.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Chàng "TÔN"

  • PSN - 2.1.2010

Không phải vì thấy trong lịch sử và văn học sử của Ta lẫn của Tàu, họ Tôn đã có khối người ăn nên làm ra, nổi tiếng nổi tăm, lừng danh kiệt xuất - như Tôn Ðản, Tôn Kinh, Tôn Sơn, Tôn Tẩn, một lô Tôn Thất..., Tôn Thọ Tường, Tôn Thúc Ngao, Tôn Võ Tử, v.v. - mà lão ta bắt quàng làm họ. Tên gọi do hàng chức phẩm của lão ta xuất phát từ ngẫu nhiên của tình thế, từ chức năng của lão ta trong ngôi thứ gia đình, từ cung cách gọi thưa của trẻ con.

Số là, sau mười hai năm dài cộng thêm mấy con số lẻ bị lũ sâu bọ lên làm người, bầy ma quỷ - đực lẫn cái - đội lốt cối, học đòi lên lớp những người đáng bậc cha chú để mong dạy khéo dạy khôn cho trở thành "người lương thiện trong xã hội xã hội chủ nghĩa", lão ta -  nặng lòng tương tư không gian xanh xanh có mây trắng bay bay, muốn như chim chóc tha hồ ngang dọc vùng trời thênh thang rộng - làm một phát đi đoàn tụ gia đình, tìm chút tự do đích thật. Tuổi đời cũng gần ba mươi mấy, tính từ "ngủ thập niên tiền", cho nên làm sao mà có được mái nhà ở cõi tạm dung, đành chung sống với con cùng cái.

Cho đến một hôm, "chủ nhà" kết duyên, dựng lứa, vợ chồng lão ta cảm thấy dư thừa trong môi trường tổ ấm kia nên bèn quyết định "ra riêng". Nhưng con cái rộng lượng nghĩ tình cha lụm cụm tay yếu chưn mềm, mẹ già nua hom hem yếu đuối, trơ trọi nơi xứ lạ quê người nay lại phải sinh cô sống độc, tiếng nước người bập bẹ dăm ba chữ, lắp ráp một đôi câu thì ăn với ở làm sao nên cũng chẳng đành. Thôi thì nhà còn rộng, mời cha mẹ cứ tiếp tục chung sống đến đâu hay đó. Một điểm son của con cái thời tỵ nạn lưu vong, mà cũng nhờ phước đức ông bà để lại cho cặp vợ chồng già kia.

Thói thường ở những nước văn minh tiên tiến - một thói thường rất được những cô cậu của "dân Việt tạm cư" lấy đó làm chỉ tiêu - những cặp vợ chồng son không thích chung sống với ông via bà bô mà muốn thoát khỏi vòng cương tỏa để được tự do trăm phần trăm. Tự do hành động, tự do đi lại, tự do ăn nói, tự do yêu đương, thậm chí tự do cãi cọ và tha hồ nguyền rủa, chưởi cha mắng mẹ nhau nữa. Tuổi trẻ có lý của tuổi trẻ, nỡ nào lấy cái lẽ của tuổi già mà trấn áp, bắt chẹt.

Duyên ấm tình êm thì sớm muộn gì cũng đi đến kết quả cụ thể là sinh con đẻ cái cho vui cửa vui nhà, cho ông bà có cháu bế cháu bồng, cho tổ ấm vui lên, cho dân số gia tăng, cho mái nhà thêm rạng rỡ. Vì theo nội dung trong bài thơ nổi tiếng của Victor Hugo thì:

Khi bé chào đời, gia đình hoan hỉ,

Vỗ tay reo mừng. Mắt sáng long lanh,

Bé dịu hiền nhìn quanh nhìn quẩn,

Vầng trán u buồn bỗng rạng rỡ vui tươi.

Khi trẻ thơ xuất hiện thì bao nhiêu ưu phiền cũng tạm gác lại để đón niềm vui, một niềm vui đem ánh sáng rực rở đến cho gia đình.

Trẻ thơ là buổi bình minh đang lên, soi sáng tâm hồn người luống tuổi như reo rắc nắng vàng lên cánh đồng hoang, ngào ngạt hương thơm của vô vàn hoa tươi buổi sáng. Cái nhìn thiên thần của bé đầy ấp những dịu hiền vô tận và đôi bàn tay bụ bẩm thánh thiện của bé quờ quạng hư không, muốn nắm lấy cuộc đời, không để cho nó vẩn đục vì nham hiểm và hung bạo.

Bé thơ chẳng khác nào cánh chim bồ câu yêu thương trìu mến đem đến cho ông bà một bóng hình của ngày mai, dù cho tương lai kia có là cõi chết. Xin Thượng Ðế ban hồng ân cho bản thân, cho những người thương yêu, anh em, giòng họ, bạn bè và, thậm chí cho kẻ thù nữa, khỏi phải nhìn thấy cảnh mùa hè thiếu hoa tươi thắm, lồng son vắng bóng chim xanh, tổ ong hoang vắng và ngôi nhà không bóng bé thơ.

Như vậy là hai ông bà, chẳng có công trạng gì mà khơi khơi thăng chức nội ngoại ngang xương. Chỉ được chút thành tích là trót làm cha, làm mẹ, dù không hoàn hảo và đầy đủ bổn phận, vì sụp lỗ tỵ nạn lưu vong. Thôi thì lấy công chuộc tội, hạ quyết tâm cao làm tròn nhiệm vụ, giữ đúng chức năng của ông bà.

Mà làm ông làm bà ở một môi trường lạ hoắc lạ huơ, không ăn nhập gì với truyền thống thì đâu phải dễ. Theo truyền thống dân tộc mình thì dưới một mái nhà đôi khi "tứ đại đồng đường", hòa bình chung sống hai ba thế hệ, cùng chung ngôn ngữ, trên dưới một thói quen, một phong tục tập quán. Thành thử ra lão ta phải đi lục thư viện, đi bới nhà sách, tìm cho bằng được tài liệu chỉ cách làm ông làm bà cho đúng cách với xứ sở địa phương.

Làm ông làm bà nơi cõi tạm dung khó ơi là khó, khó hơn thuở làm cha làm mẹ một trời một vực. Ðã mất đi rồi cái không gian, cái khoảng môi sinh trong đó ông bà cháu chắt khám phá lẫn nhau trong thích thú để cười cùng cười, khóc cùng khóc, cùng nhau hò hát, cùng nhau vui chơi, cùng nhau nhảy múa...

Chức phận ông bà, trên mặt đẳng cấp gia đình là đương nhiên rồi đó, nhưng ở bình diện ngôn ngữ, trong cung cách địa phương, trên địa bàn sinh sống, có những điều nghịch ý bên này, xúc phạm đằng kia, mặc dù nó là đương nhiên, hợp tình, hợp lý cho một bên đương sự.

Phải làm sao giữ cho được vị trí đúng đắn của ông bà, vì tuy là cháu của ông bà nhưng trước tiên và nhất thiết là con của ba mẹ. Dù cho tình thế ưu tiên đó của bé thơ đôi khi được chấp nhận với nhiều trăn trở. Làm thế nào giữ được khoảng cách tối ưu mà khỏi đâm ra hờ hững hay lấn lướt. Làm sao tiếp tay, giúp ích được cha mẹ của bé một cách tốt đẹp mà không khi nào dồn bậc cha mẹ kia vào hàng thứ yếu?

Ðó là chưa kể nạn ngôn ngữ bất đồng. Trẻ con tiếp thu ngoại ngữ thật nhanh chóng và dễ dàng, trông khi ông già bà lão thì cứ chậm rì rì, đầu óc gần như ngoan cố, dị ứng và kỵ mặt chữ nghĩa xứ người. Lòng cứ nhủ lòng, già cả rồi học với hành gì nữa tốn công mất sức, liệu đường đời có đủ dài để mà sử dụng cho bõ công?

Nên chi, ngày đêm, tháng này qua năm nọ, chỉ rặc xem phim Hồng Kông, phim Tàu chuyển âm Việt ngữ, một thứ tiếng Việt lơ lớ lai căn, kiểu Ba-Tàu Chợ Lớn. Do đó chuyện trò với cháu nội, cháu ngoại thì chúng cứ ngơ ngơ, tưởng chừng như ông bà nói khơi khơi, nói không đối tượng. Trong khi ông bà lại cho rằng con nít con nôi đời bây giờ cứng đầu, cứng cổ, dạy bảo không nghe hoặc nghe mà cứ phớt lờ coi người lớn như "nơ-pa". Thế là nạn dị biệt thế hệ càng ngày càng trầm trọng thêm ra, tình cảm giữa ông bà và thế hệ thứ ba đâm ra có vn đề.

Cuộc đời tỵ nạn lưu vong tự nó đã là một điều bi đát, may mắn được làm ông làm bà thì ta nên chớp lấy thời cơ mà biến họa thành phúc, để cho kiếp người "di tản buồn" khỏi biến thành bi kịch đau thương. Trên cõi đời tạm bợ phù du này, cuộc sống bi thảm hoặc rạng rỡ đều tự ta cả. Muốn vui thì nó vui, muốn buồn thì nó buồn, miễn là ta biết tự mình chấp nhận lối sống theo cung cách nào đó, dẫu không thuận lòng ta.

Một chiều thu lộng gió, lá vàng thi nhau chạy đua trên đường từ trường mẫu giáo về nhà, nắm chặt trong tay gân guốc một bàn tay bé nhỏ căn phồng mạch sống, lão ta cảm nhận được cái dòng luân lưu giửa thế hệ này với thế hệ khác. Lần bước đi theo bé thơ tung tăng chạy nhảy sau giờ tan học, lão ta âm thầm cảm thấy tự hào về cái hình bóng tương lai của chính mình trong chuỗi ngày tà huy, về chiều bóng xế. Huy chương nào cũng có mặt sấp của nó, làm ông làm bà trong cõi tạm cư phải nhẫn nhục, hy sinh và thông cảm nhiều mới mong cảm nhận được cái thanh thản thần tiên của một "chàng TÔN". Nhưng "chàng TÔN" là gì mới được chớ? Giản dị thôi, là tên gọi kết hợp những chữ cái đứng đầu của ba từ T, Ô và N, nghĩa là Thằng Ông Nội.

 

Phan Quân
(Trích "Tâm Tình Của Nội")

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.