.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

 Phan Quân

Chuyện thời cải tạo

Nỗi Buồn Côi Cút
1. Sài Gòn : Những ngày trăn trở.

 

  • Phù Sa - 24.05.2006

M


ấy mươi năm chiến tranh mà lại kết thúc như một chuyện đùa! Như một trận mưa rào của Sài Gòn, ồ ạt đó rồi tạnh ráo đó. Chỉ qua một đêm sáng ngày, người dân thành phố thủ đô hay tin Ban Mê Thuột thất thủ, tưởng đâu tầm thường như những tin tức tương tự thường nghe được trước kia. Nhưng khi ngẩm nghĩ lại bỗng giựt mình. Làm sao như vậy được? Ban Mê Thuột đâu phải là một thị trấn tầm thường của Việt Nam Cộng Hòa? Hơn nữa, trước đó người ta đã từng chứng kiến và nghe thấy một "Mậu Thân", một "Mùa Hè Ðỏ Lửa", một "Bình Long Anh Dũng", một "An Lộc Oai Hùng", mất đó rồi lấy lại đó. Nhưng, buồn thay, bây giờ lại là một sự thật, nghĩa là thành phố chiến lược đó của Cao Nguyên đã lọt vào tay cộng sản chỉ qua một đêm giao chiến! Trước đó mấy ngày, không có tin tức nào cho biết Ban Mê Thuột bị đe dọa hoặc bị bao vây hay bị áp lực nặng của đối phương, vậy mà chỉ qua một đêm thôi! Với bao nhiêu nỗi lo toan khác cho cuộc sống - vốn đã bắt đầu khó khăn vì nền kinh tế quốc gia đang gặp trở ngại sau khi hiệp định Paris được ký kết và, do đó, Mỹ giảm quân trên chiến trường Việt Nam - người dân thành phố vẫn thản nhiên tiếp tục các sinh hoạt thường ngày của họ, thầm nghĩ rằng rồi ra chiến cuộc sẽ bình thường trở lại như trong dĩ vãng. Trong nội chiến - một cuộc nội chiến triền miên và dai dẳng như cảnh huynh đệ tương tàn ở Việt Nam - một mảnh đất, một thị trấn thay ngôi đổi chủ cũng chỉ là chuyện tầm thường trong tâm tư quần chúng đã quá mệt mỏi vì chiến tranh, một tâm trạng dửng dưng với thời sự, một trạng thái tinh thần phủ nhận trách nhiệm, cho rằng đó không phải là chuyện của mình, và chuyện ai người ấy lo, một khi quyền yêu nước đã bị cho là lãnh vực riêng tư của một hạng người trong xã hội.

Việc Ban Mê Thuột thất thủ làm cho người ta nhớ lại một lời nói trước kia của Võ Nguyên Giáp, đọc được đâu đó trong sách báo Tây phương, một lời nói có tính cách địa lý chiến lược :"Ai làm chủ Tây Nguyên, người ấy khống chế Ðông Dương". Một phát hiện cá nhân hay là một nhận định rút ra từ chiến lược của Pháp, qua cung cách họ chiếm lĩnh Ðông Dương ngày xưa? Từ suy nghĩ đó, một nỗi lo ngại khá lớn lao xuất hiện trong dư luận. Nhưng liệu quần chúng sẽ làm được gì trong tình hình đó, khi mà hơn mười năm qua các tướng lãnh đã thao túng chính trường để biến nó thành chiến trường của những cuộc tranh chấp quyền lợi trong tình "quynh đệ chi binh"? Thậm chí hai tướng lãnh được chiến hữu của mình tuyển chọn đứng ra đại diện để lèo lái con thuyền đất nước trên tuyến chánh trị hợp hiến và hợp pháp cũng không bảo được với nhau nên đã đưa áo quần dơ bẩn nhà mình giặt giũ trước mắt hàng xóm! Hai cánh tay không đưa ra phía trước để đánh đối thủ mà tay mặt lại đánh tay trái, để cho đối thủ rảnh tay lộng hành. Chiến trường thì tơi tả còn chính trường thì lại tả tơi!

Sai lầm là một thứ bịnh hay lây. Sai lầm này lôi kéo theo sai lầm khác. Một tỉnh lỵ mất đi trong bối cảnh sau Hiệp Ðịnh Paris không đơn giản như hồi Tết Mậu Thân hay trong Mùa Hè Ðỏ Lửa trước kia. Lúc bấy giờ, Hoa Kỳ đã "Việt Nam hóa" cuộc chiến mà họ đã từng coi như là mũi nhọn của tuyến chế ngự làn sóng cộng sản ở châu Á. Cho nên Việt Nam đành phải chiến đấu với những phương tiện hạn chế và trong hoàn cảnh tự lực cánh sinh. Thế là những bộ óc quân sự lỗi lạc của Việt Nam Cộng Hòa ngồi lại với nhau bàn tính. Lãnh thổ quá rộng, quân số eo hẹp, phương tiện hạn chế, thôi thì liệu cơm gắp mắm ta hãy tạm thời thu hẹp vòng đai chiến lược, trong chiều hướng lý luận lùi một để rồi sẽ tiến hai. Thoáng nghe thì vô cùng hợp lý, luận điểm chiến thuật chiến lược đó của các đỉnh cao quân sự đem đối chiếu với di cảo của Trần Hưng Ðạo, Tôn Tử hay Clausewitz thì cũng đúng. Cho nên, đất nước từ từ thu hẹp lại để củng cố chiến tuyến phòng ngự. Trong binh thư cũng đã dạy rằng "Phòng ngự là tấn công" kia mà. Thế là một nửa bên dưới vĩ tuyến 17 ngày một giống như "mảnh da sầu muộn", cứ thu hẹp và thu hẹp! Tuy nhiên, trong lãnh đạo quân sự, thế rút lui thường được coi như là điều gần như cấm kỵ vì rất khó thành công. Rút quân đâu phải dễ dàng như rút một con cờ, mà cũng không thể là lùi một để tiến hai. Từ những trang giấy đến chiến lũy chiến hào là cả một trời cách biệt, vì còn có những yếu tố không lường trước được trên ba bình diện thiên thời, địa lợi và nhơn hòa.

Ðất nước đã bị cộng sản cướp mất Ban Mê Thuột, một tỉnh lỵ then chốt của Cao Nguyên, các tướng lãnh lại bỏ ngỏ Pleiku, đưa một phần quân và dân vùng cao xuống duyên hải qua một cuộc di chuyển gay go, kham khổ, đầy đau thương với máu và nước mắt vì gặp phải những trở ngại và sai lầm không thấy trước. Ðập nước đã có một chỗ lở, sức tàn phá của nước từ mực cao đổ xuống cứ ì ầm. Thêm vào đó lại còn sức ép quân sự của cộng sản từ phía Bắc, từ sườn phía Tây. Rồi như những con cờ đô-mi-nô, các tỉnh duyên hải miền Trung đất nước tuần tự rơi rụng như lá vàng vào những ngày thu lộng gió! Tỉnh này kế tiếp tỉnh kia thi nhau thất thủ, thậm chí có tỉnh, như Nha Trang, không có chạm súng vẫn bị bỏ ngỏ khiến cho quân cộng sản tiến vào tỉnh mà năm nghi mười ngờ, sợ bị mắc bẫy! Hậu quả của một tâm lý đang cơn khủng hoảng lại mang mặc cảm bị bỏ rơi và thêm vào đó là những tin tức quá đổi nhanh chóng của những đài ngoại quốc vốn được dư luận tin tưởng trước kia. Một thứ tin tức gần như có khuynh hướng làm lợi cho cộng sản.

Tỉnh và tỉnh lỵ lần hồi rơi rụng vào tay đối phương. Tâm lý quần chúng đang bị lung lay trước viễn ảnh không hay, với tin tức của chồng, con, anh, em, cha, chú,… đang trên đường di tản ra khỏi những nơi sinh sống thường lệ cùng với những đơn vị quân đội, một thời chống đỡ đất nước quê hương, lại càng lung lạc hơn nữa với những hình ảnh chẳng mấy gì tốt đẹp của báo chí Tây phương về quá trình "bỏ của chạy lấy người", với những bản tin làm nản lòng người của các đài phát thanh từng được tin tưởng như BBC của Anh và VOA của Hoa Kỳ. Những bức ảnh báo chí trưng bày cảnh quần chúng tỵ nạn được đưa lên tàu thủy bằng một cái lưới bốc hàng hóa, hay một quả đấm thẳng tay của một ông Mỹ lực lưỡng để chận đứng một người Việt Nam ốm yếu toan leo lên một chiếc máy bay đã đầy hành khách, hoặc một người tỵ nạn bị kẹt đến chết trong hốc bánh xe của phi cơ đang bay,… đã đánh thức tâm trạng sợ hãi của những người đang chuẩn bị bỏ chạy rất nhiều. Thế là, như một ổ kiến bị quấy rầy, quần chúng bắt đầu có những hành động vô trật tự, phản ảnh hết sức trung thực tâm tư rối loạn của họ. Yếu tố thúc đẩy tâm trạng rối loạn kia là số lượng đông đảo dân tỵ nạn từ các tỉnh đã bị chiếm ở phía Bắc đổ về thành phố thủ đô. Chánh quyền phải ra lịnh cho những thuyền và tàu chở người di tản miền Trung không được cặp bến Sài Gòn mà phải đưa thẳng ra đảo Phú Quốc, để cho thành phố thủ đô khỏi gặp tình trạng của một số tỉnh miền Trung mấy ngày trước đó. Trong quá trình rút lui theo kiểu "cuốn chiếu", hết tỉnh này đến tỉnh kia dọc theo duyên hải, dân tỵ nạn của tỉnh mất trước dồn sang tỉnh kế tiếp làm cho mọi thứ đều gia tăng một cách đáng ngại, số lượng người tỵ nạn cũng như mọi thứ tệ nạn. Thế nhưng, điều tệ nhứt là kẻ tạo ra tệ nạn không ai khác hơn là quân nhân của một vài đơn vị thiện chiến nổi danh trong quá khứ!

 

ß

 

Trong những ngày đầy xao xuyến của tháng tư bi đát đó, đất nước như một bàn cờ đến hồi nguy kịch của một bên, với số lượng con cờ quan trọng chẳng còn lại bao nhiêu, trong khi các con cờ, nặng cân cũng như nhẹ ký, của đối phương lại lấn sân khá nhiều. Thêm vào đó là tin tức về những trường hợp "đỏ hóa" của Lào và Cam Bốt láng giềng. Việt Nam bắt đầu thấy ngộp thở về chánh trị. Chánh khách của Sài Gòn không chịu nhìn xa để thấy rộng và tính trước nên phải có những phản ứng tùy tiện vào những giây phút cuối cùng, khi nước đã đến chân. Quyết định dụng tính và tai hại hơn hết, nhưng lại có giá trị như một tiếng nổ long trời lở đất phát động cơn dịa chấn chánh trị miền Nam là sự từ chức của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ai có thể chấp nhận trường hợp một con tàu đang trăn trở giữa trùng dương bão tố mà ông thuyền trưởng lại ung dung leo lên trực thăng cất cánh bay đi một thân, một mình chẳng cần quan tâm đến số phận sắp tới của con tàu cũng như của những người còn lại trên tàu? Ðúng sai chưa biết, thế nhưng trường hợp "giã từ vũ khí" như vậy của tổng thống được đa số quân nhân và chánh khách phê phán ngay là "đâm sau lưng chiến sĩ". Ngoài chuyện bỏ bè bạn ra đi trong khi chiến trường đang sôi động, dư luận còn cho rằng tổng thống đã đem theo một số quý kim quan trọng, không phải của riêng ông mà lại là của đất nước! Còn ai để đính chánh nên người ra đi thì mang lấy tiếng chẳng đẹp còn kẻ ở lại thì nặng lòng với trách móc và hoài nghi nhằm vào giới chánh trị miền Nam. Không những thế mà còn phải gánh chịu khối tuyết băng đang đổ dốc của tình hình chánh trị và quân sự Sài Gòn.

Trong bối cảnh "ta đã ra đi, mặc tình cho bão tố", tình hình chánh trị của Sài Gòn dĩ nhiên phải tan rã như băng tuyết gặp nắng nóng sa mạc. Một sa mạc cho quần chúng miền Nam và cũng là một sa mạc cho chánh trị và quân sự Sài Gòn. Hàng trăm ngàn người tỵ nạn từ các tỉnh duyên hải miền Trung đổ vào Sài Gòn với hy vọng là rồi đây Việt Nam Cộng Hòa sẽ chuyển bại thành thắng, lật ngược thế cờ, chiếm lại những vùng đất đã bị cướp. Hy vọng chưa tròn trong tâm tư, thân phận tỵ nạn còn đang bơ vơ trên vùng đất lạ quê người thì điểm tựa của họ đã tan thành mây khói. Trước những rối ren trăm gút ngàn mối của tình hình chánh trị và quân sự ngày một sôi động, quân, cán, chính đang nhìn về phía lãnh đạo để hy vọng có được một chỉ thị từ trung ương may ra đem đến một lối thoát nào đó thì, than ôi, nguồn gốc của chỉ thị kia lại đã biền biệt phương trời. Thôi thì còn nước, còn tát, những người lãnh đạo còn xót lại đành cố gắng gom góp những mảnh vụn chánh trị và quân sự đang rệu rã để cố gắng xoay chuyển khuynh hướng của tình hình, chớ chẳng lẽ buông xuôi.

Tổng thống ra đi thì còn ông phó. Thế nhưng việc chuyển nhượng quyền hành chánh trị đâu phải là điều giản dị, nhứt là trong tình hình đó. Thông thường trong chánh trị của môi trường chậm tiến, hệ thống quyền hành hoạt động dựa trên sự phục tùng giữa con người và con người, không phải giữa chức vụ và chức vụ. Nên chi, khó khăn xuất phát từ đó. Ở những nước của thế giới thứ ba, ông số một thường có một số đàn em của riêng mình và cứ như thế xuống đến nhân vật quyền thế cuối cùng, theo đà diễn biến lùi về số lượng đàn em. Càng có thế có quyền, càng có lắm đàn em. Do đó cho nên khi ông phó lên làm tổng thống thì không thể nào mặc nhiên lãnh đạo đất nước một cách hoàn hảo như chính tổng thống, nhứt là trong cảnh chánh trường đã về chiều. Hơn nữa, trong tình hình "mạnh ai nấy thoát thân" thì nhân tâm làm sao khỏi xao xuyến khi nhìn về nguồn phát sinh của ánh đèn pha lại nhận ra ánh đèn đã đổi màu? Cảnh chợ chiều chánh trị rối ren như vậy rất thuận lợi cho những chánh khách nặng óc thời cơ chủ nghĩa. Như vậy là chánh trường Sài Gòn sôi động hẳn lên, sôi động hơn cả chiến trường ngoài kia. Và, dư luận cũng như tin đồn đua nhau chạy nước rút với nội dung như đảo chánh, thay đổi thủ tướng, thay đổi tổng trưởng quốc phòng, vĩ tuyến thứ 17 tụt xuống 13, chánh phủ hòa hợp hòa giải dân tộc,... Ðâu đâu, thiên hạ cũng xao xuyến, nửa lo cứu vãn tình hình, nửa lo tìm đường thoát thân, nếu chẳng may... Trong tình huống "thân này ví xẻ làm đôi được" như vậy thì chuyện lớn làm sao thành tựu được?

Hoang mang và bối rối, người ta mặc nhiên nhường đất cho tuyên truyền của cộng sản mà chánh sách rĩ tai đã được chứng minh là rất hiệu quả. Bám víu vào ý niệm hòa hợp hòa giải dân tộc đã hơn một lần đề cập đến trong Hiệp Ðịnh Paris (1973), cộng sản tung ra dư luận là họ có thể chấp nhận một chánh phủ như vậy để đổi lấy một cuộc ngưng bắn, điều mà người Việt Nam nào cũng mong muốn, một khi đã quá mệt mỏi vì chiến tranh. Và con người lâu nay được coi như ẩn số cho phương trình đó không ai khác hơn là ông đại tướng đã có lần không bắt được thời cơ hồi năm 1963 trong một cuộc đảo chánh quân sự. Thế là cơn lốc chánh trị Sài Gòn xoay quanh nhân vật đó, một nhân vật mà dư luận nghĩ rằng có thể nói chuyện được với những người "anh em bên kia".[3] Chánh quyền miền Nam giờ như một tảng đá tròn từ trên đĩnh núi cao lăn xuống, được chuyền từ nhân vật này sang nhân vật kia, thậm chí hiến pháp của nền cộng hòa cũng phải chào thua. Chẳng khác nào một "chiếc khăn tay"[4], dù cho người nắm quyền hành trao đi không muốn coi như vậy.

Trong khi chánh trị rối bời và chánh khách của chuyến tàu cuối cùng đang ngược xuôi thành phố như con thoi thì đường phố Sài Gòn cũng rộn rịp không kém, có thể còn hơn nhiều qua các vận động nhằm chạy trốn cộng sản một lần nữa. Năm 1954, sau khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết, đồng bào Việt Nam miền Bắc đã phải rời bỏ quê hương mình trên một nửa đất nước để đi tìm tự do ở phía Nam vĩ tuyến 17. Giờ đây, một nửa đất nước đó lại đang bị thu hẹp và tiếp tục co lại. Trước kia, người ta có dự trù không gian và thời gian cho những ai không muốn chung sống với cộng sản, còn ngày nay những ai không chấp nhận cộng sản chỉ còn có mỗi một cách là nhanh chân tìm đường của kế thứ ba mươi sáu. Dân thường thì chẳng nói làm gì, rộng quyền hành động, nhưng quân nhân và công chức thì cũng rất khó giải quyết trong những ngày nguy kịch đó, khi phải đối diện với một sự chọn lựa gay go và phải quyết định trong tinh thần trách nhiệm. Thực ra thì cũng chẳng có gì phải đắn đo vì trước họ đã có không biết bao nhiêu giới chức có thẩm quyền và trách nhiệm to lớn hơn gấp bội đã bỏ chạy rồi. Trong những trường hợp đặc biệt như vậy, gương mẫu lãnh đạo có một giá trị rất cao và cho thấy rõ điển hình về một người cầm đầu chân chính. Chuyện đã qua rồi, người ta càng thấy những kẻ ăn trên, ngồi trước mà biết cách và bạo gan thực hành phương châm "cẩn tắc vô ưu" là những người có lý khi họ dám nhắm mắt làm liều. Thà bỏ chạy trước mà được tự do, no ấm còn hơn là tôn trọng kỷ luật và trách nhiệm mà phải nếm mùi cơm tù và nằm nhà đá cộng sản. Cũng là một dạng thức hành động trong tinh thần "vì tự do, cho tự do và bởi tự do"! Cho nên, trong những ngày đó, bến tàu và sân bay là hai điểm hội tụ quan trọng nhứt của Sài Gòn, là nơi mà rất nhiều gia đình của các nhân vật quyền thế ăn chực nằm chờ để may ra tìm được một hướng thoát thân. Giặc đã đến trước cửa ngõ vậy mà chuyện chiến đấu không còn là đề tài quan trọng nữa nên tư tưởng chủ đạo của thời điểm đó là di tản. Khi điệu nhạc "Giáng Sinh Trắng"[5] đã vang lên trên tầng số của đài phát thanh Mỹ ở Sài Gòn và khi ông đại sứ Martin của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cuốn lá cờ năm mươi sao và mười ba sọc trịnh trọng mang đi thì mọi chuyện kể như xong, và hình ảnh tiêu biểu lưu lại đời đời là hàng người nối đuôi trên cầu thang lên sân thượng tòa đại sứ Mỹ, nơi có chiếc trực thăng đang nằm chờ một cách ngạo nghễ!

 

ß

 

Một chương lịch sử của chánh trị miền Nam đã được lật qua. Muốn hay không gì thì "chiếc khăn tay" cũng đã được trao đi để cho ông đại tướng có thêm một cơ hội phất cờ lần nữa. Ðể chứng minh thiện chí hòa hợp hòa giải, với hy vọng làm đẹp lòng "người anh em bên kia", chánh phủ của thủ tướng Vũ Văn Mẫu, vừa được tổng thống Dương Văn Minh chỉ định, lên tiếng yêu cầu Mỹ rời khỏi Việt Nam. Ðược lời, như cỡi tấm lòng, Hoa Kỳ cũng chẳng mong muốn gì khác hơn. Một cái cớ vô cùng chánh đáng lại phù hợp với nguyện vọng của họ. Suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau đó, vùng trời Sài Gòn không ngớt tiếng máy bay chiến đấu yểm trợ từng cao và tiếng phi cơ trực thăng chuyển vận ở từng thấp trên trục bay từ thủ đô ra vùng hoạt động của Hạm Ðội 7. Nhịp độ di tản của quần chúng lại nhanh chóng leo thang vì quả thật tấn thảm kịch gọi là "Chiến Tranh Việt Nam" đã đến hồi chót của màn cuối. Và giống như thói quen coi thường nghệ thuật của khán giả cải lương và hát bộ Việt Nam cứ đứng lên ra về khi tuồng hát còn năm ba phút nữa là kết thúc, thiên hạ Sài Gòn bắt đầu bỏ của chạy lấy người. Ở thời điểm đó, giữa sinh hoạt thường tình của đời sống và hành động có tính cách quyết định của cuộc đời, sự khác biệt chẳng mấy lớn lao. Trong giây phút bấy giờ, mỗi hạng người trong xã hội Sài Gòn đều có một hành động phản ảnh rất trung thực bản chất cá nhân và phù hợp với tình hình thời cuộc đang diễn ra. Chánh khách cơ hội chủ nghĩa chạy đôn, chạy đáo tìm địa vị, quân nhân quyết định chớp thời cơ tìm lấy chức vụ lâu nay hằng mơ ước, người lo tháo chạy tìm lối và phương tiện để ra đi, kẻ đầu cơ tích trử tìm mua hàng hóa bán như cho không và thậm chí những người hôi của cũng bận rộn không kém.

Ðường phố Sài Gòn hôm đó xe cộ cứ ngược xuôi một cách vô trật tự nhưng vẫn an toàn dù rằng không ai thấy bóng một thầy cảnh sát nào cả. Kẻ chạy đôn, chạy đáo, người đi dọc về ngang, dung nhan thẫn thờ với suy nghĩ tập trung vào những lo âu cấp bách. Trong khi đó, những con người xưa nay đầu tắt, mặt tối, miếng ăn không đủ, quần áo chẳng lành, lại cứ hiên ngang và bình tỉnh lôi đi trên đường phố những chiếc máy điều hòa không khí vừa mới tháo ra ở đâu đó, những bàn máy chữ mà chưa chắc họ biết được cách sử dụng, những chiếc quạt trần, những chiếc ghế ngồi xoay tròn của các văn phòng sang trọng... Nỗi buồn thảm của một số người lại là niềm vui của một số người khác. Sài Gòn, được tiếng là "hòn ngọc Viễn Ðông" mà như vậy sao? Một "hòn ngọc" chẳng còn biết liêm sỉ là gì nữa! Bệ rạc đến mức đó à? Ðang trăn trở để giãy chết thì tiêu chuẩn luân lý còn nghĩa lý gì nữa đâu và ao đã cạn thì bèo cũng đến đất thôi. Chánh quyền đã bối rối thì quần chúng thao túng sinh hoạt đời sống, thế nên những kho hàng của Mỹ được mở rộng và gạo, đường cũng như các mặt hàng khác trong kho được tuông ra ngoài bán thoải mái. Của không vốn nên bán giá nào chẳng được và những người không bận rộn với chuyện di tản và biết lo xa thì không ngần ngại gì mà không mua tích trữ. Chợ trời mọc lên như nấm gặp cơn mưa để thiên hạ mua sắm hàng bán tháo bán đổ và đồng thời cũng để những ai lo ngại cho giá trị tương lai của đồng bạc Sài Gòn tìm cách lấy hàng hóa làm trữ kim. Quang cảnh của thành phố thủ đô, trong những ngày này, làm cho người ta nhớ lại sinh hoạt của Hà Nội và Hải Phòng vào những tháng ngày xưa kia của thời di cư sau hiệp định Genève. Như là một xí nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ nần ngập đến đầu, đang thanh lý tài sản.

Ðang thất thế mà nhượng bộ thì cũng chẳng khác nào một bước trên hành trình thua cuộc! Ông đại tướng, đóng vai tổng thống, đã lùi khá nhiều trước những đòi hỏi của "người anh em bên kia" của ông, thế nhưng cuộc đối thoại đã biến thành lời tự thú khi phía thắng thế không chấp nhận vai trò trao đổi của họ. Như vậy là ý định tiết kiệm máu xương quần chúng của ông đại tướng đã bị bắt buộc phải biến thể thành hình thức đầu hàng vô điều kiện. Khi lời nói không còn hiệu lực thì người ta phải cầu viện lực lượng võ trang, thế nhưng trong giờ phút đó ông tướng hoàng thân nhiều nghệ sĩ tính - vừa mới kết tội những người tiền nhiệm của ông đã bỏ "chạy như chuột" khi ông đảm nhận chức vụ tổng tham mưu trưởng – đã yên thân trên một chiếc tàu của hải quân để ra khơi. Như là để chuẩn bị một trận hải chiến quyết định, nhưng thật ra là để "vĩ đào vi thượng" như những "con chuột" trước kia.

Thế là ông "đại tướng-tổng thống" đương nhiên đóng vai Vua Lear trong bi kịch của Shakespeare. Sáng ngày 30 tháng 4 khó quên đó, ông và nội các chánh phủ đã khăn áo chỉnh tề, túc trực ở dinh Ðộc Lập để mở rộng vòng tay đón "người anh em bên kia" của ông. Nhưng, vốn là những con người có bộ óc hằn sâu thái độ hoài nghi, lại nắm thế chủ động vào thời điểm lúc bấy giờ của lịch sử, giới chỉ huy phía cộng sản cứ cho xe tăng hùng hục tiến vào đẩy ngã cánh cửa sắt lớn của dinh Ðộc Lập, dù cho những người bên trong đang sẵn sàng để tiếp đón với nhiều thiện ý. Cũng chỉ là một hành động trình diễn để cho thiên hạ thấy rằng họ đang chiến thắng. Trước kia, trên chiến trường Ðiện Biên Phủ, họ đã có một bức ảnh chụp anh bộ đội phất cờ trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castrie, người chịu trách nhiệm cứ điểm, thì nay chẳng lẽ họ lại không có một bức ảnh độc đáo nào của "chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử" hay sao? Hoặc giả họ muốn cho người đời hôm nay và lịch sử ngày mai thấy rằng họ đã chiến thắng bằng mồ hôi, nước mắt và máu của chính họ chớ không phải qua một cuộc tiếp đón mang tính cách nghi lễ ngoại giao. Thế nhưng, khách đến không chấp nhận một cuộc tiếp đón như vậy mà lại đòi hỏi một hành động chính thống nên ông "đại tướng tổng thống" được "người anh em bên kia" mời lên xe và áp tải đến đài phát thanh để đọc văn bản đầu hàng! Ðúng là khi người anh em ngỗ nghịch và du đãng đã trở về!

Như một tiếng sấm giữa lúc trời đang trong xanh, chẳng một bóng mây! Một lần nữa, lịch sử lại trớ trêu, mượn danh của ông đại tướng đã hơn một lần có cờ trong tay mà không phất được. Ðường phố Sài Gòn bắt đầu mang một sắc thái bất thường. Trên những ngã đường từ ngoại ô vào, nhiều đoàn xe cộng sản chở đầy bộ đội tiến vô trung tâm thành phố. Chiến xa cũng ồ ạt kéo vào. Có một vài cuộc chạm súng lẻ tẻ, hậu quả của những người chiến binh mang tâm trạng bất bình. Kẻ chiến thắng, người thua cuộc lẫn lộn nhau, chiến tuyến không còn rõ nét nữa. Trên các nẻo đường thành phố, nơi này nơi nọ, có những đống quân trang nằm ngổn ngang. Thậm chí có cả những chiếc xe Jeep chất đầy súng đạn nằm bơ vơ trên một vài ngõ hẻm, máy vô tuyến vẫn chạy rè rè nhưng không nghe âm thanh đối thoại. Ngày đó, đường phố Sài Gòn có khá nhiều thanh niên chỉ có quần đùi, áo thun ngược xuôi mọi hướng, dung nhan mệt mỏi, lo âu. Chẳng mấy lúc mà ở nhiều ngã tư đường thành phố có những đống tài liệu, hình ảnh, giấy tờ bốc cháy mà chẳng ai buồn dập tắt. Những toán bộ đội, tự cho mình ở thế người chiến thắng kia, ngồi trên xe tải tiến vào thành phố với những bộ quân phục sạch sẽ, đưa tay vẫy chào quần chúng hai bên đường, nhưng nét mặt lại ngỡ ngàng. Những dáng dấp của một vai kịch có lẽ vừa mới được huấn luyện đêm qua thôi nên không được tự nhiên và nhuần nhuyễn. Những tưởng rằng nhân dân Sài Gòn "nổi dậy" đón mừng bộ đội Bác Hồ về giải phóng, như chính ủy đã nói, thì phải niềm nở hân hoan cớ sao lại lạnh lùng xa lạ, ngoại trừ một vài đứa bé ngỗ nghịch đáp chào lấy lệ? Bên trong những nhà phố hai bên đường, các bà nhiều tuổi núp sau cánh cửa hé mở để nhìn tận mắt những việt cộng lâu nay từng nghe tiếng tăm ghê gớm mà chưa thấy mặt mày. Ở mặt tiền nhà trên đường phố, những lá cờ vàng ba sọc đỏ xưa kia, nay đã hết nhiệm kỳ lịch sử của nó. Thay thế vào đó là những lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, hoặc cờ cộng sản miền Bắc được sơn vội sơn vàng, màu sắc tạm bợ, không trung thực, miễn sao đỏ đỏ, xanh xanh. Có nhà cứ lấy giấy màu làm thủ công của học trò để cắt ráp thành chiếc cờ nho nhỏ dán chồng lên chỗ cờ quốc gia trước kia, hy vọng rằng những người cộng sản đang vào thành phố ghi nhận một sự đổi thay nào đó. Trong giờ phút tranh tối tranh sáng đó, nỗi lo sợ đã được thể hiện bằng những hành động không thể giải thích được. Người dân thành phố làm đủ mọi cách để cố gắng làm cho những chàng bộ đội kia thấy được tấm lòng "yêu quý cách mạng" của họ hầu tránh những phiền toái xuất phát từ mối hận thù dân tộc của giây phút ban đầu gặp gỡ. Thậm chí những người Hoa trong vùng Chợ Lớn còn trương cả ba thứ cờ, cờ cộng sản miền Bắc, cờ Mặt Trận và cờ Trung Quốc. Cho chắc ăn. Tưởng chừng như những hành động hời hợt bề ngoài đó có thể tạo điều kiện để cho họ phủ nhận các quan hệ xưa cũ với chế độ Sài Gòn đồng thời bày tỏ tình cảm với những người chiến thắng đang tiến vào. Vốn đã quen chuyển biến theo thời thế từ bao lâu nay, người dân thành phố cứ ngỡ rằng như vậy là họ đã phủi sạch được thái độ chống cộng xưa nay. Và có lẽ cũng vì hình thức đó mà cộng sản đã cho rằng nhân dân miền Nam đã nổi dậy để góp phần vào sự thành công của "chiến dịch Hồ chí Minh lịch sử" chăng? Một hành động ngây thơ bị khai thác để lồng vào nội dung của một ý đồ, miễn sao được lợi.

 

ß

 

Cơn trọng bịnh trầm kha nhiều trăn trở của Việt Nam kéo dài ba mươi năm qua bỗng dưng chuyển biến nhẹ nhàng, như gió thổi, như mây bay. Một sáng, một chiều, đất nước tự do đã rơi vào tay cộng sản, như đi một bước qua cầu Hiền Lương bắt ngang sông Bến Hải, chia đôi đất nước sau hiệp định Genève (1954). Ðau khổ vì chiến tranh đã lên đến cao độ, bảo hòa trong tâm tư quần chúng nên giờ đây Sài Gòn vào tay cộng sản còn âm thầm hơn qua những ngày đảo chánh xưa kia. Trong khi dư luận thế giới coi chuyện Sài Gòn thất thủ như một vùng trời sụp đổ thì người dân thành phố còn kẹt lại cứ coi thủ đô của mình như là một cô gái đã từng dày dạn ái ân nay một lần lên xe hoa nữa, thế thôi! Hoặc giả như là một cơ hội để phủi tay:"Bao nhiêu năm mình đã đấu tranh để gìn giử, nay cộng sản cướp được thì để cho họ lo liệu lấy". Hơn nữa, còn tâm trí đâu mà lo nghĩ viễn vông khi mà thân phận mình chẳng biết sẽ ra sao đây? Trong tình huống đó, người dân Sài Gòn bắt đầu một nếp sống mới của mình, cố gắng thích nghi đến đâu hay đó với những đòi hỏi và cưỡng chế của những người vừa mới "chiến thắng" hôm qua. Riêng những ai mang dấu ấn chính thức và đậm nét của chế độ vừa ra đi thì sống đó nhưng chỉ sống bằng thể xác nhưng tâm hồn thì ở tận đâu đâu. Làm người xa lạ trên quê hương của chính mình mà lòng nặng trĩu lo âu và e ngại trước những viễn ảnh chẳng hay ho gì và cũng chẳng mấy tốt đẹp mà những con người trong một chế độ cộng sản phải chấp nhận. Hơn bao giờ hết, ý niệm "muốn sống hạnh phúc hãy sống ẩn mình" lại có ý nghĩa đối với những người còn kẹt lại. Nhưng liệu có tự mình xóa mờ được bản thân hay không và môi trường xung quanh có cho phép mình làm như vậy hay không lại là một chuyện khác. Cách suy nghĩ vẩn vơ và quanh quẩn trong những giờ phút như vậy sẽ không giải quyết được gì hết mà lại có thể đưa con người đến chỗ tuyệt vọng đáng tội nghiệp và thương tâm. Thôi thì "cầm bằng cho gió đưa đi", ta hãy sống cuộc sống của chính ta cho những ai và những gì còn lại, sau mấy mươi năm sống vì đất nước, vì dân tộc mà chẳng nên trò trống gì. Ðã sống mà không làm gì được thì giờ đây hãy sống mà xem một thời "quỹ ám" sẽ ra sao. Một lối lập luận của kẻ cùng đường bí lối nhưng cũng là một cách để trấn an và tự nhũ thầm.

Người dân Sài Gòn còn kẹt lại và thoát được nạn "tắm máu" như đã qua một lần chết đi nên không còn gì phải sợ sệt nữa và tìm cách nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh để sống một cách thực tế và thực tiễn. Những ngày trước khi Sài Gòn sụp đổ, báo chí Tây phương đã rầm rộ dự đoán một thời thô bạo dưới quyền lãnh đạo của chế độ cộng sản. Chiến dịch truyền thông đó đã tạo dựng được một hiệu quả răn đe khiến cho những con người cộng sản Việt Nam khi vào thành phố phải ngại ngùng nên không lộ liễu thi hành chính sách thô bạo cơ hữu của đường lối chuyên chính vô sản. Sau một đôi ngày trầm tư suy tưởng, Sài Gòn gắn gượng sinh hoạt với những người khách mới để may ra tồn tại với thời gian, không cần phải thắc mắc về tương lai mà chỉ đơn thuần biết đến hiện tại. Ðó là những người đã dứt khoát gắn liền bản thân mình với chế độ Sài Gòn, còn những ai trước kia đã lừng chừng hay muốn nghĩ đến tương lai thì không ngần ngại gì mà không thử nắm lấy thời cơ. Ngay từ xế chiều ngày 30 tháng tư, khi bộ đội cộng sản tiến vào Sài Gòn xong, loại người thứ hai này đã xuất đầu lộ diện, như những thành viên nằm vùng của Việt cộng từ bao giờ. Chỉ cần một băng vải đỏ cột ở cánh tay, một chiếc tu huýt, một cây súng M-16 lượm được trên đường phố là đã có thể tự coi mình như một thành viên của cách mạng, của phe phái cầm quyền đang lên phiên. Thế nhưng cũng là một cái gì đó để trám vào lỗ hổng giữa chánh phủ Sài Gòn đã tháo chạy và những người vừa mới chiến thắng. Tuy nhiên, họ cũng là một thế lực đáng ngại vì dám có những quyết định bất ngờ, đậm nét thù hằng cá nhân, đôi khi vô cùng tai hại trong tình hình bất ổn đó. Họ tự động đứng ra điều chỉnh lưu thông trong thành phố, chăm sóc trật tự và an ninh phường khóm, hướng dẫn bộ đội còn đang ngơ ngác đi đến nơi này, nơi kia, qua hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn... Nỗi hoang mang và ngại ngùng của dân chúng trước những người cầm quyền chân ướt chân ráo đã vô tình trao cho họ một loại quyền lực bị kẻ chiến thắng lẫn người chiến bại bỏ quên. Thiên hạ gán cho họ tên gọi "những người cách mạng ba mươi tháng tư", một thành phần đã đóng được một vai trò ngắn hạn trong giai đoạn lịch sử nhứt định vì cộng sản không khi nào dễ dàng chấm nhận việc chia sẻ quyền hành như vậy. Những con người cơ hội chủ nghĩa đó của Sài Gòn, quen với lối sống giai đoạn của họ, cứ coi chuyện sụp đổ của thành phố lần này như là chuyện ra đi của một chánh quyền miền Nam sau một cuộc đảo chánh, chỉnh lý hoặc biểu dương lực lượng đã thường xảy ra trong những năm từ 1963 đến 1965. Họ cứ muốn đem hiện tượng thay thế cho bản chất để sống và tồn tại với những con người cộng sản vừa mới vào thành phố. Nhưng cuộc đời đâu có đơn giản như họ tưởng một khi cộng sản giành được chánh quyền.

Trong khoảng giao thời giữa sự vắng mặt của chế độ Sài Gòn vừa mới ra đi và sự hiện hữu còn đang lúng túng của những con người cộng sản mới vào thành phố qua một thành tựu quá đột ngột và thiếu chuẩn bị, quần chúng "phi liên kết và trung lập" của Sài Gòn vẫn phải sống với nếp sống thiết thân. Sau một đôi ngày tạm thời ngưng nghỉ sinh hoạt để dò xét tình hình và thái độ của người mới, giới buôn bán nhỏ của thành phố lại rón rén hoạt động trở lại một cách thận trọng. Từng bước một, Sài Gòn, nhứt là khu chợ Bến Thành, đã rộn rịp trở lại với khách hàng mà đa số là những chàng "bộ đội bác Hồ". Những con người về từ rừng núi đó bỗng dưng chạm trán với nền kinh tế thị trường, mua bán tự do chẳng cần tem phiếu, đã bị choáng ngợp trước cái mà các chính ủy của họ thường dạy là "xã hội tiêu dùng". Họ như từ những vườn rau đơn điệu bước vào một hoa viên lộng lẫy trăm màu, ngàn sắc. Những chiếc xe quân đội bùn đất lọ lem, hơn một lần xuôi ngược Trường Sơn qua đường mòn Hồ Chí Minh, đậu đầy trên các con đường phụ cận khu chợ Bến Thành và thậm chí ngay trên bùng binh trước cửa Nam của chợ. Một lần nữa, người dân Sài Gòn lại sống với ký ức về một thời của các quân đội viễn chinh từng nghinh ngang đậu xe theo sở thích cá nhân của ông tài xế. Với những người bán buôn đầu chợ, cuối đường thì những chàng bộ đội hôm nay cũng không khác gì người lính viễn chinh xưa kia. Từ một nơi nào đó họ đã đến, rồi đầu hôm sớm mai họ lại ra đi. Cho nên mua bán với họ người ta không cần phải quan tâm đến chuyện duy trì quan hệ về lâu về dài. Thế là những anh chàng bộ đội ngỡ ngàng trước nếp sống dồn dập của Sài Gòn lại có cơ hội để đối chiếu lý thuyết và thực tế của bài học vốn dĩ cho rằng "bọn con buôn cá mập lúc nào cũng coi lợi nhuận là trên hết". Dân chúng kháo nhau rằng không biết sao mà bộ đội có quá nhiều tiền như vậy lại toàn giấy bạc năm trăm mới? Thế là dư luận loan đi nào là bộ đội được thưởng sau khi chiến thắng, nào là bộ đội cướp được kho tiền của ngân khố, của ngân hàng, của nhà giàu bỏ của chạy lấy người,... Trong tinh thần đó, giới buôn bán sẵn sàng chủ trương "chém đẹp" những khách hàng ngây thơ lại lắm bạc nhiều tiền kia. Bộ đội chẳng mua hàng gì cầu kỳ. Những gì họ thích cũng chỉ là mấy chiếc máy thu thanh mà họ gọi là "cái đài", đồng hồ đeo tay, áo len, kiếng mát, viết máy, quần áo may sẵn. Một vài người buôn bán, khéo chớp thời cơ, mở ra loại cửa tiệm hè phố dọc theo đường Tự Do để bán những đôi "dép râu", lấy vỏ xe hơi làm đế và ruột xe hơi  làm quai. Một loại dép không thấy ai sử dụng trong xã hội Sài Gòn trước kia nhưng lại là một thành phần quân trang của bộ đội. Một loại "cửa tiệm" thật ngạo nghễ nhưng hợp thời trang, đầy thách thức và mỉa mai như một quả đấm đe dọa những hiệu buôn sang trọng vốn có trên con đường chính này của thủ đô miền Nam. Thế nhưng đó là một trong những đề tài độc đáo có khả năng thu hút một vài toán thu hình của các đài ngoại quốc.

Cũng là người Việt Nam nhưng ngôn từ mà bộ đội sử dụng nghe có phần lạ tai dù người Sài Gòn đâu xa lạ gì với ngôn ngữ miền Bắc sau bao nhiêu năm chung sống một cách khá phổ biến với người di cư từ 1954 đến lúc bấy giờ. Cách vận dụng ngôn ngữ lạ tai đó của bộ đội đã tạo thành những giai thoại vui để cho người Sài Gòn, trót đánh mất dĩ vãng, quên được phần nào nỗi niềm đau khổ chưa được bao nhiêu tuổi đời. Tiếu lâm là một hình thức trả thù của người yếu thế. Ðể nói về một chiếc đồng hồ đeo tay tự động, có mặt số dạ quang và chỉ ngày trong tuần, trong tháng, họ mô tả một cách khá ngây ngô, nhưng không kém phần thực tế là "đồng hồ không người lái, mười hai đèn và hai cửa sổ". Cuộc chạm trán giữa hai nếp sống Việt Nam đã diễn ra trong một bầu không khí mang sắc thái hài kịch đó đã xoa dịu một đôi chút những chấn động, những giây phút sửng sờ mà sự sụp đổ quá đột ngột của một vùng đất từng được coi như là "tiền đồn của thế giới tự do" ở Ðông Nam Á đã tạo ra. Thế là tinh thần hài hước phản phất chút ít châm chọc mỉa mai cố hữu của dân tộc Việt Nam lại có dịp trổi dậy. Một thể thức chống đối trong tiêu cực của con người Việt Nam, được tiếng là vui thì cười đã đành mà khổ cũng cứ cười. Những câu nói ngây ngô đó, được cho là của những con người cách mạng từ Bắc mới vô Nam được loan truyền đi khắp thành phố mà tính chất đích thực của nó không ai có thể xác minh được. Mà cần gì phải xác minh, cứ cười đi cái đã cho vơi bớt nỗi khổ đau của một giai đoạn sống. Có thể những anh chàng bộ đội từ quê ra tỉnh kia đã nói như vậy mà cũng có thể là một vài bộ óc "Ba Giai Tú Xuất" nào đó của Sài Gòn đã bịa đặt ra để "trả thù" người chiến thắng. Không thắng được bằng gươm bằng súng thì ít ra cũng hạ nhục được trong tâm tư thầm kín của bản thân mình. Dư luận thành phố trong những ngày đó cho rằng những chàng bộ đội, vào những nhà sang trọng mà chủ nhà đã di tản, hoặc nhà cho Mỹ thuê mướn trước kia để chiếm giữ, không biết được công dụng của cái chậu vệ sinh tối tân. Ði chợ về, họ thả cá vào đó để rộng nước chờ đến lúc cần sẽ làm thịt. Nhưng khi họ táy máy giựt nước thì cá chui xuống hầm vệ sinh. Thế là mất cả tiền lẫn công! Tức giận và hối tiếc, họ cho rằng địch và CIA (Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ) đã gài bẩy phá hoại. Người ta cũng kháo nhau rằng bộ đội vào quán định uống cà-phê lọc thì bảo đem "cái nồi ngồi trên cái cốc". Một gã bộ đội được ngồi trên hè phố Sài Gòn để uống cà-phê "từ nồi sang cốc" và phì phà điếu thuốc "có cán" lẫn "nhẫn"  thì quả thật là hết ý!

Rồi thì những bài hát được phát thanh suốt ngày đêm, nghe đến bực mình, đã được người Sài Gòn lấy làm nền mà đặt ra những lời ca mới đầy châm chọc mỉa mai. Không chết ai, nhưng chỉ cốt làm cho những người cách mạng và có cảm tình với cách mạng thêm phần khó chịu. Ðược như vậy kể như thành công, chưa kể đến những phiền hà có thể xảy đến cho người hát lên những bài hát như vậy vì tác giả của những lời ca đó dễ gì tìm ra được. Thế nhưng, trong thời buổi ban đầu này, những người vừa mới chiến thắng kia đang còn quá bận rộn với những công việc to lớn hơn.

 

ß

 

Ðể lấp bằng khoảng trống điều hành trong buổi giao thời, những nhà cai trị vừa nắm quyền đã để cho các cơ sở tự do phát huy sáng kiến, miễn sao không tác hại đến chủ trương của trung ương. Một trong những phương thức để chứng minh sự hiện diện của thế lực cầm quyền là cho những cái loa ở đầu đường góc chợ hoạt động thường xuyên, hầu như không ngơi nghỉ. Như kẻ đi đêm mà trong lòng sợ bóng, sợ vía, sợ ma, sợ quỷ, miệng cứ huýt sáo để xác minh sự hiện hữu của mình trong không gian và thời gian. Trước kia, nhà của bất cứ người dân nào của Sài Gòn cũng có ít lắm là một máy thâu thanh nên những cái loa truyền thanh công cộng không biểu lộ được trọn vẹn chức năng của nó. Vả lại, trong thời buổi bấy giờ nếu những cái loa công cộng có hoạt động thì cũng có giờ, có lúc, đâu phải như bây giờ cứ nói và ca hát ra rả từ tờ mờ sáng tinh sương cho đến lúc nửa đêm về sáng. Hình thức đã vậy mà nội dung lại còn xa lạ với dân chúng Sài Gòn hơn bao giờ hết vì phần chủ yếu của thời gian phát thanh là tuyên truyền để phô trương thanh thế liên hệ đến lý thuyết của chế độ. Người ta áp dụng kỷ thuật đề cao, đánh bóng chế độ một cách rẻ tiền là cứ lập đi lập lại một vấn đề với chủ đích nhồi nhét vào tâm trí của đối tượng cho đến khi nào chịu nghe mới thôi. Có thực sự chấp nhận hay không lại là một vấn đề khác. Cơ quan phụ trách công tác truyền thanh cũng biết cách làm sao cho tai nghe của quần chúng không bị nhàm chán. Họ cho những chương trình văn nghệ ngắn xen kẽ vào các bài lý thuyết khô khan, cố gắng nói lên cho bằng được cái hay, cái đẹp, cái tài ba của chế độ và chủ nghĩa. Nhưng dĩ nhiên là văn nghệ cách mạng, khác hẳn với những bài vọng cổ chứa chan tình cảm hay những điệu hát tân nhạc, mà người thắng cuộc từng gán cho nó một nhãn hiệu xấu xa là "nhạc vàng", tức là nhạc phản cách mạng và phản động. Nếu là cổ nhạc thì văn nghệ cách mạng cũng chấp nhận nền nhạc vọng cổ đầy dân tộc tính miền Nam, nhưng lời ca phải mang bản chất đấu tranh và cách mạng. Bao lâu nay, quần chúng đã thấm nhuần những bài vọng cổ với lời ca trữ tình, giờ đây lại phải nghe âm điệu vọng cổ trên đó người ta đã thêu dệt những lời ca tiếng hát đấu tranh hay ca ngợi Bác và Ðảng! Lạ tai đến sửng sờ! Nếu nhạc mới thì lại được ca bằng một giọng kim, con đẻ của nền nhạc nhà hát cổ điển. Lời ca tiếng hát đó làm cho người Sài Gòn ghê sợ vì nó mang một sắc thái hậm hực, như chừng đã đến lúc ăn tươi nuốt sống đối tượng. Người dân thành phố lại nhớ đến chương trình "Opéra Bùi Thiện" của người ca sĩ chiêu hồi đã có lúc nổi tiếng trong các chương trình ca nhạc của Sài Gòn trên truyền thanh, truyền hình và trên sân khấu của Maxim's cùng với nữ ca sĩ Sơn Ca. Biết đâu Bùi Thiện lại chẳng là một chiến sĩ tiền phong của dự án mở đầu cầu văn nghệ chiến đấu kiểu Opéra vào miền Nam, nhưng rồi chung cuộc lại bị miền Nam thu hút? Cung cách tuyên truyền bằng loa phóng thanh thường trực của chánh quyền mới không thu hút được quần chúng Sài Gòn lại chuốc lấy sự ghét bõ thảm thương. Những người cộng sản mới chiến thắng có lẽ đã đinh ninh rằng những gì họ đã làm trước kia trong mật khu, với quần chúng nông thôn, cũng có thể đem áp dụng ở thành thị.

Trong những ngày ở chiến khu, khi Việt cộng về làng và cho loa phóng thanh lên tiếng được là họ có thể chứng minh cho quần chúng địa phương thấy ai là người làm chủ vùng đất liên hệ, dù chỉ tạm bợ, một giây, một lúc nào đó. Tiếng nói của loa một phần nào đã xác minh tư thế của Việt cộng về quyền lực đối với vùng đất họ tạm chiếm. Hơn nữa, đối với đa số người dân nông thôn chỗ nào ồn ào ca hát là nơi đó vui. Nhưng giờ đây, đối với người dân thành phố, chứng minh sự hiện hữu của mình bằng những cái loa la oang oang suốt ngày qua đêm là một sai lầm. Người thị dân, cả ngày đầu tắt mặt tối với miếng cơm manh áo, với công ăn việc làm, nay lại gánh thêm những niềm lo âu và nỗi băn khoăn về thân phận của chính mình khi đất nước đã đổi chủ, đã tiếp nhận quá nhiều tiếng động ngoài đường phố, nơi làm việc. Khi về nhà, họ mong mỏi được chút yên tĩnh để tinh thần bớt căng thẳng thì lại phải nghe những tiếng nói không thôi và những câu ca lời hát chói tai của những cái loa đầu phố! Biết đâu điều đó cũng là dụng ý của những người mới lên vị thế cầm quyền ở thành phố nhằm chuẩn bị dân chúng Sài Gòn về cung cách sinh sống trong chế độ của họ là phải chấp nhận những gì Ðảng và Nhà Nước nói ra, chẳng có sự chọn lựa nào khác. Người Sài Gòn không còn nhiều đài phát thanh để nghe theo sở thích của riêng mình cũng như không còn nhiều báo để xem hàng ngày.

Trong mấy ngày đầu, khi Việt cộng mới vào thành phố, một vài tờ báo của Sài Gòn cũ, những tờ báo tự cho rằng mình xưa nay vốn có cảm tình với cộng sản - nếu không muốn nói là nằm vùng - cũng liều mạng xuất hiện, dĩ nhiên là để ca ngợi chế độ mới lên. Những tờ báo đó coi công cuộc "đại thắng mùa xuân" của Văn Tiến Dũng cũng chẳng khác gì một thứ đảo chánh dẫy đầy và thừa mứa ở miền Nam trong những năm 60. Cứ để ra một vài số báo tung hô chế độ lên phiên rồi sau đó có thể ung dung tự tại, sinh hoạt bình thường bán báo và hốt bạc. Tuy nhiên, các số báo đầu tiên đó chỉ đăng những tin tức lấy ở đài phát thanh và hình ảnh của những người vừa thắng cuộc, mà hình ảnh to lớn nhứt và chiếm chỗ tốt nhứt trên trang đầu báo dĩ nhiên là của Hồ Chí Minh, có đóng khung cẩn thận. Báo loại đó đâu dám có bài xã luận, tiết mục mà bất cứ tờ báo nào xứng đáng với chức năng của nó cũng phải có. Nhưng, trong trường hợp này, người chủ biên một tờ báo cơ hội chủ nghĩa như vậy liệu phải viết như thế nào đây? Cái vốn về ý thức hệ cộng sản hay xã hội chủ nghĩa liệu họ có được bao nhiêu để viết ra cho khỏi phiền lòng những nhà cai trị đầu hôm sớm mai này? Sự xuất hiện dè dặt của những tờ báo đó cũng chỉ là để thăm dò chánh quyền mới và để giành một chỗ đứng dưới ánh mặt trời trong chế độ đang lên. Nhưng những người cộng sản hôm nay đâu phải như những ông tướng đảo chánh trước kia. Họ không chấp nhận bất cứ một tiếng nói nào khác hơn tiếng nói của chính họ. Cho nên, những tờ báo lạc loài và lạc lỏng kia đành mang số phận chết non và dân chúng miền Nam chỉ phải đọc tờ "Sài Gòn Giải Phóng", cùng với hai tờ "Nhân Dân" và "Quân Ðội Nhân Dân" của miền Bắc. Mãi về sau, trong một lớp kịch khó hiểu, tờ "Tin Sáng" của ông Ngô Công Ðức, dân biểu chế độ cũ, lại được phép ra mắt. Nhưng rồi cũng phải "chấm dứt nhiệm vụ lịch sử" của nó một cách mờ ám, không thể giải thích, vã lại cũng chẳng cần phải giải thích, như khi người ta giết một con ruồi hay con kiến.

Phát thanh thì lý thuyết giáo điều, còn báo chí thì như sự vụ văn thơ hành chánh nên quần chúng lại sa vào một mê hồn trận những tin đồn. Tai hại hơn nữa là với một chế độ mới lạ, thiếu những cơ sở để có thể suy luận về thực chất của những tin tức nhận được qua truyền miệng nên tin đồn có những tác dụng đáng ngại vô cùng. Tin đồn làm cho dân chúng Sài Gòn hoang mang thế là những hành động không căn bản xác đáng đua nhau xảy ra gần như mâu thuẫn với thực tại. Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, rồi kế đến quân đội và hành chánh Việt Nam Cộng Hòa được lịnh triệt thoái khỏi Cao Nguyên thì ở Sài Gòn người ta bắt đầu nghe rằng những bàn tay diễm kiều của phái nữ có móng thoa đỏ không được cộng sản chấp nhận nên dùng kềm để nhổ mà không cần đến thuốc tê. Rồi thì những cậu trai quần loa, tóc xỏa đều bị trừng trị một cách xứng đáng. Ðại để là phải sống khắc khổ trong chế độ của những người "cùng khổ". Trong bối cảnh lỡ khóc lỡ cười đó của không biết bao nhiêu là gia đình thì điều khó hiểu nỗi là Sài Gòn lại có khá nhiều đám cưới diễn ra. Không cần phải rình rang lộng lẫy, không cần phải tiệc tùng đình đám cao sang mà chủ yếu chỉ cần một cuộc gặp mặt gia đình hai họ để chứng giám và tác thành cho đôi trẻ. Như kiểu đám cưới chạy tang. Thế nhưng không, tổ chức lễ cưới như vậy nhằm tạo ra một chuyện đã rồi để giết chết từ trong trứng nước một ý đồ độc hại của cộng sản, được dư luận tung ra ngay sau khi Việt cộng vào thành. Người ta đồn rằng rồi đây thế lực cầm quyền vừa mới lên ngôi sẽ ép buộc các cô gái Sài Gòn phải chọn thương binh của họ làm chồng, gọi là để tưởng thưởng công lao cho chiến sĩ của họ. Tin đồn nghe chừng có lý nên các cô gái Sài Gòn thấy thương cho phận mình nếu chẳng may được Ðảng và Nhà Nước chiếu cố theo kiểu đó. Thế là những cuộc tình duyên vừa mới hứa hẹn được đẩy mạnh và những tình cảm vừa tạo dựng cũng được khuyến khích để nhanh chóng đi đến hôn nhân. Yếu tố môn đăng hộ đối không còn căn cứ trên tình cảnh gia đình nữa mà chỉ cần là những gia đình cùng một chiến tuyến hôm qua. Vì dù thế nào đi nữa cũng còn dễ thở hơn phải gồng gánh những anh thương binh và thậm chí cả những anh "binh tròn"[6] cộng sản. Cho nên, trong lúc gia đình đang trăm chuyện ngổn ngang mà còn phải xoay xở để tổ chức một lễ cưới cho con, dù sao cũng phải coi cho được vì là đời người có mỗi một lần quan trọng đó mà thôi.

 

ß

 

Trong lúc đang có trăm thứ phải lo, ngàn chuyện phải tính thì báo chí, truyền thanh và truyền hình thành phố lại phổ biến cái thông cáo chẳng ai ưa của Ủy Ban Quân Quản thành phố Hồ Chí Minh về việc "đăng ký học tập cải tạo của ngụy quân và ngụy quyền". Chỉ cần đem theo đồ dùng và thuốc men đủ cho một tháng, không cần đem theo nhiều áo ấm, cơm nước đã có nhà thầu cung cấp, đó là nội dung chính của bản thông cáo. Có ba ngày 13, 14 và 15 tháng 6 để trình diện tại những địa điểm được quy định cho từng cấp bực quân đội hay ngạch trật hành chánh và đẳng cấp chánh trị. Thoáng nghe qua thì vô cùng đơn giản, cứ như thông cáo của bất cứ khóa học nào của ngày xưa. Bấy giờ, dân chúng Sài Gòn, phần lớn đều có thân nhân dính líu trong cái mà cộng sản cho là "ngụy quân, ngụy quyền", bắt đầu cảm thấy cái mùi của cộng sản. Trong vòng một tháng rưỡi qua, những người vừa mới chiến thắng một cách đột ngột, vì một lý do nào đó, đã để cho quần chúng thành phố hưởng bầu không khí thoải mái, như một chút ân huệ trước khi gánh chịu cam go.

Những người cầm quyền cộng sản cũng ý thức được tính chất đáng khiếp sợ của điều mà họ gọi là học tập cải tạo nên đã tiến hành một cách hết sức thận trọng. Trước khi có thông cáo kêu gọi công chức cao cấp và sĩ quan quân đội cũng như cảnh sát đi học tập họ đã tiến hành đợt học tập cho công chức cấp thấp và hạ sĩ quan. Chỉ học tại chỗ và qua một thời gian ngắn. Không có gì gay gắt, như một cuộc ôn tập cho học sinh, sinh viên trước ngày thi. Do đó dư luận chung chung nghĩ rằng chuyện học tập thì ra cũng chẳng đến đổi nào, suy luận trên căn bản là ngày nay họ đã chiếm được cả nước. Thế là những người sắp sửa lên đường học tập cải tạo cảm thấy có phần nào yên tâm. Dù vậy, những ai quen biết hoặc họ hàng với môi trường cách mạng mới về thành cũng không bỏ qua cơ hội tìm hiểu thêm về chuyện học tập cải tạo đã được tiến hành ở miền Bắc sau hiệp định Genève hồi 1954. Dĩ nhiên đối với người cộng sản chuyện đó là một điều tốt, nên làm. Thậm chí có những người anh em ruột thịt cũng khuyên bảo nên đi trình diện càng sớm càng tốt. Thế nhưng tin nhau thì cũng bằng người dưng nước lã tin cộng sản vậy thôi. Tuy nhiên, cũng có đôi chút thận trọng trong việc đi trình diện học tập cải tạo.

Người trình diện đầu tiên là tướng Lâm Văn Phát, một ông tướng lúc hưng thời đã nổi tiếng về tánh tình nóng nảy một cách vô căn cứ. Như tài tử chính của một phim, ông được đưa lên truyền hình và báo chí để cổ vũ khuyến khích những người khác. Trong những ngày được quy định thời gian trình diện như vậy, mọi phương tiện truyền thông đều được khai thác tối đa để cho thiên hạ thấy rằng trình diện học tập cải tạo không có gì đáng sợ hết và những người đã trình diện vẫn sinh hoạt một cách thoải mái và vui tươi. Thế nhưng, vì tánh mê tín dị đoan truyền thống và vì muốn cùng với gia đình tận hưởng những giây phút quý báu trước giờ chia tay nên những ngày đầu số người trình diện không được rộn rịp. Ngày 13.6.75 là ngày thứ sáu. Theo nếp sống của người Pháp còn để lại thì thứ sáu mười ba là một ngày không hên. Ngày 14 kế tiếp lại nhằm ngày 14 âm lịch, ngày mà quần chúng Việt Nam thường cho là "Mùng năm, mười bốn, hăm ba. Ði chơi còn lỗ , nữa là đi buôn". Cho nên, dù có những đoạn phim truyền hình dẫn chứng, những bài báo mô tả và bài nói đầy tính thuyết phục trên đài phát thanh, con số người trình diện học tập trong hai ngày đầu tiên đó cũng không mấy khả quan như những người phụ trách mong muốn. Vào những ngày thứ bảy 14 và chủ nhựt 15, các quận đội và phường đội đi lùng sục những nhà có đối tượng phải đi học tập để hỏi lý do tại sao chưa đi trình diện. Thậm chí có những địa phương, muốn nắm phần chắc ăn, đã bắt luôn những người nấn ná chờ đến ngày cuối cùng để đi trình diện. Dĩ nhiên là không đúng luật, nhưng vào thời buổi đó có thưa kiện thì cũng bằng con kiến mà kiện củ khoai. Vã lại thân phận của người thua trận, như cá nằm trên thớt, chẳng còn gì khác hơn là tuân hành lý lẽ của kẻ chiến thắng, dù là lý lẽ xuất phát từ một thứ luật rừng xanh mà hậu thuẫn là họng súng AK.

Rồi ngày trình diện cuối cùng cũng phải đến. Một túi xách tay, một chiếc chiếu cá nhân và một phần ăn - vì bữa ăn đầu tiên ngày trình diện, cá nhân đi học tập cải tạo phải tự lo lấy - những cựu tướng lãnh và cựu đại tá tập trung trình diện tại đại học xá Minh Mạng (địa điểm dành cho hai cấp bực này) được cô lập cẩn thận để đi vào một quá trình phiêu lưu mà mức đến chẳng biết là nơi đâu. Một chiều chủ nhựt buồn, thật là buồn! Phòng nhận người "đăng ký" cứ lưa thưa. Một vài bạn bè đồng ngũ và đồng cảnh ngộ còn đứng xớ rớ đây đó, sau khi đã "ghi danh nhập học"! Có lẽ đây là những người cuối cùng vì bóng đêm đã bắt đầu phủ giăng. Có một đại tá thiếu mất hai chân, trót đã để lại ở một chiến trường nào đó, gia đình phải đưa đến bằn chiếc xe lăn. Người phụ trách việc "đăng ký" không quyết định gì được, bảo "chờ lãnh đạo chúng tôi quyết định". Kế đó, tướng Nguyễn Văn Vỹ đến, cũng khai đang bịnh. Một lúc sau, có lịnh cho xe đưa ông đi đến một bịnh viện của thành phố và về sau không ai thấy ông đâu nữa trong các trại học tập cải tạo. Qua sự can thiệp của một tòa đại sứ nào chăng? Trong giờ phút đó, lo cho chính phận mình cũng đã gian nan rồi, ai nghĩ làm gì đến chuyện của người khác.

Theo thứ tự trình diện, "khóa sinh học tập cải tạo" được đội ngũ hóa ngay. Cứ 9 người vô một "A", 3 "A" thành một "B" và người trình diện trước tiên trong "A" là A Trưởng và người A Trưởng thứ nhứt kiêm nhiệm chức vụ B Trưởng, một con người được coi như là trung gian giữa "cải tạo viên" và cán bộ cai tù. Số người trình diện sau cùng họp thành B9, với nhân số thu hẹp chỉ có 21 người thay vì 27 như những B khác. Như vậy, tổng số đại tá của Việt Nam Cộng Hòa đi trình diện học tập tại đại Học Xá Minh Mạng là 237 người, còn 22 tướng lãnh họp thành một B đặc biệt. Tối chủ nhựt đó, trong khi những người trình diện cuối cùng của buổi chiều đang ngồi ăn "cơm cầm tay", hay nói nôm na ra là gậm bánh mì thịt ở một góc âm thầm nào đó trong tòa nhà thì những bạn bè trình diện trước xếp hàng đôi, tay muỗng tay ca, vui vẻ tiến vào phòng ăn có nhà thầu phục vụ, mặt mày hớn hở vui tươi.

Thời hạn trình diện chấm dứt, bàn giấy tiếp nhận người không còn một bóng dáng nào của cán bộ phụ trách, chỉ còn lại những người vừa mới trình diện ban chiều, ngơ ngác, lang thang. Chẳng thấy có chỉ thị gì và cũng chẳng biết phải làm gì dù đêm đã khuya. Mỗi người tự động tìm một vùng gạch trống vắng để trải chiếc chiếu cá nhân của mình mà ngả lưng đỡ qua đêm. Bầy muỗi đại học xá, đói ăn gần hai tháng qua, bắt đầu tung cánh đi tìm mồi nên tiếng vo ve nghe rợn người. Các "khóa sinh" trễ muộn đó tìm cách mắc mùng, nếu không thì làm sao mà yên thân được với bầy muỗi đói kia của cộng sản. Chiếc đồng hồ treo tường của một nhà nào gần đó điểm rõ chín tiếng trong đêm Sài Gòn, một đêm đặc biệt vào khoảng đó đã im lặng như tờ. Một vài tiếng thở ra não nuột, như chừng tiếc nuối một quá khứ mới đó mà đã xa xôi vạn dặm. Một đôi ba tiếng ngái, tưởng chừng như vô tư, nhưng âm thanh đôi khi hậm hực, đầy nỗi căm hờn.

Tưởng đâu đêm đầu tiên đi "học tập cải tạo" trong một Sài Gòn nhuộm đỏ cứ như thế trôi qua nào ngờ đâu đến khoảng 22 giờ hơn thì một vài tiếng súng lại nổi lên. Lại chuyện gì đây? Thắc mắc thì thắc mắc nhưng những bộ óc quân sự của mấy mươi năm qua cũng chẳng buồn quan tâm vì đâu còn là vấn đề của họ nữa. Tiếng súng ra hiệu kia được những tiếng súng từ nhiều phía đáp nhận xong thì nhiều loạt tu huýt vang dội trong khu đại học xá, từ ngoài sân vào trong nhà, từ trên lầu xuống từng trệt. Tiếp theo sau là những tiếng ra lịnh:

- Tập hợp ở phòng đăng ký! Tập hợp theo từng B! Khẩn trương lên!

Những cặp mắt ngáy ngủ và băn khoăn từ trên lầu đổ xuống, từ những phòng khác chạy sang. Những cái nhìn đầy câu hỏi và thắc mắc. Ai cũng muốn biết lý do của cuộc tập hợp giữa đêm đen này, nhưng chẳng có được một câu trả lời. Xôn xao, nôn nóng, nhìn trước ngó sau, chờ một bóng dáng cán bộ cộng sản. Từ bóng tối họ xuất hiện khá đông, nhưng không biết được ai là người có thẩm quyền vì cùng một thứ quân phục như nhau. Cũng nón cối, quần dài, áo dài tay màu xanh rêu, nhưng không một phù hiệu hay quân hàm gì hết. Cán bộ súng dài đứng vòng ngoài, cán bộ súng ngắn đứng giữa phòng hội và cứ thế mà chờ. Khoảng nửa giờ sau, một cán bộ tóc bạc hoa râm, cũng quân phục không ủi nhưng thẳng nếp, cũng súng ngắn nhưng được đám đông cán bộ đứng chờ rẽ ra nhường lối đi, hướng về chiếc bàn kê giữa phòng, làm bàn đăng ký lúc ban chiều. Ðứng sau chiếc bàn, nét mặt đăm chiêu, người cán bộ có vẻ cao cấp đó tuyên bố:

- Bây giờ chúng ta làm việc. Ðêm nay, chúng ta sẽ hành quân bằng xe tải trên một lộ trình dài khoảng 50 cây số. Giờ khởi động sẽ cho biết sau. Mục đích, yêu cầu đối với các anh như sau:

Một là: Tuyệt đối giữ im lặng và không được hút thuốc trên đường di chuyển;

Hai là: Mọi ký tín ám hiệu để liên lạc nhau đều tuyệt đối bị cấm;

Ba là: Mọi hành động đều phải được phép của bộ đội áp tải;

Bốn là: Phải tuyệt đối giữ đội hình. A Trưởng và B Trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệm về mặt này;

Năm là: Tuyệt đối giữ kỷ luật và trật tự xuyên suốt lộ trình;

Sáu là: Bộ đội áp tải có quyền xử lý trước, báo cáo sau.

Như vậy có rõ chưa nào? Có anh nào thắc mắc gì không?

Phòng họp im phăn phắt. Chiếc quạt trần cũ kỹ, mỏi mệt và ngao ngán chậm rãi quay "xệch xạc" trong khi "hàng thần lơ láo" chẳng biết phận mình rồi đây sẽ ra sao. Thân phận đang trong tay cộng sản mà còn di chuyển ban đêm nữa thì không biết chúng nó định đưa mình đi đâu đây? Trong phút chốc, những hình ảnh ghê rợn của mồ chôn tập thể ở Huế hồi Tết Mậu Thân lại xuất hiện, như một đoạn phim kiểu liên tưởng đen trắng trong một cuộn phim màu. Thắc mắc và tự hỏi không dám thành lời, chưa được giải đáp thì gã cán bộ "làm việc" lại lên tiếng tiếp:

- Nếu không ai thắc mắc thì các anh có một tiếng đồng hồ để chuẩn bị hành trang, xong tập hợp tại đây theo từng B một. Rõ chưa?

Một tiếng "Rõ" đồng loạt khá to vang rền khu đại học xá giữa đêm khuya cộng sản của Sài Gòn. Rồi như đàn ong vỡ tổ, những người đi học tập cải tạo quay về phòng ngủ của mình để gom góp "đồ tế nhuyễn, của riêng tư", chuẩn bị hành trang cho một đoạn đường mù mịt vùng mức đến, chẳng ai nói với ai một lời nào. Mỗi người tự nhủ với tâm tư mình, tự đặt ra những nghi vấn để rồi tự trả lời nhưng kết quả không bảo đảm. Hành lý gọn gàng dưới chân mỗi người, từng B, từng B đứng lặng như tờ trong phòng họp để chờ lịnh khởi hành. Một tiếng đồng hồ quy định đã trôi qua, thêm chín mươi phút nặng nề nữa cũng qua luôn mà không thấy động tĩnh gì hết. Trời đêm đầu hạ cứ trong xanh với vầng trăng rầm cộng sản trơ trẽn, vô duyên. Một vài cụm mây trắng lơ lửng trôi qua như những bóng ma trên thảo nguyên hoang vắng, xa lạ. Có những tấm lòng nặng tín ngưỡng mong muốn dâng lên Trời cao lời lẽ nguyện cầu tha thiết nhưng cảm thấy hình như hướng lên Thượng Ðế đã tắc tị! Ðang đêm mất ngủ, những người đi học tập cải tạo bắt đầu thấy thấm mệt nên một số người đã bắt đầu ngồi lên hành trang, một số người khác nằm dài. Chờ đợi mà không đối tượng là cả một chuỗi dài ngao ngán và mông lung!

Một vài người bắt đầu chợp mắt ngủ lấy chút nào hay chút nấy rồi tới đâu thì tới, bỗng dưng một vài tiếng súng lại phá tan sự yên lặng của đêm Sài Gòn. Lại tiếng súng! Kinh nghiệm đầu tiên về sinh hoạt cộng sản là ra lịnh bằng tiếng súng. Có thể nay đã chiến thắng rồi họ lấy tiếng súng làm oai với "bọn ngụy" chơi chăng? Sau tiếng súng đó, bộ đội súng dài lẫn súng ngắn ở đâu mà xuất hiện ra đông vô số. Bộ đội súng dài đến bố trí ở các xe tải đang nằm chờ ngoài đường vắng, còn bộ đội súng ngắn thì mỗi người phụ trách một B thành viên học tập cải tạo. Bộ đội phụ trách B hướng dẫn toán liên hệ đến chiếc xe tải được ấn định mà chỉ có ông ta biết. Hàng đôi của B được tách ra làm hai, mỗi hàng đứng dọc theo một phía của xe. Bửng sau của xe được mở ra, mỗi bên có một bộ đội súng dài, ngón trỏ đặt trên cò súng trong tư thế sẵn sàng bóp cò. Hai cải tạo viên đầu hàng được lịnh lên xe trước để chuyển và xếp hành lý cho cả B. Chất xếp xong xuôi, hai người này được lịnh nhảy xuống đất để bắt đầu leo trở lên cùng với cả B, có bộ đội đếm đầu cẩn thận. Sau khi cả B lên hết trên xe, hai bộ đội lên sau cùng, khóa bửng xe lại, ngồi ở hai góc cuối xe, súng chĩa nòng vào cải tạo viên.

Như vậy là xong, kể từ giây phút này những cải tạo viên đã trở thành tù học tập cải tạo. Lên xe xong, tù học tập cải tạo được lịnh phải ngồi lên trên đống hành lý và được nhắc lại sáu điều quy định đã được công bố trong lúc "làm việc" ban nãy. Chiếc xe được che vải bạt bít bùng, chỉ thoáng nhìn thấy được bên ngoài qua kẽ hở của hai tấm vải bạt phủ phía sau xe. Chỉ dấu của một thời đen tối đang bắt đầu.

Sau khoảng 30 phút để ổn định, chiếc xe nổ máy và bắt đầu chuyển bánh. Vận dụng trí nhớ và óc tưởng tượng, những người nằm trong lòng xe tối đen cố phác họa trong tâm tư lộ trình của chiếc xe tải đang đưa họ đi trong đêm yên vắng của thành phố Sài Gòn giờ giới nghiêm. Cũng khá gay go vì thiếu mất những điểm chuẩn. Qua khe hở của hai tấm vải bạt phe phẩy dưới sức gió họ chỉ thấy phần lớn của những ngọn cây và những bóng đèn đường. Thỉnh thoảng một vài cao ốc đặc biệt, một vài bảng hiệu các cửa tiệm buôn bắt đầu cho họ có một ý niệm về lộ trình. Xe quanh đi quẩn lại trên nhiều nẻo đường thành phố như cố tình đánh lạc hướng, đưa họ vào một mê cung nào đó. Dựa theo tiếng nổ của động cơ trong đêm thanh vắng thì xe đi thành đoàn. Khoảng trên một tiếng đồng hồ di chuyển, họ nhận thấy ánh đèn trắng xanh màu băng tuyết của loại đèn cao áp đặc biệt, lúc bấy giờ chỉ có trên xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa. Qua khỏi ngã tư Hàng Xanh (Thị Nghè), đoàn xe ngừng lại. Những tù học tập cải tạo vẫn trong thế án binh bất động, đâu ngồi yên đó. Hai họng súng AK của bộ đội cứ trực diện lom lom nhìn họ như thôi miên. Hai chàng bộ đội, nét mặt nặng căm thù, không chấp nhận bất cứ một cử động nào không được phép. Có tiếng động cơ của một chiếc xe nhỏ, loại xe du lịch, chạy từ xe này đến xe khác để kiểm điểm tình huống của mỗi xe. Người bộ đội súng ngắn, ngồi trước xe với tài xế, báo cáo tình hình của xe mình cho thủ trưởng của ông ta đi trên chiếc xe du lịch kia. Rồi một tiếng súng AK và chiếc xe tải lại nổ máy. Xe di chuyển với một tốc độ chậm, khoảng 30 cây số một giờ, mặc dù xa lộ gần như hoang vắng. Thỉnh thoảng có tiếng xe Jeep chạy tới chạy lui, vừa canh chừng vừa hộ tống đoàn xe. Gần một đêm thức trắng và căng thẳng, những người tù học tập cải tạo bắt đầu bớt quan tâm đến việc theo dõi lộ trình để lấy lại giấc ngủ dở dang. Không biết được bao lâu thì xe lại ngừng. Qua kẽ hở của tấm vải bạt, vùng trời bên ngoài đã bắt đầu sáng. Dưới đường đã nghe có tiếng người, của phụ nữ có mà của thiếu niên cũng có. Người dân đang trên đường đi chợ chăng? Có tiếng động cơ của máy kéo chạy trên đường và tiếng nói của những người đàn ông kêu gọi nhau. Như vậy là thời gian đã bình minh về sáng, kẻ đi chợ, người ra đồng ruộng. Nhưng đây là đâu? Những người tù học tập cải tạo chẳng còn một ý niệm nào nữa về không gian họ đang sống. Bỗng có một anh bạn, mặt mày nhăn nhó, đưa ngón tay trỏ lên phát biểu:

- Tôi xin đi ngoài!

- Anh khắc phục! Chưa phải chỗ, không giải quyết. Tiếng người bộ đội đáp lại.

Một người tù học tập cải tạo cần phải cấp bách cho ra ngoài những thứ không cần thiết của cơ thế nhưng không được phép. Cố đè nén một khó khăn sinh lý nên mặt mày anh tái mét, mồ hôi lạnh cứ tuôn ra mặc dầu trời buổi sáng đang mát. Có nhu cầu khẩn cấp, nhưng không biết đến lúc nào mới phải chỗ đây? Chỉ có mỗi khó khăn tự nhiên không đè nén được như vậy mà cũng không được tự do giải quyết!

Rồi xe lại chuyển bánh tiếp tục di chuyển, đi về một nơi vô định. Người trông cho mau tới được mức đến đó nhiều nhứt hiện giờ phải là anh bạn có nhu cầu kia. Giá trị của tự do lại được nhận ra trong một tình huống hết sức mỉa mai. Trong những ngày cộng sản vừa chiếm được Sài Gòn thì đâu đâu, khắp hang cùng ngõ hẻm, người ta cũng thấy câu nói được coi như là bất hủ của Hồ Chí Minh nhan nhản trên các bích chương, biểu ngữ:"Không có gì quý hơn độc lập tự do". Chỉ là một sự ghép chữ thông thường nhưng có giá trị vì do "Bác" đưa ra. Thoạt đầu câu nói đó cũng chỉ có giá trị cổ động và tuyên truyền, không tác dụng gì đến tâm tư một ai. Cũng chỉ là một khẩu hiệu trong số nhiều khẩu hiệu khác nhan nhản trên đường phố. Giờ đây, trong bóng tối của thùng xe tải, trước điều nhỏ nhoi không đè nén được mà người bộ đội kia bắt anh bạn đồng hành phải khắc phục thì câu nói trên bắt đầu thắm thía. Trong cuộc sống, có những cái nhỏ nhoi bị coi tầm thường vì cá nhân nhận được hay làm được mà chẳng cần phải ý thức. Khi mất đi rồi, mới thấy được cái tính nhứt thiết của nó. Thậm chí chế độ tự do kia, vì đã sẵn có trong xã hội miền Nam trước kia, được coi như hơi thở, như gió thoảng mây bay nên người ta cứ tận hưởng nhưng lại quên rằng cần phải bảo vệ. Có bao giờ ai khuyên giữ gió, có khi nào ai dặn gìn mây, nhưng mây gió mất đi rồi mới thấy tiếc ơi là tiếc! Trên chiếc xe tải đi tù hôm đó có thể có nhiều người cũng bâng khuâng với một nỗi niềm hối tiếc khôn nguôi.

------------------------

Ghi chú :

[3] Tên gọi được tướng Dương Văn Minh sử dụng để nói đến những người cộng sản Việt Nam.

[4] Danh từ do ông Trần Văn Hương sử dụng khi trao quyền cho tướng D. V. Minh.

[5] Bản nhạc "White Christmas" được dùng làm ám hiệu cho cộng đồng người Mỹ ở Sài Gòn tiến hành chương trình di tản khỏi Việt Nam.

[6] Thương binh cụt cả tay lẫn chân
 

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)
 
Tác phẩm :

Thay Lời Tựa : Như nẻo đường rừng.

1. Sài Gòn : Những ngày trăn trở.

2. Long Giao : Một bước đổi đời.

3. Tam Hiệp : Nửa từng địa ngục.

4. Hoàng Liên Sơn : Núi rừng trùng điệp.

5. Hà Tây : Trong gọng kềm công an.

6. Nam Hà : Ai cải tạo ai ?

7. Thành phố Hồ Chí Minh : Một thuở sắc không.

8. Paris - Chelles : Ta lắng nghe ta.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.