Thư mục Phan Quân


 

Sáng mắt

 

  • Phan Quân - 1.07.2006
     

Ðoàn xe chuyển tù cải tạo Hà Tây đến trại Nam Hà vừa ngừng lại trước cổng khu giam tù thì hình ảnh đập vào mắt mọi người trước tiên là lão cán bộ đứng ngay giữa sân tập hợp. Một con người khá cao, béo tốt, nhiều bề ngang, xét theo tiêu chuẩn cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một mẫu người hiếm thấy trong giới cán bộ cộng sản mà chế độ ăn uống hạn hẹp, theo tiêu chuẩn và khổ cực, không thuận lợi cho việc phát triển cơ thể. Mái tóc lão ta thật độc đáo, đen tuyền, cọng tóc cứng, lại hớt ngắn nên cứ sừng sững dựng ngược lên, từ xa trông như lão ta đội chiếc mũ đen quan tòa. Diện mạo lão mang nhiều sắc thái Tàu hơn Việt Nam, mắt đăm đăm, miệng mím lại như sợ nụ cười thoát ra khỏi miệng. Bóng dáng của lão cho thiên hạ dự đoán rằng đây là một con người "khó nhá". Ðiều đó phù hợp với chức vụ cán bộ giáo dục của một trại tù có nhiều "ngụy quân, ngụy quyền" đang "học tập cải tạo".

Trong hệ thống tổ chức ban chỉ huy một trại tù, cán bộ giáo dục là một nhân vật không kém phần quan trọng. Chính thành ngữ "học tập cải tạo" đã gây thanh thế cho chức vụ cán bộ giáo dục trong hệ thống quyền hành của trại. Có học tập thì giáo dục được coi như quan trọng hàng đầu. Thế nhưng, chính bản chất và cá tính con người giữ chức vụ đó làm cho chức vụ càng bị tác động mạnh mẽ hơn. Trong các cuộc họp để bàn xét tha tù cải tạo, tiếng nói của cán bộ giáo dục thường làm lệch cán cân quyết định rất nhiều. Với sự có mặt của lão cán bộ này ở đây, từ trước đến nay trại Ba Sao có tiếng là ít người được tha nhứt, trong số các trại tù cải tạo miền Bắc. Vừa phong thanh biết được sẽ chuyển sang trại Ba Sao Nam Hà là tù cải tạo đã bắt đầu ngao ngán vì lão Quốc, cán bộ giáo dục ở đó.

Tù vừa xuống xe, chân ướt chân ráo bỡ ngỡ với trại mới, cảnh lạ và người chưa quen thì lão ta đã hét to:

- Các anh khẩn trương lên nào! Ði với đứng gì mà như đưa đám! Xếp hàng tám vào, quay mặt về phía tôi, hành lý để dưới chân, chờ lệnh!

Với một buồng phổi như vậy, tiếng nói của lão cứ rổn rảng, vang vội cả sân tập hợp rộng bằng hai phần ba sân bóng đá, không cần phải sử dụng loa. Giọng nói đó, cử chỉ như thế xác minh đúng với tù cải tạo Hà Tây những gì họ nghĩ về chất khó khăn của cán bộ Quốc. Cảm tưởng đầu tiên là thời kỳ "học tập cải tạo" ở trại mới này sẽ gay go đây. Thế nhưng đã là tù với gần mười năm kinh nghiệm sống và được cộng sản tuyên bố "tha tội chết" thì họ tự coi mình là một loại "cùi không sợ lở và điếc không sợ súng". Tới đâu thì tới vì đã giam "mút mùa lệ thủy" rồi, có siết nữa thì cũng vậy thôi. Trong khi chờ đợi thời gian tìm hiểu đối tượng, họ sẽ tạm thời "án binh bất động" để hạn chế tổn thất.

Khoảng ba trăm tù cải tạo tập hợp theo hàng ngũ quy định xong thì được lịnh ngồi xuống để nghe những lời "chỉ giáo" của cán bộ giáo dục, sơ lược về sinh hoạt ở trại. Như một ông tướng trước ba quân, lão ta thao thao bất tuyệt, mục hạ vô nhân, câu cú đặc sệt chất nông dân, sính mượn ca dao ngạn ngữ thật kêu như một cách biểu lộ trình độ tri thức của mình. Một loại "chó ông thánh cắn ra chữ". Chẳng khác gì các sến, các "ma-ri-đờ-la-phông-tên" đi gánh nước, trả treo đối đáp mà mượn từ ngữ cải lương! Có những lúc hớ hênh khôi hài, lão ta viện dẫn thành ngữ và điển tích chẳng ăn nhập gì với mạch văn đang nói hết. Lối nói của lão ta dễ hiểu đến buồn cười nhưng đố ai dám cười. Tuy nhiên, cách nói thiếu chân chất, không mộc mạc, đầy chất nhà quê lại thích khều qua móc lại, mỉa mai châm biếm một cách nham hiểm như cầu thủ bóng đá thích đưa giò lái và chơi cùi chõ.

Như phần đông các cán bộ miền Bắc, lão cũng mắc căn bịnh chung là lẫn lộn âm "lờ" với âm "nờ". Câu chuyện mở đầu càng đi sâu, tâm tư tù cải tạo Hà Tây càng được tháo gỡ bớt những âu lo ban đầu vì họ quan niệm rằng chó sủa, chó không cắn. Thế là lão ta cứ tràng giang đại hải những gì đâu đâu, trại nào cũng nói vậy và đến trại nào thì cũng nghe ngần ấy! Lão cứ say sưa nói, bất chấp cử tọa và thính giả. Trong khi đó tù cải tạo mệt lả người với hành trình mấy mươi cây số đường xấu bằng xe tải lại bị phơi nắng để nghe lời rao giảng vô duyên. Những gì lão ta nói có lẽ mình lão ta nghe vì không nghe thì cũng chẳng có thiệt hại. Cũng những luận điệu quen thuộc nghe đến ngấy người, gần mười năm qua, hết trại này đến trại nọ. Kinh nghiệm học tập cải tạo cho tù biết rằng cán bộ cộng sản nói nhiều nhưng nội dung chẳng có bao nhiêu, một lối nói câu giờ để nghe qua rồi bỏ. Cung cách "lên lớp" như vậy là một loại độc thoại rẻ tiền, cho không cũng bị khước từ, nếu không phải là tù. Lão ta cứ nói và nói cho đến khi có tiếng kẻng tan tầm lao động buổi sáng (khoảng mười một giờ) mới chịu thôi. Dĩ nhiên là cũng được kết thúc bằng một loạt vỗ tay tiêu chuẩn! Lắm mồm lắm miệng như đá ném xuống ao, chỉ lao xao mặt nước rồi thôi. Do đó kết luận sơ khởi của tù cải tạo là:"Cha này nói nhiều thì cũng chỉ là một loại phổi bò. Nhứt định phải có kẽ hở. Tạm thời như vậy, chờ dữ kiện bổ túc".

Vào dịp gần Tết năm đó, bác sĩ Ðiền Ðô (nói láy là Đồ Điên vì cha này thường xử sự không giống ai) được gia đình từ Sài Gòn ra trại thăm và tiếp tế. Rủi cho ông, qua thủ tục khám người trước khi ra khu thăm gặp, cán bộ trực trại chận bắt được một bài thơ phổ nhạc của ông sáng tác, định trao cho gia đình chuồn ra ngoại quốc, hy vọng tạo một dư âm quốc tế về nỗi thống khổ của tù cải tạo. Vấn đề lên đến cán bộ Quốc. Lão ta quyết định "thẳng mực Tàu", dĩ nhiên là "đau lòng gỗ". Ông bác sĩ tù cải tạo bị cắt ba tháng thăm gặp gia đình, sáu tháng viết thơ về nhà và "cùm" ở khu biệt giam kỷ luật bảy ngày! Thế là bác sĩ ta đành cười nửa miệng, trở vào khu giam trong lúc gia đình, sau khi gồng gánh tiếp tế vượt gần hai ngàn cây số Trường Sơn xuyên Việt, không được gặp mặt chồng và cha! Nhưng, vốn đầy đủ can trường, đương sự bất chấp vì đã liều thì không ăn tất phải thua. Vả lại dù không gặp gia đình, rốt cuộc ông bác sĩ vẫn nhận được quà. Còn việc viết thơ về gia đình qua hệ thống chính thức của trại Ba Sao được tù cải tạo cho là một chuyện tiếu lâm rẽ tiền mà người nghe có bị cù vẫn không cười nổi!

Mỗi tháng một kỳ, tù được trại "ân huệ" cho phép viết thơ về nhà, nhứt định là phải qua kiểm duyệt của cán bộ quản giáo. Người dễ viết và văn hay đến đâu cũng phải khổ tâm khi viết thơ định kỳ vì phải vận dụng kỹ thuật viết và lách thế nào để giải bày được tâm tư của mình một cách trung thực mà không bị trại bắt bẻ. Khi thơ đã bị chỉnh, là mất một kỳ thơ đã đành có khi lại còn bị kêu lên "tiếp thu" hàng giờ bài giảng chính trị hạ cấp! Nhưng trái lại thơ có thoát khỏi chiếc kéo kiểm duyệt cũng không chắc gì đến tay gia đình vì có nhiều lần tù đi lao động ngoài rừng, dưới nương, bắt gặp thơ của mình hoặc của bạn bè nằm ngoài sương gió, bên cạnh những đống sản phẩm ai cũng tránh. Mất công toi lại phí tiền tem! Cho nên, hệ thống thơ chui ở trại này phát triển rất mạnh nhưng cũng có chuyến êm xuôi, chuyến bị kẹt. Và nhờ "đường dây CIA" này mà thông tin cũng như chất ngân giữa tù và bên ngoài có được lưu lượng tốt. Nhờ vậy mà sinh hoạt của tù cải tạo lần hồi thoải mái với tiền mặt giấu giếm và tin tức hân hoan thuận lợi.

Vào những năm cuối của thập niên tám mươi, trong trại Nam Hà có một hệ thống mua bán lậu của tù rất sung túc, tạo điều kiện cho những người không được gia đình tiếp tế, nhưng tháo vát lanh lẹ, cũng cải tiến được mức sống lao tù. Nhưng, đừng để cho cán bộ bắt được, nếu không thì tiền mất lại lãnh đủ phần trừng trị. Một hôm "chành Tây đen" - một anh tù nước da hơi đen, chuyên mua hàng bên ngoài, bán lại bên trong, kiếm tí tiền còm - đi lao động về mang rượu đế vào khu giam tù bị bể. Mấy lần trước, nhờ lót tay trực trại nên tai qua nạn khỏi. Lần này, trực trại trong hệ thống của "chành Tây đen" đi phép "đột xuất" nuôi vợ sanh, công việc mua lén bán lậu của anh bị cán bộ an ninh phát hiện và chuyển lên cán bộ giáo dục. Cán bộ Quốc ra lịnh tịch thu tang vật - nhưng không nghe nói số rượu bị giam kia được giải quyết như thế nào - và "chành Tây đen" lãnh ba ngày "nghỉ lao động, nằm biệt thự" ở khu kỷ luật, may mắn thay chân không bị còng.

Thông thường những quyết định kỷ luật tù như trên, trại công bố trước toàn thể tù cải tạo lẫn hình sự tập hợp mỗi sáng trước khi xuất trại lao động để làm bài học răn đe. Biện pháp nào nghe qua cũng dữ dằn nhưng phần áp dụng thì lại phiên phiến qua loa. Tìm hiểu qua những người tù nhiều thâm niên ở Ba Sao thì được giải thích:

- Cha đó cách đây vài ba năm thì phải biết! Nay đỡ nhiều rồi đó. Tụi mày mới về, cha ấy dằn mặt chơi thôi. Biết điều thì rồi đâu cũng vào đấy. Dễ người, dễ ta mà!

 Quả đúng như vậy, lần hồi nếp sống cũng dễ thở khi tù biết vận dụng "bác" và trong khi đồng lương cán bộ không tương xứng với vật giá và nhứt là khi cán bộ coi tù bị choá mắt trước những hàng hóa của xã hội tư bản Tây-Mỹ và Sài Gòn qua những lần khám xét quà thăm nuôi hay bưu phẩm. 

 

*  *  *

Từ khi có tin cán bộ Quốc vắng mặt một thời gian, sinh hoạt trại bỗng nhẹ nhàng thoải mái. Như sau một thời nắng hạn lâu dài có được cơn mưa to! Theo dư luận rỉ tai, lão ta lãnh nhiệm vụ áp tải một tù cải tạo tầm cỡ của trại Thanh Liệt vào Nam. Bộ Nội Vụ Hà Nội cử lão ta đi để tưởng thưởng một đảng viên "chuyên và hồng" có phẩm chất cao, phục vụ tích cực và hữu hiệu, nhưng từ ngày "giải phóng" đến nay chưa một lần biết mặt "thành phố mang tên Bác". Sự vắng mặt của cán bộ Quốc ở trại không những được tù tiếp nhận với nhiều thích thú mà còn được các cán bộ, từ trực trại đến quản giáo, lẫn cảnh vệ, hoan nghinh. Một "ông ác" đi vắng thì cửa chùa như bỏ ngỏ!

Sau khoảng bốn mươi lăm ngày công tác, cán bộ Quốc xuất hiện trở lại ở trại. Gặp lão ta, người tù nào cũng lấm la lấm lét trong lòng như bị mặc cảm tội lỗi về sinh hoạt thoải mái trong những ngày không có lão. Thế nhưng - lạ kỳ chưa - chính cán bộ giáo dục lại niềm nở chào hỏi các người tù mà phải là tù cải tạo cơ! Người ta nhận thấy nét hung thần hắc xì dầu của lão ta đã phai lạt và dung nhan đã xuất hiện nét đổi mới. Ðược tù chào hỏi, lão ta vui vẻ đáp lại, kèm theo một đôi lời thăm hỏi này nọ, chớ không như trước kia chỉ một tiếng "ừ" cộc lốc. Lão bắt đầu la cà với tù cải tạo nhiều hơn trước. Những lúc rảnh rỗi, lão thường vào khu giam tù sục sạo, dưới danh nghĩa kiểm tra. Thế nhưng, nếu nhóm nào đang mì gói ăn liền, cà phê thơm phức hay trà móc câu Bắc Thái, bánh kẹo mà có lời mời theo nghi lễ Bắc Hà, xã giao lấy lệ, thì lạ chưa, lão ta cũng ít khi từ chối. Qua đàm đạo lúc trà dư tửu hậu với lão mới thấy được nguyên nhân làm cho một cán bộ giáo dục khắc khe ngày trước lại để cho tư tưởng của mình diễn biến lộ liễu đến như vậy.

Trước kia lão nghiêm nghị với tù cải tạo bao nhiêu thì nay lão lại cởi mở hơn gấp bội, như chừng để bù trừ lại những ngày quá khứ khắt khe. Có cà-phê, thuốc lá và trà móc câu vào một tí thế là chuyện kể chuyến đi Nam tuông ra như nước vỡ bờ, tưng bừng như lễ hội. Câu chuyện tự nguyện nổ râm ran như pháo Hồng Kông ngày Nguyên Ðán chớ không phải miễn cưỡng có hỏi mới có đáp. Lão ta nói về "thành phố mang tên Bác" của lão mà những người tù cải tạo nghe cứ tưởng như kể về một thành phố nào của ngoại quốc. Nào nhà cao tầng nhìn lên đến trật ót. Nào phố phường đông đúc người là người, xe là xe. Nào thế thái nhân tình, ôi sao mà trang nhã thanh lịch! Cứ mở mồm hé miệng là cám ơn, là xin lỗi, nghe cứ êm tai đẹp lòng. Lão ta thao thao bất tuyệt cũng như những lúc lên lớp "dạy dỗ" tù trước đó không bao lâu, khác chăng là phần nội dung:

 - Cái đất Hà Nội chúng tôi làm gì tìm ra cung cách quan hệ người với người như thế. Tôi có gặp lại một số anh trước đây ở trại này được tha về đã lâu. Nay các anh ấy đã được trả quyền công dân, làm ăn sinh sống thoải mái. Những tưởng các anh ấy thù dai nhưng không, bất ngờ gặp tôi ngoài đường phố vẫn tay bắt mặt mừng, chuyện cũ bỏ qua, lôi vào quán nước bên đường chuyện trò thăm hỏi bạn bè ngoài này. Có anh còn đưa tôi đi tham quan thành phố, thưởng thức món ăn đặc sản. Thậm chí có anh còn đưa tôi về nhà vui vẻ mọi điều. Miền Nam các anh quả thật là thiên đường trần gian. Những gì chúng tôi học tập trước kia liên quan đến miền Nam trên lý thuyết đã bị phản bác hoàn toàn qua thực tế cụ thể trông, sờ và kinh nghiệm được. Y như rằng "trăm nghe không bằng một thấy".

Câu chuyện dài dòng và nhiều thật nhiều có kể cho hết cũng chẳng có gì mới lạ vì toàn là những thực tế của sinh hoạt thường ngày, có cũng như không đối với những con người sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đó. Như nói bàn tay có năm ngón nhưng chỉ khi nào một ngón bị thương mới thành vấn đề. Từ đó trở đi, tù cải tạo trại Ba Sao lại có được một cán bộ giáo dục hoàn toàn đổi mới, xoay chiều một trăm tám mươi độ, nên dễ thở nhiều. Dĩ nhiên là không vì vậy mà tù có thể làm loạn, nhưng có được cơ hội để làm cho "nhứt nhựt tại tù" của họ không còn là "thiên thu tại ngoại". Rồi thì các buồng trong khu giam tù thỉnh thoảng tiếp nhận những yêu cầu như:"Cán bộ Quốc xin cái này, cán bộ Quốc cần cái nọ". Lão ta lần hồi thu góp món này vật nọ của tù cải tạo, tích tiểu thành đại, lâu lâu mang về cho gia đình qua những chuyến về quê. Thời gian gần đây, nhịp độ về quê của lão cán bộ giáo dục tăng hơn trước kia nhiều vì tù cải tạo tiếc làm gì lạng cà-phê hay dăm ba con khô cá sặc, một vài quả trứng vịt, miễn sao cảnh đời tù tội của họ nhẹ nhàng hơn. Thậm chí lão ta còn leo thang nhu cầu hỏi mượn cả tiền của tù cải tạo mà phần trả thì không ai đề cập đến bao giờ! Có hôm vui vẻ quá trớn lão bạo miệng tuyên bố nửa đùa nửa thật:"Thứ gì của các anh cũng quý"!

Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ  đồn ba ngày đường và thêm vào đó là tình trạng "trâu cột ghét trâu ăn". Sau mấy tháng lão ta hòa mình sinh hoạt với tù, dù được ngụy trang dưới hình thức "đi sâu và sát đối tượng", tin đồn đã loan đi là trên đang đặt nghi vấn đối với cán bộ Quốc. Chi bộ trại đã sinh hoạt và làm việc với lão trên chiều hướng là lão có những quan hệ linh tinh với tù cải tạo. Dĩ nhiên lão phải viện dẫn lý do để binh vực quan điểm bản thân. Ðể cảnh cáo sơ khởi, chi bộ yêu cầu lão kiểm điểm lại quá trình hành động trong những tháng sau chuyến đi Nam và rút ưu khuyết điểm. Thấy trước mức đến bắt buộc của mình, lão ta dựng phương án để tạo lối ra.                 

Ðã chán ngán với bao nhiêu năm bị phỉnh phờ, đã căm tức vì bị lừa dối như một đứa trẻ con, nay lão ta lại thêm phần bất mãn. Không làm loạn được, không thay đổi được chế độ thì phải chính mình lột xác, lão lo lấy bản thân và gia đình. Lão liên lạc với tù cải tạo càng ngày càng khăn khít hơn đến đổi một hôm được bữa nhậu thịt "cờ tây" nhân ngày "sinh nhật Bác", lão ta xổ toẹt:

- Ð... m... nó, cứ cần, kiệm, liêm với chính để ôm vợ con mà chết nhăn răng à ?! Tớ đâu có điên.

 Ðộ rượu ngày đó có hơi cao, nhưng khi nghe như vậy anh em tù cải tạo trong bàn nhậu bèn thức tỉnh ngay:

 - Cán bộ đùa đấy à ? Thôi, hôm nay ta "mừng ngày sinh của Bác" như vậy cũng vui thật là vui và quá đủ rồi, lần khác ta bàn tiếp cán bộ! Để cán bộ về nghỉ.

Sau chầu nhậu nhẹt "mừng sinh nhật Bác" hôm đó, người ta thấy vắng mặt lão ta một thời gian khá lâu. Tin tức cho là lão đi phép. Ngày lão ta trở lại trại thì được biết là người cán bộ "chịu chơi" kia bị Bộ Nội Vụ gọi về Hà Nội. Nhưng lần này thì không giao nhiệm vụ khác cho lão mà lại trao cho lão một mảnh giấy cho phép về "phục viên"! Như vậy là cán bộ Quốc đã bị "lột áo" từ quan, không còn được làm viên chức nhà nước nữa. Ðắng cay cho lão làm sao! Ba mươi mấy tuổi đảng, trên năm mươi mấy tuổi đời mới nhận thức được mình không có cái nhìn đúng đắn về thế giới chung quanh, vì bị một hệ tư tưởng đầu độc và chuyên chế lường gạt, vì lão ta đã mù quáng tin tưởng. Như bị người bạn trăm năm tràn trề tin tưởng cho mọc sừng! Chẳng cái đau nào bằng cái đau của cán bộ Quốc!

Bị sa thảy, mất mọi đặc quyền đặc lợi của một gã công an đảng viên, nhưng cán bộ Quốc không chút ân hận và hối tiếc vì lão thấy còn có thể làm lại cuộc đời với những con người lịch sự, ngay tình và không hận thù của miền Nam, mà tiêu biểu là các anh tù cải tạo của trại Nam Hà Ba Sao. Sau khi tom góp những tặng vật của tù cải tạo, gọi là chút quà đưa tiễn người đảng viên thức tỉnh "giã từ vũ khí", cán bộ Quốc chất toàn bộ "tài sản" của lão lên chiếc xe tải của trại mà lão ta xin quá giang để về quê. Trong số hai chiếc chiếu cuộn tròn mang đi có một được yêu cầu để lại trại vì ngoài tiêu chuẩn. Cán bộ Quốc lắc đầu, đôi mắt từ lâu cạn giòng lệ tình cảm của người đảng viên cộng sản bỗng dưng long lanh và ửng đỏ!

Chiếc xe tải, chở người cán bộ giáo dục trại Nam Hà về đời sống dân thường, nổi giận rồ ga rầm rộ. Bác tài cho xe dọt mạnh làm tung tóe lại phía sau bụi mù và sỏi đá của đồi núi Ba Sao lẫn lộn với đám khói đen nặng chất ô nhiễm, chẳng khác gì một quả đấm nghìn cân vào mặt đồng chí nào của trại đã thừa gió bẻ măng. Tình cảm đảng viên trên ba mươi năm thì sá gì một chiếc chiếu con chẳng đáng là bao ?

 

Phan Quân

 

  © 2006 Phùsa.

Thư mục Phan Quân   

bút
việt
hồn
quê

với sự góp mặt của :

 Thích Phước An  Vũ Thanh Bình  Hồ Minh Dũng  Kiều Mỹ Duyên  Phạm Xuân Đài  Trần Trung Ðạo  Nguyễn Đạt  Thích Quảng Độ  Công tử Hà Ðông  Tâm Hải Đức  Nguyễn Mộng Giác  Thích Nữ Trí Hải  Nhất Hạnh  Vĩnh Hảo  Ðoàn Văn Khanh  Ngô Kim Khôi  Lặng Lẽ  Phạm Trọng Luật  Miêng  Diệu Trân - Linh Linh Ngọc  Bắc Phong  Phạm Thanh Phương  Nguỵ Khắc Quái  Phan Quân  Văn Quang  Nhật Thịnh  Lê Khánh Thọ  Nguyễn Bửu Thoại  Nguyễn Nam Trân  Ngô Viết Trọng  Nam Quan Tử  Phan Thị Trọng Tuyến     Tiểu Tử        Hiền Vy  

... và :
Nguyễn Lê Nguyên
tổng biên tập
www.phusa.net

 

Về  mục lục
Bút Việt Hồn Quê