.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Chiêu Hoàng | Lặng Lẽ | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân - Linh Linh Ngọc | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tác Giả Khác ...

 

  Trần Đỗ Cung - Chứng nhân lịch sử cận đại


 

Hồi tưởng đặc biệt
của Phan Văn Minh

 

  • Viết tại Prunedale California
    Ngày 2-18-2007, tức mồng Một Tết Đinh Hợi

      Đã nhiều người viết về cảnh tù tội dã man trong các trại cải tạo nghiệt ngã của cộng sản Bắc Việt. Hầu hết đều nói đến sự độc địa kinh khiếp, những dằn vặt thể xác và tinh thần trong suốt những năm tháng đọa đầy. Tập hồi ký này của Phan Văn Minh lấy tên là “Nỗi Buồn Côi Cút” khác hẳn, vì không thấy môt chút âm hưởng hằn học hay cay đắng xót xa. Hơn nữa lại chứa những châm biếm ý nhị, Tôi đã quen biết Minh từ hồi trong Không Quân như một người bạn nhỏ nhẹ lễ độ. Là một người miền Nam, Minh không bao giờ ăn nói hàm hồ lỗ mãng, văng tục văng rác và luôn luôn nhẹ nhàng trong mọi trường hợp. Cuốn hồi ký này không được in ra vì Minh nói đã nhiều người viết rồi nên có thêm thì cũng chỉ “biết rồi khổ lắm nói mãi”!

      Minh đã bỏ phí quãng đời mười hai năm trong cảnh tù đầy của cộng sản Hà Nội sau khi chúng tiến chiếm miền Nam. Khởi đầu là thời kỳ của Mặt Trận Giải Phóng chập chững với Nguyễn Văn Linh là Ủy Trưởng Quân Quản Sài Gòn. Nguyễn Văn Linh mà bí danh là Mười Hướng, thủ trưởng của Phạm Xuân Ẩn đã nhìn xa đưa Ẩn qua Mỹ đào tạo thành một điệp viên chiến lược. Nhưng ông Linh cũng đã nhận ra cái sai trái của cộng sản Hà Nội vào lúc cuối đời.

      Lúc ấy họ chưa có chỉ đạo rõ rệt của Hà Nội nên kêu gọi các thành phần Ngụy ghi danh với hành trang trong ba mươi ngày còn cơm nước ẩm thực đã có nhà thầu cung cấp. Mọi ngưòi ngoan ngoãn trình diện như đi ghi danh một phân khoa cao học để được phân chia thành nhóm theo cấp bậc và chức vụ, nhập trại Long Giao là một cơ sở cũ của quân đội VNCH. Ở đây tuy xa lạ nghèo nàn nhưng tương đối thoải mái, tự tổ chức lấy đời sống trong hoàn cảnh hiện tại. Những cán bộ quản trại cũng tương đối dễ dãi vì thật ra họ hụt hẫng vì trong thâm tâm có lẽ cũng bắt đầu thấy bị Hà Nội lừa bịp.

      Dưới những hăng ga bằng sắt nguyên của một căn cứ Lục Quân Mỹ đã bị dân chúng lột trống trơn, họ chia nhau chỗ nằm, mỗi người được vừa một manh chiếu nhỏ. Trong nhóm toàn là Đại Tá phần lớn quen với nếp sống phong lưu nhà ở phòng nọ phòng kia, có tà-lọt theo hầu và ít có dịp bỏ tay vào các công việc lao động linh tinh. Lại có một điều tréo cẳng ngỗng là Đại Tá Nữ Quân Nhân Hương lọt vào nhóm Đại Tá đực rựa vì cùng được gọi đi trình diện ở Đại Học Xá Minh Mạng. Nên anh em ngoài việc đào hố phân cho phái nam lại phải hè nhau dựng một túp lều tương đối kín đáo cho nữ đồng chí của mình có được đôi chút thoải mái riêng tư cần thiết. Cả khu chỉ có một giếng nước mà mùa này nước cạn sâu, cố tạm cho nhu cầu nấu nướng và rửa ráy.

      Không thấy thực phẩm do nhà thầu cung cấp như tuyên bố, lại một đòn lừa nữa của người anh em bên kia, mà phải hè nhau qua kho lĩnh cho toàn thể một bao gạo Trung Quốc 100 kí, một con gà công nghệ độ 2 kí với mười gói mì-ăn-liền. Kho cách xa cả 500 thước, không có đòn cũng như quang gánh. Nhu cầu sinh ra sáng kiến, dùng hai cây gỗ tìm thấy trong khu vực để cáng về nhà bếp. Trong nhà bếp có hai lò với hai chảo bự. Củi đóm có sẵn trong khu chỉ cần đi thu lượm. Mực nước giếng quá sâu mà không có gầu gáo gì để múc. Lại bỏ đi “cái khó nó bó cái khôn”, tù đi thu lượm các jerry can cũ làm gầu, buộc vào một sợi giây điện và kéo ròng rọc trên một thanh gỗ gác ngang miệng giếng. Rốt cuộc chảo cơm cũng xong chỉ hơi nhão nhưng còn hơn là sống. Bây giờ làm sao phân chia con gà ra được 150 miếng đồng đều đây? Lại thêm một sáng kiến nữa, bỏ con gà với mười gói mì vào chảo nước sôi thành một nồi súp để cùng nhau xì xụp.

      Đêm đến mệt rã rượi, có người ngáy thật to và một vài anh khó ngủ thì trằn trọc. Cán bộ trại cũng không mấy xắc mắc, có lẽ họ cũng còn mù mờ ngu ngơ vì chưa được chỉ đạo rõ ràng của Hà Nội trong một chiến thắng quá bất ngờ. Bởi vậy không khí toàn thể có vẻ thư dãn thoải mái. Nhưng rồi lệnh được loan ra bằng các phát súng hiệu AK và các còi tu-huýt vang dội. Anh em lục tục thu vén hành trang ra sắp hàng trong lúc còn tối om leo lên các xe vận tải ọp ẹp của Nga Sô thả bạt bít bùng. Có một bạn nhăn nhó vì có nhu cầu cấp bách đại tiện “Tào Tháo đuổi”, dơ tay xin đi cầu. Cán bộ phụ trách lạnh lùng nói, “anh khắc phục”! Anh chàng toát đẫm mồ hôi hột, mặt mày xanh như tầu lá, cố bấm bụng để suy ngẫm về các khẩu hiệu trưng khắp mọi nơi của Đại Đồng Chí Hồ Chí Minh “không có gì quý hơn độc lập tự do” mà cái tự do riêng tư tối thiểu nhất của con người cũng bị chà đạp.

      Đoàn xe lăn bánh kẽo kẹt vòng vo để đánh lừa tù nhân và cuối cùng sau mấy tiếng đồng hồ đi với nhịp điệu diễn hành đã đến trạm thứ nhì trong hành trình học tập. Đó là Tam Hiệp giữa Biên Hoà/Đà Lạt, mà bạn Minh đặt tên là nửa từng địa ngục. Người đi thì câm nín mà kẻ ở lại cũng chẳng nói được gì hơn. Tình cảm tâm tư bị dồn ép cũng tìm mọi cách để nói lên lời tâm sự qua tiếng đàn mandoline đơn lẻ trổi lên nhạc khúc Tạm Biệt như tiếng gáy của một con dế mèn gọi bạn giữa đêm khuya. Trại mới này đích thực là một trại tù thứ thiệt với nhiều lớp kẽm gai bao bọc, có những chòi canh sừng sững với bộ đội trí súng lạnh lùng. Sân trại khô cằn, cỏ không cần mọc và đâu đâu cũng thấy sắt thép và kẽm gai. Sau mấy tháng bị lừa dối trong hoàn cảnh gọi là học tập cải tạo để rồi nhận thức ra cũng chỉ là tù thì tinh thần bắt đầu lắng xuống trong một thái độ trầm ngâm. Mức độ ồn ào và lăng xăng với hy vọng vài ba tháng rồi lại ra về bắt đầu tan biến. Không còn thấy được chút ánh sáng ở cuối đường hầm nữa! Một quãng đời như trong sương mù dầy đặc mà người trong cuộc cứ mò mẫm.

      Không để cho tù ăn không ngồi rồi, trại bắt tù lo công việc trật tự và vệ sinh chung quanh nhà ở. Một công việc hết sức phi lý gọi là chà láng khi mỗi người dùng một cái chai hay một miếng ván ra sức miết các đường mưong quanh nhà láng mịn. Trời mưa đất cát lại lỗ chỗ và lại ra công chà, một công việc dã tràng không bao giờ chấm dứt! Thực phẩm lại tối thiểu, số lượng gạo cho từng nhân khẩu được tính toán chi li nên ăn bữa này lại nghĩ đến bữa tới, cái đói hoành hành dữ dội. Túng thì phải tính, tù tìm các món ăn phụ thêm cho cái bao tử dằn vặt. Lấy nước vo gạo ở nhà bếp cô đọng lại sệt sệt uống cho đỡ cõi lòng. Nhưng lại gây ra tắc nghẽn trong nhà bếp khi ai nấy đều đưa các lon guigoz tòn ten trên đầu que như rước đèn kéo quân vào lò lửa. Rồi nhu cầu lan rộng đưa đến khan hiếm, số người càng đông thì nước vo gạo càng ít dần. Lại định luật nhu cầu tạo ra sáng kiến, một số bạn rủ nhau đi xông khói bắt chuột, chuột đồng đã vậy nhưng tóm được chuột cống ghẻ lở cũng chẳng từ vì lột da xào nấu cũng cho các chất đạm thực vật béo bở. Nấu nướng lén lút, ăn uống tạm bợ, các hố phân đầy ruồi bọ, nước giếng bị thẩm nhập đưa đến kiết lỵ hoặc tháo dạ mà thuốc men gần như không có.

      Trại thường xuyên đưa ra khẩu hiệu “ăn chín uống sôi”. Chỉ ban hành khẩu hiệu mà không có một biện pháp thực tế nào hết, và đường lối quản lý cũng mù mờ như chúng đang chờ đợi một điều gì đó nên kỷ luật cũng nới lỏng lần hồi. Người ta cho tù tập hợp lại học những bài vớ vẩn, lơ mơ, học xong rồi cũng chẳng để làm gì hết. Cán bộ coi tù bắt đầu lúng túng, để mặc cho tù sinh sống tùy ý, không có sinh hoạt hướng dẫn miễn sao đừng gây xáo trộn và đừng trốn trại. Để răn đe họ đưa một tù đào thoát ở nơi khác đến, lập phiên tòa xét xử và bắt các tù đi dự nhưng ai cũng biết trước kết cục như thế nào. Khi mọi người tản mác về trại thì nghe tiếng súng AK thi hành bản án. Một cơn mưa đột nhiên đổ xuống như thể trời cũng chia sẻ cái tang chung.

      Công tác lao động chỉ là khuân vác các thùng thực phẩm xe tải chở đến. Nhưng thực phẩm cả lượng cũng như chất cứ kém dần trong khi bịnh hoạn biến thiên theo chiều nghịch. Đã có cảnh các cậu trẻ chống gậy quờ quạng trong khi bịnh kiết lỵ gia tăng và nhiều người mất sức. Túng thì phải tính, trại ra thông cáo cho phép tù viết thư về gia đình xin gửi quà giới hạn mỗi gói 5 kg cọng với 20 đồng tiền cũ. Trại cũng mở quầy bán thức ăn cho tù, chủ yếu là đường và thứ kẹo khốn nạn để móc túi tù. Họ bán cả chiếu cá nhân mà theo nguyên tắc trại phải cung cấp. Mà cũng lạ thay, các gói quà gia đình gửi vào đã đến tay tù một cách nhanh chóng bất ngờ. Sinh hoạt phát và nhận bưu kiện, bưu phẩm là một trường hợp vui mắt vui lòng cho tù. Nhờ vậy mà lo ngại và ưu tư của họ nằm yên trong một xó xỉnh nào đó của tâm thức. Những giấy gói quà nhiều khi chứa đựng những thông tin hàm ý và tù thu vén cẩn thận để giải mật hoặc ít ra để lót chiếu đỡ lạnh và tận hưởng cái hơi hướng gia đình. Dần dà cán bộ trại cũng đánh hơi được và thu lượm tất cả mọi vỏ bọc.

      Một gói đường, một cây kem đánh răng, một cục xà phòng, thứ nào cũng mang một tâm tình nhắn gửi nào đó. Cả một quãng đời được xây dựng, giờ đây xụp đổ như một lâu đài bằng giấy. Hôm nay đây, giá trị của gói quà phải là cả một sự thắt lưng buộc bụng quan trọng của gia đình. Cứ mỗi con khô cá sặt, mỗi gói muối tiêu muối mè là mỗi lần tâm tư người tù cải tạo phải xúc động, lòng bồi hồi, mắt cay cay, mũi hăng nồng. Thực tế trước mắt nhắc cho tù cái cảnh bi đát của chính mình vì những thứ kia trước đây chẳng là gì đối với họ nhưng biết đâu chẳng đã gây những thiếu hụt trong gia đình phải dồn cho chồng cho cha trong tù. Chút gì trong gói bưu kiện cũng được trân trọng, từng khoanh giây thung, từng mảnh giấy vở học trò với giòng chữ nguyệch ngoạc của con tập viết cũng như những mảnh giấy xi măng gói ghém nhăn nhúm.  

      Đời sống tương đối thoải mái hơn khi có tiếp tế. Cán bộ trại tìm cách răn đe, mục đích là để phòng ngừa ý đồ trốn trại hoặc một biến động nào đó trong khi họ chờ đợi một quyết định chẳng rõ từ trên. Tù ăn rồi chờ, không biết chờ gì. Xa xa về phía mặt của trại là xóm đạo Hố Nai mà những tiếng chuông trong Lễ Mi-Xa mừng Chúa Giáng Sinh đã len lỏi vào tâm thúc. Đêm giao thừa chuông các nhà thờ ngân vang và sau đó điệu nhạc mừng xuân lại vang lên qua hệ thống phóng thanh của xóm đạo. Bản nhạc Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương lôi tù cải tạo trở về những ngày dĩ vãng, mới đó mà đã xa xôi. Tù cải tạo ngạc nhiên rất nhiều và tự hỏi tại sao xóm đạo lại xử dụng được sản phẩm văn hóa mà cộng sản cho là “nhạc vàng đồi trụy”? Trong đầu năm âm lịch tù đã được cho mấy bữa ăn đặc biệt cho nên ăn bữa này không thấy thòm thèm bữa tới. Lẽ cố nhiên với gia đình tiếp tế vấn đề thiếu ăn đã thành thứ yếu.

      Bỗng nhiên mấy ngày trước đó trại phát cho tù các quân phục tác chiến ngụy trang trước kia của VNCH và đổi mùng màn mới cho những ai có đồ rách. Tối lại cũng sinh hoạt bình thường rồi cũng kẻng ngủ hằng đêm. Nhưng khoảng một giờ sau có tiếng còi huýt vang và tù khu B được lịnh tập hợp rồi cán bộ gọi tên những người phải đứng qua bên, cấp tốc chuẩn bỉ tư trang gọn nhẹ. Một lần nữa những người bạn tù vừa quen biết nhau, vừa bắt đầu kết tình thân thiết lại tay bắt mặt buồn từ giã nhau mà không thể hứa hẹn ngày tái ngộ. Nhiều người phải lúng túng không nỡ bỏ cái này không đành để lại món kia, mỗi người đều có nỗi khổ tâm ray rứt. Thế rồi từng nhóm tay xách nách mang  đi ra cổng trại cho đầy mỗi chiếc xe vận tải.

     Sáng hôm sau, sân đầy rẫy những lon nhôm guigoz cũ, những vỏ thiếc hộp dùng làm chén bát, những giấy gói bưu phẩm tích trữ, tất cả những thứ chẳng ra gì nhưng chứa đựng tình cảm của những con người đã làm lại cuộc đời từ con số không. Về đâu đây, về đâu đây, khi đã bước xuống nửa từng địa ngục? Những người con của đất nước Do Thái mắc nạn ở Ai Cập, hay những người di tản mới đây còn biết được nơi sắp đến nên dù có trăm cay ngàn đắng cũng cam tâm chịu đựng để đến được vùng sáng rực ở chân mây cuối trời. Những người tù cải tạo thì chỉ có rời một nơi đen tối tới một miền tối đen hơn mõm chó mà thôi!

     Cũng những lộ trình gần như vô tận, vòng vo từ nửa đêm đến khi trời hừng sáng thì đến phi trường quân sự Tân Sơn Nhứt, qua lối sân golf miệt Phú Nhuận. Tù được đưa vào ụ phi cơ để giải quyết vệ sinh cá nhân rồi được cấp lương khô Trung Quốc là những cục bột quá thời hạn cứng như đá, ném chó chó gẫy giò, nên một số anh em bị lủng củng tiêu hóa. Bộ đội kiểm số tù và cho lên hai phi cơ C-130 đậu trên đường băng. Phi cơ cất cánh, mỗi người với nét mặt ưu tư nhưng không được trao đổi dưới cặp mắt theo rõi của cai tù. Tuy nhiên, những bộ quân phục tác chiến ngụy trang làm cho người ta liên tưởng đến những chuyến bay hành quân trước kia. Cũng những bộ quân phục đó xưa kia đã một thời hào hùng mà nay thì lại là chỉ dấu của những người phải được canh chừng. Giờ đây tiếng súng đã im, họ lại âm thầm ngậm đắng nuốt cay trong tủi nhục.

      Phi cơ cất cánh với tù khóa tay trong còng buộc chùm vào nhau ngồi thành hai giẫy. Đáp xuống Gia Lâm bớt được chút lo âu khi bay. Tù tập  hợp lại dưới bóng mát của một cây cọ thì một quân xa chạy tới với một Tướng gì đó tỏ lời chào mừng đoàn tù miền Nam với những lời nói thật bóng bẩy nhưng đượm vẻ chua cay và mỉa mai song chả khác gì rao giảng giữa sa mạc. Vì không có một phản ứng nào trên những khuôn mặt thờ ơ ông Tướng lại đành lên xe đi mất. Chẳng bao lâu sau đó đoàn tù lại bị thúc vào các xe vận tải quân sự bít bùng trên một lộ trình mù tịt.

       Qua một khu lòng chảo bao quanh là rừng núi chập chùng xe vẫn chạy xa tít mất hút vào nơi nhà cửa bắt đầu lưa thưa. Kiểm điểm nhân số xong, một bộ đội hướng dẫn đoàn tù tay xách nách mang, thỉnh thoảng lại la lối om xòm. Đến một ngôi nhà tưởng là trường học hoá ra là nhà tù. Tiếp theo là một dẫy nhà lá cũng là nhà tù, hai dẫy tựa lưng vào một hòn núi nhìn ra một đồng ruộng hẹp tựa vào một hòn núi khác. Số lượng tù tăng quá mức quy hoạch nên tù bị chèn ép như cá hộp. Đêm dài lê thê bất tận nhưng sau một ngày nhọc nhằn giấc ngủ cũng đè ép xuống, mồ hôi nhễ nhại cho đến khi kẻng đánh thức.  Đoàn tù lẩn mẩn lơ mơ như đàn gà lạc chuồng, múc nước rửa mặt rồi nối đuôi giải tỏa khúc ruột ấm ức tại ba nơi giải tỏa “bom đạn”.

      Tù được sắp xếp chỗ ngủ lại, nằm cả ở chuồng trâu và trong dẫy nhà mới đất còn ẩm. Nhờ vậy mà đêm thứ nhì trong nhà tù xã hội chủ nghĩa miền Bắc dễ ngủ hơn may ra lấy lại sức cho những bất ngờ ngày hôm sau. Năm giờ sáng hôm sau khi kẻng báo thức chấm dứt, tất cả đều phải ra sân tập thể dục buổi sáng, chạy tại chỗ theo nhịp một hai ba bốn “gà gáy sáng” rồi bốn bài thể dục tay không do bộ đội chỉ lại cho cai tù. Có thêm phần ăn sáng chủ yếu là cháo nấu đặc, tuy cũng chỉ có chừng ấy lượng thực phân chia ra làm ba bữa ăn để cho tù có thêm sức qua một đêm dài, có khả năng lao động chờ bữa cơm trưa.   

      Sau thời kỳ lao động chung chung mà cốt yếu là khuân vác các cây bồ đề được lâm nghiệp tỉa bỏ bên vệ đường. Từng đoàn người có khi hai người chung sức khiêng hai cây còn những anh đơn độc thì hì hục ôm kéo gốc, bụi cát bay mù trời, nhìn như một lũ kiến tha mồi. Cứ như vậy, mỗi ngày hai buổi đi về, một chuyến khoảng sáu cây số, đống cây cũng được tha hết về địa điểm xây trại mới. Trời nắng hạ thì mồ hôi nhễ nhại, trời mưa thì bùn đất lầy lội, thật là ê chề.    

    Trại phân loại chuyên môn theo tự nguyện đựa theo lời phát biểu của mỗi cá nhân, chủ yếu theo nhu cầu trại, mộc, hồ, xẻ. Những ai không chuyên môn thì đưa vào “cơ động”, chuyên làm những việc nặng như đi rừng lấy củi cho nhà bếp hoặc lấy gỗ tre cất nhà tù. Những anh ốm yếu đưa vào tổ canh tác sản xuất thực phẩm cho trại. Nhưng ngày một ngày hai, nghề dạy nghề rồi đâu cũng vào đấy. Qua thời gian học tập cải tạo, các sỹ quan Sài Gòn sẵn có vốn trí thức nay đầu tư vào công việc hằng ngày quên đi những khắc khoải của cuộc đời tạm bợ vô duyên.

      Do đó tù cải tạo phải vận dụng các hiểu biết thực tế cuộc đời. Mà có nêu ra khó khăn thì cũng chỉ nhận được câu vẹt lặp lại ngu si khó hiểu “các anh khắc phục”! Xây cất trại thì bằng tre lá nhưng nhà vệ sinh thì xây gạch vì nhu cầu phân tươi và nước tiểu được thu vén kỹ càng cho tổ canh tác bón rau hay phơi khô nghiền nát để dành. Tổ chăn nuôi lo vỗ mấy con lợn thì mỗi ngày lợn mỗi ốm tong ốm teo vì tổ viên ăn chận cám heo.

      Qua hình thức tổ chức đội ngũ hóa như vậy, tù cải tạo chính thức bước vào cuộc lưu đầy biệt xứ trong tinh thần “hòa hợp hòa giải dân tộc”. Một nếp sống tồi tệ và bệ rạc mà lương tri con người không thể hình dung ra được và tù cải tạo phải thực tế nếm mùi trong bối cảnh đất đỏ và rừng lá trùng điệp của Hoàng Liên Sơn. Long Giao là thời kỳ học lý thuyết và giờ đây bước vào học tập thực hành trong sự “độ lượng của đảng và nhân dân” tha tội chết cho ngụy quân ngụy quyền đang lao đầu vào học tập thành người công dân lương thiện”!  

      Tù cải tạo không còn sức để lao động hăng say, chủ yếu cũng chỉ là để chờ bữa ăn trước mắt, một phần ăn vừa vào bao tử lại có nhu cầu một bữa ăn khác. Sau cơm chiều cũng chưa hết, lại còn phải họp tổ, bình bầu, chẳng có gì ngao ngán cho bằng, mong cho hết để tự do chui vào chỗ nằm của mình trong những đêm lạnh lẽo, thả hồn về những gì mình mong ước. Thế nhưng vẫn chưa hết. Cán bộ họp cho đến khuya rồi khua tù tập hợp. Đây là lúc những con người tuổi cỡ con cỡ cháu tù lên lớp dậy cho bậc cha chú. Thôi thì họ nói trên trời dưới đất đầy tính chất tuyên truyền về cái hay cái đẹp của chủ nghĩa xã hội, cố nhồi nhét vào tâm tư những người tù đang ngái ngủ mỏi mệt sau ngày lao động vừa qua.

      Thời tiết đổi lạnh lại thiếu ăn nên nhiệt lượng trong người giảm sút trong khi đòi hỏi lao động gia tăng. Sáng ra phải lội qua con suối nước lạnh như cắt da mới vào được khu lấy củi lấy tre. Trời mưa lầy lội, bó tre bó củi trên vai, tay chống gậy, mũi miệng thở ra khói, mấy lượt lên đồi xuống dốc mới về đến trại đổi lấy chén cơm với rau và nước muối thì cân bằng năng xuất được bao nhiêu? Về lâu về dài, mức ăn thiếu hụt tác động đến sức khỏe. Tiêu chuẩn gạo đã thiếu mà các phần phụ như bí ngô, khoai sắn bắp nào có cho đủ dinh dưỡng cao? Vì vậy phân không hôi thối, đen như phân trâu, cũng là một cái may cho ai làm việc thu lượm. Miếng ăn là miếng xấu nhưng được trại dùng để quản lý con người làm biến chất hèn hạ mất cả nhân tính. Miếng ăn thật quả làm nhục con người, lúc dư ăn dư để cũng như khi chẳng có để ăn.   

      Nạn thiếu đói kết hợp với thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của tù rõ rệt. Chẳng phải vì lòng nhân đạo, cộng sản mở một đợt cho tù gởi thư về cho gia đình gửi bưu phẩm ba tháng một lần mỗi lần ba kí chủ yếu là quần áo và một ít thức ăn khô. Lúc ấy đường thuộc loại nhu yếu phẩm khan hiếm ở miền Bắc. Nhân dịp có tiền trại tổ chức cho tù đi mua mật mía mới ép, cứ hai người cáng một xô có bộ đội hướng dẫn đi đến làng mạc xa xôi mua về chia ra. Mật mía sống gây ra nhiều vấn đề lôi thôi tiêu hóa. Nẩy ra nạn chó săn báo cáo, dựa trên sự yếu đuối của một vài người trông mong được ưu đãi hơn và biết đâu chẳng được về sớm với gia đình.

      Hệ thống chó săn chưa nhuyền nhuẫn thì lại đổi trại. Tổng số tù cấp Đại Tá bị chia đôi, một nửa ở lại trại nhà lá còn nửa kia đi sâu vào núi rừng trên đường ngoằn nghoèo đến một thung lũng. Nơi đây trước có người ở nhưng nay là một cảnh hoang tàn. Một lần nữa lại phải chỉnh đốn nơi ăn chốn ở và vùng đất canh tác hoa mầu. Khoảng bốn tháng sau nếp sống bắt đầu được ổn định thì tiếng còi gọi tập hợp. Một số khoảng hai mươi người được gọi tên chuẩn bị chuyển trại. Dư luận cho rằng đó là những phần tử ác ôn có nhiều nợ máu như các cựu tỉnh trưởng hay an ninh quân đội bị đưa đi, gây ra suy diễn rằng ta không ác ôn thì nay mai sẽ bị tha khỏi cần phải trốn. Sau giờ nghỉ trưa khi kẻng lao động buổi chiều khua vang thì cả trại được lệnh tâp hợp chờ chỉ thị. Thế rồi lại sửa soạn chuyển trại như thường lệ, nơi đến thì mù mờ hơn cả nẻo đường rừng vào núi đồi chập trùng Hoàng Liên Sơn.

      Qua một đêm gần như thức trắng nai nịt gọn ghẽ thành hai gói hành trang đoàn tù được lệnh chuyển trại toàn bộ. Mỗi người một khúc cây hai gói hai đầu di chuyển xuống con đường trước trại tập hợp. Lối đi lầy lội trong bóng đêm đã có một tù té gẫy chân và bạn tù phải góp sức đưa anh và hành trang đi. Ngang dẫy nhà lá lại thấy các tù khác tập hợp chuyển trại, nghĩa là lần này quy mô đưa đi hầu hết cấp Đại Tá. Ra đến đường cái bọn tù nay mặc đồng phục bà-ba xanh dưong ngồi chờ thảm hại. Đoàn xe vận tải hiệu ZIL Nga sô đi theo tuyến đường quen thuộc ra Yên Báy những khi ra lấy cát sông Hồng. Sau ba năm chung đụng bộ đội có phần nào hiểu tù nên thái độ bớt phần hằn học. Khoảng trưa xe dừng lại dọc một con sông trong thị xã Phú Thọ cho tù giải tỏa bài tiết và ăn trưa đã được chuẩn bị từ đêm qua. Xế chiều đoàn xe ngừng lại ở một góc phố ngoại ô Hà Nội. Trẻ con người lớn xúm lại xem tù lem luốc ngồi lặng trên xe. Cảnh trí của vùng ven biên thủ đô ngàn-năm-văn-vật lại quá thảm thương khác hẳn trong trí óc mơ màng qua Tiểu Thuyết Thứ Bẩy hay Tự Lực Văn Đoàn.

      Khoảng ba giờ chiều đoàn xe chạy vào một khu có bảng đề hai chữ CA (công an), tù cảm thấy rã rời. Đây là trại Hà Tây. Nỗi niềm xao xuyến chưa kịp lắng dịu thì xe đổ tù xuống một gian nhà rộng lớn bày biện bàn ghế như một nhà giải khát và tù được hướng dẫn vào ngồi bàn. Lạ lùng hơn, tù được mời uống trà, nước ngọt, hút thuốc lá và có cả công an gái bưng hầu nữa! Phải chăng một viên kẹo ngọt mở đường cho chén thuốc đắng theo sau? Sau vài lời chào mừng tù được hướng dẫn đến khu giam trong tường cao hai thước xung quanh sân tập hợp và được thông báo là mỗi người được mua một bao thuốc lá và một lon sữa đặc theo giá cung cấp. Bữa ăn chiều gấp đôi thường ngày ăn không hết. Đang lăng xăng thì bên kia tường có tiếng gọi xin phần cơm dư thừa. Nhìn lại thì thấy là các bạn “ác ôn côn đồ” đi trước. Trông người lại ngẫm đến ta, không biết màn bi hài kịch lúc chiều đang dẫn đến một tấn tuồng bất ngờ gì đây?

      Công An quản lý khắt khe hơn nhiều. Ngoài cán bộ trại ra lại còn có một tù dược chọn làm gạch nối giữa tù và trại gọi là “anh đại diện”. Vốn không được tù cũ ưa thích nay lại bị tù mới chống đối ra mặt anh bắt đầu ý thức phận mình. Lao động ở đây cũng như xưa chỉ có thêm công tác làm gạch, lấy đất sét nhồi cắt xén ép thành viên gạch miếng ngói là vất vả. Xong rồi đem vào lò nung rồi gánh trở ra sắp xếp, công việc nhọc nhằn với mức ăn đơn điệu làm cho tù uể oải lờ đờ.  

      Bộ Nội Vụ đưa tù từ Hoàng Liên Sơn về Hà Tây không phải để lấy thêm nhân công mà để khai thác về mặt khác. Trước khi đó trại phát phiếu gửi quà để tù gửi về xin gia đình tiếp tế theo quy định làm cho tinh thần tù tăng tiến. Cán bộ trung ương phái đến mở lớp học tập trong một căn nhà giài có bàn ghế do tù kiến tạo. Mở đầu là những bài nói của cán bộ cấp cao, xoay quanh ý chính là “nên thật thà khai báo để mau về với gia đình mong các anh về sớm, và về sớm hay không là ở các anh”. Chủ đích là làm cho tù đừng chán nản mà trốn trại.

      Phương tiện vật chất được cung cấp đầy đủ, loại giấy tốt trắng tinh, ánh sáng tăng tiến từ hai bóng đèn lên thành bốn bóng. Quản lý tù qua bao tử, thơ giao dịch với gia đình được chuyển nhanh chóng hơn, phiếu gửi quà được tăng thêm. Tù viết tự thuật được miễn lao động chân tay. Thỉnh thoảng về đêm trại tổ chức bán bánh nướng cho tù, một thứ bánh giống bánh Trung Thu bằng bột sắn, mua bán qua song cửa sổ tù do đội tù nhà bếp phụ trách. Tạo điều kiện vật chất như vậy Cộng Sản muốn có kết quả mong đợi. Lâu lâu cán bộ trung ương tập trung một số bài viết rồi gọi lên “làm việc”, hạch hỏi diều này điều nọ và đe dọa. Không khí trở nên u ám, cá nhân lúc nào cũng trầm tư mặc tưởng về cách viết lách. Viết làm sao để không bị cán bộ bắt bẻ và lách làm sao để khỏi tự tay mình thắt thòng lọng vào cổ.

       Hết viết tự thuật về cá nhân cán bộ lại xoay qua khía cạnh khác, đào xới về các  Tướng lãnh mà tù từng phục vụ, cả đời công lẫn đời tư của họ. Một Đại Tá hẳn hồi xưa đã từng làm việc với nhiều vị Tướng thì luân phiên kể từ vị nọ qua vị kia rồi đưa cho một tù “chấp bút” sàng sẩy lại để cán bộ liên hệ mời lên “làm việc” theo tiêu chuẩn của họ.

      Nhóm tù Hoàng Liên Sơn thuần nhất hơn, đương nhiên đả phá chế độ cấm chỉ “liên hệ linh tinh” và sự có mặt của các “anh đại diện” hay ăng ten thường là những thành phần “đội trên đạp dưới”, cứ tưởng là hợp tác với cán bộ thì được sớm trở về, nhưng về thì còn ai báo cáo cho trại? Hành động này càng được đẩy mạnh hơn khi một nhóm tù trên Thượng Du Bắc Việt được di tản về hầu tránh cuộc xung đột biên giới giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Nhóm tù này bao gồm các sỹ quan cấp nhỏ trẻ tuổi nên năng nổ hơn, đối kháng kỷ luật và hệ thống “anh đại diện” hoặc “ăng ten” của trại. Thêm vào đó cảnh sinh sống chật chội làm cho ban chỉ huy trại bị tràn ngập không thể đòi hỏi nhiều về mặt kỷ luật. Lần hồi bầu không khí sinh hoạt của trại Hà Tây cũng chuyển hướng theo đà dễ thở hơn.

      Trong tình hình như vậy không biết ngành quản lý tù ở Hà Nội có ẩn ý gì mà cho phép gia đình thăm nuôi tại trại vào cuối năm 1979. Theo tin tức mã hóa trong thư từ tù biết mơ hồ là dư luận thế giới đặt vấn đề những người của chế độ Sài Gòn bị giam giữ quá lâu mà không được xét xử. Có lẽ vì vậy mà họ thay đổi đôi phần chính sách?

      Khi có gia đình đến thăm, cán bộ phụ trách vào nhà tù căn dặn phải ăn mặc chỉnh tề. Rồi cán bộ đưa tất cả tù thăm nuôi ra nhà tiếp ở gần cổng có vườn hoa cây cảnh. Thân nhân và tù ngồi đối diện nhau hai bên một cái bàn có cán bộ ngồi chứng kiến ở đầu bàn. Thời gian tiếp xúc bị giới hạn tối đa nửa giờ trong không khí của một buổi chợ chiều và cán bộ cũng không chắc có thu thập được gì không. Tâm tư tù cảm thấy được trở lại gần gũi với gia đình, không còn biền biệt như bao năm qua coi như đi vào cửa tử. Nhờ sự tiếp tế của gia đình bằng những bưu kiện năm ba kí, tình cảnh thiếu đói cũng nhẹ đi.

      Nhưng lại xẩy ra những trường hợp bi hài. Khi trại cho phép một số gia đình được ở lại qua đêm thì các bà bé hay em gái hậu phương cũng lấy “đồng tiền xé toạc tờ giấy” ra mà có chứng thực đi thăm chồng. Rồi những cuộc đụng đầu ngỡ ngàng xẩy ra, hai cô cùng thăm một đấng Đại Tá. Nghĩ cho cùng thì lúc thân tàn ma dại còn gì nữa để hai cô phải lặn lội như thế này. Phải chăng trong thuở hưng thời quan Đại Tá đã chiều chuộng hai cô đáng đồng tiền bát gạo? Mượn phương tiện công để làm ra mặt hào hoa phong nhã là một chuyện thường trong một chế độ chuẩn bị đi đến chỗ tiêu ma! Nhưng trại chỉ cần căn cứ trên giấy cấp địa phương còn chuyện tranh chấp trại không cần biết. Vả lại có lời đồn rằng, “Cứ cho anh ấy về địa phưong, cách mạng không cần mất công quản chế vì đã có hai bà lo liệu rồi”!

      Đi được đến nơi thăm nuôi chồng là cả một trời đau khổ nhọc nhằn. Đường xe lửa xuyên Việt còn đang tu bổ, những toa xe bệ rạc khặc khừ bao nhiêu giờ từ Nam ra Bắc. Rồi nhiều đoạn phải lặn lội qua rừng núi mới đến được trại tù. Vì địa điểm thăm nuôi là nơi phải được đánh bóng nên trại cho tù chăm nom cây cảnh, đặt những ghế đá đó đây. Những gian nhà vừa xây cất được sơn phết và quét vôi sạch sẽ và vui mắt. Nhân sự khu thăm nuôi cũng được chọn lựa cẩn thận, phải có phẩm chất bên đảng cũng như bên đời.  Việt Kiều đi thăm thì không phải vào khu thăm nuôi mà lại được ban chỉ huy trại cho gập tại văn phòng và được trại trưởng săn sóc chu đáo. Cuộc tiếp rước là một hoạt cảnh trình diễn, thậm chí tù còn được chụp hình chung với gia đình.

      Cán bộ phụ trách tài sản tang vật của tù như đồng hồ nhẫn cưới, máy thu thanh bỏ túi là một cô công an trẻ đẹp nhất trại, quản lý một tài sản không nhỏ của tù. Dĩ nhiên cô được những cán bộ trẻ độc thân cũng như những cán bộ vợ con dùm dề săn sóc kỹ lưỡng. Ngay những tù nhân cũng không thể hờ hững với một bóng dáng như vậy giữa những cằn cỗi tầm thường của xã hội chủ nghĩa tuy cũng chỉ là ngắm hoa trên đồng cỏ dại mà thôi. Trong số những người để ý đến nàng công an phải kể đến các cán bộ nhà bếp có điều kiện cắt xén chút ít từ mỗi miếng ăn tù cộng lại thành tài sản kếch xù. Kết cục là đồng hồ, nhẫn biến mất khi người con gái chỉ nghĩ là tình yêu là cứu cánh giữa trai gái, và tài sản đăng ký của tù biến mất. Trại phải kiểm kê tài sản và phải điều đình với tù để dần dà “lâu cứt trâu hóa bùn”, một đồng hồ omega chỉ còn bằng một kí thịt heo. Theo dư luận thì hai cán bộ liên quan đã bị tống giam lột áo công an trở về dân thường nhưng được một số vốn sinh sống. Cô cán bộ trách nhiệm nghe nói đã mở một quán nước trên đường vào Hà Nội còn anh chàng quy hoạch hóa phép đồng hồ thì về đuổi gà cho vợ.

      Để vỗ béo tù cho một tấn tuồng nào đó trại còn cho phép tù nhận tiền của gia đình bỏ vào một chương mục của tù ở trại. Trại tổ chức những chuyện mua bán to lớn hơn những chuyện lặt vặt bánh nướng và cháo thịt. Tuy nhiên vì không có chỉ thị dứt khoát nên có tranh chấp giữa cán bộ an ninh và cán bộ nhà bếp. Tù ra khỏi buồng giam đến nhà bếp mua hàng thì bị an ninh chận bắt. Mãi về sau mới có chỉ thị làm cho sinh hoạt được điều hòa và lần hồi tù được dễ dãi trong nếp sống. Rồi mua bán giao dịch thẳng với cán bộ cư ngụ trong trại mỗi khi họ có hàng để bán ra, nhứt là heo nguyên con. Có buôn bán là có tính toán lợi nhuận, dù là người xã hội chủ nghĩa cũng muốn thu số lợi bất chánh. Trước khi tù bắt heo về mổ thịt, con heo được vỗ cho nặng cân nhưng khi mổ ra thì thấy bao tử  lẩn cám với mạt cưa. Thậm chí có lúc tù còn mua được thịt chó và rượu nữa khi một số cán bộ nổi hứng “hạ cờ Tây” để liên hoan khỏi mất tiền vì tù chi trả. Trao đổi mua bán qua cửa sổ do cán bộ trực ban đứng qua cửa sổ nhận đơn đặt hàng và tiền. Một lúc sau hàng đến cũng qua cán bộ trực ban và qua cửa sổ 

      Tình trạng thoải mái cho cả đôi bên nên kỷ luật đỡ khắt khe. Tù cũng tìm một lối sống nhẹ nhàng cho quên đi nỗi thống khổ. Trại cũng biết được suy nghĩ của tù nên nhẹ phần khắc nghiệt. Hà Nội đã phải chấp nhận áp lực của thế giới để cho những tổ chức nhân đạo đến thăm. Ngày họ đến thăm tù phải giậy sớm làm vệ sinh trại và lãnh trước phần ăn trưa và được đưa đi dấu ngoài tầm quan sát của khách. Chỉ còn để lại độ một nửa số tù để cho thấy là điều kiện sinh sống rất thoải mái. Ngoài ra còn chọn những tù có khả năng sinh ngữ để trả lời phái đoàn theo ý của trại. Lẽ cố nhiên vẫn có những điều răn che, nếu nói năng hàm ý thì quá trình học tập sẽ bị ảnh hưởng. Một hôm khách được hướng dẫn thăm ban mộc là niềm hãnh diện của trại vì đã đóng được nhiều bàn ghế cho trại. Một anh tù đưa ra một tấm ván nhỏ trên viết ba chữ SOS bằng than. Khách đã trông thấy và cán bộ tháp tùng cũng thấy, thế là anh tù này phải viết bản kiểm điểm và bị kỷ luật. Có những thắc mắc của khách mà người tù đối thoại trả lờo khéo léo với câu mở đầu “theo trại thì”, tức nhiên khách sẽ hiểu.

      Sinh hoạt ăn uống cũng được lần hồi nới rộng nhưng khi trại làm lơ một thì tù leo thang mười. Vì trại chủ trưong “ăn chín uống sôi” nên ngày một ngày hai chuyện nấu nướng cá biệt trở thành đương nhiên. Chất đốt tốt nhất do xưởng mộc cung cấp mặc dấu đem từ xưởng mộc vào trại phải dấu diếm. Nhưng cũng như xổ số kiến thiết, năm may mười rủi, có bắt thì tang vật cũng chỉ bị tịch thu, và cũng chỉ cười trừ rồi lại tiếp tục. Theo đà thời gian bếp thô sơ chuyển thành bếp “hiện đại” do sáng kiến của các anh tù khéo tay chế biến từ các lon thiếc hộp thành các lò dầu lửa tí hon. Và vài cán bộ cũng có thêm thu nhập cung cấp chất đốt “cao cấp” cho các anh tù không được gia đình tiếp tế.

      Lần hồi sự giao dịch giữa tù và cán bộ trở thành tương quan, bớt đi sự thù nghịch của thuở ban đầu vì hai phe dựa vào nhau để sống trong môi trường nhỏ hẹp của nhà giam. Tù cải tạo được sống tương đối tự do, một thứ “tự do trong tất yếu” như cán bộ cộng sản thường nói. Truyện tương lai dài tạm gác qua một bên, trong hiện tại cứ sống đi đã, lao động cầm chừng, ngày ngày chờ thăm nuôi và tiếp tế của gia đình, kể cả những bưu kiện từ ngoại quốc gửi thẳng vào trại. Qua thăm nuôi một số sách báo bên ngoài lần hồi được đưa vào trại, kể cả sách báo tiếng Pháp tiếng Anh ngụy trang sản phẩm văn hóa Liên Xô. Cán bộ trực trại trở thành dễ dãi vì bị nhu cầu vật chất mê hoặc. Họ không kiểm soát để tìm những gì cấm kỵ mà để tìm những thứ gì có thể xin được.

      Có của ăn của để, lòng người dễ quảng đại, và tình huynh đệ trong tù là một tình nghĩa vô cùng thiêng liêng. Những ngày Chủ Nhật không lao động, từng nhóm cùng chung sở thích, quây quần họp lại, người ra của kẻ bỏ công, tổ chức nấu nướng rồi cùng ăn, trao đổi những câu chuyện ngày xưa. Sinh hoạt trong tù cũng thoải mái hơn, cho phép tù quên đi những trì trệ của thời gian. Tù bắt đầu tổ chức sinh nhật quy tụ gần hai mươi thực khách. Có anh nhân lễ cưới của con ngoài đời cũng làm một tiệc trà nhỏ mời thân hữu tù đến chia vui. Cửa khu không bị khóa nữa nên đi lại dễ dàng, tù cũng thấy thời gian lao đi như “bóng câu qua cửa sổ”. Dĩ nhiên là không có lợi cho cộng sản vì hiệu quả cải tạo bị xói mòn. Có anh bị kiểm điểm bị cắt thơ cắt thăm nuôi. Nhưng đã là tù thì như người điếc còn sợ gì súng nữa!

     Với đà cởi mở của trại, cảnh vệ cũng đỡ khắt khe mà còn tìm cách gây cảm tình. Trong hành trình tuần tra, nhất là những đêm gió bấc tràn về, trời rét ngọt, lúc được điếu thuốc thơm khi viên kẹo, lúc chung trà móc câu đậm đặc cũng tạm ấm lòng trong đêm giá rét. Có cảnh vệ còn yêu cầu tù ca hát nhạc vàng hay kể chuyện chưởng, chuyện đi Tây đi Mỹ cho nghe. Bên trong hay bên ngoài song sắt ai cũng có nỗi khổ của riêng mình, nhưng nếp sống của ai sung sướng hơn ai là điều mà công an cảnh vệ nhiều đêm gác tay lên trán trầm ngâm suy nghĩ. Cán bộ công an mà còn như vậy thì đời sống người dân thường ra sao? Bài giảng để cải tạo ngụy quyền lúc nào cũng cho biết rằng trong vài kế-hoạch-năm-năm nữa Việt Nam sẽ không còn cảnh con trâu đi trước cái cầy. Thế nhưng, đó đây trên đồng ruộng quanh trại vẫn còn cảnh chồng cầy vợ kéo, người lại thay trâu. Nguyên nhân thầm kín là “trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà” (máy cầy sơn mầu đỏ).Trên đất nước xã hội chủ nghĩa, làm “đầy tớ nhân dân” lại lý tưởng hơn làm “chủ đất nước”.Trong tinh thần “lá lành đùm lá nát”, anh em cải tạo thu lượm quần áo phế thải của tù để vào một địa điểm “thùng thơ chết”ngoài phát hiện của công an rồi đi thoáng ngang nói khẽ với dân đến đó lấy về dùng tạm. Khi thì hộp sữa cho người già yếu, lúc vài viên thuốc chống cảm, ấy thế mà lần hồi con cháu Bác lại mến lũ “ác-ôn-côn-đồ” hơn cả “bọn nó” Công An Miền Bắc. Theo những người này thì từ lâu lắm rồi người dân miền Bắc chờ đợi Ngụy Quân Ngụy Quyền trong Nam ra giải phóng, “nào ngờ các anh lại để chúng vào chiếm”!

      Đang khi thoải mái thì có tin chuyển trại. Cán bộ dặn dò “nếu có đi, có gì bỏ lại nhớ cho tôi”. Sau gần năm năm sinh sống cố định tại Hà Tây, tài sản vật chất tích lũy khá nhiều như lon Guigoz, xoong nồi, bếp dầu lửa và cả rương sắt chứa thực phẩm khỏi bị chuột phá nữa. Cán bộ hăng hái thu nhặt những gì tù vứt bỏ với câu nói “cái gì của các anh cũng quý”! Ngụy quân ngụy quyền càng thấy giá trị của tự do trong chế độ tư bản và càng thấy tội nghiệp cho người dân nép mình lâu nay trong xã hội chủ nghĩa! Một đoàn xe nằm chờ, cán bộ nam nữ đứng đầy hành lang chứng kiến tù chuyển trại. Nhiều cánh tay đưa lên, vẫy đi vẫy lại tiễn đưa. Đây là lần đầu tiên mới thấy có một buổi tiễn đưa đầy lưu luyến. Khi ra khỏi trại, các người dân, các học sinh từng có liên hệ tình nghĩa với tù cũng đứng bên vệ đường vẫy vẫy, ngờ đâu hôm nay lại luyến tiếc sự ra đi của bọn “ác ôn côn đồ ăn thịt người”.Tình cảm chân thật còn mạnh hơn bom đạn trong cách thuyết phục lòng người. Tiếc thay những người làm chính trị cấp cao ít khi chịu nhận thấy.

      Sau tám năm dài học tập, lần đầu tiên tù được biết trước nơi đến và được ngồi xe ca của hệ thống vận tải công cộng. Tù Hà Tây được biết lối cư xử khắt khe của Nam Hà nên đi dến trại mới nửa nuối tiếc nửa âu lo. Từ một trại đồng bằng đi đến một trại núi rừng hoang dại, chẳng lẽ tù lại bắt đầu từ con số không? Cây cối rừng Nam Hà cằn cỗi vì rễ cây chỉ bám víu vào ít đất ở khe đá, mang dáng dấp của Bonsai. Một vài bộ óc đam mê cây cảnh cho rằng “cây đó mà đem được về thành phố thì bán khối tiền”.    

      Đoàn xe tiến vào Trại A gồm nhiều gian nhà gạch rải rác trên nhiều từng địa thế khác nhau trong khu vực lòng chảo nhỏ hẹp. Trại Nam Hà trước kia gọi là Đầm Đùn do Pháp thiết lập để giam giữ tù chính trị. Ngày nay dưới ánh sáng Xã Hội Chủ Nghĩa, trại được mở mang thêm nhiều. Tù Hà Tây được giam riêng biệt, cửa khu khóa kín. Vài ba hôm sau lịnh cấm cửa mới được nối lỏng và thấy rằng nếp sống cũng không như tin đồn. Vài người tù Nam Hà lại được tự do đi buồng nọ qua buồng kia rao bán thức ăn hoặc hỏi mua nhẫn vàng, răng vàng và loại bút máy có ngòi quý kim hoặc chăn mền cũ, không khác gì trên một toa xe lửa. Ở đây guồng máy buôn bán đã hoạt động thành nề nếp, nhất định là được hỗ trợ chìm của cán bộ trại. Đã mười ngày rồi mà không thấy biên chế thành tổ đội gì hết, cứ để ăn không ngồi rồi, ca hát lang thang bên trong hàng rào. Có tin đồn là sắp có chuyến đi Nam nên thiên hạ đua nhau bán bớt chăn mền lấy tiền mua các thứ mà tù hàng rong mời chào. Chớp thời cơ, tù tìm cách giải tỏa nếp sống để đặt trại vào một tình huống không thể bước lùi.

      Một buổi sang bỗng nhiên tù mới cũng được gọi ra sân tập hợp. Thế là một lần gọi nữa và sau đó những người được gọi phải chuẩn bị tư trang ra buồng cách ly đi Nam. Như một đàn ong vỡ tổ, kẻ chạy qua người chạy lại, anh đi buồng này anh đến buồng kia, bàn giao cho bạn bè còn ở lại những gì không cần thiết. Thêm một lần ra đi quá bận rộn không cho phép người trong cuộc có giây phút buồn lòng. Đời tù là như vậy, hợp đó rồi tan đó, có khi không còn gập nhau nữa. Ngày hôm sau, một đoàn xe vận tải chở những người tốt phúc sắp sửa lên đường trở về miền Nam sao tám năm giài biệt xứ. Tới khi nào đây những tù còn lại phải bị giữ đến bao giờ để được tiếp tục học tập dưới “ánh sáng của xã hội chủ nghĩa” mà theo lý luận cộng sản thì phải là bọn “ác ôn côn đồ, nhiều nợ máu”. Lo nghĩ thì lo nghĩ nhưng không miên man vì đã có lệnh biên chế lần nữa. Thế là tư trang lên lưng chạy ngược chạy xuôi như cảnh cháy nhà chạy lửa. Rồi thì nếp sống tù tội lại trì trệ, uể oải, chán chường, chỉ còn bản năng của con thú

      Những người còn lại được biên chế lộn xộn không còn sắp xếp theo cấp bậc quân đội hay hành chính nữa. Trại xếp đội phiên dịch vào buồng 2 ngay đầu bên trong cổng khu với chủ đích trình diễn cho khách đến thăm bất ngờ. Vì trại chiếm ngọn đồi cao nên nương canh tác nằm dưới chân đồi, làm cho những lượt đi về khá nhọc nhằn. Hoa mầu phụ chủ yếu là rau muống tăng lượng rau xanh cho tù. Kết quả không được tù quan tâm lắm vì trại đã có quầy bán thực phẩm cho tù. Quầy hàng gọi là căng tin chủ yếu bán mọi thứ cần dùng cho cán bộ trại thì nay được nới rộng ra cho tù vì số tiền gia đình gửi cho tù quá nhiều nếu không khai thác thì uổng. Tiền gia đình gửi vào được đăng ký cho ban tài vụ và tù nhận được một phiếu chứng minh sở hữu, mọi chi tiêu đều được thanh toán qua phiếu đăng ký đó. Quầy hàng chủ yếu bán nhu yếu phẩm và đồ tươi như cá thịt, trứng và rau cải. Vì nhu cầu đa dạng của tù cải tạo, quầy hàng cung cấp gần đủ mọi thứ, cả gạo ngon. Số tiền chi tiêu hàng tháng của tù nhiều gấp mấy lần số chi tiêu của cán bộ trại. Mỗi khi ngả thịt một con heo hay cả một con bò cũng không đủ thỏa mãn nhu cầu của tù, và chức trưởng căng tin rất béo bở, lẽ cố nhiên phải biết thỏa mãn đàn anh.

      Đương nhiên trại phải chấp thuận cho nấu nướng, một điều trước đây coi là trái với nội quy. Trại cho phép tù dựng lều làm bếp, thế là đằng sau mỗi giẫy buồng giam là một giẫy lụp xụp lều tranh vừa là bếp vừa nhà ăn cá nhân hay tập thể. Có những tù không liên lạc được với gia đình thì đổi công đi lấy tre lá làm trại bếp và nhờ dịch vụ cung cấp đó đã có thể tiếp tế ngược cho gia đình ngoài xã hội, dĩ nhiên là phải có điều kiện sức khỏe đặc biệt. Người tù cải tạo bắt đầu khai thác lợi thế của bản thân để tạo lấy một nếp sống tù đầy dễ thở hơn. Những dịp được gia đình tiếp tế hoặc thăm nuôi là cơ hội để liên hoan trao đổi giao tình bạn bè, người tách trà, kẻ cốc cà phê, thậm chí có cả men cay, phì phà khói thuốc thơm, ca hát nghêu ngao, quên đi phần nào thân phận tù đầy. Công an cảnh vệ chẳng rầy la thì chớ lại còn yêu cầu bài nầy bản nọ cho ấm lòng người ngoài song sắt giữa dêm đông giá lạnh.

      Mức độ sung túc của một vài tù cải tạo đã biến thành một đợt sóng ngầm, có người nhận cả trăm kí quà, phần lớn là hàng ngoại với lối gói ghém cầu kỳ đẹp mắt và công dụng xa lạ cho cán bộ xét quà cũng như cán bộ đứng nhìn. Báo sách Tây Phương nhập trại như Bác Sỹ Zivago, Giờ Thứ Hai Mươi Lăm cũng được chuyền tay nhau đọc. Nói theo luận điệu thông thường của tù thì “nhầm nhì gì ba cái lẻ tẻ đó” khi mà quan tâm chính của cán bộ trực trại là nhu cầu của bản thân và của vợ con. Một cán bộ xin được của tù, rồi hai cán bộ, rồi bao nhiêu cán bộ cũng xin được miễn là trực tiếp với tù. Xin được một lần như trót leo lưng cọp vì nhu cầu cứ kéo theo nhu cầu, mặt hàng càng ngày càng đa dạng mời gọi cám dỗ trong khi đồng lương tháng không còn cho họ làm đảng viên trung kiên được nữa.

      Ông bà ta thường nói “miếng trầu là đầu câu chuyện”, nhưng ở đây nhu cầu của cán bộ đã mở rộng quan hệ tù và cán bộ. Sự việc đã tạo cho tù một nếp sống dễ chịu hơn. Mức độ kiểm soát nới lỏng gần như một sự hòa-hợp-hòa-giải giữa hai ý thức hệ đối nghịch tuy vẫn còn xa. Một phưong cách giao dịch cùng lợi cùng hưởng dần dà xoi mòn công tác cải tạo ngụy quân ngụy quyền. Cán bộ trại ngồi trong lều bếp xì xụp bát mì ăn liền, thưởng thức tách cà phê, phì phèo điếu thuốc thơm trong cái rét ngọt mùa đông miền Bắc như đôi bạn cố tri tuy tâm não đồ chắc biến thiên khác nhau. Mực độ dễ dãi tăng đều đều, chuyện cấm kị tù tiêu tiền mặt nay cũng lơ là coi như tự nhiên, mua bán trực tiếp cầm tiền mặt cán bộ thích hơn là qua ban tài vụ. Một cán bộ trước khi về quê mà khéo léo thông cảm thế nào cũng được ít tiền vặt dắt lưng mua quà về quê. Thế nhưng giữ nhiều tiền mặt cũng có bất lợi khi có lệnh đổi tiền bất ngờ, tuy nhiên đó cũng là một dịp làm ăn của cán bộ. Đối với cán bộ cộng sản thì không có vấn đề nhân nghĩa lễ trí tín. Họ có thể nhờ vả đối tượng rất nhiều nhưng lúc có vấn đề thì họ vẫn làm ngơ như xa lạ.

      Những tiếp tế cho tù, những số tiền mà thân nhân gửi trại cho tù chi tiêu và cung cách của tù đã làm cho cán bộ phải chóa mắt. Lòng tự hỏi lòng, người công an kia được chế độ nâng niu, thấy rằng bọn ngụy quân ngụy quyền sau mười mấy năm bị nhà nước triệt hạ mà vẫn còn đầy đủ phương tiện hơn họ là nghĩa lý gì? Một cán bộ công an mà lắm khi tiêu chuẩn thịt không dám ăn, đem bán lại cho tù lấy tiền mua thực phẩm khác rẻ hơn để được nhiều hơn cho cả gia đình. Những lúc vợ ốm con đau phải muối mặt ngửa tay xin tù từng viên thuốc tư bản vì thuốc xã hội chủ nghĩa không công hiệu. Lần hồi đã thành chuyện tự nhiên để rồi chung cuộc lại thành nhu cầu thúc bách, ăn quen, nhịn chẳng quen, nhu cầu ngày một leo thang băng hoại cả con người.

      Công trình cải tạo ngụy quân ngụy quyền coi như nước sông ra biển. Hồi 1975 những giảng viên từ Bắc vào dương dương tự đắc cho là “Đảng đã làm là phải làm được”. Nhưng trong thực tế, “trăm nghe không bằng một thấy”, sau bao nhiêu năm tiếp xúc với đối tượng mà Đảng đã nhồi sọ là “tệ hơn thú rừng”, người cán bộ công an đã sáng mắt ra. Chung cuộc họ thấy ra sai lầm của bản thân và tự tìm ra một phương thức sửa sai bù trừ cho bõ những năm tháng hoang phí.

      Một ít ánh sáng đã le lói ở cuối đường hầm, nếp sống cải tạo thành thứ yếu và người ta quan tâm nhiều hơn đến giai đoạn “hậu cải tạo”. Thế là phong trào học tiếng Anh giấy lên, tự học với sách gia đình đưa vào hoặc với hướng dẫn của những người có khả năng hơn. Cán bộ cũng mon men học tiếng của Đế Quốc “kẻ thù của nhân dân ta” nhưng mức độ văn hóa không cho phép. Người tù coi lao động như một phương pháp trị liệu để được sống với bầu không khí tự do, với vũ trụ và thiên nhiên, thoát ra vòng rào giam hãm để chăm sóc luống rau giàn đậu cho bữa ăn của mình thêm phần phong phú. Lao động cho trại chỉ là việc ngoài lề.

       Trong khi ấy có tin đã được báo Nhân Dân đăng tải là Tướng hồi hưu John Vessey đặc phái viên của Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đã đến Hà Nội đầu mùa Hè 1987. Một trong những đề tài bàn thảo với cấp lãnh đạo Hà Nội là số phận quân cán chính Sài Gòn bị giam giữ không xét xử. Không biết xác thựx ra sao nhưng ít nhất cũng là một tín hiệu đáng mừng. Một đôi tháng sau cán bộ trung ương về cho gọi một số người lên làm việc, một sự việc khá thông thường trong thời gian qua. Dư luận tù cho rằng thành phần từ trung ương về thuộc hai cơ quan khác nhau của bộ Nội Vụ mà chức năng được tù phỏng đoán do sự đối đáp với tù. Một chút hé mở để cho tù thoáng thấy hy vọng. Tuy nhiên với sự suy diễn của con người xã hội Tây phương thì sự dự đoán cái lô gíc cộng sản thường trật đường rầy.

      Thế nhưng khoảng hơn một tháng sau nhân lễ Quốc Khánh 2-9-1987, cán bộ trung ương về Nam Hà tổ chức một lễ phóng thích rầm rộ. Một số đông được gọi tên và cho biết phải ăn mặc lịch sự lên hội trường của trại, một nơi xưa nay chỉ dành cho cán bộ. Khung cảnh trang hoàng rực rỡ, cờ xí ngập tràn, hoa cảnh tươi tốt, ghế mây có dựa, bàn chủ tọa và bục diễn văn có hoa tươi cây cảnh. Chuyên viên thu hình chộn rộn lăng xăng. Những người đươc tha phải tập trung vào một buồng riêng biệt để làm thủ tục và mua vé xe lửa. Một lần nữa tài sản được san sẻ cho các bạn còn ở lại. Gọn nhẹ hành trang nhưng nặng tình cảm lúc chia tay, tình chiến hữu đậm đà nhất là tình bằng hữu trong cảnh khố rách áo ôm, hột muối cắn đôi, thấm thía vô vàn.

      Có cán bộ đi theo đàn chim ngơ ngác sổ lồng ra ga xe lửa. Con tầu từ Hà Nội lù lù xình xịch đến với những toa xập xệ như thu lượm từ bãi phế thải. Bọn tù cách ly lâu năm đâm ra dị ứng với mọi sự vật. Mặc dầu đã mua vé nhưng dân chúng đổ xô chen lấn và nếu không có cán bộ tháp tùng thì không có chỗ ngồi trên dẫy ghế nứt nẻ sơn phết long lở. Dân hàng rong bán cả các chậu nước rửa mặt. Con tầu chuyển bánh cà xịch cà tàng đến Nam Định là một  thành phố lớn ở miền Bắc. Đường xá nhỏ hẹp, nhà cửa lụp xụp nghèo nàn sau mấy chục năm Xã Hội Chủ Nghĩa. Vì tầu còn dừng lại lâu nên anh em rủ nhau ngơ ngác tham quan, ghé vào một quán phở, ngồi chờ khi không thấy ai hỏi han thì lên tiếng gọi một bát phở. Một cô gái mặt lạnh như tiền hỏi cộc lốc “phiếu ăn đâu”? Lỗi ở sinh hoạt trong tù cải tạo làm cho con người chẳng còn biết sinh hoạt ngoài đời xã hội chủ nghĩa!           

      Tầu đi qua những cảnh quen thuộc “chồng cầy vợ kéo” lam lũ. Có chỗ phải kéo sập cửa sổ xuống để tránh nạn bị dân “chân lấm tay bùn” ném đá và cứt trâu vì không ưa cái văn minh cơ giới của xã hội tư bản. Tù ga Vinh vào, khi tầu ngừng lại các ga lớn thì con buôn tràn lên hỏi mua chăn mền và nhiều mặt hàng khác. Qua sông Bến Hải thì quang cảnh quen thuộc đổi thay, có lẽ vì chủ quan. Một em bé bán kem cây được chiếu cố tận tình nhưng nhất định không chịu lấy tiền vì “bố em trước trong quân ngũ đã dặn là không được lấy tiền của các chú bác tù cải tạo”! Tầu đến Lăng Cô thì phải chờ hiệu qua Đèo Hải Vân vào một đêm trăng thơ mộng gợi tình. Thế là điệu ca câu hát nổi lên, lâu lắm người dân mới được nghe nhạc vàng công khai. Chuyện bán buôn không còn quan trọng, một cô bé cỡ tuổi 15 cất tiếng ca hết bài nọ đến bản kia nhạc vàng đồi trụy. Rồi có tiếng la “công an”, các cô cậu tản mác như đàn ong vỡ tổ.

      Đoàn xe lửa nuốt con đường xuyên Việt đưa đoàn người tập tễnh những bước đi tự do về gần lại với quê hương. Sau mười mấy năm trời hòa bình mà vẫn không có gì thay đổi, vẫn con trâu đi trước cái cầy và vẫn đoàn người khom lưng với việc đồng áng! Nuốt xong một ngàn bẩy trăm cây số tàu len lỏi đến ga Chí Hòa, những cặp mắt dò tìm, những dung nhan rạng rỡ, những bàn tay vẫy chào. Song niềm vui hội ngộ cũng chỉ ngắn gọn vì trại trưởng Nam Hà lại gọi mọi người trở lên xe. Thì ra là một đòn biểu diễn uy quyền của công an thành phố; đến phút chót vẫn còn những xảo thuật gây bất ngờ.

      Sài Gòn ơi! Thành phố thân yêu sau mười mấy năm trời cách biệt. nét kiều diễn vẫn còn tuy sa sút, tuy quá nhiều xe đạp, quá nhiều những nón cối dị hình và những đồng phục công an lạ mầu. Những con người đã trải qua trên phần mười thế kỷ lưu đầy không thấy bản chất thay đổi mặc dầu thành phố nay đã “mang tên Bác”. Những người vừa được tự do kia cũng chỉ là những con chim xổng lồng nhỏ để chui vào một cái lồng to hơn và lộng lẫy hơn. Hết công an khu phố, đến công an phường, công an quận, chầu chực hết cô công an này đến anh công an khác để làm các thủ tục hành chính linh tinh.

      Trong tinh thần cam kết với phía Hoa Kỳ người ta chịu để cho cựu tù được ra đi tái định cư nơi nào mình muốn. Cựu tù được tụ tập khỏi xin phép để nộp hồ sơ xin xuất cảnh. Nghe thì đơn sơ dễ dàng nhưng công an có dịp lấy tiền bán các mẫu nọ mẫu kia rồi đệ nạp mọi thứ cho công an mà không biết đâu mà dò tìm. Hà Nội cho thành lập “Dịch Vụ Xuất Nhập Cảnh”, thật sự là để làm tiền những ai muốn ra đi nhanh chóng, để có chỗ lót đường tối thiểu bằng bao thuốc ba số 5. Vậy mà đâu đã hết, có thông hành trong tay còn phải qua khâu Ngoại Vụ, rồi xét xem có phép nhập cảnh của quốc gia sắp đến. Đâu đâu cũng tiền, tối thiểu là bao thuốc thơm ba số. Ngay khi trong khu cách ly chờ lên máy bay công an còn hỏi tới hỏi lui chi tiết này nọ, một cách dằn mặt trước khi buông tha. Chỉ khi máy bay cất cánh mới thấy lâng lâng nghĩ đến tương lai khi tuổi đã xế chiều để đương đầu với cuộc sống mới từ con số không.

 

Trần Đỗ Cung
Viết tại Prunedale California
Ngày 2-18-2007, tức mồng Một Tết Đinh Hợi

 


TRẦN ĐỖ CUNG

Sinh ngày 28 tháng Ba năm 1922 tại Nho Lâm, Nghệ An.

Chính quán tại Nhị Khê, Hà Đông. Trưởng thành ở Thanh Hóa.

Tốt nghiệp Thành Chung tại Collège de Thanh Hóa, nhập học trường Quốc Học Khải Định Huế và tốt nghiệp Tú Tài toàn phần toán năm 1942.

Ra Hà Nội học môn Toán Chuyên Biệt (Mathématiques Spéciales) ở trường Albert Sarraut và đậu các bằng Toán Học Tổng Quát (Mathématiques Générales), bằng Cơ Học Lý Tưởng (Mécaniques Rationelles) năm 1944 và 1945.

Trong thời kỳ này hoạt động tích cực với Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương, Tráng Đoàn Hướng Đạo Lam Sơn của Hoàng Đạo Thúy. Và tham gia phong trào ái quốc Việt Minh chống Pháp cho đến khi trở về Hà Nội năm 1947 làm gián điệp đột nhập đầu não của Pháp ở Thành Pháo Thủ. Năm 1949 thành hôn với cô Nguyễn thị Bảo là con cụ Phủ Nguyễn Đình Tại. Nhận làm Giám Đốc Thể Dục Thể Thao cho Bộ Trưởng Nguyễn Tôn Hoàn và di chuyển vào Sài Gòn.

Động viên nhập ngũ năm 1953, du học Pháp Quốc tại trường Không Quân Salon de Provence và tốt nghiệp cuối năm 1955 với bằng Kỹ Sư Cơ Khí Hàng Không.

Đổng Lý Văn Phòng Bộ Thanh Niên năm 1964 rồi Tổng Cuộc Trưởng Tổng Cuộc Tiếp Tế 1965-67, ngang hàng Thứ Ủy trong chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, đương đầu và phá vỡ sự phong tỏa kinh tế Thủ Đô của Việt Cộng.

Về hưu quân đội Tháng Mười 1972 với cấp bậc Trung Tá và vào thương trường cho đến khi mất nước thì may mắn di tản qua Mỹ Tháng Tư 1975 rồi được bảo trợ về định cư tại Monterey California cho đến nay. .

Prunedale, 2 Tháng Ba, 2007

Tác phẩm :



Câu chuyện một di dân tị nạn Việt

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.