.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn | LLâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ -  Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Phong Thu

Gặp gỡ họa sĩ Vi Vi và Cát Đơn Sơ

Mỗi năm khi Tháng Tư về, tại Washington D.C thường rộn ràng, náo nức vì tiết trời mùa xuân, ấm áp, hoa anh đào và các loài hoa nở rộ dọc theo tất cả các con đường. Nắng đã sưởi ấm vạn vật sau những ngày đông giá rét. Năm nay, thời tiết thay đổi, mưa nhiều, trời u ám buồn và ít nắng nên hoa anh đào nở muộn. Lá chưa kịp đâm chồi nẩy lộc và chim muôn lười cất cao giọng hót. Thế nhưng cuộc triển lãm tranh của đôi uyên ương họa sĩ Vi-Vi và Cát Đơn Sa làm giới văn nghệ sĩ cũng như giới hâm mộ tranh vẽ xôn xao tìm đến Nhà Việt Nam nằm trên đường 308 Hillwood Ave, Falls Church, VA 22046, từ ngày 10/4/ đến 13/4/2011.

Hoạ sĩ Vi-Vi tên thật là Võ Hùng Kiệt, sinh trưởng tại Vĩnh Long. Ông say mê hội hoạ từ khi còn bé. Năm 1958 đã có truyện vẽ bằng tranh trên báo Tuổi Xanh do ông Bùi Văn Bảo làm chủ Nhiệm. Ông tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn, nhập ngũ và phục vụ tại phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Ông cầm cọ đã trên 50 năm. Bút hiệu Vi-Vi được ông ghép lại từ hai chữ Việt Nam và Vĩnh Long. Trước năm 1975, nhiều người biết đến hoạ sĩ Vi-Vi không chỉ về tài vẽ tranh của ông, mà giới trẻ cũng hâm mộ và say mê những bức tranh vẽ của Vi-Vi dành cho thanh thiếu niên trên các tạp chí Tuổi Xanh, Tuổi Hoa (Hoa Xanh, Hoa Tím, Hoa Đỏ), xuất bản tại Sài Gòn. Ông còn cộng tác vẽ truyện tranh cho hai nhật báo Dân Chủ và Độc Lập. Ngoài tài vẽ tranh, ông còn nổi tiếng về vẽ mẫu Tem Thư bưu điện. Từ năm 1965 đến 1975, ông đã liên tiếp đoạt 33 giải Tem Thư, có 27 mẫu tem chiếm giải nhất được Tổng Nha Bưu Điện VNCH tổ chức hàng năm. Những mẫu Tem Thư nầy được in ấn, phát hành và sử dụng trên toàn Miền Nam. Không chỉ vẽ tranh, người hoạ sĩ tài hoa Vi-Vi còn có tài điêu khắc. Ông đã tạc nhiều pho tượng tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ và Canada.

Sau 1975, ông bị cộng sản bắt bỏ tù hai lần. Năm 1981 ông vượt biên và được định cư tại Montréal, Canada. Sau khi kết hôn với nhà văn Diễm Châu, ông sang định cư tại California từ năm 1995 cho đến nay.

Theo giới cầm cọ nhận xét, thì hoạ sĩ Vi-Vi vẽ tranh hiện thực, tái hiện sự vật, con người, khung cảnh qua cảm quan nhạy bén, tinh tế bằng màu sắc hài hoà và trí tưởng tượng phong phú. Trong những bức tranh ông mang sang triển lãm lần nầy, có một số bức tranh làm giới thưởng ngoạn ưa thích là “Thế Giới Hội Hoạ của Frida Kahlo”, tái hiện nguyên thuỷ hình ảnh của nữ hoạ sĩ người Mễ Tây Cơ với những bức hoạ cô đã vẽ trong suốt thời gian cô bị bại liệt do một vụ tai nạn xe hơi; “Thiếu Phụ Mũi To” của danh họa Picaso, chân dung của Tổng Thống Ronald Wilson Reagan, chân dung hoạ sĩ Edward Munch. Ngoài ra, những họa phẩm sáng tạo linh động và sâu sắc lôi cuốn người xem như: Chuổi Bồ Đề, Sen Pha Lê, Hương Lài-Hoa Sen, Đèn Sen Bồng Bềnh, Bơ Vơ, Đêm Hội An….Những bức hoạ nầy lập tức đã có người đặt mua ngay. Trong đó số những người mê tranh của hoạ sĩ Vi-Vi có nhà thơ Hoàng Dung trong nhóm VCPN của chúng tôi. Hoàng Dung mua hai bức tranh “Chuổi Bồ Đề và Cùng Mỹ Quốc.”

Người bạn đời của hoạ sĩ Vi-Vi là Cát Đơn Sa cũng đã triển lãm những bức tranh ngộ nghĩnh và sáng tạo như :“Đi chợ, Người Mẹ H’mong, Tình Mẹ Bao La, Ruộng Sen, Hoa và Chim, Tình Bạn, Trên Lưng Mẹ, Lá Mùa Thu, Tôi Chờ Nửa Tôi, Em Yêu Mẹ Quê….Tranh của chị biểu hiện nữ tính rõ nét qua màu sắc và bố cục. Chị gởi vào tranh hình ảnh người Mẹ, và làng quê Việt Nam bằng nét cọ chân phương, mộc mạc và gây cảm xúc cho người xem.

Nói về Các Đơn Sa, tôi cũng cần phải nhắc lại mối duyên hạnh ngộ giữa tôi và chị. Tôi thường nghe nhà thơ Quốc Nam nhắc về chị. Khi tôi tổ chức Đại Hội Văn Chương Phụ Nữ vào tháng 8 năm 2010, tôi đã gởi thư mời họa sĩ Vi-Vi và Cát Đơn Sa. Nhưng anh chị không thể tham dự. Và từ đó, hoạ Sĩ Cát Đơn Sa vẫn thường xuyên liên lạc với tôi bằng email. Tôi rất thích xem trang website www.hoasivietnam.com do anh chị thiết kế.  Nơi đó, giới thiệu nhiều hoạ sĩ, điêu khắc gia của Việt Nam và thế giới. Qua tìm hiểu, tôi được biết chị là ca sĩ Diễm Châu, tên thật là Nguyễn Thanh Hương, sinh ra tại Đơn Sa, Quảng Bình, thành phố Huế. Ngoài tài ca hát, chị còn viết văn. Trước 1975 tại Sài Gòn, chị cộng tác viết tiểu thuyết cho báo Phụ Nữ Mới, Phụ Nữ ngày Mai do bà Bút Trà làm Chủ Nhiệm. Rời Việt Nam sang Hoa Kỳ định cư từ năm 1975, Diễm Châu vẫn ca hát và cộng tác các báo chí hải ngoại. Sau đó, chị chính thức rời ánh đèn sân khấu và trở lại cầm bút. Chị cộng tác với nhiều tạp chí hải ngoại và viết tiểu thuyết và truyện ngắn.

Khi chúng tôi đến Nhà Việt Nam, quan khách đã đến rất đông. Những khuôn mặt quen thuộc của cộng đồng và giới truyền thông đã có mặt như: ông Võ Thành Nhân (Giám Đốc đài truyền hình VATV), bà Kiều Thu và ông Đậu Thanh Vân (SBTN), ông bà Bùi Dương Liêm và phu nhân (đài truyền hình Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn), ông bà Lưu Lệ Ngọc (đài truyền thanh), ông Đoàn Hữu Định và phu nhân (Chủ Tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ  Washington. MD, VA), ông Đỗ Hồng Anh và phu nhân (Chủ Tịch cộng đồng vùng D.C. MD và VA), nhà thơ Hà Bỉnh Trung, nhiếp ảnh gia Kỳ Sơn, thân hữu Hoàng Long (Hiệp Hội Thẩm Mỹ), nhà thơ Bùi Thanh Tiên và nhiều quan khách mà tôi không quen biết. Nhà văn Sơn Tùng đang đứng giới thiệu về họa sĩ Vi-Vi và Cát Đơn Sa. Khi hoạ Sĩ Vi-Vi được mời phát biểu anh nói rất ít về mình. Anh nói rằng anh triển lãm tranh ở Washington D.C là do sự sắp đặt của hoạ sĩ Cát Đơn Sa. Do tình cảm của mọi người ưu ái cho anh trong suốt nửa thế kỷ, nên anh vẫn tiếp tục cầm cọ. Anh sẽ vẽ cho đến khi nào anh không còn vẽ được nữa. Anh cảm ơn Ban Tổ Chức, thân hữu và quan khách đã hổ trợ cho anh.

Nhà văn Sơn Tùng mời nữ họa sĩ Cát Đơn Sa phát biểu thì chị nói rằng chị chỉ vẽ tài tử. Chị đến với hội hoạ như một cơ duyên. Khi chị dọn dẹp phòng vẽ cho anh Vi-Vi và thấy nhiều vải bố anh bỏ đi. Chị tiếc nên đem cất và xin màu của anh quẹt chơi. Ban đầu vẽ lung tung rồi đâm ra say mê vẽ như anh Vi-Vi. Từ đó người ta gọi chị là họa sĩ.

Trong căn phòng nhỏ, gọn, ấm cúng tôi đã thấy một cái bàn dài trưng bày tem thư và những bức tranh anh vẽ bìa cho các tạp chí Tuổi Hoa, Tuổi Xanh, Tuổi Đỏ trước năm 1975. Những bức tranh dễ thương nầy thu hút và hấp dẫn tôi từ khi tôi còn là cô bé mới chín, mười tuổi. Nhiếp ảnh gia Kỳ Sơn, Hoàng Long và Hoàng Dung cũng mãi mê xem những bức tranh được đóng thành tập cẩn thận. Một cái bàn dài sát bên là một bình hoa, những món đồ tranh sức cho phụ nữ như vòng đeo cổ và bông tai. Bên cạnh là những đĩa thức ăn gồm trái cây, bánh, xôi, thạch…và nước uống. Trên tường là những bức tranh của Cát Đơn Sa và Vi-Vi treo xem kẻ. Tôi đến chào hoạ sĩ Cát Đơn Sa. Tôi ủng hộ chị bằng cách mua sách và đồ trang sức Swarovski Crytal bằng cẩm thạch và đá do chị làm ra. Chúng tôi muốn tâm sự với nhau nhiều hơn nhưng thấy chị bận nên đành phải hẹn nhau vào ngày khác. Lan Cung thì mua sách và CD. Tôi cũng đến chào hoạ sĩ Vi-Vi. Khi nghe tôi giới thiệu tên, anh nói: “Nghe tên tưởng là một bà già nào đã sáu, bảy chục tuổi. Ai ngờ PT còn trẻ măng.” Tôi nghe xong nở lỗ mũi (một giây thôi vì tôi cũng đã già rồi). Tôi cảm ơn anh và nói về một vài bức tranh tôi thích. Anh vui vẻ đáp rằng: “Người bên ngoài đẹp và sống động hơn tranh. Vì người thực mình còn tâm tình, trao đổi và tạo tình bằng hữu.”. Anh ít nói nhưng nói rất chân tình.

Ngày thứ tư 14/4, hoạ sĩ Cát Đơn Sa gọi điện thoại mời tôi đến nhà một người thân dự tiệc. Nhưng xa quá tôi phải từ chối. Tôi mời anh chị đi ăn sáng vào ngày Chủ Nhật 17/4 tại quán Nha Trang. Chúng tôi có dịp tâm sự riêng về những vấn đề trong cuộc sống, văn học, hội hoạ và những sinh hoạt trong cộng đồng. Anh chị cho biết đã đi triển lãm ở nhiều tiểu bang khác nhau và được giới yêu tranh chào đón nồng nhiệt. Đó là niềm an ủi lớn nhất cho người họa sĩ. Hoạ sĩ Vi-Vi có nhả ý vẽ chân dung cho tôi. Và anh đã đem vá vẽ, bút chì phác họa hình tôi tại chỗ. Chỉ trong 10 phút là anh đã vẽ xong. Anh ký tên và tặng tôi. Chị Cát Đơn Sa nói hình đẹp lắm. Tôi nói anh vẽ tôi đẹp hơn bên ngoài. Anh cười hiền hậu đáp: “Đó là kỷ niệm ngày anh đến Washington D.C. Đâu có gì tặng PT. Chỉ có tấm lòng.” Chị Minh Nguyễn xuất hiện và chúng tôi lại có dịp nói chuyện lâu hơn. Tôi phải chia tay sớm vì trở lại sở học tiếp chương trình tu nghiệp.

Chia tay đôi uyên ương Vi-Vi và Cát Đơn Sa, tôi vẫn còn nhớ nụ cười ấm áp, cử chỉ ân cần của chị. Và tôi vẫn nhớ khuôn mặt hiền lành, chân thật của anh nấp dưới chiếc nón dạ bằng nỉ che khuất vầng trán. Vi-Vi và Cát Đơn Sa đã mang lại hơi ấm tình văn nghệ sĩ cho tất cả chúng tôi.

Cầu chúc đôi hoạ sĩ Vi-Vi và Cát Đơn Sa bình an, hạnh phúc và sáng tạo thêm những hoạ phẩm giá trị cho đời, cho người.

 


PHONG THU

Tên thật: Nguyễn thị Phong Thu, sinh Trưởng tại Bình Dương, Việt Nam.

Cựu học sinh Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Gia Định, Sài Gòn.

Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn với hai bộ môn Kỹ thuật Văn chương và Tâm Lý Giáo Duc.

Cựu giáo Sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Bình Dương, Việt Nam.

Bắt đầu cầm bút 1980. Những tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ:

Truyện ngắn:

-  Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ (2003)

-  Đóa Phù Dung (2005)

 Nhà Văn Phong Thu và gia đình hiện đang cư ngụ tại Maryland, WA -  DC

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.