng tên và mọi người tham dự đều uống một thứ nước khoáng trắng trong. Không có cung cấp cà-phê nên không một ai có thể tìm cách chống lại cơn ngủ ngày thật khoan khoái trong lễ đọc bài diễn văn đã soạn sẵn, một thủ tục dễ ghét và đương nhiên có thể cứ dài lê thê, tuần này qua tuần khác, tháng nọ sang tháng kia và năm này qua năm nọ.

 

Tôi được cái đặc ân, mà ai cũng mong muốn, là người lên tiếng đầu tiên tại phiên họp thứ nhất, có cả bốn phái đoàn tham dự một cách chính thức. Sau tôi là Cyrus Vance, Bà Bình (MTGP) và Hà Văn Lâu (Hà Nội), tại chiếc bàn tròn dễ nể. Trong phiên họp đầu tiên, không có những bài diễn văn soạn sẵn và chỉ nhằm thông qua lần cuối cùng những thủ tục hội họp. Nhưng hóa ra lại là lần đối thoại đầy ý nghĩa duy nhất trong hòa đàm Ba Lê. Ðó là hình ảnh đầu tiên đầy phấn khởi đối với báo chí thế giới và vô cùng hữu ích cho vị tổng thống vừa mới đắc cử của Mỹ, Richard Nixon - người có nhiệm vụ khẩn cấp là đề cử trưởng phái đoàn Hoa Kỳ tại hội đàm để thay thế Averell Harriman, người của đảng Dân Chủ. Tấn tuồng vĩ đại đó, hạ màn khoảng bốn năm sau, đã có một buổi diễn giáo đầu rực rỡ vào ngày 25 tháng Giêng 1969, khi Ðại Sứ Cabot Lodge, một nhân vật cố cựu có liên hệ đến Việt Nam, đến với hòa đàm.

 

Richard Holbrooke (sau này làm đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc) đã có mặt tại Ba Lê, làm việc với các đại sứ Averell Harriman và Cyrus Vance, khi Hà Nội và Hoa Thịnh Ðốn đã thỏa thuận gặp nhau không chính thức hồi tháng Ba và gặp chính thức hồi tháng Năm 1968. Holbrook với tôi cùng lứa, vào khoảng thời gian đầu của lớp tuổi ba mươi. Có điều đáng chú ý là ông nhận xét rằng tôi còn trẻ so với chức vụ. Ðương nhiên rồi, vì hai ông Harriman và Vance là những nhân vật nổi tiếng trong chính trị và ngoại giao quốc tế, nhiều tuổi gấp đôi chúng tôi. Một vài ngày sau khi tới Ba Lê, tôi có mặt cùng với ông Harriman và những người khác tại một cuộc tiếp tân vào lúc các ký giả hỏi ông cựu thống đốc Nữu Ước về viễn ảnh của một cuộc dàn xếp để chấm dứt chiến tranh. Ðáp lời, Harriman đưa ra nhận xét:

- Theo tôi nghĩ ông Phong là người có thể làm được việc này. Ðiều phải làm là nhốt ông ta và Bà Bình vào một cái phòng, rồi khóa cửa lại, ném chìa khóa đi, và chỉ khi nào họ tìm được giải pháp mới thả ra.

 

Tôi góp ý ngay là tôi sẵn sàng hy sinh nhưng nên làm sao cho nhanh nhanh vì tôi không đủ "hỏa lực" để chịu đựng kỷ thuật "trì hoãn chiến" nổi tiếng của bà ta. Chalmer Roberts của tờ Washington Post cho rằng cuộc trao đổi rất lý thú. Còn Ðại Sứ Lâm của Sài Gòn thì có lúc bị Harriman ví như "con ếch độc hại", một biệt danh làm cho Tổng Thống Thiệu vui thích và hài lòng, coi đó như là một nhận xét cho thấy rằng đại sứ của ông ta tại hòa đàm Ba Lê chẳng khác nào một loại vũ khí độc, theo tiêu chuẩn Mỹ, để đương đầu với kẻ thù.

 

Khi Richard Nixon lên nắm quyền tổng thống Hoa Kỳ hồi tháng Giêng 1969 thì có một sự thay đổi các vai quan trọng tại hòa đàm Ba Lê, nhân vật nổi tiếng thay thế con người lừng danh. Henry Cabot Lodge kế tục Harriman hồi tháng Giêng 1969, nhưng vào tháng Mười Hai năm đó, David K. E. Bruce, ở tuổi bảy mươi hai, nắm quyền lãnh đạo phái đoàn Mỹ tại Ba Lê. Các phiên họp được cả bốn phái đoàn chuyên cần tham dự, nhưng những lúc hào hứng nhất là những bữa ăn trưa tuyệt vời do Bộ Ngoại Giao Pháp cung cấp hàng tuần. Trong khi đó, có tiết lộ cho biết rằng các cuộc thương thuyết thực sự được tiến hành qua mật đàm giữa Kissinger và Lê Ðức Thọ là những người đã "đi đêm" với nhau ở Ba Lê từ ngày 21 tháng Hai 1970. Những phiên họp mật của hai người, lúc tiến khi lùi, tiếp tục diễn ra mãi cho đến ngày 23 tháng Giêng 1973.

 

Qua các kỳ họp đầu tiên của họ tại Ba Lê, Thọ nhanh chóng vạch ra cho Kissinger thấy một thực tế không bao giờ thay đổi là:"Ông đã thua và chúng tôi đã thắng". Kissinger đâu cần Thọ nói cho ông điều đó vì ông đã từng giảng dạy nguyên lý thắng bại trong du kích chiến cho những học sinh của ông ở Harvard (phe tiến hành chiến tranh du kích thắng nếu không thua, trong khi phe đối tượng của du kích chiến thua trận nếu không thắng). Thọ và các đồng chí của ông đã chịu đựng gian khổ không kể xiết, mấy mươi năm qua, để nói ra được những lời đó nên ông đã không để lỡ cơ hội.

 

Một mặt thì Hoa Kỳ tin tưởng rằng sức mạnh quân sự của họ có thể thuyết phục Hà Nội từ bỏ cuộc đấu tranh. Trái lại, Hà Nội có một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều, nhưng một nhiệm vụ, vào lúc cuối cùng, sẽ thành công, như David đã đánh bại Goliath. Chiến lược của Hà Nội gồm có ba mặt: chính trị, quân sự và ngoại giao. Thứ nhất là bộ phận chính trị kết hợp chủ nghĩa cộng sản với cao trào mãnh liệt của tinh thần dân tộc trong nhân dân Việt Nam để chống lại sự hiện diện của người ngoại quốc và của quân đội nước ngoài trên đất nước họ. Bộ phận này coi cuộc tranh đấu của cộng sản như là một hành động chống lại xâm lược của ngoại bang và cho nó mang đặc tính của một cuộc chiến tranh giải phóng và tự vệ, huy động được hậu thuẫn quần chúng cho một tinh thần chống Mỹ. Thứ hai là, bộ phận quân sự kết hợp rất có hiệu quả cái gọi là "chiến tranh nhân dân" để tự vệ và chiến thuật du kích, được điều phối một cách chính xác với chiến tranh quy ước. Cuối cùng là bộ phận ngoại giao dựa trên công tác huy động công luận thế giới, thay vì dựa vào hành động của chính phủ, và dùng dư luận quốc tế đó chủ yếu đánh vào công luận Hoa Kỳ. Thắng lợi của bộ phận này hiện rõ ở những cuộc biểu tình phản chiến và mức độ chống đối chiến tranh ở Quốc Hội Hoa Kỳ.

 

Cuộc chiến Việt Nam sẽ còn được phân tích, nghiên cứu, mổ xẻ và viết ra trong nhiều năm tới và lịch sử sẽ hòa hợp chuyện hoang đường với thực tế. Nhưng một sự kiện nổi bật vẫn tồn tại cho thấy rằng mục đích chính của Kissinger là chấm dứt hành động quá nặng nề của Hoa Kỳ ở Việt Nam, nhưng chấm dứt trong danh dự. Hiệp Ðịnh Ba Lê đã làm được điều đó cho Hoa Kỳ. Thế thì, điều gì đã sai quấy hồi mùa xuân 1975 làm cho cấp lãnh đạo tại Hoa Kỳ phải nhục nhã đến vô phương cứu chữa như vậy?

 

Con đường vạn dậm và đau khổ để mưu tìm hòa bình cho Việt Nam tại Ba Lê được Tổng Thống Johnson khởi công hồi tháng Ba 1968, được theo đuổi trong một thời gian là bốn năm và được Tổng Thống Nixon kết thúc hồi tháng Giêng 1973. Chiếc bàn tròn do Pháp và Liên Xô thiết kế đã đem lại kết quả - cho Hà Nội và MTGP. Không phải là "hai bên" mà cũng chẳng phải "bốn phe". Ý kiến của tôi về "câu chuyện huyền thoại của ba thành phố" và ba người tham dự điếc đặc đâm ra sát với thực tế hơn luận điệu "bốn thành phố" của ông Lâm. Lê Ðức Thọ và Bà Bình nhất định hành xử theo tinh thần một người cho mọi người và mọi người vì mỗi người. Hoa Thịnh Ðốn và Sài Gòn lẽ ra phải cùng chung tư tưởng nhưng, rủi thay, hai nơi lại khác biệt nhau một cách đau buồn.

 

Sau khi Sài Gòn sụp đổ hồi tháng Tư 1975, Hà Nội và MTGP chẳng phải chờ đợi gì lâu để biểu lộ ý muốn nhất trí của họ qua việc thống nhất hai miền Nam Bắc hồi tháng Bảy 1976 dưới quyền cai trị của chế độ cộng sản Hà Nội, sản sinh ra nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tại hội đàm Ba Lê hồi đầu những năm 1970, Kissinger đã nhanh chóng nhận thấy rằng ông Thiệu và ông chẳng khi nào đồng ý được với nhau. Ðó là thái độ trong một chuyện tình dở dang. Những người yêu thương nhau không thể làm tròn bổn phận đã được ghi trong một câu châm ngôn bình dân và thâm thúy của Việt Nam:

 

Yêu nhau thì tuy hai mà một,

Thương nhau rồi tuy một mà hai.

 

Kissinger cố gắng hết sức mình để thông báo cho ông Thiệu những diễn tiến của các cuộc mật đàm với Lê Ðức Thọ, nhưng ông sẽ không có chút hy vọng nào thành công với Hà Nội nếu như ông cho Sài Gòn biết hết mọi chi tiết éo le. Dĩ nhiên là muốn có cùng ý kiến như nhau thì ông Thiệu phải suy nghĩ như Kissinger chứ không phải Kissinger phải theo ý kiến của Thiệu. Dù sao đi nữa, làm cho ông Thiệu vui lòng là nhiệm vụ của Nixon chứ không phải của Kissinger.

 

Lần duy nhất Sài Gòn được trực tiếp nhúng tay vào việc soạn thảo Hiệp Ðịnh Ba Lê là vào những vòng hội đàm sau rốt hồi giữa tháng Giêng 1973. Vì những lý do mà chỉ có một mình ông hiểu, Kissinger cho ông Lâm và tôi biết một vài điều khoản của cuộc thương thuyết. Ðó chỉ là một vài điều khoản tế nhị còn lại cần được soạn thảo, trong số đó có Ðiều 8c, liên hệ đến việc phóng thích tù chính trị thường dân bị giam giữ ở Nam Việt Nam, và Ðiều 15, liên hệ đến khu phi quân sự, đến việc có thể thống nhất và những mối liên hệ giữa Nam và Bắc Việt Nam. Vì những vn đề này liên hệ đến Sài Gòn và rõ ràng là không dính líu gì đến Hoa Thịnh Ðốn nên ông Lâm và tôi được mời họp với phái đoàn Hoa Kỳ và được yêu cầu phác thảo những điều khoản liên hệ, sau khi đã được trình bày tóm tắt về những phiên thảo luận gay go liên quan đến các điều khoản này giữa Kissinger và Thọ.

 

Trên xe trở về văn phòng, ông Lâm giao công việc này cho tôi vì tôi có mặt trong phiên họp, có bàn chuyện đầy đủ về những vn đề liên hệ và khả năng Anh ngữ của tôi cũng đủ sức để hoàn thành công tác mà không cần đến thông dịch viên. Công việc đó cần phải làm trong vòng bí mật tối đa. Khoảng hai tiếng đồng hồ là tôi thảo xong hai bản Anh văn lẫn Việt văn. Tôi liền trao bản thảo cho ông Lâm vì Kissinger đang nôn nóng chờ, khi mà đương sự có chương trình họp lại với Thọ vào buổi tối. Tôi đề nghị ông Lâm nên báo cho Sài Gòn biết vn đề nhưng ông trả lời ngay là làm vậy chỉ gây ra phiền phức và mất thì giờ. Ông Lâm dựa vào yếu tố rất ít thời giờ để có cớ không liên lạc với Sài Gòn. Kissinger và Thọ chấp nhận phác thảo của tôi về các Ðiều 8c và 15, không thay đổi dù là cái dấu hai chấm tôi đã sử dụng. Ít ra Sài Gòn cũng được điều đó. Còn tốt hơn là chẳng có gì.

 

Trong phiên họp kế tiếp cùng với phái đoàn chúng tôi, Kissinger vui đùa than phiền rằng tôi đã tiết lộ tin liên quan đến khu phi quân sự cho người bạn cố cựu của tôi là Joseph Kingsbury-Smith, phó chủ tịch tập đoàn báo chí Hearst Group. Báo chí biết rõ rằng Kissinger và Thọ đã đến giai đoạn cuối cùng của cuộc thương thuyết và chỉ còn phải giải quyết một vài vn đề tế nhị nữa mà thôi. Các ký giả biết thỏa hiệp sắp được thành hình nên tất cả đều muốn có tin đặc biệt và sốt dẻo. Họ rất chú tâm đến câu chuyện liên quan đến khu phi quân sự. Liệu một khu như thế có cấm ngặt được những sự di chuyển của lực lượng Bắc Việt không hay lại dễ bị xâm nhập? Chuyện đó Kissinger và Thọ không quan tâm gì mấy, nhưng trên lý thuyết, vn đề rất quan trọng đối với nền an ninh của chính phủ Sài Gòn. Ðáp lại câu hỏi của các phóng viên, kể cả Kingsbury-Smith, tôi nói rằng không ai muốn có một khu phi quân sự dễ dàng bị xâm nhập. Dĩ nhiên, cái thứ khu quỷ quái đó đã bị xâm nhập hai mươi năm qua và dù dễ bị xâm nhập hay không thì lực lượng của Hà Nội cũng chỉ cần không đầy một tiếng đồng hồ là có thể triển khai được một vài sư đoàn chính quy Bắc Việt qua ngang giới tuyến như họ đã từng làm nhiều lần từ bao năm nay. Lẽ đương nhiên là, theo quan điểm chính thức của Bắc Việt, họ không khi nào danh chính ngôn thuận đưa quân đội của họ vào Nam mà đó chỉ là những người Việt Nam anh em vào Nam để giúp đỡ bạn bè đồng hương. Thông thường thì vn đề rất phức tạp, không phải như các nhà báo nhận thấy, nhưng lúc bấy giờ họ thích nghe câu chuyện đó.

 

Hoa Thịnh Ðốn và Hà Nội, Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đã thỏa thuận với nhau là sự hiện diện của quân lính Bắc Việt ở Nam Việt Nam sẽ không được đề cập đến. Họ sẽ ở lại Nam Việt Nam, thế thôi. Phải mất nhiều thời gian, nếu không muốn nói là ngớ ngẩn, mới nhận ra và phân biệt được một người Bắc với một người Nam qua dung nhan người Việt của họ. Tại một trong những phiên mật đàm, ông bộ trưởng Xuân Thủy của Hà Nội đề nghị với Kissinger nên họp riêng với một người Nam Việt Nam đích thực và chính cống là Bà Bình. Bộ trưởng Xuân Thủy, cũng là một thi sĩ Bắc Việt nổi tiếng, quả quyết rằng "ngài tiến sĩ" sẽ thấy người phụ nữ kia rất khả ái. Kissinger từ chối một cách lịch sự, nói rằng ông sợ Bà ta khiếp vía kinh hồn. Khi Xuân Thủy bảo đảm Kissinger là Bà Bình sẽ "rất mềm dịu" với ông thì ông tiến sĩ đáp rằng, theo quan điểm nghề nghiệp thì Bà ta "rất khó nhá". Nếu tôi không lầm thì mưu toan môi giới đó xảy ra vào mùa xuân thơ mộng của Ba Lê năm 1971.

 

Một lần nữa, ông Lâm và tôi lại có dịp vui đùa bàn ra tán vào về tình tiết câu chuyện. Vì Kissinger nổi tiếng là con người quyến rủ nên câu chuyện vui thú của chúng tôi càng thêm phần hấp dẫn. Nhưng nói cho đúng ra thì ông cựu giáo sư trường Harvard đã từng sống qua bao nhiêu ngày tươi đẹp trong cuộc đời lý thú thì Bà Bình đâu có thể là niềm hứng thú của ông, về chính trị hay vì lý do nào khác. Không khi nào ông tỏ vẻ gì ve vãn Bà Bình về chính trị. Thế nhưng, Tổng Thống Thiệu lại bị "con ác quỷ xanh" (Thành ngữ mà Shakespeare dùng để ám chỉ và nói về nạn ghen tương) - theo cách nói của những người học đòi Shakespeare - giày vò quá đỗi vì ai cũng biết rằng, trong ghen tương, sướng nhất là nên lặng lẽ năm nghi mười ngờ hơn là nhận thấy được rõ sự thật phũ phàng.

 

(Kỳ tới: Học với tập)

 

Phan Quân
(Trích dịch)

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.