Vui
xuân
Dân ta có tục lệ ăn Tết đầu năm kéo dài tháng này qua tháng khác. Vì
Tết là vào thời điểm mùa màng thu hoạch đã xong, ai nấy nghỉ xả hơi
chờ ruộng đồng sẵn sàng cho một vụ mới nhiều triển vọng hơn. Cho nên
trong ca dao mới có câu
:
“Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
“Tháng Hai cờ bạc,
“Tháng Ba hội hè,
“Tháng Tư đong đậu nấu chè,
“Ăn Tết Đoan Ngọ trở về Tháng Năm,
“Tháng Sáu buôn nhãn bán trăm,
“Tháng Bẩy Ngày Rầm xá tội vong nhân,
“Tháng Tám chơi đèn kéo quân,
“Trở về Tháng Chín chung chân buôn hồng,
“Tháng Mười buôn bấc bán bông,
“Tháng Một Tháng Chạp nên công hoàn thành”.
Lại thêm câu, theo đầu óc thực tiễn của người mình,
“Chơi Xuân kẻo hết Xuân đi,
“Cái già xồng xộc nó thì kéo sau”.
Nơi thôn quê dân dã càng không ra khỏi tập tục, từ khi dựng nêu
cho đến sau khi hạ nêu trai tráng nam nữ vẫn tiếp tục vui chơi thỏa
thích, trẻ con thì đua nhau Bầu-Cua-Cá-Cọp, người lớn thì Tam Cúc,
đánh Bất hay Tổ Tôm Xóc Đĩa chén cha chén chú rộn ràng. Chúng ta có
nền nếp thờ cúng tổ tiên, làng nào cũng thờ Thành Hoàng là vị Thần
phù hộ cho con dân làm ăn phát đạt. Như xóm Bình Khang thì thờ Thần
Mày Trắng, làng Kim Liên thì có Thần Thợ Cạo, làng Nhị Khê lại thờ
ông tổ thợ tiện.
Năm tôi lên mười bốn đã đủ khôn lớn nên bố mẹ thả cho đi chơi
xuân với bạn bè, túi rủng rỉnh tiền đồng có lỗ vuông, cứ sáu đồng là
một tiền và sáu tiền là một quan, xâu buộc từng chuỗi. Sáng Mồng Ba
chúng tôi rủ nhau đi đến làng Nguyệt Viên cách tỉnh Thanh độ sáu cây
số, qua sông Mã là đến. Tết ở đây có nhiều trò chơi đầy hứng thú như
đô vật, vật cù, trai gái đu tiên. Ngoài ra lại có một món ăn nổi
tiếng gọi là bánh khoái làng Ngoạt. Mà không hiểu tại sao người ta
lại đọc chệch chữ Nguyệt ra Ngoạt, không biết là để kiêng cữ một
danh vị nào?
Con đường đến Nguyệt Viên sạch sẽ thênh thang giữa những ruộng
vườn xanh tươi. Chúng tôi vừa đi vừa hát nghêu ngao chả mấy chốc mà
đã đến nơi trù phú nổi tiếng ăn ngon và con gái đẹp. Phải nói đến
hoa khôi làng Ngoạt là con cụ Thượng Ngoạt cô Nguyễn Thị Xuân Diễn
người thanh tú, mặt trái xoan có nước da trắng hồng, cặp mắt đa
tình, đã là hoa khôi trường Đồng Khánh Huế và sau thành phu nhân Bác
Sỹ Nguyễn Danh Đàn Giám Đốc Bệnh Viện Bình Dân Sài Gòn.
Cảnh thật là nhộn nhịp, nam thanh nữ tú tấp nập, trẻ con quần
áo xênh xang chạy nhảy tung tăng, ông già bà cả khăn đóng áo dài
trịnh trọng. Chúng tôi theo chân thẳng đến đình làng là một nhà thờ
cổ, mái ngói âm dương cong có rồng uốn khúc, bên dưới là bàn thờ
Thành Hoàng trang nghiêm giữa những cây cột gỗ lim lên nước nâu bóng
ôm vòng tay không xuể. Trước đình là một sân rộng bằng đất nện ở
giữa có một vạch vôi trắng vòng tròn khoảng năm thước đường kính là
võ đài đô vật.
Chung quanh võ đài các hàng quán của các cô gái quê mặc kiểu
Thanh Hoá, váy lĩnh đen dài đến mắt cá, áo nâu non dài tứ thân buộc
ra trước bụng thắt lưng xanh lục và sợi xà tích bạc lủng lẳng, đầu
chit khăn mỏ quạ đen hoặc quấn khăn thả đuôi gà. Các cô này nướng và
bán bánh khoái nồi rang tại chỗ. Trước mặt mỗi cô để một chiếc hoả
lò đất đỏ, than quạt hồng hừng hực. Trên ngọn lửa là một mảnh chảo
bằng đất nung (không phải là một chiếc chảo đất nguyên vẹn). Bên
cạnh là một chiếc nồi đồng đựng bột hòa đặc xền xệt bằng tinh bột
gạo màu ngà có lẽ có pha chút trứng và cái đĩa đựng miếng mỡ lợn.
Cô hàng múc một môi bột, gắp miếng mỡ khoắng vào rồi bò ra trở
lại đĩa. Đoạn cô ta đổ từ từ vào mảnh chảo, chan ra bằng một miệng
chén nhỏ, rắc lên chút hành lá thái, đậy lại bằng một cái vung đất
vừa đủ nhỏ. Trong giây lát cô hàng mở vung và gắp cái bánh khoái
thơm phức ra đưa tay cho khách. Mỗi chiếc bánh khoái chỉ có năm xu,
nhai ròn tan và ngậy nhưng không có mỡ màng gì hết. Thật là một thứ
pizza đặc biệt, mỗi đứa chúng tôi nhai ngấu nghiến cả chục cái mà
vẫn thòm thèm.
Cạnh hàng rậu thưa đặt một giẫy sáu cái nồi đất to đựng nước
tiểu cho những ai có nhu cầu giống như các mobile restrooms ở Mỹ.
Nhìn thấy các cô gái khoan thai đến xoạc chân đôi chút, tay phải túm
nhẹ váy trước, tay trái túm váy sau dơ lên vừa đủ chùm lấy cái nồi
đất. Thế rồi nghe tiếng nước rổn rảng tồ tồ vào nồi một cách chính
xác gọn ghẽ, mấy thằng nhỏ chúng tôi liếc mắt nháy nhau cười tủm
tỉm. Thì ra giới phụ nữ thời ấy chỉ mặc váy mà không có quần trong
hay xì líp.
“Thánh thót như suối nửa vời,
“Tiếng mau dồn dập như trời đổ mưa.
Xa xa một chút trên bãi cỏ xanh là ba cái đu tiên treo trên bốn
khúc tre luồng chôn thành hình thang vững vàng, Mỗi đu có bàn đạp là
môt tấm ván rộng hơn gang tay.
Nam
thanh nữ tú sánh đôi từng cặp leo lên bàn đạp quay mặt vào nhau nhún
nhẩy đu đưa nhịp nhàng. Thật đúng như nữ sỹ Hồ Xuân Hương mô tả theo
hai câu thơ thanh tao mà tượng hình,
“Trai ôm gối hạc khom khom cật”,
“Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”.
Bỗng một hồi trống cái vang dội báo tin cuôc tỉ thí đô vật sắp
khởi đầu. Mọi người đổ xô xúm quanh sân trước đình làng. Bốn cặp lực
sỹ mình trần trùng trục, vai u thịt bắp, da bóng nhẫy bôi mỡ lợn
đóng khố mầu đỏ và mầu lục, sắp hàng đôi trước đình. Một hồi chiêng
vang lên và ông tiên chỉ trịnh trọng trong bộ áo thụng gấm xanh bước
lên thềm, nhận bó nhang đã đốt sẵn từ tay một chú tiểu đồng. Mồm lẩm
nhẩm khấn vái ông phủ phục mấy lễ rồi quay ra làm hiệu. Tức thì bốn
đôi võ sỹ cùng quỳ lạy ba lần, trán cụng đất chổng đít lên như các
con bò mộng.
Rồi họ sắp hàng đôi đi ra sân võ đài trong tiếng trống thúc dục
và thanh la não bạt rộn ràng. Cặp võ sĩ đầu tiên tiến vào vòng đấu
theo lệnh của ông tiên chỉ. Một cái vỗ tay khô khan, hai võ sĩ cúi
gập người xuống, cặp chân rắn chắc chạng ra và co lại ở thế xuống
tấn vững vàng, hai tay múa may uyển chuyển vờn nhau, hai cặp mắt
thôi miên trừng trừng. Họ xoay quanh tìm thế yếu của địch thủ để vật
ngửa ra và vỗ vào bụng đối phương là đã thắng cuộc. Một anh chồm lên
định túm lấy cái khố của anh kia hầu nhấc bổng lên để quật xuống.
Chúng tôi sợ cho cái khố có thể tung ra để lộ cái của quý thì ê mặt
nhưng họ đóng khố có kỹ thuật nên không bao giờ có tai nạn tụt khố.
Đối thủ chợt cúi sát mặt đất như con chẫu chàng rồi xuất kỳ bất ý
chồm luồn nhanh chóng vào dưới bụng, hất tung địch thủ đang hung
hăng bật ngửa ra dơ cái bụng bóng nhẫy cho anh kia vỗ vào cái bụp.
Chiêng trống vang lên chấm dứt cuộc đua. Ba cặp còn lại tiếp tục vào
võ đài và nhanh chóng chỉ còn hai cặp.
Khi chỉ còn cặp đối thủ cuối cùng thì không khí trở nên căng
thẳng tột độ. Trẻ con reo hò ầm ĩ, chiêng trống thúc dục liên hồi.
Hai con bò mộng hay trâu đực ra tay, bụi bay lên mù trời, nhưng cuộc
đấu vẫn kết thúc nhanh chóng. Ông tiên chỉ bước vào vòng tuyên bố
nguời thắng cuộc, trao cho anh ta chiếc khăn mầu đỏ quấn lên đầu
kiểu đầu rìu rồi chiếc khăn mầu lục cho anh kia. Các võ sĩ còn lại
thì đều nhận khăn mầu trắng quấn lên đầu. Chỉnh tề xong tất cả đều
sắp hàng đôi theo sau hai võ sĩ đầu đàn tiến về trước tiền đình. Ông
tiên chỉ lại vỗ tay ra hiệu. Mọi người cúi rạp xuống, phủ phục quỳ
lạy ba lạy. Thế là xong, không thấy trao giải thưởng, duy có các cô
gái làng tiến ra trao cho mỗi chàng một quả dừa tươi đã chặt sẵn
sàng cho các anh giải khát.
Tiếng trống liên hồi lại trỗi giậy báo cuộc vật cù sắp bắt đầu.
Ai nấy đều hấp tấp túa qua một thửa ruộng kế bên là một cánh đồng
nhỏ bằng hai cái sân quần vợt bao quanh bởi bờ ruộng đã be lên vuông
vắn cao ráo cho khán giả đứng ngồi thưởng ngoạn. Thửa ruộng này ướt
át sình lầy vì đêm trước dân làng đã cho nước vào rồi cho trâu dẫm
nát cho nên bước xuống là bùn ngập lên đến bắp chân. Hai đầu có
trồng hai cây luồng cao độ một thước rưỡi, trên buộc chắc cái sọt
nan.
Hai đội cầu thủ đóng khố đỏ xanh khác nhau, mình trần trùng
trục, sắp hàng đôi đi theo một trai làng đến trước sân đình phủ phục
quỳ lạy theo hiệu lệnh. Đoạn họ đứng dậy, hai tay dơ vòng ngang
trước ngực trong khi hai thủ quân tiến theo lệnh của ông tiên chỉ,
bước lên thềm đình tiến vào bàn thờ lạy và đứng chờ. Hai trai làng
áo nâu, quần sắn móng lợn, khăn đầu rìu xanh với lên bàn thờ bưng ra
một cái hộp vuông sơn son thếp vàng trao cho hai thủ quân. Hai anh
này quay trở ra cùng nâng cái hộp đi giữa hai đội viên sẽ cùng bước
ra theo thủ quân của mình đi đến bãi vật cù. Chiêng trống não bạt
liên hồi làm cho không khí căng thẳng và mọi người náo nức tột độ.
Họ đặt cái hộp sơn son thếp vàng lên một cái kỷ kê sẵn trên bờ
rồi hai đội theo thủ quân kéo sắp hàng hai bên thửa ruộng. Ông tiên
chỉ trịnh trọng mở nắp hộp lấy ra một quả dừa khô sơn son là quả cầu
thiêng đã bao đời truyền lại để thờ trong đình làng. Ông vén tay áo
thụng lên tung quả cầu vào giữa ruộng và vỗ tay khô khan. Thế là
hiệu lệnh mở đầu cuộc chơi và hai đội xông xuống dưới ruộng sình bì
bõm, tiếng chân rút lên nhấn xuống ì ọp, cố vật lấy quả cù ném vào
sọt bên kia để chấm dứt cuộc đấu. Cả giờ đồng hồ bất phân thắng bại,
người nào cũng bê bết bùn sình, mặt mày tóc tai không còn nhận diện
được nữa. Họ ôm nhau, vật lộn trong đám sình nhầy nhụa, lăn cù và bò
bám. Bỗng nhiên một anh chàng trổi giậy ôm được quả cù cố sức vượt
qua các cánh tay hộ pháp và khó khăn bỏ vào sọt đối phương. Thế là
tiếng trống liên hồi báo chấm dứt cuộc chơi, thôn Đông được cuộc
thắng thôn Đoài đem lại phúc lợi năm mới cho thôn mình. Các đấu thủ
lại hàng đôi tiến về giếng nước tắm rửa sạch sẽ trước khi trở về
đình lễ lạy.
Chúng tôi đói lại chờ mua các bánh khoái nồi rang Nguyệt Viên
nhai ngấu nghiến vẫn không đã thèm. Trong khi ấy thì các cặp trai
gái vẫn mê mẩn đú đởn đu đưa mặc cho thế sư xoay vần đến đâu. Và ở
xó xỉnh tàn cây, góc đình vẫn cảnh vui xuân như ca dao tiêu biểu,
“Ăn chơi cho hết tháng Hai,
“Để làng đóng đám cho trai dọn đình,
“Trong thời trống đánh rập rình,
“Ngoài thời trai gái tự tình cùng nhau”.
Sau ba năm nội trú tại trường Khải Định, luôn luôn mặc áo dài thâm
chân đi đôi guốc xà lan lẹp xẹp, khung cảnh tĩnh lặng kinh đô Huế đã
tạo cho chúng tôi một tâm hồn tĩnh lặng thơ mộng. Cho nên lúc ra Đại
Học Hà Nội tôi hơi lạc lõng với nếp sống năng động Thăng Long. Mùa
Xuân đầu tiên các bạn trong Đông Dương Học Xá hăng hái rủ tôi cùng
đi hội làng Lim chứng kiến các cô gái lẳmg lơ, đủ lứa tuổi gợi tình
theo tập tục lâu đời địa phương. Đoàn xe đạp chúng tôi vừa đến nơi
thì các lễ lạc đã hoàn tất và các cô gái túa ra trước sân đình xào
xạc. Tôi có cảm tưởng như mình đã đem lại một luồng điện cao thế xẹt
ngang.
Ngay lập tức các bạn năng nổ Nam Kỳ, nhất là các sinh viên Cao
Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội, xông vào đám nai tơ khuấy động. Cô nào cũng
quần lĩnh đen, áo tứ thân nâu non và đặc biệt có cái yếm thắm che
ngực. Các em ở lứa chanh cốm thì,
“Trên đầu em đội khăn vuông,
“Trông xuống dưới ngực cau buồng còn non”
Trong khi ấy thì các cô nàng vào khoảng hai mươi đi qua đi lại
ưỡn ẹo dơ cái gò bồng đảo khiêu khích:
“Gió Nam tốc giải yếm đào,
“Anh trông thấy oản sao không vào thắp hương
Bỗng một anh sinh viên hội họa Nam Kỳ bất ngờ xông vào đám nai
tơ ôm gọn lưng ong một cô nàng và nhấc bổng lên. Cô ta, mồm thì kêu
inh ỏi và chân tay khoắng loạn xạ trong khi cả nhóm chạy toán loạn
đuổi theo bởi các trai làng và đám sinh viên hăng máu. Một anh bạn
Nam Cờ thở hồng hộc khoe với chúng tôi là anh ta đã rờ vào ngực một
em xinh đẹp,
“Cổ tay em trắng như ngà,
“Con mắt em liếc như là dao cău,
« Miệng cười như thễ hoa ngâu,
« Cái khăn đội đầu như thể hoa sen. »
Cuộc vui náo loạn kéo giài cả tiếng đồng hồ, tiếng cười ròn tan
hòa lẫn tiếng la hét của các công tử Hà Thành chỉ chấm dứt khi tiếng
trống thu quân làm hiệu cho các con gà về chuồng. Tôi đang đứng trân
trân nhìn mỉm cười thích thú thì bỗng một em chanh cốm chạy xẹt qua
dùng ngón tay quẹt ngang má đỏ ửng của anh sinh viên ngây ngô cù
lần.
Tục vui xuân vào dịp Tết mỗi năm đã có từ bao đời theo tập quán
địa phương. Có thể nói rằng căn bản thần quyền do tinh thần Khổng
Mạnh cộng với những bí hiểm mê tín địa phương làm nên một chất keo
gắn chặt cộng đồng làng xã. Thêm vào đấy là một xã hội nông vi bản
mà nhất cử nhất động đều dựa theo công việc đồng áng. Từ khi Việt
Cộng áp đặt lên xứ sở chủ thuyết Mao-Mác họ đã phá tan mọi tập tục
và nền nếp quý giá. Gia đình bị phá vỡ, các trẻ em trở thành cháu
ngoan của Bác Hồ, ruộng vườn bị đặt vào công xã, chùa chiền đình
làng bị băng hoại. Trò chơi mừng xuân được thay thế bằng các điệu
nhẩy xôn-đố-mì ngoại lai hoặc các món Vũ Hoà Bình của các đồng chí
Ba Tầu. Các ông Thành Hoàng bị dẹp bỏ để thay vào các ông mũi lõ râu
xồm và bác Hồ râu dê.
Bây giờ sau khi mở cửa vì trên đà vỡ nợ, Việt Cộng lại trở
thành những kẻ dơ tay nhận tiền bố thí. Chúng đặt ra các lễ hội lai
căng hầu đánh lừa những anh Tây thơ ngây ngờ nghệch. Lại dùng cả
những chữ ngoại lai như Huế Festivals, Festival áo dài, Festival
Duyên-Giáng Việt Nam và thậm chí có cả Festival Phở ở Hà Nội nữa.
Son phấn lòe loẹt dưới ánh đèn chói chang mà họ dùng danh từ hoành
tráng trông thật vô duyên! Không biết đến bao giờ những cái lố bịch
rẻ tiền như vậy mới chấm dứt.
Xuân Mậu Tý
Trần Đỗ Cung
|