Thư mục Phan Quân


 

Sám hối

(Chuyện hoang đường thời đuơng đại)

 

  • Phan Quân - 1.07.2006

Không được loan đi trong các bản dự báo thời tiết vậy mà một đám mây đen hình đe thợ rèn bỗng dưng xuất hiện trên vùng trời của quảng trường Tam Ðịnh. Vòng tròn đám mây khá rộng lớn, đường kính khoảng mươi cây số nghìn. Trên từng cao, tốc độ gió cũng phải trên trăm cây số giờ vì khách bộ hành trông thấy mây đen quay cuồn cuộn như hợp chất của lòng trứng xoay tròn trong máy đánh trứng của các bà làm bánh. Thế nhưng, ở mặt đất không gian lại lặng như tờ trong một màu xám xịt khi mà xa xa ngoài kia không gian vẫn tươi đẹp dưới nắng hanh vàng. Ðám mây đen nghịt kia cứ xoay tròn một cách gần như tĩnh tại, trung tâm của nó không xê dịch nhiều so với cái thánh mộ độc nhất vô nhị của đất nước. Bỗng nhiên, ở trung tâm đám mây xuất hiện một khoảnh tròn để lộ vùng trời xanh trên cao rồi đà xoay của mây đưa một vòi hình nón thon dài xuống đất mà mũi nhọn chĩa ngay vào thánh mộ.

Quần chúng tạm thời ngưng sinh hoạt để quan sát biến cố khí tượng kỳ lạ giữa mảng trời chiều xanh biếc của thủ đô vào thu. Trẻ nhỏ vỗ tay reo hò cho đó là hiện tượng rồng lấy nước trong khi toán quân bảo vệ thánh mộ đang nháo nhác như ong vỡ tổ chạy tìm phương tiện chống bão, hy vọng bảo toàn nơi chốn linh thiêng của chế độ. Ðám mây đen trên cao sà xuống thấp lần và thấp lần, gió mặt đất bắt đầu xuất hiện, ban đầu nhè nhẹ sau đó tăng tốc đến độ khủng khiếp. Cây cối ngả nghiêng, xe đang ngừng cũng bị đưa đi dù không nổ máy nhưng, tai hại thay, cũng không theo tuyến đường lộ sẵn có. Người lớn, trẻ con lúc nãy còn thưởng ngoạn hiện tượng mới thấy trong đời giờ đã lăn kềnh, bị gió đẩy đi không biết rồi sẽ về đâu. Tiếng gọi cấp cứu, tiếng khóc la ơi ới nghe rợn người. Ðài phát thanh trung ương ngưng chương trình phát thanh thường lệ để loan tin báo động khẩn cấp và yêu cầu thính giả chuyển sang tần số phòng vệ dân sự để nghe chỉ thị hướng dẫn. Thông tín viên thường trú của báo chí và hãng tin ngoại quốc đổ về hướng quảng trường để săn tin, phát về nước nhưng tất cả đều phải khựng lại bên ngoài chu vi của đám mây kỳ dị, không ai dám liều mạng xông vào dù tinh thần nghề nghiệp thôi thúc họ rất mãnh liệt.

Thế rồi, sét trời loé xanh như điện cao thế chạm dây và một tiếng nổ ầm, to cỡ vài ba trái bom B-52 ngày trước nhưng không có sức ép. Toàn bộ hệ thống điện của thủ đô chết không kịp trối, cả thành phố tối đen như mực tàu trong khi đêm đã xuống từ lúc nào không ai hay biết vì mãi mê theo đuổi hiện tượng bất ngờ kia. Mắt người, vừa bị choá trước ánh sáng ngời xanh của sét trời, không còn trông thấy gì nữa, chừng như bị mù. Không gian im phăng phắc vì quần chúng khiếp sợ điếng người, hồn phách tiêu tan chẳng dám kêu la, còn những ống loa thường oang oang đầu đường cuối phố, tiêu biểu cho sinh hoạt của chế độ, cũng phải ngậm câm vì mất điện.  

Trong khoảnh khắc cô tịch đen tối đó, từ hướng thánh mộ thoát ra một chất sáng lân tinh, lớn lên lần hồi và chập chờn di chuyển trông như bóng dáng một lão già ốm tong teo, tay chỏi gậy đi quanh như đang cố định hướng. Hình bóng dạ quang kia dừng lại, đưa tay lên miệng làm ống loa dường như để lên tiếng nói với đám đông một điều gì. Trong không gian có âm điệu loáng thoáng như là:"Bà con nghe tôi có rõ không?" Chẳng nghe ai đáp lại, cụ già lắc đầu chán nản, mỉa mai:"Lũ này nó ngủ hết rồi, ôi hậu sinh khả úy!" Ông già buồn bã chỏi gậy đi tiếp một đỗi rồi mất dạng. Thủ đô bàn tán xôn xao về hiện tượng nhưng rồi cũng âm thầm thiếp ngủ dù rằng muộn màng hơn những đêm thường lệ.

Sáng hôm sau, trong những dòng xe đạp xuôi ngược trên đường phố hướng về các nẻo lao động cũng như các ngõ học đường, câu chuyện trao đổi râm ran nặng tính huyễn hoặc về hiện tượng bí hiểm vào chạng dạng tối hôm trước ở thánh mộ, trên quảng trường. Những tờ nhật báo hôm đó bán chạy như tôm tươi, như bánh mì dòn nóng mới ra lò, nhưng không thấy báo nào giải thích hiện tượng một cách chính xác. Báo quốc doanh cho rằng đó chỉ là sự kiện bình thường của thiên nhiên và khẳng định là quần chúng không được bàn ra tán vào theo chiều hướng duy tâm, dị đoan. Theo báo này thì "hiện tượng đó không ảnh hưởng gì đến tiến trình phát triển và sinh mệnh chính trị của đất nước vì Ðảng ta, vốn đầy tính khoa học và sáng tạo, sẽ bắt thiên nhiên phải cúi đầu." Người đọc báo mỉm cười, không nói nhưng không có vẻ gì tin tưởng luận điệu đó, khi đem đối chiếu với thực tế vừa mới xảy ra, và như vậy thêm một nhân tố nữa để hạ thấp uy tín của báo đảng.

Thế rồi khi sinh hoạt của thủ đô bắt đầu đi vào nề nếp thường ngày thì những người nhàn du lại phát hiện ra một lão già ốm tong teo, chỏi gậy đi nơi nầy nơi nọ trên các nẻo đường của thủ đô. Có người sực nhớ ra rằng ông lão hao hao giống hình ảnh dạ quang xuất hiện từ đám mây đen tối qua. Tuy dáng người nhỏ thó nhưng ông lão di chuyển khá nhanh và nhẹ nhàng, như chừng chân không chạm đất. Ông rảo bước đi trên đường phố, nhiều phen hồn vía lên mây vì tiếng rú ga của những chàng "quái xế". Ông lẩm bẩm:"Xe đạp gì lại có máy nổ?" Thì ra các bậc con cháu của ông ngày nay đã tiến lên một bước sử dụng xe Honda, Simson hay Babetta nhiều hơn là xe đạp vào thế hệ của ông. Còn "xe con" sao bây giờ lắm thế!" Ðầy tớ nhân dân" cở giám đốc cũng đã nhởn nhơ, chễm chệ ngả người trên ô-tô du lịch hạng sang, máy lạnh, kính mờ rồi. Có đâu như thời của lão, phải bộ trưởng nhà nước trở lên mới may ra di chuyển bằng xe con. Lão dễ dãi nghĩ rằng:"Có tiến bộ như thế cũng được đi, miễn chúng nó ăn nên làm ra".

Lang thang đầu đường cuối phố "tham quan" cho rõ sự tình, lão lạc bước đến đường Nguyễn Du dọc hồ Thiên Quang. Lão nheo mắt đọc mãi bảng hiệu một khách sạn mà không ra, tự cho rằng thị lực đã kém đi vì chữ nghĩa quê hương mà sao đọc hoài không được. Xoay xở ngược xuôi mãi một lúc, rồi lại phải vận dụng vốn liếng chữ ngọai quốc của bản thân - lão cũng từng đi đó đi đây bôn ba hải ngoại - lão mới sực nhớ ra để đọc được hai chữ "Boss Hotel". À, đây là khách sạn lừng danh của thủ đô, với cái phòng khiêu vũ "múa đôi" qua tiết tấu của máy đĩa nhạc mà nhiều người đã có ý kiến. Lão được biết rằng người ta coi nó như là dấu hiệu của thời "mở cửa", kết hợp Việt kiều với Bộ Nội Vụ, nghĩa là những người công an xã hội chủ nghĩa biết "đánh giá cao" giá trị của lợi nhuận. Lão bắt đầu thấy bực bội, phiền lòng. Ðộc lập tự do là quý nhất trên đời, nay con cháu lão lại du nhập thứ chữ ngoại lai kia viết lên đầy đường khắp phố, kể như là một điều hảnh diện! Thôi, cũng là chuyện nhỏ, mỗi thế hệ một cung cách, lão tự nhủ qua tình cảm rộng lượng chấp nhận dung hòa thế hệ. Lão tạm thời ghi nhận điều đó để cố gắng "đi sâu, sát quần chúng" để tìm hiểu thêm trước khi phê phán.

Lão dừng chân, ngồi xuống ghế đá công viên cạnh một người cao niên, áo đại cán sờn vai và cùi chỏ, đầu đội nón cối, vải bọc đã bạc màu, có vẻ là một cấp lãnh đạo về hưu. Hai cụ già trao đổi nhau những câu chuyện trời trăng mây nước, lần hồi xoay vào chuyện đất nước và dân tộc. Ðến một lúc, người cao niên thở dài kết luận:"Nói mãi cũng không sao hết được những điều sai trái của bọn lãnh đạo bây giờ, cụ ơi! Mình nói ra thì chúng nó cho là bảo thủ, lỗi thời, thủ cựu, không theo kịp trào lưu, không với tới chiều cao thời đại... Theo cách nói của quần chúng nhân dân thì từ lúc Bác đi vắng đến nay chúng nó chỉ làm được có một phần ba câu nói của Bác:"Không có gì quý hơn độc lập tự do",...

- Vậy là khá rồi, còn đòi hỏi gì nữa cụ? Sau ba kế hoạch năm năm mà làm được một phần ba thì còn đòi hỏi gì nữa?

- Khổ lắm cụ ơi, đó là dân gian họ mỉa mai thôi. Thì cụ thấy, lời nói của Bác gồm chín chữ mà họ làm được một phần ba nghĩa là ba chữ đầu "không có gì" thử hỏi cụ vậy chớ được gì đâu

Ông lão cúi mặt cười thầm, cuời cho sự ngay tình của lão và cười cho tính thâm thúy của dân gian nhưng lão lại buồn cho cái gọi là thành tựu của những người kế thừa. Lão chán nản, nặng nề đứng dậy chỏi gậy đi lang thang phố phường Hà Nội. So với thời của lão, thủ đô ngày nay thay đổi nhiều quá, mang dáng dấp của một thành phố ăn nên làm ra. Tuy nhiên, nét sinh hoạt tổng thể đậm nét lại là của một xã hội tiêu dùng, trái ngược một trăm tám mươi độ, so với ý thức hệ chủ đạo mà lão đã dày công du nhập từ nước lớn anh em. Tiêu dùng thì cũng tạm được với điều kiện là phải do chính bàn tay nhân dân sản xuất chớ đàng này thì toàn là hàng ngoại, thậm chí tệ hại hơn nữa là hàng nhập lậu. Chính mắt lão đã cụ thể chứng kiến hệ thống giao liên chuyên chở hàng lậu ở biên giới phía Bắc, nhân chuyến về thăm hang Pắc-Bó, nơi chôn nhau cắt rún của Cách Mạng. Chẳng khác gì một đàn kiến tha mồi! Một cung cách làm ăn tự phát, ngoài pháp luật lại tự do thoải mái vì được quân đội và công an bao che. Trước kia thì đây là địa bàn nhập cảng cách mạng giờ lại cửa vào lén lút của hàng tiêu dùng. Thế là hết chỗ nói! Lực lượng vũ trang mà bê tha trong nghĩa vụ chính thống của mình để chạy theo lợi nhuận trong chủ trương gọi là cải thiện đời sống thì sớm muộn gì cũng biến chất. Lão tự hỏi:"Thằng Ðồng, thằng Giáp còn đó mà sao tư tưởng của ta lại trở thành bệ rạc đến như vậy. Chẳng lẽ hai đứa chỉ là những cái xác không hồn, vất va vất vưởng như những tượng đất, cố tận hưởng đặc quyền đặc lợi cho bõ công lao khai quốc công thần, triều đình khanh tướng? Nếu quả thế thì toàn là một lũ ăn hại, đái nát!"

Phiền lòng, phật ý, lão bỏ thủ đô tiến về nông thôn để "sâu sát" với nông dân mà lão xác quyết là đời đời chung thủy với Cách Mạng vì "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng". Lão đi về Lạng Sơn, một trong những tỉnh của chiến khu Việt Bắc, "căn cứ địa của Cách Mạng", để hy vọng tìm thấy lại chất tinh túy của truyền thống. Lão ghé qua thăm tượng nàng Tô Thị mà lão đã từng coi là hòn núi dày dạn gió mưa và năm tháng để mong chờ ngày về vinh quang của Cách Mạng, một biểu thị cho kỳ vọng của nhân dân. Thế nhưng, buồn thay, tượng lại bị sét đánh sạt một bên đầu, kể như một điềm chẳng lành vì thiên nhiên vừa trừng phạt một nỗi trông chờ không đúng đối tượng, không hợp lòng dân. Chờ đợi làm gì cái ngữ ấy để nay về rồi, nó làm khổ nhân dân? Cụ thể là dân chúng đói khổ trong vùng đã ùn ùn kéo đến đào khoét thêm tượng lấy đá về nung vôi. Thậm chí còn có người, chớp thời cơ, đục đẽo thêm chân núi để khai thác kiếm miếng sống qua ngày. Chẳng qua là có khó mới ló khôn. Tinh thần duy vật mà lão đã nhập cảng vào Việt Nam cùng với chủ nghĩa cộng sản đã lần hồi đưa con người Việt Nam tình cảm và đạo đức lên một "chiều cao" quái gở, ở đó họ không còn coi trọng chân thiện mỹ nữa, đến độ khinh thường di tích lịch sử và tàn phá danh lam thắng cảnh quê hương mà không biết ngượng. Lão lại chán nản lắc đầu thở ra, chỏi gậy đi về hướng Cao Bằng để rồi lại chứng kiến thêm một lần nữa nét trừng phạt của thiên nhiên, khi những trận mưa lũ làm sạt lở một nửa trái núi, lấp nghẽn con suối ở xã Quang Trung, huyện Trà Linh giết chết hàng trăm đồng bào nghèo. Lão thầm nghĩ:"Như thế là sự nghiệp cách mạng đã tiêu tan! Bao lâu nay, cách mạng cứ nói bắt thiên nhiên phải cúi đầu, nay lời nói của mình đã bị thiên nhiên chứng minh là dối trá, là ngụy biện".

Hết sức buồn lòng với những điều trông thấy ở miền Bắc, điểm xuất phát của Cách Mạng với một số vốn gần ba mươi năm dân chủ cộng hoà, lão nghĩ rằng công trình của lão - sao chép được của Các Mác và Lê Nin - bao nhiêu năm gầy dựng tại miền Bắc nay đã hoàn toàn phá sản. Kiểm thảo, phê bình và tự phê bình, lão thấy phần sai quấy ở lão cũng có mà ở đám hậu duệ của lão cũng không phải ít. Nhưng, lão hy vọng sai lầm này chỉ có tính cục bộ, trụ hình ở cơ sở, và lão lại chỏi gậy đi xa hơn về hướng Nam với hy vọng thấy được những thực tế khác, xác minh suy nghĩ này của lão.

   

ß

 

Trong quá trình xuôi Nam, lão không thể nào làm ngơ chuyện ghé thăm nơi chôn nhau cắt rún của lão. Bước tới xã sinh quán, lão bùi ngùi nhìn ngắm căn nhà kỷ niệm, nơi lão chào đời trên một thế kỷ qua, giờ đây đã lưa thưa du khách đến thăm vì nó đã bị mất đi tính cách thánh địa của cha già cách mạng và dân tộc mà chỉ là một điểm du lịch bị đám hậu duệ của lão biến thành phương tiện kinh doanh để móc túi, hái tiền khách đến "tham quan" trong bối cảnh "cơ chế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa, do nhà nước quản lý". Khu đất lẽ ra phải để trồng hoa màu phụ như lão đã ra lệnh trong chuyến về thăm năm 1957 nay lại thấy trồng hoa thược dược." Tất cả đều vì lợi ích riêng tư của bọn chúng nó", lão nghĩ bụng như vậy. "Lệnh lạc của người chết chẳng còn ai coi ra gì nữa, trong lúc đó thì ngoài miệng, trên môi lúc nào chúng nó cũng cứ cho là 'Bác đã đi xa'".

Lão lại bùi ngùi ra đi, không buồn vào bên trong ngôi nhà truyền thống. Lão không đi theo quốc lộ mà lại băng ngàn, lội suối, vượt Tây Nguyên để xuôi Nam theo con đường mòn "mang tên Bác", một thời được thần tiên hoá để thu hút thanh niên miền Bắc mù quáng lao vào theo kiểu Lưu Nguyễn đi vào cõi thiên thai. Từ Thức lên tiên còn có ngày trở về trần để có cơ hội nhận thấy rằng mình đã chạy theo ảo ảnh đến phải lỡ thời, lầm thế kỷ. Ðám trai gái tuổi hoa niên thế hệ Hồ Chí Minh đi vào con đường mòn đó, bi đát thay, chẳng khác nào chui vào lò sát sinh khiến cho không biết bao nhiêu bà mẹ già, bao nhiêu người vợ hiền miền Bắc suốt đời đầu đội khăn sô và tâm tư ngập tràn tang tóc! Xuyên suốt con đường mòn hình thành bằng công lao, mồ hôi, nước mắt, máu đào và sinh mạng của hàng hàng lớp lớp thanh niên, thanh nữ Việt Nam, ngày đêm lão cứ nghe vang vang bên tai những tiếng kêu la thảm thiết của các oan hồn quanh quẩn trên đoạn đường chiến lược lịch sử đó. Bưng tai, nhức óc, lão phải đốt giai đoạn đi thẳng đến Ban Mê Thuột để thăm qua chiến trường khởi điểm cho một chiến dịch, lại "mang tên Bác"!

Lão đi lanh quanh lẩn quẩn ở cái thị xã ngái ngủ, ngoại trừ vào những ngày lễ hội của đồng bào thiểu số và tự hỏi không biết tại sao nó lại có thể trở thành cột móc của lịch sử được? Nếu như tướng lãnh Sài Gòn không hiềm khích nhau, không coi thường nhau, biết đoàn kết đem trí tuệ chống lại kẻ thù trước mặt, thay vì thúc cùi chỏ vào hông lẫn nhau thì ông tướng giáo sư sử địa, anh hùng Ðiện Biên cũng khó mà thắng nỗi, nói gì đến ông tướng xuất thân là thợ đóng giày? Hơn nữa, cái gã đồng minh bỏ vốn đầu tư vào chiến tranh phía Việt Nam Cộng Hoà đừng chơi cái mửng "gà rót" thì dễ gì có được một chiến dịch kiểu "sắc không" như vậy để đưa tên Bác vào mà đặt. Qua độ dày của lịch sử chưa được hai mươi năm mà sự thật đã làm cho tên tuổi của Bác gắn liền với chiến dịch đó đâm ra trơ trẽn. Một trận đánh vào chỗ không người lại đem danh hiệu của một người tên tuổi lịch sử mà đặt vào, như một võ sĩ mang danh vô địch nhờ may mắn chỉ đấm vào chân không! Bởi vậy cho nên chiến thắng dễ dàng đó đã tạo ra không biết bao nhiêu đầu óc kiêu binh, tự tôn tự đại, chẳng khác nào một lủ ếch nhái ảnh ương hãm hơi phình to, tưởng mình có thể bằng những con bò. Thế rồi, từ thắng lợi quân sự, chúng nó đem nỗi tự hào ảo ảnh của người "chiến thắng tên đế quốc đầu sỏ" áp dụng vào quản trị và điều hành kinh tế thì mọi việc đã nát bét như nồi cơm nếp nhão.

Tình thế đất nước rối ben lại quen thói anh hùng rơm, ôm tham vọng làm bá chủ khu vực, lừa thầy phản bạn trong khi "chỗ dựa vững chắc" của ý thức hệ đã tiêu tan từ lúc nào, ngoảnh mặt nhìn lại thì mình đang ở trong hoàn cảnh lơ lửng trơ trọi. Trong khi đang hụt hẫng chơi vơi lại choá mắt trước hào quang sáng chói của thị trường thế là mạnh ai nấy làm chuyến tàu vét, lo cho hậu vận tương lai. Hậu quả là tệ nạn nhũng lạm tham ô nổi lên như nấm rừng gặp mưa. Rồi thay vì trừng trị đích đáng thì lại tư túi, ô dù cho nhau, phủ bênh phủ, huyện bênh huyện, chỉ xử lý nội bộ thay vì truy tố theo luật hình sự, vì kết tội đàn em thì lòi ra đàn anh, trong cảnh bức mây động rừng!

Nghĩ quanh nghĩ quẩn về tư cách của đám hậu duệ trong việc quản trị nhân dân, điều hành đất nước mà lão đã đến vùng đất đầu cầu căn cứ địa miền Nam hồi nào chẳng hay. Lão quanh quẩn Lộc Ninh, Phước Long, Bình Long để mong sưởi ấm lại cõi lòng cách mạng đã bị lũ hậu sinh của lão bôi tro trát trấu xuyên suốt từ Bắc vào đây vì lão nhớ ra rằng buổi sinh thời Bác thường ca ngợi và yêu thương miền Nam với những lời hay ý đẹp như:"Miền Nam đi trước về sau" hay "Miền Nam luôn ở trong trái tim Bác". Thế nhưng, ơ kìa, nếu tai lão nghe không lầm thì tại sao lại có những lời nguyền rủa người nhà nước đang vang lên từ bên trong một đám đông người như thế kia?

 

Trước trụ sở ủy ban nhân dân thị xã, quần chúng tụ tập vây quanh một bà già ngoài bảy mươi, miệng hò hét, tay múa may, nét mặt giận dữ. Khách bàng quan, người lớn thì nét mặt hân hoan, con trẻ vui cười khoái chí, như chừng đang được bà cụ kia trả thù hộ. Trung tâm của vòng tròn quần chúng là Má Tư, một người mà dư luận cho lão biết là trong kháng chiến đã từng là "Mẹ chiến sĩ" đầy nhà bằng khen của Bác, giờ đang giận rung to tiếng:

- Tổ cha lũ quân tụi bây! Hồi nào cần đến già này thì má má con con, bây giờ "kháng chiến thành công", có chức có quyền thì quan liêu ra mặt. Xưa kia, bọn bây gọi cửa nhà tao nửa đêm nửa hôm thì chẳng sao, bây giờ có chuyện nhờ bây giải quyết thì phải đợi giờ hành chánh, giờ văn phòng. Nếu biết như vầy thì trước kia nước sôi bà đổ xuống hầm cho xong chuyện! Toàn là một lũ đặng chim quên ná, đặng cá bỏ nôm. Bác Hồ ơi, hãy sống dậy mà coi cái đám con cháu của Bác!!!

 

Lão ghé mắt nhìn qua rồi vội vàng bỏ đi không dám đứng lâu để phải nặng lòng nghe những lời trách móc đích đáng của ân nhân kháng chiến và cách mạng. Lão bắt đầu thấy buồn vì như vậy là tình nghĩa mà miền Nam dành cho cách mạng và kháng chiến nay đã tiêu tan! Làm cách mạng, nói trắng ra làm giặc, chủ yếu là phá hoại còn dễ hơn nắm chính quyền để xây dựng. Thảo nào mà chủ nghĩa Mác-Lê chỉ thành công trong nổi dậy và thất bại trong quản lý kinh doanh. Câu nói:"Cộng sản chủ nghĩa là bình minh của nhân loại" có thể là chân lý đó. Thế nhưng, chỉ làm được bình minh để rồi suốt cả một ngày còn lại là của tư bản chủ nghĩa thì bình minh kia cũng bằng thừa. Mỗi tấc đường là một trường khôn, chỉ loáng thoáng qua một số nơi chốn, từ Bắc vào đây, mà lão đã trắng mắt ra với không biết bao nhiều là sự kiện thực tế phũ phàng!  

Lão bước vào thành phố mang tên Bác - lại tên Bác, cứ cái kiểu treo đầu dê bán thịt chó mãi thôi - mà sững sờ ngơ ngác! Việt Nam mà cũng có một thành phố như thế này à? Tỉnh hay mê đây? Toàn là những toà cao ốc đồ sộ như ở Tây ở Mỹ! Một cuộc thay đổi đầy tính kỳ tích như Thánh Giống so với Sài Gòn của năm 1911, khi "Anh Ba" đến đây giả làm phụ bếp cho thương thuyền "La Touche-Tréville" để đi tìm đường cứu nước. Lão không nghĩ rằng chủ thuyết mà Bác du nhập từ thánh địa cộng sản lại tạo dựng được một thành phố đồ sộ như thế này. Vã lại, cũng không phải là chủ trương của ý thức hệ. Thủ đô Hà Nội, so với thành phố này, cũng chỉ là tương quan tỉnh và quận thôi. Lão đi dạo quanh thành phố, đâu đâu cũng tràn ngập hàng tiêu dùng đầy tiệm buôn cá thể, la liệt trên vỉa hè. Cửa hàng quốc doanh thì lại vắng vẻ buồn tênh như chùa Bà Ðanh, quầy hàng bụi đóng nhện giăng. Không thể là hình dáng của một nền kinh tế chỉ huy tập trung, mà cũng không thể là dạng kinh tế thị trường có quy hoạch vì, theo tìm hiểu, lão được biết rằng đa số là hàng chui.

Lão đi lang thang từ đường này sang phố nọ của thành phố, từ ngạc nhiên này đến bất ngờ kia, qua ngang những nhà hàng lộng lẫy thường làm mục tiêu cho lựu đạn hay bộc phá Việt cộng ngày trước, qua những quán cà-phê rộn ràng tiếng nhạc, lời ca rất vui tai vô cùng xa lạ với lão như:"Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi!..." Lời hát ca ngợi thành phố đó cho lão thấy rằng quả thật người ta gọi nó "Hòn ngọc Viễn Ðông" thật là hữu lý. "Hòn ngọc" này không những quý vì dung nhan của nó mà còn huyền diệu nữa vì, qua thực tế lịch sử, chính Sài Gòn là nơi sinh thành và cũng là nghĩa địa của nhiều ý thức hệ. Vận dụng hiểu biết sử học bản thân, lão nhớ ra rằng thành phố này đã từng được ông vua tương lai của nhà Nguyễn chọn làm thủ đô một thời rồi về sau cũng tại nơi đây, nhà Nguyễn đã tiêu ma với cuộc trưng cầu dân ý của chính phủ Ngô Ðình Diệm. Kế đó, Sài Gòn là cái nôi của chế độ thuộc địa Pháp lại phải chứng kiến giây phút tàn phai của một thời oanh liệt, mà tiêu biểu là cuộc đốt phù hiệu cấp bực sĩ quan kiểu Pháp để thay vào đó là những gì kiểu Hoa Kỳ rồi cũng chính từ Sài Gòn này Mỹ đã cuốn cờ ra đi. Công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc từ tay Pháp, bị cộng sản phỗng tay trên, cũng bắt nguồn từ Sài Gòn chẳng lẽ rồi đây cũng phải "thân tàn, ma dại" tại thành phố này sao? Diễn dịch như vậy và đối chiếu với thực tế, lão thấy rợn người vì quy luật đã rõ ràng. Thế nhưng, lão cũng còn có chút hy vọng, dù rằng mong manh phận cánh chuồn, vì "chúng nó" đã khôn hồn đổi tên thành phố khi vào "tiếp thu". Tuy nhiên, suy đi rồi nghĩ lại lão thấy rằng con người ở đời không làm sao lấy hiện tượng để thay đổi bản chất được. Lão càng lo sợ hơn nữa khi nhớ lại những ngày bôn ba trên đất nước Trung Hoa có một thầy địa lý nổi tiếng đã nói với lão về tính chất địa linh nhân kiệt của thành phố Sài Gòn. Theo thuyết của thầy địa lý đó thì Sài Gòn là thần nhãn của con rồng Việt Nam, một địa thế không ai có thể chiếm lĩnh được trên bình diện tinh thần, ngoại trừ quần chúng chính thống Nam Việt. Như vậy có nghĩa là chỉ có người miền Nam chính gốc mới hoàn toàn nắm lấy vận mệnh của họ, dù cho nguời cai trị có là ai đi nữa, trên hình thức. Nhớ lại chuyện cũ và liên kết với thực tế hôm nay, lão đâm ra lo ngại cho chủ nghĩa cộng sản trước bức tường thành miền Nam này.

 

Lão thấy buồn, một nỗi buồn vô hạn, khi liên tưởng đến viễn ảnh phá sản của thứ chủ nghĩa chính trị mà lão đã bỏ cả cuộc đời gieo trồng và vun quén bao lâu nay trên mảnh đất hình chữ "S" này. Thế mà giờ đây nó lại lâm vào tình huống của những lá vàng vào thu. Chỉ còn chờ ngày lộng gió nữa là xong! Lão chỏi gậy lang thang, như đi theo những ngõ ngách của định mệnh, một quãng hành trình, mĩa mai thay, lại trả lão về nơi khởi điểm, Bến Nhà Rồng! Từ điểm này, hơn tám mươi năm trước đây lão đã ra đi "tìm đường cứu nước" và giờ đây lão lại làm một vòng tròn khép kín của một đời hoạt động bản thân. Bóng chiều đã xuống, thành phố bên kia sông vẫn cứ rộn rịp, dập dìu xe cộ - đa số là xe đạp và xe gắn máy - trong khi tâm tư lão lại rối bời. Chán chường và mỏi mệt, lão rơi người ngồi xuống chiếc ghế đá công viên của Bến Nhà Rồng để ôn cố tri tân.

Tâm tư lão chưa kịp ổn định thì, ơ kìa lạ chưa, một chiếc phi cơ hàng không dân sự sao lại cứ bay là đà ngọn cây thành phố, ngược xuôi theo tuyến con đường Ðồng Khởi? Quanh đi quẩn lại mấy vòng rồi phi cơ bay đi mất dạng, trong khi từ không trung lão thấy như muôn nghìn cánh bướm chập chờn, óng ánh trong nắng tà huy. Lão đưa tay lên ngang mày để nhìn cho rõ thì ra đó là những vật thể đang lơ lửng koảng trời chiều đang được gió đẩy đưa về hướng lão. Trẻ con, người lớn, nam có, nữ có, chạy ùa vào công viên, dõi theo những vật thể từ cao rơi xuống, bất chấp những gã công an đang cố gắng chạy nhanh hơn để thu lượm trước khi đám đông quần chúng nhân dân bắt được. Một mảnh giấy từ cao độ đã đáp xuống kề bên lão. Không để cho toán công an bắt gặp, lão lướt nhanh qua nội dung ghi trên mảnh giấy nhỏ. Với độ mát của bến tàu Sài Gòn vào buổi chiều tà nhẹ gió hây hây mà người lão cũng toát mồ hôi và lão không còn tin ở mắt lão nữa! Lão thầm bảo:"Như vậy là hết rồi! Tổ Quốc đã truyền lệnh cho thế hệ kế thừa của một vùng đất xa xôi, của những miền quê hương tạm bợ!"

Qua dư luận bàn tới tán lui, lão biết được việc làm táo bạo của một thành viên thuộc thế hệ đang lên mà cung cách đấu tranh cho đất nước và dân tộc có vẻ bạo gan hơn lão ngày xưa rất nhiều. Thế hệ ngày nay làm cách mạng xuất phát từ một môi trường hoàn toàn khác biệt với bối cảnh của lão ngày trước, từ một vị trí cao sang, dám hy sinh và chối bỏ. Chớ không phải như lão trước kia, từ một phẫn uất riêng tư, từ một thân phận u buồn, chẳng có gì để mất mát hay tiếc rẻ. Ðược thì được rất nhiều và rủi ro có mất thì cũng chẳng có gì để mất. Như lao vào một canh bạc mà không sợ thua, chỉ đi từ thắng đến huề. Lão cảm thấy xấu hổ qua đối chiếu như vậy và càng sỉ nhục hơn nữa vì đám hậu duệ của lão cứ tìm tối đa tính từ ở mức độ tuyệt đỉnh để làm cho những cái gọi là thành tựu của lão mang tính chất "thần kỳ và kiệt xuất".

 

Lão vất vưởng đi một cách vô định giữa giòng dư luận xôn xao về chuyến máy bay hàng không dân sự rải truyền đơn lúc chiều để rồi bỗng dưng chạm trán một giáo đường. Lão máy móc bước vào bên trong thánh đường mà xưa nay, trên nguyên tắc, lão không coi ra gì hết. Khung cảnh tôn nghiêm, môi trường im lặng bên trong nhà thờ khiến lão sửng sờ vì xưa nay lão đã quen với bối cảnh ồn ào của hoan hô và đả đảo. Khách quan chỉ huy chủ quan, lão không sao làm khác hơn những con chiên của Chúa đang quỳ hay ngồi đọc kinh và cầu nguyện. Lão ngồi xuống chiếc băng, cúi mặt xuống cố gắng nén lòng tập trung tư tưởng để suy nghĩ về những gì đã chứng kiến, đối chiếu với hành động của lão trong quá khứ. Tâm tư lão đang chứa chấp một cuộc chạm trán gay go giữa dĩ vãng và hiện tại khiến cho lão không sao tìm thấy được một lối thoát. Lão ngẩng mặt lên tìm một khung cảnh khác cho tư tưởng đổi dòng thì tượng Chúa Ky Tô trên thập tự giá lại đập mạnh vào mắt làm lão nhận ra rằng người lãnh đạo xứng danh phải biết chấp nhận đau khổ bản thân để cho thiên hạ được hạnh phúc. Tự kiểm, tự phê, lão thấy rằng quá trình tranh đấu của lão đã hoàn toàn trái ngược với thành tựu của Chúa Ky Tô. Một trăm tám mươi độ! Lão đã vì lợi ích của cá nhân, của tập đoàn mà quần chúng nhân dân Việt Nam phải chịu không biết bao nhiêu là khổ cực điêu linh.

Thế nhưng, vẫn với một thái độ ngoan cố, lão cho rằng trong một lúc yếu mềm nào đó lão đã để cho những tư tưởng tiêu cực lấn lướt, như loài yêu lũ quỷ đã hoá thân làm mỹ nữ để quấy rầy Phật Thích Ca trong giờ thiền tịnh. Ðang muốn vượt thắng những trở lực của tiêu cực như Phật thì may thay hoàn cảnh lại ngẫu nhiên đưa lão đến trước một ngôi chùa. Ðã đến trước cửa thiền, lão đành bước vào thử tìm một chân lý để may ra giải quyết được những khó khăn đang vướng mắc tâm tư. Khói hương, mùi trầm cộng thêm lời kinh tiếng kệ đều nhịp theo âm thanh chuông mõ khiến cho lòng lão bỗng dưng lâng lâng như vào cõi mông lung trước dung nhan của những tượng Phật, thân tượng ở trần ai mà tâm linh ở tận nơi nào của một thế giới vô minh. Lão lại giật mình, nhất quyết trở lại bản chất của con người duy vật không muốn sa ngả vào môi trường của tôn giáo duy tâm. Lão quày lưng ra đi nhưng vẫn tần ngần với những thắc mắc không thôi vì chưa tìm được đáp số của vấn đề. Chối bỏ bối cảnh tôn giáo và nhất quyết tìm sự quang đảng của thiên nhiên để may ra thấy được lối thoát, lão đi về hướng bờ sông. Ðột nhiên, lão lại đứng trước tượng Trần Hưng Ðạo trên bến Bạch Ðằng. Hy vọng tài thao lược của Thánh Trần sẽ dẫn dắt suy nghĩ của lão nhưng sao chân dung của tượng lại đầy vẻ giận dử, ngón tay chỉ xuống giòng sông. Là người nhanh trí, lão thấy ngay điều phải làm.

  

ß

  

Trước khi gọi tên người kế tiếp, những nhân viên thuộc ủy ban thanh lọc xì xầm trao đổi ý kiến nhau, như gặp một trường hợp gay cấn. Thế nhưng, công tác vẫn phải tiến hành nên lão được mời lên trước ủy ban:

- Xin cụ xác nhận lý lịch đã khai.

- Vâng, tôi là Huỳnh Chính Mô, bí danh Tám Keo,...

- Từng tuổi này, cụ vượt biển làm gì cho khổ thân già? Con cháu cụ còn bao nhiêu người ở Việt Nam?

- Tôi có những lý do riêng tư. Các ông không nghe dân gian chúng tôi thường nói sao? Họ bảo rằng:"Ở đó, cột đèn mà có chân thì nó cũng đi."

- Cụ có thể nói rõ hơn không?

- Ý định của tôi là tìm đường cứu nước một lần nữa, nhưng theo một cung cách khác...

Cười thầm trước lý luận của lão, ủy ban thanh lọc mời lão trở về trại nghỉ ngơi và chờ kết quả. Nhưng một ngày nọ, trong toán người tỵ nạn bị cưỡng bách hồi hương người ta thấy có mặt lão, dung nhan đầy vẻ bực tức. Ðoàn xe vừa ra khỏi trại thì có tiếng la ó báo nguy. Chưa ai kịp phản ứng gì thì người đi đường thấy một cụ già đã nằm lăn ra đường giữa đám bụi mù của đoàn xe để lại. Chạy được một đỗi đoàn xe mới dừng lại, nhưng cũng không thay đổi được tình hình!

Lão trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện thị trấn gần đó. Người ta tìm thấy trong người lão một bức thư tuyệt mệnh có đoạn đáng chú ý như sau:"Dưới nhãn quan của những con người chế độ tự do làm sao quý ông thấy được tính chất đàn áp và kềm kẹp của chế độ hiện nay ở Việt Nam? Là người đã từng góp phần làm nên chế độ, chuyện đào thoát của tôi tố giác, mạnh mẽ hơn bất cứ trường hợp nào khác, bề trái của cái gọi là 'mở cửa và đổi mới' của tập đoàn Hà Nội. Rất tiếc là tôi đã được gán cho nhãn hiệu 'tỵ nạn kinh tế'! Vấn đề của cá nhân tôi kể như xong nhưng xin quý ông hãy quan tâm đến những trường hợp còn lại".

Trên nét mặt của những người đọc bức thơ đó, ẩn hiện một vài nụ cười bí hiểm xa xôi. Họ đã chai lì trước mức độ đau thương của kẻ khác sau khi lòng họ bị bão hoà, ngao ngán và chán chường với những gì được trân trọng như những trường hợp nhân đạo khi họ thuộc một thời điểm và ở một địa điểm nào khác. Thế rồi, ngày này sang tháng nọ, trên hải đảo làm vùng tạm cư của những tâm hồn bơ vơ kia, sóng biển vẫn thư thả theo gió trùng dương vổ nhẹ bờ cát rì rào qua một cung nhạc đời đời bình thản!

 

ß

 

Trở lại với thủ đô, người ta được biết là sau biến động khí tượng của đêm hôm ấy, toán công an đặc trách bảo vệ thánh mộ đã báo cáo mật với lãnh đạo của họ là thánh thể đã biến mất sau cơn lốc vô tiền khoán hậu ngày đó. Thánh mộ cấp tốc bị cấm cửa đối với khách "tham quan" dù không phải là thời điểm bảo trì thường niên mà cũng chẳng cần cho biết lý do. Bộ chính trị triệu tập phiên bất thường để có quyết định thích ứng. Ngành phản gián được đặt vào tình trạng báo động đỏ và ngành an ninh quốc phòng được lệnh cảnh giác chống lại mọi phá hoại của CIA và của "bọn diễn biến hoà bình". Mọi "cửa khẩu" đường bộ, đường biển và đường hàng không từ ngoại quốc vào Việt Nam và từ Việt Nam đổ ra đều bị kiểm soát gắt gao. Liên lạc viễn thông với nước ngoài bị tạm thời đình chỉ cho đến khi có lệnh mới. Các chiếu khán xuất nhập cảnh đều bị khước từ. Một bức màn an ninh đã phủ xuống khắp miền biên giới và duyên hải!

Một thời gian sau, thông cáo báo chí của văn phòng trung ương quốc gia cho biết sẽ có lễ hỏa táng long trọng thánh thể và tro sẽ được đem rải cùng khắp mọi miền đất nước, đúng theo di chúc. Từ đó về sau, thánh mộ được cải biến thành thư viện quốc gia và ngân sách nhà nước nhẹ đi một khoản bội chi vô tích sự.

  

Phan Quân  

 

  © 2006 Phùsa.

Thư mục Phan Quân   

bút
việt
hồn
quê

với sự góp mặt của :

 Thích Phước An  Vũ Thanh Bình  Hồ Minh Dũng  Kiều Mỹ Duyên  Phạm Xuân Đài  Trần Trung Ðạo  Nguyễn Đạt  Thích Quảng Độ  Công tử Hà Ðông  Tâm Hải Đức  Nguyễn Mộng Giác  Thích Nữ Trí Hải  Nhất Hạnh  Vĩnh Hảo  Ðoàn Văn Khanh  Ngô Kim Khôi  Lặng Lẽ  Phạm Trọng Luật  Miêng  Diệu Trân - Linh Linh Ngọc  Bắc Phong  Phạm Thanh Phương  Nguỵ Khắc Quái  Phan Quân  Văn Quang  Nhật Thịnh  Lê Khánh Thọ  Nguyễn Bửu Thoại  Nguyễn Nam Trân  Ngô Viết Trọng  Nam Quan Tử  Phan Thị Trọng Tuyến     Tiểu Tử        Hiền Vy  

... và :
Nguyễn Lê Nguyên
tổng biên tập
www.phusa.net

 

Về  mục lục
Bút Việt Hồn Quê