.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương -  Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn | LLâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ -  Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Phong Thu

 

Cái bóng

Hàng năm đến ngày ba mươi Tết là bạn bè ông Thới đều tập trung lại tại nhà ông Nhẫn để chung vui và chuẩn bị cùng nhau chơi đánh cờ tướng, đón giao thừa. Từ ngày ông Thới sang đây California sinh sống, ông luôn có mặt trong tất cả các cuộc hội họp và tiệc tùng của cộng đồng và các Hội Đoàn. Ông chăm chỉ, siêng năng như một con chiên ngoan đạo và ông chiếm cảm tình của hầu hết mọi người. Đặc biệt, ông đã tìm được bạn bè, những người quen biết với ông trước 75.

Hôm nay là ngày ba mươi Tết, mọi người tập hợp đông đủ, thức ăn, rượu cognac đã rót vào ly. Nhưng ông Thới bực tức rời khỏi bàn nhậu. Ly rượu xoay chừng mà mấy người bạn già rót cho ông còn y nguyên trên bàn. Thức ăn mới dọn ra còn đầy ấp. Nào là gà nướng lò, nem nướng, thịt bò xào sả ớt, gỏi ngó sen trộn với tai heo nhúng dấm, bún măng vịt... mùi thức ăn bốc lên nghi ngút khiến cho ông cảm thấy đói cồn cào. Nhưng ông đã từ chối ngồi vào bàn nhậu chung với mọi người vì có mặt ông Kính- Ốm. Lẽ ra, gặp được ông Kính, ông Thới phải tay bắt mặt mừng vì dù sao tình bạn hai người không thắm thiết nhưng cũng là người hàng xóm của ông. Cả hai cùng học chung trường khi tóc còn để chỏm, biết nhau đã hơn nửa thế kỷ mà vẫn chưa hiểu được tấm lòng nhau. Mỗi khi ông chạm trán với ông Kính, ông cảm thấy như có hàng triệu con kiến lửa đang bò ngổn ngang khắp người. Ông cảm thấy nhức nhói, bực tức và muốn lớn tiếng chửi bới, đấm đá cho hả cơn giận đang bừng bừng sôi sục trong lòng ông suốt mấy năm qua. Nhưng ông cố nén cơn giận vì ông sợ những tiếng thơm mà người ta dành cho ông sẽ biến mất. Ông không còn được ca ngợi là người mềm mại, giỏi nhịn nhục, ôn nhu và lịch sự. Nếu như ông có thể hét lên, to tiếng chửi mắng, đấm đá theo lối du côn, cao bồi mất dạy có thể sự bực bội trong lòng ông sẽ dịu đi. Ðàng nầy, ông phải đóng vai làm người tốt. Lúc nào cũng tốt, tốt trong mọi hoàn cảnh, nhịn nhục tối đa để được hưởng hòa bình thì ông phải giữ lấy cái tư cách đáng kính trọng và gương mẫu của mình.

Bạn bè hay nói ông là một người hiền lành nhả nhặn, ai nói gì cũng ừ, ai làm gì ông cũng cho là đúng. Ông không thèm quan tâm đến đúng sai, phải trái miễn sao ông được yên thân và có lợi cho mình thế là ông cứ sống. Ngày xưa khi còn đi học, ông được nhiều người trong lớp khen ông hiền hậu, thông minh và biết cách cư xử. Khi chiến tranh miền Nam Việt Nam xảy ra ác liệt, bạn bè điều tòng quân đi tác chiến bảo vệ miền Nam còn ông thì được làm việc văn phòng, lương bỗng hậu hĩ, sống phây phây trong thành phố. Những người lính từ rừng núi về phép thăm nhà vài hôm, áo quần, giầy trận còn vương mùi bùn đất, tóc khét mùi thuốc súng, mặt mũi đen sạm vì nắng gió gian khổ. Riêng ông áo quần bảnh bao ngày ngày đi dạo phố và cua đào. Ông có cái mã đẹp trai, cao lớn, nhất là đôi môi đỏ như son lúc nào cũng dường như cười cợt làm cho nhiều cô gái Sài Gòn mê mệt. Ông chưa đi tác chiến một ngày nào, nhưng chức vụ cứ lên đều đều nhờ tài ăn nói và tiền bạc của gia đình. Nhiều người nói ông có tài nhưng là tài luồng lọt, chạy chọt cấp trên. Kể ra cái tài đó cũng phải rèn luyện, học hỏi mới giúp đời ông lên hương như diều gặp gió. Người ta bàn tán với nhau là ông sinh ra gặp con số chín nên đời ông suông sẻ, thăng hoa. Mọi mong ước, ý nguyện của ông đều thành đạt. Trời thương nên cho ông có bộ óc tính toán chi ly và có tài biến hoá.

Nhưng hôm nay, trong buổi tiệc thân mật đầu năm đón giao thừa giữa những người bạn thân H.O lâu ngày không gặp, ông đã phải đứng lên bỏ ngang cuộc vui. Ông không còn hứng thú ngồi uống rượu với mọi người. Giọng nói ồ ồ của ông Bình kéo ông về thực tại:

-  Anh Thới, anh giận gì anh em mà bỏ về ngang xương vậy. Ở lại đây chung vui và đón giao thừa với anh em chớ.

Ông Thới chẳng nói năng gì. Ông lấy chiếc áo khoát và cái nón đang treo trong vách gần chỗ ông ngồi, rồi từ giả:

-  Cảm ơn anh Bình đã có nhả ý mời tôi đến tham dự buổi tiệc. Gặp lại các anh tôi mừng lắm. Nhưng có vài việc cần phải về. Hẹn khi khác vậy.

Ông Bân, người lớn tuổi nhất và cũng là người đi học tập cải tạo lâu năm nhất nói:

-  Dễ gì có buổi hội ngộ nầy hả anh Thới. Tết nhứt mà về chi cho sớm. Một năm mới có thể tập hợp nhau đầy đủ. Ráng nán lại chơi, cụng vài ly mừng anh Hoan đến được Hoa Kỳ. Có gì giận anh em thì nói hết ra đi. Anh em mình già hết rồi, gần đất xa trời không biết bao giờ mới gặp lại nhau.

Ông Thới nghe bạn bè xung quanh bàn tán, nói cười và họ muốn ông ở lại chơi cho đến nửa đêm. Nhưng đầu óc ông nóng ran, khó chịu khi giọng nói của ông Kính cứ vang vang trong đầu ông. Cái miệng móm xọm của hắn với đôi mắt nhìn thẳng và sáng quắc cứ nhìn chằm chằm như xoáy vào tâm nảo của ông... tình bạn giữa ông và ông Kính đã thật sự chấm dứt...

* * * * *

...Ông Thới không thích nhìn mặt ông Kính, người bạn cùng xóm với ông khi còn ở Việt Nam. Ông Kính thường hay đùa cợt, moi móc, đá giò lái ông. Hắn là người duy nhất hay cười mỉa mai ông trong tất cả các cuộc họp lớn nhỏ. Hắn hay châm chích ông khi ông còn là một sinh viên Luật Khoa. Ông Kính hay chế ngạo ông là thằng hèn nhát, thằng bợ đít, nịnh hót, tham sống sợ chết khi ông còn là một tên lính kiểng. Ðiều làm cho ông oán hận và cắt đứt mọi liên lạc với ông Kính. Sau 75, ai cũng đi học cải tạo mút mùa, có nhiều người bỏ thây trong các trại tù hay rừng sâu, nước độc, còn ông thì khai đào ngủ, trốn quân dịch nên được vào làm Chủ Tịch Phường. Lúc mọi người đi vùng kinh tế mới, ăn bo bo trừ gạo thì ông hiến một số đất đai cho cách mạng để làm gương. Thời nào ông cũng ăn nên làm ra. Ông hô hào nông dân vào Hợp Tác Hoá Nông Nghiệp, học tập chính sách của Ðảng và nhà nước và thi hành nghĩa vụ lao động. Ông không ra nông trường làm cỏ, đào thuỷ lợi bao giờ. Nhưng ông luôn báo cáo và ghi thành tích hoạt động của mình đầy đủ. Thế cho nên, ông cứ sống phây phây giữa sự đổ nát của chiến tranh, và ông cũng sống sung sướng và hưởng bổng lộc của chế độ cộng sản. Các con ông lớn lên, chúng nhờ hồng phúc và công lao cũng như tài ngoại giao của ông mà lần lượt các cháu được nhà nước chiếu cố cho đi du học ở nước ngoài. Các cháu đi học vài năm rồi lấy chồng Việt Kiều và ở lại bên Mỹ không trở về. Ðứa con gái thứ hai vì thương vợ chồng ông già nua, cô đơn nên đã làm đơn bảo lãnh vợ chồng ông sang Mỹ theo diện đoàn tụ. Vậy là ông gặp may hơn hàng triệu người khác. Ông không cần phải trốn chui, trốn nhủi trên những con tàu mong manh vượt đại dương mà cũng đi Mỹ như ai. Gia đình ông không ai bỏ mình trên biển, không ai bị tù tội, không ai bị mất một sợi tóc, cho nên ông thấy cuộc đời của ông chỉ toàn may mắn. Có lẽ nhờ ông bà, cha mẹ ông ăn ở hiền lành và bản thân ông tu nhân tích đức nên ngày nay ông mới được hưởng ân huệ lớn của Trời ban cho.

Ra hải ngoại, ông thấy phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ rất cao. Hội đoàn mọc lên như nấm. Hết hội đoàn nầy đến hội đoàn kia tổ chức quyên tiền đấu tranh cho dân chủ tại quê nhà. Họ hăng hái đi biểu tình, viết thỉnh nguyện thư lên các dân biểu, nghị sĩ, tổng thống Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc để tố cáo chế độ cộng sản đàn áp những nhà đối kháng trong nước, bốc lột nhân dân lao động, tham nhũng, hối bại, độc tài... Trên các đài truyền hình, truyền thanh và báo chí người người kể chuyện, viết bài phanh phui những chuyện làm ăn mờ ám, xấu xa, tàn ác của cộng sản. Ông cảm thấy mình đã già không có gì để làm, cứ ru rú trong nhà quanh năm suốt tháng với bà vợ già thì uổng phí nên ông cũng muốn phô diễn tài năng của mình, để khi chết đi còn để lại tiếng thơm cho hậu thế. Ở xứ cờ hoa, lạnh lẽo, cô đơn  nên ông cần có bạn bè. Ông phải làm một cái gì đó có tiếng tăm để mọi người nể mặt. Ông đã làm đơn gia nhập vào Hội Anh Hùng. Hội nầy gồm những người yêu quý tự do, dân chủ và nguyện cống hiến đời mình cho tổ quốc. Ông tham gia được vài năm thì Hội của ông nổi bật hẳn lên. Mỗi lần Hội ông tổ chức tiệc gây quỹ được nhiều người ủng hộ. Một bản nghị quyết của Hội ông ban ra là cả hải ngoại phải lắng nghe. Ông dần dần trở thành Chủ Tịch của Hội Anh Hùng. Mỗi lần đi tham dự lễ của các Hội Ðoàn khác, ông đều được ngồi ghế danh dự và được nhắc tên như một vị khách danh dự. Ông thật sự mãn nguyện khi cuối đời ông còn làm được nhiều điều hữu ích cho dân tộc cho đất nước.

Nhưng ở đời, một ngàn lần thành công, cũng có một lần thất bại. Nhất là khi cuộc sống của mình không bình thường, những việc làm của mình làm dù có khôn khéo che đậy tinh vi thì sớm hay muộn cũng có người biết và lật tẩy.

Trong một bửa tiệc liên hoan Tết Niên của Hội Ðoàn Kết, ông được xướng danh là khách danh dự được mời lên phát biểu ý kiến. Ðột nhiên, ở cuối nhà hàng Tự Do có một người đàn ông nước da ngăm ngăm đen, tóc bạc phơ, người ốm tong teo như cây tre miễu tiến về phía trước sân khấu. Ông ta chụp cái micro khỏi tay người MC và cất tiếng nói rất rõ ràng:

-  Kính thưa quý đồng hương, tôi tên là Nguyễn Văn Kính, tôi xin lỗi vì đã đường đột lên đây trình bày ý kiến của mình mà không xin phép ban tổ chức. Tôi tự giới thiệu, tôi là Kính- Ốm, Ðại Úy Biệt Kích của sư đoàn 322. Tôi học tập cải tạo 12 năm và vượt ngục, vượt biên sang Hoa Kỳ. Tôi xin phép quý vị tôi có vài lời thưa cùng ông Chủ Tịch Hồ Ngọc Thới. Chắc ông Thới quên tôi nhưng tôi vẫn nhớ ông vì chúng mình là bạn nối khố với nhau từ nhỏ. Mấy năm nay, tôi biết tin ông sang đây tôi rất mừng mà chưa có dịp trao đổi, gặp mặt. Hôm nay, nhân dịp nầy tôi chúc mừng ông đã giác ngộ và quay về với chính nghĩa quốc gia. Xin chúc mừng ông và kính chúc ông được bình an, thành công như từ xưa đến nay.

Ông Kính nói xong lời cảm ơn và cúi chào mọi người rồi đi xuống chỗ ngồi. Cả nhà hàng rộng lớn hơn 600 quan khách chưng hửng không hiểu vì sao người đàn ông lại nói những câu chúc mừng kỳ lạ. Rõ ràng ông Thới là người yêu nước, thương dân. Ông bỏ thời gian, công sức ra giúp đỡ hết Hội Ðoàn nầy đến Hội Ðoàn khác. Ông là người quốc gia thì làm sao có chuyện “quay về với chính nghĩa quốc gia”. Thằng cha Kính- Ốm nầy bị cộng sản nhốt nhiều năm nên hoá khùng. Chỉ có ông Thới là hiểu và thấm thía được câu nói nầy. Hừ! Mình hay tin nó vược ngục và mất tích ai ngờ nó lại sang Mỹ sinh sống. Chỉ có một mình nó là biết rõ về mình. Chỉ một mình nó biết mình là ai. Mình muốn gì? Mình sống ra sao? Chỉ có nó mới biết được cội rễ của linh hồn mình. Cái thằng Kính thâm trầm, ít nói  nhưng nó có một bộ óc thông minh và nhậy bén. Nó có thể đọc được ý nghĩ của mình và đoán được mình muốn gì. Dù biết mình là một người sống như một con cắc kè bông hay đổi màu. Trắng mình có thể biến thành đen, đen thành đỏ, thành xanh, thành tím...Màu gì cũng được miễn là mình đạt được mục tiêu. Nó biết rất rõ về mình như bàn tay của nó. Nhưng tuyệt nhiên nó không hề hé môi. Nó thường hay cười và nói rằng mình là “NGƯỜI KHÔNG CÓ BÓNG, HAY NGƯỜI MẤT BÓNG”. Nó bảo mình khi nào mặt trời đứng bóng, mình hãy ra đường nhìn lên mặt trời và nhìn xuống chân mình để tìm lại bóng của mình. Nhưng có bao giờ mình làm đâu. Cái thằng điên đó nó không hiểu được khoa học và ánh mặt trời rọi như thế nào mà bày đặt.

Thế nhưng có một hôm, Kính gọi điện thoại đến nhà ông và mời ông đi nhậu. Lúc ngà ngà say, Kính nói:

- Anh Thới à! Tôi phục tài anh thật. Anh làm gì cũng thành công còn tôi làm gì cũng thất bại. Tại sao vậy?

Ông xoay xoay ly rượu trong tay đáp:

- Tại tôi biết tùy thời. Tôi biết lựa chọn cách sống sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Do đó, tôi luôn luôn gặp may mắn.

- Ừ! Anh thật là thông minh xuất chúng. Giá như tôi học được một phần ba cái tài của anh thì đời tôi không đến nỗi gian truân, đau khổ.

- Tại anh thôi. Ai biểu anh thích nhảy vào lửa. Thấy lửa thì phải tránh đừng có nhào vô làm anh hùng. Muốn làm anh hùng phải lựa thời thế. Nếu không chỉ làm con thiêu thân cho thằng khác hưởng.

Ông Kính nhướng đôi mắt lèm nhèm nhìn ông Thới và hỏi:

- Làm anh hùng mà cũng lựa thời thế sao anh?

-  Dĩ nhiên, thằng nào ngu mới làm anh hùng rơm. Anh thấy những thằng bạn của mình làm anh hùng nên ra nghĩa địa nằm hết ráo rồi. Những thằng như tớ thì sống phây phây thời chiến cũng như thời bình. Con cháu cũng được hưởng nhiều bỗng lộc. Ấy, nói như  vậy là anh hiểu rồi.

Ông Kính ngớ người hỏi lại:

- Vậy hoá ra tôi cũng là một trong những thằng ngu. Tôi cũng vác súng ra chiến trường quăng cả tuổi thanh xuân vào lửa đạn. Rồi tù tội, đói rách và ra hải ngoại thân tàn ma dại đi làm thuê làm mướn, sống cuộc đời đơn độc không vợ, không con. Tôi cũng thấm thía lời anh nói lắm. Nhưng tôi sống như anh không được.

-  Tại sao không được. Chỉ có những thằng ngu mới không biết lựa chọn cách sống an nhàn. Ai chết mặc ai. Mắc mớ gì đến mình mà mình dính vô. Khối thằng ăn trên ngồi trước, giàu sang quyền thế, họ có nghĩ gì đến đất nước đâu. Tại sao mình phải nhào vô gánh vác cho những thằng đó. Tội gì mang xương máu của mình để bảo vệ quyền thế cho một nhóm người chẳng ra gì.

- Nói như anh thì tổ quốc nầy không còn có anh hùng.

-  Hừ! Anh hùng là ra nghĩa địa nằm từ lâu rồi anh ơi! Cho tôi xin đi.

Gấp một cục thịt bò bỏ vào miếng nhai, ông Kính như muốn dằn cơn giận xuống để không nói nặng lời với bạn. Nhưng khi ông uống hết một ly rượu vang thì mặt ông nóng bừng lên, đầu óc ông bỗng tỉnh táo lạ thường. Ông rất ít nói nhưng nhờ ly rượu lời lẽ của ông trở nên trau chuốt, bóng bẫy và mạnh mẽ hơn. Ông chậm rãi nói:

- Trong đám bạn bè anh là người thành công may mắn nhất. Anh sống được dưới hai chế độ và chế độ nào anh cũng hưởng được ân huệ của họ. Vậy tôi hỏi anh là anh ra hải ngoại này, anh có thực sự tranh đấu cho Việt Nam được tự do, dân chủ không?

Ông Thới xua tay cười:

-  Vậy tôi cũng hỏi anh, có thực sự những người ở hải ngoại là thực sự yêu nước, thương đồng bào trong nước đang sống kiềm kẹp dưới chế độ cộng sản như họ nói không? Nói thật với anh, cuộc sống nầy vàng thau lẫn lộn. Những người yêu nước họ rất thầm lặng, họ hành động hơn là la làng lên. Nhưng những thành phần cơ hội, háo danh, hám tiền cũng không phải là không có. Ai sao mình vậy. Gió chiều nào, xoay theo chiều đó. Tôi là một cây kim đồng hồ tự động. Tuổi tôi đã già, làm gì được cho ai. Tôi chỉ thích theo phong trào cho vui vậy thôi.

Ông Kính cười gằn, đôi môi ông giật giật:

- Anh nói sao cũng xong. Nhưng ít ra anh cũng phải bênh vực cho bạn bè. Thằng Tuyên cùng là bạn thân với anh và tôi. Bỗng nhiên nó bị những thành phần bất hảo chụp cho cái nón cối. Anh là Chủ Tịch một Hội Ðoàn lớn anh cũng không dám bênh vực cho nó một lời. Anh cũng không dám viết một dòng nào trên cái website của anh để minh oan cho nó. Anh sợ cái gì?

- Sợ chứ! Ở đây mà bênh những người như thằng Tuyên thì bỏ mẹ. Nó đòi lập ra một cái hội đi tìm hài cốt của bạn bè chết trong tù. Ở đây ai cũng phản đối hết. Người ta nói nó làm lợi cho cộng sản. Họ lên báo, lên website tố cáo nó liên hệ tới cộng sản. Tôi mà nhào vô là danh tiếng của tôi tiêu tùng.

Ông Kính gân cổ cãi lại:

 - Thằng Tuyên thương các bạn tù và nó thấu hiểu nỗi đau của những người bị mất thân nhân mà không tìm ra xác. Vì vậy nó mới lên tiếng xin chính quyền Việt Nam cho nó thành lập một đoàn người về Việt Nam tìm hài cốt. Ðó là việc làm hữu ích sao lại chụp mũ nó cộng sản? Vậy khối thằng đi về Việt Nam du hí, ăn chơi, khoe giàu, vợ lớn, vợ nhỏ hoặc các Hội Từ Thiện về Việt Nam không tiếp xúc với chính quyền cộng sản sao? Tại sao họ không lên án những người đó làm lợi cho cộng sản?

- Anh đừng có lý luận với tôi. Cái gì mấy ông ở đây cấm là phải nghe. Không nghe là bị cô lập biết chưa?

- Vậy cộng sản với chúng ta khác nhau ở chỗ nào?

Ông Thới bỗng đỗ quạo:

- Anh hay hỏi lôi thôi quá! Ðó là chuyện muôn đời cãi cọ của người Việt Nam. Biết vậy là xong. Ðừng hỏi tại sao.

Ông Kính nghiêm nét mặt, nói rõ từng từ một:

- Anh Thới à! Có lẽ tôi là người hiểu anh hơn ai hết. Anh là một thằng thực dụng. Anh sống không có bản lĩnh, không tình nghĩa, không biết phải quấy đúng sai. Con người như anh thật đáng nhục và đáng khinh. Nhưng tôi không hiểu sao anh lại tự hào về lối sống đó.

-  Ý anh muốn nói gì? Anh đừng có nặng lời với tôi. Chắc anh uống rượu nhiều rồi anh say nên nói bậy.

-  Gần 50 mươi năm biết nhau. Hôm nay tôi phải nói rõ cho anh biết. Anh có giận tôi thì tôi chịu nhưng anh cũng nên suy nghĩ lại.

- Tôi không cần anh phải dạy đời tôi. Anh nhìn xem giữa tôi và anh ai ngon hơn ai. Tôi có tiếng tăm, danh dự còn anh ai biết đến.

-  Sống như anh dễ lắm nhưng loại người sống quanh quẹo thì có khác gì con trùng, con dế, con tắc kè bông.

Mặt ông Thới tái ngắt và sau đó chuyển sang màu đỏ. Ông muốn cung tay đấm vào cái miệng móm sọm không còn một cái răng của ông Kính. Nhưng ông đã kịp dằn cơn giận xuống. Ông lớn tiếng mắng bạn:

- Mầy là thằng chó đẻ. Từ nay, mầy đừng có nhìn tao là bạn của mầy. Mầy đừng lợi dụng rượu rồi mắng chửi tao. Thân tàn ma dại mà không biết xấu hổ.

Lạ chưa, ông Kính cười ngất và đứng dậy đi ra khỏi quán. Từ đó, hai người như chó đen, chó trắng. Hội Ðoàn nào có mặt ông Kính thì ông Thới không tới và ngược lại...

* * * * *

.... - Uống một ly đi rồi về anh Thới -  Tiếng một người bạn ngồi kế bên kéo ông về thực tại. Ông chụp cái mủ trên đầu, mặc áo vào và chậm rãi đáp:

-  Cảm ơn, cảm ơn tất cả bạn hữu. Hẹn khi khác nha!

- Anh sợ thằng Kính hả anh Thới. Bạn bè không mà. Giận gì mà lâu vậy. Bỏ qua đi.

Ông muốn nói thằng đó là kẻ thù không đội trời chung. Ông không bao giờ thù ghét ai hơn nó. Cộng sản ông còn có cảm tình chớ còn thằng đó thì không thể tha thứ cho nó. Chưa ai dám xúc phạm đến ông bao giờ, còn thằng nầy thì ngang ngược dám chơi cả ông. Ông nghiêm nét mặt:

-  Tôi không có giận ai hết. Tôi không muốn quan hệ với những thằng ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản.

Nói xong ông bước ra cửa trước cái nhìn ái ngại của mọi người. Ông chợt nghe tiếng ông Kính cười lớn “người mất bóng”. Giọng cười của hắn sao đáng ghét đến vậy.

Ông Kính ra xe, ông mở công tắc và đạp ga thật mạnh. Chiếc xe chồm về phía trước và chạy bon bon trên đường. Buổi trưa nắng gay gắt. Trong xe dù đã mở máy lạnh hết ga nhưng cái nóng khô và hanh của California làm cho ông rất khó chịu. Bây giờ Sài Gòn đang ăn Tết. Ông bỗng nhớ con đường Nguyễn Huệ mà ông thường đến ngắm hoa khi Tết đến. Giờ ở xứ người, hàng năm Tết đến các Hội Ðoàn người Việt vẫn tổ chức mừng xuân. Nhưng không khí không náo nhiệt như ở Việt Nam. Nhiều lần ông muốn về Việt Nam chơi nhưng ông lại ái ngại, không dám đi vì sợ mất chức Chủ Tịch mà bao nhiêu năm ông dầy công xây dựng. Dù chức vụ ở đây là cái danh hảo nhưng ông biết nhiều người cũng tranh nhau để có tiếng thơm.

Ông cho xe rẽ vào khu chợ Phước- Lộc- Thọ tìm vài người bạn già để trút bầu tâm sự. Ðến ngã ba đèn xanh, đèn đỏ xe ông dừng lại. Khi ông đạp ga thì chiếc xe nằm ì một chỗ. Cuối cùng, một số người qua đường đã giúp ông đẩy được chiếc xe vào bên lề đường gần đó. Ông Kính cố gắng đi bộ một đoạn đường ngắn để gọi điện thoại cho các con đến giúp. Cô con gái nói rằng ông yên tâm sẽ có xe đến kéo xe ông đi sửa.

Nắng như đốt cháy cả da thịt. Ông nhìn khu phố người Việt giờ nầy vắng vẻ hơn thường lệ. Có lẽ ngày ba mươi Tết họ về nhà lo chưng dọn nhà cửa và nấu mâm cơm đón giao thừa. Ông không thấy những ông già trạc tuổi ông ngồi bên ngoài hàng hiên của các quán uống cà phê, tán gẩu, đọc báo, bàn chuyện thời sự trên trời dưới đất. Trời nắng gắt đến độ ông thấy ba cái tượng của ba ông Phước - Lộc - Thọ đứng trước cổng ra vào cũng bốc khói mờ mờ. Ông tháo kính ra và dụi mắt. Cái kính ông rơi xuống đất và ông không còn nhìn thấy mọi vật rõ ràng. Ông cố gắng cúi xuống lượm cái kính lên. Chợt ông giật mình nhìn thấy một vùng đen động đậy dưới chân. Ông xoay qua nó cũng xoay quanh, ông đứng nó cũng đứng tại chỗ thành một khối lù lù đen thui. Ông đeo kính vào và nhận ra đó là cái bóng thu gọn của mình. Cái bóng nằm dưới chân ông nhỏ bé thu lu như hai bàn chân khi ông đứng thẳng. Ông chưa bao giờ đứng như trời trồng giữa trời nắng chang chang để nhìn cái bóng của mình. Hôm nay, ông ngẩu nhiên để ý đến nó. Nó loay hoai, chộn rộn, hư ảo, bay lượn vật vờ dưới chân ông. Nó tan biến và thay hình đổi dạng tuỳ theo tư thế của ông đi, đứng, và tuỳ theo ánh nắng mặt trời. Ông cười một mình và chửi thầm “Hừ! Vậy mà cái thằng ngu si đó lại cho rằng mình là người không có bóng. Chỉ có ma mới không có bóng. Chắc nó nghĩ mình là ma. A! Còn hơn cả ma vì mình biết biến hoá cuộc sống của mình. Ha...ha...a..” Ông cười thầm trong bụng và cảm thấy khoái trá khi vừa khám phá ra một điều kỳ lạ trong cuộc sống đầy thú vị. Cuộc đời như một ván cờ. Ai giỏi thì người đó thắng.

Lần đầu tiên trong nhiều năm trời, ông mới hiểu được câu nói người không có bóng. Ông tiếp tục đi thì nghe tiếng chân bước gấp và ai đó thì thầm sau lưng. Ông có cảm giác đau nhói ở lưng và ông té lăn trên đường bất tỉnh.

* * * * *

Ông Thới tỉnh dậy trong bệnh viện. Đầu ông băng kín, hai cánh tay dây nhợ chằng chịt. Vợ con ông ngồi đông đủ. Bà Thới vuốt tóc ông nói nhỏ:

- Anh không sao đâu. Rồi sẽ khỏi. May là nó chỉ đánh anh một phát sau lưng. Anh té đập đầu xuống đất nên bất tỉnh.

Ông thiều thào hỏi:

- Ai đánh tôi vậy bà?

Bà nhỏ nhẹ nói:

- Cảnh sát đang tìm hung thủ. Mấy đứa đầu trộm đuôi cướp đó mà. Nó thấy ông đứng sớ rớ một mình nên làm bậy. Ông mất hết tiền và thẻ nhà băng nhưng bằng lái và những thứ khác còn. Mấy đứa nhỏ đã thông báo nhà băng rồi. Ông an tâm.

Mấy đứa con ông cũng thi nhau an ủi:

- Ba khỏe lại là tụi con mừng rồi.

- Ba ráng tịnh dưỡng nghen. Ngày mai ba có thể về nhà.

- Về nhà ăn Tết cho vui với tụi con.

Mỗi đứa nói một câu làm ông cảm động. Ông mỉm cười nói:

- Ba cảm ơn các con lo cho ba. Cảm ơn mình.

Cánh cửa phòng mở rộng. Cô y tá bước vào trên tay là một khay đồ ăn và thuốc. Sau lưng cô là mấy ông bạn già. Người đem theo cam, nho, sữa, táo, bánh tét, bánh ích, hoa, mứt... đặt trên bàn ông. Ông cố gắng nhận diện từng người một, không thiếu một ai: Nhẫn, Hoan, Bình, Bân, Lục, Trân, Đạo, Sáng, Linh, Quắc, Lý, Nho, Thượng... và người đứng ôm bó hoa có cái bong bóng đủ màu với hàng chữ “Get Well Soon” là thằng Kính- Ốm. Ông bỗng cảm động khi thấy mình vô lý thù ghét Kính. Lẽ ra, ông không nên cãi nhau với Kính. Nó là thằng bạn nối khố bất hạnh và đáng quý. Nó là một người xứng đáng được khen ngợi và kính trọng. Nó đã làm tròn trách nhiệm người trai trong thời loạn và trung tín, chung thủy với lý tưởng của chế độ mà nó đã bỏ xương máu ra phục vụ. Còn mình, một thằng hèn, bất tài, thích an phận và hưởng lợi. Mình chỉ thích im lặng hưởng hoà bình. Mình làm sao xứng đáng để nhận lãnh những vinh dự mà người khác ban tặng. Cái danh hảo nhiều người dành cho mình chẳng qua cũng chỉ là cái bong bóng mà Kính- Ốm đang cầm trong tay. Nó bay lên thật đẹp với nhiều màu sắc rực rỡ nhưng rồi nó cũng sẽ xì hơi và méo mó. Thật ra những gì nó nói đều đúng. Nó biết nhận dạng về nhân cách sống của từng người. Nó ngạo báng thói xấu của những kẻ hay luồng lọt, chạy chọt, bợ đỡ, mượn đầu heo nấu cháo để có hư danh. Nó ghét những người như mình không có phong cách riêng mà phong cách của mình tùy thuộc hoàn cảnh và sự ưa thích của số đông có sức mạnh. Sài Gòn ngày xưa mình vang bóng. Little Saigon ở xứ người mình cũng vang bóng. Cái bóng cũ vinh hoa, phú qúy, cao sang, quyền chức cứ đi theo mình mãi mãi, vĩnh viễn và mình cần phải nuôi dưỡng nó, duy trì nó để hưởng lợi. Khối kẻ sống như mình, có hề chi và vì sao phải xấu hổ? Nhưng không ai dám nói cho mình biết sự thật của ánh hào quang đó. Chỉ có thằng Kính-Ốm, nó đã dạy cho mình một bài học về nhân cách sống cho ra con người tử tế. Chỉ làm người tử tế đã khó khăn lắm rồi nói chi đến người danh tiếng lẫy lừng.

Bàn tay bạn bè nắm chặt tay ông. Mỗi người nói một câu chúc mừng ông hết bệnh. Từng mạch máu trong người ông nóng ran. Ông có cảm giác tỉnh táo lạ thường. Có tiếng nói của Kính-Ốm vang lên bên tai ông, giọng nói run run, nghèn nghẹn ở cổ họng:

- Anh Thới à! Anh đừng giận tôi nghen. Nếu hôm qua anh ở lại chơi với anh em thì anh đâu có gặp nạn. Nếu tôi có gì làm cho anh buồn thì cũng bỏ qua cho.

Ông Thới nhìn khuôn mặt lo lắng của bạn và cố gắng mỉm cười trấn an:

- Cảm ơn Kính. Tôi không chết là may mắn lắm rồi. Sau tai nạn nầy tôi mới có dịp nằm suy nghĩ nhiều hơn. Tôi cũng có lỗi với anh nhiều lắm. Từ nay, tôi với anh sẽ thân nhau hơn xưa. Những gì anh nói rất chí tình. Tôi đã học một bài học từ anh.

Ông Kính nhếch miệng cười. Nhìn mặt bạn, ông Thới cảm thấy vui và bình an. Lần đầu tiên, ông có cảm giác tìm lại được cảm giác thân ái, thương quý bạn mình. Căn phòng của ông rộn rã tiếng cười nói của bạn bè. Những người bạn già một thời lao đao vì chiến tranh và rồi lang thang trôi dạt cuối trời Tây. Mái tóc ai cũng ngã màu tuyết trắng, những khuôn mặt nhăn nheo mệt mỏi với thời gian và những biến cố của đất nước. Sao ông lại có thể sống xa cách với số phận của bạn bè? Sao cả đời ông không bao giờ biết đến niềm đau của kẻ khác? Thật ra ông là ai? Ông đã chiếm hết sự may mắn, sung sướng về mình và bây giờ ông muốn gì thêm nữa? Ông Thới bỗng hối tiếc những gì đã xảy ra trong quá khứ và ân hận vì đã ghét bỏ bạn hiền. Bạn bè ông đông và họ đang nói với nhau những lời chúc tốt lành cho năm mới làm cho các bệnh nhân người Mỹ phải ngạc nhiên. Khi họ biết hôm nay là ngày Tết Nguyên Đán của Việt Nam, họ ồ lên vui mừng và chúc “Happy New Year.”

Mùa xuân đang reo vui ngoài kia và người Việt Nam trên khắp năm châu đang rộn rã đón xuân sang. Lòng ông Thới bỗng hân hoan, ấm áp lạ thường. Ông thiếp đi trong giấc ngủ bình thản, êm ái...


Tết Canh Dần 2010

 


PHONG THU

Tên thật: Nguyễn thị Phong Thu, sinh Trưởng tại Bình Dương, Việt Nam.

Cựu học sinh Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Gia Định, Sài Gòn.

Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn với hai bộ môn Kỹ thuật Văn chương và Tâm Lý Giáo Duc.

Cựu giáo Sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Bình Dương, Việt Nam.

Bắt đầu cầm bút 1980. Những tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ:

Truyện ngắn:

-  Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ (2003)

-  Đóa Phù Dung (2005)

 Nhà Văn Phong Thu và gia đình hiện đang cư ngụ tại Maryland, WA -  DC

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.