.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

 
Trước đèn đọc sách:

Điệu sáo chướng tai

Lời dẫn.- Người thổi sáo là ông Võ Thành Minh. Hồi năm 1954, ông đã che chòi ngồi bên bờ hồ Léman (Thụy Sĩ), thổi điệu sáo u buồn chống đối lại việc Hồ Chí Minh ký kết hiệp định Genève chia đôi đất nước. Đêm đến, ông chong đèn cầy đánh máy tâm thơ gởi cho Hồ Chí Minh lẫn Tổng Thống Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ, để phản đối chiến tranh. Nhưng rồi ông thiêu hủy hai bức thơ đó không gởi cho ai hết.

 

Qua quyển sách "Le Joueur de Flûte et l'Oncle Hô" – Viêtnam 1945-2005), nxb Paris-Méditerranée, mars 2005, 290 trang, Ngô Văn, ví mình như người thổi sáo đó, viết ra một "...câu chuyện bên lề lịch sử của nước Việt Nam thời hiện đại. Từ lúc Hồ Chí Minh nhập cuộc chí đến hôm nay, tác giả vẽ nên bộ mặt thiệt, khác hẳn với luận điệu "quốc doanh", của người lãnh tụ uy thế đầy tội ác và bọn hậu duệ, lấy máu nhơn dân, dựng nên một Quốc Gia độc đoán, mượn ăn gian nói dối làm cốt lõi ý thức hệ để khích động lòng dũng cảm chống đế quốc. Qua thái độ hồi tưởng này, tác giả muốn đem công bằng trả lại cho 'nhơn dân Việt Nam bé nhỏ mà anh hùng', đã bị Tập Đoàn cộng sản Hà Nội đem ra hy sanh."

 

Nhơn chuyến về thăm nhà năm 1997, sau  bốn mươi chín năm lưu vong, ông đã thâu thập bằng chứng và những điều mắt thấy tai nghe để viết nên quyển sách nầy. Những ghi nhận của ông chứng minh hùng hồn rằng nền kinh tế mới theo kiểu "tư bản với cơ chế xã hội chủ nghĩa" càng bốc lột người lao động nặng nề hơn, nhờ có một chế độ cảnh sát trị nhuần nhuyễn và một kiểu công đoàn bị nhà nước khống chế.

 

Ông Ngô Văn Xuyết (bút hiệu Ngô Văn) sanh năm 1913 tại làng Tân Lộ (Thủ Đức). Năm 1920, ông đã tham gia phong trào chống thực dân Tây, trong hàng ngũ Trotskiste. Tỵ nạn ở Pháp từ năm 1948, ông làm thợ điện ở hãng Simca (Nanterre) và chuyên viên ở Jeumont-Schneider, đến 1978 về hưu. Ông từ trần tại Paris ngày 2 tháng Giêng 2005.

 

*  *  *

 

1.

Hồ Chí Minh, cũng biết lựa ngày chết, mất đi đúng ngày Quốc Khánh của nước Việt Nam (2.9.1969) hồi 09g47 phút. Chẳng lẽ loan tin buồn giữa ngày vui của cả nước, các quan chức của Hà Nội quyết định cho "cha già dân tộc" của họ chết vào một ngày sau. Chút đó thôi cũng đủ thấy các quan to trong "triều đình" Hà Nội muốn làm gì thì làm, ngay những công chuyện quan trọng liên quan đến "bác lãnh tụ" của họ.

 

Đúng với kiểu cách của một "ông thánh" bên "tôn giáo Nhà Nước", Hồ Chí Minh đã nghĩ tới việc tổ chức chuyện tôn thờ mình sau khi chết. Trong di chúc, bản thứ nhì, do chính ông thảo ra một năm trước khi chết, ông có căn dặn:

 

"Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức "hỏa táng". Tôi mong rằng cách "hỏa táng" sau này sẽ được fổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì "điện táng" càng tốt hơn."

 

"Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành, 1 hộp cho miền Bắc, 1 hộp cho miền Trung, 1 hộp cho miền Nam."

 

"Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mã, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà zản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, đễ những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi."

 

"Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng 1 vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho fong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên zao fó cho các cụ phụ lão." (Chép y bản viết tay của HCM)

 

Theo Bùi Tín thì sau khi ông Hồ nhắm mắt rồi, người Thơ Ký riêng của cụ Hồ trình cho Bộ Chánh Trị 4 bản thảo di chúc. Tổng Bí Thơ Lê Duẫn chọn và công bố trên báo "Nhân Dân" một di chúc đã được thanh lọc rồi – mà ai thanh lọc và ai dám thanh lọc mới được chớ - không có hai chuyện "hỏa tán" và "miễn thuế".

 

Hồ Chí Minh cũng muốn nông dân được miễn thuế một năm nhơn cái chết của ông. Nhưng tập đoàn đầu sỏ Hà Nội còn lâu mới hoả tán ông Hồ lại đem ướp xác như thời Pharaons rồi đem bày hàng trong lăng tẩm, như Staline đã sử xự đối với xác Lê Nin. Cái lăng rùng rợn quỷ ám đó lại được bọn hậu duệ dùng làm bùa phép để họ múa võ dương oai.

 

Còn yêu cầu miễn thuế cho nông dân, khi đổ bể ra thì các quan cho rằng bấy giờ chưa hội đủ điều kiện để làm vậy. Thì ra, còn sống "Bác" được người ta kính yêu dường ấy mà chết rồi "Bác" chẳng có kí lô nào hết.

 

Đương thời, Hồ Chí Minh cố gắng dựng hình tượng của mình vượt hẳn con người bình thường, cho nó trở thành huyền thoại. Sau khi ông chết đi, đám hậu duệ, vì quyền lợi bản thân, đã đưa ông lên thành bực thánh của "tôn giáo nhà nước". Tất cả những cái gì làm cho người "cha già dân tộc" trở nên tầm thường đều bị xóa sạch.

 

Trong quyển "Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch", núp sau bút hiệu Trần Dân Tiên, ông Hồ đã viết: "Chúng ta còn có những người yêu nước anh dũng và vĩ đại khác. Chúng ta có Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, và những người khác nữa. Nhưng chỉ có Hồ Chủ tịch của chúng ta đã hoàn thành sự nghiệp mà các tiền bối chưa hoàn thành. [...] Hồ Chủ tịch được nhân dân yêu mến là do lòng hy sinh và lòng nhân từ của Người. Đúng như lời nói của Mặc Tử, nhà triết học Trung Quốc đời xưa: "Nếu có lợi cho thiên hạ thì dù mình bị mài mòn từ gót đến đầu cũng vui lòng". [...] Hồ Chủ tịch được nhân dân yêu mến là do tính cương trực và lòng trong sạch của Người."

 

Ở Huế, trên đường Phan Đăng Lưu, có tấm bảng đá hoa cương ghi: "Nơi đây trước kia là Tòa Khâm Sứ Annam. Ở đây, Anh Nguyễn Sinh Cung, Chủ Tịch Hồ Chí Minh, đã tham gia phong trào nông dân Thừa Thiên-Huế phản đối thuế má năm 1908." Vậy mà, trong sách tự thuật đời mình, ông Hồ không ghi chuyện đó.

 

Năm 1911, Nguyễn Sinh Cung làm phụ bếp trên tàu "Amiral Latouche-Tréville", chạy đường Hải Phòng-Dunkerque. Đến Marseille, ông đệ đơn dưới tên Nguyễn Tất Thành xin học nội trú miễn phí "Ecole Coloniale". Bên nhà, người anh Nguyễn Sanh Khâm, tiếp tay em van xin ngài Thống Đốc Đông Dương, nhưng hoài công, hồ sơ bị xếp xó.

 

Ông Hồ tiếp tục theo tàu đi đây đi đó. Đến New York, ông lại tiếp tục xin xỏ Tây cho cha già. Ngày 15.12.1912, ông đệ đơn lên ngài Khâm Sứ Huế, tâng bốc đưa Khâm Sứ lên hàng "người bảo trợ ơn tình của đất nước", với những dòng: "Thôi thúc bởi tình yêu của đứa con, tôi dám xin Ngài vui lòng thuận cho cha tôi một công việc như là Thừa Biện ở các Bộ hay Huấn Đạo Giáo Thư để, dưới tấm lòng nhân hậu cao cả của Ngài, ông ấy có được kế sinh nhai”

 

Như vậy đó, một con người làm cách mạng, đi tìm đường cứu nước, mà vẫn còn nặng đầu óc xin xỏ, nịnh hót nhà cầm quyền và quan lớn thực dân, để mưu cầu lợi lộc cho bản thân mình và cho người thân, kẻ thưong gia đình mình. Thảo nào ngày nay thiên hạ cứ nói là "học tập noi gương Hồ Chủ Tịch" cũng chẳng đi đến đâu hết.

 

Sau Thế Chiến I, Nguyễn Tất Thành gặp Phan Châu Trinh bên Pháp. Năm 1919, lợi dụng Hiệp Ước Versailles giữa Đức và Đồng Minh, nhóm người lưu vong gởi giác thơ nêu lên yêu sách của nhơn dân Annam. Phan Văn Trường đã thảo ra giác thơ đó, được ký dưới tên gọi tập thể là "Nguyễn Ái Quốc". Sau này, khi lấy tên gọi Hồ Chí Minh, ông cho rằng chính ông là tác giả của giác thơ.

 

Để kiếm sống, ông Hồ làm nghề sửa hình, sau khi thọ giáo cụ Phan Châu Trinh. Gia nhập Đảng Xã Hội Pháp, ông tham dự Đại Hội Tours năm 1920. Khi Đảng Xã Hội tách ra, ông gia nhập Đảng Cộng Sản, chi bộ Pháp của Quốc Tế Cộng Sản (SFIC).

 

Phan Châu Trinh chủ trương nâng cao trình độ dân chúng để đấu tranh đưa đất nước ra khỏi ách thực dân. Cụ Phan khuyên Nguyễn Ái Quốc nên trở về nước, chớ ở nước ngoài mà viết báo nầy nọ thì thử hỏi nhơn dân trong nước, chữ quốc ngữ còn chưa biết thì có bao nhiêu người đọc được? Cụ Phan khuyên Nguyễn Ái Quốc: "Đừng trốn ở nước ngoài mà rung chuông đánh trống nữa, hãy về nước, ẩn mình ở nông thôn, đánh thức đồng bào. Hãy coi cái gương của Cụ Phan Bội Châu, nếu phương pháp của Cụ mà thành công thì đất nước mình cũng chỉ là con ngựa thay người cỡi thôi."

 

Y như rằng, từ 20 tuổi đến 50 tuổi, Nguyễn Ái Quốc lẩn quẩn ở ngoại quốc, thi hành những chỉ thị của quan thầy ở điện Kemlin và của Đệ III Quốc Tế. Đến 1941, Nguyễn Ái Quốc mới trở về Việt Nam để "hoạt động ở quốc nội", với hy vọng cướp chánh quyền.

 

Năm 1923, được Cộng Đảng Tây đưa sang Moscou học Đại Học Lao Động Phương Đông và năm 1924 tham dự Đại Hội V Quốc Tế Cộng Sản (QTCS). Kỳ đó, Manuilsky chủ trương thành lập một đảng cộng sản cho Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc đến Trung Quốc để sinh sống, mà chỉ bán thuốc lá và bán báo.

 

Cuối năm 1924, ông tháp tùng Borodine sang Canton. Trong bản phúc trình thứ nhì gởi cho ban chấp hành QTCS, Nguyễn Ái Quốc viết: "Giờ đây, tôi không là người Annam nữa mà người Tàu. Như vậy, tôi tên là Lý Thụy chớ không còn Nguyễn Ái Quốc nữa..."

 

Ở bên Tàu, Nguyễn Ái Quốc tập trung lại những người lưu vong và thành lập "Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội", với mục tiêu là khuynh đảo Đông Dương thuộc Pháp. Cầm đầu Tổng Bộ Thanh Niên, Nguyễn Ái Quốc lấy bí danh "Vương", đeo phù hiệu búa liềm của Nga trên ngực áo. Trước khi về Đông Dương hoạt động, ông Vương (Nguyễn Ái Quốc) bắt các đương sự phải long trọng tuyên thệ trước mộ Phạm Hồng Thái, trên đồi liệt sĩ Hoàng Hoa Cương.

 

Với sự đồng ý của Nguyễn Ái Quốc, Lâm Đức Thụ chụp hình, ghi tên họ, bí danh thậm chí tên họ cha mẹ của thành viên,... nên sau đó bị mật thám Tây bắt hết. Các đồng chí Thanh Niên tiết lộ rằng tại Nguyễn Ái Quốc nên gần 100 đoàn viên Thanh Niên đã bị liêm phóng Tây tóm cổ.

 

Khi mới đến Canton, Nguyễn Ái Quốc hoan hô sự hợp tác giữa cộng sản Trung Quốc với Quốc Dân Đảng, gọi đó là "chánh phủ cách mạng". Thực ra đó chỉ là thế lực tư sản Tàu, dưới quyền điều khiển của Tôn Dật Tiên và Tưởng Giới Thạch. Ngày 12.4.1927, quân đội Tưởng Giới Thạch đàn áp thợ thuyền nổi dậy ở Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc thấy rõ bản chất phản cách mạng của Quốc dân đảng nên vội vàng rời bỏ Canton trở lại Moscou.

 

Tháng 11 năm 1927, Komintern gởi Nguyễn Ái Quốc trở lại Paris để phối hợp với đảng cộng sản Pháp khuynh đảo Đông Dương. Sau đó, ông sang Thái Lan quy tụ những người Annam lưu vong và móc nối với hội Thanh niên ở Canton. Tháng 1 năm 1930, ông trở lại Hồng Kông kết hợp Thanh Niên, theo chỉ thị của Komintern. Ngày 3 tháng 2, 1930, ông tổ chức lại thành Đảng Cộng Sản Việt Nam, với chương trình "giải phóng dân tộc", chưa đá động gì tới quyền sở hữu và ruộng đất của giai cấp tư sản.

 

Komintern bác bỏ chương trình nầy và áp đặt chương trình khác, "theo đường lối đấu tranh giai cấp, cách mạng chống đế quốc và cách mạng nông nghiệp", và ra lịnh lấy tên khác cho đảng, Đảng Cộng Sản Đông Dương. Moscou cử Trần Phú, đệ tử cũ của Nguyễn Ái Quốc, làm Tổng Bí Thơ. Qua thơ gởi cho Komintern, Trần Phú xin cắt đứt giao dịch qua trung gian Nguyễn Ái Quốc vì ông nầy ưa chuyển chỉ thị của chính ông.

 

Trong nước, sau khi quân lính bổn xứ khởi nghĩa tháng 2 năm 1930 bị thất bại đẫm máu ở Yên Báy, do Việt Nam Quốc Dân Đảng kích động, ngày 1 tháng 5, 1930, Đảng cộng sản (không phải cánh Nguyễn Ái Quốc) tổ chức nông dân biểu tình chống thuế thân và lao dịch. Tây bắn giết giải tán. Tháng 9, phong trào chuyển sang nổi loạn, với việc hình thành các sô viết nông dân ở Bắc, tấn công đồn bót và ám sát công an. Chánh quyền thực dân ném bom, tàn sát, đốt phá xóm làng, dìm phong trào dưới biển máu.

 

Phong trào nông dân thất bại, phân chia Đảng Cộng Sản ra làm hai nhóm đối lập, một ở Bắc, một ở Nam. Họ chỉ trích ban chỉ đạo Đảng gồm toàn là trí thức và cán bộ do Moscou đào tạo nên có chiến lược chiến thuật không hợp thời. Phong trào nông dân 1930-1931 kết thúc với bản án tại Sài Gòn xử 21 người cộng sản Trotskiste ngày 1 tháng 5, 1933 sau đó ngày 3 tháng 5, xử 122 thành viên Đảng Cộng Sản phe Moscou, trong đó 8 người bị tử hình.

 

Tháng 6, 1931, cảnh sát Anh bắt giữ Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông về tội gián điệp cho Liên Xô. Ông khai tên Tống Văn Sơ, nói trại đi là "tớ vẫn sống" nhằm trấn an các đồng chí của ông. Bị nhốt ở nhà lao Victoria ở Hồng Kông. Trong tù, ông kết bạn với Già Lí, một tên cướp tàn bạo tuổi lục tuần. Dưới bút hiệu Trần Dân Tiên, qua quyển "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch" ông ghi: "Hai người bị bắt làm ông chú ý hơn cả: một em bé học nghề mười ba tuổi đã giết một em bé học nghề khác cùng tuổi với nó, vì em này sau khi đánh bạc thua đã ăn cắp của nó một đồng bạc,  và một tướng cướp già bị bắt vì bị bạn tố giác. Người này độ sáu mươi tuổi, hoà nhã, mưu trí, và gan góc, giỏi chữ Trung Quốc, làm được thơ. Y tự cho mình là một anh hùng và cho ông Nguyễn là một anh hùng. "Tôi là một con sư tử rơi xuống hố. Anh cũng là một con rồng mắc cạn". Y vừa nói vừa thở dài. Nhưng y rất lạc quan nói tiếp thêm: "Sư tử một ngày kia sẽ trở về làm chúa sơn lâm còn rồng một ngày kia sẽ bay lên trời và làm chúa tể gió mây". Vì vậy nên khi đã trở thành Hồ Chí Minh, ông lấy đó làm lời nói tiên tri về số phận vĩ đại của ông. Tống Văn Sơ rời nhà tù Hồng Mao đầu năm 1933.

 

Đầu hè 1934, Nguyễn Ái Quốc trở qua Moscou và ở lại tới năm 1938. Dưới tên gọi Line hay Linov, ông theo học ngành cán bộ ở trường Lê Nin đến 1936, rồi Viện Nghiên Cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa đến 1938. Ông dạy tại đại học Lao Động Đông Phương.

 

Thời kỳ nầy, Moscou đang bị chiến dịch khủng bố phe Bolshevick và đàn áp nông dân của Staline tung hoành. Staline đưa hàng trăm người cộng sản mà đương sự không ưa vào các trại tập trung. Sau mười năm vắng mặt, Nguyễn Ái Quốc trở lại Moscou trong bầu không khí tràn ngập máu đỏ và nỗi sợ hãi.

 

Từ 1935, Đảng Cộng Sản Đông Dương, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh theo gót Đảng Cộng Sản Pháp, ủng hộ trắng trợn nhà nước thực dân, bảo vệ Đông Pháp trước hiểm họa Nhựt Bổn. Đảng Cộng Sản Đông Dương còn thôi thúc dân mua 33 triệu đồng trái phiếu chiến tranh và chấp thuận bắt thêm 20.000 lính bổn xứ.

 

Tháng 7, 1935, Nguyễn Ái Quốc dự Đại Hội VII Komintern tại Moscou, với tư cách cố vấn phái đoàn Đảng Cộng Sản Đông Dương do Lê Hồng Phong cầm đầu. Đại Hội không đề cập gì đến việc thủ tiêu tư bản chủ nghĩa mà cũng không nói gì chuyện các đảng cộng sản cướp chánh quyền. Đường hướng mới là liên hiệp với các đảng tư bản trong các mặt trận bình dân để "bảo vệ nền dân chủ chống lại Phát Xít." Đại Hội VII tôn vinh Staline lên "chủ tướng, lãnh tụ của vô sản" và kết tội phe "Bạch Vệ" Trotski, Zinoviev,... Komintern chỉ định Lê Hồng Phong làm Tổng Bí Thơ Đảng Cộng Sản Đông Dương.

 

Từ Moscou, Nguyễn Ái Quốc chào mừng sự thành công của Mặt Trận Bình Dân ở Pháp và những việc làm của nó đối với Đông Dương, như đôi chút tự do ở thuộc địa, thả một mớ tù chánh trị, báo chí tiến bộ được phép xuất bản... Nhưng thực tế thì chẳng thấy gì, dân thuộc địa làm gì được tự do, báo chí chữ Việt vẫn phải xin phép, ký giả bị nghi là có ý khuynh đảo dễ bị đi tù. Thành ra Nguyễn Ái Quốc chỉ lạc quan tếu.

 

Qua thời kỳ thanh trừng ở Moscou, ngày 6 tháng 6, 1938, Nguyễn Ái Quốc viết thơ gởi Komintern: "Thưa các đồng chí, hôm nay là kỷ niệm thứ 7 ngày tôi bị bắt giam tại Hồng Kông. Mà cũng là bắt đầu năm thứ 8 tôi ăn không ngồi rồi. Nhơn dịp này, tôi xin đệ đơn nầy lên yêu cầu các đồng chí chấm dứt cho tôi tình cảnh đau khổ này. Xin gởi tôi đi bất cứ đâu. Hay giữ tôi lại đây. Muốn làm gì tôi thì làm, miễn là có ích cho các đồng chí. Điều tôi yêu cầu là đừng để tôi ở không lâu quá và đừng bỏ rơi tôi, tách tôi rời khỏi đảng!" Động lòng, đồng chí Vassilieva đưa Nguyễn Ái Quốc trở lại Việt Nam, đầu tháng 10, 1938. Nhưng ông lại sang Tàu.

 

Mùa thu 1938, Nguyễn Ái Quốc gặp Mao Trạch Đông ở Tổng Hành Dinh Yên An. Trở qua Quảng Tây, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đệ Bát Lộ Quân, phụ trách nghe ngóng tin tức quốc tế. Ông điên tiết lên khi thấy phe Trotskiste thắng thế trong cuộc bầu cử Hội đồng thuộc địa hồi tháng 4, 1939. Ngày 10 tháng 5, 1939, ông viết thơ gởi các "đồng chí yêu mến" của ông ở Hà Nội, những bức thơ tràn đầy lời lẽ tức giận và vu khống bọn Trotskiste Tàu, theo luận điệu tuyên truyền hãm hại của Vụ Án Moscou.

 

Tháng 7, 1939, trong một phúc trình gởi Komintern, Nguyễn Ái Quốc viết rằng: "Bằng mọi cách phải vạch mặt bọn Trotskiste để thấy rõ bọn chúng là tai sai của Fát-Xít, nên cần phải tiêu diệt chúng về mặt chánh trị." Như là một lời kêu gọi tàn sát, trước khi nắm được chánh quyền hồi 1945.

 

Học đòi Mao Trạch Đông, tháng 5, 1941 Nguyễn Ái Quốc dựng lên cái gọi là "Việt Nam Độc Lập Đồng Minh", kêu tắt là Việt Minh. Ông tập hợp các cấp lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Đông Dương lưu vong bên Tàu về Pắc Bó, vùng biên giới Trung Hoa miệt Bắc Cao Bằng, để thành lập liên minh, kêu gọi nhơn dân đấu tranh bên cạnh những thế lực đồng minh.

 

Nguyễn Ái Quốc định cướp chánh quyền bằng một cuộc chiến tranh nông dân. Việt Minh triển khai các toán quân du kích ở Việt Bắc (Thượng Du Bắc Kỳ) và áp đặt chủ quyền tại mỗi vùng giải phóng. Và chừng nào hoàn thành được như vậy Nguyễn Ái Quốc sẽ cướp chánh quyền trên toàn quốc.

 

Dưới bút danh ngụy tạo Trần Dân Tiên, Nguyễn Ái Quốc có viết: "Đồng minh gần nhất và có quan hệ nhất đến việc chống Nhật là Trung Quốc. Vì vậy, phải tìm đến Trung Quốc." Điểm đáng chú ý là ở đây, ông lờ đi một cách kín đáo danh tánh Tưởng Giới Thạch, người đã tàn sát thợ thuyền ở Shanghai và Canton hồi 1927, mà cũng là người mà ông ước ao được liên minh.

 

Ở một đoạn khác, ông viết tiếp: "Trong những người cách mạng ở Việt Nam, ông Nguyễn là người hiểu biết về Trung Quốc và người Trung Quốc hơn hết. Vì vậy mọi người đồng thanh cử ông Nguyễn đi Trung Quốc. Đi bộ đến Trùng Khánh không phải là một việc dễ dàng. Nhưng ông Nguyễn nhận lời ra đi. Để đánh lạc hướng bọn mật thám, ông Nguyễn lấy tên là Hồ Chí Minh. Và từ đó, người ta gọi ông Nguyễn là Cụ Hồ."

 

Đó là lý do tại sao Nguyễn Ái Quốc lại có tên Hồ Chí Minh. Dưới bí danh mới nầy, trên đường đi Trùng Khánh, sau mười đêm và năm ngày, chưa kịp nghỉ chưn thì bị Tàu bắt khoảng tháng 8, 1942. Họ nhốt ông vào nhà giam ở Liễu Châu, dưới quyền kiểm soát của Tướng Trương Phát Khuê, quân quản Quảng Tây.

 

Tháng 4 năm 1944, định cho quân Tàu xâm nhập nước Việt để đánh Nhựt, Tướng Khuê triệu tập Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (Việt Cách), dưới sự che chở của ông, dự một phiên họp tại Liễu Châu. Tướng Khuê cho phép tên tù của ông là Hồ Chí Minh dự phiên họp vì biết rằng họ Hồ có lắm tin tức hay.

 

Một chánh phủ lâm thời được hình thành, dĩ nhiên trong đó có Hồ Chí Minh. Tướng Khuê đào tạo quân Việt Cách với ý đồ sẽ cho họ làm lực lượng bổ xung. Sau 14 tháng ở tù, Hồ Chí Minh được tha và được Tướng Trương Phát Khuê thương tình cho phép về Việt Nam. Ông đi Pắc Bó tháng 8 năm 1944, tổng hành dinh của Việt Minh.

 

Không được Tưởng Giới Thạch chi viện, Hồ Chí Minh đi Côn Minh hy vọng được đồng minh Huê Kỳ giúp đỡ. Ông xin tiếp xúc với Tướng Claire L. Chennault, trưởng lưới OSS (Office of Stratégic Service). Hồ Chí Minh đề nghị Việt Minh đưa tin và cứu hộ phi công Mỹ bị rơi trong rừng, đổi lấy súng đạn và việc huấn luyện viên Mỹ đào tạo quân du kích. Trong công tác nầy, Hồ Chí Minh mang bí danh "Lucius".

 

Nhờ chạy chọt và tiêu lòn như vậy, du kích Việt Minh được trang bị súng ống để trở thành một lực lượng võ trang có thớ. Hạ mình như vậy trước uy thế của Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ, Hồ Chí Minh khó vỗ ngực để hứa hẹn với người Việt Nam cùng khổ những ngày mai đầy tiếng hoan ca. Vậy mà, thời thế tạo anh hùng, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh vẫn tuyên bố Việt Nam độc lập.

 

Dưới bút hiệu Trần Dân Tiên, ông đã viết: "Người ta đến các cửa hàng tìm kiếm. Cuối cùng người ta tìm thấy một bộ quần áo ka ki và đôi dép cao su cho Hồ Chủ tịch. Ăn mặc như thế, Chủ tịch ra mắt đồng bào. Một vị Chủ tịch đã trăm lần thay đổi tên, làm mười hai nghề khác nhau, bị tù nhiều lần, một lần bị kết án tử hình, một lần có tin là chết – nhân dân chờ đợi được thấy, không những là vị Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hoà mới, mà còn là một vị Chủ tịch khác thường." Rốt lại thì cũng là một loại vua theo chuyện cổ tích của Hans Christian Andersen, khi có một cậu bé dám nói lên sự thật: "Nhưng ông ấy đâu có quần áo gì đâu!", nghĩa là một chủ tịch nước trần truồng!

 

Qua một thời gian khá lâu dài, từ ngày "Anh Ba" xuống tàu làm bồi đi Tây (5.6.1911) chí đến khi "Cụ Hồ" đọc tuyên ngôn độc lập (2.9.1945), người ta thấy ông tung tăng bay nhảy khắp nơi để gọi là cứu nước. Trong quá trình ấy, thiên hạ cũng nhiều phen thấy rõ tài xin xỏ, bon chen, kèn cựa, hất người này, đạp kẻ kia để đạt được mục đích yêu cầu bản thân. Thậm chí, Nguyễn Ái Quốc còn mượn bút hiệu để tự thuật đời mình, theo chiều hướng có lợi bản thân, chẳng chút nào trơ trẽn. Nhưng, cái khôn khéo của ông là biết làm cho mình trở thành bực thánh thiện trong "tôn giáo nhà nước".

 

Hết bài 1 -  xem tiếp bài 2

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.