Trần Đỗ Cung - Chứng nhân lịch sử cận đại |
Câu chuyện Việt Minh 45-54
Đây là một chuyện thật mà nhân chứng là em gái độc nhất của
tôi kể lại trong nước mắt còn ngấn đọng. Nhiều thập niên đã qua.
Kể
từ thời kỳ phong trào ái quốc, rồi những năm cộng sản đánh lừa nhân
dân, tới cuộc chiến Nam Bắc tương tàn cho đến kinh tế thị trường của
lũ Tư Bản Đỏ mặc áo Hoàng Bào tiếp các chính khách tham dự APEC.
Gia đình tôi có cả thẩy chin anh em nhưng đa đinh trừ một em
gái kế tôi tên là Bạch Liên khi mẹ tôi nằm mông thấy Phật Bà Quan Âm
đưa cho một đóa sen trắng. Em tôi chỉ được đi học hết lớp Nhất theo
quan niêm xưa là con gái chỉ lo công dung ngôn hạnh. Em là tay hòm
chìa khóa trong gia đình, chăm nom các em nhỏ, thu vén việc nhà cho
mẹ, giỗ chạp bánh trái khéo léo. Những lúc thư dãn rảnh rỗi em cũng
văn chương thơ phú dưới bút hiệu Lina và gửi đăng trong báo Phụ Nữ
Tân Văn. Lúc Việt Minh đoạt chính quyền lãnh đạo kháng Pháp, Liên
cũng như mọi người cảm thấy hừng hực ngọn lửa ái quốc và tình nguyện
đi bộ đội theo lời gọi của tâm thức. Ở tỉnh Thanh Hóa nhiều người
còn nhớ hình ảnh cô con gái cụ Đốc Lương trong y phục đen, ống quần
buộc túm lại trên mắt cá, đầu đôi mũ vải đen chùm hết mái tóc quăn,
hiên ngang lên cò bắn biểu diễn một tràng Đại Liên mà cơ xưởng Thanh
Hóa vừa hoàn tất.
Thế rồi em cũng đi lấy chồng, một người mà em gập trong đám
thanh niên cùng lứa xung phong tòng quân. Đó là Trần Thiện Thuật,
học trò của Bố và là con ông Cả Bân chủ đồn điền Gi Linh. Hình ảnh
Thuật hùng dũng cưỡi con ngựa tía, lưng đeo khẩu súng sáu đã làm
Liên mê mệt. Ông Cả Bân là cậu cả con cụ chủ đồn điền nên phóng
khoáng, lịch sự đẹp trai. Việc trông nom đồn điền ông giao cho ông
anh rể và ông hay phi ngựa vào rừng săn bắn, bạn bè giao du rất
nhiều. Tất cả dân trong ấp đều được ông nội đưa từ ngoài quê vào và
được cấp ruộng cấp nhà, cấp lương thực nên họ rất biết ơn và kính
trọng.
Đời sống mới tuy xa lạ với khi ở nhà giúp mẹ nhưng cũng vui.
Sáng sớm trông nom cho chị bếp giậy từ 4 giờ nấu cơm cho người làm
ăn trước khi ra đồng. Tất cả mười người chia thành hai mâm, thường
có dưa cà, thêm một đĩa thịt mỡ kho măng hoặc cá kho với khế hay đu
đủ, chuối xanh là những thứ trong vườn nhà có sẵn dùng đổi món. Ngày
mùa thì cơm ba bữa, còn ngày thường thì buổi tối là nồi cháo đậu
hoặc nồi khoai hay bắp luộc. Mùa gặt phải thuê đông thợ, đi chợ phải
mua thêm thức ăn. Buổi tối trông nom cho xay lúa giã gạo đến 12 giờ
đêm. Sáng ra nghe hắng giọng của ông bố chồng lúc khoảng 4 giờ là
Liên thức giậy lấy chổi phất trần quét bụi bàn ghế rồi sắp sẵn khay
ấm chén trà. Ấm đun nước sôi bằng đồng, phần trên là ấm đựng nước,
bên dưới bỏ than quạt hồng cho mau sôi, rồi bưng lên cho ông bố ngồi
rung đùi ngâm thơ. Rồi lại xuống bếp trông coi cơm nước cho người
làm ăn uống. Công việc tuy không nặng nhọc nhưng vất vả vì thiếu
ngủ.
Năm Liên mới có đứa con đầu lòng là năm bộ đội về đóng quân tại
nhà. Đơn vị toàn là dân trí thức tiểu tư sản nên dễ thông cảm, tuy
nhiên tiểu tư sản đi đến đâu là có rắc rối ở đó. Tối tối các chàng
hiệp sĩ cứ mò sang trồng cây si, cô ả phải gọi cô em dâu sang ngồi
cho có chị có em. Đuổi người ta đi thì sợ đụng chạm đến bộ đội mà có
một mình thì lại tiếng ra tiếng vào eo xèo. Thuật được bố vợ giới
thiệu cho đi dậy học vì ở nhà lo việc đồng áng thì khổ cho anh ta
quá!
Năm 1951 Liên sinh cháu thứ nhì Liên Châu. Vụ nầy trúng mùa lại
gần Tết tát ao chia cá cho các gia đình. Cá chép, cá mè, cá trôi,
cặp tre nướng giắt lên gác bếp; cá quả, cá rô, cá trê, cho vào nồi
30 và thau lớn đổ đầy nước để giữ ăn dần. Lại hạ lợn bán thịt giữ
lại một phần ăn Tết. Lấy nửa bộ lòng và tim gan cật làm cơm, bố
chồng và Thuật ngồi ăn nhắm rượu trắng chuyện trò vui vẻ. Ra Tết
thức ăn còn nhiều, lúa đầy kho, thực phẩm dư dật đúng là thời điểm
sung túc. Khi khỏe rồi lại theo người làm ra trông đồng. Ngồi trên
bờ cũng buồn Liên xuống ruộng học làm, mùa cấy thì học cấy, mùa gặt
thì học gặt, đi ra đồng thấy vui. Cho nên trong thời gian đấu tố
Liên đã thành một nông dân giỏi giang ngang tay với các nông dân
khác.
Cha mẹ và các em đã “dinh-tê” đến Hà Nội rồi. Ngày ấy nhiều
gia đình ở Cầu Bố phải tìm cách về vùng Tề vì sống trong vùng kháng
chiến khổ quá. Thời gian này đang phát động phong trào cải cách
ruộng đất găng lắm. Nơi này nghe nói xử tử địa chủ, nơi kia nghe bàn
tán bắt giữ địa chủ. Gia đình lo sợ cho số phận của Bố. Ông bị bắt
ngày mồng hai tháng Chạp năm Thìn (1952). Đội cải cách cho du kích
vác súng đến trói tay ông lại và dẫn đi. Cả nhà hoảng hốt cuống
cuồng mà vẫn tin là Ông đang làm Ủy Viên Huyện thì không dính tội,
có lẽ chỉ bị bắt nhầm thôi.
Gia đình không làm gì ác, không bóc lột. Mọi người trong nhà
vẫn ngây thơ tin vào sự lương thiện của mình. Có biết đâu chủ trương
của đảng là noi theo đàn anh Trung Quốc, đánh gục địa chủ phú nông,
san bằng giầu nghèo, đất nước do công nông làm chủ. Tết đến trong
hồi hộp. Rồi họ kéo nhau đến khám nhà. “Bố tôi có một khẩu
Browning nhỏ, chồng tôi đem ra bờ ao đào hố chôn dấu. Khám xét không
tìm thấy giấy tờ chứng cớ phản động. Chúng chỉ lấy cớ xâm nhập để
kiếm chác. Cha chồng tôi đâu có của chôn dấu mà chúng lấy que sắt
xỉa nát nền nhà. Rầm rộ ra oai quát tháo một chập rồi rút lui sau
khi ra lệnh cấm các gia đình địa chủ liên lạc với nhau. Anh Thuật
cũng không được đi dậy học nữa. Học trò cũng bị xách động đem thầy
giáo ra bãi để đấu tố, thêu dệt thầy tàn ác đánh học trò, hủ hóa”.
Rồi đội về phát động đấu tranh ruộng đất. Ruộng của địa chủ bị
tịch thu hết. Gia đình vợ chồng Liên-Thuật được chia cho hai sào
ruộng xấu cạnh nhà, còn những gia đình họ hàng thì không được biết
vì cấm liên lạc. Các ông chú cũng là thành phần địa chủ, Thuật là
con địa chủ, riêng Liên chỉ là dây dưa nên được ra ngoài thôn đi chợ.
“Chợ họp chiều tối vì ban ngày sợ bị ném bom. Anh Thuật bẻ cho tôi
hai dành đu đủ xanh, mỗi đầu gánh có vài trái, tôi gánh đi bước thấp
bước cao trên bờ sông nông giang; đường bùn lầy nên trượt ngã, đu đủ
nằm lăn lóc dưới sông. Cũng may mùa này nước cạn, tôi đặt quang gánh
lội xuống sông nhặt đu đủ lên xếp vào gánh rồi lại tiếp tục, cứ vậy
ngã vài lần thì có vẻ đã tạm ổn. Rồi cũng bán hết đu đủ mua được
thức ăn về cho chồng con. Chỉ hai lần là tôi gánh thạo tuy rằng hai
vai sưng đỏ đau lắm. Phải cố gắng, sự no đói sống còn đều trông đợi
vào đôi quang gánh trên vai ngươi đó Bạch Liên ơi”!
Thế là ngày mùa đi làm ruộng, ngày rảnh quẩy gánh bán buôn
kiếm thêm tiền mua thức ăn cho chồng con. Trong vườn trồng chuối, đu
đủ, trồng rau, khoai lang, ăn không hết thì đem ra chợ bán. Nuôi gà
có trứng, ăn một ít còn thì đem ra chợ bán mua thịt lợn. Buôn bánh
đa thái nhỏ như sợi miến bó thành 12 bó, bán hết thì lời được hai
bó; mớ vụn còn lại thì nấu canh với rau dền cơm nhổ ngoài vườn, nêm
chút muối, mắm tôm ăn cũng thấy ngon. Mãi rồi cũng thuê được một chỗ
ngồi bán lẻ, đi chợ sớm mua mớ hành mớ rau phân ra bán lẻ cũng có
chút lời.
Đang bán hàng ở chợ thì thấy bà Trương cùng thôn là bà mụ đỡ
đầu cháu Liên-Chi xà xuống bên cạnh. “Bà không sợ thằng Điều thấy
báo cáo bắt ra ủy ban kiểm điểm à”? Bà cười cười nói nói,
“đây là ngoài thôn mà”, rồi bà ra về. Phiên chợ sau bà
lại đến và hỏi, “có muốn cải thành phần không, nếu chịu
tôi sẽ đứng ra làm mai mối. Sẽ được cấp hai mẫu ruộng, nông hội sẽ
giúp cho, không còn phải chân lấm tay bùn, được cấp nhà ở và trợ cấp
hàng tháng nữa”? Bà tiết lộ trên đưa về một số thương binh tìm
đối tượng, đẹp người đẹp nết và có học và anh ta chỉ mất một chân
một tay, khỏe mạnh, vẫn đi lại được bằng nạng, đủ tiêu chuẩn!
Về nhà kể với Thuật thì anh chàng có vẻ nghĩ lung lắm, có lẽ
sợ vợ mình khó qua khỏi rồi thay lòng đổi dạ thì sao? Nhưng làm sao
Liên bỏ được chồng và đàn con dại để sung sướng một mình. Mấy hôm
sau Liên mạnh dạn trả lời, “tôi không thể bỏ ba đứa con thơ của
tôi được”. Cũng may thế là xong, nhưng sao đầu óc chúng toàn là
bã đậu đen thế để đi dụ người ta bỏ chồng bỏ con để lấy thằng què
thằng cụt?
Năm 1953 Liên sanh cháu gái Liên Trâm. Bụng chửa vượt mặt mà
vẫn phải ra đồng gặt lúa. Lúa chin phải gặt gấp mà địa chủ thì không
được thuê người làm, không được đổi công với người ngoài. Cho rằng
địa chủ không biết làm nên chúng hành cho bõ ghét. Trong nhóm người
nhà ra đồng có vợ chồng Liên-Thuật, bà dì ghẻ và cô em chồng là bốn
người nhưng chỉ có Liên là làm thạo và nhanh. Tối đến hai vợ chồng
đập lúa, trời sáng trăng con ngủ yên, khi trăng lặn gần sáng mới
xong, vun lúa lại thành đống đợi sáng chan ra phơi, rơm rũ tơi để
đấy. Làm xong lăn ra ngủ, tuy nhiên hai vợ chồng dẫu lao động vất vả
vẫn có đủ sức khỏe. Liên bụng to nên miễn gánh lúa, Thuật một mình
gánh tất. “Tôi còn nhớ thuở áy có được một quả trứng gà trộn vào
bát nước cơm thêm chút muối rồi bác sền sệt thế là vợ chồng con cái
cũng ăn ngon miệng đủ bữa. Mẹ chồng tôi cùng bà Bác bà Thím khi tan
chợ còn ngồi lại ăn bánh tráng với đậu phụ chấm mắm tôm. Tôi phải
tất tả ra về cho con nhỏ bú. Đầu gánh có ngọn đèn dầu lạc treo tòn
teng, ánh sáng chiếu ra mờ mờ thấy đường mà đi. Đường vắng nhưng tôi
cứ bạo dạn bước nhanh, lúc này đầu óc còn lo bận rộn gia đình nên
không còn nghĩ đến ma nữa”.
Liên Trâm sanh đúng vào thòi gian đấu tố nên Liên tự sinh
lấy. “Tôi thấy lưng đau ở ngoài đồng nên vôi vã về nhà nhờ cô em
chồng bắc nồi nước sôi bỏ cây kéo inox vào luộc luôn. Tôi kê sẵn
chõng tre trong buồng với hai cái gối để nửa nằm nửa ngồi vì biết
mình phải vượt qua đơn thương độc mã. Anh Thuật đi đón bà mụ chưa về
thì tôi đã sinh xong. Cô em chồng nhờ chị nông dân hàng xóm sang cắt
rốn cho cháu. Khi chị ta qua tay cầm một cái liềm thì tôi hoảng hốt
bảo chi rửa tay chùi cồn và dùng chiếc kéo đã luộc mà cắt. Cháu Trâm
sinh ra bụ bẫm hay ăn chóng lớn, cả ngày nằm nơi vì mẹ trăm công
nghìn việc dâu có rảnh mà bế ẵm. Sinh cháu là thêm một nhân khẩu,
bớt được một phần thuế. Nhưng Nông Hội lại bắt chúng tôi phải trả đủ
số lúa tô của Bố. Thật là phi lý, nhưng cãi với ai đây”?
Trở lại buổi tan chợ Liên lại bước thấp bước cao quẩy gánh vội
về cho con bú. Có miếng thịt thì dấu tận dưới đáy mủng kẻo chúng nó
thấy thì cho là địa chủ còn dấu được nhiều tiền, khó sống lắm!
“Đang buổi chợ tôi đâu dám mua thịt, có nhiều đứa làm đội viên an
ninh đi tuần dò thám vợ con địa chủ về báo cáo với Đội. Nói đến Đội
là rợn tóc gáy. Họ hàng địa chủ bị cấm liên lạc, anh Thuật là con
địa chủ bị cấm ra khỏi làng. Tôi là vợ được đi chợ mua bán tuy nhiên
vì tinh thần bị khủng bố run sợ quá nên ra đồng trồng tỉa và ra chợ
lo mua bán cho mau rồi về với chồng con. Thấy mấy bố con trông ngóng
mà ứa nước mắt. Cho con bú, ăn vội vã bát cơm rồi đi kho thịt vùi
nồi góc bếp. Khi ăn cơm gắp thịt cho con thì vùi dưới chôn bát bảo
nhỏ các con đây là món mà tụi an ninh nó vào bất thình lình là có
chuyện. Trên mâm gỗ chỉ có bát cà, tô canh xuông hoặc đĩa rau luộc.
Địa chủ có ăn là đã có hạng, bị đói là chuyện thường”.
“Nhớ hồi đói năm Ất Dậu trước năm 1945, gia đình chồng tôi
nấu cháo phân phát cứu đói, san sẻ phần mình cho dân ấp. Bây giờ có
phong trào đấu địa chủ, chúng quay mặt đi. Lớp già còn ngấm ngầm
thương xót nhưng lớp trẻ thì hoạnh họe nạt nộ đủ điều. Biết thân
phận chúng tôi chỉ im lặng chịu đựng. Trước thì thưa thì bẩm cụ Chủ,
các cô các cậu nay thì thằng nọ con kia. Cũng may ông Nội chúng tôi
không còn tại thế để nghe và chịu đựng những cảnh đau lòng ấy. Vài
tháng sau ủy ban xã cho gọi mẹ chồng lên và cho bà đi thăm ông. Thân
tù tội mà không biết là tù tội gì, đó là điều rất đau khổ cho bố
chồng tôi. Mang đi cho ông ít quần áo thường, ít thức ăn, gặp được
một lúc rồi lại lếch thếch ra về mà mắt đỏ hoe. Sau hai lần đi thăm
ông lại bị chuyển đi trại khác”.
Một tháng sau, nghe trong thôn reo hò ầm ĩ gọi nhau đi đấu địa
chủ trên núi Đình. Du kích vào canh nhà, bắt vợ con địa chủ ngồi yên
trên thềm không cho đi lại. Chúng bắt em chồng đi chứng kiến đấu tố
bố. Rồi hò reo, rồi đả đảo có bài bản sẵn. Cán bộ hô gì thì mọi
người hét đả đảo. Khoảng một giờ sáng nghe ba tiếng súng nổ, ông gục
ngã lăn xuống hố đã đào sẵn bên cạnh. Chúng vùi xác ông tại chỗ, cấm
gia đình ra nhận mộ. Bàn thờ và đồ thờ tự chúng đã khiêng đi hết.
Thuật phải lấy cánh cửa dùng thừng đóng đinh lên tường làm bàn thờ,
vợ chồng con cháu làm lễ phát tang trong tức tưởi đau đớn, và làm
nhanh vì sợ bọn du kích vào phá hủy. Thật ra đâu có vải mà vấn khăn
tang.
Rồi vợ chồng vẫn phải làm việc nuôi sống bản thân và con cái,
cố gắng với lòng can đảm vượt qua đoạn đường cực khổ này. “Trời
nắng hạn, sau khi sanh được 21 ngày đã phải xuống ruộng xới lúa. Tôi
thầm cầu khẩn Trời phù hộ cho mưa xuống vì ruộng đã khô nứt nẻ rồi,
không nước thì chết đói. Giờ đây cuối đời ôn lại tôi mới thấy mình
đã có đủ nghị lực sát cánh cùng chồng sống cam go cực khổ để đến
ngày hưởng phước Trời ban cho”.
Chiều tối du kích lại vác súng vào nhà gọi chồng đi đem sang
xóm Đông nhốt tại một nhà dân. Sáng hôm sau ủy ban gọi vợ lên và
phán rằng, “chị có vàng đem nộp thì ủy ban sẽ thả chồng
chị về”. Chúng nghĩ rằng Liên là con cụ Đốc Lương nên có vàng
cất dấu. Đêm ngủ trong căn nhà với ba con, hễ nghe tiếng động là tay
cầm đèn pin, tay cầm rựa, nếu có đứa nào đột nhập cô em vẫn sẵn sàng
chém để tự vệ và bảo vệ ba đứa con. Sáng hôm sau Liên phải chặt một
miếng nhẫn đem đến Ủy Ban, thế là chúng thả chồng về. Một tuần sau
cảnh bóp họng lại tái diễn, ba lần như thế thì chúng thôi không nặn
của nữa vì chắc đã hết của rồi có bắt Thuật cũng vô ích thôi.
Cuối năm 1953 nghe loa phóng thanh trong làng báo tin mình
đang thắng địch, đã tiếp thu mấy tỉnh miền Bắc, nông dân ai muốn về
quê thì Ủy Ban cấp giấy cho về. Khi Việt Minh tiếp thu Hà Nội dân
chúng ồ ạt xin về. Lúc này có dịch con nít bị tiêu chảy. Liên Châu
cũng đi tiêu ra mắu mủ. Liên ra ủy ban xin giấy đưa con ra nhà
thương Hà Lũng chữa bệnh. Thằng canh điền mù chữ ngồi ghế ủy ban đập
bàn quát nạt trong khi Liên ngồi dưới đất đưa đơn xin đóng dấu. Hành
chán chê một lúc nó mới nguệch ngoạc mấy chữ dưới tờ đơn và đóng
dấu. Bà Nội và chồng cáng cháu bằng võng trong có chăn màn, Chi đi
bộ còn Liên dìu Trâm đi theo, thuê nhà bên cạnh nhà thương tạm trú.
Ba hôm sau xin được Bác Sỹ xác nhận cần cho bệnh nhân về Hà Nội chữa
bệnh. Vì vợ chồng đã bàn bạc cùng trốn đi nên khi về nhà Thuật vẫn
phơi quần áo ngoài sân và buộc bò cạnh đụn rơm sau vườn.
Rồi hai mẹ con lại vác võng và đòn khiêng sang bệnh viện đón
vợ con về. “Sang đến nơi chúng tôi không về nhà mà tìm đường đi
thẳng ra thành phố. Anh Thuật còn giữ giấy chứng minh là cán bộ giáo
dục, anh mặc quần áo nâu cán bộ, lưng đeo xắc cốt, chân đi dép râu,
đầu đội mũ ca lô. Ra đến đường cái thì thấy người ta gồng gánh bồng
bế con cái về Bắc đông lắm”. Trong lúc này Ủy Hội Quốc Tế đang
họp ở thành phố yêu cầu cho dân đi lại tự do không được ngăn cấm.
Tuy nhiên Ủy Ban Nhân Dân vẫn xét giấy tờ kỹ, có hợp lệ mới cho đi.
Loa kêu gọi các gia đình không được chứa chấp người lạ trong nhà do
vậy không tá túc qua đêm được ở nhà bà chị họ ở phố Ngang và phải
quay về quán trọ. Dân quân khám xét thấy không đầy đủ giấy tờ nên
đưa qua một nhà buôn xét lại. Có mặt Ủy Hội Quốc Tế nên tình thế
cũng không đến nỗi gây cấn lắm. Vả lại hai nữ dân quân đeo băng đỏ
cũng là phần tử “tạch tạch xè” chỉ khám qua loa rồi đưa cả gia đình
qua một tiệm phở cho lưu ngụ và phải quay về sáng sớm.
Ở hiền gập lành, may thay có vợ chồng ông hàng phở thương tình
chỉ đường đi đến bến cầu Hàm Rồng có ca nô chờ nước thủy triều lên
mới chạy. Xuống được ca nô là thoát nạn. “Chúng tôi như được cứu
sống, để lại chăn mùng cáng võng, chỉ đem theo mỗi người một bọc
quần áo nhỏ bồng bế nhau đi. Trời đêm tháng 11, mưa phùn gió Bấc rét
run. Cầu Hàm Rồng bị bom đánh sập, phải qua sông trên một thanh tà
vẹt có tay vịn, nhìn dưới sông sóng đánh ầm ầm ghê rợn. Tôi dìu cháu
Châu, anh Thuật cõng cháu Chi, Bà Nội cõng cháu Trâm, lần từng bước
không dám nhìn xuống sông. Chúng tôi xuống một chiếc ca-nô đang nổ
máy. Mờ sáng ca-nô chạy nhưng chỉ ra được một chút thì mắc cạn phải
chờ nước lên mới chạy được và chỉ vài tiếng sau là đến Nam Định. Khi
xét tầu xét giấy tờ, anh Thuật xuất trình chứng minh thư cán bộ giáo
dục đưa vợ con đi chữa bệnh có giấy đề nghị của Bác Sỹ Hà Lũng. Tôi
cho cháu Trâm bú mà trống ngực đánh thình thình chỉ lo không thoát
được thì chết cả nhà, miệng khấn Ông Bà Tổ Tiên phù hộ. Có lẽ sự
thành tâm của tôi linh ứng chăng, chỉ mười lăm phút sau là tàu lại
lên đường và chiều hôm sau là đến Bến Hà Nội”.
Từ Hà Nội qua Hải Dương đến Hải Phòng là đoạn đường gai góc.
Còn hơn một tháng nữa Việt Minh mới tiếp thu Hải Phòng, ai muốn vào
Nam thì đi tầu hỏa xuống Hải Phòng. Đến Hải Dương là ranh giới, tầu
dừng lại để thanh lọc ai đi ai ở. “Mẹ con tôi rúc vào góc toa chở
than, mặt mày đen nhẻm, ai lên ai xuống kệ họ. Anh Thuật xuống sân
ga đi lại với quần áo cán bộ, đeo xắc cốt đi dép râu, tụi công an
tưởng phe ta không hỏi giấy. Nhìn qua bên kia ga thấy toàn lính da
đen bồng súng đứng gác, thấy mà ớn. Tầu bắt đầu hụ còi chạy xình
xịch, anh Thuật nhẩy vội lên tôi thở phào thoát nạn”.
Tầu đến ga Hải Phòng, miền đất hứa của Tự Do, bao nhiêu người
ra đón, biểu ngữ giăng đầy chào đón đồng bào vào Nam. Gia đình đang
lớ ngớ thì có chú Tâm đón đưa về nhà. Một lũ lếch thếch trốn từ Khu
Bốn của Việt Minh ra, họ hàng trông thấy ai nấy dều tỏ lòng thương
xót. Sáng ra bà cô tôi đưa cho 5 đồng Đông Dương bảo ra mua bánh cho
các cháu. “Hàng bánh ngay trước cửa, tôi mua cho các con ăn. Nhìn
các con ăn ngon lành mà lòng mẹ sung sướng ứa ra nước mắt. Khi được
biết cha tôi đang làm Hiệu Trưởng Trường Tiểu Học Phan Thiết chúng
tôi gửi thư liên lạc. Mẹ gửi cho 2000 đồng, một số tiền to lắm và
viết thư cho ông thông gia đang làm Tổng Giám Đốc Công An Bắc Việt,
gởi gấm con rể và các cháu xin giúp phương tiện sớm vào Nam”.
Được giấy thông hành và sáu vé vào Sài Gòn bằng máy bay, thế là sắp
chấm dứt được cơn ác mộng. Những khổ đau nhục nhằn rồi cũng đi vào
quá khứ, vết thương cuộc sống rồi cũng lành miệng. Nhưng vết sẹo còn
lại sẽ không bao giờ phai được trong tâm hồn.
Bẩy năm giài tựa thiên thu,
Tương lai là chốn ngục tù tối đen
Bao nhiêu hạn, bấy nhiêu hèn,
Nhìn con lòng mẹ ưu phiền đớn đau,
Dòng đời còn có mai sau,
Thì con mẹ lại dãi dầu nắng mưa!
Than ôi! Số mệnh đẩy đưa,
Kiếp địa chủ đó chẳng chừa một ai!
Hận mình là kẻ bất tài,
Đời mình đã hỏng lạc loài bầy con,
Cầu Trời ban phước ban ơn,
Cho tôi sức mạnh thoát cơn hoạn này.
(Bạch Liên)
Trần Đỗ Cung
Viết tại Prunedale, 23 tháng Chạp 2006
Theo
lời kể lại của em gái nay ở Sài Gòn
|