.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

 
Trước đèn đọc sách:

Điệu sáo chướng tai

4.

Ngày 30.4.1975, quân Bắc Việt tiến vào thành phố Sài Gòn như là một đạo quân xâm lược. Bọn đầu sỏ Hà Nội sẽ áp đặt ở phía Nam một chế độ gọi là xã hội chủ nghĩa thi hành tại miền Bắc từ 1954. Chế độ hộ khẩu kiểm soát gắt gao quần chúng nhơn dân từ thành phố đến tận hang cùng ngõ hẻm thôn ấp xa xôi. Hà Nội phân chia Sài Gòn - cải danh là thành phố Hồ Chí Minh, rập khuôn theo kiểu đặt tên thành phố của quan thầy cộng sản Nga - làm quận, chia ra phường, rồi xuống khóm tập họp một số nóc gia.

 

Cấu trúc cơ sở là tổ dân phố gồm có một số gia đình, đứng đầu là tổ trưởng, thường là cán bộ từ Bắc vô. Phụ tá tổ trưởng có 2 công an, có nhiệm vụ theo sát dân tình vì bộ phận nầy nắm chặt sơ yếu lý lịch của các người trong tổ. Hơn nữa, thành viên trong tổ còn có nhiệm vụ theo dõi lẫn nhau, tố qua tố lại. Họ phải báo cáo lên tổ trưởng bất kỳ động tĩnh nào trong chòm xóm láng giềng, mọi di chuyển, mọi người lạ mặt từ đâu đến. Thành thử ra liên hệ chòm xóm láng giềng không còn có nghĩa là "nhứt cận thân, nhì cận lân".

 

Nhà nước coi trí thức, văn thi sĩ, nghệ sĩ, thành phần quốc gia cũ, những người đi đạo Phật, đạo Chúa cũng như Cao Đài, Hòa Hảo, đều là thành phần nguy hiểm, tay sai của kẻ thù. Nhà cầm quyền mới lên gọi những quân nhơn, cảnh sát, công chức chế độ cũ là "ngụy quân, ngụy quyền". Họ xếp sĩ quan, nhơn viên an ninh, phản gián, tâm lý chiến và chiêu hồi – kháng chiến MTGP quy hàng Nam Việt Nam – vào loại "ác ôn côn đồ". Những nhà kinh doanh công nghiệp và thương mại bị xếp vào loại tư sản. Ai chống đối lại đều bị coi là phản động hay phản cách mạng.

 

Ngoài chuyện hộ khẩu khắt khe ra, chánh quyền còn mở các cuộc hành quân càn quét, lục xét, khám nhà khắp nơi ở vùng mới chiếm. Ở Sài Gòn, những nhà tù trước kia không còn đủ chỗ để nhốt người bị coi là "phạm nhơn", vì người ta lùng bắt ồ ạt. Nhà nước lấy khách sạn, rạp hát, trại lính, thậm chí lấy cả cô nhi viện làm nơi giam giữ. Sau khi thanh lọc, người ta đưa một mớ vào các trại tập trung cải tạo. Chế độ trại giam lần hồi mở rộng ra trên khắp nơi trong nước. Toàn quốc là một nhà giam khổng lồ.

 

Tháng 5 năm 1975, Ủy Ban Quân Quản Thành Phố ra lịnh cho quân nhơn, cảnh sát và công chức chế độ cũ phải trình diện theo một khóa "học tập chánh trị". Thời gian kéo dài 3 ngày cho binh sĩ, 10 ngày cho hạ sĩ quan. Còn sĩ quan và công chức từ chánh sự vụ trở lên thì không có thời hạn, mà chỉ khuyên đem theo đồ dùng cho một tháng. Ăn uống có nhà thầu cung cấp. Nghe thật hấp dẫn, giống như đi học thiệt tình, chớ không phải đi tù. Việt Cộng lúc nào cũng nhiều thủ đoạn, họ sợ nói thiệt người ta sẽ lẫn trốn, không đi trình diện.

 

Thời gian trình diện đâu cũng được vài ba ngày. Trình diện tại các trường học hoặc trung tâm nội trú đại học bỏ trống. Mấy đêm chờ đợi, "thí sinh học tập cải tạo" được các nhà hàng của thành phố dọn ăn hậu hĩ, đúng như thông cáo đã rao. Sau đó truyền hình còn làm phóng sự "khóa sinh" ăn uống vui vẻ, có tướng nầy tướng nọ đã trình diện. Toàn là tuyên truyền tâm lý chiến để lùa thiên hạ vô bẫy. Đêm chủ nhựt cuối thời hạn trình diện, các chú "Ba Tàu" dọn ăn rỉ tai cho biết là đêm nay mấy ông sẽ được đưa đi nơi khác, chẳng biết đi đâu.

 

Y như rằng, nửa đêm giờ tý canh ba, mấy tiếng súng AK nổ vang, phá tan không khí đã im tiếng võ khí gần tháng qua. Bộ đội có mặt khắp nơi trong hành lang, quát tháo lịnh lạc đánh thức và ra lịnh tập trung "khẩn trương". Rồi từng toán, từng toán họ bị lùa lên xe tải quân đội đậu dài trên đường. Rồi lại những tiếng súng hiệu lịnh cho đoàn xe chuyển bánh chạy quanh co trong thành phố vắng người, không biết để đánh lạc hướng ai, rồi cuối cùng hướng ra xa lộ Biên Hòa.

 

Mười ngày sau, biệt vô âm tín của thân nhơn, vợ con của "khóa sinh" tập họp trước dinh thự nhà nước, muốn biết tin tức của chồng, con ,anh, em... Công an sử dụng biện pháp mạnh để giải tán. Trong khi đó các "cải tạo viên" được đưa đi đầu nầy đầu kia qua các trại lính cũ hay qua các cô nhi viện bỏ trống. Chỉ hơn một tháng bỏ hoang thôi mà có những nơi cỏ voi lên cao khỏi đầu người.

 

Người cải tạo không được phép "liên hệ" trại nầy với trại kia, không được gặp gở nhau "liên hệ linh tinh". Sinh hoạt trong trại được điều hành qua tiếng kẻng, là tiếng dùi sắt đánh vào vỏ bom, vào niền xe hơi, vào thanh sắt,... Một phát minh mới lạ của Việt Cộng đối với người Sài Gòn vì chưa từng sống trong rừng.

 

Tù cải tạo phải tự tay xây cất thêm những ngôi nhà cần thiết cho sinh hoạt của chính mình, như hội trường để học tập đông người. Họ thâu lượm trên hiện trường bất cứ thứ gì cần thiết cho công việc làm. Ngoại trừ những dụng cụ "hiện đại" như dao, búa đẽo, cưa, những thứ khác thì họ được lịnh "khắc phục", nghĩa là làm sao được thì thôi.

 

Tù luân phiên nhau, hết tổ nầy đến tổ khác, nấu bếp cho cả trại. Trại nào đông người thì làm hai hoặc ba bếp. Chuyện làm bếp thì cũng đơn giản thôi vì chủ yếu chỉ có cơm và chút rau luộc. Gạo và thức ăn thì "hậu cần" của trại phát ra hằng ngày, tù liên hệ khiêng về nấu nướng. Nhà bếp có khâu nhận lương thực thực phẩm, khâu nấu nướng, khâu lấy và vận chuyển nước giếng, khâu lấy chất đốt. Khâu nầy phải đi rừng lấy củi.

 

Gần mấy tháng trời đi tù cải tạo không thấy "học tập" đâu hết, chỉ có lao động cật lực, làm những chuyện tạp nhạp linh tinh, đập đá, dọn đường, phát quang,... Nghe thông cáo của Ủy Ban Quân Quản biểu đem đồ đủ xài trong một tháng tù cứ suy diễn là học tập một tháng nên cứ ngây thơ đủ một tháng là thấp tha thấp thỏm. Bị cộng sản lường gạt dài dài! Rồi cũng tới ngày "lên lớp" học "chánh trị", qua tám bài. Ngày "mở lớp" rất là trịnh trọng. Cán bộ trung ương về trại khá đông, có mặt đông đủ trong buổi học đầu tiên. Học những gì, học về đế quốc, về đế quốc Mỹ, về ngụy quyền, về chiến thắng lớn của Đảng và nhơn dân ta, về truyền thống dân tộc ta, về chánh sách khoan hồng nhơn đạo của Đảng và nhà nước, về bổn phận người có tội và về lao động là vinh quang.

 

Nhưng trước hết, mỗi tù cải tạo phải "động não" (suy nghĩ) mà viết ra bản "sơ yếu lý lịch", kể rõ nguồn gốc, liên hệ gia đình, bà con thân sơ, bên nội bên ngoại, bên vợ bên chồng, liên hệ bạn bè, liên hệ đồng sự đồng nghiệp,... Trại cho hai ba buổi để nạo óc viết ra cho hết. Nhưng biết sao vừa ý cán bộ, vì cán bộ cai tù xem qua rồi cứ nói là chưa đủ phải viết thêm.

 

Một sáng tháng 4 năm 1976, thay vì tập họp đi lao động thì cả trại được nghe "trực tiếp truyền thanh" phiên xử một tù cải tạo dự định trốn trại. Số là anh X đi rừng lấy củi, chui thơ cho một bác tiều phu hẹn với vợ để trốn trại. Thơ đó an ninh trại bắt được nên X bị đưa ra "phiên tòa" của trại xét xử. Loa loan báo tội trạng xong thì người ta nghe một loạt súng nổ. Tù cải tạo tội nhơn kia có thật hay không và có xử bắn thật hay không chỉ có trời biết. Hay là một trò dằn mặt?

 

Ở trại Suối Máu (Biên Hòa), một phiên tòa cũng đã được thành hình để xử một anh tù bị cho là trốn trại. Lần nầy có tù cải tạo được triệu tập để dự phiên xử. Phiên xử được truyền thanh qua loa cho cả trại nghe. Hôm đó toàn trại được nghỉ lao động để dự thính. Các quan tuyên án xong, lịnh cho tù khán giả ra về, sau đó có nghe tiếng súng nhưng có người chết hay không thì không biết.

 

Miền Nam lúc đó có khoảng trên 40 trại. Sau một thời gian, phần lớn tù cải tạo được chuyển tập trung về trại Suối Máu (Biên Hòa, gần nhà thương điên). Năm 1975, trại nầy quy tụ lối 5.000 người, chờ đi ra miền Bắc. Phần lớn người ta dùng tàu chở ra tới Vinh rồi từ Vinh ra miền Thượng Du Bắc Việt bằng xe lửa và xe tải. Những tù cải tạo cấp tướng và đại tá cũ thì đi bằng máy bay C-130 lấy của Không Quân VNCH và cũng do toán lái của Không Quân cũ. Nghe nói sau khi huấn luyện kíp lái cộng sản xong rồi mấy anh em đoàn viên VNCH cũ lại phải khăn gói lên đường học tập.

 

Ra tới miền Bắc rồi, tù cải tạo được phân phối đi nhiều trại trong vùng rừng núi, dưới sự quản chế của bộ đội. Đa số ở trại nhà lá do tù xây cất lần hồi. Sợ tù nghiên cứu địa thế rồi trốn trại nên lâu lâu cứ cho chuyển trại. Như vậy, đoàn coi tù cũng được lợi là có nhơn công xây dựng thêm nhà cửa, mở mang thêm đất trồng trọt. Việc canh gác tù cũng nhẹ, vì giữa núi rừng khó trốn trại. Một tổ tù cải tạo lối 20 người chỉ cần một tên bộ đội với súng AK.

 

Mỗi trại có nhiều ngành sinh hoạt. Nào đan lát, làm mộc, làm rèn, canh tác trồng rau xanh để tù cũng như cán bộ ăn, đi rừng đốn cây, lấy củi, đào ao đắp đập, thợ xẻ cưa gỗ rừng lấy ván,... Tổ "anh nuôi" chuyên việc nấu ăn và nấu nước uống phát cho tù vì không thể uống thẳng nước giếng.

 

Đứng đầu mỗi tổ là tổ trưởng, cũng là tù do cán bộ quản giáo chỉ định, có nhiệm vụ điểm danh anh em tù rồi báo cáo lại cán bộ trước khi đi lao động, và sau khi lao động trong rừng kéo về trại. Mỗi tối, anh tổ trưởng chủ trì sinh hoạt tổ, kiểm điểm, phê và tự phê về sinh hoạt trong ngày, nhận công tác từ cán bộ cho ngày hôm sau rồi phân chia lại anh em trong tổ. Qua tổ trưởng, nhiều khi cán bộ quản giáo còn truy hỏi tinh thần các tổ viên. Cho nên, anh tổ trưởng nào quá "tích cực" thì bị anh em trong tổ cho là "antenne", là "chó săn" hay là người tố giác.

 

Tiền mặt, đồng hồ, nhẫn vàng, viết máy, "cái đài" (radio cầm tay), thánh giá đeo cổ, tượng Phật mặt giây chuyền, đều phải "đăng ký" trại, chớ tù không có quyền giữ. Áo quần dân sự cũng vậy. Trại phát cho quần áo tù màu nâu, màu xanh dương, màu xanh có sọc trắng,... Nhưng vải thì mỏng te, đâu chịu nổi mồ hôi và lao động nặng nên tù phải vá víu trông thảm thương. Khi tù phải có sáng kiến lấy bao bố hay bao đựng cát của "Mỹ ngụy" mà may quần áo thì bị cán bộ phê phán là "bêu xấu" chế độ!

 

Thuốc men đem theo bị trại bắt phải tập trung, đưa cán bộ cất giử khi cần phải xin để uống. Có những trường hợp khẩn cấp như những người lên cơn suyễn cấp tính nửa đêm thì đành chịu. Như vậy, có khi phải phá giấc ngủ toàn trại mà đôi khi cũng chẳng tới đâu. Trong trại thường có một anh tù được chỉ định làm y vụ, một thứ tay sai của cán bộ "bác sĩ". Có anh quá tích cực, không biết tốt nghiệp ngành dược hồi nào mà bày cho tù cải tạo ăn cám heo để trị bịnh thũng, ăn bò cạp, ăn trùng đất nướng để trị bịnh rét? Đi tù cải tạo là cả một thảm kịch, khóc không đổ lệ mà cười ra nước mắt!

 

Năm 1976, trước khi phát động chiến dịch thanh lọc văn nghệ sĩ và nhà báo phản động miền Nam, Cục Bảo Vệ Văn Hóa mở chiến dịch bài trừ văn hóa đồi trụy và nhạc vàng (nhạc miền Nam). Ở Sài Gòn, những "nhà cách mạng 30" họp nhau lại dưới sự cổ võ của một cán bộ miền Bắc, kéo xe ba gác đi khắp đường phố, vô các tiệm sách, tiệm bán dĩa hát, vô từng nhà tư nhơn, tịch thâu ấn phẩm, sách, báo, tranh, hình, băng dĩa nhạc, nhưng không biết đem đi đâu? Cũng có vài trường họp tổ chức đốt công khai những thứ đó. Lại một trò "phần thư khanh nho" như thời Tần Thủy Hoàng bên Tàu. Nhưng, cộng sản Việt Nam mới tàn nhẫn chỉ nửa bưóc vì họ mới đốt sách, chưa chôn sống học trò. Chiến dịch nầy kéo dài cả tháng.

 

Đầu tháng 4 năm 1976, cộng sản bắt đầu trấn áp mấy trăm văn thơ nghệ sĩ và nhà báo. Trong số nầy, có chừng mươi người bị họ đặc biệt chĩa mũi dùi vào và coi như là ác ôn nhứt. Tài liệu "Biệt kích văn hóa" của Trần Văn Giàu và đồng bọn vạch mặt chỉ tên Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Võ phiến, Nhã ca, Duyên Anh,... Hồ Hữu Tường bị bắt giam năm 1975, đến năm 1980 ra trại thì chết. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương bị bắt năm 1976, ốm đau bịnh hoạn trong trại tù, được thả ra năm đó rồi cũng trút hơi thở cuối cùng với 61 tuổi đời.

 

Một đêm, công an lần lượt đột nhập vô nhà Chu Văn Bình, Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn, Nhã Ca và Trần Dạ Từ và bắt đem đi. Nhưng làm gì còn Chu Văn Bình mà bắt vì ông nầy đã bị giết chết ngày 30.4.75, trong chuyến di tản trên sông Sài Gòn. Như vậy không có cha thì con thế, cộng sản tóm con gái của ông là Chu Vị Thủy, cùng với chồng là Đằng Giao và đứa con về tội "hoạt động văn hóa thù nghịch với nhơn dân".

 

Trường hợp của Nhã Ca thiệt chán ngấy cho những chữ "nhơn tình éo le" trên cõi đời nầy. Thời VNCH bà là cây bút nổi danh, có nhiều sách xuất bản. Trong số đó bà lên án chiến tranh, tố tham nhũng, đả phá văn hóa xã hội miền Nam suy đồi vì chạy theo Mỹ. Nên chi tác phẩm của bà bị cấm. Một tạp chí văn học miền Bắc lúc đó công nhận bà có óc "tiến bộ". "Giải phóng" miền Nam rồi, cộng sản cho bà là phản động, là "biệt kích văn hoá". Đúng là cái lưỡi không xương.

 

Trong tác phẩm "Giải khăn sô cho Huế" bà có thuật chuyện ông Võ Thành Minh, người thổi sáo bên hồ Léman hồi hội nghị Genève năm 1954:

 

"Một toán ba tên bộ đội, tay súng AK nói với lão già:

"À, còn cụ. Xin mời cụ đi gặp cấp chỉ huy chúng tôi."
"Cấp chỉ huy mô?"
"Cấp chỉ huy vùng nầy. Tôi chỉ là tổ trưởng của nhóm ba anh em chúng tôi canh gác quanh khu vực nhà nầy."
"Rứa hỉ!"
"Cụ đi với chúng tôi. Xin cụ mang theo mười lăm lon gạo."
"Ðem gạo mần chi rứa?"
"Ðem gạo để ăn. Học tập trong ba hôm rồi về."
"Cái chi mà phải học với tập?"
"Lấy cái bị hay cái túi mà đựng gạo. Ðem theo dư ra càng tốt."
"Họp chi mới được chớ?"
"Học tập, đã nói là học tập mà. Mời ông đi theo."
"Tao không đi."
"Giọng chắc nịch bất ngờ của ông Minh làm tôi chưng hửng. Chắc từ hôm quân giải phóng tới "Huế tới giờ chưa ai dám nói một câu như thế. Tôi thầm lo cho tính mệnh ông. Thấy không ai "để ý đến chiếc hầm nầy nữa, tôi rời khỏi cái ngách nhỏ, ngồi tựa vào thành hầm. Tôi không "nhìn rõ mặt tên tổ trưởng nhưng tôi nghe được tiếng hắn cười gằn."
"Ông làm chi cho địch?"
"Ðịch nào?"
"Mỹ Ngụy."
"Giọng ông Võ Thành Minh ngạo nghễ:
"Nói gì tầm bậy vậy! Tao mà theo Mỹ, mi về hỏi ông Hồ Chí Minh nhà mi đã dám nói với tao "giọng đó chưa. Tao không đi nghe không. Muốn mời tao họp phải có giấy Hồ chủ tịch chớ cái "mặt trận giải phóng của tụi bây mà ăn nhằm gì. Tụi bây biết tao là ai không?"

"Có lẽ tên tổ trưởng nể ông già gân thật, tôi không nghe hắn nói thêm gì hết. Một giọng khác đỡ "lời:
"Bác đi theo chúng cháu tới gặp cấp chỉ huy. Gần đây là bộ chỉ huy mà bác."
"Như sực nhớ tới hoàn cảnh, Trúc nín bặt. Oanh kể cho tôi nghe chuyện ông Minh. Nó nói:
"Khi em lên em thấy ôn thắp đèn đánh máy. Ôn viết thư gửi ông Hồ Chí Minh, gửi tổng thống Mỹ, yêu cầu ngưng chiến. Ôn viết : Nhà thờ Phan tiên sinh ngày... tháng... năm... Khi tôi viết thư nầy gửi tới các ông thì trên đầu tôi máy bay rền rĩ, súng đạn gầm thét long trời lở đất, thành phố Huế chìm trong tiếng khóc than oán hận... Ôn viết rồi ôn xé, ôn đọc cho em nghe, ôn nói ôn kêu gọi cả thế giới nữa..."

 

* * *

 

Năm 1975, ngay khi chế độ do Mỹ ủng hộ bị tan rã ở miền Nam, người hùng của Hà Nội, Lê Đức Thọ, chỉ định người em của ông là Mai Chí Thọ - trong dịp nầy được thăng cấp tướng công an - phải chiếm cho được những vị trí hàng đầu trong chánh quyền Sài Gòn. Anh muốn thì em làm, bất chấp những ước muốn của cán bộ địa phương thuộc MTGP.

 

Đỗ Mười, Ủy Viên Bộ Chánh Trị, lãnh phần mở chiến dịch cải tạo tư sản, là thành phần bị coi như ăn nên làm ra nhờ chi viện Mỹ, nhờ lợi lộc chiến tranh, nhờ thương mãi và kỹ nghệ. Bây giờ phải đưa họ trở vào "đường ngay nẻo chánh" của đường hướng "cải tạo xã hội chủ nghĩa". Ở Sài Gòn, nhà nước tổ chức 11 nhóm hành động, gồm có bộ đội với công an kiểm soát các phần tử có "máu mặt" và kiểm kê tài sản của họ.

 

Giới tư sản bị "đánh", bị tịch thu của cải vốn liếng "được" cho ở lại làm nhơn viên tại cơ sở của mình, nay đã được tập thể hóa. Còn những loại tư sản khác thì tiền bạc, vòng vàng bị tịch thâu, nhà cửa bị trưng dụng để làm chỗ ở cho lũ cán bộ từ Bắc vô Nam (trong những năm 1975-1979, đã có 500.000 cán bộ ngoài Bắc vào Nam). Phần đông những nạn nhơn bị chiến dịch chống "tư sản mại bản" đánh đều bị đày đi khu "kinh tế mới" để làm cho "sỏi đá cũng thành cơm" như thơ Tố Hữu đã nói. Nhưng họ đâu có cái tài biến hóa như Tố Hữu nên họ đành làm "thuyền nhơn" để di tản sang vùng trời tự do văn minh mà trở thành "khúc ruột ngàn dậm" để nhà nước cộng sản muối mặt o bế trở lại.

 

Trong Chợ Lớn - thành phố tỉ muội với Sài Gòn, một thành phố tương đối sầm uất của người Hoa - chiến dịch làm được một mẻ khá to vì ở đó là ổ "má chính" (compradore), lắm bạc nhiều vàng, và sào huyệt của các con buôn, của những nhà thương mại lớn, tiền vô như nước, bạc vào chẳng khác nào thác đổ trên cao. Như vậy là, chiến lợi phẩm, thiên hạ nộp cho trung ương một, còn dính tay dính túi phần còn lại. Làm bánh đâu có cách nào cho bột khỏi dính tay?

 

Ở miền Bắc, chánh quyền Hà Nội cũng trục xuất những thợ mỏ người Hoa của mỏ than Quảng Ninh, dân chài người Tàu trong vùng Vịnh Bắc Việt và những "khách trú" làm nghề gốm ở Mong Cái. Ngay những Đảng viên gốc Trung Quốc cũng không thoát khỏi nạn trù dập. Đó là hậu quả của sự tuyệt giao giữa Bắc Kinh và Hà Nội, sau khi Mao Trạch Đông bắt tay "hữu hảo" với Nixon, mà nhơn vật "Tứ đại" (bốn cái "vĩ đại": Người thầy vĩ đại, Lãnh tụ vĩ đại, Thống soái vĩ đại, Người cầm lái vĩ đại) đã mời tới hoàng cung của mình hồi 1972, trong khi Hà Nội đương đánh nhau với Mỹ.

 

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn cũ, các "quan to màu đỏ" thay thế những tên tư sản bị truất phế, cầm đầu các xí nghiệp bị đưa vào hợp tác xã. Bọn đầu sỏ nầy phải sống kham khổ ngoài Bắc vì nền kinh tế chiến tranh. Nay vào thành phố mang tên bác của họ, được vinh thân phì da, nhờ đâu, nếu không biết và không chịu tham ô nhũng lạm và vơ vét, mà cứ "cần kiệm liêm chính" theo tư tưởng của Bác.

 

Đất nước rơi vào một thời hỗn mang kinh tế vô tiền khoáng hậu. Mở màn là thảm kịch "thuyền nhơn". Hàng ngàn, hàng ngàn người chạy ra biển, thử thời vận, nhảy vào khoảng không, nhảy đại vào cửa tử, với hy vọng đến được bên kia bến bờ mà họ hy vọng là ít khắc nghiệt hơn. Vì họ thường tâm niệm rằng "cột đèn mà có chưn, nó cũng đi", huống hồ gì mình là con người có óc, biết suy nghĩ. Và họ tự nhủ "thà chết cũng sướng hơn sống với bọn cộng sản". Phần lớn họ chết ở biển khơi, bị chìm tàu, bị cướp biển giết chết, hãm hiếp. Ai bị bắt trở lại thì công an tước lột tất cả, cho vào tù hoặc đưa đi cải tạo, công an lại được đút lót chạy chọt.

 

Có nhu cầu là có phương cách. Mai Chí Thọ, chúa tể công an phía Nam, rồi Bí Thơ Thành Ủy Hồ Chí Minh, bày ra "Phương Án B", một chương trình móc ngoặc mật kín để hốt những cây vàng của ai muốn vượt biên. Có người phải mất đôi ba "cây" (lượng) vàng, có kẻ mất cả chục. Được sự ưng ý của công an, họ đóng tàu tổ chức chuyến đi hay qua trung gian những người Hoa phối họp với công an. Công an cấp chứng minh nhơn dân với họ tên "ba tàu" ngụy tạo, khi ra khơi rồi thì vứt đi.

 

Thời bấy giờ, Mười Vân là cán bộ chủ chốt từ Bắc vô làm Giám Đốc công an Tỉnh Đồng Nai quán xuyến chuyện đi chui. Trước khi đi, người vượt biên phải lột hết vàng, bạc, châu báu, nhẫn, nữ trang, đồng hồ bỏ lại hết. Về lâu về dài, chuyện làm ăn của y bị lộ nên Mười Vân lãnh án tử hình và bị đưa ra pháp trường. Hình phạt của Mười Vân là một cuộc thanh toán kiểu "mafia nhà nước" vì ăn chia không đồng đều. Cho mình thì "phần sư tử" kết xù, còn thượng cấp thì phần nào thôi.

 

Chiến dịch "Cải tạo tư sản nông thôn" được phát động trong những năm 1978-1979 quyết định số phận của nông dân phía Nam. Theo tuyên bố của nhà nước thì ruộng đất tịch thu của địa chủ, của phú nông phải được đem ra phân chia cho bần nông và bần cố nông. Vậy mà, cán bộ Đảng thừa cơ chiếm lấy ruộng đất ngon lành cho mình và cho gia đình mình. Lũ chiếm đoạt của người đó trở thành bọn cường hào ác bá ở nông thôn.

 

Hai năm sau chiến dịch phân chia ruộng đất, nhà nước bắt đầu bắt buộc nông dân phải vào hợp tác xã. Dùng áp lực hành chánh và tâm lý chiến, bọn đầu sỏ ép buộc nông dân đưa đất đai, ruộng vườn, trâu bò và nông cụ vào hợp tác xã và góp phần vô tập đoàn sản xuất. Rồi họ thành ra những người làm công ăn lương cho họp tác xã, rập khuôn công xã nhơn dân Trung Quốc. Đảng và nhà nước quyết định chiến dịch khởi sự từ 1978 và hoàn tất vào năm 1980 trên khắp phía Nam.

 

Người dân đồng ruộng đầu tắt mặt tối ở hợp tác xã mà không được làm chủ mảnh đất, trâu bò, dụng cụ canh tác, thậm chí giờ giấc của mình. Lao động mà chẳng có một động cơ cổ võ. Họ làm việc theo lịnh của cán bộ, những người có quyền có thế và ham trục lợi. Bọn người quan lại, từ các bộ phận thanh niên, phụ nữ và bộ máy hành chánh xã thôn, do Đảng đưa về nắm xã viên, rút rỉa ngân quỷ hợp tác xã, hưởng lấy công lao mồ hôi xã viên.

 

Nông dân bất mãn, phản kháng. Đàn trâu bò, sức kéo chủ yếu của hợp tác xã, chết lần chết mòn, đàn ông đàn bà phải thay trâu bò làm "máy kéo". Lao động tập thể như vậy, với một tinh thần "kệ xác" tới đâu hay đó, kiểu "sáng vác ô đi, chiều vác ô về" thì lấy đâu ra năng suất cao? Nên chi mùa màng thất bát, lúa thóc vào kho chẳng có bao nhiêu, nạn đói ăn đe dọa đến nơi. Một chánh sách kéo dài từ 1968 đến 1987, có rất nhiều triển vọng thất bại, nên Đảng và nhà nước bèn tính chuyện "đổi mới".

 

Tháng 8 năm 1988, trên 300 người cày miền Châu Thổ sông Cữu Long kéo nhau lên thành phố Hồ Chí Minh phản đối cán bộ địa phương vòi vĩnh mè nheo, chống lại chuyện bắt bớ vô tội vạ và đòi rút ra khỏi hợp tác xã và tập đoàn sản xuất. Ruộng đất trả lại nông dân, để cho họ canh tác lấy rồi nộp tô tức cho nhà nước. Trên lý thuyết, ruộng đất là của nhà nước, cho nông dân thuê mướn dài hạn và được quyền chuyển nhượng cho hậu duệ. Hết người cày tới dân đánh cá Thuận Hải biểu tình đòi dẹp bỏ hình thức tập họp sản xuất.

 

* * *

 

Tháng 4 năm 1975, Pol Pot cầm đầu nhóm Khmer Đỏ, đứng lên hạ bệ Lon Nol, một Tướng Lãnh được Mỹ ủng hộ, người đã từng truất phế Hoàng Thân Sihanouk hồi tháng 3 năm 1970. Quân Khmer Đỏ tiến vào Nam Vang, đuổi hết dân chúng ra ngoại thành. Đảng cộng sản Cam Pu Chéa thành lập Cam Pu Chéa dân chủ, với Khieu Samphan làm Tổng Thống còn Pol Pot chỉ làm Thủ Tướng.

 

Pol Pot nắm quân sự và kinh tế. Ông bổ nhiệm người anh vợ Ieng Sari làm Ngoại Trưởng, đồng chí Son Sen, Bộ Trưởng Quốc Phòng và người liên minh của ông, Vorn Vet, vào Bộ Công Nghiệp. Nuon Chen, Phó Tổng Bí Thơ Đảng Cộng Sản Cam Pu Chéa phụ trách "công việc của Đảng và công tác tuyên huấn". Non Suon, Bí Thơ Đảng của vùng bao quanh thủ đô kiêm luôn Bộ Nông Nghiệp. Còn vợ Ieng Sari là Khieu Thirit, đuợc giao ngành Văn Hóa Xã Hội, phụ tá cho chồng bà ở Bộ Ngoại Giao.

 

Pol Pot, tên khai sanh là Saloth Sar, sanh năm 1928 tại Kompong Thom (phía Bắc Nam Vang). Năm 1948, ông được học bổng ngành vô tuyến điện tại Paris. Ông sang Pháp năm 1949, sinh sống tại Paris và gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp. Trở về nước năm 1953. Trong kháng chiến, Pol Pot cầm đầu Đảng Cộng Sản Cam Pu Chéa năm 1963, lật đổ Lon Nol và đánh đuổi Mỹ năm 1975. Pol Pot thanh trừng những ai không thuộc phe cánh và thanh lọc đẫm máu trong nội bộ Đảng.

 

Tháng 6 năm 1997, Pol Pot ra lịnh thủ tiêu Bộ Trưởng Quốc Phòng Son Sen cùng bà vợ và mươi người trong gia đình của ông nầy. Nhưng đồng bọn của Pol Pot là Kieu Samphan, Mok và Noun Chea cho lịnh bắt giam Pol Pot về tội phản bội. Trong phiên tòa ngày 25.7.1997, Pol Pot bị quản thúc tại gia, gần Thái Lan. Thời gian sau, bịnh hoạn ông từ trần ngày 15.4.1998 ở tuổi 69.

 

Cùng với Pol Pot, Noun Chen nắm quyền lực tối cao – Angkar - đứng đầu Ủy Ban Trung Ương Đảng – Angkar Loeu. Pol Pot đặt Hoàng Thân Sihanouk vào một chức vụ ngồi chơi xơi nước, Nguyên Thủ Quốc Gia. Pol Pot xóa sạch dĩ vãng của Cam Pu Chéa, giải tỏa thành phố và làng mạc, làm tan biến chợ búa, nhà thương, trường học và đốt sách trong thơ viện. Đàn em cuồng tín của Pol Pot đóng cửa chùa chiền, bắt sư sải ra lao động ngoài đồng ruộng. Bọn cuồng tín đó phá hủy mọi loại xe cộ.

 

Kiểm soát quần chúng nhơn dân thật gắt gao, vung tay thảm sát đồng bào, giết hết những ai bị coi là dính líu đến chế độ cũ. Dân tộc thiểu số, dân Chàm Hồi Giáo, người Việt Nam chánh gốc, người Hoa chánh gốc cũng như người Khmer Krom – sanh ở Nam Việt Nam - đều bị tiêu diệt. Bọn Khmer Đỏ giết người bằng cuốc, bằng búa tạ, bằng gậy gộc rồi liệng xuống hố chôn tập thể. Về sau, người ta phát giác ra nào sọ người bị đập bể, nào những bộ xương cột chùm trong những hố tập thể, rải rác khắp rừng rú và đồng ruộng.

 

Ở Nam Vang, trường trung học cũ Toul Sleng biến thành trại giam, tra khảo và thủ tiêu, dưới ám số S21, là nơi Khmer Đỏ thủ tiêu những người chống đối. Trước khi đem ra hành quyết, tử tội nào cũng phải viết bản tự thú là mật vụ CIA, hoặc KGB hay là của Việt Nam. Đa số trong 16.000 người bị xử tử thuộc trung tâm S21 là cán bộ Angkar Loeu, nạn nhơn các vụ thanh trừng nội bộ từ 1973, dưới quyền điều khiển của phe Pol Pot-Ieng Sary. Số còn lại có hàng trăm công chức và viên chức của chế độ Lol Nol thân Mỹ, hàng trăm người hành nghề tự do, sanh viên, nhơn viên ngành ngoại giao của Sihanouk từ Pháp, từ Bắc Kinh và từ Mạc Tư Khoa trở về sau 1975 và 59 bác sĩ và y tá.

 

Trên 300 công nhơn Công Ty Thủy Điện và Hỏa Xa bị giết hại, sau khi đã đào tạo Khmer Đỏ thành thợ rành nghề. Trong số 87 người ngoại quốc bị hành xử vì tội gián điệp, có 3 người Pháp, mươi người Mỹ, Úc và Tân Tây Lan, bị bắt trên du thuyền ở vùng biển Cam Bốt. Pol Pot chủ trương loại bỏ những phần tử trí thức "thối nát", "chứa chấp nộc độc", không những riêng người có tội, mà tận diệt cả dòng họ.

 

Cùng khắp trên đất nước Cam Pu Chéa, bọn Khmer Đỏ mở ra hàng loạt công trường xây dựng và sản xuất. Ngần ấy công trường mà chẳng có chút dụng cụ khoa học tiên tiến hay máy móc nào. Thậm chí chẳng có một công cụ kỷ thuật sơ đẳng gì hết, nông dân bị bắt "đi làm xâu" phải tự ý "khắc phục" đem sang kiến ra tìm lấy cung cách lao động. Họ phải nghe lời nhà thơ lớn của cách mạng Việt Nam, Tố Hữu, "bàn tay ta làm nên tất cả", vận dụng có hai bàn tay mà cày xới ruộng đất, xây đập đấp bờ, đào ao vét kinh rạch. Những công trình nầy không được hướng dẫn đến nơi đến chốn nên làm cho nông dân lăn ra chết và đau đớn bộn bàng. Nhà cửa làng xóm cũ được thay thế bằng những xã ấp mới kiểu Pol Pot, toàn là nhà sàn giống hệt nhau, cái nào như cái nào. Như vậy để dễ kiểm soát.

 

Theo tạp chí "Tung Padevat" (Ngọn cờ cách mạng) của Khmer Đỏ, thì Pol Pot muốn tạo dựng một xã hội cộng sản hoàn toàn sạch sẻ, công bằng và tinh khiết. Nhưng than ôi, cứ nhìn vào thành quả của ông sau bốn năm ngự trị thì đủ rõ. Từ một dân số gần 8 triệu người, gần 2 triệu bị giết hại, số còn lại bị hạ xuống thành người nô lệ.

 

Với bàn tay chìa ra để nắm lấy bàn tay lông lá của Nixon hồi 1972, Mao Trạch Đông đã bỏ rơi tập đoàn Hà Nội và ôm lấy Pol Pot. Ngọn gió hữu nghị đã xoay chiều, những quan lớn của Hà Nội chạy theo cầu cạnh Mạc Tư Khoa một cách thẳng thừng, không cần ngượng. Thế liên minh nội bộ cộng sản bị đảo ngược đưa đến một cuộc choảng nhau giữa hai nước chư hầu, đều là cộng sản cả.

 

Sau khi Pol Pot đã lên ngôi quyền lực ở Nam Vang hồi tháng 4 năm 1974, Bắc Kinh cam kết sẽ chi viện quân sự, võ khí và thiết bị cần thiết để trang bị các trung đoàn pháo binh, công binh, thiết giáp, truyền tin, phòng không, radar,... Ngoài ra, Trung Cộng còn hứa sẽ xây dựng sân bay quân sự cho máy bay chiến đấu và phi cơ ném bom do Trung Quốc cung cấp sau nầy. Về mặt hải quân, Trung Quốc sẽ cung cấp cho Cam Pu Chéa tuần dương hạm và tàu phóng ngư lôi. Rồi đây, khoảng 500 cố vấn và cán bộ đào tạo quân sự sẽ đến Cam Pu Chéa để tăng cường cho lực lượng võ trang Khmer Đỏ. Biết được tin tức đó Hà Nội bắt đầu lo sợ.

 

Lợi dụng tình hình rối ren sau khi quân Bắc Việt tiến chiếm Sài Gòn hồi tháng 4, 1975, quân Khmer Đỏ, dùng tàu của Trung Quốc viện trợ, tấn công đảo Phú Quốc, trong Vịnh Thái Lan. Những cuộc chạm súng càng ngày càng gia tăng. Ngày 30.4.1977, nhơn dịp kỷ niệm chiến thắng lần thứ nhì của "Chiến Dịch Hồ Chí Minh lịch sử", quân Khmer Đỏ, có pháo binh và súng cối yểm trợ, thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam chừng mươi cây số, ở tỉnh liên ranh Châu Đốc, làm cho dân chúng phải chạy toán loạn, rồi rút quân ra không chiếm đóng.

 

Tháng 9, 1977, trong khi Pol Pot được triều đình Bắc Kinh ngợi khen về việc loại bỏ chế độ địa chủ và khai trừ bọn tham ô nhũng lạm Cam Bốt, Khmer Đỏ bắt đầu giết chóc và hãm hại dọc theo biên giới Tây Ninh, Long An, An Giang. Lòng căm thù truyền kiếp của người Khmer đối với người "Youn" (Việt Nam) lại hồi sinh mãnh liệt.

Cuối tháng 12, 1978, nước Việt Nam Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa phản công ồ ạt. Mươi sư đoàn bộ binh, pháo binh có thiết giáp hộ tống và không quân hỗ trợ, vượt qua biên giới và thọc sâu đến thủ đô Nam Vang. Cuộc tấn kích, có phối họp với các đơn vị Khmer Đỏ ly khai, gặp sự kháng cự mãnh liệt của quân Pol Pot.

 

Sau 12 ngày tác chiến, Nam Vang thất thủ ngày 7.1.1979. Cố vấn Trung Quốc biến đi đâu mất. Đại sứ quán Trung Quốc kéo nhau chạy trốn sang Thái Lan. Hoàng Thân Sihanouk, được Pol Pot phóng thích, sang Liên Hiệp Quốc để binh vực cho "Cam Pu Chéa dân chủ" của Pol Pot trước diễn đàn quốc tế. Nhà vua không biết ngượng!

Lúc bấy giờ, Pol Pot vẫn còn đại diện ở Liên Hiệp Quốc được các cường quốc Tây Phương hậu thuẩn. Về sau, năm 1991, Khmer Đỏ có mặt với tư cách là thành phần nguyên vẹn đầy đủ trong Hiệp Định hòa bình Cam Bốt ở Paris.

 

Lê Đức Thọ, người hùng của Hà Nội, nuôi mộng có được một Liên Hiệp Đông Dương, quy tụ dưới trướng của Việt Nam (sáu mươi triệu dân), hai nước "bạn" là Cam Pu Chéa (sáu triệu) và Ai Lao (ba triệu). Thọ dựng lên Đảng Cộng Sản Cam Pu Chéa và tổ chức cơ cấu chánh quyền nhà nước, dĩ nhiên một nhà nước Cam Pu Chéa thuần phục Hà Nội. Thọ đưa Chan Si, một đảng viên cũ của Đảng Cộng Sản Việt Nam, lên ghế Thủ Tướng. Thọ bổ nhiệm Pen Sovan, cựu chỉ huy trưởng trong lực lượng võ trang Việt Nam, làm Bộ Trưởng Quốc Phòng, về sau trở thành Tổng Bí Thơ Đảng Cộng Sản Cam Pu Chéa.

 

Lê Đức Thọ đóng đô trong một biệt thự nằm sau Hoàng Cung Nam Vang, triệu gọi những giới chức của chánh phủ và trong Đảng hạch hỏi không biết ngượng. Vì vậy, những giới chức có máu mặt của Cam Pu Chéa tỏ ra không bằng lòng. Tổng Bí Thơ Pen Sovan, được Brejnev tiếp kiến trọng thể ở Mạc Tư Khoa, đã báo cáo thái độ bất bình của ông đối với hành động trịch thượng của Việt Nam.

 

Năm 1981, Thủ Tướng Chan Si bị hạ bệ, đưa về Việt Nam, 10 năm quản thúc tại gia ở ngoại ô Hà Nội, rồi chết đột ngột hồi 1983. Trên 3.000 chuyên viên Việt Nam thuộc mọi ngành nghề, can thiệp vào nội bộ Cam Pu Chéa. Có người được dân chúng Cam Pu Chéa thương mến vì khả năng của họ nhưng cũng có không ít người bất tài vô tướng lại tham nhũng.

 

Mạc Tư Khoa hậu thuẫn Hà Nội, tạo điều kiện cho Việt Nam có thế mạnh trong khu vực Đông Nam Á, làm cho Trung Quốc mất thể diện và thế lực. Việc Việt Nam chiếm đóng Cam Pu Chéa nằm trong chiến lược của Mạc Tư Khoa.

 

Để trả đũa, ngày 17.2.1979, Đặng Tiểu Bình xua quân tấn công Hà Nội để dạy Việt Nam "một bài học". Quân Trung Quốc tấn công 5 tỉnh giáp biên giới như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng và Lạng Sơn, nhưng không thèm chiếm đóng.

 

Bên Cam Pu Chéa, quân chiếm đóng Việt Nam tỏ ra ngạo nghễ, độc tài và làm cho dân chúng khiếp sợ. Công chức tỉnh Siêm Rệp, bị nghi ngờ câu kết với Khmer Đỏ nên bị bắt giam, bị quân báo Việt Nam tra khảo theo cung cách của KGB thời Staline. Khi sĩ quan và quân lính Việt Nam đến bắt, Bí Thơ Đảng Cộng Sản ở Siêm Rệp viết vội lên mảnh giấy: "Các ông lầm rồi! Cách Mạng và Đảng Cộng Sản Cam Pu Chéa muôn năm!" Rồi ông tự bắn vào đầu chết tươi.

 

Tham vọng thôn tính Cam Pu Chéa của Lê Đức Thọ gặp phải sự chống đối của Khmer Đỏ, được Trung Quốc và Thái Lan ủng hộ, khiến cho Việt Nam phải sa lầy về quân sự. Quân chiếm đóng Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên hiện trường vì Khmer Đỏ đã nắm quần chúng nên Việt Nam phải chịu tổn thất nặng nề. Trong 10 năm chiếm đóng (1979-1989), Việt Nam thiệt mất 52.000 người tử thương và 200.000 thương vong, nhiều người bị mất tay mất chưn vì mìn Trung Cộng.

 

Đa số "quân tình nguyện" thuộc gia đình nông dân hoặc những gia đình nghéo khó phía Nam. Làm gì mà có "con ông cháu cha" của cán bộ và công nhơn viên nhà nước có của ăn của để đánh giặc ở Cam Pu Chéa. Thí dụ như các con của Tổng Bí Thơ Lê Duẫn thì đứa du học ở Liên Xô, đứa làm công an, tránh né nghĩa vụ quân sự và đánh nhau.

 

Trung Quốc ngưng viện trợ Việt Nam thì Nga thế vô. Năm 1980, chi viện Nga giảm đi một nửa, nhưng quân viện vẫn còn hậu hĩ cho nhu cầu chiếm đóng Cam Pu Chéa. Để bồi hoàn lại, Việt Nam xuất khẩu hàng ngàn lao động sang Liên Xô và mấy nước chư hầu Đông Âu. Đất nước thiếu viện trợ nước ngoài, sống lây lất nhờ một thứ kinh tế chợ đen. Năm 1988, lạm phát lên đến 1.000% và trên ba triệu người gần như đói ăn.

 

Trong chiến tranh lạnh, vì muốn phân chia vùng ảnh hưởng nên các cường quốc, mượn tay của những dân tộc nhược tiểu, với sự đồng lõa của các tập đoàn lãnh đạo, đã đưa Cam Pu Chéa và Việt Nam vào những cuộc chiến huynh đệ tương tàn trong vòng bốn thập niên qua của Thế Kỷ XX.

 

Hết Bài 4 - xem bài cuối cùng
Xem lại bài trước

Phan Quân 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.