.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

 Phan Quân

Chuyện thời cải tạo

Nỗi Buồn Côi Cút
3. Tam Hiệp : Nửa từng địa ngục.

  • Phù Sa - 24.05.2006

T


rong đời thường, phút chia tay nào cũng buồn thảm dù là cuộc giả từ được mong muốn, nhưng với nếp sống tù đày mỗi lần chia tay là cả một sự mất mát lớn lao của tình cảm, tuy rằng trong âm thầm, không có những cái bắt tay từ giả hay những bàn tay vẫy chào tạm biệt. Sau tập hợp và được biết sẽ chuyển trại, tù cải tạo không còn thì giờ để chạy sang khu này, khu nọ thông báo cho nhau nữa vì chỉ đủ thời gian để chuẩn bị hành trang. Ðoàn tù cải tạo khu đại tá lặng lẽ, âm thầm di chuyển giữa đêm đen ra đến chỗ đoàn xe đậu chờ, đi ngang qua khu thiếu tá. Có những câu hỏi lửng lơ, không chủ từ, muốn biết nơi đến của cuộc chuyển trại. Nhưng làm thế nào để trả lời được khi chính những đương sự cũng không biết mình đi đâu. Mà có biết cũng không thể trả lời được vì rải rác trên đường di chuyển đầy dẫy những bộ đội súng dài.

Người đi thì câm nín, kẻ ở lại bên trong vòng rào kẽm gai cũng chẳng nói được gì hơn khi không nhận được lời đáp lại thì biết rằng có trở ngại ngoài ý muốn. Thế nhưng, trong cưỡng chế như vậy tình cảm tâm tư bị dồn ép cũng tìm mọi cách để nói lên lời tâm sự qua tiếng đàn Mandoline đơn lẽ trổi lên nhạc khúc "Tạm Biệt" nổi tiếng ai cũng biết, như tiếng gáy của một con dế mèn gọi bạn giữa đêm khuya. Một lời giả từ gởi đến mọi người đi mà như chừng không gởi đến một ai, dành riêng cho những người trong cuộc và những chàng bộ đội súng dài kia có nghe được cũng cứ ngỡ là tiếng đàn trong đêm. Tiếng đàn cứ thản nhiên tỉ tê không thôi suốt thời gian đoàn tù cải tạo qua ngang khu trại và có lẽ chỉ chấm dứt khi tiếng máy nổ của đoàn xe đã chìm lắng trong đêm đen. Lòng buồn rười rượi vì cái bấp bên của số phận mình ở đầu bên kia của chuyến đi nhưng cũng cảm thấy được an ủi với tiếng nhạc, khi thầm hiểu rằng người bạn tù còn ở lại kia, dù chưa yên phận mình nhưng cũng cố gắng an ủi người ra đi qua nội dung của bài hát:"Dù ta phải xa nhau, không mong gì gặp lại thì, bạn ơi, cũng chỉ là một cuộc chia tay"[14].

Lại một chuyến đi "dạo mát" nữa, dưới vòm trời đầy sao bằng xe tải trên những lộ trình theo tuyến mê đạo cố hữu của cộng sản. Trước tiên, đoàn xe chở tù cải tạo đi về hướng Tân Cảng, nhưng không ngừng lại mà trở về hướng Biên Hòa, rồi đi theo đường lên Ðà Lạt và cuối cùng đổ tù cải tạo xuống một trại đầy dẫy kẽm gai. Dưới ánh đèn rọi trực diện vào mình, đoàn tù cải tạo chỉ thấy những khoanh kẽm gai tròn dọc theo lối đi và những hàng rào kẽm gai "dàn chào" hai bên. Mắt bị chóa đèn không thấy được bối cảnh xung quanh, tù cải tạo cứ người sau tiếp nối người trước tiến đến địa điểm nhứt định, dưới sự hướng dẫn của bộ đội. Do tương phản cực mạnh giữa ánh sáng đèn rọi và bóng đêm đen, tù cải tạo chỉ thấy mặt đất để đặt bước chân, còn ngoài kia chỉ là bóng đen tuyệt đối, không sao nhận diện được nơi đến, mà cũng chẳng biết trong bóng đen đó có những gì. Nhóm tù cải tạo mới đến được "bố trí" vào những gian nhà trống đúng nghĩa của nó, vỏn vẹn chỉ có nền xi măng, kích cỡ khoảng 5 mét ngang, 10 mét dài. Cơ cấu B của trại Long Giao không còn nữa và người ta cứ dồn tù vào đầy một nhà rồi tuần tự như vậy cho đến hết số người mới đến. Gian nhà, sườn sắt, nóc và vách đều bằng thiếc dợn sóng, phía dưới chân vách có chừa một khoảng trống chừng năm tấc chạy dài quanh nhà, đóng hay mở bằng một cánh cửa liếp chống lên, sập xuống. Mỗi người cũng một chiếc chiếu trải ra, đầu nằm hướng về vách nhà. Tù cải tạo nằm thành hai hàng dài, ở giữa là lối đi xuyên suốt từ đầu nhà đến cuối nhà. Trong không gian nhà tù, có được một chỗ để trải chiếc chiếu cá nhân đúng như quy định là có thể được yên thân, như có được công ăn việc làm ở xã hội bên ngoài.

Trại mới này đích thật là một trại tù chính cống, không còn lấp lửng ngụy trang dưới danh nghĩa này nọ được nữa. Những dãy nhà kích thước và hình thức như nhau tập hợp thành từng khu một, khu này cách khu kia bằng hai lớp hàng rào kẽm gai, cao hai mét, cách xa nhau khoảng bốn mét. Xa xa, vượt khỏi đầu rào có những chòi canh sừng sững với bộ đội bên trong ngày đêm nhìn xuống xã hội tù cải tạo. Nhìn quanh bốn bề đâu đâu cũng nhà thiếc và rào kẽm gai. Dường như những khu trại tù đâu lưng vào nhau, quay mặt ra khu doanh trại của bộ phận quản lý, gồm có nhà gạch, mái thiếc dợn sóng khác hẳn với nhà ở của tù. Căn nguyên của trại này, có lẽ, bắt nguồn từ thời đệ nhứt cộng hòa, dưới tên gọi "Trại tù phiến cộng Tam Hiệp". Danh xưng này đã tạo nhiều tranh luận vì có người cho là Tân Hiệp và cũng có dư luận gọi là Suối Máu, nghe rùng rợn hơn để nói lên điều ghê gớm của một trại tù. Có thể cả ba địa danh đều đúng vì trại này trải dài trên một diện tích khá rộng lớn, biết đâu nó chẳng chiếm một phần không gian địa lý của ba xã ấp nói trên? Trại nằm bên cạnh con đường cái quan nối liền Sài Gòn với Ðà Lạt, giữa nhà thương điên Biên Hòa và Hố Nai. Ðiểm nổi bật của trại này là nhìn đâu cũng thấy sắt, thiếc và kẽm gai. Trên đất cát khô cằn của sân trại, cỏ cũng không buồn mọc. Dọc theo hiên nhà là những cây trứng cá rộng tàn che mát, có lẽ do tù chăm sóc để tìm lấy chút êm dịu vào những ngày nắng hạ. Loại hoa phổ biến trên những khu vườn bông là hoa mười giờ, một loài hoa có sức sống rất mạnh và không đòi hỏi nhiều chăm sóc cũng như nước tưới.

Sáng hôm sau, những khu tù kế cận chăm chú nhìn sang khu tù mới đến đêm qua để nhận diện và tìm những đối tượng thân quen. Nhóm tù cải tạo mới đến được "cách ly" với nhóm tù cũ đã ở trại này trước, những người mặc bộ đồng phục kỳ lạ. Quần áo bà ba màu xanh dương, dài theo đường sống lưng áo và dọc theo hai ống quần là những đường vải trắng, trông như đồng phục của đạo tỳ, của nhân viên phường đòn các công ty mai táng. Trong khi đó, tù mới đến vẫn ăn mặc như người thường ngoài xã hội. Sau khi cán bộ trại đến "làm việc", nhóm tù cải tạo Long Giao được "biên chế" thành những đơn vị gọi là "Nhà": Nhà1, Nhà2,... mà thành viên là những người ở cùng một gian nhà. Ðứng đầu là nhà trưởng, một tù cải tạo làm trung gian giữa trại và tù, như B Trưởng ở trại Long Giao. Một "Nhà" gồm khoảng 40 người. Sau khi đã được tổ chức thành cơ cấu, tù cải tạo Long Giao mặc nhiên hòa mình vào nếp sống mới của trại, tay bắt mặt mừng với những bạn bè đã ở đây từ trước, phần lớn là những người bị cộng sản bắt trong chiến dịch ngăn ngừa trốn học tập cải tạo, mặc dầu chưa hết hạn kỳ trình diện. Những dư luận, những tin đồn thế nọ, thế kia về một vài chiến hữu lúc bấy giờ mới được xác minh phần nào khi những đương sự gặp nhau bên trong vòng rào kẽm gai.

 

ß

 

Sau mấy tháng bị lừa dối trong hoàn cảnh gọi là học tập cải tạo để rồi nhận thức ra rằng cũng chỉ là tù thì tinh thần của tù cải tạo bắt đầu lắng xuống trong một thái độ trầm ngâm. Mức độ ồn ào và lăng xăng trong sinh hoạt với hy vọng học vài ba tháng rồi lại ra về bắt đầu tan biến và thay vào đó là một nỗi thắc mắc âu lo mà lời giải đáp lại chẳng thấy đâu. Không còn thấy được chút ánh sáng nào ở cuối đường hầm nữa! Một quãng đời như trong sương mù dày đặt và người trong cuộc cứ mò mẫm mà vùng trời trong sáng lại quá mông lung! Tâm tư đang nghẽn lối thì niềm trăn trở vật chất, qua cảnh đói ăn, lại như một quả đấm giáng xuống người võ sĩ đã thấm vì trận đòn đối phương.

Trong thời gian ở trại Long Giao, gạo "Ðại Mễ" trại phát thừa mứa, ngày nào cơm cũng dư, đem cung cấp cho bộ phận chăn nuôi. Nay về trại này, gạo ăn của tù là gạo Mỹ, có lẽ tịch thu từ những kho tiếp tế của Sài Gòn, nhưng lượng gạo không đủ. Ở đây, lần đầu tiên tù cải tạo mới nghe đến số lượng gạo tiêu chuẩn được quy định cho mỗi người. Xưa kia, vào thời Pháp thuộc, dưới chế độ Quốc Gia Việt Nam hoặc trong hai chánh thể cộng hòa có ai tính toán chi li số lượng gạo cho từng miệng ăn bao giờ. Thậm chí có gia đình còn coi cơm là thành phần thực phẩm phụ thuộc trong bữa ăn. Với số lượng lương thực được quy định như vậy, phần ăn cá nhân nào cũng thiếu trước hụt sau và người trực cơm phải phân chia phiền phức. Bữa ăn nào vừa nuốt xong cũng thấy chưa no, vẫn thòm thèm muốn ăn nữa và mơ tưởng đến bữa ăn tới. Tâm trí của người thiếu ăn như cùng quẫn, chỉ lanh quanh nghĩ đến phần cơm sắp đến, những vấn đề to lớn và quan trọng đã trở nên xa lạ. Cũng may là trong thời gian ở trại này lao động không phải là sinh hoạt chính của tù cải tạo.

Không muốn cho tù ăn không ngồi rồi, trại bắt tù cải tạo chăm sóc vấn đề trật tự và vệ sinh quanh nhà ở. Công tác chính ở trại này là "chà láng", nghĩa là làm cho mặt đất cát của đường mương bao quanh căn nhà ở được láng mịn, không loang lổ. Vì là đất cát cho nên sau mỗi cơn mưa mặt đất bị xói mòn và lỗ chỗ, như vậy là tù có chuyện làm. Với một miếng ván, một miếng miểng sành hay một cái chai rồi cứ như vậy mà ép cát ẩm ướt xuống cho láng. Một việc làm hết sức phi lý, không có ý nghĩa gì hết, một thứ công dã tràng. Công việc làm nhẹ nhàng, nhưng cái đói hoành hành không ít. Túng thì phải tính, ngoài thời gian lao động ra, tù cải tạo mở chiến dịch lùng bắt miếng ăn phụ trội để trám đầy lỗ hổng của bao tử, một chiến dịch rất đa dạng. Dễ dàng nhứt là hứng nước vo gạo ở nhà bếp đem nấu cô đọng lại sệt sệt để uống cầm hơi giữa hai bữa ăn. Một thức uống được cho là có nhiều sinh tố B1, ngừa được chứng phù thũng. Hình thức chống đói này thích hợp với những ai không đủ khả năng làm những điều phức tạp, thế nhưng phong trào càng ngày càng lan rộng nên nước vo gạo cũng không đáp ứng được nhu cầu. Vả lại chuyện nấu nướng trong tù không phải đơn giản vì đâu phải cá nhân nào cũng được phép nổi lửa nên nhà bếp tập thể đầy nghẹt những người nấu nướng lẻ tẻ. Mỗi người một lon Guigoz, treo lủng lẳng ở đầu một cái cây dài có móc sắt để đưa vào bếp lửa, như trẻ con chơi đèn giấy vào dịp Trung Thu. Tình trạng chộn rộn người ở bếp vào giờ nấu ăn làm trở ngại công tác của các đội nấu ăn chánh thức, lại dẫn đến những rủi ro phỏng người nên trại có lịnh cấm những tù cải tạo vào bếp nếu không có nhiệm vụ. Dĩ nhiên, lịnh cấm nào cũng bị vi phạm, nhứt là trong trại tù, nên chỉ hạn chế được phần nào thôi, khi cái đói ăn thường đưa người ta đến chỗ liều mạng. Nhưng, nhân tố chính khiến cho chiến dịch lấy nước vo gạo bớt phần hấp dẫn là người lấy càng đông thì nước vo gạo càng khan hiếm.

...muốn có chất thịt thì chỉ cần một loại thòng lọng thật nhạy và làm bằng dây thật nhỏ sợi để đi câu cổ lũ kỳ nhông, một loài thú có điểm độc đáo là biết đổi màu của cái đầu tùy theo môi trường liên hệ, nhưng lại sửng sờ với tiếng huýt sáo của con người. Nghe tiếng sáo miệng của "thợ săn" là kỳ nhông cứ đứng yên, ngẩn cao đầu, lắc qua lắc lại, đôi mắt lim dim, chừng như muốn tìm nơi xuất phát tiếng sáo hoặc đánh giá âm hưởng của nó để rồi chui đầu vào thòng lọng mà giãy giụa một cách thảm thương...

Một số tù cải tạo chuyển sang hướng chống đói bằng chất thịt. Nếu hợp lực thành một "công ty" vài ba người thì rủ nhau đi đào hang, xông khói bắt chuột. Ðược chuột đồng lông mướt thì càng tốt mà chuột cống còi lông hay ghẻ lở cũng chẳng được tha. Chuột đã lột da, thêm chút gia vị vào rồi xào nấu thì chất Protéine của phần ăn kể cũng quan trọng. Vả lại, tình cảnh thiếu đói làm cho con người dễ tính đi và làm ngơ trước những gì mà lúc bình thường cho là không thể chấp nhận được. Nếu không hình thành được "công ty" mà vẫn muốn có chất thịt thì chỉ cần một loại thòng lọng thật nhạy và làm bằng dây thật nhỏ sợi để đi câu cổ lũ kỳ nhông, một loài thú có điểm độc đáo là biết đổi màu của cái đầu tùy theo môi trường liên hệ, nhưng lại sửng sờ với tiếng huýt sáo của con người. Nghe tiếng sáo miệng của "thợ săn" là kỳ nhông cứ đứng yên, ngẩn cao đầu, lắc qua lắc lại, đôi mắt lim dim, chừng như muốn tìm nơi xuất phát tiếng sáo hoặc đánh giá âm hưởng của nó để rồi chui đầu vào thòng lọng mà giãy giụa một cách thảm thương. Thịt kỳ nhông được cho là ăn giống như thịt gà, nhưng mức độ dinh dưỡng của nó chưa thấy sách báo khoa học nào xác định. Tuy nhiên, chắc là cũng không mấy hấp dẫn vì ở xã hội đời thường chưa nghe nói ai ăn thịt kỳ nhông, kể cả những bợm nhậu nặng ký.

Cố tìm tòi mọi nguồn thực phẩm bổ túc qua nhiều ngõ ngách quanh co, mà cán bộ cộng sản gọi là "cải thiện linh tinh", dĩ nhiên bị cấm đoán trong tù nên việc nấu nướng phải lén lút, đôi khi nấu giữa chừng bị động thì cứ thế mà ăn vào. Do đó bịnh đường ruột rất phổ biến, thông thường nhứt là bịnh kiết lỵ. Thuốc của trại thì phân phát hạn chế, thuốc cá nhân mang theo thì cũng có mức độ vì thông cáo của Ủy Ban Quân Quản thành phố cho biết nên đem theo đủ dùng trong một tháng mà lúc bấy giờ đã trên năm tháng. Thuốc bạn bè chi viện cũng khó khăn vì ai cũng lo cho phận mình, nếu một mai... Ðã vậy mà điều kiện vệ sinh tập thể của trại lại quá kém. Cái gọi là nhà vệ sinh tập thể cho toàn khu là một hố lộ thiên hình hộp lối 2 mét ngang, 4 mét dài và 2 mét chiều sâu, bên trên có những đòn bắt ngang. Có những trường hợp người già yếu hay bịnh hoạn, chân run gối mỏi đã rơi tòm xuống hố này, tắm rửa bao nhiêu lần, tốn hao bao nhiêu xà phòng vẫn thấy tởm người. Hố này vừa là cái nôi, vừa là môi trường nuôi sống lũ ruồi nhặn đủ loại có khả năng chuyên chở bịnh hoạn đến toàn khu trại tù, đó là chưa kể những hố của các khu trại khác. Trầm trọng hơn nữa là nước thông dụng của trại là nước giếng, có cái không tôn trọng được tiêu chuẩn an toàn về mặt khoảng cách so với hố vệ sinh. Như vậy mới thấy rằng thành ngữ "ở dơ như tù" cũng có lý do hiện hữu. Có thể bản thân người tù không ở dơ, sống bẩn, nhưng hoàn cảnh vật chất của nhà tù đã đặt họ vào tình thế chẳng còn cách nào khác hơn dù cho chính đương sự cũng không chấp nhận. Tập thể tù cải tạo nghĩ rằng trước kia những chánh thể đã qua không thể giam tù phiến cộng trong những điều kiện như vậy được, khi mà trại giam thời đó thường được Hồng Thập Tự Quốc Tế quan tâm cũng như được hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ chú ý. Do đó mới có những vụ tai tiếng mệnh danh là "Chuồng cọp Côn Ðảo", mới có đề tài để cho những ủy ban tranh đấu cho chế độ lao tù phê phán.

Cùng với thời gian trôi qua, phương tiện vật chất ở trại ngày một tồi tệ, bịnh tật của tù cải tạo ngày một gia tăng dù trại thường xuyên đưa ra khẩu hiệu "ăn chín, uống sôi". Chỉ ban hành khẩu hiệu mà không có một biện pháp thực tế nào hết và đường lối quản lý cũng mù mờ, như chừng đang chờ đợi một điều gì đó nên kỷ luật cũng nới lỏng lần hồi. Lao động bên trong vòng rào trại thì không có gì, ngoài chuyện luân phiên làm bếp và chà láng, nhưng không thấy đưa tù cải tạo đi lao động bên ngoài trại. Người ta cho tù tập hợp lại học những bài hát vớ vẩn, lơ mơ, học xong rồi cũng chẳng để làm gì hết. Cán bộ coi tù bắt đầu lúng túng, để mặc cho tù sinh sống một cách tùy ý, không có sinh hoạt hướng dẫn, miễn sao đừng gây xáo trộn và đừng trốn trại. Ðể cảnh cáo, răn đe và dằn mặt tù cải tạo về vấn đề trốn trại, cộng sản đưa những người tù mà họ cho là đã toan đào thoát ở một nơi nào đó về Tam Hiệp tổ chức một phiên xử đầy tính chất trình diễn. Ngày hôm trước phiên xử, tù cải tạo được lịnh đề cử đại diện cho mỗi phân trại đi dự "phiên tòa". Ngoài ra, diễn tiến của phiên xử cũng được phát thanh qua hệ thống loa cho toàn trại. Phiên xử kéo dài từ sáng cho đến xế chiều mà phần kết tội ai cũng có thể biết trước. "Phiên tòa" kết thúc và trong khi những người tham dự đang kéo nhau ra về thì có mấy tiếng súng AK, chỉ dấu cho thấy rằng bản án đã được thi hành. Một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ, huống chi những người bạn cùng cảnh ngộ phải từ giả cõi đời một cách đau thương. Trại tù chiều hôm đó rười rượi buồn trong một bầu không khí im lặng khác thường. Trời đang đẹp nắng, bỗng dưng có một cơn dông ập đến và mưa rào nặng hột thoáng qua, như chừng thiên nhiên cũng chia sẻ cái tang chung, khoảng nửa giờ sau tiếng súng hành quyết.

Gần như bị quên đi, được phó mặc cho thời gian, tù cải tạo tìm cách để quên được phần nào thân phận của mình qua những sinh hoạt tự tạo. Người thì nghiền ngẫm mấy quyển sách châm cứu và đem ra thực hành trên thân xác của bạn bè cùng cảnh ngộ lại thiếu hụt thuốc men. Nếu có sai lầm thì một mũi kim nhỏ đâm vào da thịt cũng chẳng chết ai và biết đâu trong cảnh "phước chủ, may thầy" lại có thể qua được các bịnh lặt vặt như đau nhức thường tình. Nhóm khác trở thành tụ điểm của những chiêm tinh gia mầm non, nói chuyện dĩ vãng để suy đoán tương lai, dưới nhiều hình thức khác nhau như xem nét chữ, bói chữ ký, coi chỉ tay hoặc bấm tử vi Tàu cũng như Tây. Chuyện quá khứ tương đối cũng dễ vì đời binh nghiệp của bạn bè nhiều khi chẳng dấu được ai, nhưng chuyện tương lai duy nhứt mà ai cũng muốn biết là ngày ra tù, tiếc thay, chính người tiên đoán cũng không thấy nổi ngày ra tù của chính mình thì làm sao thấy được của người khác. Thôi thì cũng dăm ba phút trước mua vui, sau vỗ về an ủi phần lương tâm nôn nóng chẳng mất tiền mà cũng chẳng thiệt hại uy tín của một ai. Có những người còn nặng tình với thú vui bài bạc, dĩ nhiên là bị cấm đoán trong tù, nhưng riêng mạt chược, được tù giải thích với trại là thú tiêu khiển phải vận dụng lý trí nên được chấp nhận. Nhưng vấn đề là những con bài, lấy đâu ra? Với ngày rộng tháng dài của tù, những thanh củi rồi cũng lần hồi biến thành một trăm mấy mươi con mạt chược. Biểu hiệu cho lòng kiên nhẫn của những con người chẳng biết làm gì với thời gian dư thừa. Củi được cắt nhỏ thành những khúc cây ngang hai phân, dài ba và dày một rưỡi, đem mài trên nền xi măng thật láng để vẻ hay khắc những chữ hay hình dáng của con bài. Quả thật trò chơi cũng lắm công phu và như vậy khi ngồi vào bàn mạt chược tự tay mình làm ra những đương sự đã cho thấy rõ nét niềm hãnh diện của họ so với công lao đã bỏ ra. Tình huống khó khăn nhưng dư thừa thời giờ trong tù cho thấy những con người của chế độ Sài Gòn rất khéo tay. Thế nhưng, nếp sống trước kia không thể để cho họ có cơ hội phát hiện khả năng thiên bẩm của mình vì thời gian của họ đã phải dành cho những công việc cần thiết và hữu ích hơn cho xã hội. Có một quân y sĩ ngành giải phẫu, được biết là xưa kia rất mát tay, đã làm được từ đầu đến cuối một cây đàn Banjo với những vật liệu và dụng cụ thu lượm trong trại tù. Một số người khác lao vào những sinh hoạt riêng lẻ, như may mặc làm nên những chiếc mũ nhiều kiểu loại bằng bao đựng cát đấp chiến lũy, như lấy kẽm gai hình thành những sợi dây gào dài hàng chục thước, như tháo Tôle gò nên những thùng xô múc nước, như ngồi viết nhựt ký dù biết rằng khi bị kiểm tra hay chuyển trại thì cũng phải vứt đi. Người ta cứ phải làm một điều gì đó để quên thời gian đang trêu ghẹo và thử thách, quên cái đói đang giày vò thân xác, quên những ước mơ không thấy đến. Từ nếp sống bình thường của chính mình, người tù cải tạo cũng thấy rằng đó là thái độ bất thường, gần như của một người mất trí. Thế nhưng, cái cùng quẫn của tâm trí người tù cũng chẳng khác gì tâm trạng của người điên. Nói cho đẹp ra thì cũng chỉ là một dạng rối loạn thần kinh mà thôi.

 

ß

 

Có vẻ như bị động trước lối sống tự phát của tù cải tạo và dường như chỉ có khả năng đưa ra những khẩu hiệu về vệ sinh trước tình huống bịnh hoạn gia tăng, ban chỉ huy trại đã để lộ thế lúng túng của họ. Dường như họ đang chờ đợi một biến chuyển gì đó, qua cung cách đối xử với tù cải tạo. Lần hồi lao động chà láng cũng không được ai quan tâm đến nữa, tù lơ là, cán bộ trại không buồn nhắc nhở. Khu ăn ở của tù cải tạo gần như độc lập, cán bộ trại không bén mảng đến và như vậy là tù tha hồ sinh sống, không cần phải đề cao cảnh giác, nhìn trước ngó sau để báo động bằng những ám hiệu như "tà lọt đến" hay "Tây tới" nữa.

Những "ký tín ám hiệu" này trước đó đã là những đề tài để cán bộ trại đem ra làm bài học cho tù cải tạo. Thời kỳ mới về trại, lịnh cấm nấu nướng rất nghiêm ngặt. Nhưng muốn "cải thiện linh tinh" biến những chiến lợi phẩm săn bắt được như chuột, kỳ nhông, nước vo gạo thì phải nổi lửa lẻ tẻ dưới đường mương quanh nhà ở hoặc trong hốc kẹt nào đó. Một người nấu, một người canh chừng và khi thấy bóng dáng cán bộ thì la to lên một trong những ám hiệu kể trên một cách bâng quơ, như chẳng nói với ai hết. Ban đầu cán bộ không để ý, nhưng lần hồi về sau họ nhận ra rằng những câu nói kỳ lạ đó nhằm vào họ nên họ dò hỏi để tìm hiểu ý nghĩa của những từ đó. "Tà lọt" không rõ thuộc ngôn ngữ nào - có người cho là tiếng Cam Bốt - thường được sĩ quan Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa sử dụng để nói về người quân nhân phục dịch cho mình. Còn tiếng báo động "Tây tới" thường được người dân nông thôn sử dụng để báo động khi có quân lính Tây đi bố ráp. Những ám hiệu đó tù cải tạo áp dụng một cách thường tình, không ác ý gì hết, chỉ nhằm mục đích lưu ý người bạn đang nấu nướng liệu tìm cách che giấu. Thế nhưng, cán bộ trại lại suy diễn với thành kiến coi đó là một điều sỉ nhục họ. Nhân một cuộc tập hợp toàn khu, họ đã hằn học cho rằng tù cải tạo đã miệt thị cán bộ, xếp họ vào hàng ngũ của những người phục dịch hoặc bọn thực dân. Tù mà khinh thường cai tù dĩ nhiên là mang tội khá nặng, thế nhưng làm sao họ truy nguyên được người đã sáng tạo ra những ám hiệu đó vì chính tù cải tạo cũng không biết những từ đó xuất phát từ đâu và xuất hiện từ lúc nào nữa.

Lao động thì thu hẹp vào những công tác xuống hàng từ những xe tải chở lương thực và thực phẩm đến cung cấp cho trại. Tuy gạo không đủ ăn nhưng lại có một số ít thực phẩm như cá biển, thịt hộp, thịt chà bông Trung Quốc, trái su, cà chua, hành lá, ớt,... Chất lượng và số lượng thực phẩm theo tỷ lệ nghịch với thời gian, càng về sau càng kém đi, thậm chí chỉ còn những thứ khô làm bằng loại cá mà thời trước người ta dùng làm phân bón. Sinh hoạt ăn uống kém đi thì bịnh hoạn lại leo thang và kiết lỵ là thứ bịnh phổ biến nhứt ở trại này. Người ta bắt đầu thấy xuất hiện một vài tù cải tạo còn ít tuổi mà phải chỏi gậy đi tới đi lui, mặt mày hốc hác, da mặt xám xịt, môi thâm đen khô khốc, đôi mắt lờ đờ, tròng mắt muốn đi ra. Có một số người trải giấy, trải tấm nhựa hoặc mắc võng lên những cây trứng cá ở khu cạnh hố vệ sinh để tiện đi lại, vì một ngày phải di chuyển hàng chục lần trong tình trạng mất sức và mất nước trong cơ thể như vậy thì làm sao chịu nổi. Một vài người không còn đủ quần để che bộ phận không cần khoe ra của mình đành phải lấy vải bao cát quấn tạm, nhưng cũng tiện lợi vì khi thảy bỏ chất dư thừa đỡ phải cổi, tuột lôi thôi. Số lượng những "lão già chõi  gậy đi lang thang" trong trại cứ gia tăng một cách đáng sợ mà thuốc của trại thì chẳng có gì, ngoài mấy viên màu trắng khả nghi, với khả năng chữa trị mang tính chất tâm lý nhiều hơn là y học. Những quân y sĩ tù cải tạo nhìn mãi cũng không nhận diện được những viên thuốc xuất phát từ những nước xã hội chủ nghĩa. May mắn thay, trong số tù cải tạo có những người biết dự phòng và chịu đáp ứng lời kêu gọi cứu nguy của bạn bè nên số thuốc mang theo đã chận đứng kịp lúc những trường hợp khó khăn nhứt. Trong giờ phút lâm nguy đó, thuốc men trị bịnh đã bất chấp những điều ngăn cấm của cộng sản để vượt qua hàng rào kẽm gai ngăn cách những khu trại. Khá nhiều người mất sức vì kiết lỵ nhưng rất may mắn là không ai mất mạng, phải vĩnh viễn ra đi vì cơn bịnh ngặt nghèo đó.

Vì túng nên phải tính, trại xoay xở và công bố biện pháp "có lý, có tình", cho phép "trại viên[15]" viết thơ về gia đình yêu cầu gởi quà, mỗi gói hạn chế 5kg và 20 đồng bạc (lúc bấy giờ là tiền chánh phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam). Ðồng thời trại cũng tổ chức bán hàng tiêu dùng cho tù cải tạo qua hệ thống quày hàng mà họ gọi là "căn tin[16]". Dĩ nhiên là không phải chỉ có yêu cầu thực phẩm mà còn có thuốc men trị bịnh, đặc biệt là thuốc trị kiết lỵ mà thực tế đã gây ra một xúc động không nhỏ. Loại thực phẩm tù cải tạo xin gia đình nhiều nhứt là chất ngọt. Số lượng hàng căn tin bán chạy nhứt cũng là chất ngọt như đường táng và kẹo linh tinh, loại kẹo mà trước kia trẻ con cũng chê. Qua chế độ quày hàng này trại đã có cách để móc túi tù cải tạo, lợi dụng tình cảnh thiếu đói của họ. Thế nhưng, tính cách khai thác của họ càng thấy rõ hơn khi họ bán cả chiếu cá nhân, một mặt hàng lẽ ra trại phải phát cho tù cải tạo.

Bán thực phẩm cho tù cải tạo, trại giải quyết được phần nào khía cạnh bao tử của tù, còn vấn đề tâm trạng hoang mang bất ổn thì trại tìm cách giải quyết bằng cách đặt một chiếc máy thu hình ở sân tập hợp. Máy thu hình được đặt trong một cái chòi lá nhỏ, sát vòng rào kẽm gai phân chia khu tù với khu cán bộ. Hàng đêm, khán giả ngồi trên những chiếc ghế con, theo kiểu ngồi chồm chỗm, ngang dọc trên khắp sân tập hợp. Không có thứ tiêu khiển nào khác hơn, vả lại tù cải tạo cũng muốn biết tình hình sinh hoạt bên ngoài, nên những phiên xem truyền hình cũng khá đông. Thế nhưng, không phải là toàn diện vì có những người tuyệt đối dị ứng một cách máy móc với lượng thông tin cộng sản. Trái lại, một số người khác rất tích cực, cơm chiều vừa xong, khoảng 17 giờ họ đã mang chiếc ghế con làm bằng ba mảnh ván đặt vào hàng khán giả trên đầu để giữ chỗ tốt. Số khán thính giả lên đông cao độ vào thời gian của những bản tin, nhứt là tin quốc tế. Khi bước sang chương trình văn nghệ, một số đông lục tục rút lui, kéo nhau tụ năm tụ ba ở một nơi khác để suy luận và bàn rộng tán dài về những thông tin vừa thu lượm được. Tù cố gắng phân tích thời sự với hy vọng tìm ra một tia sáng nhỏ nhoi nào đó liên quan đến thân phận tù đày của chính mình, một tia sáng biết đâu sẽ tạo được một ngọn lửa như tia lửa ở chiếc hộp quẹt ga?

Chưa có được dịp để hy vọng thì cũng chính những chương trình truyền hình này đã đem lại những thông tin sản sinh ra niềm ngao ngán cho tập thể tù cải tạo. Qua truyền hình, tù cải tạo được biết rằng đã có quy định về việc cải tạo "ngụy quân, ngụy quyền", căn cứ trên chánh sách khoan hồng của chánh phủ lâm thời cộng hòa miền Nam, mà điều khó nuốt trôi là thời gian 3 năm. Như vậy, mức đến của tù cải tạo cứ xa lần và xa lần, như miếng mồi để dụ một con thú cho nó chạy mãi, chạy mãi đến tận cùng. Ngao ngán thì có ngao ngán, nhưng những điều dằn vật nhỏ nhặt nhưng thực tế hơn của sinh hoạt trước mắt trong nhà tù đang tác động quá mạnh khiến cho tù cải tạo không còn đủ sức để quan tâm đến những chuyện xa xôi nên đành tạm thời cho vào vùng lưu trữ thầm kín của tâm tư.

Cái đói ăn, sự thiếu thốn chất lượng dinh dưỡng đưa chiều hướng quan tâm của họ vào thời gian di chuyển của những gói quà gia đình mà họ đang trông chờ, sau khi thơ yêu cầu đã được trại chuyển đi, một thời gian được cho là phải lâu dài vì trước nay, thơ đi và tin đến giữa tù cải tạo và gia đình gần như phải mất hàng tháng trời. Thời gian trì trệ đó là một điều cố tình vì trại không muốn mối liên hệ giữa tù cải tạo và gia đình giữ được thời gian tính. Một phương thức để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, trên cơ sở của những thông tin qua thơ từ. Nhưng, lạ thay, thơ xin quà vừa mới gởi đi khoảng mươi ngày vậy mà những kiện quà đầu tiên đã tới trại rồi. Thì ra, khi "trại muốn" thì chẳng có gì ngăn cản được.

Sinh hoạt phát và nhận bưu kiện, bưu phẩm là một trường hợp vui mắt, vui lòng cho tù cải tạo. Nhờ vậy mà lo ngại và ưu tư của họ nằm yên trong một xó xỉn nào đó của tâm thức. Về mặt này, kể như trại đã đạt được mục đích và yêu cầu vì đã trấn an được để cho tù cải tạo khỏi gây những biến động bất lợi cho uy tín của trại. Ngày nào cũng như có một cuộc xổ số ở trại. Sáng ra, gần như toàn thể tù (ngoại trừ những toán "anh nuôi") đều tập trung quanh ống loa để nghe gọi tên sang khu cán bộ nhận bưu kiện mãi cho đến giờ tan việc buổi trưa. Và đến xế chiều, sau giờ ngủ trưa, họ lại lắng tai nghe loa để hy vọng nhận được số hên. Mỗi khi nghe gọi tên, người tù cải tạo đi ra cổng khu, đứng nghiêm, mũ cầm tay, cách xa chòi canh của bộ đội tối thiểu 6 bước và hô to:"Báo cáo bộ đội! Tôi đi nhận bưu phẩm". Hôm nào vui trong người thì người bộ đội đáp lại:"Anh ra". Ngày nào buồn thì chỉ một tiếng "ừ" cộc lốc, thậm chí có hôm tù còn bị sửa sai điều này, điều nọ, quần áo không chỉnh tề, tóc tai không hớt, đứng cách chòi canh quá xa hay quá gần,... Tù thì sơ hở lúc nào cũng có thừa, vả lại còn có một thái độ đố kỵ, phẫn nộ trước thực tế mà kết quả tù phải gánh chịu. Tù mà lại nhận quà nhiều hơn bộ đội cai tù là nghĩa lý gì? Ngày nào cũng phải huy động xe tải và ít ra là hai bộ đội để đi nhận bưu kiện ở bưu điện. Chỉ riêng cảm nghĩ phải phục vụ tù cũng làm cho mức độ bực tức của chàng bộ đội gia tăng, nói làm gì đến nội dung của những gói quà.

Gói quà đầu tiên của gia đình, sau gần 6 tháng dài xa cách, đem đến cho tù cải tạo một xúc động tâm lý khá mạnh, lấn át cả niềm vui tiếp nhận. Khi đã xác minh rằng bưu phẩm đúng của mình rồi, tù phải đích thân mở gói quà ra trước mặt bộ đội kiểm tra, đề phòng những món cấm kỵ, hoặc thơ từ ngoài quy định. Một gói đường, một cây kem đánh răng, một cục xà phòng,... thứ nào cũng mang một tâm tình nhắn gởi nào đó. Cả một quãng đời được xây dựng, giờ đây sụp đổ như một lâu đài bằng giấy! Ra đi bước vào vòng lao lý, chẳng để lại nhà cho vợ con được gì lại còn tan biến qua một trận đổi tiền hạn chế. Hôm nay đây, giá trị của gói quà phải là cả một sự thắt lưng buộc bụng quan trọng của gia đình. Vợ con phải hy sinh bao nhiêu để mua sắm cho mình ngần ấy trong gói bưu kiện? Cứ mỗi con khô cá sặt, mỗi gói muối tiêu, muối mè,... là mỗi lần tâm tư người tù cải tạo thêm xúc động, lòng bồi hồi, mắt cay cay, mũi hăng nồng. Thực tế trước mắt nhắc cho người tù cái cảnh bi đát của chính mình vì trước kia những thứ đó chẳng là gì hết đối với họ và biết đâu rồi đây sẽ gây ra những thiếu hụt trong gia đình vì phải dồn cho chồng, cho cha trong tù. Chút gì trong gói bưu kiện cũng được trân trọng, từng khoanh dây thun, từng mảnh giấy vở học trò mang giòng chữ nguệch ngoạc của con thơ những ngày mới tập viết, từng miếng giấy xi măng gói quà,... đều được tù thu hết đem về để ngắm nhìn cho vơi nỗi lòng hoài niệm. Thậm chí có anh đem giấy gói bưu kiện lót dưới chiếu nằm, vừa gián tiếp ôm ấp chút tình cảm gia đình, vừa ngăn được cái lạnh của nền đất.

 

ß

 

Tiếp tế của gia đình đã phần nào cho tù cải tạo có được chút yên tâm về hoàn cảnh của gia đình ở ngoài xã hội và làm vơi đi đôi chút nỗi thiếu ăn của cá nhân mình trong tù. Trong những gói quà thường có những lá thơ kèm theo, dĩ nhiên là những "bài làm văn" nặng tính bình phong, khuyên bảo chồng, cha nên "yên tâm và tin tưởng để học tập tốt", để làm đẹp lòng người cán bộ kiểm duyệt thơ nhiều hơn là để cung cấp tin tức. Thế nhưng, những gì quan trọng và thiết thực gia đình muốn thông báo cho tù cải tạo thì được ghi ở một chỗ nào khác trong gói quà, chỉ có tù và gia đình liên hệ biết được thôi. Thơ đi, tin lại giữa tù và gia đình phải qua một kỷ thuật mã hóa thông tin. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân để cho tù cải tạo gom nhặt thật kỹ tất cả những mẩu giấy gói quà trong bưu kiện. Lần hồi, trại cũng phát hiện được nên tịch thu tất cả giấy gói quà. Thế nhưng, muốn sống trọn vẹn trong tù thì mắt nhìn phải thật nhạy bén và tay chân phải lanh lẹ.

Thực phẩm bổ túc trong những bưu kiện, tuy không hoàn toàn giải quyết được nạn đói nhưng cũng làm giảm thiểu được phần nào. Một ít chất ngọt, một vài muỗng cám rang trộn đường, một vài muỗng bột dinh dưỡng cũng vỗ về được bao tử trong một khoảng thời gian nào đó để chờ hai bữa ăn chính. Thế là những chiến dịch xông khói bắt chuột, thòng lọng câu kỳ nhông và hứng nước vo gạo để "chế biến B1" đã chấm dứt, tạo điều kiện cho tù có được ngày rộng tháng dài mà suy tính nọ kia.

Trong tinh thần "phú quý sinh lễ nghĩa" và nhờ bớt bị nạn thiếu ăn giày vò, tù cải tạo lại bắt đầu nhớ đến nếp sống truyền thống của mình bên ngoài xã hội trước kia khi những ngày lạnh cuối năm dẫn đến lễ Giáng Sinh. Chịu ảnh hưởng nếp sống Tây phương, lần hồi xã hội Việt Nam đã xem ngày lễ này như một ngày vui của quần chúng chớ không còn mang nặng tính cách thuần túy tôn giáo. Thế nhưng, giờ đây trong nhà tù cộng sản, một chủ nghĩa không chấp nhận tôn giáo, nhứt là Thiên Chúa giáo, thì phải xử sự như thế nào đây khi mà những trường hợp tụ tập đông người đều bị ngăn cấm. Trong số tù cải tạo cấp đại tá, có hai linh mục tuyên úy, một đã giải ngũ, một còn tại chức. Hai ông này dĩ nhiên là mục tiêu dược theo dõi ráo riết những ngày cận lễ. Thế nhưng, biết rõ thân phận và tầm mức "quan trọng" của chính mình, hai ông cứ thản nhiên trầm tư mặc tưởng, sinh hoạt như những người tù khác trong trại. Do đó, không ai dám khơi mào chuyện tổ chức thánh lễ nửa đêm và cũng không ai biết được là có sự kiện đó hay không. Tuy nhiên, nếu để ý một chút người ta sẽ thấy rằng trong ngày 24 tháng 12 năm 1976 có những cặp tù cải tạo gặp nhau to nhỏ trong một giây lúc rồi bỏ đi, gây từng cặp từng cặp đối thoại khác, như những con kiến trao đổi thông tin với nhau trên tuyến dài di chuyển. Sinh hoạt trao đổi thông tin đó rất năng nổ và tích cực trong suốt ngày hôm đó.

Sau bữa ăn chiều ngày 24, nhiều người tắm rửa và quần áo chỉnh tề rồi lửng thửng dạo chơi trong sân trại như thường lệ. Sân tập hợp cũng đã có những hàng ghế con chờ giờ truyền hình buổi tối. Khi một số khán thính giả chăm chú theo dõi diễn biến của chương trình thì một số khác, như đã hẹn hò, kéo nhau đi về phía sau khu nhà ở. Họ họp thành hai nhóm đứng vòng tròn, mỗi nhóm với một linh mục tuyên úy, như đang kể chuyện cho nhau nghe, nếu như cán bộ trại bắt gặp. Tham dự buổi lễ ngoài trời đó có những người Ky Tô giáo lẫn người ngoại đạo. Trong khó khăn và đau khổ, những người tin tưởng ở Thượng Ðế muốn có một cơ hội để dâng lời nguyện cầu của mình lên cõi cao xa với hy vọng là thân phận mình sớm được sáng sủa. Năm đó, do một sự trùng hợp không sao giải thích được, thời tiết của những ngày cuối năm lạnh hơn mọi năm khá nhiều. Có thể cảm giác lạnh đó mang tính cách chủ quan, nhưng cái lạnh này đã làm cho lễ tôn giáo kỷ niệm Giáng Sinh đầu tiên trong chốn lao tù thêm phần ý nghĩa. Lời kinh của linh mục tuyên úy như thì thầm trên một nền nhạc thánh ca tưởng tượng trong tâm tư của những người tham dự để cho "Ðêm đông lạnh lẽo, Chúa sinh ra đời..." càng được cảm nhận một cách gần với thực tế.

Lễ mi sa mừng Chúa Giáng Sinh đầu tiên trong cảnh tù đày đó đã diễn ra một cách tốt đẹp, không bị "Tây bố" mà cũng không bị "Việt cộng ném lựu đạn" phá đám. Có lẽ trại chưa có hệ thống tình báo hữu hiệu và họ tin tưởng ở sức hấp dẫn của chiếc máy thu hình đặt ở sân tập hợp. Lễ tan trước giờ chấm dứt của chương trình truyền hình nên không nằm vào khoảng thời gian cán bộ trại đi tuần tra. Lúc mới đặt máy thu hình, mỗi khi tù cải tạo đang theo dõi chương trình thì thỉnh thoảng có cán bộ trại ăn mặc thường phục lẫn lộn vào đám đông khán thính giả để thăm dò phản ứng của tù đối với những thông tin chiếu trên máy. Những nhận thức lệch lạc, không đúng với tiêu chuẩn của trại hay có tính cách chống đối hoặc châm biếm và mỉa mai chế độ đều được làm đề tài để "lên lớp" tù cải tạo nhân một phiên sinh hoạt nào gần đó. Một cách phê bình chung chung gián tiếp cho tù biết rằng cán bộ thấu hiểu tâm tư tình cảm của đối tượng và do đó tù phải đề cao cảnh giác. Tuổi tác cán bộ "lên lớp" tù cải tạo tròm trèm tuổi con cái của một số tù, thế mà lối ăn nói của cán bộ cứ như kẻ trên trước nói xuống:"Các anh đừng có đóng kịch, bên ngoài giả vờ vâng dạ, hoan hô chế độ mà trong lòng lại đả kích, phản động và có ý đồ phục thù giai cấp. Các anh đừng tưởng rằng chúng tôi không nắm được các anh. Ðảng cộng sản là một đảng có tính khoa học, là người tổ chức mọi cuộc thắng lợi, cho nên phẩm chất kiệt xuất của Ðảng đã làm cho Ðảng trở thành vô địch. Nhờ vậy mà lệch lạc nào của các anh chúng tôi cũng biết được hết. Chúng tôi không đi vào chi tiết, thế nhưng có người, có lúc, có nơi có vấn đề thiếu tính cách xây dựng và không tiến bộ thì các anh phải tự biết lấy mà sửa sai". Một lối răn đe, dè chừng để hối thúc kẻ nhát gan thò mặt ra, theo kiểu lạy ông, tôi ở bụi này, một cung cách tìm người tự thú rẻ tiền.

Tuy nhiên, khi cán bộ bật mí kiểu đó tù cải tạo thấy cần phải đề cao cảnh giác vì như vậy họ cũng có phần nào xâm nhập vào hàng ngũ tù. Thế nhưng sai quấy chưa đến đổi trầm trọng nên họ không đi vào chi tiết của từng trường hợp cụ thể để có những biện pháp mạnh và gay gắt. Nét chính của ban chỉ huy trại Tam Hiệp là giữ tù cải tạo cho vén khéo, đừng ai trốn trại, đừng có một biến cố nào làm xáo trộn nếp sống của trại trong khi chờ đợi một quyết định nào đó của trên. Với tuổi đời và với kinh nghiệm sống, tập thể tù cải tạo muốn được yên thân, không muốn để cho những chàng cán bộ, đáng tuổi con cháu mình, đưa ra những tiếng bấc, tiếng chì quấy rầy thính giác, dù rằng tù cải tạo thường chủ trương để cho những gì cán bộ cộng sản nói lãnh cái số phận "nước gạo tắm cho voi". Hai ý hướng tương tự gặp nhau cho nên nếp sống gọi là "học tập cải tạo" ở trại này rất bình thản đến độ lừng khừng.

Tù ăn rồi chờ, không biết chờ gì, lửng thửng lang thang trong sân trại như những con gà đi tìm hột thóc, hột gạo trên một sân tráng xi măng của một nông gia giàu có. Sân đẹp nhưng được quét dọn quá kỹ nên chẳng có tí gạo tí thóc nào rơi rớt lại nên lũ gà đành ngơ ngác, thẫn thờ. Nhìn gần thì buồn chán, vì tầm mắt hướng vào đâu cũng chỉ là kẽm gai, tù cải tạo thả mắt nhìn xa hơn và xa hơn để tìm những quang cảnh rộng mở hơn. Khu trại nằm trên mỏm đồi con nên cảnh trí thoải mái chạy dài theo dốc xuống, nơi thấp nhứt là tỉnh lộ nối liền Biên Hòa với Ðà Lạt. Xa hơn nữa, ở con đồi đối diện có lẽ là phi trường quân sự, thỉnh thoảng thấy có một vài chiếc máy bay lên xuống. Xế xế về phía mặt của trại là Hố Nai, một khu có khá nhiều thánh đường, biểu tượng của nhiều giáo khu từ Bắc vào Nam năm 1954. Chuyển trại về đây được vài ba tháng gì đó, một hôm tù cải tạo nhìn thấy trên tỉnh lộ kia nhiều đoàn người đi tới đi lui, ngang qua khu trại. Từ điểm đứng nhìn đến tỉnh lộ có lẽ cũng tròm trèm một cây số ngàn nên không thấy rõ mặt người, nhưng qua dáng điệu và y phục - quần đen, áo bà ba màu không sặc sở và nón lá - thì hẳn là phụ nữ. Những đoàn người đó ngày nào cũng đi tới đi lui trong buổi ban mai từ lúc trời chưa nắng gắt đến độ gần trưa thì dứt, buổi chiều thì không thấy. Nhìn được nếp sống bên ngoài như vậy nỗi lòng của những con người bị rào kẽm bao vây cũng thấy thanh thoát phần nào, tưởng chừng như mình đang ở ngoài kia. Thân xác bị gò bó nhưng tâm tư còn vượt thoát là còn cảm nhận được một chút nào của không gian tự do. Nhưng điều đáng buồn là chỉ một chút nào đó thôi mà vẫn không với tới được! Cung cách xuất hiện và xê dịch của những người phụ nữ đó làm cho tù cải tạo thắc mắc mãi và cũng là đề tài cho dư luận xôn xao. Cho đến khi tù nhận được thơ nhà, gởi qua bưu phẩm mới vỡ lẽ ra. Một trong những bức thơ như vậy viết đại để:

 

"... Hôm đó, em và các con có đi thăm Chú Tư ở Long Biên. Xe đò dạo này đông khách quá mà chiếc cầu ọp ẹp ở gần quán Bà Ba Hiệp không chịu nổi nên hành khách phải xuống đi bộ, rã cả chân. Ðến nơi, không gặp được Chú Tư nên các con cũng buồn mà em thì cũng chẳng vui gì! ..."[17]

 

Qua những thông tin kín đáo như vậy, tù cải tạo ngầm hiểu rằng gia đình biết được địa điểm giam cầm họ nên đã lặn lội tìm đến, nhưng chắc là trại không chấp thuận cho thăm gặp. Ðiều hiểu biết đó tuy không giải quyết được gì nhưng cũng an ủi được những người tù và cũng là một cơ hội để khêu gợi lòng cảm phục của những ông chồng, những người cha khi biết vợ con mình đã bằng mọi cách tìm hiểu cho kỳ được những diễn biến kể như là mật kín của tù cải tạo. Trước kia, cộng sản được lợi thế là dựa vào điều mà họ gọi là "tình báo nhân dân", nhưng giờ đây những người phụ nữ miền Nam đã có được một hệ thống tin tức khá chính xác.

Sự hiện diện của những đoàn người phụ nữ và trẻ em đó càng ngày càng đông giống như cảnh đường cái quan thôn dã những ngày cận Tết. Vào những ngày gần cuối năm âm lịch, sau ngày đưa Ông Táo, trên quãng đường chạy ngang qua trước cổng trại người qua kẻ lại càng rộn rịp hơn, với những bộ quần áo trẻ con nhiều màu sắc rực rỡ. Có lẽ những thân nhân của tù cải tạo hy vọng rằng những ngày cận Tết trại sẽ dễ dãi hơn và như vậy họ có thể được thăm gặp. Hình ảnh đó đem lại một ít niềm vui trong lòng tù cải tạo vì ai cũng nghĩ rằng ngoài đó có vợ con mình. Xa cách trên thực tế mà gần gũi trong tâm tư.

Vào ba ngày Tết, cảnh tượng kẻ qua người lại kia không còn nữa, nhưng thay vào đó là ở lưng chừng đồi con bên kia đường có một mái nhà tranh bé nhỏ lại nhắc nhở tù cải tạo một khung cảnh gia đình trong ngày Nguyên Ðán. Một gian nhà bé nhỏ thô sơ, trơ trọi giữa đồng mà ngoài sân có một vài chiếc áo màu trẻ con chạy nhảy tung tăng dưới nắng, những chiếc áo màu làm tươi hẳn quang cảnh u buồn của môi trường. Cảnh tượng mừng xuân đón Tết của thiên hạ ngoài xã hội đã làm nhói tim của những con người bên trong những hàng rào kẽm gai. Ðêm hôm trước, vào giờ giao thừa, chuông các thánh đường khu Hố Nai đã ngân vang và sau đó là điệu nhạc mừng xuân xưa cũ lại vang lên qua hệ thống phóng thanh của xóm đạo. Trong đêm đen của nhà tù, không biết bao nhiêu nỗi lòng đang thổn thức vì cái Tết đầu tiên trong tù và lời ca nét nhạc kia lại làm tăng cao cường độ! Bản nhạc "Ly Rượu Mừng" của Phạm Ðình Chương lôi tù cải tạo trở lại những ngày dĩ vãng, vừa mới đó đã xa xôi. Nhưng, sự kiện người ta cho hát to lên một bài hát như vậy trong thời điểm đó làm cho tù cải tạo ngạc nhiên rất nhiều và tự hỏi tại sao xóm đạo lại còn sử dụng được sản phẩm văn hóa mà cộng sản cho là "nhạc vàng", "đồi trụy"? Dẫu cho lời ca không chống chế độ, nhưng bản nhạc kia đã được ra đời dưới thời kỳ không phải của chế độ. Có thể xóm đạo, đã lợi dụng thời kỳ tranh tối tranh sáng, liều lĩnh làm một chuyện bất ngờ, nếu bị phê phán thì cũng đã xong. Không biết có chủ quan hay không nhưng tập thể tù cải tạo nghĩ rằng xóm đạo đã tặng họ "ly rượu mừng" kia, nhân dịp năm hết, Tết về vì âm thanh được hướng về phía trại một cách rõ rệt. Trong ngày đầu năm âm lịch, trại đã cung cấp cho tù cải tạo mấy bữa ăn đặc biệt, ăn không thấy thiếu, ăn rồi không mơ tưởng đến bữa ăn kế tiếp. Thế nhưng, vào giai đoạn tù đã được gia đình tiếp tế, vấn đề thiếu ăn không còn quan trọng nữa.

 

ß

 

"Ðặc ân" của trại trong chuyện cho phép tù cải tạo nhận quà gia đình tuy có ưu điểm nhưng cũng làm nổi bật những khuyết điểm. Lượng người nhận được quà và thơ của gia đình kể như số đông, nhưng cũng không sao tránh được tình trạng một số ít người không nhận được gì hết vì đã mất liên lạc với gia đình bởi một lý do nào đó, xuất phát từ những xáo trộn của tình hình đất nước. Không nhận được gì hết của gia đình tất nhiên phải đâm ra hoang mang và buồn tủi trước niềm vui của bạn bè, dẫu cho niềm vui kia cũng được san sẻ phần nào trong tinh thần tương trợ của những người cùng cảnh ngộ. Thế nhưng, trong khu B của trại có hai người bất chấp điều đó, một thái độ bất chấp không nói lên cung cách bất cần đời của họ mà lại tố giác một sự vụng về ngoan cố của cộng sản. Hai người này lẽ ra phải là những kẻ có quyền thụ hưởng qua cuộc thay đổi mang tính lịch sử của miền Nam Việt Nam. Họ là những con người "vô sản", theo đúng nghĩa đen của từ này.

Người thứ nhứt, danh tánh chánh thức không ai biết - kể cả cán bộ trại - nhưng thường phản ứng khi được gọi là Huệ. Phản ứng như vậy không có nghĩa là anh tên Huệ vì khi được hỏi một cách chính xác thì anh chỉ mỉm cười mà không trả lời thẳng vào vấn đề. Bảy ngày trong tuần và 24 giờ trong ngày, anh chẳng nói một lời nào hết nhưng như vậy không phải vì anh câm vì những lúc cán bộ trại truy hỏi thật gắt gao thì anh cũng trả lời một đôi tiếng "có" hoặc "không" mà thôi. Anh thường hành động bất ngờ chớ không thưa trước, không có lời nói đi kèm và cũng không cần phải giải thích lôi thôi sau khi đã hành động. Diện mạo của anh trông rất thẩn thờ, đôi mắt ngơ ngác, giống như những người thính giác kém, ít tiếp nhận được tiếng động bên ngoài nên lúc nào cũng phản ứng chậm đi một nhịp. Của cải vật chất của anh thật gọn nhẹ vì chỉ vỏn vẹn những gì do trại phát. Với một bộ đồ bà ba có sọc trắng quái gở, một loại thời trang của tù cải tạo, anh "ăn diện" quanh năm, suốt tháng, lúc nóng cũng như khi lạnh. Tài sản riêng tư của anh có lẽ là chiếc nón vải kiểu nón hướng đạo, chẳng biết sắm được trong tình huống như thế nào, luôn luôn như ngồi xổm trên đỉnh đầu vì chiếc nón hơi bé. Nếu có một người tù cải tạo nào gan dạ, khinh thường cán bộ cộng sản và nhứt quyết không khai báo một chi tiết nào với cộng sản thì người đó phải là anh Huệ. Thực vậy, nội quy, quy định gì của trại hay bất cứ chỉ thị gì của cán bộ anh cũng bất chấp. Nhưng, không vì vậy mà anh có những hành động xằng bậy, sai quấy. Anh cứ xử sự như đa số. Ðối với tập thể anh không có gì để cho họ buồn lòng, phật ý. Trái lại tập thể rất thương mến anh, chỉ có mỗi một điều tập thể không hài lòng ở anh là không thấy anh tắm bao giờ hết!

Những người bị phường đội bắt cùng một lúc với anh mới hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện của anh. Một câu chuyện lần hồi được thêm thắt tình tiết nên biến thành một đề tài tiếu lâm, khôi hài trong bối cảnh đau thương của đời tù cải tạo. Căn bịnh tâm thần của anh Huệ thuộc về khía cạnh hoang tưởng theo chiều hướng anh hùng hóa bản thân, có thể đã trở nên trầm trọng hơn khi cộng sản vào thành cho loa phóng thanh ngày đêm ra rả luận điệu "nhân dân ta anh hùng", trẻ em nào cũng là một Thánh Giống. Cho nên, khi bị phường đội chận bắt ngoài đường phố anh tự xưng là "trung tướng Nguyễn Huệ, tư lịnh sư đoàn 23B. Một sĩ quan cấp tướng không hiện diện trong hàng ngũ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và một đơn vị không có trên bảng trận liệt miền Nam. Thà bắt lầm hơn tha lầm, đơn vị bộ đội kia đã bắt anh về để lập thành tích càn quét "bọn âm mưu chống đối, phản cách mạng và phục thù giai cấp". Ðược cho vào diện "ngụy quân", anh Huệ bị đưa đi học tập cải tạo nên hôm nay mới có mặt nơi đây.

Nhân vật thứ hai, càng tệ hơn anh Huệ, chẳng biết danh tánh là gì hết, thường được cán bộ trại gọi một cách chung chung là "anh kia". Theo dư luận được coi như đầy đủ thông tin thì anh này là con người của phố phường, cái ăn, cái mặc đều nhờ ở lòng nhân ái của bá tánh, của khách qua đường. Không cố tình làm khách lãng du, lấy bốn biển năm châu làm nhà, nhưng anh cứ rày đây mai đó, nơi nào anh cũng sống được, không thấy gia đình nào nhìn anh mà anh cũng chẳng có ai là thân tình quyến thuộc. Cũng như anh Huệ, không phải là người mất khả năng ngôn ngữ nhưng không có khi nào ai nghe anh nói một lời gì, chỉ mỉm cười thay lời đáp lại. Dẫu thuộc dạng người thiếu vắng tâm trí, anh rất hiền lành, không khuấy phá, chỉ ăn, ngủ rồi lang thang dạo chơi. Vóc người anh rất tròn trịa, béo tốt, chớ không gầy ốm và khô cằn như anh Huệ, do đó dường như có nhiều nhiệt lượng trong người nên ít khi thấy anh mặc nguyên bộ quần áo của trại phát mà lúc nào cũng chỉ độc nhứt chiếc quần đùi trong mọi thời tiết. Trường hợp anh bị đưa đi tập trung học tập cải tạo phản ảnh đúng câu nói dân gian "ách giữa đàng mang quàng vào cổ". Số là ngày cộng sản vào thành phố Sài Gòn, đường phố thủ đô đầy dẫy những quần áo trận bị bỏ chất đống ngoài những lối đi vì hết nhiệm vụ. Anh lượm mặc vào, không để ý là trên quân phục đó còn có phù hiệu và cấp bực đã thêu sẵn. Thấy hiện tượng cứ cho là bản chất, cộng sản liệt anh vào diện sĩ quan Sài Gòn giả ngơ, giả dại, đóng kịch, trá hình nên cứ cho vào trại tập trung, hạ hồi phân giải. Phải chăng vì vậy mà anh này đâm ra dị ứng với quần áo đủ bộ?

"Ðồng nát lại về Cầu Nôm" nên người ta thường thấy anh Huệ và "anh kia" đi chung với nhau, lúc nào cũng như hình với bóng. Ðiểm đặc biệt là hai anh này sinh hoạt rất bình thường, làm những gì người khác làm nên trại cũng không phải có lối xử sự gì dành riêng cho họ. Người ta có cảm tưởng hai anh sống còn thoải mái hơn những ngày ở ngoài xã hội. Họ không phải mất công xuôi ngược phố phường để kêu gọi và nhờ vả vào lòng từ thiện của những ông đi qua và các bà đi lại. Ở trại họ đã được Ðảng và Nhà Nước lo đầy đủ cơm ăn, áo mặc và chiếu mùng để ngủ. Vả lại, họ không bị những điều lệ của trại hay chỉ thị của cán bộ chi phối vì con người của họ chỉ có một nửa, thân xác ở trong trại nhưng tâm trí đã thiếu vắng từ thuở nào. Nhận thức từ một lập trường khách quan thì có lẽ thân phận của hai anh này đã nói lên một điều mâu thuẫn là cộng sản về thành lại đem "vô sản" nhốt vào tù. Hay thực tế hơn thì những con người cộng sản đã quá thiển cận vì hay đa nghi, không còn phân biệt điều hư lẽ thực của đối tượng. Nhận thức của họ chỉ thuần túy nhị nguyên giữa ta và địch, không phải ta thì là địch chớ không còn gì khác. Ðã thiển cận, lại còn ngoan cố, không chịu thấy chỗ sai quấy của mình nên "trung tướng Nguyễn Huệ" đã phải bị đưa ra miền Bắc học tập cải tạo để rồi hơn 12 năm sau mới được tha về cùng một lúc với những tướng tá của Sài Gòn! Về phần "anh kia" thì không nghe ai nói đã đi về đâu.

 

ß

 

Bối cảnh chờ bưu kiện lâu dài quá cũng hóa nhàm và tù cải tạo không thấy được người ta sẽ dành cho mình một cái bất ngờ nào đây. Thông tin về một thời hạn học tập cải tạo ba năm đã được loan báo trên các phương tiện truyền thông, nằm trong cái gọi là "chính sách khoan hồng" của chánh phủ lâm thời cộng hòa miền Nam, báo trước một điều chẳng lành. Thế nhưng, phương thức tiến hành cụ thể sẽ như thế nào thì không ai đoán được khi mà cung cách sinh hoạt không mang dáng dấp gì của chủ trương đó hết. Quanh đi quẩn lại mà thời gian qua đã gần một năm. Trong khi chờ đợi không đối tượng như vậy, tù cải tạo giống như tuổi bé thơ lầm lỗi khi người lớn vắng mặt. Một thứ lỗi lầm không sao ém nhẹm được nên muốn sớm gặp người lớn để được dứt khoát với sự trừng phạt dành cho mình.

Bỗng nhiên, có một hôm, khi phát lương thực và thực phẩm để nấu ăn cho ngày hôm sau, hậu cần của trại cân đong đo đếm thế nào mà số lượng nhận về nhiều gấp đôi, dẫu rằng không có ngày lễ lớn. Những người phụ trách nghĩ rằng hậu cần đã lầm lẫn, nhưng khi đối chiếu với những nơi khác thì đều như nhau. Hiện tượng có vẻ bất thường nhưng cụ thể thì không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Những nhóm săn tin thông thạo nhứt cũng chào thua. Mấy ngày trước đó, mỗi người tù cải tạo được cấp phát một bộ quân phục tác chiến ngụy trang trước kia của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra, trại cũng phát mền mùng cho những ai có mền mùng hư rách. Tối đến sinh hoạt cũng bình thường, chương trình truyền hình cũng như thường lệ rồi cũng kẻng ngủ như hằng đêm. Thế nhưng, khoảng một giờ sau thì có tiếng còi vang lên trong bóng đêm và tiếng cán bộ gọi tất cả tù cải tạo khu B tập hợp. Hàng ngũ vừa ổn định thì một cán bộ đọc lên một danh sách và những người được gọi phải đứng qua một bên. Sau đó, nhóm người này vào nhà ở "chuẩn bị tư trang, nhanh và gọn nhẹ. Những gì bằng sắt không được mang theo". Một lần nữa, những người bạn tù vừa quen biết nhau, vừa bắt đầu kết tình thân thiết lại tay bắt, mặt buồn từ giả nhau mà không thể hứa hẹn ngày tái ngộ.

Tuy là nếp sống tù tội, thế nhưng qua thu lượm tài sản cứ tăng lên sau mỗi lần sinh sống ở trại mới vì kinh nghiệm dạy rằng phải chuẩn bị cho nếp sống ở đầu bên kia của lần chuyển trại. Khi trình diện học tập cải tạo, thông cáo của ủy ban quân quản thành phố cho biết là "ăn uống đã có nhà thầu cung cấp" cho nên khi đến trại Long Giao, trại đầu tiên, có người không có dụng cụ để ăn uống. May mà nơi đó còn có những dụng cụ quân nhu của đơn vị cũ bỏ lại. Hơn nữa, trải qua một cuộc đổi đời dâu bể, có nhiều người, đã trắng tay sau khi cộng sản vào chiếm nhà ở cư xá quân đội, như chừng mang lấy một mặc cảm thiếu thốn cần được bù trừ nên sanh ra một thói tật mệnh danh là "săn nhặt" hay "ve chai". Nghĩa là hay thu lượm những gì họ thấy có thể hữu dụng. Do đó, mặc dầu trại đã chỉ thị tư trang gọn nhẹ nhưng nhiều người phải lúng túng, không nỡ bỏ cái này, không đành để lại món kia. Bõ đi thì khi đến trại mới chính vật đó là cần thiết, thế mới tai hại. Vì sợ phải bực tức trong tương lai, vì hối tiếc công khó tìm kiếm, lượm lặt trong quá khứ nên trước giờ phút lên đường chuyển trại người tù thường có những nỗi khổ tâm không đâu. Tầm quan trọng của mỗi đồ vật tùy thuộc vào tình thế hiện thực của người chiếm hữu nó mà thôi.

Tiếng còi tu huýt nổi lên lần nữa và những người đã được gọi tên, tay xách tay mang đem hành trang ra tập hợp ở sân. Những người chưa được gọi chỉ được phép xách hộ hành trang cho bạn bè ra sân rồi phải trở vào nhà ngay. Những người ra đi được tổ chức lại từng nhóm với số lượng vừa đủ cho một xe tải. Thế rồi, từng nhóm, từng nhóm họ đi ra phía ngoài vòng rào kẽm gai. Những người ở lại, trên nguyên tắc là phải tắt đèn đi ngủ vì đã quá khuya, nhưng cứ thao thức mãi thâu đêm. Thao thức vì bạn bè và trằn trọc vì thân phận của chính mình trong nay mai đây. Với một tập thể đông đảo cùng chung số phận thì nỗi lo âu dường như được chia sẻ nên cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Nhưng, khi đám dông bị chia năm xẻ bảy, bị cắt xén thì sự lo ngại như tăng đôi, nhơn ba. Hơn nữa, những gì cần biết liên hệ đến thân phận tù đày chưa được giải quyết, còn bị xếp xó thì giờ đây những thắc mắc mới lại xuất hiện. Tâm tư chưa kịp ổn định thì đã phải tiếp nhận những dữ kiện mới. Toàn là những điều bất ngờ khó chịu mà hướng đi của nó không thể dẫn đến một lối thoát, dẫu nhỏ bé, cho sự mong ước của tù cải tạo.

Sáng hôm sau, những người còn ở lại thức dậy với một nỗi ngỡ ngàng trước việc hàng ngũ của mình bị thiếu vắng kẻ này, người nọ. Kiểm điểm lại nhơn sự thì đã ra đi khoảng một nửa. Rồi đây, chắc phải sắp xếp lại qua biên chế đội ngũ. Lương thực, thực phẩm lãnh về hôm trước nay vẫn dư thừa nằm đó, như chừng những ngày thiếu đói vừa qua là chuyện bịa đặt và không tưởng, là hiện tượng của dĩ vãng xa xưa. Con đường cạnh bộ chỉ huy trại, bên kia rào kẽm gai, đầy dẫy những gì bị bỏ lại sau cuộc kiểm tra đêm qua, trước khi tù cải tạo bị đưa lên xe tải chở đi. Những lon nhôm củ hiệu sữa bột Guigoz, những vỏ thiếc của thức ăn đóng hộp được dùng làm tô chén ăn cơm, những giấy gói và giấy báo được tích trữ qua các lần nhận bưu phẩm gia đình gởi đến, những thứ vặt vãnh chẳng đáng gì, nhưng là cả một phần tâm tư tình cảm của những con người đang góp nhặt để làm lại cuộc đời từ số không. Cái ngày sau biến cố rồi cũng qua đi với nỗi tâm tư gần như trống không ở những người còn lại. Cán bộ trại cũng chẳng buồn ngó ngàng đến khu ở của tù và việc biên chế lại cũng không thấy diễn ra, theo "lô gíc" của trại tù, một sự kiện lẽ ra phải có sau mỗi lần có nhiều người chuyển trại. Trại tù hôm nay là một thực tế nhưng hai hoàn cảnh chia cắt bằng mấy lớp rào kẽm gai. Phía khu cán bộ thì im lìm, phía nhà ở của tù thì trầm lặng với những con người lang thang, trầm tư mặc tưởng, khu này thăm hỏi khu kia để tìm hiểu về biến cố đêm qua. Kẻng báo hiệu giờ giấc sinh hoạt cũng không buồn lên tiếng và vào buổi chiều chương trình chiếu hình hàng đêm cũng mất đi phần hấp dẫn. Tình cảnh này nếu cứ thế kéo dài chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến tinh thần của nhóm tù còn lại. Thế nhưng, sự kiện đó chưa kịp đến thì đoàn người còn lại cũng phải khăn gói lên đường.

Về đâu đây, về đâu đây, khi đã bước xuống nửa từng địa ngục? Nỗi khổ tâm của những người tù là ra đi mà lòng cứ hoang mang về nơi đến. Những người con của đất nước Do Thái, mắc nạn ở Ai Cập, khi rời khỏi nơi này hay những người di tản mới đây còn biết được nơi sắp đến nên dù có trăm cay ngàn đắng cũng cam tâm chịu đựng để đến được vùng sáng rực ở chân mây, cuối trời. Những người tù cải tạo thì chỉ có rời một nơi đen tối để đi đến một miền tối đen hơn mà thôi!

------------------------

Ghi chú :

[14] Faut-il nous quitter sans espoir, sans espoir de retour. Ce n'est qu'un au revoir, mes frères, ce n'est qu'un au revoir.

[15] Cộng sản rất kỵ tên gọi "tù cải tạo"

[16] Ðiểm đáng chú ý là quy định của các trại tù cải tạo cấm tù sử dụng tiếng nước ngoài. Thế nhưng, cộng sản vẫn còn có rất nhiều từ dựa theo tiếng Pháp.

[17] Ðây là trích đoạn mã hóa của thơ. Chú Tư: người nhận thơ; Long Biên: tên gọi ám chỉ Biên Hòa; Bà Ba Hiệp: Tam Hiệp.

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)
 
Tác phẩm :

Thay Lời Tựa : Như nẻo đường rừng.

1. Sài Gòn : Những ngày trăn trở.

2. Long Giao : Một bước đổi đời.

3. Tam Hiệp : Nửa từng địa ngục.

4. Hoàng Liên Sơn : Núi rừng trùng điệp.

5. Hà Tây : Trong gọng kềm công an.

6. Nam Hà : Ai cải tạo ai ?

7. Thành phố Hồ Chí Minh : Một thuở sắc không.

8. Paris - Chelles : Ta lắng nghe ta.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.