.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Phong Thu

Sài gòn, mưa vẫn rơi

Phong Thu : Tôi viết để chia sẻ niềm đau với đất nước và dân tộc tôi. Tôi viết để ca ngợi và cầu nguyện cho những người dũng cảm đang bị bức hại, đoạ đày trong ngục tối. Tôi viết để nhỏ những giọt lệ lòng, thương cho thân phận người Việt Nam máu đỏ, da vàng.

  • 4.04.2008

Cô bé ôm chồng báo trên tay đi khắp nơi trong thành phố Sài Gòn. Nếu sáng nó có mặt ở hồ con Rùa, vườn Tao Đàn, ngã tư Bảy Hiền, thì trưa hay chiều nó chạy đến khu vực ngã ba Ông Tạ, Lăng ông bà Chiểu, chợ Bến Thành... Nó chạy đi suốt ngày không biết mệt. Đôi chân giang hồ, phiêu bạc của nó đã chai sạn trong những tháng ngày dầm mưa, dãi nắng. Nó đi qua nhiều biệt thự, cao ốc, siêu thị, cửa hàng. Nơi mà nó chỉ được đứng nhìn trong sự thèm khát, mơ ước. Đôi khi nó đến những biệt thự sang trọng, sơn phết xinh đẹp, lịch sự nó biết đó là nhà của cán bộ, hay của những người có thân nhân ở nước ngoài. Có người tội nghiệp cũng mua cho nó vài tờ báo, nhưng cũng có người thấy nó là tránh xa như hủi. Nó cũng biết rằng nơi nào là chung cư hay cơ quan nhà nước thì sập xệ, tồi tàn, dơ bẩn, xuống cấp. Ở những xóm lao động nghèo thì nơi đó nó không hy vọng kiếm ra tiền. Người dân nghèo không có tiền ăn lấy đâu ngày nào cũng mua báo. Phải đi kiếm những người buôn bán, giới trí thức có tiền, người quen của ba ngày xưa và tìm Việt kiều. Mấy đứa con nít bán báo, bán vé số, bán nước mía, đánh giầy... cu-li như nó, có kinh nghiệm kiếm tiền từ những Việt kiều về thăm quê hương. Nếu ngày nào trúng mánh, kiếm được 5 đô la là ấm, cả nhà có thể cháo rau trong hai ngày. Bé Mai suy nghĩ bâng quơ về cơn mưa chiều mà lòng nặng trĩu nỗi lo. Em trai nó bịnh, nhà không còn tiền thang thuốc. Thuốc men mắc quá làm sao thằng Cư qua khỏi cơn sốt. Má nó âu sầu ngồi nhà chờ nó mua thuốc về và có tiền mua ít gạo nấu cơm chiều. Bé Mai lo nhất là mưa Sài Gòn. Mưa dạo nầy sao dai dẳng, nặng hạt, mang nhiều hơi lạnh và gió. Mưa cuốn tung những chiếc lá trên những hàng cây cao và ném xuống mặt đất những nhánh cây khô cùng lá chết. Nhờ vậy, nó có thể lượm những nhánh cây khô đem về phơi, chụm lửa nấu cơm. Nó thích mưa nhưng cũng sợ mưa làm đường sá ngập lụt, rác trôi lềnh bềnh, nước cống, nước mương sình thối tràn lên mặt đường nhựa, đóng lại mặt đường một lớp sình màu đen xỉn, dơ bẩn và hôi hám. Mưa cũng làm cho nhà nó ngập lụt, mấy tấm tôn mục nát bị nước mưa thấm vào trong chảy thành dòng xuống cột nhà. Nhà nó dột như ở ngoài sân. Với những bộ đồ phong phanh làm sao má nó và bé Cư đủ ấm. Giá như ba nó đừng ở tù, ba còn đi làm nhà nước, má nó còn dạy học thì cuộc sống không đến nỗi cơ cực, đầy lo lắng như hiện nay. Bé Mai thấy bực tức vì nó nhỏ quá! Nó không hiểu được vì sao người ta đến bắt ba nó tống vào ngục, hăm doạ má nó, và không cho má đi dạy học. Chỉ trong vòng một năm, gia đình nó tan nát. Giấc mơ trở lại trường học trở thành xa vời đối với nó.

Cô bé lẽo đẽo đi theo sau người đàn bà mặc bộ đồ vest màu tím sậm từ trong cổng chùa Vĩnh Nghiêm bước ra. Bà đi bộ thong thả, đôi kính đen che mặt. Cô bé kiên nhẫn đi theo bà một đoạn đường khá xa, và nó bắt đầu mời mọc:

- Thưa bà, mời bà mua giúp cháu vài tờ báo.

Nghe tiếng nói nhẹ nhàng và lễ phép, người đàn bà quay lại. Bà nhìn nó từ đầu đến chân:

- Cháu năm nay bao nhiêu tuổi? Sao không đi học mà phải đi bán cực khổ vậy.

- Dạ cháu 9 tuổi. Nhà cháu nghèo quá nên phải đi bán báo.

Nhìn mái tóc cáu bẩn, quyện chặt vào nhau dính sát vào da đầu. Hai mắt đen láy ngây thơ nhìn như van xin, cầu khẩn, người đàn bà chạnh lòng. Bà mở túi xách lấy ra một tờ giấy mười đô la màu xanh mới tinh nhét vào tay cô bé. Giọng bà thương cảm:

- Cô cho cháu. Cháu về nhà đi. Trời sắp mưa lớn lắm!

Cô bé mở to đôi mắt nhìn người đàn bà. Nó chỉ kịp cảm ơn rồi đứng chôn chân tại chỗ. Nỗi vui mừng làm tim nó đập loạn xạ. Nó nhảy tưng tưng, hát nho nhỏ một bài ca hạnh phúc. Thân hình bé nhỏ của nó đong đưa, nhỏ bé, yếu ớt trong dòng chảy hổn loạn của người bộ hành và xe cộ đủ loại.

Một đám trẻ con rách rưới, lem nhem từ đâu ùa ra vây quanh cô bé. Đứa con trai cao lớn nhất đám, có hàm răng hô và đôi mắt ốc nhồi hỏi giật giọng:

- Ê Mai! Tiền đâu mà nhiều vậy. Bà Việt Kiều đó cho mầy hả? Sao mầy nịnh hay vậy?

Con bé trạc mười tuổi, tóc le que vài sợi xoã rối nùi, che gần hết khuôn mặt dài và nhọn. Môi nó bĩu ra:

- Con nhỏ nầy đi đâu cũng gặp may. Ai thấy nó cũng muốn cho tiền. Tại cái mặt nó có in hình thằng cha cán bộ gộc sao đó.

- Chớ còn gì nữa. Nhà nó lúc trước là một cái vila nhà nước cấp. Hỏng hiểu sao ba nó đi tù.

Một đứa khác nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất, cất giọng chanh chua:

- Ba tao nói ba nó ngu. Làm cán bộ ăn ngon mặc đẹp, ở nhà lầu đi xe hơi không chịu, chịu vô tù.

- Bởi vậy nó mới đi bán báo.

Cô bé quay mặt đi. Nước mắt nó chực trào ra. Nó ôm đầu bỏ chạy mặc cho tiếng cười của lũ trẻ đuổi sau lưng.

Sài Gòn mưa như trút nước. Những cơn gió lạnh thổi vu vút trên những hàng cây dọc bên đường. Hoàng hôn đã chụp xuống thành phố. Những ánh đèn điện toả sáng trên những cao ốc, cửa hàng, quán tiệm chiếu xuống mặt đường loáng loáng nước một thứ ánh sáng nhạt nhẻo, lạnh giá và huyền hoặc. Mọi hoạt động náo nhiệt như dừng lại. Cô bé ôm chồng báo trên tay lầm lũi đi. Đôi chân trần lem luốc, đen nhèm và cáu bẩn cứ bước đều trên các đường phố. Mai cố gắng bán cho hết báo nhưng chiều nay mưa lớn quá! Nước từ trên trời rơi xuống, nước từ cống rãnh tràn trên mặt đường đen kịt, mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Sài Gòn vào những lúc mưa to, mực nước dâng cao đôi lúc lên đến 1,42m. Ở quận 8, 12, 7, Bình Thạnh, Thủ Đức thì ngập cao có lúc lên đến 30 hoặc 40 cm, có khi lên đến 80cm. Trong một tháng có nơi bị ngập hết 20 ngày. Người người lội nước, nhà nhà ngập nước. Có những ngày không mưa, trời nắng chang chang cũng ngập lụt mới kỳ lạ. Xe tha hồ chết máy nằm giữa đường, xe ba gác, xe gắn máy, xe đạp lội bì bõm toé nước vào nhau. Tai nạn giao thông và thương vong cứ tăng lên. Tiếng nguyền rủa, nghiến răng, chửi thề, chửi tục cứ vang lên, nhưng con đường vẫn như cũ. Bao nhiêu năm trôi qua rồi, người dân ở những xóm lao động nghèo đã quen sống như cá, phải biết lội nước và thích nghi với hoàn cảnh mới. Mai nhìn những người công nhân đi làm phải xoắn quần lên quá gối mà lội trong dòng nước đen kịt, đầy rác rưỡi trôi lều bều mà nhớ cái dáng lom khom, lội nước của ba nó mỗi sáng đi làm trên con đường ngập nước. Ba thường nói với Mai những mơ ước đơn giản về dự án xây dựng thành phố, thị trấn trở nên xinh đẹp và an toàn. Giờ thì ba ngồi trong tù, giấc mơ bay bỗng của ba đã vỡ vụn.

Băng qua con hẻm nhỏ, những ngọn đèn đường lù mù hắt những tia sáng yếu ớt xuống xóm nghèo xơ xác. Mai đi luồn lách qua những mái hiên đổ nát loang lỗ, tràn ngập nước. Nó dừng lại trên con đường ngoằn nghoèo như lún sâu dưới làn nước, và tiến về căn nhà lụp xụp, vách lợp ván thô cũ mèm, mái lợp tôn thấp lè tè. Nó bước vào nhà gọi lớn:

- Má ơi! Mưa lớn quá! Má và bé Cư có sao không?

Căn nhà lạnh tanh, một ngọn đèn dầu leo lét đặt trên chiếc bàn nhỏ chỉ đủ soi một góc nhà. Nước tràn vào nhà cao đến nữa chân giường. Yến một tay bế đứa bé, một tay bưng một cái thau hứng nước mưa dột từ nhà xuống đặt trên giường. Giọng nàng buồn như đưa đám:

- Ừ! Con về đó hả! Nước dâng cao quá! Tối nay má con mình không nấu nướng được- Thấy Mai ướt loi nhoi và run lập cập, Yến giục- Đi thay đồ nhanh lên rồi má đi mua cháo về ăn. Ừ! Nhà đâu còn tiền.

Bé Cư đứng trên giường thấy Mai quần áo ướt mèm nên vỗ tay cười:

- A! Chị hai giống chuột lột quá há! Có mua bánh cho em hông?

Mai hôn vào má Cư một cái rồi quay sang nói với má:

- Bé Cư bớt nóng rồi hả má? Con sẳn ướt, má đừng lo. Bữa nay, con gặp được một bà Việt kiều rất tốt bụng. Bà cho con một ít tiền nên con đi mua thuốc cho bé Cư và đồ ăn cho cả nhà. Con đi  không xa đâu. Con sẽ về liền.

Mai biến mất. Yến ngẩn ngơ nhìn con mà lòng đau như cắt. Từng tuổi đó mà đã hứng chịu gian truân. Bỗng dưng nước mắt nàng ứa ra khi nghĩ đến những ngày đen tối của chồng trong ngục tối và tình trạng bi đát của các con. Tương lai, hạnh phúc của gia đình bỗng chốc đổ vỡ. Vì đâu các con phải khổ. Cuộc đời và tương lai các con sẽ đi về đâu. Bóng tối đã phủ xuống mái đầu xanh vô tội. Yến áp bé Cư vào lòng, và những giọt nước mắt của nàng như cơn mưa ngoài kia tuôn xuống không ngừng trên đôi má hóp, gầy guộc của người thiếu phụ trẻ.

Bé Mai lủi thủi dầm mình trong cơn mưa. Chiếc áo mưa màu xanh da trời đã rách te tua nó còn giữ lại mặc che thân mỗi khi trời mưa lớn. Nó ghé vào tiệm thuốc tây mua thuốc cho bé Cư và đem theo cái cà mèn mua cháo để mang về. Nó nghĩ đến hình ảnh quây quần của ba mẹ con bên những chén cháo gà nóng hổi thật là tuyệt. Mưa lớn từ chiều nên nước dâng rất cao. Có nơi ngập qua khỏi đầu gối của Mai. Đường giờ nầy vắng vẻ không có nhiều người và xe cộ qua lại. Mấy bác tài xế xích lô, ba bánh rất sợ chạy vào các ngõ hẻm và những con đường ở đây. Họ sợ lọt hố, lọt cống. Xe cộ không hư hỏng thì người cũng thương tật. Một đám trẻ con nhếch nhách đang tắm mưa. Chúng chạy nhảy, gào thét thi đua với mưa gió. Bỗng có một đứa chạy về phía Mai, nó đụng phải Mai, rồi cười khút khít biến vào một khúc rẽ. Mai bị hất về phía trước, chiếc cà mèn đựng cháo văng khỏi tay, rơi xuống một ống cống nước chảy ào ạt, cuốn xoáy. Cô bé chới với cố chụp lại và mất thăng bằng trợt chân rơi xuống dòng nước cống đen ngòm như mực. Mùi hôi thối xông vào mũi, vào mắt cô bé. Nó chới với, hai tay quờ quạng tìm điểm tựa để nhoi lên. Nhưng cống quá sâu, chân nó bước hụt hẩng. Dòng nước như một con quái vật cuốn Mai trôi mãi vào trong lòng cống sâu hun hút. Mai cố giẫy giụa, la lên cầu cứu nhưng tiếng kêu không thoát ra khỏi cổ họng. Mặt mũi nó tối sầm lại. Một màu đen thăm thẳm trùm phủ khắp tâm trí cô bé. Nó ngất đi...

Cả đêm đó, cái xóm lao động nghèo vang lên tiếng gào thảm thiết của người mẹ đi tìm con “Mai ơi! Con đang ở đâu. Con về nhà đi Mai. Má chờ co..o...n...” Những ánh đèn pin soi khắp nẻo đường. Mưa cứ vô tình rơi, rào rạt, buồn tênh. Cả bầu trời giá lạnh, âm u, sầu não.

 

*****

 

Những giọt mưa cứ rơi đều ngoài song sắt. Tiếng mưa rên rỉ, lộp bộp như gõ hàng triệu bàn tay sắt trên mái tôn. Mưa như khơi dậy trong lòng những người tù niềm cô đơn, và sự mong nhớ những kỷ niệm vui buồn đã xa tít mù khơi. Một vệt sáng yếu ớt ngoài khung cửa trên cao rọi xuống căn nhà tù ẩm thấp, tối tăm. Thông không biết ngày hay đêm, tối hay sáng. Ngày nào đi lao động trên những gò đất khô cằn, Thông và các anh em bạn tù còn có thể đoán được thời gian theo ánh nắng mặt trời. Ngày nào mưa dầm, gió lạnh thổi vi vút, những người tù được nằm trong tù nghe mưa rơi. Họ cảm thấy thời gian như ngưng đọng, thế giới của họ tăm tối, tương lai trước mặt là một màu đen u tối. Tù cải tạo. Ba tiếng đó như những nhát dao bâm nát cuộc đời của biết bao người. Ngày xưa, khi còn có chức, có quyền, có cuộc sống tương đối đầy đủ, Thông không bao giờ hiểu được những từ ngữ “học tập cải tạo, trại tập trung cải tạo, trại giáo huấn...” Nhưng khi vào tù, Thông mới hiểu rằng, trại học tập cải tạo là một địa ngục trần gian mà nhiều người ở chế độ miền Nam đã niềm trãi. Nơi đó, chỉ khác là không có bọn quỷ sứ ma vương mặt mày gớm ghiết, hình thù quái dị với nanh vuốt dài, với những đôi mắt đỏ ngầu như những vũng máu. Những con ác quỷ dưới âm ty địa ngục biết hút máu người, đánh đập và khủng bố tinh thần để tội phạm khai báo tội mình đã làm trên trần gian. Trong tù, không có những vạt dầu sôi sùng sục, không có chỉa ba, không có lò lửa như dưới địa ngục, nhưng có tất cả những dụng cụ tra tấn dã man không thua gì dưới âm phủ. Và bọn cai ngục mang hình người, nhưng lòng dạ chẳng thua gì bọn quỷ vương. Một bửa ăn của người tù cải tạo chỉ có một chén cơm lưng lửng, vài giọt muối pha nước loãng bỏ vào vài lát ớt. Một chén canh rau muống do họ tự trồng lấy vừa để nuôi heo, vừa nấu canh đại dương ăn để sống cầm hơi. Một hình thức đày đọa con người về vật chất và khủng bố tinh thần bằng những ngày đói rét, thiếu thốn trăm bề. Thông là con của một vị tướng cộng sản đã hy sinh trên chiến trường. Mẹ anh là cán bộ nằm vùng hoạt động trong nội thành Sài Gòn. Nhưng nay, con của vị tướng đang phải ngồi trong ngục tối, nơi mà ngày xưa ba anh từng mơ ước nó chỉ mở ra cho những người bên kia chiến tuyến. Ba ơi! Thế là ba nằm xuống trong nghĩa trang quân đội bên cạnh những người anh hùng dân tộc. Những người đã đổ xương máu, mồ hôi, nước mắt qua nhiều thế hệ để mơ ngày đất nước thống nhất. Những người cả cuộc đời đã lăn vào lằn tên mũi đạn để tìm chân lý. Giờ họ nằm đó, nắm xương tàn về với lòng đất. Chết là hết, họ không còn biết đau khổ, thù hận hơn thua. Họ trở về với lòng cát bụi, làm bạn với cỏ cây, hoa lá, mây trời, mưa gió. Họ không còn vướng bận ưu phiền của nhân thế. Họ mang theo thế giới bên kia tất cả sự mãn nguyện, sự bình an. Họ không cảm thấy đau khổ, trăn trở trong cuộc sống thực tế. Và ba, chắc ba không biết đứa con trai duy nhất của ba bây giờ đang ngồi đây. Nó đang nhìn ngày tháng qua mau bên khung cửa tối tăm, hôi hám của nhà tù. Ở đây là một nhà tù nhỏ, nhưng ngoài kia là một nhà tù lớn đầy bức bối, đầy tranh chấp, tham vọng và tội ác. Con cũng không được phép sống cho ra một con người trong xã hội loài người. Con phải làm sao ba? Con phải lựa chọn con đường nào để sống? Tại sao con lại phản bội ước vọng của ba? Ba có muốn miền Nam đói rách, lầm than, khốn khổ như hôm nay không? Sao ba không sống vài năm để hiểu một phần nào lý tưởng mà ba đã phải hy sinh cả mạng sống của mình để đổi lấy? Con tin chắc ba cũng đau khổ không khác gì con. Mỗi khi nghĩ đến ba anh, lòng Thông đau đớn khôn cùng. Hình ảnh vợ con luôn ám ảnh Thông. Không biết giờ nầy bé Mai, bé Cư và Yến đang làm gì? Chắc cả nhà đang ngồi nhìn mưa rơi. Căn nhà trống trãi và dột tứ tung, anh định sửa nó từ mấy năm trước, nhưng chưa có tiền mua tôn để thay. Chắc đêm nay, cả nhà ướt loi nhoi. Thân anh còn có nghĩa lý gì. Chỉ thương vợ và hai con vì anh phải khổ. Lòng người tù làm sao yên? Lão Đồng, một người bạn tù lớn tuổi, ở cùng phòng đến ngồi bên cạnh Thông:

- Buồn hả anh bạn trẻ. Cố gắng quên mọi sự, tỉnh tâm thì mới có cơ hội sống sót trở về.

Thông lắc đầu nhìn người tù. Khuôn mặt lão dài, xanh xám, đôi mắt sâu bị che phủ bởi những sợi tóc bạc trắng loà xoà trước mặt. Bàn tay lão chỉ có xương bọc da ló ra từ chiếc áo tù bạc thết, nham nhở những vết đen vá chùm, vá đụp. Nhìn lão không ai đoán được lão bao nhiêu tuổi. Lão luôn có thái độ thản nhiên, ung dung tự tại như đã quen với cảnh tội tù.

- Chú ở tù bao lâu rồi?

- Tính ra đã hơn một phần tư thế kỷ. Người tù như tôi không có ngày về.

- Chú tội gì mà ở tù lâu vậy?

- Viết văn, làm thơ chống chế độ. Đó là bản án họ kết tội tôi.

- Chỉ có vậy mà ở tù lâu vậy sao?

Lão Đồng cười khẩy vẻ ngạo báng:

- Có tư tưởng khác là có tội với nhân dân, đảng và nhà nước. Cũng tại mình gàn dỡ, điên điên, khùng khùng nên mới mang hoạ vào thân. Phải tỉnh táo, khôn ngoan, thức thời một chút thì đời đâu có quay lưng lại với mình.

Từ ngày vào đây, Thông chưa bao giờ nói chuyện với lão ngoài vài câu chào hỏi xã giao. Thông không hiểu gì về lão. Anh chỉ biết lão là một người tù thầm lặng, ít cười nói và không bao giờ tâm sự với ai. Không hiểu sao hôm nay lão tỏ ra thân thiện với anh. Thông hỏi nhỏ:

- Chú còn gia đình?

- Tất cả đã vượt biên, sống ở nước ngoài.

- Tại sao chú không đi?

- Thích ở lại quê hương để xem các ông cộng sản làm gì sau bao năm chiến đấu anh dũng đòi thống nhất đất nước.

- Chú là một người yêu nước.

- Chỉ có anh là nói tôi yêu nước. Trong biên bản của công an, tôi là thành phần nguy hiểm, chống đối nhà nước và lật đổ chính quyền.

- Chú có đảng phái, băng nhóm nào và có vũ khí lật đổ chính quyền không?

Lão Đồng cười lớn, nụ cười lão hồn hậu như một đứa trẻ lên năm:

- Nếu có họ đã bắn tôi rồi. Họ chỉ nói tư tưởng của tôi là những viên đạn nguy hiểm có thể chọc thủng chế độ.

Thông đang buồn nhưng khi nghe lão nói anh cũng cười. Anh đổi tư thế ngồi, và lấy ra trong bọc giấy để trên đầu nằm hai điếu thuốc đã cong queo. Anh vuốt cho thẳng và trao cho lão Đồng một điếu. Thông đốt thuốc bằng một bao diêm và mồi thuốc cho lão. Cả hai tựa lưng vào bức tường đen kịt, cáu bẩn hút phì phèo. Có thể cơn mưa giá lạnh ngoài kia làm cho hai tầm hồn cô đơn gặp nhau.

- Chú kể cho cháu nghe về cuộc đời của chú đi.

Lão Đồng rít từng hơi thuốc. Lão muốn nuốt từng ngụm khói vào bụng như sợ chúng tan loãng trong không gian. Cơn thèm của người tù thật ghê gớm. Họ khao khát những thứ hết sức tầm thường, bé nhỏ. Ngay cả không khí, ánh sáng, một thứ ân huệ mà trời ban cho con người, rẻ nhất, hào phóng nhất, và không có ai trên thế gian nầy phải tốn tiền mua. Nhưng nó lại hết sức quý giá đối với người tù. Điếu thuốc trong lúc nầy hiếm, quý biết bao đối với lão. Nhất là nhiều năm qua, lão không còn ai để tâm sự, để chia xẻ những gì lão luôn chất chứa trong tâm. Lão ở đây lâu lắm rồi. Những người anh em của lão đã lần lượt ra đi. Kẻ chết trong tù, người may mắn ra khỏi tù, và nhiều người đã đi định cư ở đất nước thứ ba. Lão ra tù mà không chịu rời khỏi Việt Nam như bao nhiêu người khác. Lão nói với bạn bè rằng muốn ở lại để cống hiến tài năng cho đất nước. Nhưng ai cần lão? Thứ phế thải của xã hội. Vậy mà lão vẫn mơ rằng mười năm, hai mươi năm đất nước sẽ khá hơn. Chính quyền sẽ nhìn đến những người yêu nước như lão. Lão làm thơ, viết văn theo những gì lão nghĩ. Tiếc rằng thơ văn lão tồi tệ quá không ai hiểu lão muốn nói gì. Thế là lão vào tù và lần đó bị kết án nặng hơn. Từ một người yêu đời, hoạt bát, sương gió bốn mùa phiêu bạt, lão đã biến thành một khúc gỗ biết đi. Lão thèm có người tâm sự. Rồi một ngày nọ, tên quản giáo đẩy vào đây một người tù mới. Lão nhìn khuôn mặt sáng, vóc dáng thanh nhả và phong cách của anh ta là có thể đoán đây là một trí thức, một người lương thiện. Tại sao anh ta bị nhốt chung với bọn tội phạm đầu trộm, đuôi cướp? Tại sao anh ta hay suy tư trong một góc phòng, lầm lũi làm lao động mà không nói nửa lời. Mình đã quen với cơm tù, đói lạnh, roi vọt, hành hạ. Còn anh ta trẻ quá! Vóc dáng thư sinh kia làm sao chịu thấu ao tù, nước đọng. Lão cũng đã nhiều lần âm thầm can thiệp với những người tù khác, để họ không ăn hiếp Thông. Rít một hơi thuốc cuối cùng, ném tàn thuốc vào lon sữa bò. Lão Đồng thở một hơi dài và nói:

- Cảm ơn Thông đã cho tôi một điếu thuốc ngon. Mấy tháng rồi không có thuốc để giải sầu. Thông muốn nghe cuộc đời tôi hả! Đơn giản, tẻ nhạt, tầm thường như những giọt mưa rơi trên đường – Đặt một cánh tay lên trán, lão nằm xuống nền gạch, chân trái thẳng, chân phải co lại. Lão thở ra một hơi dài – Tôi là sản phẩm của chế độ cũ. Chế độ mà người cộng sản thù ghét và muốn huỷ diệt tất cả: Tài sản, văn hoá, tín ngưỡng, tâm trí, trái tim, tình cảm... Một loại người cần phải được xoá toàn bộ trí não. Nếu giết hết thì bị thế giới lên án, bởi vậy, Hà Nội đã tha mạng và đưa vào đây để tẩy não, rửa sạch vết nhơ quá khứ, mở ra cho con dân miền Nam thấy được thế nào là thiên đàng cộng sản. Kể ra hơn 30 năm qua, tôi đã sống để chứng kiến sự thông minh xuất chúng của chế độ Hà Nội dạy cho nhân dân Việt Nam. Cuộc đời tôi đã đủ. Sống hay chết còn có nghĩa gì. Ở trong tù đã lâu, quen rồi Thông ơi! Ngoài kia hàng triệu triệu người có khác gì tôi đâu.

Thông im lặng nhìn lão. Trong đôi mắt mờ đục, u ám ánh lên một chút ánh sáng của sự mãn nguyện. Ở trong tù vài năm, Thông đã học được nhiều điều quý giá hơn những ngày tháng được tự do, thong dong. Anh mới hiểu thấu nỗi lòng của những người miền Nam phải chịu đoạ đày. Nếu như ngoại bang xâm chiếm đất nước đã đành. Chúng có thể tước đoạt tất cả sự sống của dân tộc Việt. Nhưng người Việt Nam máu đỏ, da vàng như nhau đã chém giết nhau một cách vui thích, và rồi đoạ đày nhau hết thập kỷ nầy sang thập kỷ khác. Trời ơi! Nhà tù nhiều quá! Nhưng nhà tù không phải nhốt những thằng ăn bám, ích kỷ, ăn cắp, tham ô, cướp bóc ruộng đất nhà cửa, hà hiếp người dân. Nhà tù chỉ dành cho những người có tư tưởng chống lại sự thối nát, bất công của chế độ. Và anh, anh đã trở thành nạn nhân của chế độ mà ba má anh, và đồng đội ông đã đổ xương máu để dựng lên. Tiếng lão Đồng ho húng hắng, và lão ngồi bật dậy vỗ vào vai Thông:

- Còn anh bạn trẻ. Sao anh lại vào đây? Nguyên nhân nào anh phải bỏ cuộc vui ngoài kia để đếm lịch, và đoán thời gian rơi trên từng sợi tóc?

Giọng lão run run, dư âm buồn buồn như tiếng mưa rơi. Thông không biết mình phải bắt đầu câu chuyện từ đâu. Anh cố gắng sắp xếp sự kiện thành một chuổi mắc xích đã siết chặt cuộc đời anh trong gông xiềng...

... Dụng cầm cây viết lên gạch gạch, xoá xoá liên tục lên tờ báo. Từng thớ thịt dầy cộm trên mặt ông ta rung rinh như muốn chảy ra những lớp mỡ thừa. Sự giận dữ như một lò lửa mỗi lúc một bùng cháy trong lòng ông ta. Dụng dằn mạnh cây viết xuống bàn. Nét mặt ông đanh lại, cằm bạnh ra, hai hàm răng nghiến trèo trẹo như đang ăn tươi nuốt sống một vật gì cứng và dai. Chỉ cần đọc một loạt những bài viết của Thông đăng trên báo Ngày Mai, ông muốn lộn tiết trên đầu. Nội dung bài báo tố cáo ông và băng nhóm của ông vô trách nhiệm trong nhiều công trình xây dựng. Nhiều công trình bạc tỉ nhưng chất lượng rất kém. Những cuộc đấu thầu giả tạo được dựng lên. Khi tiến hành xây dựng thì tiền mẹ, tiền con cứ rót vào như núi. Việc cắt xén nguyên vật liệu đã khiến cho nhiều chiếc cầu hư hỏng khi được xử dụng trong vòng vài tháng. Đường sá, cầu cống cứ lún, cứ lụt và năm nào cũng đổ tiền hàng tỉ để sửa chữa. Ông Dụng đã nhiều lần muốn sa thãi Thông nhưng chưa có dịp. Nếu thằng khốn đó còn ở trong công ty, ông và mọi người không làm ăn được gì. Phải tống cổ nó đi, bằng mọi giá, mọi thủ đoạn tàn độc nhất. Ông chỉ sợ một điều Thông là con liệt sĩ. Mẹ hắn đã từng nuôi dưỡng nhiều cán bộ cao cấp hoạt động tại miền Nam. Muốn hại Thông không dễ và tiếng nói của nó không thể xem thường. Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc. Nó có là gì ta cũng có cách bứng cái rễ của nó đi. Tập thể. Phải nhờ tập thể đè đầu nó xuống. Sức mạnh tập thể mới có thể hại nó mà mình không bị tai tiếng là người ỷ quyền, cậy thế hiếp đáp nhân viên. Cân nhắc thật cẩn thận, Dụng nhấc điện thoại mời Thông lên gặp ông. Ông ném tờ báo trước mặt Thông và hỏi:

- Anh đã viết những bài nầy? Vậy anh đã tham khảo ý kiến của ai trong công ty chưa?

Thông trầm tĩnh trả lời:

- Tôi đã trình bày với đồng chí trong nhiều năm liên tục về những công trình lớn  nhỏ, đường sá, cầu cống mà chúng ta có trách nhiệm xây dựng và bảo quản. Đồng chí không thể trách tôi được.

- Những gì anh viết trong đây, anh chưa hề thông qua tôi hay bất kỳ một người nào có trách nhiệm trong công ty.

- Tôi chỉ nêu những vấn đề xây dựng cơ bản và hiệu quả của công trình. Đường sá hư hỏng nặng, nạn nước dâng cao gây ngập lún thành phố, cầu cống xây dỡ dang uổng phí tiền của nhà nước...

- Khá lắm! Vậy anh đã đưa ra được những con số của các công trình để chúng tôi kiểm chứng đầy đủ?

- Hồ sơ còn nằm sờ sờ ra đó, và các ông nắm giữ. Những công trình nhà cửa mà công ty trúng thầu, do xây dựng không đúng tiêu chuẩn đã xuống cấp trầm trọng chỉ trong vòng sáu tháng. Thưa đồng chí giám đốc, lỗi nầy tại ai. Tại mưa gió, bão, hay tại dân phá hoại hoặc do chạy xe quá tải khiến đường sá hư hỏng nặng, có nơi những cái hố sâu, to như voi nằm, khiến tai nạn giao thông xảy ra liên tục. Riêng sông ngòi, cầu cống, ao hồ, rác cứ đổ bừa bãi, nhưng mấy chục năm qua chưa có ai quan tâm đến vấn đề nạo vét. Chẳng bao lâu sông ngòi, ao hồ ở Sài Gòn và nhiều thành phố khác sẽ trở thành đất liền. Nước không lưu thông được nên triều cường lên, đê vỡ, nước tràn ngập thành phố ở nhiều quận. Vậy đồng chí còn cần tôi chứng minh cái gì? Bằng văn bản ư? Tôi không có văn bản nhưng tôi có mắt, có óc phán đoán đúng và sai.

Dụng tái mặt. Con mắt trái của ông bị hư hỏng trong chiến tranh thường ngày bất động bỗng giật liên tục mỗi khi ông giận dữ. Ông ta cố ngồi yên, hai bàn tay bám chặt vào thành bàn để không phải đập phá, ném một vật gì đó vào mặt đối phương. Nhưng ông đã kềm lại được. Giọng ông đầy căm giận và đe doạ:

- Anh là kẻ phá hoại. Anh nhìn đi. Tôi đã giúp bao nhiêu người nên cửa nên nhà. Ai cũng sống phè phởn, sung sướng, nhà lầu, xe hơi... muốn gì cũng được. Vậy chưa vừa lòng sao? Hay tại vì anh không giàu như họ rồi anh ghen tức. Anh tố cáo bừa bãi mà không cần suy xét. Anh nghĩ anh sẽ được nhà nước ban thưởng lòng trung tín và sự thành thật của anh sao? Xã hội nầy không cần lòng thành thật. Có tiền là giải quyết mọi sự từ A tới Z.

- Tôi muốn lật tẩy những trò chơi của các ông. Nếu các ông còn có lương tâm thì nên thu hồi tiền bạc trả lại cho ngân hàng, xây lại đường sá, cầu cống cho đúng tiêu chuẩn. Bằng không, tôi sẽ tiếp tục hành động theo lương tâm của tôi. Tôi là một kỹ sư. Dù sao, tôi cũng có một chút lòng tự trọng của một người có học. Đồng chí có cái bằng kháng chiến. Nhưng cái bằng đó đã lỗi thời. Nó chỉ xài được trong rừng thôi.

- Tôi đã đổ máu cho tổ quốc, tức là tôi phải được đền bù.

- Vậy máu của những người nằm trong nghĩa trang lấy gì để đền bù? Các ông đang sống trên máu của người chết và người sống. Có phải không? Các ông vẫn còn sống sót. Đó là một ân huệ. Các ông ham muốn nhiều quá đến độ tởm lợm. Các ông đừng nhân danh tổ quốc, nhân dân. Đó chỉ là một hành động lừa bịp bẩn thỉu.

Biết không thể đối đầu tay đôi với anh, Dụng đành câm họng. Cuộc đối thoại xem như chấm dứt. Trước khi Thông ra về, ông ta nói một câu sau cùng:

- Anh hãy chống mắt lên xem tôi hành động.

Ông ta rất căm thù Thông. Ông đã triệu tập một cuộc họp dưới sự điều khiển của những người thân tín, có chức vụ trong công ty. Đoàn thanh tra lớn, nhỏ và trung ương đến, thấy không có ai lên tiếng phản đối, Thông không đưa ra được bằng chứng bằng văn bản, hồ sơ về những việc làm ăn bất chính của băng nhóm ngài giám đốc. Như vậy, tội nói xấu, khai man cho thủ trưởng, phá rối tập thể, là tội chống Đảng và nhà nước. Đó là một tội trạng nghiêm trọng. Tờ báo Ngày Mai đã có chỉ thị của thủ tướng phải đình bản, đóng cửa. Người tổng biên tập bị sa thải khỏi biên chế. Thông bị khiển trách nặng nề. Cả nhóm người trong công ty hả hê, vui sướng khi đã nhổ được cái gai trước mắt. Họ đánh gục Thông để dằn mặt những kẻ ngu xuẩn có mầm móng chống đối. Rượu ngon cho không uống, đòi uống rượu phạt. Cái thằng Thông ăn học cho nhiều rồi ngu. Châu chấu mà đòi đá xe. Thông đã nhận được một văn thư từ trung ương gởi xuống, cấm anh làm việc trong bất kỳ một cơ quan nào. Họ còn bắt Thông phải làm nhiều tờ kiểm điểm và tự nhận sai lầm. Anh đã xé bỏ. Từ đó, hồ sơ, giấy tờ của anh bị họ giam giữ. Chế độ xã hội chủ nghĩa hành hạ con người bằng cách treo bao tử. Một bản án bất thành văn để có thể khuất phục những kẻ cứng đầu, bướng bỉnh, càn dỡ, ngu ngốc. Mất việc, thân bị đe doạ đủ điều nhưng Thông vẫn dững dưng. Anh bán căn nhà của mẹ để lại, lấy chút ít tiền mua một căn nhà trong xóm lao động nghèo ở quận Bình Thạnh. Anh mở một sạp sách báo trên đường Lê Văn Sĩ để kiếm cơm nuôi vợ và hai con.  Những kẻ thù ghét anh nào có buông tha. Vào một buổi sáng, anh đang ngồi bán báo bị bốn công an mặc thường phục đến vây bắt. Họ còng tay anh và lục xét, bới tung tất cả sạp báo của anh. Họ quát tháo và đòi anh phải đem hết tài liệu ra trao cho họ. Tìm mấy tiếng đồng hồ không thấy gì, họ đẩy anh lên một chiếc xe hơi đậu gần bên, và lôi cổ anh về trụ sở công an. Họ vu cáo anh tội gián điệp, bán tài liệu ra nước ngoài. Sau trận đòn thừa chết thiếu sống, Thông mới biết những bài báo anh viết, nhiều người thích nên đã cất giấu và chuyển ra nước ngoài. Những bài nầy được dịp đăng tải trên các website lớn ở hải ngoại. Nó đã trở thành một mũi dao nhọn dâm tứ tung vào lục ngũ tạng của những người cầm quyền tại Việt Nam. Thông đã trở thành kẻ thù của chế độ. Bản án 15 năm tù giam treo lơ lửng trên đầu anh. Thương thay cho thân phận đơn độc, lúc sa cơ không ai muốn nhìn, và không ai còn đưa tay ra nâng đỡ cuộc sống của gia đình. Thông bỏ lại hai con và người vợ yếu đuối trong cuộc sống cơ hàn, khốn khổ...

... Thông đã chấm dứt câu chuyện từ lâu mà lão Đồng vẫn không nói gì. Nhìn mặt lão lúc nầy, không ai biết lão đang nghĩ gì? Chợt lão thở dài, lão ôm vai Thông nói như an ủi:

- Không ai muốn bị giam cầm, đau khổ. Nhưng con người sinh ra đã biết cách hành hạ nhau cho đến chết. Có thể đó là thú vui của họ. Buồn mà chi.

Lão Đồng triết lý chi lạ. Thông bỗng hỏi lão:

- Chú ghét cháu?

- Tại sao?

- Cháu là con của cán bộ cộng sản.

- Ba mẹ của anh đã đi vào lòng đất. Họ mang theo một giấc mơ đẹp là thấy anh được sống sung sướng hạnh phúc hơn họ. Nhưng họ đâu có ngờ, cuộc đời anh cũng như bao nhiêu người bất hạnh khác. Chúng ta là nạn nhân của thời cuộc. Số phận chúng ta như nhau. Tại sao phải thù ghét nhau làm gì hở người bạn trẻ?

Lâu lắm rồi Thông chưa nghe ai nói những lời chí tình như lão Đồng. Ngoài kia, xã hội đầy dẫy lừa lộc, dối trá. Con người sống với nhau bằng mặt mà không bằng lòng. Những lời nói chân thật không còn ai tin. Những tấm gương trung hậu không còn là thước đo của giá trị đạo đức. Mấy chục năm qua, chính quyền Hà Nội đã du nhập vào miền Nam học thuyết Mác-Lê-Nin. Học thuyết cao siêu mà con người bé nhỏ, trí óc đen tối, trái tim lạnh giá, bao tử thét gào trong cơn đói nên con chiên của học thuyết không thể thấm nhuần giáo lý. Cho đến hôm nay, dù cho nó đã phản ánh lại một sự thật trái ngược, quái dị, hổ đốn, hàng vạn người vẫn cứ đem tư tưởng vĩ đại đó ra soi. Có thể nó là lá bùa hộ mạng để họ có cơ hội tiến lên cuộc đời giàu sang, quyền thế; một địa vị mà nhiều người thèm khát dù họ có đi song hành với ma quỷ. Nó cũng đã đẻ ra những loại người có lòng tham không đáy, lòng ích kỷ và độc ác thì vô biên. Họ đã áp dụng nó để chà đạp đồng loại, và chém giết nhau với tất cả lòng thù hận. Nếu ai có lòng tốt, có trái tim, biết đau khổ với nỗi khổ của quần chúng, biết nhục với cái nhục nghèo hèn, dốt nát lại là những người bị khinh rẻ, mắng nhiếc là sống quái đản, càn dở, khùng điên, lập dị... Và họ luôn bị xã hội ruồng bỏ, săn đuổi như kẻ tử thù. Họ sẽ không có đất để dung thân trên chính quê hương mình. Lão Đồng phá vở luồng tư tưởng của Thông:

- Anh có lý lịch là con liệt sĩ. Mẹ anh cũng có công với cách mạng. Họ nở nào đối xử với anh tệ như vậy?

- Ba má cháu đã nằm xuống. Họ có công lớn với cách mạng. Nhưng cháu không có công xây dựng đất nước như lời ba má dặn dò. Tiếc thay, cháu lại là người miền Nam. Con cháu cán bộ miền Bắc có lỗi như cháu cũng chỉ bị cảnh cáo, cùng lắm là sách nhiễu, đe doạ. Còn người miền Nam thì bị kết tội nặng hơn.

- Thật ư? – Lão Đồng cười khục khặc trong cổ họng.

Có tiếng chân bước đều. Tiếng chìa khoá mở lách tách và tên quản giáo thò đầu vô phòng gọi:

- Nguyễn Huy Thông. Ban quản lý trại mời anh lên gấp.

Thông lách mình đi ra ngoài. Lão Đồng sợ hải nhìn Thông. Không biết họ nói chuyện với nhau có ai khai báo hay không? Nếu có gì thì mình sẽ nhận hoàn toàn trách nhiệm. Mình không muốn Thông dính vào. Thông cần phải sống để trở về nuôi vợ, nuôi con. Còn mình đã quen sống cô độc, đói rét, roi vọt, hành hạ. Thân già nầy chỉ còn chờ ngày trở về âm phủ. Lão chợt mỉm cười khi nghĩ đến lúc lão chết đi, lão sẽ gặp được Hồ Chí Minh. Lão sẽ cố gắng làm bạn với Hồ Chí Minh, và nhất là học lại tư tưởng của Mác-Lê-Nin. Lão cũng khuyên Diêm Vương và bọn ma trơi nên học theo để chúng được lên thiên đàng sớm. Lão suy nghĩ vẩn vơ khá lâu chờ Thông, nhưng Thông chưa trở lại. Rồi lão thiếp đi trong giấc mơ kỳ lạ.

 

*****

 

Lão Đồng tỉnh giấc khi nghe tiếng khóc nức nở của Thông. Người quản giáo đẩy anh vào phòng rồi khoá cửa lại. Những người tù từ lâu biết anh là con liệt sĩ nên tránh xa. Nay thấy anh khóc nức nở, họ động lòng nên vây quanh anh. Họ nhìn anh ái ngại. Không ai nói với ai, họ cùng an ủi:

- Bình tỉnh đi chú Thông. Mọi chuyện đâu còn có đó mà.

- Chắc có chuyện gì đau khổ lắm đó mấy ông.

- Ừ! Tôi cũng nghĩ vậy.

- Cứ để anh ấy khóc. Nước mắt sẽ làm cho vơi đi nỗi buồn.

Lão Đồng ra hiệu cho mọi người rút lui. Lão đi lục lọi trong lon gi-gô một dúm trà. Có thể đây là dúm trà cuối cùng lão để dành. Lão pha một ly đặt trên cái bàn gổ loang lổ, bẩn thỉu. Nhìn Thông khóc vùi trên chiếc gối nhàu nát, lòng lão bất an. Nhưng lão không muốn khuấy động niềm đau của anh nên kiên nhẫn ngồi chờ. Đêm càng khuya, mưa gió càng gào rú dữ dội ngoài hiên. Lão Đồng chép miệng than thầm. Ôi! Chưa có cơn mưa Sài Gòn nào buồn, ảo não, lạnh giá và dữ dội như đêm nay. Tách trà đã lạnh tanh và Thông vẫn rũ rượi như một xác chết bất động.

Kể từ đêm đó cho đến ngày Thông đột ngột được phóng thích trong một đợt ân xá do quốc tế can thiệp, không ai trong tù còn nghe anh nói. Họ chỉ thấy anh cười, nụ cười bí hiểm, lạ lùng. Đôi khi anh ngồi một mình đôi mắt rưng rưng như khóc. Đôi mắt đó, lúc ánh lên tia sáng hy vọng, lúc âm u buồn và chất chứa niềm đau tuyệt vọng. Thông xa lánh mọi người, không muốn tiếp chuyện với lão Đồng và ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Anh không còn có cảm xúc về không gian trước mặt. Anh quên cả hiện tại và quá khứ. Ai nói gì anh cũng cười rũ rượi như điên như dại.

Ngày Thông rời khỏi nhà tù, lão Đồng quơ vội mấy cái áo rách nhét vào cái xách tay cho anh. Muỗng dĩa, chén bát và những món đồ linh tinh khác anh không muốn nhận. Anh ra hiệu bỏ lại cho mọi người dùng. Những người tù nước mắt rưng rưng vây quanh chúc mừng anh:

- Chúc Thông may mắn. Nhớ tụi nầy nghe Thông.

- Ê! Nhớ gởi vài điếu thuốc vô hút đỡ buồn nghen.

- Đòi đường sữa không đòi, đòi hút thuốc. Rõ khùng.

- Ra tù làm gì có việc làm mà đòi. Không đói là phước ba đời rồi cha nội.

Thông chỉ cười, nụ cười đờ đẫn, khờ dại làm ai cũng ái ngại. Lão Đồng nói thật to cho mọi người cùng nghe:

- Thằng Thông bây giờ mới thực sự tỉnh táo, khôn ngoan và thông minh nhất thế giới. Nó có thể sẽ được bầu làm Thủ Tướng, Chủ Tịch nước hay Bí Thư Trung Ương Đảng.

Có tiếng một người tù cự nự:

- Đừng có đùa lão Đồng!

- Xã hội cần người lơ ngơ như nó, xã hội cần người chỉ biết cười mà không biết khóc. Nó đâu còn biết khóc nữa anh em. Con gái của nó đã chết trôi  trong cống từ cái đêm nó trở về và khóc thảm thiết.

Lão Đồng nói mà nước mắt lão chảy ròng ròng trên má. Thông không hiểu lão đang nói gì mà khóc. Chắc lão buồn anh đi... Ờ... ờ tại mình đi nên lão khóc. Thôi đừng khóc nghen lão Đồng. Tôi sẽ trở lại mà... lão già tốt bụng... Đừng khóc như trẻ con xấu lắm! Thông cười cười rồi bước ra khỏi trại giam.

Thông lững thững đi bộ ra đường. Trời Sài Gòn mát dịu mà lòng anh nóng như lửa đốt. Anh cứ đi lang thang hết ngõ hẻm nầy, sang ngõ hẻm khác. Đôi mắt anh vô định không còn nhìn vào bất cứ cái gì trước mặt. Anh thì thầm và cười một mình: “Ba đi tìm con nè Mai ơi! Con đang ở đâu rồi. Trời Sài Gòn hôm nay đẹp lắm. Sài Gòn không còn mưa nữa đâu con. Ba sẽ đưa con, bé Cư và má Yến đi chơi vườn Tao Đàn và mình sẽ đi ăn kem ở bến Bạch Đằng. Đừng có trốn ba. Đừng để ba đi tìm con. Ba mệt và mỏi chân lắm rồi đó nghen”.

Lâu ngày, người dân Sài Gòn đã quen với một người hành khuất trẻ. Anh là một người tù vô gia cư, ngày đêm lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm con.

Dù Sài Gòn không mưa, nhưng những giọt mưa như những dòng lệ buồn luôn tuôn chảy trong tâm hồn của người miền Nam. Ôi! Sài gòn, có còn ai nhớ, ai mong những ngày mưa năm xưa? Và biết có còn ai hoài vọng, đợi chờ những tiếng hát ngọt ngào, tha thiết, và buồn vời vợi đã rót vào lòng người Sài Gòn trong những đêm mưa rả rích“... Người đi mang cả trời thương nhớ. Tôi đốt hương trầm buổi tiễn đưa. Khung trời kỷ niệm ngày xưa đó. Xin giữ trong lòng một chút mưa...”.

Người hành khuất trẻ ngửa mặt lên trời cười ha hả một mình, hai cánh tay anh dang ra chơi vơi, chơi vơi...

 

Phong Thu
5/11/ 2006

 


PHONG THU

Tên thật: Nguyễn thị Phong Thu, sinh Trưởng tại Bình Dương, Việt Nam.

Cựu học sinh Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Gia Định, Sài Gòn.

Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn với hai bộ môn Kỹ thuật Văn chương và Tâm Lý Giáo Duc.

Cựu giáo Sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Bình Dương, Việt Nam.

Bắt đầu cầm bút 1980. Những tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ:

Truyện ngắn:

- Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ (2003)

- Đóa Phù Dung (2005)

 Nhà Văn Phong Thu và gia đình hiện đang cư ngụ tại Maryland, WA - DC

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.