.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

 
Chuyện xưa tích cũ:

Thuở ấu thơ

  • PSN - 4.6.2010 | Phan Quân

Lời dẫn.- Qua bài này, tác giả kể lại thời thơ ấu của mình, một cậu bé nhà quê ở Thủ Đức, một địa điểm cách xa Sài Gòn chẳng bao nhiêu. Nhưng bài này nói lên cái mộc mạc của miền thôn dã rất ư là quê mùa, gần thành phố lớn của Nam Kỳ thời 1912, dẫu là đất thuộc địa của Pháp. Vì vậy, chúng tôi muốn ghi lại cho khỏi quên cảnh sống xa xưa của một đất nước lệ thuộc, bị bóc lột nhiều hơn là được khai hóa.

 

* * *

 

 

Bà đi có cặp rắn trun,

Bà về có cặp rồng mun đưa Bà

 

Tôi chào đời trong một đêm vào cuối năm Nhâm Tý (1912). Theo phong tục ở làng là nên chờ một thời gian coi ra sao đã rồi mới đi khai sanh, rủi ma quỷ gì bắt em bé đem đi thì sao? Như vậy, khỏi mất công đi tìm ông chánh lục bộ để khai tử. Nên chi, ngày sanh chánh thức của tôi nhằm tháng tư năm 1913.

 

Khi trong làng có ai chuyển bụng thì người ta chạy tìm má tôi. Bà cố gắng đỡ đẻ dựa theo kinh nghiệm ông bà chỉ dạy. Đến phiên bà sanh thì chính bà phải dùng một miếng vỏ tre, vạt ở hàng rào nhà tôi, bén như lưỡi dao cạo, để cắt cuốn rún. Tôi lọt lòng với một cái bọc màu tía, má tôi cho biết đẻ bọc điều là điềm lành.

 

Khi chiến tranh 1914 bùng nổ, Anh Bảy tôi tới tuổi đi lính, nghĩa là phải "trả nợ máu", phải làm bia đỡ đạn, hoặc phải làm kẻ giết những người vô tội. Hương chức trong làng cưỡng bức gom bắt trai tráng nông dân để đưa qua Tây. Ai chống lại sẽ bị trói treo tòn ten trên một cây đòn to, giải tới nhà việc, như khiêng heo. Anh Bảy vô vườn khóm trốn thoát, rồi xuống thành phố ẩn náo ở nhà Chị Năm.

 

Tháng Giêng năm 1916, từ một trăm rưởi đến hai trăm nông dân trong vùng kế cận, trang bị bằng dao phát cỏ và một vài cây súng, tấn công mấy nhà việc mà ban hội tề tổ chức "tự nguyện đăng lính". Tù trong khám nổi loạn, cướp súng lính canh, nhập bọn với nông dân. Tình hình sôi động lan rộng ở Nam Kỳ và vào tháng Hai bung lớn ra, nông dân tấn công tới khám lớn Sài Gòn.

 

Đêm 14 rạng ngày 15 tháng Hai 1916, khoảng ba giờ sáng, ở Sài Gòn một đoàn ghe xuồng chở lối ba trăm nông dân nổi loạn trang bị giáo, kiếm và dao phát cỏ. Trước khám lớn, họ giết chết lính canh, đả thương những lính gác khác. Tuy nhiên, đồn canh cũng cấm cửa được quân nổi loạn và nổ súng vào quân xung kích làm cho họ phải tản mác hỗn loạn, bỏ lại người chết và bị thương, nằm dài trên lề đường.

 

Ngay sau đó, trên một trăm năm mươi nông dân bị đưa ra tòa án binh. Kết quả có ba mươi tám người bị xử tử, những người khác bị đưa đi nhà tù Côn Đảo. Năm đó, trên một ngàn nông dân nổi loạn hoặc những người khả nghi bị buộc tội dính líu đến các âm mưu nầy nọ và của những hội kín. Lo sợ tình trạng bắt bớ và khủng bố, lúc đó lan tràn trên khắp nước, tía tôi cẩn thận tháo cán dao phát cỏ ra. Đó là dụng cụ mà ông thường dùng để tỉa bớt hàng rào gai tre quanh nhà.

 

Năm tôi lên năm, tía tôi, dẫu chỉ là một tiểu nông, cũng có thể cho chúng tôi một mái nhà ngói, gần sát bên cạnh vườn khóm. Chúng tôi đến đó quơ những cành cây khô để nấu ăn. Má tôi tước lá khóm ra lấy chỉ may vá. Tổ tiên nhà tôi yên nghỉ dưới bóng những cành to lớn, dang rộng ra của cây gỏ, nơi ngự của Thành Hoàng.

 

Một ổ chim cú sanh sống trong cái bọng cây cao khỏi mặt đất ba thước. Mấy anh tôi đã bắt cú con đem vô nhà nuôi. Mấy đêm liền, chúng tôi nghe cú mẹ kêu la thảm thương, nhưng tâm địa trẻ thơ của chúng tôi có đếm xỉa gì! Tụi tôi bắt ếch, bắt cóc để nuôi cú con, mấy cục thịt âm ấm dễ thương và háu ăn đó.

 

Dưới bóng cây của cuộc sống gia đình, má tôi lập ra một cái miếu nhỏ thờ Bà, đấng linh thiêng phò hộ má tôi. Anh Tư, người anh bà con của tôi làm thầy pháp trong làng, đứng ra làm lễ khai trương long trọng. Khói nhang thơm hòa lẫn với khói trầm, đốt trong lư hương, hòa quyện nhau, thanh thoát bốc cao lên không. Má tôi đứng van vái bên cạnh ông thầy già, miệng thầy lẩm bẩm câu thần chú:

 

    Bà đi có cặp rắn trun,

    Bà về có cặp rồng mun đưa Bà.

 

Điều kỳ lạ, là thình lình có một con chim ngói trên cành bay xuống và đập cánh vài cái rồi đậu lên vai ông thầy pháp. Vậy rồi "Sứ giả của Bà Lớn" cất cánh bay đi. Có một đêm, má tôi thấy một ánh sao sáng chói xẹt ngang qua bầu trời trong xanh rồi biến mất sau ngọn cây. Má nói với tụi tôi rằng đó là rồng đen kéo xe đưa Bà Lớn về nhà.

 

Tía tôi, một nhà nho, là hương chức trong ban hội tề của làng. Ông giữ sổ bộ bằng chữ Nôm, một thứ chữ nước Nam cải biến từ chữ Hán. Dưới mái nhà chúng tôi có tía má tôi, ba anh lớn tôi – Anh Bảy, Anh Mười, Anh Mười Hai – và tôi, là út thứ mười ba. Anh Bảy là con dòng lớn. Trong gia đình còn có ba con trâu, lực lượng lao động, sức cày và sức kéo của chúng tôi. Tối đến, tôi nằm cạnh Anh Bảy, nghe ảnh ngâm thơ bình dân Lục Vân Tiên rồi thiếp ngủ. Chính Anh Bảy dạy tôi học vần và lấy tre chuốc nhọn dạy tôi viết những chữ "a", "â", "ê" trên lá chuối.

 

Hồi còn nhỏ, tôi được giao canh chừng gà ăn thóc phơi trên chiếu trải ngoài sân. Nằm dài dưới bóng cây bưởi trên sân, tôi ngắm nhìn đàn kiến vàng nối đuôi nhau trèo lên thân cây. Bọn nó tha mồi về ổ có hình quả bóng làm bằng lá dán thật khéo, treo lơ lửng trên cành cây.

 

Đôi khi, ngất ngưỡng trên lưng con "Trâu Voi", với ống sáo tre mà Anh Mười làm cho tôi, suốt ngày tôi chăn trâu trên đồng ruộng trải dài trước nhà tới tận dòng nước xa xa phía dưới. Một cái thẹo dài, còn thấy rõ trên cánh tay mặt, là chứng tích của một biến cố, tồn tại mãi trong tôi như một giấc mơ hãi hùng.

 

Bữa đó vào lúc cuối ngày. Những đám mây đen nghịch to lớn nổi lên cuồn cuộn phía chưn trời. Gió nổi lên càng lúc càng mạnh. Mấy bụi tre cuối rạp đầu, cỏ ngã nghiên. Bỗng chốc trời xám xịt che tối mặt đất. Cảm thấy giông bão tới, bầy trâu tự ý kéo về chuồng. Thình lình trời đổ mưa như trút, gió giật từng cơn, vậy là trâu lồng lên chạy. Hoảng hồn, tôi nằm bẹp xuống, bám chặt trên lưng "Trâu Voi". Gần đến nhà, thay vì đi theo ngõ có hàng rào tre thường lệ, bỗng nhiên mấy con trâu cấm đầu cấm cổ tông qua bụi tre dày đặc.

 

Mấy con trâu đâu phải ngu, linh tánh cho nó biết lấy ngã tắt để về chuồng cho mau. Bị mấy nhánh gai hất khỏi lưng trâu, tôi té ngay giữa bụi tre rậm đầy những gai nhọn. Trời tối đen, mưa to tiếp tục, mắc kẹt giữa một mớ gai nhọn. Lo sợ, tôi nằm im chờ đợi. Một lúc thật là lâu, cuối cùng từ xa có tiếng má tôi kêu: "Con ơi, con ở đâu, con ở đâu?" Dưới ánh đuốc, cặp mắt vui mừng của má tôi và tiếng reo mừng của anh tôi, cùng nhau lôi tôi ra khỏi mớ cành cây rối nhằng đó.

 

Một đôi khi, có anh làm công người Mọi đến thăm nhà tôi. Anh ấy cỡi ngựa đưa tin của Ông Cậu ở xa, tận Gò Dưa, cách nhà tôi mười hai cây số. Anh làm công nầy là kết quả trao đổi giữa Ông Cậu với dân Mọi trên cao nguyên Lộc Ninh và Hớn Quản, qua những chuyến đi bằng xe bò, đem muối và cá mòi khô đổi nhựa mà họ lấy trong rừng sâu.

 

Chúng tôi thân mật kêu người làm công ấy là Anh Lo. Tôi thích gương mặt hiền lành sạm nắng của Anh Lo. Dáng dong dỏng của con vật bốn chưn màu nâu và cao đẹp mà anh cỡi, như thoát ra từ một truyện cổ tích, làm cho anh em chúng tôi phải trầm trồ vì nó khác với con vật mà chúng tôi thường cỡi, con trâu đen mập mà lùn. Khi con ngựa hí và nhe răng ra giống như đang cười vang, vậy là chúng tôi cùng cười theo. Nhưng lúc nào Anh Lo cũng phải từ giả chúng tôi lúc chạng vạng tối. Đẹp tuyệt cái hình dáng thanh tao của người kỵ mã dong dỏng cao, êm đềm đi dọc theo rặng tre!

 

Tía tôi đôi khi nóng giận nhưng cũng có tấm lòng quảng đại và thương yêu con cái. Như có một ngày, vì thấy anh em tôi thích thú, ông về nhà với một con ngựa, mượn tạm của một người bạn đôi ba ngày. Con ngựa cũng đẹp như ngựa của Anh Lo. Với một sợi dây dài ở cổ, cột vào một cây cọc, "người bạn mới" của chúng tôi âm thầm gậm cỏ mọc lưa thưa ở miếng đất cạnh nhà, làm rung rinh đôi môi với tiếng kêu brrờ...brrờ... ngộ nghỉnh mà tôi rất thích.

 

Tối đến, chúng tôi đem nó vô chuồng, trâu bỏ chạy dồn về phía bên kia nhà, ngủ ngoài trời. Mấy anh tôi lấy hai thanh cây vuông, xỏ qua hai lỗ của hai cây trụ, khóa cổng nhỏ vào chuồng. Với một cái vồ, mấy ảnh chốt đầu thanh ngang lại bằng khúc cây nêm đóng chặt mấy cái lỗ. Sáng ngày, theo yêu cầu của tôi, mấy anh đỡ tôi lên cao, dang hai chưn ra đứng trên hai đầu cọc lối vào chuồng. Tôi bám chặt hai tay vào xà ngang trên mái nhà. Mấy anh tôi kéo đòn ngang, con ngựa chạy ra khỏi chuồng và a lê hấp, đúng lúc đó tôi buông tay rơi xuống lưng nó. Tim đập thình thịch, tôi phải rơi ngay trên lưng ngựa đang phóng một mạch ra sân, vậy là đít tôi đụng đất. Ngoái đầu nhanh nhìn lại chúng tôi, con ngựa như chừng muốn nói: "Tạm biệt các em!" Vậy rồi phóng nước kiệu, "người khách" của chúng tôi biến mất qua ngã mà Anh Lo đi chiều hôm đó. Nhưng tía tôi thì yên tâm, vì con ngựa sẽ trở về nhà nó chớ chẳng đi đâu hết.

 

Thời thơ ấu quê mùa của tôi chấm dứt khi tôi vào học trường làng năm 1920. Tôi còn thấy lại chưn trời đỏ rực lúc bình minh khi hai má con tôi rời nhà đi đến cuối đường mù mịt. Qua khỏi thôn xóm, má con tôi băng qua một cánh rừng. Tiếng hót của những con chim khuất trong các cành cây làm xao xuyến nỗi lòng sợ sệt của tôi.

 

Thầy tôi là ông giáo Dõng. Đối với tôi, thầy to lớn hết sức và ngay cả nụ cười của thầy cũng nghiêm nghị quá. Thầy ở trong căn nhà lá màu xám, khuất sau hàng rào cây nhỏ có gai, cách mặt tiền trường chừng trăm bước, qua con hương lộ trải đá.

 

Bên mặt ngôi nhà, có con đường cỏ mọc chạy hút ra đồng và má con tôi theo con đường đó đến trường. Phía bên trái, là vài ba căn nhà lá nhỏ khác, tối tăm và bụi bặm nằm kế bên nhà việc của làng, một ngôi nhà cây cũ kỹ lợp ngói, mà mặt tiền có một mái hiên cột gạch quét vôi.

 

Trường tôi - trường Chợ Nhỏ - phân biệt với những căn nhà lá khác nhờ có vách ván quét vôi sơ sài với một hàng hiên che nắng chống mưa trong giờ ra chơi. Bên trái là nhà lá của bác giữ trường già nua. Toàn thể khu trường, nằm giữa cái sân hẹp, có hàng rào tre gai dày đặt cành lá sum suê. Dọc theo hàng rào phía sau là những dãy hũ chứa bằng đất nung hình trứng. Ra chơi, học trò đái vào đó và ông giữ trường già lấy nước tiểu tưới mớ rau cải hiếm hoi của ông. Dưới ánh nắng thiêu đốt, mấy chậu nước tiểu sau trường bốc mùi khai ngấy khó chịu. Đi tiêu thì lũ học trò chúng tôi phải chạy qua phía bên kia rào, chui vào bụi rậm.

 

Thầy Dõng phụ trách hai lớp, lớp nhỏ và lớp lớn. Tổng cộng lối ba mươi đứa con nông dân trong xã chúng tôi và những ấp trong vùng. Giờ chơi, chúng tôi có thể uống nước trong khạp để trước nhà ông gác trường với cái gáo dừa tra cán. Có khi lu nước khô cạn, tụi tôi xin nước ở nhà những người bán cá bên cạnh.

 

Vợ thầy Dõng bán gà vịt và rau cải. Mỗi sáng, đòn gánh lên vai với hai thúng hai đầu, bà đi dọc theo đường mua gà, vịt, gà tây, dưa, măng... của các bà nông dân đi chợ để sau đó bán lại cho những con buôn đem đi Sài Gòn và Chợ Lớn.

 

Sáng nào, má tôi cũng thức dậy khi gà gáy cuối canh năm, đầu giờ Thìn. Một đêm chia ra năm canh, áng chừng hai tiếng rưởi một canh. Giữa canh ba là giờ Tý, tức là nửa đêm. Ở đằng nhà việc, những người luân phiên trực canh, thường là những trai trẻ khỏe mạnh, do ban hội tề chỉ định, cứ đầu canh là đánh ba tiếng lên cái mõ, làm bằng khúc cây dài, rỗng ruột có khoét một cái miệng hình chữ nhựt, đặt trên giá. Tiếng mõ vang đi rất xa. Khi có tai họa, hỏa hoạn, cướp bóc, ẩu đả, v.v... người trực mõ đánh liên hồi để báo động làng xóm, cùng với tiếng la ó của người bị nạn: "Làng xóm ơi, cứu tôi với!"

 

Lối năm giờ sáng là chúng tôi nuốt vội bữa cơm thứ nhứt trong ngày. Chúng tôi đi học khi những tia nắng ửng hồng đầu tiên của buổi bình minh ló dạng trước cửa nhà. Mùa mưa, trời thường bị mây che phủ, vậy mà má tôi vẫn bắt chúng tôi đi học đúng giờ như thường. Tuy vậy, đôi khi đang đi nửa đường, nghe tiếng trống ác nghiệt kia là biết rằng đã trễ giờ, chúng tôi đâm đầu đâm cổ chạy hụt hơi.

 

Tiếng trống là dấu hiệu của giờ học và tan học, của lúc ra chơi và khi hết giờ chơi. Cái trống bự màu đỏ được treo ở cây xà ngang cuối lớp. Không có ai được cử ra để đánh trống. Cứ thầy giáo đưa ngón tay làm hiệu là một trong những đứa học trò lớn nhảy ra đánh trống. Cái trống đỏ, tôi trông thật khoái chí... Một hôm, nhờ anh tôi đỡ đứng lên một cái bàn, tôi cầm lấy cái dùi cây đầu là một cục tròn, nhắm ngay trung tâm hình vòng tròn mà đánh trống kêu vang dậy.

 

Thỉnh thoảng buổi sáng, chúng tôi đến trường thì gặp ngay một sự bất ngờ khá khó chịu. Có kiểm tra vệ sanh! Đứa nào bị thầy bắt được sau mang tai đóng hờm là phải trần truồng tập hợp lại ngồi chồm hỗm quanh miệng giếng như những con cóc ốm nhom. Một đứa vạm vỡ nhứt lớp, hai chưn dạng ra trên miệng giếng, lấy gào tre kéo nước giếng lên xối xả ào ào lên những đứa bạn khổ sở kia. Nước lạnh làm cho tụi nó phải rùng mình rồi sau đó run cầm cập. Hai bàn tay mảnh khảnh chà lia chà lịa sau hai lỗ tai. Xong rồi nhiều đứa vẫn còn run rẩy. Lấy hai tay chà xát mạnh mẽ khắp thân mình rồi bận quần áo vô. Mấy đứa con gái tránh được nhục hình đó và bị nhốt trong lớp.

 

Tới mùa mưa, hôm nào gặp mưa lớn, giữa giờ học, đôi khi thầy cho chúng tôi ra tắm dưới vòi nước từ mái nhà đổ xuống. Thiệt là những dịp vui hiếm có, tha hồ trững giỡn... Một đứa bạn của chúng tôi bị cắt cử lo nước nôi cho thầy giáo. Tới lui nhiều bận, nó đổ nước cho đầy hết mấy cái khạp.

 

Một hôm, mấy anh tôi và tôi được thầy biểu đi kiếm củi nấu bếp. Cách trường ba trăm thước, chúng tôi vào khu rừng nằm trên đường đi học thường ngày. Tôi đứng canh chừng trong lúc mấy anh tôi leo lên cây để bẻ những nhánh khô. Tôi nghe rõ tiếng cành cây gãy rắc một cái. Bỗng nhiên, có bóng một ông già xuất hiện ở ven rừng. Tía chúng tôi! Tôi sợ hãi đứng chết trân. Tía tôi hỏi:

- Mầy làm gì ở đây?

- Con chờ mấy anh đang kiếm củi cho thầy.

Tía tôi thấy mấy ảnh đằng xa đang cựa quậy giữa các nhánh cây. Tía tôi vạch bụi rậm đi về phía mấy ảnh. Mấy ảnh vội vàng tuột xuống và tìm cách tránh né để khỏi bị bạt tai.

- Nếu thầy giáo tụi bây muốn có củi thì nói với tao, tao đem cho mấy xe. Tụi bây không được đi rừng nữa, leo cây có ngày té gãy tay què chưn.

Từ đó về sau, chúng tôi được miễn nạn đi lấy củi.

 

Đôi khi thầy giáo cảm thấy buồn tình. Ông nhâm nhi vài ba ngụm rượu đế. Chai rượu để trên kệ gắn vào vách ván, khuất sau tấm bản đồ. Sau đó, nổi hứng thầy tới nhà chú gác trường đánh cờ, giao cho một đứa học trò coi lớp. Một buổi chiều, khi thầy trở về, một trận đòn tới tấp xuống mấy học sanh bị đứa canh chừng lợi dụng tố giác là nghịch ngợm. Bằng nhánh cây cứng bẻ ở cây ổi gần hàng rào, giận xanh mặt, thầy quất thẳng tay mấy đứa bị tố giác. Cảnh tượng đó làm tôi khiếp vía.

 

Thỉnh thoảng, có một chuyện hơi khác thường xảy ra cho chúng tôi là ông thanh tra tới. Hôm đó, vào giữa buổi sáng đẹp nắng, trong khi chúng tôi đang chơi thì có một chiếc xe ngựa ngon lành ngừng lại bên đường, ngay trước trường. Ông đánh xe, người An Nam, đi chưn không, nhảy xuống đất trước tiên, gò cương lại để cho ngựa đứng yên. Sau ông là một người, thân hình bó chặt trong bộ đồ Tây trắng toát, áo ngoài có cổ khép kín, trịnh trọng bước xuống. Ông thanh tra Tuấn.

 

Như một bầy chim sẻ, tất cả chúng tôi kéo vô lớp. Ai vào chỗ nấy, khoanh tay để lên bàn, đặt trên tập vở xếp lại. Một sự im lặng hiếm thấy. Theo hiệu lịnh của thầy, chúng tôi đồng loạt đứng lên khi ông thanh tra vào lớp. Đưa bàn tay mặt ra hiệu, ông thanh tra biểu chúng tôi ngồi xuống. Ông là người An Nam nhưng nói tiếng Tây với thầy giáo. Không có đứa nào trong chúng tôi hiểu được hai người nói những gì. Ông đứng kế bên tôi, chẳng nói tiếng nào, lật vở tôi, móc ở túi ra một ống nhỏ kỳ lạ, cho một ngòi viết lú ra. Ở trương cuối viết bằng tiếng Việt, ông kẻ bên lề một chữ "VU" bí hiểm, rồi thụt ngòi viết vô bên trong ống.

 

Trong giờ tan học buổi trưa, những trò nào nhà ở gần thì về nhà ăn cơm. Mấy đứa ở xa, trong số đó có tôi, tản mác ra đồng cỏ, sau khi đã nuốt vội gói cơm nguội với cá khô hay với táng đường, gói trong mo cau khô mang theo từ sáng sớm trên đường đi học. Một đôi khi, tôi băng qua miếng đất trống sau trường, tới chùa Phước Tường, kế đó chừng vài trăm bước.

 

Giữa trưa nóng bức, tôi rất thích cảnh chùa yên tĩnh dưới bóng mát cây cổ thụ. Trong chánh điện âm u, mát rượi và êm tịnh, một tượng Phật thếp vàng ngồi ngự ở bàn thờ, hai chưn xếp bằng trên đài hoa sen. Đức Phật, hai mắt khép lại, trầm tư mặc tưởng, nổi bật trên toàn bộ những vị thần linh khác, vóc dáng nhỏ hơn tô điểm đủ màu hay mạ vàng. Bây giờ, lần đầu tiên tôi biết được rằng chính đức Phật mà má tôi đã van xin mỗi khi chúng tôi gặp chuyện chẳng may.

 

Tôi làm quen lần hồi với bối cảnh linh thiêng mà vài ba sư sãi trong chùa dường như không biết sự có mặt của tôi. Trái lại, Thầy Trụ Trì có để ý đến chú học trò nhỏ thường tới lui. Nhơn một chuyến đến thăm của tía tôi, Thầy có đề nghị thâu nhận tôi làm chú tiểu, một đề nghị mà mấy đứa nhỏ nào ở ruộng cũng ước ao và mong muốn.

 

Như vậy xém chút nữa đời tôi phải tu luyện khổ hạnh rồi. Người ta sẽ cạo đầu tôi, biến tôi thành chú tiểu, học tập chữ nho để nghiêm nghị đọc kinh sách thiêng liêng và chép sách lễ nhà Phật. Định mạng nghiêm khắc sẽ đưa đẩy tôi theo bước chưn của Đức Thích Ca Mầu Ni trên con đường thanh tịnh, chối bỏ cõi đời phù thế nầy, nơi mà mọi ngưòi sống trên đời không sao thoát khỏi bốn cái khổ là sanh, lão, bịnh, tử. Tôi phải luyện tập diệt dục, từ bỏ mọi ham muốn, trong khi vượt qua biển khổ. Ngày nay, nghĩ lại, tôi phải rùng mình.

 

Một đêm nọ, Anh Bảy dẫn anh em tụi tôi đi chùa, đem theo rất nhiều lễ vật, đồ cúng của những người giàu có thành tâm, để dâng lên Đức Phật nhơn ngày lễ lớn. Đây là dịp hiếm có cho những nông dân già, trẻ, cần cù ở những làng mạc lân cận tụ họp lại, gặp gỡ nhau, tán tỉnh nhau và cùng nhau vui đùa ở nơi chốn thờ phượng. Trước bàn thờ Phật, dưới ánh sáng lung linh của đèn cầy và trong khói bay cuồn cuộn của trầm hương, từng nhóm người trẻ tuổi, mở to đôi mắt ngạc nhiên nhìn xem bốn con vật tứ linh - Long Lân Quy Phượng - làm bằng hoa quả và lá cây với màu sắc thiên nhiên rực rỡ, lại cử động được bằng cái máy được giấu kín.

 

Hàng đống trái cây, kẹo bánh đủ màu, lễ vật được săp xếp vén khéo, khi cúng xong sẽ được phân phát cho mọi người trong nỗi vui tươi hân hoan. Đến khuya, trên đường về, Anh Bảy cắt nghĩa cho tôi bài thuyết pháp của Thầy, nhưng đầu óc tôi vẫn còn nhớ tới lễ cúng.

 

Một hôm, nhà làng - một nơi nữa được tôi ưa thích, thường tôi đến đó để tránh nắng gay gắt buổi trưa, cách trường chừng trăm bước – theo tôi thấy, không còn là một chỗ để ẩn náo nữa mà đã biến thành một nơi dễ sợ. Ở đó là trung tâm hành chánh của làng, nơi mà thỉnh thoảng ban hội tề nhóm lại để bàn cãi và "phán xử".

 

Thường thường chẳng có ai, ông Cai Đình, người gác nhà làng, ở căn nhà lá bên cạnh. Bên trong, là một căn phòng kín mít dùng làm nơi giam giữ, dưới đất có một cây sắt dài có những cái cùm, được các ông hội tề dùng làm chỗ đóng trăng những ai bị giam giữ, những nông dân nộp thuế thân trễ hạn.

 

Một buổi trưa khi đến sân nhà việc nầy, tôi gặp một cảnh đánh đòn trừng trị. Một người nghèo khổ, áo quần rách rưới, nằm sấp dưới đất, ba người khác túm lấy tay chưn ông. Một tên nha hình, tay cầm cây roi dài đưa thẳng tay đánh vô đít người nằm dưới đất hai chục roi. Cứ mỗi lằn roi là người bị đánh co giựt và rên rỉ.

 

Ngồi đông đúc bên trong, các hương chức ăn mặc chỉnh tề, tỉnh bơ chứng kiến cuộc trừng trị con người mà họ vừa kết tội. Các quan hội tề tự cho mình có quyền can thiệp vào những cuộc tranh chấp giữa dân làng, có quyền xét xử và trừng phạt những người nghèo tùy theo ý mấy quan. Cảnh tượng hung ác dửng dưng đó đã in sâu trong lòng tôi suốt đời.

 

Tôi còn nhớ lần nhà tôi bị tố cáo. Một buổi sáng sớm, nhơn viên quan thuế Tây, Ta ập vào nhà. Họ lục khắp nhà từ trên xuống dưới, tịch thu cái nồi lớn bằng đất nung với những dụng cụ linh tinh mà tía tôi dùng để nấu rượu nếp cúng tổ tiên – dĩ nhiên là nấu ban đêm và giấu trong rừng. Rượu công ty của nhà máy rượu Thủ Đức được bày bán ngoài chợ thì làm gì uống được... Mình đâu thể nào dâng cúng lên ông bà nhơn ngày giỗ kỵ.

 

Vì tía tôi bị bịnh nên bọn "đầu trâu mặt ngựa" đó bắt Anh Bảy tôi đi, sau khi đã liệt kê số bàn ghế ít ỏi, ghi chép từng món một, cũng không quên số gà trống, gà mái và heo. Muốn cho Anh Bảy, bị giam ở khám Sài Gòn, được tha má tôi phải đem sợi dây chuyền mượn của dì Lớn tới tiệm cầm đồ của Ba Tàu để lấy tiền nộp phạt, một số tiền làm tụi tôi nghẹt thở luôn. Trước một điều chẳng may như vậy, không biết cầu Trời khẩn Phật có làm cho má tôi được yên lòng không? Có thể lắm.

 

Hồi đó, tía tôi bắt đầu bị chứng đau bụng co thắt kinh niên. Ông bỏ hoang phế miếng ruộng ở làng bên cạnh, gần nhà bác Tư, người anh của tía. Má tôi cũng không kham nổi. Công việc chằm nón của bà để bán cho nông dân không đủ mua gạo hằng ngày. Hai anh tôi thôi học ở nhà phụ cày bừa, đập lúa, có trâu hay không trâu, cho những nhà nông trong làng và quanh đó. Mình tôi còn đi học. Nhưng có lần tôi cũng bị bắt buộc "bỏ học" để đi chăn trâu thế cho hai anh quá bận rộn. Sáng hôm trở lại lớp, lòng buồn rười rượi, tôi bị thầy cho hai bớp tai nẩy lửa, để phạt tôi về tội nghỉ học không có phép.

 

Chúng tôi gặp nạn thiếu ăn. Để trám đầy bao tử, chúng tôi phải độn khoai vào gạo căn bản. Hết khoai, chúng tôi phãi vô rừng hái củ nầng, một thứ củ cho chất bột có hình tròn, dây leo có gai. Muốn ăn, má tôi gọt nó ra, sắt mỏng rồi ngâm vài ba ngày và thay nước nhiều lần. Một hôm, tôi thấy tía tôi đi lảo đảo như người say rượu còn mấy anh tôi và tôi bị bịnh. Vì củ nầng ngâm nước chưa được tới. Tai nạn nầy làm tôi nhớ lại lòng tử tế của người bà con xa ở làng bên cạnh, cách xa ba tiếng đi bộ. Ông thường cho chúng tôi "vay" thóc mà chúng tôi phải đem xe bò tới chở về.

 

Sau hai năm trường làng, tôi đã biết chữ quốc ngữ. Cuối năm thứ hai, tôi phải từ giả trường này. Ngày bãi trường, má tôi đem đến nhà thầy tôi một con gà trống mập và bánh ngọt đủ thứ. Nhơn dịp nầy, thầy giáo khuyên má tôi nên tiếp tục cho tôi "học hành" ở trường quận Thủ Đức.

 

Lúc đó tôi chừng mười tuổi. Đi bộ đến trường mất khoảng một tiếng. Ra khỏi xóm, tôi băng ngang một cái rừng, ở bìa rừng có một vũng nước lớn đầy nhái mèn và mùa mưa thì đầy dẫy chuồn chuồn. Đường mòn trổ ra con lộ trải đá, nơi có cây da to lớn, Cây Da Bà Hiếu. Cái cây hiển linh đó dưới gốc đầy những Ông Táo, Ông Thần Vôi, thật ra là những bình vôi hết xài, những cục đất nung, nám khói đen vứt bỏ ngổn ngang ở dưới chưn.

 

Cách đó chừng năm trăm bước, tôi đi dọc theo rìa đất thánh, với những cái mã kỳ quái xây đá xám, bên trên có cây thánh giá, nằm giữa những cây cao su. Người ta kể cho tôi là mấy ông cha nhà thờ móc mắt người chết cho mấy con chó. Cho nên, tôi bước mau lên vì ghê sợ những hoang hồn lang thang và mù mắt đó. Những người "có đạo", mình không nên đến gần vì họ thờ ơ chuyện thờ cúng người chết và ông bà, để tôn thờ một ông thần da trắng treo trên cây thập tự.

 

Vốn từ lâu đã nghi ngờ người đi đạo, vì họ là con cháu của những ai đã tiếp tay Tây xâm chiếm đất nước mình, nên óc tưởng tượng của dân làng tôi càng thêm sôi sục và cứ giữ mãi một ý nghĩ thù hằn dai dẳng. [...] Thái độ hận thù này làm tôi nhớ lại lời đồn đại cho rằng bên Tàu có một hoàng đế bị một vết lở ở chưn không sao chữa được, bèn hứa gả con gái cho ai trị được. Những danh y đều bó tay, nhưng con chó trong triều chỉ liếm vết thương mà chữa được. Vì vậy cho nên, hoàng đế mới bỏ con gái trên cái bè cùng với con chó thả trôi xuống phía Nam, sanh con đẻ cái ra là giống man ri mọi rợ.

 

Chiều về, còn khủng khiếp hơn nữa. Cộng với nỗi sợ bóng tối hoàng hôn của tôi còn thêm đám ve sầu núp kín trong những ngọn sao to lớn bên lề đường, đồng loạt kêu lên inh ỏi. Một nỗi sợ mơ hồ tràn ngập lòng tôi khi đi qua cây da Bà Hiếu. Và khi tôi đi dọc theo bờ vũng nước ma quái ven rừng, lúc trời nhá nhem tối, tôi cũng lo sợ như vậy.

 

Ở trường Thủ Đức, tôi được nhận vô lớp tư. Với thầy giáo Nai, một con người hiền lành, học trò chẳng bao giờ bị thầy đối xử thô bạo. Thiệt là một thái độ đặc biệt! Năm sau, tôi lên lớp ba, dưới quyền ông đốc Thiệt, nổi tiếng nghiêm khắc. Sáng ra, khi ông đến sân trường, học trò phải xếp hàng hai bên, khi ông đi ngang phải chấp tay cuối đầu.

 

Trong lớp, khi vầng trán ông cau co nổi giận, thế nào chúng tôi cũng lãnh đủ. Ông chỉ ngón tay, tựa như mũi tên, vào người có lỗi và quát lớn: "Lên đây!" Người bạn chạy nhanh lên nằm sấp dưới chưn ông. Cấp thời ông thẳng tay cho một trận roi mây giáng xuống lưng của thằng nhỏ đau khổ, áo sống giở lên hết. Sự giận dữ hằng ngày của thầy Thiệt làm hao hớt khá nhiều roi mây. Một bó lớn những cọng roi đáng sợ này nằm phòng hờ trong tủ tập vở và sổ sách ở cuối phòng. Tất cả chúng tôi ai cũng có thể lãnh hình phạt về bất cứ chuyện gì. Như những đứa khác, tôi cũng không chạy đâu khỏi.

 

Thầy Ứng của chúng tôi, mới vừa tốt nghiệp Trường Sư Phạm, dạy lớp nhì ít xài roi mây hơn nhưng biết sai vặt học sanh trong những chuyện làm riêng tư. Căn nhà nhà nước cấp cho thầy nằm ngay phía sau trường. Những lúc chúng tôi đang bắn đạn dưới bóng cây ngoài sân, nhiều khi thầy biểu chúng tôi đổ đầy mấy khạp nước trong nhà tắm.

 

Từng cặp chúng tôi phải tới tận vòi nước công cộng. Bận về tôi đi trước người bạn cao hơn tôi, thùng dầu lửa đầy nước, treo ở trên cây đòn, hai đầu nằm trên vai chúng tôi đong đưa và làm trầy gót tôi rất đau. Thầy Ứng cũng không quên chỉ cho tôi giặc và đánh trắng đôi giày bố của thầy. Một vài buổi trưa sau bữa cơm nguội, chúng tôi chạy qua lò đường kế cận được người ta cho mấy miếng đường mía vụng.

 

Một buổi tối, có điềm khủng khiếp cho má tôi là con chim cú đập mạnh đôi cánh sà xuống giữa sân kêu lên inh ỏi rồi bay đi. Một đại nạn cho chúng tôi. Đêm đó, tía tôi, bịnh hoạn từ lâu, đã qua đời. Ngày nay, nhớ tới tôi còn cảm động vì tía tôi, cảm thấy gần theo ông bà, trối lại với má tôi: "Má bầy trẻ, ráng xoay xở cho qua ngày tháng, dầu sao cũng đừng đợ con!" Có lẽ tía tôi cảm thấy thưong sót cho số phận của bốn đứa nhỏ, con của Trùm Nhứt, người láng giềng đau khổ của chúng tôi. Vì không nuôi nổi tụi nó, nên phải cho mấy đứa đi chăn trâu và ở đợ nhà giàu, bị họ hành hạ.

 

Đám tang tía tôi, gia đình thỉnh một ông sư ở chùa trong làng cúng kiến lễ tang theo nghi thức Phật giáo. Ngày hôm sau, một điệu nhạc đám ma chói tai, do phường bát âm thực hiện - với trống, kèn, đờn nhị, chiêng và mõ nhịp phách - mỗi lần gia đình hay người quen biết dâng cúng lễ vật. Tôi ở cạnh má tôi và thật lòng cố gắng an ủi bà mỗi khi bà than khóc. Ngày thứ ba bắt đầu đi chôn. Ông sư đi đầu, đoàn người đi đám đưa tiễn người cha quá cố của tôi đến nơi yên nghĩ cuối cùng, cách nhà chừng trăm bước.

 

Tía tôi nằm trong vuờn cây nhà tôi, dưới bóng cây gỏ lâu đời. Chôn cất xong, ba ngày sau ông sư đến làm lễ mở cửa mã. Như vậy, để cho tía tôi biết đường trở về nhà, có một bàn thờ dành sẵn cho ông. Má tôi cúng cho tía mỗi tuần thất một mâm cơm. Đến kỳ một trăm ngày, rồi đến giáp năm, ngày mười tám tháng mười một, gia đình tề tựu lại và dâng lễ vật tưởng niệm. Chúng tôi không để tang lộ liễu bên ngoài, một cái tang mà theo tục lệ sẽ chấm dứt trong lòng chúng tôi sau khi mãn tang vào năm thứ hai.

 

Cha tôi mất đi rồi, trước cảnh bấp bênh của chén cơm cho ngày mai, má tôi lại tiếp tục làm nón lá nhiều hơn nữa bán cho nông dân và tôi cũng học làm với bà, còn mấy anh tôi cố gắng làm việc đồng án để cho tôi có thể tiếp tục đi học.

 

Năm mười một tuổi, tôi bắt đầu học tiếng Pháp. Phải lội bộ xuống Sài Gòn, cách Thủ Đức lối mười lăm cây số, để tìm mua cho được cuốn sách cần thiết, Larousse élémentaire. Đó là thời kỳ đáng ghi nhớ của đời tôi. Tôi phải rời nhà trước bình minh, trời còn tối đen. Đi một mình trong bóng đêm và giữa ban ngày, vậy mà cảnh trí đồng ruộng bao la trong buổi bình minh đầy phấn khởi không làm cho tôi thấy mệt. Và cầu Bình Lợi đây rồi, tôi ngắm nhìn con sông Sài Gòn chứa chan ánh sáng. Từ trước đến giờ, tôi chỉ biết con sông được biểu hiện bằng một đường xanh dương uốn quanh trên bản đồ màu xám của tỉnh Gia Định.

 

Sài Gòn, một thành phố đông đúc, tôi có đến đó một lần rồi. Tôi đã đi theo tía tôi đến nhà thuốc nằm trước mặt khách sạn Continental ở đường Catinat, hôm tía tôi đi mua thuốc tiêu, hy vọng có thể làm nhẹ cơn đau bao tử của ông. Nhà sách Portail nằm ngay bên cạnh.

 

Xế trưa tôi trở về nhà dưới trời nắng chang chang, cuốn tự điển cặp ở nách. Cứ mỗi lần dừng lại dưới bóng cây, tôi không làm sao cầm lòng được, phải lật qua các trang một cách say mê, rồi ngạc nhiên với những tranh vẽ, những hình minh họa, những cột chữ chứa vô số những điều bí ẩn cần phải khám phá.

 

Cuối năm lớp ba, đến kỳ thi lãnh học bổng, thầy giáo tuyển lựa trong lớp hai thí sinh là tôi và một bạn nữa lớn tuổi hơn. Trước ngày quan trọng đó, Anh Bảy đưa tôi tới nhà Chị Năm ở Thị Nghè, để sáng hôm sau tới tỉnh lỵ Gia Định ở ngoại ô phía Bắc Sài Gòn cho đúng giờ. Những môn thi diễn ra ở trường Bà Chiểu.

 

Chiều hôm đó, trời nóng hầm toát mồ hôi. Chúng tôi đi dọc theo đường Hàng Sanh tới Thị Nghè. Bỗng nhiên gió mùa nổi lên, cuồn cuộn những đám mây bự tối đen cả trời đất. Giây lúc sau, thình lình những giọt mưa to như những mũi tên bay nghiêng lao vào chúng tôi. Rắc một tiếng! Cây dù Tàu trong tay tôi lật ngược, sườn tre gảy bật đưa ra ngoài, cố giữ lại những miếng nóc dù bằng giấy tráng vẹc-ni màu xám bay phất phơ theo gió. Chắc là điềm xui, cơn gió ác nghiệt nầy. Có lẽ rồi đây học bổng của tôi cũng đi đời nhà ma. Hai anh em tôi tới nhà Chị Năm ướt như chuột lột lúc trời tối, còn tôi thì lòng buồn rười rượi.

 

Cuối cùng, tôi cũng trải qua cuộc thi tuyển và ở môn chánh tả Pháp văn, tôi không quên chữ "S" của từ "torchis". Rồi chờ kết quả thôi. Giữa lúc đó thì một trong mấy con trâu nhà tôi bỏ ăn, đi đứng lạng quạng, nước mắt chảy ra vì đau đớn và mệt mỏi và, chúng tôi cũng phải cầm nước mắt đem nó vô rừng hoang xa xôi bỏ cho nó chết.

 

Một tháng sau, thầy Hương Quản trong làng đòi má tôi, một bà góa phải nuôi nấng ba đứa con, để điều tra tình trạng thu nhập. Cuối cùng, mỗi ba tháng, người ta cấp cho bà hai mươi bảy đồng. Cả một tài sản đối với một người đàn bà nghèo khó phải chật vật ngày đêm để làm cho xong những cái nón lá trị giá một và hai cắc (một phần mười và một phần năm của đồng bạc).

 

Ông đốc Thiệt, thầy cũ của tôi, bằng mọi giá muốn cho đông đảo học trò của mình đậu bằng tiểu học. Vì danh tiếng của trường và nhứt là của chính đương sự là đốc học của trường. Một buổi chiều, sau giờ học, thầy đem chúng tôi, một người bạn và tôi, hai thí sinh bằng tiểu học tương lai, đi Sài Gòn bằng xe ngựa, gọi là "xe hộp quẹt", để lo "thu xếp" chuyện thi cử của hai đứa tôi. Trời tối khi chúng tôi tới thành phố.

 

Chiếc xe đậu lại trên mép đường khu Dakao. Thầy biểu chúng tôi đợi, rồi ông biến mất trong một căn nhà cách đó chừng trăm bước. Ánh trăng bạc soi sáng nền trời. Con ngựa, được chú đánh xe thả lỏng, âm thầm gặm cỏ bên lề đường và rơi vãi vài ba cục phân dưới chưn cột đèn. Chúng tôi nói chuyện với chú đánh xe. Thầy trở ra, có vẻ chẳng bằng lòng chút nào hết. Thầy chẳng nói gì với chúng tôi và ra dấu cho chú đánh xe tra cương ngựa vô. Trên đường về, chiếc xe đu đưa chúng tôi, thầy im lặng một lúc khá lâu, rồi như nổi xung thiên, thầy chửi đổng: "Đấm c..! Họ chẳng thèm biết gì hết..."

 

Nói cách khác là ông đồng nghiệp của thầy ở Sài Gòn không đồng lòng với thầy trong vụ toan tính này. Chắc rồi thầy sẽ liên lạc với các thầy giáo khác phụ trách canh gác trong kỳ thi sắp tới...

 

Cuối cùng, qua bài thi viết cũng như qua hạch miệng, không có ai "giúp đỡ" tôi hết. Vậy mà, theo yêu cầu của ông đốc Thiệt, má tôi cũng phải trao cho ông phần của ông, gọi là để đưa cho những đồng nghiệp của ông trong việc "giúp đỡ" cho tôi thi đậu. Tới ba mươi đồng, nghĩa là một số tiền lớn đối với má tôi, bằng một số nón lá đáng kể phải chằm.

 

Qua tháng kế tiếp, tôi dự thi tuyển học bổng vào trung học Chasseloup-Laubat. Lại một phen chẳng may nữa. Khi điểm danh, tôi không đem thẻ học sanh theo. Tôi bỏ quên ở nhà người chị họ nơi tôi tạm trú, ở xóm Thủ Thiêm, bên kia bờ sông Sài Gòn. Thời gian tới lui giữa trường trung học và nhà trọ - còn phải qua sông bằng ghe tam bản nữa – làm tôi lo lắng.

 

Thêm một phen lại chờ kết quả. Kế đó là hy vọng, vì quan quận đòi má tôi lên để điều tra tình cảnh. Có dấu hiệu cho thấy là tôi có thể được thâu nhận. Nhưng đến kỳ tựu trường tháng Chín Năm 1926, lại một người được tuyển chọn khác chuẩn bị nhập học trường Chasseloup-Laubat, vì anh ta thuộc gia đình khá giả hơn. Cha má anh ấy biết cách "chạy chọt" có hiệu quả hơn với các người thơ ký trong những phòng sở Giáo Dục ở Sài Gòn, nên anh ấy được nhận.

 

Một cú choáng váng - lần đầu tiên đối với tôi - trước bức tường vô hình đó... mà má tôi làm sao đủ sức để vượt qua. Chúng tôi rất thua buồn và bối rối. Với bằng cắp bổn xứ, mình chỉ có thể làm thầy giáo làng, mà tôi vừa mới mười ba tuổi! Thương tình, thầy tôi vận động cầu may. Thầy bỏ tiền túi đưa tôi đến tư thục Huỳnh Khương Ninh ở Sài Gòn, một trường nội trú đông nghẹt con ông cháu cha của những dân bổn xứ có máu mặt. Thầy định xin cho tôi nhập học ngoại trú miễn phí hoặc nội trú giá hạ. Như vậy thì dẫu sao cũng làm cho tôi lo lắng. Làm sao má tôi có thể nuôi tôi ăn học ba bốn năm nữa? Nhưng vận động không ăn thua gì và cũng uổng công. Không tiền, những người buôn bán chữ nghĩa đâu có chịu mở rộng vòng tay.

 

* * *

 

Người có ảnh hưởng quan trọng nhứt thời thơ ấu của tôi là Anh Bảy. Năm tôi lên mười, Anh Bảy bỏ tay cày đổi qua tay mỏ-lết. Ảnh làm phụ thợ máy ở đề-pô xe lửa Dĩ An, cách nhà chừng một giờ đi bộ.

 

Một tuần lễ trước Tết, cùng với Anh Bảy, chúng tôi đi giẫy mã. Hăm ba tháng chạp, ngày đưa Ông Táo, ảnh dựng nêu ở cuối sân. Cái giỏ nhỏ treo ở ngọn tre đựng lễ vật cúng Ông Táo lên đường về trời. Đêm Giao Thừa, qua cây nêu đó, Ông Táo trở xuống trần để ngự trên bàn thờ của ổng. Tùy theo sớ của Táo Quân, Ngọc Hoàng sẽ cho mình sống dai hay rút ngắn tuổi thọ.

 

Anh Bảy cũng làm pháo tre cho lễ Tết của gia đình và cho bạn bè trong làng. Tôi phụ ảnh cà rể khoai mì đốt cháy để lấy bột than. Ảnh chỉ cho tôi cách phân lượng những thành phần thuốc pháo. Than, lưu huỳnh, diêm tiêu, nhồi vào trong một cái hộp vuông vức bằng giấy bìa cứng. Tôi học cách lấy lạt tre vót thật mỏng bó cây pháo thành hình khối vuông vức đàng hoàng. Khó khăn là cách đặt ngòi nổ. Pháo tốt hay xấu là tùy theo tiếng nổ vang dội có lâu hay không. Có lần, căn nhà lá của anh tôi xém cháy khi hổn hợp thuốc pháo trong cối phát nổ.

 

Khá lâu sau nầy, lúc tôi làm việc ở Sài Gòn, còn Anh Bảy làm thợ hồ và ở đậu nhà Chị Năm bên Thị Nghè, vùng ngoại ô Đông-Bắc thành phố, nơi tôi thỉnh thoảng đến thăm vì ảnh bị ngã bịnh sốt rét. Tôi cắt được cơn rét cho ảnh bằng mấy mũi chích ký ninh. Chừng bớt bịnh, bỗng nhiên ảnh trở thành thầy bùa trị ma quỷ.

 

Một buổi chiều, thình lình ảnh rời Thị Nghè cuốc bộ về làng. Thay vì về nhà gia đình, ảnh đi thẳng tới Đình Thành Hoàng của làng bên cạnh, đường đột xông thẳng vào hậu điện tôn nghiêm, vén màn ra ngó thẳng vô mặt tượng thờ và nói chuyện tay ngang với tượng. Thành Hoàng có tiếng rất linh thiêng và được kính nể khắp các tỉnh. Những người thù nghịch nhau đưa ra trước bàn thờ để giải quyết cuộc tranh chấp. Muốn khỏi bị hàm hoan, bên bị buộc tội vặn cổ một con gà trống còn sống và thề với Thần Linh vặn họng anh ta nếu gian dối.

 

Cuộc nói chuyện lạ kỳ của Anh Bảy với vị Thành Hoàng, một hành động hy hữu trong vùng, làm cho dân gian nông thôn nhìn thấy ở anh có một hào quang thần bí và phép lạ đối với nhũng kẻ ác độc sống trong thế giới vô hình. Thường khi ảnh làm thinh. Có lúc, câu chuyện của ảnh, với cách lý luận khác ngôn ngữ bình thường, nói không dứt trước những người thân quen. Nằm trên võng ngày đêm, chỉ ăn bữa trưa, chút cơm với nắm ớt đỏ. Ảnh uống trà bằng cách để lá trà trên lưỡi rồi rót thẳng nước sôi vào miệng.

 

Ảnh không ngớt làm cho má và các anh tôi bối rối vì hết sức lo ngại về tình trạng của ảnh. Nhà tôi ra vào qua lối mở hai bên, còn cửa trước đóng lại, thế bằng những thanh cây ngang chấn song, để cho có không khí và ánh sáng. Ngày lên cơn, mặt mày hung hăng, bộ điệu mất thần, hai mắt trợn trừng, Anh Bảy bỗng nhiên "bay lên". Nhảy một cái qua ngang khoảng trống nhỏ dưới nóc nhà, trên cây đà ngang, ảnh phóng từ trong nhà ra sân và biến mất như làn gió ra ngoài rẩy vườn khóm.

 

Làm sao bây giờ? Anh Mười Hai thử đi kiếm ảnh nhưng vô ích. Cả nhà lo lắng chỉ thở phào khi thấy ảnh bỗng đâu xuất hiện, chẳng hề hấng gì, thoải mái, mặt mày thanh thản. Quần áo trắng của ảnh không một chỗ rách, chưn đi không của ảnh chẳng chút trầy trụa sau lần nhảy khó khăn xuyên qua những dây leo có gai và những mũi gai bén nhọn của lá khóm.

 

Những lúc lên cơn lần hồi bớt đi theo thời gian, Anh Bảy bình tỉnh trở lại như thói thường. Nhưng không còn là Anh Bảy của chúng tôi như trước kia. Một người nông dân ở ấp bên cạnh rước ảnh để chữa cho một người bị lên cơn. Ngay lúc ảnh tới nơi, người lên cơn hết vùng vẫy, quỳ mọp xuống chưn vừa run rẫy vừa nói hà rầm. Như thể ma quỷ gặp mặt thầy, con người đau khổ kia đã được giải thoát.

 

Kể từ hôm đó, dân làng thường coi ảnh không những là một thầy chữa trị mà còn một thầy bói - giống như ông thầy đồ người Bắc ở xã kế cận – và ngay cả một thầy pháp – như ông thầy đã đến nhà chúng tôi khánh thành miếu thờ Bà. Ảnh làm cho những cơn đau biến mất, đem lại thoải mái cho người ta. Rồi lần hồi, ảnh cũng hốt thuốc Nam, làm bằng cây cỏ, cũng như thuốc Bắc, với sản phẩm của Tàu, giống như những thầy chữa bịnh dạo thuờng thấy xưa kia. Lần lần, từ xa người ta tới rước ảnh, kể cả từ những tỉnh xa xôi. Ảnh sống dản dị. Trả công cho ảnh, thiên hạ chỉ cần cho ảnh chỗ ở và chén cơm đạm bạc.

 

Với người nghèo, ảnh giúp đỡ mà không đòi hỏi phần trả lễ gì hết. Rất thường khi, ảnh đi bộ tới, người ta nhận biết ảnh từ xa nhờ vóc dáng cao ráo sáng sũa, che cây dù trắng. Cách chữa trị của Anh Bảy là một điều bí ẩn. Có thể, ông bạn thầy thuốc, chữa trị cho tía tôi trong khi bịnh hoạn lâu ngày, có truyền lại cho ảnh một vài bí quyết chăng?

 

Có thể anh tôi đã đọc được bản y phương tất yếu "Cẩm nang chữa trị" dưới dạng "Ngư Tiều Vấn Đáp" của Đồ Chiểu, tác giả Lục Vân Tiên, loại thơ ca bình dân mà ảnh đã thuộc làu? Càng có tuổi Anh Bảy không đi đâu nữa. Người chủ tiệm thuốc Bắc ở Thủ Đức thường xuyên chứa chấp ảnh, vậy là thiên hạ tới đó để được ảnh bắt mạch.

 

 

Phan Quân

(Phỏng dịch Chương "Enfance" trong quyển "Au Pays de la Cloche Fêlée" của Ngô Văn, nxb. L'Insomniaque, 1966, 240 trang.)


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.