.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Nửa thân hư hỏng

  • 6.12.2009

Những ngày cuối hạ, đầu thu năm 2009, không gian như còn luyến tiếc cảnh mây trôi trăng trắng trên một nền trời xanh xanh, nên những người loan báo khí tượng cứ bảo là thời tiết đẹp. Thế là, mỗi sáng hai vợ chồng già chúng tôi cứ dung dăng dìu nhau trên con đường mòn cuối làng mà dạo chơi, hít thở không khí trong lành. Cứ như vậy mà chúng tôi đi ngày này qua ngày khác.

Rồi một hôm, trời cũng đẹp, như chừng luyến lưu với cái đẹp của những ngày cuối hạ, gió cứ hây hây. Hai vợ chồng già chúng tôi cứ tay trong tay, nhẹ bước trên đường làng tung tăng, như những ngày xa xưa thân ái của tuổi học trò, đi trên quảng đường Catinat, trước trụ sở Quốc Hội Sài Gòn. Hình ảnh đó còn mãi trong tâm trí tôi, dù đã bảy mươi chín tuổi đời, trong thuở lưu vong tỵ nạn, nơi đất khách quê người.

Nhưng lạ chưa, chân tôi vẫn đi đều bước, bỗng dưng nhẹ hỏng chơi vơi, như bước đi trên ngọn cỏ, lùm cây, trên đầu những chùm hoa dại bên đường. Cứ như là một bước đi hụt hẫng thoáng qua trong trăm ngàn bước chân lãng du phiêu bạt. Nhận thấy vậy thì hay vậy, cứ ghi nhận để đó, cũng như muôn ngàn động tác thường nhựt khác của đời mình.

Cuộc sống cứ bình thảng trôi qua, hết ngày này sang ngày khác, cũng bước đi hụt hẫng như hôm qua. Có chuyện gì bất thường đây, nhưng chưa xác định được là gì, vì sau đó mọi chuyện cứ bình thường, vẫn đưa cháu nội đến trường, vẫn ngồi máy vi tính, vẫn sinh hoạt như mọi bữa.

Qua ngày thứ ba, cũng vẫn hiện tượng cũ, nhưng khi cầm viết thảo qua đôi ba chữ thì thấy có điều khác thường. Chữ viết không được như xưa mà cứ lí nhí như tuồng viết của một đứa trẻ. Như vậy là có chuyện gì đây? Bác sĩ chữa trị ghi nhận áp huyết hơi cao hơn bình thường, ra toa mua thuốc uống ngay và cho đi thử máu.

Sáng sớm hôm sau thức giấc, chân đi lạng quạng, tay mặt nặng như chì, như vậy là nguy cơ đến nơi rồi. Không thử máu gì nữa hết, bèn quyết định ngay:

- Con chở ba vào bịnh viện cứu cấp.

May mắn thay, hôm đó nhằm một sáng thứ bảy nên con cái không có đi làm. Vào một bịnh viện tư gần nhà, bác sĩ khám vội, đưa qua máy Scanner để thám sát não bộ. Nhưng hình ảnh y khoa đó chưa đủ tinh vi để thấy rõ nguyên nhân của tai biến. Bịnh viện gợi ý nên đưa đến bịnh viện cấp cao hơn có đủ máy móc y khoa.

Vậy là hai cha con thẳng hướng đến bịnh viện Meaux, cách nơi ở khoảng nửa giờ xe hơi. Cũng đưa vào cứu cấp, làm thủ tục hành chánh chưa xong thì cô y tá đưa ngay lên ghế ngồi có bánh xe đẩy đi, vì sợ bịnh tình tăng lên nhanh chóng. Vào đến nơi các bác sĩ chẩn đoán thì có khá nhiều bịnh nhơn cũng khẩn cấp đang nằm chờ.

Mặc dầu khẩn cấp nhưng cũng phải nằm băng-ca chờ đến xế chiều bác sĩ mới ngó ngàng tới. Thảo nào truyền hình và truyền thanh cứ kêu gào bịnh viện thiếu nhơn viên, để cứu cấp bị ứ đọng nằm chờ giờ này qua giờ khác. Hỏi qua tình hình và được biết bị liệt bên phải thì bác sĩ đã dự đoán biến cố, nên cung cách khám nghiệm được tập trung vào căn bịnh. Trước tiên là y tá tiếp nước biển vào mạch máu để cho bịnh nhơn có sức chịu đựng vì đã quá giờ ăn trưa khá lâu.

Rồi bác sĩ bắt bịnh nhơn cử động tay chơn, đòi hỏi bịnh nhơn nắm chặt các ngón tay của bác sĩ, bắt cặp mắt bịnh nhơn theo dõi ngón tay của bác sĩ đưa qua phải, qua trái, biểu bịnh nhơn ra sức kéo ngay ra cánh tay co vào của bác sĩ,... Tóm lại, bác sĩ muốn biết sức mạnh còn lại của tay chơn bịnh nhơn là bao nhiêu và mức cảm xúc của bịnh nhơn.

Sau những khảo sát sơ khởi, bác sĩ đã thấy được những triệu chứng của căn bịnh, còn phải đợi có những hình ảnh chính xác để nắm lấy những yếu tố cụ thể định bịnh và chữa trị. Vì lẽ nhằm một ngày thứ bảy cuối tuần nên bịnh hoạn cũng phải chờ thôi, nếu trường hợp không quá cấp thiết hay không liên can đến một yếu nhơn. Khu chuyên trị thần kinh (neurologie) đã chật ních, bác sĩ quyết định gởi tạm bịnh nhơn ở khu thấp khớp (rhumatologie), một khu cận kề và cùng một từng lầu.

Từ băng ca cứu cấp chuyển sang giường bịnh viện xong, các cô y tá lăng xăng lích xích chạy tới chạy lui. Trên tấm bảng treo tường phía dưới chưn giường người ta ghi ngay hàng chữ "Nằm yên trên giường" (Repos strict au lit). Như vậy là bịnh nhơn không được cử động, mọi việc đều có người khác lo. Ăn, uống, vệ sinh tất tất đều có người "hầu hạ". Nhưng hầu hạ trong tình cảnh đó thì chẳng ai ham!

Cứ nằm yên như vậy mà chờ được đưa lên máy chụp não bộ, qua phương pháp IRM (Imagerie par Résonnance Magnétique - Chụp Cộng Hưởng Từ Trường) để tìm nguyên nhơn chính xác bịnh trạng. Vì máy hoạt động có giới hạn mà bịnh nhơn lại quá đông nên phải kiên nhẫn chờ đến ngày thứ ba trong tuần, nghĩa là bốn ngày sau khi được đưa tới cấp cứu. May mắn cho thân tôi, trong khi đó bịnh trạng cứ cố định, không tiến thêm nữa.

Về thể chất thì tay và chưn phải của tôi cử động yếu ớt và không theo ý muốn của chủ thể. Đưa tay với lấy vật gì, trong đầu óc mình tự nhiên nghĩ là có thể lấy được như xưa, trong khi ngoài thực tế thì không được. Cho nên một cử chỉ nhỏ bé như vậy thôi, tôi cũng phải mỏi mệt về tinh thần quá nhiều. Về tinh thần và lý trí, chưa thấy có ảnh hưởng gì. Tôi còn biết mình muốn gì và còn hiểu được khách thể muốn gì hay đòi hỏi gì ở tôi.

Gia đình tôi, cũng như tôi hy vọng rằng việc chụp IRM sẽ giải quyết được bài toán nan giải của tôi nên khi được biết sẽ đưa đi IRM lòng tôi thấy phấn khởi vô cùng. Trong khi đó gia đình tôi đang ở nhà chưa hay biết gì những biến cố trong nhà thương nên không cảm thấy niềm vui sướng như tôi.

Sáng ngày thứ hai đầu tuần, người ta đưa tôi sang phòng của khu thần kinh, với cả chiếc giường bịnh. Sáng sớm thứ ba, sau khi điểm tâm xong, hai anh y tá đến giường tôi bảo rằng:

- Ông Phan, chúng tôi đưa ông đi IRM.

Hai anh đẩy nguyên cái giường tôi đang nằm đi ra thang máy và thẳng đến ngành "Hình Ảnh Y Khoa", khu IRM.

Bị di chuyển trong thế nằm lần đầu tiên, cảnh vật quanh tôi chạy thụt lùi, làm cho tôi khó định hướng được, dẫu tôi cố gắng nhận xét để nhận diện lối đi. Ngoằn ngoèo, quanh co một lúc, người ta đưa tôi đến một đường hầm trông tựa như cảnh tượng của một phim khoa học giả tưởng. Một cánh cửa mở ra, trên đó có ghi dấu hiệu, chấm đen ba hình tam giác đen nằm ba phía đều nhau theo một hình tròn, cảnh giác rằng từ đây trở đi là khu vực có nguy cơ phóng xạ hạch nhân. Một cô y tá đón nhận tôi và đưa vào phòng chờ đợi.

Một khoảnh khắc sau, hai người y tá khác xuất hiện, chuyển tôi qua một chiếc giường hẹp hơn rồi chuẩn bị thân xác tôi đề đưa vào máy chụp cộng hưởng từ trường IRM, với những lời căn dặn phải thế này, thế nọ khi được đưa vào máy. Hai lỗ tai tôi được bịt kín để khỏi bị tiếng ồn làm điếc tai. Đầu tôi được chêm chặt không nhúc nhích để cho hình ảnh được rõ ràng chính xác.

Xong xuôi, chiếc giường con ôm trọn thân tôi được đưa vào lỗ tròn của máy chụp, tôi vẫn nhìn được ra ngoài, qua ống kính phản chiếu, trông thấy những người vận hành máy chụp. Một ánh đèn đỏ nhấp nháy, tiếng động cơ bắt đầu. Tôi mơ màng hồi tưởng lại nhửng năm bé thơ, khi gia đình tôi ở gần nhà máy cưa điện xẻ cây. Tiếng ồn cũng từa tựa. Tia điện tử và tia từ trường âm thầm xuyên suốt qua sọ tôi và khảo sát não bộ của tôi. Thời gian thao tác cũng phải mất nửa giờ. Tiếng ồn của động cơ ngưng, cả một sự im lặng chộp lấy tôi, đem lại cho tôi một niềm khoan khoái lạ thường. Như vừa thoát khỏi những giây phút tra khảo gay go!

Tôi được đưa trở ra phòng chờ đợi "cho hoàn hồn" trở lại, thế nhưng tôi chẳng thấy làm sao hết. Trước sau vẫn vậy. Người ta trả tôi lại chiếc giường bịnh viện và hai anh y tá tiếp tục đưa tôi trở về phòng 1043, khoa thần kinh. Trên đường di chuyển, tôi nhìn thấy kim đồng hồ hành lang bịnh viện chỉ mười một giờ. Vậy là toàn bộ phiên chụp IRM đã nuốt hết gần một buổi sáng bịnh viện. Khoản thời gian còn lại của bịnh nhơn chỉ là để chờ bữa cơm trưa.

Phần cơm trưa của tôi, chỉ nghĩ tới không thôi đã làm tôi ngán tới cổ. Vì tay mặt của tôi không làm gì được nên ban ẩm thực đã quyết định chế độ ăn uống của tôi gồm thức ăn xay nhuyễn. Món ăn nào cũng xay nhuyễn, chỉ cần lấy muỗng húp thôi. Bữa ăn nào cũng như bữa ăn nấy. Cốt để nuôi thân xác.

Kết quả chụp IRM được các bác sĩ khai thác ngay trong buổi chiều. Người ta phát hiện một cục máu nhỏ đã làm nghẽn mạch máu li ti bên phía trái của não bộ. Qua phim cộng hưởng từ trường, phần não bộ bị tai biến của tôi trông giống như một nhánh san hô trên nền nước biển đen. Chỗ có vấn đề hiện thành một đốm trắng to cỡ nửa đầu mút đũa. Bác sĩ kết luận rằng một cục máu đông đặc đã nghẽn đường đi làm cho mạch máu li ti phải phồng lên. Đáp án cho vấn đề là phải làm cho máu loãng ra, thông suốt động mạch rồi sửa chữa chỗ sưng phồng lên.

Giải pháp nghe ra thật dễ dàng nhưng thực hiện được là cả một vấn đề. Một biến chứng của mạch máu li ti trong óc đâu dễ dàng như đối với một mạch máu khác trên cơ thể. May mắn thay, trong cuộc giằn co với biến cố, trí óc tâm tư tôi không đi vào cõi hôn mê. Tôi vẫn ý thức trọn vẹn, và biết hết mọi chuyện xảy ra. Cho nên mỗi ngày hai mũi thuốc chống máu đông đặc tiêm vào bụng hoặc vào đùi và như vậy trong mươi ngày và sau đó mỗi ngày một mũi, cùng với một tá thuốc viên phải uống. 

Sau mươi ngày trị liệu như vậy, tôi được phép ngồi lên và ăn uống theo chế độ bình thường. Thân nhiệt, huyết áp và nhịp đập con tim tôi vẫn bình thường vì ngày nào, cứ sáng mắt ra, là cả một đoàn "thiên thần áo trắng" đã đến từng phòng đo đếm và săn sóc bịnh nhơn theo chỉ thị của bác sĩ.

Những ngày nằm yên để lắng nghe tai biến trong đầu óc mình diễn tiến và bịnh tình trong người mình hành hạ, tôi hết sức đau lòng nhìn những khuôn mặt đầy nét âu lo của những người thân thương trong gia đình, tất cả đều hướng về tôi. Ai ai cũng lộ nét như muốn cùng tôi chia sẻ nỗi niềm đau đớn của thân tôi. Dẫu biết rằng điều không thể thực hiện nhưng đó là lẽ đương nhiên. Đầu tắt mặt tối với công ăn việc làm, nhưng gì thì gì cũng dành đôi ba giờ trong ngày hay những ngày cuối tuần để đến với tôi bên giường bịnh. Những muỗng cơm canh trìu mến, những mẫu bánh thân thương, những trái nho, những miếng trái cây tình cảm gởi gấm biết bao là đồng cảm chia sớt niềm đau nỗi đớn cùng tôi. Con cái xa xôi vạn dậm đường trường cũng tạm thời bỏ dở công ăn việc làm bay sang cùng tôi, để chứng kiến cơn đau tận mắt. Hai cô cháu nội tuổi từ mười tới mười hai gởi vào bịnh viện những mẫu giấy nhỏ bé và bằng những giòng chữ thơ ngây, ngập đầy tình ông cháu, kêu gọi "Nội ơi, về nhà đi!"

Người thân kẻ thương ở chân mây cuối trời, nhận được tin chẳng lành, điện thoại viễn liên thăm hỏi gia đình tôi và cầu mong cho đương sự tai qua nạn khỏi. Bạn bè xưa cũ năm non bảy núi, thường thường có điện thoại thăm lom, có Email qua lại, bỗng dưng bặt vô âm tín, nóng lòng hạch hỏi. Những băn khoăn, khắc khoải đó cũng đủ để tôi cảm thấy thân tình đã dành cho, mà ngàn cân chịu ơn và nặng tình cảm tạ. Có những bạn già kéo nhau đến bắt tay thăm hỏi, như chừng nhắc nhở "bạn già còn đếm được mấy ngón trên bàn tay, chớ vội vẫy tay chào nhau!"

Những thăm lom và hỏi han dồn dập cũng tập trung vào những giờ thăm gặp quy định của bịnh viện mà thôi, thời gian còn lại được dành cho những suy nghĩ viễn vong và lang thang của tôi. Con người là sáng tạo hoàn chỉnh và hoàn hảo nhứt của Thượng Đế. Chỉ cần hư hỏng một bộ phận tí ti là cả một bộ máy cũng vứt đi. Con người dẫu cho tài ba mấy cũng không chỉnh lại được. Có tu sửa lại thì cũng gọi là, cỗ máy kia cũng khấp kha khập khểnh.

Thân già của tôi, đã là một khối thịt xương dư thừa nhưng không phải phiền đến con cháu phải trông chừng và canh giữ, mà tôi còn săn sóc được lặt vặt trong nhà. Sau biến cố này, tôi đã trở thành một phế nhơn, thêm một nỗi lo âu cho con cháu, đã đầu tắt mặt tối với sinh kế bon chen. Phải chi tôi tan biến đi thì đau thương là đau thương đó, nhưng rồi cũng nhẹ gánh tiếp theo sau?! Tôi sẽ là người ông, người cha quy lại thành một tấm hình trang trọng, ngồi nhìn con, cháu với cặp mắt bâng quơ. Tiếc thay, người muốn nhưng tình thế lại quyết định nên mấy khi mọi chuyện trên đời đều toàn bích. Với tình hình sức khỏe hiện nay, tôi không lợi ích gì cho gia đình, mà còn là một nỗi lo âu mới và phụ thêm cho mọi người trong gia đình tại chỗ và từ xa, ở Mỹ và ở Việt Nam.

Sau biến cố, tôi thường tự cho mình là con số không, chẳng là gì hết trong nhà, nhưng đối lại, mọi chú ý của gia đình cứ đổ dồn vào tôi, khiến cho tôi phải thường xuyên thắc mắc. Ngồi nhìn hai cô cháu nội của tôi vô tư hí hửng, buồn lòng tôi nói: "Papy, c'est pour rien!", (Ông nội chẳng là gì hết), thì hai đứa trả lời: "C'est pas vrai!", (Không phải vậy đâu nội). Trẻ thơ không muốn nhận thực tế mà cứ sống với hình ảnh lý tưởng của chúng. Thôi thì ta cứ chấp nhận cái lý tưởng kia mà tiếp tục sống những ngày còn lại, cho đời thêm tươi đẹp, cho người thân kẻ thương khỏi hụt hẫng chơi vơi. Biết đâu rồi ngày mai trời lại sáng?

Chuyện chữa trị cho tôi ngày một ngày hai thâu đạt được thành quả tốt đẹp. Sang tuần lễ thứ ba bác sĩ quyết định cho tôi luyện tập liệu pháp vận động (Kinésithérapie), làm cho tay chưn tôi, nhứt là tay chưn phải, lấy lại những cử động cũ của bảy mươi mấy năm đã qua. Suốt thời gian luyện tập, người ta đã đến tận phòng đưa tôi đến phòng tập, ở từng dưới bằng xe lăn.

Chỉ một cục máu tí ti chận một mạch máu bằng sợi tóc mà hư hỏng cả cuộc vận hành của tay chưn. Chuyên viên liệu pháp vận động luyện tập cho tôi những động tác cơ bản của tay chưn, những động tác mà trong quá trình sinh ra và lớn lên con người đã thu thập một cách hết sức tự nhiên. Một đứa bé tập đi lững chững tập tễnh đi trong vòng tay mẹ trông thật dễ thương. Vậy mà, khi lớn lên, một con người bịnh hoạn và trục trặc rồi tập đi, tập đứng, tập cầm lấy một đồ vật lại cho thấy một nỗi khó khăn thật thương tâm!

Ban đầu, những động tác cơ bản của tay chưn được huấn luyện ở tư thế nằm, qua những phương thức và dụng cụ thích nghi. Lần hồi, tôi được cho bước đi thực tế trên một hành lang trải nhựa chống trợt, có hai thanh sắt cứng song hành chạy dài, để cho có ngã thì còn có chỗ bấu víu. Luyện tập được hơn một tuần lễ, tôi đã có thể đi lại trong phòng và ở hành lang bịnh viện, với một cây gậy. Đôi ba ngày kế tiếp, tôi bắt đầu bỏ gậy để di chuyển tay không, dĩ nhiên là với nhiều thận trọng.

Các bác sĩ trị liệu cho tôi biết rằng đang tìm chỗ cho tôi hoàn chỉnh tình trạng phục hồi những chức năng đi đứng và tái lập thăng bằng. Trong thời điểm đó, một chỗ như vậy rất là hiếm hoi. Cho nên, tôi phải kiên nhẫn chờ đợi thôi. Mãi cho đến ngày 13 tháng 10, trung tâm y tế phục hồi thể chất Orgemont (Service de Médecine Physique et Réadaptation - Chi nhánh của bịnh viện Meaux) mới có chỗ trống để thâu nhận tôi. Như vậy tôi đã nằm bịnh viện mất một tháng mười ba ngày.

*  *  *

Sáng ngày 13.10.2009, từ giả nhơn viên chữa trị và chăm sóc ở bịnh viện xong, tôi được một xe cứu thương của bịnh viện đưa qua trung tâm Orgemont, cách nhà thương Meaux chừng mười lăm phút. Trung tâm đó cũng thuộc thị xã Meaux, nằm trên một ngọn đồi cùng với nhiều cơ sở khác. Trung tâm này chỉ chứa hai mươi bốn giường, do đó hoạt động cũng hạn hẹp. Nhưng bù đắp lại, sự săn sóc ân tình hơn và chu đáo hơn.

Buổi chiều kế tiếp, nhiều y tá đến gặp tôi và tự giới thiệu danh tính và chức năng, mỗi người cho biết mình chịu trách nhiệm về Kiné, kẻ chịu trách nhiệm về liệu pháp lao động (Ergothérapie),... Đến xế chiều, bác sĩ phụ tá của trung tâm đến khám tổng quát để nhận diện và đánh giá con bịnh.

Sáng hôm sau, trung tâm được đánh thức vào khoảng bảy giờ rưởi bởi những cô y tá đến lấy nhiệt độ, đo huyết áp và phát thuốc, cũng như bên nhà thương. Sau đó bịnh nhơn tự làm vệ sinh hay được giúp đỡ để làm vệ sinh, tùy theo tình trạng bịnh tật. Riêng tôi được đưa đi tắm douche, dưới sự quan sát của một y tá, để xem khả năng tự lo lấy của tôi đến mức nào.

Trung tâm Orgemont phụ trách luyện tập bịnh nhơn trở lại trên ba lãnh vực. Luyện tập đi đứng (Kinésithérapie), luyện tập nói năng và suy tư (Orthophonie) và luyện tập thao tác đúng cách như xưa (Ergothérapie). Ngoại trừ liệu pháp vận động, hai liệu pháp kia bắt buộc phải có kiểm điểm tình trạng của người bịnh để có một ý niệm đúng đắn mà huấn luyện.

Cho nên, ngày đầu, tôi phải qua những cuộc hạch hỏi của những chuyên viên phụ trách. Người ta đưa tôi qua một cuộc trắc nghiệm và một cuộc điều tra về quá khứ của tôi, về khả năng của tôi. Qua đó, người ta đánh giá được tình trạng hiện tại của tôi sau một tháng trời bịnh hoạn. Về khả năng phát biểu và suy tư của tôi không có vấn đề gì, ngoài trí nhớ hao mòn vì tuổi già. Nên chi, tôi không phải luyện tập về môn này, chỉ còn lại hai liệu pháp vận động và thao tác.

Mặc dầu tôi đã đi được không cần gậy, tuy không nhanh và gọn như trước kia, nhưng y tá phụ trách liệu pháp vận động cứ bắt tôi phải dùng xe lăn để di chuyển vì cô không muốn tôi di chuyển không đúng cách. Cô cho biết rằng bước đi không đúng cách sẽ làm cho trí óc hằn sâu một hình ảnh sai lạc về bước đi rồi từ đó về sau sẽ đi trật mãi. Tôi đi xe lăn được vài ba ngày thì huấn luyện viên cho bỏ xe lăn.

Đi xe lăn là một cực hình cho tôi vì di chuyển lâu, lại khá cực nhọc vì mình điều khiển chưa quen. Trái lại, tôi thấy những bịnh nhơn ở đó đã lâu và bị bắt buộc phải dùng xe lăn chớ không có cách nào khác hơn để di chuyển, điều động xe lăn rất nhẹ nhàng và nhanh gọn. Tôi đi không cần xe lăn được hai ba buổi gì đó thì có một hôm đang đi trong hành lang, một cô y tá vào phòng tôi lấy chiếc xe lăn ra và bắt tôi phải di chuyển bằng xe lăn. Tôi nói rằng tôi đã được chuyên viên Kiné cho di chuyển bằng hai chưn. Cô không tin và nói rằng, trong khi còn nghi ngờ thì cứ lên xe lăn đã. Thì ra, cô y tá phụ trách Kiné quên ghi vào sổ của ban săn sóc bịnh nhơn là đã cho phép tôi di chuyển với đôi chưn.

Mỗi ngày hai phiên tập luyện liệu pháp vận động, mỗi phiên từ nửa giờ tới bốn mươi lăm phút và một phiên liệu pháp thao tác, cũng ngần ấy thời gian. Qua liệu pháp thao tác, tôi được huấn luyện nhiều nhứt để điều chỉnh động tác của tay mặt. Vào thời kỳ học tập cải tạo lao động dưới chế độ cộng sản, trong một chuyến đi rừng lấy chất đốt, tôi bị té vì đường trơn trợt, với một bó củi nằm trên vai. Tôi đã chõi tay sao đó mà cục xương ở khớp tay bị bể. Về sau, chỗ nứt hóa vôi đẩy ngón tay cái nên bàn tay mặt của tôi không được bình thường, giống như bàn tay trái và có ảnh hưởng đến khớp vai phải của tôi. Nay, sau trận tai biến mạch máu não, ảnh hưởng đó nặng nề hơn. Nên chi, liệu pháp thao tác chú ý nhiều nhứt ở cung cách điều động cánh tay phải của tôi.

Ngành này luyện tập cho cánh tay phải của tôi xử sự đúng cách để lấy một đồ vật mà vai phải vẫn ở mức bình thường, không nhô lên cao. Trước tiên, cô y tá phụ trách cho tôi kẹp một trái banh bằng cùi chỏ, chỉ có cẳng tay hoạt động. Lần hồi về sau, bỏ banh ra, đưa cùi chõ ra phía trước và cẳng tay hoạt động qua lại. Chỉ có vậy thôi mà cứ phải tập đi tập lại, vì trước giờ mình làm theo bản năng quen nết đi rồi, đâu có chú ý tới.

Sau hai tuần lễ luyện tập, tôi thấy có tiến triển chút ít và đến dịp cuối tuần thì trung tâm cho tôi đi phép hai ngày thứ bảy và chủ nhựt. Sáng thứ bảy được gia đình rước về nhà, chiều chủ nhựt đưa trở vô. Cũng "hai mươi bốn giờ phép" như đời lính của tôi trước kia, hai mươi bốn giờ để thay đổi không khí và làm cho tinh thần phấn khởi thêm. 

Sau dịp đi phép cuối tuần đó, đến cuối tuần sau thì trung tâm quyết định cho tôi về luôn với gia đình, vì cho rằng tôi có đủ khả năng sinh hoạt tự nhiên. Cũng như lúc ở nhà thương, sau một chuyến đi phép cuối tuần, tôi được đổi qua trung tâm chỉnh hình, lần này cũng sau một lần đi phép cuối tuần, tôi được ra khỏi nơi chữa trị. Như vậy, tôi chỉ ở trung tâm có ba tuần lễ. Tôi về cùng với gia đình, mang theo một tháng thuốc uống và ba mươi phiên tập liệu pháp vận động, mỗi tuần ba phiên. Một tháng sau trở lại trung tâm để bác sĩ khám kiểm tra.

Về nhà, tất cả những người trong gia đình lăng xăng lộn xộn với tôi, vừa mừng, vừa lo cho tôi. Các con tôi lo thuốc men cho tôi, lo tìm chuyên viên luyện tập. Mừng thấy tôi có mặt trong nhà mà lại lo về những biến chứng của căn bịnh, nếu bất ngờ xảy ra. Thành thử ra, thay vì là người phụ giúp cho gia đình trong những chuyện lặt vặt như coi sóc nhà cửa, trông chừng cháu nội,... tôi lại trở thành một gáng nặng thêm cho gia đình. Gia đình phải trông chừng tôi.

*  *  *

Đến ngày 01 tháng Mười Hai 2009, tôi trở lại Trung tâm Orgemont để tái khám, bác sĩ cho biết là bịnh tình diễn tiến tốt đẹp, đi lần đến chỗ khả quan. Người ta hy vọng rằng sau ba mươi bài tập liệu pháp vận động, tôi có khả năng đi đứng bình thường và lấy lại được thăng bằng cần thiết. Kỳ khám kiểm tra tới được ấn định trong vòng ba tháng sau (09.03.2010). Đây tới đó, tôi còn phải qua một kỳ khám kiểm tra của bác sĩ thần kinh của bịnh viện Meaux, nơi chữa trị đầu tiên, vào ngày 26.01.2010.

Xuyên suốt qua quá trình chữa trị và chỉnh hình cho tôi, một điều đặc biệt của ngành y tế Pháp mà tôi nhận thấy là nhơn viên chữa trị và săn sóc bịnh nhơn, từ bác sĩ chí đến người phục vụ ăn uống, ai ai cũng làm việc tận tâm, chí tình và hết nghĩa, trong thái độ lịch sự và vô cùng nhẫn nại. Với những bịnh nhơn khó tánh, hay càu nhàu, cảu nhảu, bực mình, họ vẫn thản nhiên và lễ độ đáp ứng. Và, cao cả hơn hết là ngần ấy ân cần và đức tính mà nhà nước không có một đòi hỏi tài chánh nào đáp lại hết. Dẫu cho bao nhiêu thuốc men và công khó tung ra để cứu chữa, ngày ra về giả từ bịnh viện, người bịnh cứ ra đi khơi khơi, thậm chí một lời cám ơn cũng không cần nói!

Chính mắt tôi đã chứng kiến và chính tai tôi đã nghe thấy một bịnh nhơn cùng phòng với tôi, hôm được các cô y tá báo tin xuất viện mà không có phản ứng gì hết, dẫu cô y tá hỏi rằng "ông không có ý kiến gì sao". Đến lúc đương sự ra về, ông ta cứ bình thản ra đi, không buồn nhìn vào phòng làm việc của nhơn viên chữa trị.

Thảo nào, hàng năm, người ta cứ nhận được thông tin là ngành an sinh xã hội Pháp bị thâm thủng nặng nề. Đã vậy mà thiên hạ còn âm mưu gian lận tiền của ngành Cứu Trợ Bịnh Hoạn (Assistance Maladie) bằng đủ mọi cách. Có người còn lợi dụng chỗ thân tình với bác sĩ để xin đơn mua thuốc ngoài số cần thiết để gởi về quê nhà bán lấy tiền. Nếu xã hội không bị những kẻ thiếu lương tâm lợi dụng thì cuộc đời này hết sức thần tiên.

 

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.