.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

 Phan Quân

Chuyện thời cải tạo

Nỗi Buồn Côi Cút
7. Thành phố Hồ Chí Minh : Một thuở sắc không.

  • Phù Sa - 24.05.2006

K

hác với những chuyến ra trại trước kia, lần này, thay vì khởi hành từ Hà Nội, đoàn người vừa được tự do phải lên xe lửa tại ga Nam Ðịnh vì lúc bấy giờ thủ đô đang trải qua một giai đoạn căng thẳng gì đó của Trung Ương Ðảng. Sự hiện diện của khoảng trên một trăm tù cải tạo vừa được tự do làm nặng thêm những âu lo về an ninh. Trước khi những người mới được tự do lên xe rời trại, đích thân cán bộ trại trưởng thông báo:"Khi về đến thành phố Hồ Chí Minh, các anh sẽ được xe ca của Mặt Trận Tổ Quốc đón tại nhà ga". Lại một trường hợp đặc biệt, nhưng càng đặc biệt hơn nữa là giấy ra trại của những người về thành phố đều bị cán bộ tháp tùng thu lại. Một thắc mắc không nhỏ. Lại một trường hợp ăn gian nói dối nữa chăng? Biết đâu giữa đường xuôi Nam, những người vừa chập chững với tự do xã hội chủ nghĩa lại được đưa vào một trại khác để học tập làm người tự do? Tuy nhiên, còn một chút yếu tố để yên tâm là giấy ra trại của những ai về các tỉnh dọc tuyến đường sắt như Huế, Ðà Nẳng, Nha Trang,... thì không bị thu lại.

Ðoàn xe vừa vào ga Nam Ðịnh, mặc dầu đã có công an cơ sở đến tăng cường nhưng khi vừa bước xuống xe là đã có một anh bị mất bóp và giấy tờ. Nhưng, không bao lâu sau đó, thủ phạm đã bị bắt. Mười mấy năm xa lạ với tự do, đoàn người vừa bước qua ngưỡng cửa tự do để chạm trán với đời thường chẳng khác nào như một đàn gà công nghiệp sút chuồng, tưởng mình được miễn nhiễm với các thủ đoạn của xã hội bon chen, dù là xã hội xã hội chủ nghĩa. Thế là những con gà ngơ ngác kia lang thang đây đó trên các con đường nhỏ bé, bụi bậm của thị xã, dọ dẫm làm quen với chút sinh hoạt tự do.

Thành phố Nam Ðịnh, một trong những thành phố lớn của miền Bắc, sau hơn bốn mươi năm dân chủ cộng hòa và xã hội chủ nghĩa, mang một dung nhan về chiều của một lão bà nặng gánh gian truân với cuộc đời. Có cảm tưởng như một quận nhỏ của miền Nam những ngày trước năm 1954. Nhà cửa u buồn, tường vôi loan lở chẳng ai buồn trét trám, nước sơn phai màu như trách móc thời gian. Quần chúng đăm chiêu hiện diện trên đường phố, trên sân ga mà tâm tư ở tận đâu đâu thể hiện qua những cặp mắt không hồn và những nét mặt ngẩn ngơ. Bước đầu trong nếp sống tự do nhưng sao cảm thấy tù túng, bực bội hơn những ngày trong trại? Một thứ không khí khó thở đến ngột ngạt. Sống trong cảnh tù đày mười hai năm có lẻ, xa cách đời thường lâu lơ lâu lắc, ấy thế mà cảnh quang thị xã chẳng mấy hấp dẫn, những toán người vừa gặp mặt tự do đã thấy chán chường. Ði quanh, đi quẩn chẳng mấy chốc đã thấy chán bèn kéo nhau vô bưu điện đánh điện tín báo tin vui về gia đình. Xe lửa còn lâu mới đến, họ kéo nhau vào quán phở nếm thử bát đầu tiên của thời ra trại. Kéo nhau vào quán ngồi hoài chẳng ai buồn nói đến mặt. Nóng lòng gọi cô hàng đến đặt món ăn thì được hỏi:"Phiếu ăn đâu?" Thì ra, phải mua phiếu trước mới có được tô phở. Lỗi ở thời học tập cải tạo đã làm cho con người không biết phương thức sinh hoạt ngoài đời, nhứt là sinh hoạt xã hội chủ nghĩa, một thứ sinh hoạt không giống như thời "ngụy quân, ngụy quyền". Thế là làm người Việt Nam mà đã bắt đầu xa lạ trên chính quê hương mình. Ăn không được, tạm thời uống nước cho mát lòng bỡ ngỡ, cho hạ cơn buồn cười. Nhưng gặp phải nước đá làm bằng nước xa lạ với bụng dạ từng quen thói "ăn chín, uống sôi" nên suốt mấy ngày đêm trên xe lửa bị Tào Tháo đuổi, không chạy đâu xa mà phờ cả người.

Con tàu từ Hà Nội đến lù lù tiến vào ke ga như một cấp lãnh đạo, hùng hổ, hiên ngang lướt qua đoàn người đứng chờ như dàn chào. Toa xe thật nghèo nàn, bên ngoài, bên trong gì nước sơn cũng đã cũ, trông như lượm lặt ở một đống vật liệu phế thải của một nước tư bản chậm tiến. Băng ngồi đóng nẹp bằng cây có kẽ hở để thoát hơi, lưng dựa lên đến ngang đầu, nước vẹc-ni chỉ còn là dấu vết vì bị cọ sát lâu ngày nên thân cây ngã màu xam xám của mồ hôi người hòa với bụi đường xa. Ðoàn người từ Nam Hà chiếm gần trọn một toa xe, được sắp xếp vào chỗ ngồi nhờ sự can thiệp của cán bộ trại, của công an cơ sở và cán bộ tháp tùng. Nếu không có sự sắp xếp của cán bộ công an hợp tác với nhân viên hỏa xa thì những người mới làm quen với tự do sẽ không có chỗ ngồi. Không hiểu vé xe bán ra như thế nào mà xe vào ga là hành khách cứ tràn lên giành chỗ như đi xem hát thí.

Tuyến đường sắt phía Bắc Bến Hải chưa được hoàn chỉnh nên xe không giữ được tốc độ đều đặn, lúc chạy khi ngừng, lúc nhanh khi chậm. Thậm chí có những đoạn nhân công sửa chữa đường rầy phải đeo theo tàu, thỉnh thoảng xe dừng lại để điều chỉnh rồi tàu mới đi tiếp. Con tàu chạy gập ghềnh như tàu thủy nhảy sóng nhỏ. Ở một vài đoạn đường, nhân viên an ninh đường sắt yêu cầu hành khách nên thận trọng che bớt cửa sổ toa lại vì có nguy cơ bị người dưới đường ném đá hoặc ném phân trâu. Dẫu vậy vẫn có một anh bị thương nhẹ. Tại sao lại có lối thù hằn gì lạ đời, hay là một cung cách đùa nghịch xuất phát từ thói quen đánh Tây, diệt Mỹ ngày xưa. Lấy "văn minh nông thôn xã hội chủ nghĩa" đánh phá "tiến bộ cơ giới đế quốc tư bản" chăng? Hay là một thủ đoạn phục thù giai cấp, người nông thôn nghèo nàn đánh trả dân thành thị có của ăn của để, đi tàu hỏa tung tăng, không chịu đi chưn đất đường bộ như ta? Cảnh quang đồng ruộng khô cằn như chừng đất chết, bị khai thác đến tận cùng xương tủy.

Qua sông Bến Hải, phong cảnh bên ngoài đổi khác thấy rõ. Biết đâu chẳng là chủ quan? Từ đây, xe lửa chạy với một tốc độ tương đối nhanh hơn và xao động theo chiều ngang nhiều hơn là theo chiều dọc như đoạn phía Bắc. Từ ga Vinh trở vào phía Nam, khi tàu ngừng lại các ga lớn, khách con buôn tràn lên tàu rất đông hỏi mua mền và nhiều mặt hàng khác. Tàu đến Lăng Cô phải nằm lại giữa đồng nội chờ hiệu qua đèo Hải Vân, vào một đêm trăng đẹp thơ mộng. Cảnh trí gợi tình thôi thúc một vài tâm hồn nghệ sĩ, thế là điệu đờn, câu hát nổi lên. Lâu lắm rồi người dân mới nghe được những bản nhạc vàng công khai ca hát nên thấy lạ tai, cuộc trình diễn bỏ túi của những kẻ đờn ca tài tử đâm ra hấp dẫn. Các em bé hàng rong thấy lạ vây quanh, trong đó có một cô bé trạc mười lăm, mười sáu, mà cả bọn cho là danh ca, được xúi để góp tiếng hát giúp vui. Thế là chuyện bán buôn không còn quan trọng nữa. Hết bản này đến bản kia trong tuyển tập nhạc vàng của cô ca sĩ hàng rong kế tiếp nhau vang lên trong bầu không khí mờ ảo của đồng ruộng dưới ánh trăng thanh. Hết tràng pháo tay này đến tràng pháo tay khác và cô bé ca sĩ càng thêm hứng chí như chừng không muốn thôi vì chưa bao giờ em được một làn nhạc đệm thích thú đến như vậy. Thế nhưng, như một đàn ong vỡ tổ, các cô cậu hàng rong tủa ra chạy khi có tiếng la báo động:"Công an!" vì nhạc vàng chưa được chấp nhận một cách phổ biến tại nơi này vào thời điểm đó. Tuy nhiên, cũng chẳng có chuyện gì xảy ra vì đoàn tàu đã chuyển bánh để qua đèo, ì ạch và nặng nhọc như tiết tấu câu thơ "một đèo, một đèo, lại một đèo" của Hồ Xuân Hương.

Ngoại cảnh và lòng người như có hẹn hò, có cùng tần số sinh sống hoặc cùng một từ trường hoạt động nên từ đây trở đi hơi thở thấy nhẹ nhàng thoải mái, cảm giác thấy lâng lâng. Cảnh trí quen mắt hoặc giả những kỷ niệm gợi nhớ khơi lại trong tâm tư một thời dĩ vãng như chừng ngưng đọng trong lòng người bị mười mấy năm học tập cải tạo quấy rầy. Mười mấy năm trời xa cách mà giờ nhìn lại những tưởng như mới hôm nào, như một cuộn phim ngừng chiếu nay bắt đầu quay trở lại. Niềm hân hoan và nỗi hứng thú qua hội ngộ, trong phút chốc, đã xóa mờ những ray rứt của một thời cách biệt. Tình cảm xưa cũ vẫn còn đó chừng như mười mấy năm trời xã hội chủ nghĩa không sao xói mòn được tình tự dân tộc và tình nghĩa quê hương, nhứt là qua điển hình của một cậu bé bán kem. Trên con tàu nóng bức, những con người khao khát tự do sau hơn mười hai năm dài học tập cải tạo cũng thèm chất mát nên thùng kem cây của cậu bé trong phút chốc đã hết sạch. Qua câu chuyện hàn huyên với kẻ này, người nọ và được biết rằng đây là đoàn tù cải tạo vừa được phóng thích, cậu bé nhứt quyết không nhận tiền kem vì ba em có dặn:" Ði bán trên xe lửa, gặp mấy bác, mấy chú học tập con chớ lấy tiền". Ba em trước kia là trung úy ban hai chi khu, đã trầy vi tróc vảy với những mỹ từ "học tập cải tạo" nên muốn cho con mình ít ra cũng có chút hành động chia sớt những điều cay đắng của "một cây súng gãy". Một hành động bé nhỏ của cậu bé bán kem nhưng gây một xúc động to lớn nhớ đời để càng cảm thấy rõ tội lỗi của mình đối với thế hệ đang lên của cậu bé bán kem kia. Bài học thắm thía là ở cây kem miễn phí, chớ không phải là ở một thời dày xéo của cộng sản.

Ðoàn xe lửa càng nuốt con đường xuyên Việt, đưa đoàn người tập tễnh những bước đi tự do về gần với quê hương thì hình ảnh hai bên đường, trên sân ga càng làm cho họ phải suy ngẫm nhiều hơn, lấn lướt niềm vui hội ngộ đang chờ ở cuối đường. Sau mười mấy năm trời hòa bình, độc lập và thống nhứt mà cảnh quang nông thôn vẫn không có gì đổi mới. Con trâu vẫn đi trước cái cày và hàng hàng lớp lớp con người vẫn khom lưng với việc đồng áng. Trên con đường cái quan, ngày trước ngựa xe nườm nượp nay chỉ toàn là xe đạp và xe đạp, thỉnh thoảng một vài chiếc xe tải màu bộ đội hùng dũng chạy tung tăng. Ngoài những ga thuộc thành phố lớn như Huế, Ðà Nẳng, Nha Trang,... xe lửa chỉ ngừng lại một vài ga thuộc các thị xã đông dân. Trước khi xe lửa vào ga thì những người buôn thúng bán bưng đã nhảy lên xe từ xa để giành khách, giật mối. Ðủ thứ mặt hàng và có cả những người cò mồi cho những cửa hiệu lớn đóng cố định tại ga. Thậm chí nước lã cũng đem ra bán từng thau, từng thùng cho những ai có nhu cầu rửa mặt hoặc lau mình cho sạch chút bụi đường xa. Muốn tắm thì phải chờ khi tàu vào ga lớn.

Nuốt xong khoảng một ngàn bảy trăm cây số đường xuyên Việt trong bốn ngày, ba đêm, đoàn tàu len lỏi qua những xóm nhà ngoại ô thành phố để vào ga Chí Hòa. Những cặp mắt dò tìm, những tiếng kêu gọi thân thương, những dung nhan rạng rỡ, những bàn tay vẫy chào,... Có những chờ đợi được toại nguyện nhưng cũng có một vài mong ước bị vỡ mộng, chán chường được cụ thể hóa bằng một bó hoa đơn sơ bị ném xuống lòng đường sắt, bằng nét mặt không hồn, ngẩn ngơ của người phụ nữ nghe có đợt về đông cứ ra ga đón tiếp nhưng khi hỏi lại thì người mình mong đợi còn mãi tận đâu đâu. Nhưng rồi niềm vui hội ngộ cũng chỉ ngắn gọn, thăm hỏi qua loa vì đoàn xe mà cán bộ trại trưởng Nam Hà cho là của Mặt Trận Tổ Quốc đã réo gọi đoàn người trở về lên xe. Ơ hay! Vừa ra khỏi tù lại được đưa vào khám Chí Hòa? Lẽ nào ánh sáng ở cuối đường hầm lại chỉ là một cái rọ nhà tù khác nữa hay sao? Thì ra chỉ là một sinh hoạt biểu diễn uy quyền của công an thành phố, vừa chào đón những người về vừa dằn mặt răn đe cho thấy vòng đai quản chế mới. Năm ba lời tuyên bố, một đôi điều nhắn nhủ dặn dò rồi gọi tên, nhìn mặt từng người để kiểm diện xong mới trao trả giấy ra trại. Ðến phút chót vẫn chưa hết những xảo thuật gây bất ngờ!

ß

 

Sài Gòn, thành phố thân yêu, sau mười mấy năm trời có lẻ cách biệt! Trong những ngày lao lý và qua những giấc mơ, thành phố vẫn hiện hữu trong tâm tư người tù dưới nhiều nét mặt khác nhau, vừa đau thương, vừa trách móc, như một nhân tình bị bạo chúa cướp đi trong cảnh bất lực của người yêu. Vào giờ phút tái ngộ, nét kiều diễm của thành phố tuy có sa sút nhưng tâm tình vẫn là tâm tình ngày cũ, biểu lộ thầm kín và e dè. Nếu đừng có quá nhiều xe đạp, nếu phố phường ít người đi bộ hơn, nếu những chiếc nón cối dị hình và những đồng phục lạ màu của công an đừng khống chế phong cảnh thành phố thì có lẽ Sài Gòn cũng dễ thương không khác gì những ngày xưa thân ái. Những con người đã trải qua trên một phần mười thế kỷ tù tội lưu đày không thấy tính chất cộng sản của thành phố đâu cả khi mà đầu óc cứ in trí rằng người ta đã làm cho nó biến chất đi khi gán cho nó "thành phố mang tên Bác". Thì ra, thay đổi hiện tượng chưa chắc gì thay đổi được bản chất và điều lý tưởng là phải ngược lại.

Trên phương diện tâm tư tình cảm thầm kín thì không mấy đổi thay nhưng về mặt thủ tục thì những người vừa được tự do kia cũng chỉ là những con chim sút lồng nhỏ để bay sang chiếc lồng lớn hơn và lộng lẫy hơn mà thôi. Hết trình diện công an khu phố đến trình diện công an phường, công an quận. Chầu chực hết cô công an này đến chú công an kia để làm những thủ tục hành chánh cần thiết. Chưa kể những lúc phải tiếp đón gần như có tính cách chu kỳ ông công an khu vực đến nhà "hỏi thăm sức khỏe" trên mặt nổi, nhưng trong thâm tâm là để xem đối tượng quản chế của mình có tan biến hay không. Có những người còn được công an "mời dạy ngoại ngữ" cá nhân. Chỉ là một mưu mẹo để theo dõi đối tượng hàng ngày mà thôi. Những đêm yên giấc trong tù còn nhẹ nhàng hơn những đêm ngủ ở nhà. Một tiếng chuông gọi cửa reo vào chiều tối, một tiếng chó sủa ma nửa đêm về sáng cũng làm cho những trái tim nhạy cảm tăng nhanh và khuếch đại nhịp đập vang dội trong lòng ngực, nghe to hơn tiếng trống chầu ngày hát cúng đình thuở xua. Tự do gì mà có cũng như không?

Trong một chiến dịch lấy lòng thế giới, người ta cho phương tiện truyền thông nhà nước đánh trống thổi kèn nhân chuyến về của một số đông đảo tù cải tạo như vậy. Báo chí phỏng vấn tướng này, hỏi han đại tá nọ, toàn những cựu tù cấp cao của chế độ Sài Gòn. Những điều đã nói ra lại được đăng tải với một vài sơ sót cố tình, phương tiện nào đâu để cải chính? Thế là bạn bè gần xa cứ dựa vào giấy trắng, mực đen để phê phán và chê trách. Ðành cắn răng chịu phép. Thậm chí công an thành phố còn cho phép ký giả ngoại quốc trực tiếp phỏng vấn những người mới về lại thành phố. Một lần tiếp xúc trực diện dĩ nhiên có đính kèm một anh hay một chị công an ngụy trang dưới lớp áo của nhân viên sở ngoại vụ thành phố làm hướng dẫn viên cho khách nước ngoài. Khi người ký giả kia tỏ ý muốn đối thoại tay đôi riêng tư với đối tượng thì bị từ chối khéo. Hiện tượng của một thái độ tự do trong bầu không khí xã hội chủ nghĩa là như vậy, nếu chấp nhận quy luật của trò chơi thì hãy dấn thân. Nói nữa cũng bằng thừa vì người ta sẽ hoài công, tốn sức để chứng minh sự kiện chó đá không biết sủa.

Trong tinh thần của những cam kết với phía Hoa Kỳ, người ta chịu để cho cựu tù cải tạo được ra đi tái định cư nơi nào mình muốn. Thế là cựu tù lại có dịp để tụ họp khỏi xin phép mà không bị xua đuổi, không bị nghi ngờ khi đến nộp hồ sơ xin xuất cảnh ở công an quận. Nguyên tắc nói ra nghe đơn sơ và dễ dàng, nhưng khi làm thủ tục thì lại nhiêu khê và phiền toái vô cùng. Chưa biết rồi công chuyện sẽ đi đến đâu nhưng sơ khởi là công an có dịp lấy tiền qua những ấn phẩm, những mẫu này mẫu nọ mà đương đơn phải mua. Thế rồi, nay đợi mai chờ, sáng lên quận, chiều xuống phường, nhưng rồi cũng chẳng biết hỏi ai để theo dấu chân đi của hồ sơ đã nộp. Như một hòn đá ném vào khoảng không. Ngày đêm nôn nóng mà lại như sinh sống trong cõi hư vô nên những cựu tù cứ bị làn sóng tin đồn và suy diễn ồ ạt tấn công. Một tuần lễ, ba ngày chẵn, thứ hai, thứ tư và thứ sáu, họ tự động họp nhau lại "khu chợ trời tin tức xuất cảnh" đương nhiên hình thành trên công viên trước sở ngoại vụ thành phố. Ðến đó trước tiên để gặp lại bạn bè ngày cũ, ngoài đời cũng như trong tù, sau nữa để nghe ngóng điều này, lẽ nọ về ODP[54] về HO[55], với những chiều hướng vô cùng lạc quan, đầy tính an ủi. Khai thác tình thế, bộ nội vụ Hà Nội cho thành lập "Dịch Vụ Xuất Nhập Cảnh", một cơ quan bán chánh thức bên cạnh văn phòng đại diện của bộ ở thành phố. Chức năng công khai và chánh thức của cơ quan này là giúp đỡ những người muốn xuất cảnh và nhập cảnh, nhưng thực ra là để làm tiền một cách công khai và hợp pháp những ai muốn ra đi nhanh chóng. Một trung tâm tập sự của những người "đầy tớ nhân dân" lúc nào cũng làm vừa lòng những người dân "biết điều". Thế nhưng, cũng không phải nhanh chóng, dễ dàng gì. Cũng phải năm lần nộp giấy tờ, bảy lượt bổ túc hồ sơ, trung bình cả năm sau mới được thông hành để đi đến vùng trời thực sự tự do. Dĩ nhiên cũng phải tốn không ít tiền và phải lót đường, trải thảm bằng thuốc thơm "Ba Số[56]". Những người không phương tiện chẳng biết đến khi nào mới thoát khỏi cảnh "tự do trong tất yếu"?

Vậy mà ngần ấy chuyện cũng đâu đã hết. Cầm được thông hành trong tay rồi chưa chắc đã được xuất cảnh vì còn phải qua khâu ngoại vụ nữa. Và nguyên tắc căn bản của người chạy việc trong môi trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam là muốn xong chuyện thì phải biết điều và làm thủ tục "đầu tiên". Hạng bét cũng vài ba gói thuốc thơm "Ba Số". Ở khâu này, người ta xét xem đối tượng có được phép nhập cảnh của quốc gia sắp đến hay chưa. Những ai muốn đi Mỹ thì phải gặp phái đoàn Mỹ, cũng hoạt động tại tòa nhà của sở ngoại vụ thành phố, để được xác nhận là có sự chấp thuận của phía Hoa Kỳ. Những gia đình đi các nước khác thì phải liên lạc với tòa tổng lãnh sự của quốc gia liên hệ, với giấy giới thiệu của sở ngoại vụ. Có xuất cảnh và nhập cảnh xong, phải lo đăng ký chuyến bay để biết ngày lên đường và biết công ty chuyển vận. Toàn là những ngưỡng cửa mà người lo việc phải biết điều với công an gát cổng hoặc những người phụ trách. Kế đến là khâu hành lý mang theo. Muốn cho nhanh, gọn thì phải qua bộ phận "dịch vụ chuyến bay", một tổ chức tư nhưng rành ngõ ngách để cho đương sự có thể mang theo một trọng lượng hành trang mong muốn, lại tốn ít tiền. Thế nhưng, ít tiền một mặt nhưng phải lo tiền mặt khác. Một đôi ngày trước khi lên máy bay thì phải đưa hành lý gởi theo đi khám. Khâu này cũng khá nhiêu khê, hạch hàng này, hỏi hàng nọ, tại sao đem nhiều thế, loại hàng này cấm, loại hàng kia không được mang đi. Thế nhưng, "Bác" mà giải quyết hộ thì việc gì cũng tốt đẹp và êm xuôi. Những trục trặc trong khi khám hành lý gởi theo hay hành lý mang đi đều do công ty dịch vụ chuyến bay dàn xếp, dĩ nhiên là với chất ngân của đương sự. Ngày lên đường, mọi thủ tục an ninh, hải quan và thông hành xong xuôi, vào khu cách ly để chờ giờ lên phi cơ vẫn chưa yên lòng vì có khi công an còn mời tới mời lui, hỏi han chi tiết này, chi tiết nọ. Một lối dằn mặt trước khi buông tha. Khi máy bay cất cánh xong, những người cựu tù cải tạo được phép xuất cảnh mới bắt đầu thở phào nhẹ nhõm đi vào cõi đời lâng lâng, bắt đầu nghĩ đến tương lai phía trước.

Qua những ngày lo chuyện xuất cảnh, những người cựu tù cải tạo như ở trong hội chợ phiên của những trò chơi trẻ con, chuyền từ vòng xoay này sang vòng xoay khác của cuộc sống tự do có mà như không đó của thành phố thân yêu, làm người xa lạ trên chính quê hương mình. Sống giữa cuộc đời rộn rịp mà tâm tư như trên hoang đảo, ngày đêm mơ tưởng hình bóng của chính mình ở một chân trời xa lạ nhưng thân hữu lại nghìn trùng cách biệt. Cuộc đời đã sắp về chiều, nhựa sống đã gần cạn kiệt, sức lực đang buổi tà huy, không biết rồi đây mình sẽ đương đầu với tương lai như thế nào, từ khởi điểm số không?

-------------------------

Ghi chú :

[54] Ra đi trong vòng trật tự (ODP: Orderly Departure Program).

[55] Tổ chức nhân đạo (HO: Humanitarian Organization).

[56] Thuốc lá hiệu ba số năm "555".

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)
 
Tác phẩm :

Thay Lời Tựa : Như nẻo đường rừng.

1. Sài Gòn : Những ngày trăn trở.

2. Long Giao : Một bước đổi đời.

3. Tam Hiệp : Nửa từng địa ngục.

4. Hoàng Liên Sơn : Núi rừng trùng điệp.

5. Hà Tây : Trong gọng kềm công an.

6. Nam Hà : Ai cải tạo ai ?

7. Thành phố Hồ Chí Minh : Một thuở sắc không.

8. Paris - Chelles : Ta lắng nghe ta.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.