.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

 
Trước đèn đọc sách:

Điệu sáo chướng tai

5.

Trên tổng số dân cư toàn quốc 75 triệu – hiện nay chắc phải đông hơn - con số đảng viên là khoảng 2 triệu. Điều kiện sanh sống của đảng viên cơ sở chẳng khác với điều kiện của thợ thuyền và nông dân bao nhiêu. Còn bọn chóp bu đặc quyền đặc lợi thì khác - được hình thành qua ba mươi năm chinh chiến, một đẳng cấp ăn trên ngồi trước, nắm mọi quyền hành – là những cán bộ Đảng, cán bộ nhà nước, cán bộ quân đội, cán bộ công an và cán bộ của những tổ chức xã hội, nghiệp đoàn, dây mơ rễ má với lãnh đạo từ thành thị đến xã ấp. Giới nầy là cốt lõi của giai cấp thống trị mới, thay thế bọn tư sản và địa chủ cũ trong việc bóc lột giai cấp thợ thuyền và công nhơn. Giai cấp hữu sản trước kia lên ghế quyền hành nhờ tài sản, ngược lại, giai cấp nắm quyền thời Cộng sản bây giờ lên ngôi để làm giàu, để hốt bạc bỏ túi rồi trở thành một loại chúa tể phong kiến. 

Người ta ước đoán con số bọn đặc quyền đặc lợi hồi năm 1993, ở Hà Nội khoảng 10.000 người cao cấp trong lãnh vực dân sự và 3.000 người trong quân đội và công an, còn ở Sài Gòn lối 4.000. Trên khắp nước và ở mọi đẳng cấp quyền lực, có khoảng 50.000 gia đình được ưu đãi trên 75 triệu dân. Liên hệ họ hàng thân tộc kết nối nhóm đặc quyền đặc lợi nầy, ít ai lọt vào được, theo lối nói của dân gian là "Nhứt thân, nhì quen, tam quyền, tứ chế", (quyền là quyền thế và chế là chế độ).

 

Tánh cách gia đình trị là quy luật trong đường lối nắm quyền của cấp lãnh đạo ở Hà Nội. Người đầy uy quyền ở Hà Nội, Lê Đức Thọ, cậy cục đưa em trai của mình là Đinh Đức Thiện lên cấp tướng, mặc dầu hắn ta không phải là quân nhơn. Không có chút kiến thức kỹ thuật nào và chẳng có kinh nghiệm gì hết, vậy mà Thiện trở thành Bộ Trưởng Cơ Khí Luyện Kim và phụ trách xây dựng nhà máy thép Thái Nguyên. Sở dĩ được như vậy vì Thiện là một trong những người lãnh đạo chủ chốt trong việc xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trong Chiến tranh Việt Nam.

 

Sau ngày 30.4.75, Mai Chí Thọ, một người em khác của Lê Đức Thọ, làm trùm công an, kế đó là Chủ tịch Ủy Ban Nhơn Dân thành phố Hồ Chí Minh. Của đút của lót từ tay những người Hoa giàu có trong Chợ Lớn, bị chiến dịch đánh tư sản mại bản hãm hại, tạo điều kiện cho Mai Chí Thọ sinh sống đế vương. Nhà ông là một biệt thự đồ sộ, trên một miếng đất rộng có vườn cây, nuôi vượn, trăn,...

 

Trong những năm vừa mới độc lập (1954), trong kế hoạch cải cách ruộng đất đẫm máu, thiên hạ sợ có một cuộc khủng hoảng kinh tế, nhà nước phải cầu cứu Trung Quốc. Phần Liên Xô thì viện trợ võ khí, còn Trung Quốc thì cung cấp gạo và rau đậu khô. Các hợp tác xã phải cung cấp cho nhà nước 80% sản phẩm.

 

Trong hai thập niên thiếu thốn đó, bọn đầu sỏ của tập đoàn lãnh đạo chẳng hề hấn gì. Vì đã có những cơ quan đặc biệt chuyên lo riêng cho các quan từ thành thị đến cấp tỉnh. Hai hợp tác xã nông nghiệp các quận Quốc Oai và Từ Liêm được Ủy Ban Nhơn Dân Hà Nội giao phó 100 mẫu ruộng để trồng lúa lấy gạo thơm dành cho các quan lớn nhà nước. Y hệt như ngày xưa, người ta sản xuất lúa gạo dành riêng cho việc tế tự Hoàng Thiên và Hoàng Đế. Ở Hà Nội, kho hàng ở đường Ngô Quyền chỉ cung cấp đặc biệt cho gia đình ủy viên Bộ Chánh Trị và của ủy viên Trung Ương. Người ta giao gạo tận nhà cho các quan. Trong những kỳ hội họp, có những bữa ăn linh đình, các quan ăn uống hả hê, thành ra phần gạo chỉ là phù phiếm đối với các quan.

 

Thậm chí trong thời kỳ chiến tranh, các quan to của chế độ cũng luôn có đặc quyền đặc lợi về y tế, nhà ở, vận tải (xe hơi và máy  bay) và như vậy cho thân nhơn trong gia đình nữa. Còn nói làm gì chuyện nhu cầu cho "Bác Hồ" của họ, vị "cha già dân tộc", người sống "khắc khổ, không vợ, không con", chỉ biết phục vụ đất nước và dân tộc?

 

Trong những năm 1957-1958, nhà nước nắm độc quyền gạo. Tại Hà Nội, tiêu chuẩn của dân chúng (người lớn) là 13 ký mỗi tháng, phân nửa gạo, phân nửa là bột hay khoai. Còn trẻ em từ 6 tuổi là 7 kí. Nhiều gia đình chưa hết tháng đã cạn gạo. Tại những địa điểm bán gạo, người dân phải nối đuôi rồng rắn từ 2 hoặc 3 giờ sáng để chờ 8 giờ mới mở cửa. Những người bán hàng, phần đông là thân nhơn các quan bàn giấy, tha hồ gian lận, khách mua biết được các vụ cân non, gạo xấu có mà đi kiện củ khoai à?

 

Ở Hà Nội, các quan to đã có những cửa hàng dành riêng. Tem phiếu dành cho họ được phân phát thường xuyên ở nhà Quốc Hội, quãng trường Ba Đình. Thịt thà khan hiếm thì các quan lợi dụng tiệc tùng ở công sở mà đớp thoải mái lại khỏi mất tiền. Ngoài ra, ủy viên Trung Ương được 4 kí lô phần thịt hàng tháng còn ủy viên Bộ Chánh Trị thì 6 kí. Càng lớn chức, càng ngon lành!

 

Một ủy ban dành riêng lo chăm sóc y tế cho Tổng Bí Thơ, cho Ủy Viên Bộ Chánh Trị và Ủy Viên Trung Ương. Tất cả cùng với gia đình đều được săn sóc ở Bịnh Viện Việt-Xô, một nhà thương được trang bị dụng cụ y tế tối tân, có chuyên viên giỏi và đầy đủ thuốc men. Họ còn có những nhà nghỉ ở Quảng Bá, cạnh Hồ Tây (Hà Nội), ở bãi biển Đồ Sơn, Tam Đảo. Cán bộ lãnh đạo cao cấp di chuyển được phát vé máy bay còn cấp thấp hơn thì vé xe lửa.

 

Ủy Ban Trung Ương có một khối xe hơi quan trọng gồm có các hiệu Volga, Pobeda, Lada, Moskovich và "command-car" (xe thực dụng) của Nga. Bộ trưởng và thứ trưởng đi xe có cửa kiếng ám khói còn ủy viên trung ương được thêm kiếng phía sau ám khói. Ủy viên bộ chánh trị và ban bí thơ đi xe Volga màu đen. Chủ Tịch Nước và Tổng Bí Thơ đi xe Tsaika lộng lẩy và ra gặp quần chúng thì với xe Zil có bọc thép và kiếng chống đạn. Còn một vài quan lớn có xe để đưa gia đình đi chơi. Công Ty Hàng Không Dân Dụng gồm có khoảng vài mươi máy bay Liên Xô. Các quan đầu sỏ di chuyển bằng "chuyên cơ" (máy bay dành riêng) để đi Đà Nẳng, Nha Trang, Sài Gòn, Vũng Tàu,... Ngay cả đi nghỉ hè ở Đà Lạt và đi nghỉ cuối tuần ở bãi biển Đồ Sơn, các quan cũng không đắn đo ngại ngùng gì mà lấy máy bay đi.

 

Những bậc đầu sỏ của Hà Nội, mỗi khi di chuyển quan trọng bằng phi cơ thì đòi hỏi Bộ Tư Lịnh Không Quân phải cho một quan cao cấp tháp tùng. Nhiều khi cũng phải có một chiếc máy bay thứ hai bay theo đoàn để phòng hờ trường hợp chiếc chánh thức hư hỏng. Cho chắc bụng và chắc ăn!

 

Năm 1954, dân số Hà Nội dưới thời Tây thực dân là 400.000, khi Việt Minh cầm quyền đã lên tới 2 triệu. Trong những năm chiến tranh, từ những vùng phụ cận, và ngay cả từ các tỉnh xa xôi như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, dân tỵ nạn đổ về thủ đô khá đông. Cho đến ngày nay, vấn đề nhà ở rất là gay go cho dân chúng, nhưng với các quan lớn thì đâu có nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó. Quan chức nhà nước đua nhau chiếm cứ dinh thự và lâu đài của Tây thực dân bỏ lại. Cấp lãnh đạo hơi to một chút thì chiếm lấy các biệt thự hay các công ốc, chung cư của bọn tư sản di cư xuống miền Nam.

 

Ngài Tổng Bí Thơ Lê Duẫn thì chiếm một dinh thự tư sản đường Hoàng Diệu, đã được sửa sang và nới rộng nhiều lần. Bà vợ chánh thức của quan Tổng Bí Thơ chiếm một ngôi nhà ba từng đường Trần Quốc Toản. Bà vợ kế của ông, người miền Nam, vùng châu thổ sông Cữu Long, từ lúc chiếm được miền Nam hồi 1975, chiếm dinh thự của một quan chức tỉnh lỵ An Giang (Long Xuyên). Là Ủy Viên Chi Bộ Đảng ở tỉnh, bà được bổ nhiệm Phụ Tá Chủ Bút tờ "Sài Gòn Giải Phóng", mặc dầu bà chưa khi nào làm báo.

 

Con cái "Ông Tổng" (Tổng Bí Thơ), du học bên Nga. Thành, con trai học trường Kỹ Thuật Không Quân cùng với con trai Tướng Võ Nguyên Giáp, và một người chị là sanh viên ở Mạc Tư Khoa. Được thăng cấp tướng phòng không, Thành được bổ nhiệm ở thành phố Hồ Chí Minh với chức vụ Tham Mưu Phó. "Cậu con trai của bố" nầy được cấp ưu tiên một ngôi nhà ba từng, với khu vườn rộng lớn. Năm 1992, "Cậu" chi ra 16 "cây vàng" để làm chủ ngôi nhà, rồi sau đó bán lại cho một nhà đầu tư ngoại quốc với giá 120 lượng vàng, khơi khơi cậu lời được có 104 cây thôi!

 

Từ năm 1975, các quan lớn của Bộ Chánh Trị được cấp những biệt thự sang trọng nhứt ở thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Lạt và Nha Trang. Như "Nhà Anh Sáu" (Lê Đức Thọ), "Nhà Anh Ba" (Lê Duẫn), "Nhà Anh Năm" (Trường Chinh). Chỉ thỉnh thoảng mấy "Anh" mới tới ở, nhưng việc trùng tu, tu bổ, dọn dẹp đã có ban Tài Vụ của văn phòng Ủy Ban Trung Ương lo. Như vậy làm đầu sỏ cấp lãnh đạo "Đỏ" đâu phải đồ bỏ, đáng công làm "cách mạng". Làm "đầy tớ nhơn dân" như vậy cũng nên chịu khó, chịu khổ.

 

Cấp lãnh đạo chàng ràng còn được như vậy, lên tới "đỉnh cao", bực "Cha Già Dân Tộc" thì ra sao đây? Chỉ tìm hiểu về đời tư tình ái của "Bác" không thôi cũng bằng vạch lá, vẹt gai qua bụi rậm của rừng già. Một quyển sách nhỏ của Daniel Hémery "Hồ Chí Minh – De l'Indochine au Việt Nam" (Paris 1990) cũng cho ta biết lắm chuyện hay ho. Giám Đốc báo Tuổi Trẻ, đã bị mất việc chỉ vì lấy đề tài đó dựng lên một bài viết trên báo.

 

Tài liệu phát hiện một bức thơ của Nguyễn Ái Quốc gởi cho cô bạn gái người Hoa (thơ chữ Hán) bị mật thám Tây bắt được ngày 14.3.1982. Thơ viết như sau:

 

"Dữ muội tương biệt, Chuyển thuấn niên dư, Hoài niệm tình thâm, Bất ngôn tự hiểu. Tư nhân hồng tiện, Dao ký thốn tiên, Tỷ muội an tâm, Thị ngã ngưỡng (hoặc sở) vọng. Tinh thỉnh Nhạc mẫu vạn phúc.

Chuyết huynh, Thụy."

 

Dịch nghĩa: "Từ ngày chia tay với em, đã hơn một năm trôi qua. Nhớ thương khắc khoải, chẳng nói cũng hiểu. Nay mượn cánh hồng, gửi mấy dòng thư để em yên tâm, đó là điều anh mong mỏi, và cầu cho nhạc mẫu vạn phúc. Người anh vụng về, Thụy".

 

Người nhận không ai khác hơn là Tăng Tuyết Minh, cô gái Tàu mà Quốc đã cưới lúc phụ trách Thanh Niên, và ông phải bỏ trốn đi Quảng Đông tháng 5 năm 1927. Như vậy cho thấy rằng, bằng mọi giá, người ta muốn giữ một hào quang giả tạo cho Hồ Chí Minh vì không một tài liệu nào đề cập đến quan hệ của ông với phái nữ.

 

Thế nhưng, về mục nầy, người ta rỉ tai những danh tính kể sau. Marie Brière ở Pháp, Tuyết Cân bên Tàu,... Còn đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai thì sao đây, vì bà nầy cộng tác chặt chẻ với ông ở Hương Cảng từ 1930 đến 1931 và cũng ở Mạc Tư Khoa từ cuối năm 1934 sang đầu năm 1937. Theo Sophia Quinn-Judge thì ở Mạc Tư Khoa, Nguyễn Thị Minh Khai có nói rằng bà có kết hôn với "Lin" (bí danh của Nguyễn Ái Quốc) và trong tài liệu ở Đại Hội VII Komintern, bà được ghi là "Quốc's wife" (vợ của Quốc). Trong một thơ viết hồi năm 1934, Hà Huy Tập – Bí Thơ Ban Chỉ Huy Hải Ngoại của Đảng Cộng Sản Đông Dương – nói đến bà như là vợ của Nguyễn Ái Quốc.

 

Như Vũ Cân kín đáo tiết lộ thì năm 1955, cô gái trẻ đẹp, tên Nông Thị Xuân, người sắc tộc thiểu số Nùng, tỉnh Cao Bằng, được đưa vào phục vụ Hồ Chủ Tịch. Cô vừa tới thủ đô, Bộ Trưởng Công An, Trần Quốc Hoàn, lo lắng cho cô, đưa cô vào ở trong cơ sở của Công An, trên lầu số 66, phố Thợ Hàng Bông Thợ Nhuộm. Chính Trần Quốc Hoàn phụ trách việc đưa cô Xuân gặp "Bác".

 

Cuối 1956, cô Xuân sanh đứa con trai được cụ Hồ đặt tên Nguyễn Tất Trung (Hồ Chí Minh tên Nguyễn Tất Thành), cô yêu cầu "Bác" nhìn nhận con chánh thức và hợp thức hóa tình trạng hôn nhơn. Nhưng "Bác" đâu quyết định được và những tên đầu sỏ trong Bộ Chánh Trị không đồng ý vì họ muốn "Bác" phải trong trắng hết lòng vì dân vì nước. Muốn ém nhẹm chuyện đó, người ta quyết định giết chết cô Xuân và giết cả cô em và cô em họ của Xuân. Vụ tai tiếng nầy đã được nhà văn ly khai Dương Thu Hương viết lại dưới dạng tiểu thuyết tựa là "Đỉnh cao chói lọi" và cũng được ông Vũ Thư Hiên đề cập đến trong quyển hồi ký "Đêm giữa ban ngày" của ông.

 

*  *  *

 

Bên Mạc Tư Khoa năm 1985, Mikhaïl Gorbatchev, Tổng Bí Thơ Đảng Cộng Sản Liên Xô, mở ra hai đường hướng mới là "Perestroïka" và "Glasnost". Qua "perestroïka", ông muốn thay đổi phương pháp quản lý và trao đổi kinh tế. Với "glasnost", ông chủ trương minh bạch mọi chuyện, chấm dứt đối đầu với các thế lực phương Tây, hoà bình chung sống, chấm dứt Đảng độc tài, bải bỏ cộng đồng tài sản, cải đổi chế độ xô-viết thành tổng thống chế. Gorbatchev trở thành Tổng Thống Nga năm 1989. Khúc ngoặt nầy làm cho thế giới cộng sản bắt đầu xáo trộn.

 

Tháng 12 năm 1986, tại Đại Hội VI Đảng ở Hà Nội, Trường Chinh, với tư cách Cố Vấn Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, đề nghị "đổi mới" và ủng hộ việc đề cử Nguyễn Văn Linh lên chức Tổng  Bí Thơ, thay thế Lê Duẫn đã tạ thế. Là con người kháng chiến kỳ cựu trong hai cuộc chiến tranh Đông Dương, ở 72 tuổi đời, ông Linh được giao phó trọng trách "Đổi Mới" và "Cởi Mở" ở Việt Nam.

 

Hồi bấy giờ, Việt Nam là một nước bị cô lập và cấm vận vì đánh chiếm Cam Pu Chéa nên lâm vào cảnh trì trệ kinh tế. Nạn thất nghiệp kinh niên càng thêm trầm trọng với việc bộ đội giải ngũ sau chiến tranh Cam Pu Chéa. Tình hình lạm phát phi mã, cộng với nạn thiếu gạo và đồng lương chết đói làm cho những ai chỉ biết sống nhờ sức lao động phải chịu cảnh thiếu thốn kinh khủng.

 

Hình ảnh quen thuộc là ngày nào thiên hạ cũng nối đuôi rồng rắn dài lê thê ở Bưu Điện Sài Gòn để lãnh những kiện hàng, quà từ nước ngoài gởi về. Trong đó có thuốc men chữa bịnh, thức ăn, quần áo của người Việt hải ngoại gởi về gia đình để tiêu xài thì ít mà cốt là để bán ra lấy tiền mua đồ dùng thiết thực hơn. Phần lớn là của những người đi chui, vượt biển, những thuyền nhơn định cư ở Mỹ, ở Úc, ở Pháp,... gởi về giúp đỡ gia đình. Do đó mà những chữ cái tượng trưng cho thành ngữ "xã hội chủ nghĩa" (XHCN) được dân chúng châm biếm đổi thành "xếp hàng cả ngày".

 

Chế độ công an trị gìn giữ trật tự xã hội như bảo vệ con ngươi của mắt mình, để làm cho tập đoàn đầu sỏ lúc nào cũng no say đầy đủ. Lê Đức Thọ cáo biệt từ quan sau Đại Hội VI, nhưng vẫn còn nắm bộ máy lãnh đạo. Em ông, Mai Chí Thọ kiểm soát Bộ Công An đầy quyền uy. Trụ sở bộ nầy, một tòa nhà đồ sộ ở Hà Nội do KGB xây dựng hồi 1973, với những thiết bị để lấy và moi tin thật hiện đại. Cán bộ công an của nhiều ngành, như chánh trị, kinh tế và văn hóa, đều được hai bộ phận công an của Nga (KGB) và của Đông Đức (STASI) đào tạo. Những tên cớm loại nầy được mật kín cài vào các bộ, các sứ quán và các phái đoàn ở nước ngoài.

 

Từ năm 1976, nhơn số công an tăng gấp năm. Ở thành phố, những phường tập trung chừng trăm nóc gia, ban đầu thuộc trách nhiệm của 6/7 công an, về sau số công an tăng lên ba bốn mươi người, dưới trướng của một đại úy hay thượng tá. Trên cả nước có lối 300.000 công an.

 

Vậy mà lực lượng trấn áp dư thừa đó của nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng không làm cho Tổng Bí Thơ Nguyễn Văn Linh yên tâm. Nhơn vật của "Đổi Mới" nầy coi Gorbatchev như là kẻ đào huyệt chôn xã hội chủ nghĩa và tố giác bọn đế quốc, CIA và Vatican là nguồn gốc của sự xáo trộn trong thế giới Cộng sản.

 

Tháng 10 năm 1979, Nguyễn Văn Linh kêu gọi nghệ sĩ tự do sáng tác, cổ võ nhà văn, nhà báo công khai góp ý và phê bình chánh quyền và thảo luận về sinh hoạt tư tưởng của đất nước. Thậm chí ông cũng viết báo, nổi tiếng với bút danh N.V.L. (sau này ông cho biết đó là "Nói Và Làm") với một loạt những bài báo trong chuyên mục "Những việc cần làm ngay" trên báo Nhân Dân bàn về những việc cần phải chấn chỉnh trong xã hội.

 

Trong bưng biền miền Nam, ông Linh, dưới bí danh "Mười Cúc", kết thân với những người kháng chiến cũ. Những người nầy căm tức bọn cán bộ từ Bắc vô Nam, sau thống nhứt hồi 75, vì bọn nầy đã chiếm đoạt tất cả các chỗ béo bở trong Nam. Những cán bộ bất mãn nầy đã đứng ra thành lập Hội Những Người Kháng Chiến Cũ hồi tháng 5 năm 1986. Nguyễn Văn Linh khuyến khích họ phê bình, đúng theo tin thần Hiến Pháp.

 

Nhưng rồi kịp thấy được ngọn gió sắp nổi lên sẽ thổi bay giai cấp cầm quyền mới, ngài Tổng Bí Thơ bèn thay đổi thái độ. Bà Vũ Kim Hạnh, Tổng Biên Tập tờ "Tuổi Trẻ", báo có nhiều độc giả ở Sài Gòn, bị đình chỉ chức vụ vì đã dám cho đăng tải một số tư liệu chưa được công bố liên quan đến đời tình ái riêng tư của Hồ Chí Minh. Bà là một trong những người đã viết và cho đăng loạt phóng sự mô tả cuộc sống và những sự thật trần trụi về Bắc Triều Tiên, nơi bà vừa dự Liên Hoan Quốc Tế Thanh Niên.

 

Bà Dương Thu Hương, người viết tiểu thuyết tự do phóng khoáng bị khai trừ khỏi Đảng và cho đi tù trong những năm 1990-1991. Những ấn phẩm của Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ bị cấm phổ biến và những thành viên quan trọng phải đi tù, sau khi nhà cửa họ bị lục xét. Nguyễn Văn Hộ, Chủ Tịch CLB, 54 tuổi Đảng, bị giam giữ khắt khe trong 4 tháng, rồi sau đó bị quản thúc tại gia ở nông thôn, rồi lại bị nhốt lần nữa hồi 1994, ở tuổi 78. Những thành viên khác bị khai trừ khỏi Đảng và kềm giử tại nhà.

 

Cuối năm 1989, một đạo luật quy định nhà nước trọn quyền kiểm soát thông tin và mọi ấn phẩm riêng tư đều bị cấm. Nghe ngóng đài phát thanh nước ngoài là có tội. Như vậy Việt Nam làm gì biết được vụ đập phá bức tuờng Bá Linh hồi tháng 11, 1989, vụ xử tử Ceaucescu, Chủ Tịch nước Roumanie hồi tháng 12, cũng như xáo trộn ở Budapest với việc Imre Nagy được phục hồi và việc nhà đối lập Vaclav Havel đắc cử Tổng Thống Tiệp Khắc?

 

Hồi 1989, Trần Xuân Bách, Ủy Viên Bộ Chánh Trị bị loại ra khỏi Đảng và mất hết chức vị vì đã đối nghịch lại đường lối của Đảng, chủ trương đa nguyên đa đảng. Ông cho Staline, Mao Trạch Đông và Pol Pot đều cá mè một lứa. Bùi Tín, đảng viên từ 1946, người đã có mặt trong Dinh Độc Lập sáng ngày 30.4.75, cũng cùng chung số phận hồi 1990 vì đã có "Kiến Nghị của một công dân hy vọng chấm dứt chế độ độc tài". Từ đó đến nay, Bùi Tín tỵ nạn ở ngoại quốc và đã tiết lộ nhiều điều trong quyển "Mặt Thật" của ông.

 

Theo Nguyễn Văn Linh, đổi mới có nghĩa là siết chặt bên trong để mở cửa với kinh tế tự do của bên ngoài. Năm 1987, một đạo luật đầu tư được ban hành nhằm vào vốn liếng của nước ngoài, nhưng cũng có luật bảo vệ tài sản công nghiệp. Dưới hình thức "liên doanh", xí nghiệp và ngân hàng ngoại quốc bắt đầu mọc lên.

 

phía Nam, sản xuất nông nghiệp thiếu hụt trầm trọng vì phong trào cải cách ruộng đất và đợt hợp tác hóa vừa qua, lại thêm thiên tai, như sâu rầy, hạn hán, lũ lụt. Mức sản xuất lúa gạo xuống kinh khủng. "Đổi Mới" chấm dứt tình trạng hợp tác hóa trong những năm 1987-1988.

 

Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, đất đai, trên nguyên tắc, là "tài sản chung của nhơn dân", thuộc về nhà nước, nhưng được cho nông dân thuê và trả tô tức cho chánh phủ. Sau mùa lúa, nộp tô tức xong, lúa dôi ra nông dân có quyền sử dụng tùy thích, nhưng trên nguyên tắc thôi. Vì họ được khuyên nên bán cho xí nghiệp quốc doanh với giá rẻ mạt. Mặc dầu việc trồng lúa có khấm khá, vậy mà mức sống đồng ruộng vẫn cơ cực.

 

Đại Hội Đảng kỳ VII họp lại tháng 6 năm 1991, vắng mặt nhơn vật nồng cốt là Lê Đức Thọ vì ông nầy đã theo ông theo bà hồi tháng 12 năm 1990. Nguyễn Văn Linh thôi không làm Tổng Bí Thơ nữa. Đại Hội đưa Đổ Mười lên thay thế. Chính ông nầy hồi năm 1977, với chức vụ Phó Thủ tướng kiêm nhiệm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa, phụ trách vấn đề cải tạo Công thương nghiệp XHCN tại miền Nam, đã đưa miền Nam vào nề nếp của miền Bắc sau 1975. Đảng duy trì công cuộc cải cách kinh tế cho phóng khoáng, nhưng nhứt định loại trừ mọi khuynh hướng "đa đảng", và cảnh giác trước mọi "diễn tiến hòa bình của kẻ thù bên trong cũng như bên ngoài của chế độ xã hội chủ nghĩa".

 

Mượn cớ "Đổi Mới", tập đoàn đầu sỏ cố gắng lèo lái để mở cửa đất nước, hợp tác với tư bản ngoại quốc đem lại lợi lộc cho mình. Thể chế xã hội chủ nghĩa đã lu mờ đàng sau cái gọi là "kinh tế tư bản theo đường hướng xã hội chủ nghĩa". Nhựt Bổn, Mỹ, Pháp và Nga lãnh phần khai thác dầu khí ngoài khơi. Nam Triều Tiên chuyên về ngành cầu đường và công nghiệp nhẹ như quần áo, dày dép. Đài Loan và Hương Cảng đầu tư về địa ốc, còn Nhựt Bổn chuyên về lãnh vực hình ảnh, truyền hình và điện toán. Hàng triệu xe máy và xe gắn máy tràn ngập đường phố Sài Gòn. Mỹ, kẻ thù số một của nhơn dân ta, đứng hạng sáu trong những nước đầu tư vào Việt Nam.

 

Ngày 8.4.1997, thông tấn xã Pháp Agence France Presse loan tin hàng triệu người Việt Nam được huy động để lao động cưỡng bách thực hiện các công trình hạ từng kiến trúc của xứ sở. Ngày 4.4, tờ "Nhân Dân" đưa ra lời kêu gọi của Đỗ Mười: "Ở Việt Nam, làm gì cũng phải có nhơn dân vì vậy giới trẻ phải đứng ra tình nguyện xây dựng đất nước." Rồi đây dân biểu sẽ phải thông qua dự luật bắt buộc mọi công dân, nam từ 18 đến 45 tuổi và nữ từ 18 đến 40, hàng năm phải có 10 ngày lao động công ích cho nhà nước. Công cuộc huy động cưỡng bách nầy là để thực hiện nhiều công trình ưu tiên, như cầu đường, xưởng lọc dầu, nhà máy điện, trồng rừng,...

 

Tháng 2 năm 1991, dưới dạng liên doanh, Thủ Tướng Vô Văn Kiệt cho phép công ty Đài Loan "Frank International Investment" phá 350 mẫu rừng ở Thủ Đức để làm sân Golf và làm một khu du lịch, bất chấp sự chống đối của nông dân. Năm 1992, ở Đà Lạt một công trình làm sân Golf khác được nhà nước cho phép cũng bị nhơn dân phản đối. Ở ngoài Bắc, một công trình sân Golf của một công ty Nam Triều Tiên, dĩ nhiên là có sự đồng ý của chánh phủ cũng làm cho dân chúng phật lòng.

 

Lối 500 nông dân, những chiến sĩ anh dũng trước kia của hai cuộc chiến tanh Việt Nam, kéo tới công trường phản đối. Đất không để trồng trọt nuôi sống mà lại lấy làm sân chơi. Cuộc đấu tranh khá dữ dằn, hai bên đều có thương vong, thậm chí có người chết. Thấy có thiệt hại và có tiếng vang bất lợi, Đỗ Mười phải can thiệp, trừng phạt công an để vuốt ve dân chúng. Rồi dự án cũng tạm xếp.

 

Từ năm 1997 trở đi, thuế má nặng nề, cán bộ tham nhũng, nông dân bắt đầu bất bình, vì đầu tắt mặt tối mà họ chẳng được gì, trong khi cán bộ, đảng viên nhà nước cứ phè phởn. Hầu như khắp nơi trong nước, những người lao động vất vã, nghèo khó vẫn hoàn khó nghèo, trong khi bè lũ ăn trên ngồi trước cứ mâm cao, cỗ đầy, xe cộ nhông nhông, nhà cửa sang trọng, dân đen sống chết mặc bây. Đã vậy mà quan chức nhà nước còn móc ngoặc với bọn cò mồi nhà đất, lấy đất dân chúng rồi bồi thường với giá nhà nước rẻ mạt.

 

Trên cao thượng từng cấp bực nhà nước thì ăn cắp của công, tham ô nhũng lạm đầy đàng đầy đống. Thậm chí tên Phùng Long Thất, tức Bảy Thất, nguyên Trưởng phòng Điều tra chống buôn lậu 1, thuộc Cục Hải quan TP.HCM, cũng là một “bị cáo hải quan” chủ chốt trong vụ án buôn lậu nổi tiếng Tân Trường Sanh do bố già Trần Đàm cầm đầu, bị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) triệt phá hồi tháng 9/1997. Phùng Long Thất và Trần Đàm bị xử tử. Trần Đàm có đơn xin ân xá và được Chủ Tịch nuớc đồng ý.

 

Sau đó, vụ án Minh Phụng-Epco cũng một thời làm xôn xao dư luận. Cũng có người treo cổ chết và những người bị xử tử. Kế là vụ Năm Cam, cho thấy có sự câu kết giữa nhà nước và xã hội đen (mafia) của thành phố Hồ Chí Minh. Năm Cam, tên khai sinh là Trương Văn Cam, một trùm xã hội đen Việt Nam, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh. Đương sự và băng nhóm, trong quá trình bảo kê các nhà hàng karaoke và các tụ điểm đánh bạc ở Thành phố Hồ Chí Minh đã gây nhiều tội hình sự. Năm Cam bị tòa án Việt Nam tuyên quyết có tội tháng 10 năm 2003 và bị tử hình vào tháng 6 năm 2004.

 

Vụ xét xử Năm Cam và đồng bọn đã gây sự chú ý của dư luận Việt Nam và trên thế giới. Số lượng tội phạm ra hầu tòa là 156, ở mức kỷ lục. Vụ xử sơ thẩm kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2003 với bản án dài hàng trăm trang.

 

Tệ nạn nối đuôi tệ nạn, ngày 5 tháng 4 năm 2004 một vụ tai tiếng kinh tế khác lại xuất hiện, phen nầy ở ngay thủ đô xã hội chủ nghĩa. Sáng ngày 5.4, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao đã tuyên phạt tử hình bị cáo Lã Thị Kim Oanh, nguyên giám đốc Công ty Tiếp Thị, về tội tham ô tài sản - biển thủ 4,7 triệu đô-la và làm thất thoát 2,2 triệu đô-la - 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định quản lý kinh tế của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt là tử hình. Tòa cũng tuyên phạt nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Nguyễn Quang Hà 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm, nguyên thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân 2 năm tù treo, thử thách 3 năm. Cả hai bị cáo phạm tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Như vậy, người ta mới thấy ra rằng khi một xã hội xuất thân từ chỗ kham khổ đấu tranh vì cách mạng, nay được sung sướng rồi mắt chói lòa vì tiền bạc giàu sang bèn thay đổi tánh tình. Như là một cách làm để bù trừ lại thời khó khăn, khổ nhọc. Tánh hám của trong lòng những người mới phất, lòng ham tiền ngấm ngầm thôi thúc từ 1986 của các "quan lớn màu đỏ", song song với phong trào "Đổi Mới" đã vỡ bung ra cùng với nền "kinh tế thị trường khuynh hướng xã hội chủ nghĩa". Vì vậy nên, biết bao là tệ nạn, nào cướp đoạt, nào tinh thần đại gia, nào tham ô nhũng lạm, lớp ăn hối lộ, lớp nuốt của đút của lót,... ở khắp đẳng cấp quyền lực, trong một xã hội biến chất, từ xưa nay chưa từng thấy! Xã hội đen (mafia) cao cấp, làm ô danh xã hội, buôn bán cần sa ma túy,... làm băng hoại xã hội xã hội chủ nghĩa!

 

Trong nội bộ Đảng một cuộc đấu tranh không khoan nhuợng để tranh ngôi dành tước và để làm giàu nhanh chóng. Thỉnh thoảng nổ ra một vài vụ tai tiếng long trời lở đất không ai thú nhận mà cũng không ai dám nói ra. Dưới lớp sơn "đạo đức công cộng", tập đoàn mafia nhà nước kín đáo giải quyết vấn đề, dĩ nhiên phải có vài cái đầu rơi rụng và một mớ "tôm tép" đi nằm ấp. Còn những "đại gia" thì cứ phây phây.

 

Vũ Cân có làm bài thơ tựa đề "Thèm ăn và quyến rủ", trong đó đại ý ông nói:"Giải Phóng rồi, con tàu Cách Mạng tiến vào Đất Hứa qua cảng Tham Ô. Quan lại đầu sỏ, đầy tớ nhân dân có tuyên thệ, đòi hỏi tiền trà nước, trước nhất ở kẻ tầm thường, rồi sau đó đến nhân dân cả nước. Ngon miệng, càng ăn càng ngon, càng trang điểm càng quyến rủ." (Vũ Cân, Hà Nội, tháng Ba năm 1995)

 

*  *  *

 

Cuộc cách mạng nào cũng vùng lên vì mục đích cao cả. Nhưng khi thành công rồi có còn giữ được đúng theo mục đích đó hay không là cả một vấn đề. Cái gương của Cộng Hòa Xả Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay là một trường hợp đáng suy ngẫm. Vì vậy cho nên, mấy lúc gần đây nghe thấy Hà Nội luôn nhắc nhở "học tập theo gương Bác", nhưng nói để mà nói thôi.

 

Qua mấy bài "Đọc sách trước đèn", chúng ta chỉ cần ghi nhận cái nhìn của tác giả "Le Joueur de flûte et l'Oncle Hô - Việt Nam 1945-2005" để thấy rằng ở Việt Nam ngày nay "nói vậy mà không phải vậy". Cũng là ngưới Cộng sản đó, nhưng ông Ngô Văn cũng phải đau lòng vì mình là người Cộng sản Việt Nam. Vì vậy cho nên loạt bài đọc sách nầy lấy tên "Điệu sáo chướng tai", vì Hồ Chí Minh có sống dậy để nghe thì cũng không nghe nổi, cũng như khi ông nghe tiếng sáo của ông Võ Thành Minh ngồi thổi bên bờ hồ Léman hồi 1954, sau khi Pháp và Việt Nam ký kết Hiệp Định Genève chia đôi đất nước.

 

Tánh cách như nhau của hai chế độ - miền Nam trước kia với phía Nam của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bây giờ - làm cho hai thể chế giống như hai anh em ruột thịt, chỉ với tánh tình khác nhau. Một đàng là "tư bản con người" đàng kia là "tư bản nhà nước", thế thôi. Mà bản chất của tư bản, đời nầy qua đời nọ vẫn bất biến là "BÓC LỘT". Người dân đen lúc nào cũng đóng vai con ngựa với một người kỵ mã khác.

 

HẾT

 

Phan Quân 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.